Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Xin đừng tuyên án tử hình bà Trương Mỹ Lan (2)

 Lê Học Lãnh Vân

 

Viện Kiểm Sát đề nghị phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'

Theo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất"”. (VNEXPRESS, ngày 19/3/1014).

Mức án nghiêm khắc nhất nghĩa là TỬ HÌNH.

1) “Hậu quả nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi”, nên được hiểu là số tiền mất rất lớn không thu hồi được.

Bài viết này cho rằng số tiền bị mất dù lớn tới đâu cũng không nên vì đó mà giết một người! Việc cần nhất là bằng mọi cách thu hồi số tiền ấy, thu được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, và trả cho người bị mất tiền!

Bài viết lại nghĩ, sự mất mát lớn nhất là tính liêm chính của hệ thống hành chánh công, và kéo theo đó là Lòng Tin trong xã hội bị mất đi. Con người phải sống trong xã hội với xi măng là lòng tin. Không có xi măng lòng tin, xã hội sụp đổ.

Với án Tử Hình bà Trương Mỹ Lan, Lòng Tin trong xã hội có thu hồi lại được không?

Ít nhất 84 người từ SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và các cơ quan thanh tra ngân hàng bị buộc tội tiếp tay cho bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” SCB suốt 10 năm

Bài viết này xin được hỏi, với nhận xét như được trích ở trên, tội của bà Trương Mỹ Lan lớn hơn hay tội của những người thuộc “các cơ quan thanh tra ngân hàng” lớn hơn?

Lợi dụng chính sách Nhà nước trong việc tái cơ cấu ngân hàng, bị cáo đã thâu tóm 3 ngân hàng thương mại cổ phần (Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa). Từ năm 2012 đến tháng 10 năm 2022, bà này đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB”.

Việc thâu tóm các ngân hàng thương mại cổ phần dễ dàng như vậy thì giữa việc quản trị ngân hàng và việc thâu tóm ngân hàng, việc nào là gốc của việc nào, và theo đó, việc nào có lỗi lớn hơn?

Bài viết xin được hỏi, nếu “chính sánh nhà nước trong việc tái cơ cấu ngân hàng” không có khe hở thì ai có thể lợi dụng để lách khe hở? Có phải khe hở luật pháp là nguồn gốc của sự phạm tội không? Nếu quả thế thì có phải phạt nặng người lách khe là bắt bẻ việc nhỏ nhặt mà không quan tâm khắc phục nguồn cơn? Người ta còn có thể thắc mắc: phải chăng việc phạt nặng là để che lấp hay bảo vệ cái nguồn cơn?

Và nếu “hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước” được tuân thủ nghiêm nhặt bởi cán bộ nhà nước thì ai có thể xâm phạm hoạt động đứng đắn này? Trong việc tính đúng đắn của hoạt động bị xâm phạm, cán bộ nhà nước hay bà Trương Mỹ Lan có trách nhiệm, và do đó có tội, lớn hơn?

2) Quan tâm tới việc xây dựng lại, củng cố lòng tin trong xã hội, lòng tin giữa các thành phần trong xã hội, giữa người dân với giới chức trách, bài viết này nghĩ rằng để Lòng Tin được xây dựng lại lâu dài thì các việc cần làm là:

Xây dựng quy trình quản trị tính đứng đắn trong hoạt động nhà nước;

Xây dựng Luật có hiệu quả, lấp đi các khe hở hay các điều còn mù mờ, có thể dễ dàng diễn dịch theo nhiều hướng khác nhau;

Xây dựng quy trình quản trị chiến lược việc Lập Pháp (làm luật);

Xây dựng tính Liêm Chính trong bộ máy hành chánh công.

Nếu xác định các Mục tiêu Chiến lược theo hướng đó, bài viết này tin chắc không khó đạt được mục tiêu xa hơn “củng cố lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước” như mong muốn trong phát biểu của Viện Kiểm Sát.

Bài viết cũng cho rằng Tử Hình bà Trương Mỹ Lan không có tác dụng “củng cố lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước”. Có thể khiến một vài quan chức tham nhũng sợ, nhưng rất rất nhiều thường dân lương thiện vẫn mất Lòng Tin vì họ thấy nguồn cơn tham nhũng không bị cắt đi!

Không lẽ đất nước mãi loay hoay trong vòng xoáy Phạm Tội – Giết Người Phạm Tội – Phạm Tội với cái vòng xoáy càng lúc càng ở bậc cao hơn, nghĩa là với thời gian việc phạm tội càng lớn hơn, nhiều hơn để số người bị từ hình càng nhiều hơn nữa?

Và, yêu cầu rất thiết tha là: KHÔNG tuyên án TỬ HÌNH bà Trương Mỹ Lan!

Ngày 219 tháng 3 năm 2024