Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Đọc Dạ Tiệc Quỷ của VÕ THỊ HẢO (1)

Đào Trung Đạo

Trong bài BẠT cho quyển Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu tôi viết về Võ Thị Hảo tác giả truyện ngắn Dây Leo Trần Gian trong tuyển tập này: “Sự chết không biến đi sau khi chiến tranh chấm dứt trên một xứ sở tan hoang, rữa nát. Cả về vật chất lẫn tinh thần…Tư duy về tử sinh từ nay đặt cơ sở trên ý chí xác định bản thân [của người phụ nữ] chứ không là âm bản của ý chí quyền lực chủ trì của ý thức hệ. Tư duy ấy cuối cùng tạo nên sức mạnh nhấc bổng con người tung bay trong tình yêu người. Và diễn ngôn văn chương đích thực là diễn ngôn của nguyên ủy đời sống, có sức mạnh đảo nghịch và xóa bỏ những khẩu hiệu gào thét bạo động thù hận giết chóc đã diễn ra suốt trong một giai đoạn lịch sử tối thẳm kéo dài.” (2) Vào dịp Giáng Sinh 2006 nhân dịp gặp nhau ở Saigon Võ Thị Hảo cho tôi biết chị mới viết xong tiểu thuyết Dạ Tiệc Quỷ (DTQ). Tuy Võ Thị Hảo thừa hiểu rằng quyển truyện này khi nạp bản để được cấp giấy phép xuất bản phần chắc sẽ bị từ chối theo lệnh của Ban Tuyên giáo, nhưng chị vẫn đem tác phẩm đến một số những cơ sở xuất bản như một thách thức: Nếu cấm xuất bản quyển tiểu thuyết này thì hãy chính thức làm văn bản từ chối. Nhưng những nhân viên quản lý văn hóa phụ trách cấp giấy phép xuất bản sách chỉ biết cúi đầu im lặng. Cuối cùng Dạ Tiệc Quỷ của Võ Thị Hảo ra mắt độc giả do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia, Mỹ ấn hành. Không nhiều thì ít chắc chắn độc giả trong nước bằng nhiều cách sẽ đọc được và phổ biến quyển sách này.

Dạ Tiệc Quỷ bắt đầu bằng Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) ở miền Bắc. Trong Tự Bạch Võ Thị Hảo viết: “Từ đó [sau CCRĐ] nhiều người lấy sự phản trắc và cướp bóc cùng dối trá để được sống, được hơn người, lấy sự giả mù, sự câm sự điếc làm gậy dò đường… Bao nhiêu xác chết đã để lại. Bao nhiêu đớn đau què quặt và rạn vỡ linh hồn… Cái lầm lạc nỗi oan khuất không được phân định, không được sòng phẳng lại, cứ lẩn khuất và ám ảnh người sống, dù người sống có thể chẳng biết đó là gì. Những cơ chế độc tài cũng như con rắn cổ rướn cố nuốt chửng con ếch. Con ếch to nghẽn họng con rắn. Rắn mạnh ếch yếu nhưng con rắn sẽ chết nếu ếch không trôi qua họng. Con ếch là món nợ công bằng. Cần phải có người trả món nợ ấy thay những người luôn quỵt nợ nhân gian. Trả thì chẳng bao giờ trả được vì người chết thì đã chết rồi và người biến dạng thì đã biến dạng rồi và còn gieo lại sự biến tiếp. Nhưng con người cần được an ủiTôi viết dưới ngọn lửa của những thế giới khác nhau, trong đó loài người thì bị đầy đọa, bị gọi là quỷ và vì thế rất khó để tìm tên để đặt cho cái đám không gọi là quỷ…” Trong Dạ Tiệc Quỷ Võ Thị Hảo đặt tên cho những người chết oan là Quỷ và những quan chức cộng sản quyền thế là Ma (cà rồng) chuyên hút máu và làm công việc buôn bán người. Và nếu như chủ thuyết cộng sản là nọc độc thì nọc độc này sẽ lại bị một thứ nọc độc khác mạnh hơn là truyền thông trả thù. Dĩ độc trị độc như trên miệng lưỡi dân gian.

