Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

Những chân dung kỳ lạ

Hồ Anh Thái

Phùng Ký Tài có một vị trí đặc biệt trong văn học Trung Quốc đương đại; cuộc đời nhiều gian truân, nhưng ông không phản ảnh trực tiếp hiện thực trước mắt, mà chọn viết về phong tục từ thời xa xưa ở vùng Thiên Tân, nơi ông sinh ra và lớn lên.

image

Không chỉ là nhà văn chọn đề tài đặc biệt, Phùng Ký Tài còn là người say mê những điều lạ lùng trong đời sống ngày thường; trong số sách của ông dịch ra tiếng Việt, có hai quyển do Phạm Tú Châu dịch được đặc biệt chú ý.

Gót sen ba tấc là chuyện về tục bó chân phụ nữ trong những gia đình khá giả xưa. Bàn chân người con gái bị bó chặt, ngay từ khi còn nhỏ, bó đến mức khi trưởng thành mà bàn chân chỉ bằng hai ngón tay, đứng không vững, đi không nổi. Nhà khá giả thì phụ nữ đâu cần phải đi bằng chân mình, di chuyển đều có xe có kiệu. Chân càng nhỏ càng là “quý tộc” đích thực, người chân to thì mặc cảm, xấu hổ, như thể mình thuộc hàng thấp kém. Cứ như vậy, Phùng Ký Tài kể chuyện mấy thế hệ phụ nữ trong gia đình bó chân, cho đến khi gặp cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ thời hiện đại.

Roi thần lại viết về tục để tóc đuôi sam dài của đàn ông thời nhà Thanh. Cái đuôi sam ấy thế mà thành công cụ lợi hại, thậm chí khi chiến đấu thì nó thành vũ khí, hỗ trợ cho những thế võ điêu luyện và đòn đánh hiểm hóc, thậm chí cái đuôi sam còn quật tít mù, gạt được hết cả tên bay đạn bắn…

Nhắc lại để thấy Phùng Ký Tài là nhà văn được chú ý đặc biệt vì đào sâu vào những tập tục độc đáo, và sáng tạo ra những nhân vật lạ lùng. Sinh năm 1942, hầu như suốt đời văn, ông góp nhặt những câu chuyện lạ, những mảnh đời lạ của người dân ở Thiên Tân. Viết thành tiểu thuyết vẫn chưa thỏa, chưa hết, ông còn gom những chân dung lạ ấy vào trong một tập truyện gọi là Tục thế kỳ nhân. Ông kể về những con người kỳ lạ đã gặp đã nghe thấy trong đời. Những bức chân dung nho nhỏ, mới ở dạng ký họa, mỗi người chỉ hiện lên bằng vài nét chấm phá, nhưng cũng đủ mang đến điều lạ cho người đọc. Ta cùng xem ông kể về những ai trong sách này:

Tô Bảy Đồng: thầy lang Tô, “có một quy định đặc biệt: phàm người đến khám bệnh, bất luận giàu nghèo thân sơ, tất đều trước tiên đưa đủ bảy đồng bạc lên mặt quầy thì ông mới chịu xem bệnh, nếu không nhất quyết không thèm để ý” (trang 10). Đang đánh mạt chược, có người đến chữa gấp nhưng không có tiền, hẹn sẽ trả sau. Thầy không chịu dừng tay mà tiếp tục chơi bài. Một người cùng chơi thấy vậy bèn ra hiệu cho người bệnh đi ra xa, rồi đưa cho bảy đồng, khi thấy bệnh nhân có tiền, thầy lang mới chịu chữa. Nhưng kết cục lại dường như có hậu khi thầy lang Tô hóa ra không phải là không có lòng nhân. Quy định của ông thực ra lại mang ý nghĩa của người sống theo nguyên tắc, đặt nguyên tắc lên trên cảm tính và mọi sự linh động.

Lý Quét Vôi: ông thợ quét vôi đã thành nghệ thuật: “Mỗi khi quét vôi, ông ta tất sẽ mặc một bộ quần áo đen, thế nhưng cho đến khi làm xong việc, trên người cũng không có một chấm trắng nào cả… Ông ta còn tự đặt ra cho mình một quy định rằng: chỉ cần trên mình có một chấm vôi trắng thì sẽ quét vôi miễn phí không lấy tiền” (trang 14). Nhưng có lần một thợ học việc thấy trên quần của ông một chấm trắng. Vậy chấm trắng ấy có thật không? Và thần tượng có sụp đổ không?

Tửu Bà: chủ quán làm gian, pha thêm nước vào rượu. Ngày nào người đàn bà là ma men ấy cũng đến uống nửa bát “đến khi bà già ấy bước hết hai chân ra khỏi bậu cửa thì hai chân đã như vẽ bùa trên mặt đất rồi” (trang 19). Lạ một điều là khi đi đến ngã tư đường, nơi thường xảy ra tai nạn, thì bà già đột nhiên tỉnh lại, bước ngay ngắn qua đường như không hề có rượu. Nhưng rồi một lần lương tâm chủ quán thức dậy, ông ta không pha nước vào rượu nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra với bà già khi đi đến ngã tư đường?

