(Cảm nhận khi đọc tập thơ “Giấc mơ Trường Sơn” của tác giả Tuệ Sỹ)
Lê Huỳnh Lâm
Bất động trong trần gian này đồng nghĩa với cái chết. Vì cuộc sống vận động, luôn biến chuyển (becoming). Cũng như vũ trụ này phải chuyển động liên tục để tạo ra sự sinh diệt, nhân quả tương tục trong thế gian này vậy. Viết về thơ của Tuệ Sỹ cũng chính là viết về sự chuyển biến tâm thức của một xã hội, một thế hệ hay một nghệ sĩ mà cái khí lực văn chương khai phóng đã tiềm ẩn trong mỗi hồng cầu, mỗi tế bào. Mà viết về sự chuyển động chính là viết về lẽ vô thường ở cuộc đại mộng này. Khởi đầu là hai câu thơ:
Anh ôm giấc mộng đi hoang
Biết đâu mà kiếm trăng vàng cho em
Đọc hai câu thơ trên chúng ta không nghĩ đó là thơ của một tu sỹ, bởi cái không khí lãng mạn bi hùng ẩn dưới mỗi con chữ. Trong đời thực mấy ai dám ôm giấc mộng, mà lại ôm mộng để đi hoang. Vì sao đi hoang? Vì sao ôm mộng? Vì thực và mộng vốn không hai, vậy thì tại sao chúng ta phải ôm thực?! Chỉ một câu thơ đã trở thành công án, trở thành thông điệp. Nếu xét về bối cảnh câu thơ xuất hiện, có lẽ sự thật còn đắng cay hơn nhiều! Một khi đã đi hoang vào cõi mộng thì còn tiếc nuối gì ngoài đời thực. Nhưng, cái đẹp cái mỹ là nguồn cơn từ cái chân, cái thiện. Vì vậy, dù đã đi hoang trong cõi mộng, tức là đi không có điểm đến, không có mục tiêu, đi như một sự đang biến chuyển, đang trở thành,… mà tác giả lại thốt lên “Biết đâu mà kiếm trăng vàng cho em”, điều đó cho thấy cái đẹp ngoài việc cứu rỗi con người như văn hào Dostoevsky từng nói, thì nó còn ám ảnh con người, cũng như hạt giống các loài hoa đã gieo vào ruộng đất, con người tiến bộ luôn duy mỹ.
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc
Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào
Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc
Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao.
Khi tôi đang đọc thơ Tuệ Sỹ thật tình tôi không muốn viết gì nữa, nhưng không hiểu sao, đang 2 giờ sáng tôi phải ngồi dậy để gõ mấy dòng câu này giữa một đêm hoang vu nghe trời thu vắng lặng, chỉ còn tiếng tíc tắc của cái đồng hồ gõ nhịp đều đều lên địa cầu này.
Câu thơ “Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc” chính là sự biến chuyển, sự đang trở thành hay còn gọi là vô thường, vô thường của người đời theo quán tính níu giữ, ôm ghì, thủ, ái nên chỉ thấy vô thường là mất đi, mất mát, tiếc nuối, đau khổ trong nỗi biệt ly… Còn vô thường theo nghĩa từ không mà trở thành có, cho dù có những cái có chứa đầy bí ẩn và bất công phi lý, thì con người do lòng tham nên đã xem đó là bình thường… Như hạt giống nảy mầm, lên cây con, ra hoa kết trái,… rồi hoa tàn, trái khô, cây già chết,… chu trình đó chính là vô thường, là sự đang trở thành của mọi sự vật, của vạn pháp.
Sao hôm nay, giữa đêm thu tịch mịch của tiết sương giáng tôi lại đọc được câu thơ “Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào” của thiền sư Tuệ Sỹ để rồi rời vào trường liên tưởng đau thương. Mùa thu thường gợi lên nhiều cảm xúc cho những tâm hồn nhạy cảm, đặc biệt là những tâm hồn thi nhân, mùa thu còn chỉ khoảng thời gian trong năm, một đối với vạn là hai số từ, chỉ có tâm từ bi của vị bồ tát mới thấu cảm và nghe ra vạn tiếng kêu gào đầy uất hận khổ đau.
