Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

Nghĩ về thơ (6) và (7)

 (Viết tặng nhà thơ Nguyễn Hàn Chung)

Dương Thắng

Nghĩ về thơ (6): Vì sao phải làm nhiều thơ tình?

Tình yêu kiểu cổ điển rất đơn giản, cả đời chỉ cần làm một bài thơ tình là đủ. Tình yêu thời “thổ tả” này rất phức tạp và rộng lớn, không thể chỉ nói về nó một lần là đủ, phải nói về nó nhiều lần, phải làm ít nhất “36 bài thơ tình” như kiểu Dương Tường và Lê Đạt... Để hiểu tình yêu thời hiện đại, phải yêu hơn 10 lần (trong mộng tưởng)… Tình yêu ngày xưa là một tảng đá vững chãi không chia cắt ra được, tình yêu ngày nay mong manh dễ vỡ, hình thù thì cổ quái... Phải nhìn ngắm nó từ tứ phía, vuốt ve nó, ôm hôn nó, giận hờn nó, ghét bỏ nó, hắt hủi nó, phải giả vờ không còn quan tâm tới nó… Phải chia nhỏ tình yêu, phải phóng đại từng mẩu nhỏ tình yêu thành những vũ trụ mênh mông để có thể lang thang cả đời trong đó vẫn không thấy chán, phải nói về tình yêu theo một cách khác hẳn với những cách người xưa đã nói…

Nghĩ về thơ (7): Sự giống nhau khi vẽ và khi làm thơ

Giống như hội hoa, thơ ca mời gọi một cuộc phiêu lưu trí tuệ, cả hai ngành nghệ thuật này, bằng phương pháp đặc thù của mình, luôn xua đuổi sự già nua, sự bào mòn, sự lãng quên, luôn khơi gợi ra những nghịch lý, luôn mời gọi những hoài niệm quay về. Nếu có tồn tại một sự trao đổi hay một cuộc đối thoại giữa Thơ ca và Hội họa, đó là cả hai chỉ ra cái “nhìn thấy được để nhìn thấy cái không nhìn thấy được”. Cái được nói ra (trong thơ) luôn nằm trong một cuộc chiến giằng co với cái hư ảo bất định giống như cái được nhìn thấy trong tranh đã mở ra một cánh cửa tiếp cận với cái không nhìn thấy được.

Khi Nguyễn Bình Phương viết "Mùa thu len lén ra khỏi cây / Đi nào đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm ", TS Văn học Trần Ngọc Hiếu phải rên lên rằng "Thơ gì mà khiến người ta bất lực để nói về nó vậy hả trời?".

Đọc câu này của Nguyễn Bình Phương và lời than thở của Hiếu mình lại nhớ đến câu của Paul Valéry: "Chúng ta được mời gọi lặn xuống tận cùng đáy của cái hữu hạn để tìm thấy ở đó cái vô hạn".

Ý tưởng của hội họa cũng giống như thơ ca: Vẽ cái không hoàn chỉnh (hay không thể hoàn chỉnh), cái gì đó thực sự tồn tại nhưng không bao giờ kết thúc, một bậc thầy khi vẽ lại cảnh chuyển tiếp từ đêm đen sang chạng vạng hoàng hôn/bình minh, chúng ta sẽ nhìn thấy những đường biên đang biến ảo giữa trời và đất, và vì cái không kết thúc này tạo ra vẻ quyến rũ, những cái-không-vẽ trong tranh giống như những cái-không-nói trong thơ mang trong nó một thứ màu sắc khác, một lối nói khác về bản chất với màu sắc và lời nói (thông thường).