Dạ Tiệc Quỷ gồm hai mươi chương sách viết dưới dạng một quyển Album gồm những lát cắt lịch sử kể từ những năm đầu thập niên 50 cho tới ngày nay. Những lát cắt lịch sử này chứa đựng những xấp hình ảnh được tác giả chọn lựa có chủ ý. Viết về những biến cố của một giai đoạn lịch sử dài hơn một nửa thế kỷ cần có sự chọn lựa để giải quyết vấn đề thời gian thuyết thoại. Những lát cắt của Võ Thị Hảo thoạt đầu có thể làm người đọc ngạc nhiên nhưng người viết tiểu thuyết cũng như người biên kịch phim ảnh cần có một phương pháp cấu trúc truyện để giải quyết vấn đề này. Võ Thị Hảo đã sử dụng kỹ thuật viết tiểu thuyết Album gồm những đoạn rời là những chương sách nối vào nhau một cách nghệ thuật. Kỹ thuật này cũng được nhà văn nữ Mỹ Jennifer Egan dùng để viết quyển tiểu thuyết A Visit from the Goon Squad xuất bản năm 2010. Quyển sách của Jennifer Egan được giới phê bình cũng như độc giả ở Mỹ đón nhận nồng nhiệt và sau đó được trao giải Pulitzer. Xuyên suốt giai đoạn lịch sử kể từ CCRĐ là cuộc đời sóng gió chìm nổi của nhân vật nữ chính tên Miên. Võ Thị Hảo có một lối đặt tên nhân vật tiểu thuyết gợi lên ẩn dụ về nghĩa chữ.

Chúng ta hãy lật xem một vài lát truyện chính trong DTQ. Lát đầu kể lại thảm họa chụp xuống gia đình ông Cử ở một vùng quê miền Bắc Trung phần: Khi CCRĐ phát động diệt trừ địa chủ tư sản một cách mù quáng điên rồ không dựa trên giai cấp nhưng được tính theo phầm trăm dân số từng vùng do lệnh trên đưa xuống. Ông Cử một trí thức giàu lòng vị tha trong vùng bị một anh khố rách áo ôm tên Dậm trong làng thừa thời cơ đứng lên cùng hợp sức với Ban Cải cách lãnh đạo tố khổ đập chết, vợ ông Cử thắt cổ tự vẫn, Phượng người con gái đẹp nổi tiếng trong vùng bị tên Dậm chiếm đoạt. Dậm ngang nhiên chiếm căn nhà và tất cả những vật dụng quí báu của ông Cử kể cả người con gái tên Phượng. Phượng chịu nhục thất thân với Dậm để đổi lấy việc Dậm ngầm ra lệnh cho bộ hạ để Long là anh của Phượng đang bị giam giữ bỏ trốn. Sau khi Phượng sanh đứa con gái đặt tên là Miên cô treo cổ tự vẫn trong chuồng heo. Sự cuồng bạo tuyệt cùng của Dậm là đã tìm ra mồ chôn Phượng để lần chót cưỡng hiếp cái xác chết tên Phượng. Từ một kẻ vô học Dậm được tiêm nhiễm nọc độc (rắn) cộng sản đã trở thành một lãnh đạo càng ngày càng có địa vị cao hơn trong cơ chế. Dậm có tám người con trong đó người con trai lớn tên Lình vì bị cha đánh đập tàn nhẫn từ nhỏ nên mang lòng thù hận muốn giết cha. Sau này Lình bỏ nhà mang theo đứa trẻ sơ sinh tên Miên lang thang đói khát cùng khổ nhưng quyết tâm từ bỏ cái gia đình và giòng giống khốn kiếp của mình. Người con thứ Tám của Dậm là một quái thai một đầu bốn tai và ba chân được tác giả đặt tên là Đứa Con Vàng Nghệ. Nó là một lời nguyền oan nghiệt. Nó phát biểu: “Cái gì được miễn cưỡng sinh ra thì phải văn chương. Mi [Đứa con Xanh] và ta vốn trần truồng. Vậy lấy văn hoa làm áo mặc.” (DTQ, trang 191). Sau này Dậm giết chết Đứa Con Vàng Nghệ chôn xác ở mảnh đất trước bàn thờ trong nhà để che dấu tội ác và Đứa Con Vàng Nghệ sẽ trở thành quỷ. Nó sẽ cùng với Đứa Con Xanh tham dự và ca hát trong Dạ Tiệc Quỷ do Phượng chủ trì. Qua mô tả của Võ Thị Hảo nhân vật Dậm có thể được