Trong bài thơ “Khung trời cũ” hoặc “Không đề” của Tuệ Sỹ, xuất hiện vào những năm 1960, có hai câu thơ cuối:
Giờ ngó lại bốn bức tường ủ rũ
Suối nguồn xưa ngược nước xuôi ngàn
Càng đọc đi đọc lại nhiều lần, bất chợt tôi nhận ra “bốn bức tường ủ rũ” đó chính là thân tứ đại, và để đến được với “suối nguồn xa” thì không còn con đường nào khác là phải ngược dòng nước, còn không chúng ta sẽ bị cuốn theo thế gian tục đế. Vì rất nhiều người đọc cứ bị ám ảnh bốn bức tường trong hai câu thơ trên chính là ngục tù, đối với Tuệ Sỹ, không có một không gian vật lý nào có thể giam cầm được bản tâm của một bậc “Long Tượng”…
Trong xuyên suốt thơ của Tuệ Sỹ, ông mượn hình ảnh từ tục đế để bước vào chân đế, thật ra, với bậc giác ngộ họ không còn phân biệt đâu là tục đế và đâu là chân đế. Một trong những ám ảnh trong thơ của Tuệ Sỹ là màu đỏ của máu, của hồng cầu. Nhưng, hình ảnh mưa máu có lẽ là quá hiếm trong thi ca Việt Nam, cũng trong âm hưởng của mùa thu, Tuệ Sỹ đã thấu cảm sự giã biệt:
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Theo truyền thông, mưa máu đã từng xuất hiện một vài địa điểm trên thế giới, nhưng trong bối cảnh cụ thể của tác giả, có thể ở một khu rừng nào đã xuất hiện mưa máu, hay phải chăng đây là một cảm nghiệm riêng, một liên tưởng cá nhân của tác giả trong một hoàn cảnh nhất định. Chỉ hai câu thơ thôi đã gợi tưởng đến một cuộc chia ly giữa rừng thu chất ngất mối sầu thảm. Đến những câu thơ tiếp theo, màu sắc như màu úa, máu xanh được vận dụng để mô tả nỗi buồn xen lẫn niềm hy vọng nhỏ nhoi dập dìu theo cung bậc trên phím dương cầm:
Ta so phấn nhụy trên màu úa,
Trên phím dương cầm, hay máu xanh
Và niềm hy vọng như được gieo trồng vào lòng đất đen khi tâm hồn con người chưa thành gỗ đá vô cảm trước nỗi đau đồng loại:
Khi tâm tư chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời.
Máu lệ là nỗi đau phủ lắp quê hương suốt mấy ngàn năm, nhưng không riêng gì quê xứ của tác giả, mà hầu như khắp cả hành tinh này chiến tranh là một nghiệp mệnh chung và chiến tranh như trở thành một thuộc tính, một bản năng của mỗi cá nhân, khi mà cái bản ngã bé nhỏ của mỗi con người luôn muốn chiếm hữu mọi thứ, thì chiến tranh sẽ luôn tồn tại. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, tàn ác hơn và nhân rộng khắp do nền văn minh phi nhân qua sự phát triển của vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học, và ý thức hệ cùng các chủ thuyết nhân danh bạo động đã tạo ra các thảm kịch bi đát cho nhân loại. Chiến tranh đã kéo dài trong không gian và thời gian của cõi người và in đậm trong tâm khảm của một thi nhân, một tu sĩ, kể cả trong giấc mơ:
Đêm qua chiêm bao ta thấy máu,
Từ sông Ngân đổ xuống cõi người
Và máu lệ đã chảy dài theo dòng sông lịch sử quê xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha.
Hay
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn.
Khi sự chia lìa đã hóa thân vào tiếng khóc, lời ru chính là thời khắc nỗi bi thương đọng trong tâm khảm tác giả để cảm nhập vào cõi hồn khuya sương trắng mịt mù lần tìm về kỷ niệm quê nhà.
Tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận
Lời ai ru trào máu lệ bi thương
Hồn ai đó đôi tay gầy sờ soạng
Là hồn tôi tìm dấu cũ quê hương
Tuệ Sỹ như tiên cảm được và muốn gửi nhắn lại cho các thế hệ sau về sự ly tán lòng người, chia cắt quê hương,… đã đem đến nhiều hệ lụy và bi ai qua các cuộc chiến tranh tương tàn để thỏa mãn giấc mơ hoang:
Máu người pha đỏ sắc cờ
Phương trời xẻ nửa giấc mơ dị thường
Hay để nhắn gửi đến các thế hệ trẻ những cảm nghiệm mà tác giả đã từng trải qua
Nghiêng vai hờn tuổi trẻ
Máu đỏ rợn bên trời
Cũng như để nhắc nhở đến thân phận của một dân tộc đã từng bị xâm lăng nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử:
Ôi là máu tủi hờn nô lệ
Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm.