Mắt Xanh: người thẩm định tranh giả. “Đôi mắt xanh của ông ta khi xem tranh đúng thật là rất thần kỳ: khi nhìn tranh giả thì hai mắt không có thần thái gì, nhưng khi nhìn tranh thật thì lóe lên một luồng ánh sáng xanh biếc” (trang 41 - 42). Có lần mắt lóe lên xanh biếc nên mua được một bức tranh thật. Sau đó có người lại nói bức tranh thật đang ở trong một nhà khác. Ông ta đến xem, mắt lại lóe lên màu xanh, mới biết bức tranh này là thật, còn bức đã mua là tranh giả. Bỏ ra gấp bốn lần số tiền để mua bức ấy về. Đặt hai bức cạnh nhau thì mới biết bức mua sau lại là tranh giả. “Thật giả nếu không để cùng một chỗ mà so sánh, thì căn bản không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả – đó mới là tài nghệ của kẻ làm tranh giả, và cũng là tài nghệ cao siêu nhất”. Khi ấy Mắt Xanh mới vỡ lẽ, xem ra tay làm tranh giả này “chẳng phải chỉ là lừa để lấy tiền, mà chính là để thử mình” (trang 47).

Trần Tứ biếu quà: cũng là truyện liên quan đến tranh, nhưng là việc biếu quan lớn những bức tranh quý. Một người dặn: “Tỉnh trưởng là người có địa vị, sẽ không nhận quà trước mặt mọi người đâu”… Người kia cười bảo: “Anh nghĩ tôi là trẻ nít ư? Nếu tôi thật có biếu quà, thì bảo đảm ngay cả anh cũng không nhận ra đâu” (trang 192). Quả nhiên tay tặng quà có cách tặng mà như không tặng, giống như người tế nhị không bao giờ khen thốc vào mặt người được khen. Biếu quà và khen nịnh đạt tới tầm “nghệ thuật”. Kết quả là anh ta được đề bạt lên cấp cao hơn.

Tiểu Dương Nguyệt Lâu kết nghĩa Lý Kim Ngao: ông chủ một gánh hát nổi tiếng đến vệ Thiên Tân biểu diễn và bị mắc kẹt lại vì lũ lụt. Mấy tháng trời không có cái ăn, phải cầm hết hơn chục thùng đồ phục trang đạo cụ. Khi nước rút không có tiền trả cho người cầm đồ, ông chủ phải tìm đến một thủ lĩnh xã hội đen. Thủ lĩnh đến nói với chủ hiệu cầm đồ và chủ hiệu cho gánh hát nhận lại đồ nghề của mình. Các nhóm đàn em thấy vậy liền thay mặt thủ lĩnh, tự nguyện mang tiền đến trả cho hiệu cầm đồ. Một thời gian sau, chủ gánh hát gửi tiền đến trả cho chủ hiệu, thế là chủ hiệu đem tiền trả lại cho thủ lĩnh xã hội đen. Thủ lĩnh không động vào tiền mà bảo chia ra để trả lại cho các nhóm đàn em. Như vậy là không còn ai nợ ai nữa.

Mùa đông năm sau, Thượng Hải đóng băng, phu khuân vác người Thiên Tân không có việc làm, nguy cơ bị đói. Thủ lĩnh đến Thượng Hải bèn nói ông chủ gánh hát diễn ba buổi, lấy tiền cứu sống hàng nghìn công nhân đang đói rét. Ông chủ gánh hát nhớ ơn xưa, còn mở tiệc và tặng thủ lĩnh một gói bạc. Thủ lĩnh gạt đi và nói: “Con người ta trước nay có lệ, chỉ kết giao bằng hữu, không kết giao tiền… Mối giao tình này của ông với ta, có qua có lại, nào trong tay ai đã phải cầm đến đồng tiền?... Nghĩ đi nghĩ lại, chẳng phải đều là tình nghĩa này sao?” (trang 79).

Một câu chuyện thật nhiều nghĩa khí.

Tập truyện có hơn năm mươi bức ký họa chân dung như vậy. Chỉ một xứ Thiên Tân thôi mà sao có nhiều kỳ nhân đến thế? Cũng có thể đấy là vùng đất lạ, nhưng cũng có thể Phùng Ký Tài góp nhặt những chân dung trong khắp thiên hạ, không loại trừ khả năng họ nảy ra từ trong đầu óc hư cấu của ông. Mỗi người đều có một biệt danh, gắn với cá tính hoặc những vụ việc cụ thể. Đọc Tục thế kỳ nhân để thêm một lần thú vị với tư duy độc đáo và văn phong linh hoạt trào lộng của Phùng Ký Tài, một nhà văn có vẻ cũng là “kỳ nhân”.

------

* Tục thế kỳ nhân, tập truyện ngắn của Phùng Ký Tài, Châu Hải Đường dịch, Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn 2022.