coi là điển hình cho hầu hết những người lãnh đạo cộng sản: gốc gác bần cố nông thất học ngu xuẩn, tàn bạo ngay cả với vợ con, gian dối thô lỗ nhưng khéo che đậy, tham lam vô chừng vô độ, dâm đãng thú vật. Lát thứ nhì “Thành Cổ” tuy Võ Thị Hảo không cần nói rõ nhưng người đọc có thể đoán biết đó là Cổ thành Quảng Trị trong ánh trăng buốt lạnh đầy ngập thây người vốn cùng máu huyết giống nòi bị ném vào cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Khởi động trí tưởng tượng để tạo không khí ma quái cho tiểu thuyết Võ Thị Hảo khiến người đọc có cảm tưởng hãi hùng khi vực dậy những thây ma mò mẫm trong biển máu tìm kiếm những phần của cơ thể bị đạn bom xé nát, trò chuyện với nhau như thân thuộc, nói lên sự oán hờn chiến tranh. Trong cảnh ma quái này bỗng xuất hiện thân hình của một cô gái tóc mượt dính máu lang thang dưới ánh trăng. Tuy chỉ còn là những thây ma nhưng tất cả những xác chết nam giới vẫn cảm thấy thèm khát thân hình người con gái này. Bỗng nhiên “Từ cái bụng còn phẳng lì và thon eo của tử thi con gái, bây giờ như có ai bơm cái gì đó vào, phồng căng dần lên trông như sắp vỡ, làm bục hết cả quần áo, để lộ đôi đầu vú còn nhọn hoắt, hơi ngả sang hai phía như dịu dàng và kiêu hãnh nhưng đã bắt đầu thâm đen. Và chiếc rốn đã lồi lên trên cái bụng căng tròn.” (DTQ, 57). Tử thi con gái này sinh hạ một đứa con trai được tác giả đặt tên là Đứa Con Xanh. Đứa Con Xanh “đã được sinh ra từ tử thi một cô gái chết trận trong cuộc giao hoan giữa chiến địa trăng lạnh Thành Cổ với tử thi của bảy ngàn chín mươi ba xác lính hỗn độn không Cộng Hòa không Việt cộng, Đứa Con Vàng nghệ bẩm sinh đã biết ca hát và làm thơ. Những đứa trẻ quái thai sinh ra dưới gầm trời này bao giờ chẳng biết làm thơ và ca hát. Vừa sinh ra chúng đã già ngàn tuổi và trên vú trái mọc đầy vẩy ốc của những bức tường rêu phong Văn Miếu, chủ nghĩa Mác Lê và tà đạo.” (DTQ trang 288) Nó có khả năng tự nuôi dưỡng bằng cách mút cuống rốn, uống nước mắt của mẹ những chiến binh tử nạn. Nó cũng biết tự ru, và ca hát. Trong những lát truyện kế tiếp Võ Thị Hảo đưa ra những hình ảnh về cuộc sống nhơ bẩn gian dối của giới quan chức trong cơ chế, được “viết dưới ngọn lửa của những thế giới khác nhau” như trong lời tự bạch của tác giả.

Sinh ra trong oan nghiệt cùng khổ, được Lình hết lòng cưu mang, Miên lớn lên chứng kiến những hành vi đồi bại của các quan chức trong chế độ nên có quyết tâm trả thù. Miên chứng kiến cảnh ba quan chức ấu dâm trong vùng bắt cóc, hãm hiếp đến chết người bạn của Miên là Hiền mới mười bốn tuổi. Đó chỉ là một cảnh tượng hãm hiếp tượng trưng. Con người sống dưới chế độ cộng sản còn bị hãm hiếp bằng nhiều cách khác nhau. Trong Lát 11 Đứa Con Vàng Nghệ nói lên sự thật: “Cả dải đất này người ta cưỡng hiếp nhau. Một chữ S to đùng bị cưỡng hiếp.” (DTQ trang 192) Bị ba kẻ ấu dâm sau khi cưỡng hiếp Hiền đến chết khám phá ra Miên đã chứng kiến hành vi tội lỗi của chúng nên tìm cách lùng bắt săn đuổi Miên. Trong cuộc chạy trốn kinh hoàng may mắn tình cờ khi ngụp lặn xuống một khúc sông để lẩn tránh Miên leo được vào khoang một con thuyền của người vượt biên. Trong Lát 12 “Đảo Oan Hồn” và Lát 13 “Đêm Thuyền Nhân” Võ Thị Hảo mô tả những cảnh tượng hãi hùng người vượt biển phải gánh chịu: hải tặc Thái trấn lột, cưỡng hiếp phụ nữ, giết chóc điên cuồng dã man. Vì có nhan sắc lạ thường với đôi mắt kim cương giống mẹ Phượng nên Miên rơi vào tay tên trưởng toán cướp biển. Thay vì cưỡng hiếp Miên tên trưởng toán này nhốt Miên vào một cái cũi sắt để đem bán cho giới đại gia Hương cảng. Hoài nghi về tình yêu nam nữ, Võ Thị Hảo thay lời Miên nói về tình yêu một cách đầy nghi hoặc: “Trời ơi! Bí ẩn giữa đàn ông và đàn bà là như vậy sao? Hóa ra bao nhiêu câu nói lấp lửng, bao nhiêu lời tình tứ, bao nhiêu câu hát giao duyên, bao nhiêu lời tình tứ, để người ta lấy nhau và rốt cuộc là để đám đàn ông thọc những ngọn lao hung bạo của họ giữa thân thể mảnh mai và dịu dàng của người đàn bà?” (DTQ trang 207). Đó rõ ràng là một tiếng nói nữ quyền. Thân thể Mẹ Việt Nam hình chữ S trong lịch sử đã bị cả ngoại nhân lẫn nội nhân liên tục cưỡng hiếp. Võ Thị Hảo là một nhà văn hiếm hoi sống trong nước đã đưa thảm cảnh vượt biển vào tác phẩm văn chương. Là một người vượt biển bất đắc dĩ cuộc đời Miên trôi nổi đoạn trường: làm vợ một Chúa Đảo, trở nên giàu sang, định cư ở Mỹ, và trở về Việt Nam sống trong ngôi Biệt Thự Hoa Hồng cao sang, đêm đêm đến ngồi ở một góc tối trong một quán rượu sang trọng giữa thủ đô Hà Nội ban phát những tia nhìn kim cương hút hồn nam giới là những quan chức cao sang cộng sản. Mục đích chính của Miên là thực hiện việc trả thù theo một danh sách định trước, làm thay cho những oan hồn Quỷ. Vũ khí là rắn độc và kỹ thuật truyền thông điện toán (CD, USB). Tất cả những kẻ bị Miên giết chết đều có một chiếc CD cắm ngập cổ. Miên đã giết chết ba kẻ bạo dâm cưỡng hiếp Hiền để trả thù cho bạn và những con Ma Cà Rồng khác đang hút máu người, chuyên nghề buôn bán đầu người. Nhưng cuối cùng số phận Miên cũng không thoát khỏi tù tội và án tử. Trong Lát chót 20 “Dạ Tiệc Quỷ” diễn ra trong “Một mùa Đông nửa vời đang đến, cưỡng đoạt mùa Thu sầu muộn lá vàng không rụng xuống mà dai dẳng bám chết ở trên cây với những cuống lá teo quắt lại như những sợi chỉ mà người ta phải neo chặt linh hồn mình trên đó,” (DTQ trang 295) diễn ra buổi dạ tiệc của những oan hồn Quỷ ở Bụi Thằng Quỷ qui tụ tất cả những oan hồn lơ lửng trên những cành cây khô héo. Họ đến ngồi quanh bàn tiệc hình con quay với những món ăn sáng lòa là những thỏi không màu tỏa sáng một màu tím ma quái đặt phía dưới chân Phượng. Phượng ngồi đầu bàn tiệc tươi cười, vạt áo đong đưa, quyến rũ khai mạc tiệc, tuyên bố: “Quỷ khác người. Quỷ cũng không nỡ ăn các linh hồn. Dạ tiệc của quỷ là bữa tiệc của mắt”. Sau đó Phượng cất lời kêu gọi những oan hồn: “Dậy thôi, cái gọi là bốn ngàn năm!” (DTQ trang 298). Trong lát cắt lịch sử này Võ Thị Hảo nhắc tới một truyền thuyết về cội nguồn dân Việt: Mẹ Âu Cơ vợ của Lạc Long Quân thụ thai trăm trứng nở ra 50 con theo Mẹ đi về biển 50 con theo Cha lên núi: “Khi xuống biển, năm mươi người mọc vẩy. Người dẫn đầu mọc sừng. Khi lên núi, năm mươi người mọc lông. Người dẫn đầu biến thành con vượn. Con vượn hú khóc mỗi chiều tà. Và hai tay vuốt lấy vuốt để dọc bầu vú, dồn những giọt sữa trong vắt