Và để gửi đến mọi người khi Tổ quốc bị giặc ngoại xâm, thi nhân đã đưa ra hình ảnh Thái Bình Dương không thái bình, dậy sóng,… mong khơi dậy tình đoàn kết trước quân giặc mưu mô, xảo quyệt luôn muốn thôn tính các nước khác... Hình ảnh người con gái cất giấu hạnh phúc cá nhân giữa “chiều phơi áo lụa” để trở thành người hùng đi chinh chiến “mơ Trường Sơn vời vợi bóng anh hùng”.
Từ những ngày Thái Bình Dương dậy sóng
Quê hương mình khô quặn máu thù chung
Nàng không mơ buổi chiều phơi áo lụa
Mơ Trường Sơn vời vợi bóng anh hùng.
Để nhớ đến những thế hệ đã hy sinh dâng trọn cả tuổi trẻ thanh xuân để giành độc lập cho dân tộc trong suốt mấy ngàn năm, cũng như núi rừng Trường Sơn hùng vĩ là nơi tòng quân che chở cho cuộc kháng chiến chống quân giặc bạo tàn, tác giả đã ngợi ca hình ảnh người con gái Trường Sơn:
Trường Sơn ơi bóng tùng quân ngạo nghễ
Phận sắn bìm lây lất với hoàng hôn
Quê hương ơi mấy nghìn năm máu lệ
Đôi vai gầy dâng trọn cả mùa xuân.
Trong mùa chinh chiến xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn,… Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, với ngôi vị của một tu sĩ, uyên thâm Phật học và trách nhiệm của một thi nhân, một con người Việt Nam, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ luôn kỳ vọng về một mùa mãn tang, về một đổi thay từ trong huyết quản để quê hương được tưới tẩm hạt giống bồ đề và tâm từ bi.
Nghìn năm sau
Trong lòng đất sâu
Thắm hạt mưa rào
Giọt máu đổi màu.
Phật giáo dấn thân là vậy, đạo và đời vốn không hai, từ tục đế đi vào chân đế như từ trong bùn đất nở hoa sen. Tùy môi trường và hoàn cảnh xã hội người Phật tử thể hiện trách nhiệm và bổn phận của mình trong tỉnh thức để góp phần giúp ích cho cuộc nhân sinh. Điều này là đặc trưng của Phật giáo Việt Nam qua các triều đại lịch sử.
Ơ kìa, nắng đỏ hiên chùa.
Trăng non rỏ máu qua mùa mãn tang.
Khí thơ của hòa thượng Thích Tuệ Sỹ mang phong vị của một hành khất viễn xứ đi gieo hạt từ bi, người cất bước như một đức hạnh đi giữa đất trời gió lộng, như áng mây phiêu lãng giữa vùng trời vô tính. Nhịp thơ lúc bi thương, khi hùng tráng với những hình ảnh phiêu linh chứa đầy ân tình mà không cổ lụy. Ngôn ngữ trong thơ gợi nên niềm trắc ẩn xuyên suốt trong tập “Giấc mơ Trường Sơn”, thống kê thấy 32 từ “máu” trong tập thơ, mà máu vốn tự thân đã lưu thông trong mỗi cơ thể sống. Và sự di trú của hồng cầu, là một cách diễn đạt gợi tưởng cho cuộc phiêu lưu của những tâm hồn lên đường vào những “phương trời viễn mộng”.
Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng
Mắt lưng chừng giọt máu phiêu lưu
Cái nhan đề tôi đặt “Cuộc di trú của hồng cầu” cho bài viết về tập thơ “Giấc mơ Trường Sơn” của tác Tuệ Sỹ đến đây là đã rõ, di trú chính là vô trú. Chỉ có những tâm hồn thiền sư, nghệ sĩ thật thụ đúng nghĩa không theo kiểu danh xưng, thì may ra mới có cơ may thể nhập vào “khung trời viễn mộng” để chạm đến vô sở trụ. Nhưng thử hỏi đời này có mấy ai dám vô trú, mấy ai dám từ bỏ ngôi nhà tạm bợ để đi tìm ngôi nhà vĩnh cửu như hình ảnh lên đường của thái tử Tất Đạt Đa.
Tiết Sương giáng, Quý Mão
L.H.L.