cho đàn con bú. Những người trên núi thì chệnh choạng đi về phía biển, còn những người dưới biển thì chệnh choạng đi về phía núi. Chẳng mấy khi gặp nhau vì hễ gặp thì họ lại đánh nhau. Cung nỏ và gậy gộc, ném đá, ném lao. Khi đánh nhau thì họ cười, sứt đầu mẻ trán thì khóc. Những xác chết rải rác. Người đi lượm xác khi thì là người có sừng, khi là con vượn. Đôi khi họ không nhận ra đâu là con của họ” (DTQ trang 299). Dạ tiệc quỷ cũng là dịp hội ngộ giữa linh hồn ông bà Cử với con gái Phượng và cháu ngoại Miên. Tuy chết oan nhưng ông Cử vẫn nuôi hy vọng vào cuộc tái sinh giống người. Và ông cũng đưa ra kết luận “Đôi khi, phải làm quỷ để thoát khỏi kiếp người!” (DTQ trang 302). Trong dạ tiệc này mọi người cũng nhìn theo những ngón tay quỷ chỉ về phía cuộc hội nghị do ông Dậm chủ trì với những tham dự viên Ma cà rồng bay là là trên không nhe cặp răng nanh thấm máu và tìm kiếm những chiếc cổ để cắm vào. Mua vui cho dạ tiệc Đứa Con Xanh và Đứa Con Vàng Nghệ nắm tay nhau hòa theo giọng Phượng ca hát: “Con ơi sao không ngủ yên/Bay hoài cánh mỏng/ Lại đây/ Cái ổ gai, rơm khô, rẻ rách và ngủ đi/ Ngủ đi rợp mát cho các con/ Bóng râm của những cánh tay, bàn chân cứng đờ/ Ngàn năm đung đưa ngàn năm/ Nhịp nhàng dưới những sợi dây thừng/ Dạ tiệc dạ tiệc/ Cho những oan hồn không có chỗ trên mặt đất/ Trên kia lũ người tanh rớt.” Phượng ban phát cho thực khách những viên thạch như những mẩu bánh thánh để cho loài Quỷ ra khỏi giấc mê muội ngàn năm. “Bừng lên từ dưới đáy địa ngục, những luồng ánh sáng huy hoàng. Đám Quỷ vẫn ngủ say. Mắt nhắm chặt. Họ không biết rằng, bao tử của họ đang đau dữ dội và từ miệng của họ, giữa hai hàm răng nghiến chặt, giữa đôi làn môi bỗng hé mở, nhảy bật ra một con người. Những con người non bấy, trần truồng, run lẩy bẩy, ngác ngơ, tìm đường quờ quạng lên mặt đất. Dòng người đi lũ lượt, đón nhận trở lại linh hồn của mình” (DTQ trang 305). Linh hồn mẹ Phượng cùng với đám linh hồn quỷ bay là là trên không chói lòa phía trên thành phố rượt đuổi hai chiếc răng nanh nhe ra trắng ởn của Dậm. Mẹ Phượng cất lời nguyền: “…Muốn tái sinh giống người, trước hết hãy diệt lũ ma cà rồng. Nếu không, hễ cứ có người nào mới ra đời, lại bị làm mồi ngay cho lũ chúng…” (DTQ trang 306)

Đọc hết Dạ Tiệc Quỷ người đọc không khỏi thắc mắc về đoạn đời của Miên ở Hương Cảng và ở Mỹ. Cũng như sẽ có câu hỏi về cuộc sống của Long, người anh của Phượng. Có thể đây là kỹ thuật gieo mầm, cài đặt (marcottage, chữ của Roland Barthes dùng để thông diễn tiểu thuyết À la recherche du temps perdu/ Hồi tưởng thời gian đã mất của Marcel Proust) của Võ Thị Hảo sẽ dành cho một quyển tiểu thuyết sẽ viết.

____________________________
(1)     Võ Thị Hảo, Dạ Tiệc Quỷ, nxb Tiếng Quê Hương, Virginia USA 2013.
(2)     Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu, Mười Câu Chuyện Chọn Lựa Của Mười Nữ Tác Giả Việt Nam Đương Đại Trong và Ngoài Nước do Lê Thị Huệ chủ biên gồm: Võ Thị Hảo, Y Ban, Ngô Thị Kim Cúc, Trần Thùy Mai, Trần Thị Trường (trong nước), Lê Thị Huệ, Trần Diệu Hằng, Vũ Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoàng Thị Bích Ti (hải ngoại), Văn Mới xuất bản, California 2004.