Truyện ngắn
Linh Vân
Cái gối bé xíu dành cho em Ngọc cuối cùng
cũng nhồi đầy bông gạo. Nó chỉ bé bằng hai bàn tay xòe rộng nhưng là thành phẩm
trong suốt mùa xuân của cả bọn. Ngày nào cũng thế, cứ sáng dậy là tôi, thằng
Quỳnh và thằng Dũng lại nhanh nhẩy tót ra gốc gạo, nhặt những bông hoa đỏ chót,
dầy những cơm gạo mà tranh nhau xuýt xoa. Có buổi, ra chậm một chút, thấy lũ trẻ
khác đã tranh thủ nhặt trước ít bông là thế nào cũng xông vào cãi nhau loạn xị.
Thì rõ hẳn là hội tôi có lý vì mẹ thằng Dũng ngồi bán xôi dưới gốc gạo này đã
gần chục năm rồi, nên mặc nhiên những gì trong bán kính mười mét kể từ mẹt xôi
của cô ấy phải là tài sản đã có chủ chứ còn gì?
Hàng xôi của mẹ Dũng ngon nức tiếng cả
vùng. Xôi ngon đã đành, hạt nào hat ấy mây mẩy như cốm non đọng mầu trắng ngà
ngà thơm phức, đến người bán hàng, là cô Lạt- mẹ thằng Dũng- cũng xinh đẹp
duyên dáng đến nao lòng. Mọi người kể rằng cô Lạt đẹp từ hồi mới lớn, con trai
khắp mấy phố xung quanh cứ mon men làm quen hết lượt. Khi tôi biết biết một
chút thì cô đã chẳng còn ở tuổi trăng rằm nhưng vẫn nhớ như in mái tóc dầy hung
hung của cô búi thành một khóm đầy sau gáy, miệng lúc nào cũng cười thật tươi
và đôi mi rậm cong vút đẹp hơn ối cô dâu mà lũ trẻ bọn tôi vẫn cố gắng chạy
theo nhìn trong đám cưới.
Bà nội mỗi lần ăn xôi của cô Lạt lại chậc
chậc lưỡi mà tiếc rẻ, bà bảo “Đúng là hồng nhan bạc phận”. Chắc ý bà muốn nói
đến số long đong chuyện tình duyên của mẹ Dũng. Mà chuyện đó thì đến bọn trẻ
con cũng biết. có khi còn rõ hơn cả việc xôi
ở hàng cô ngon như thế nào. Nhiều đứa đến lớn vẫn còn thuộc bài vè chuyện
tình duyên của Cô Lạt.
Những câu vè ấy, tôi vẫn nhớ như in nhưng
do mỗi lần lẩm nhẩm, lại thấy rõ đôi mắt
đỏ ngầu vì tức giận của thằng Dũng nên thôi. Chung quy lại thì bài vè
chỉ mô tả việc cô Lạt đã mất chồng ngay trong ngày cưới, chú ấy- bố của Dũng- bị
tai nạn khi uống rượu rồi đòi tự lái xe máy đi đón dâu. Chú rể bạc phần, gia
đình nhà trai quyết đổ riệt cho cô dâu là có mệnh sát phu nên không nhận làm
con trong nhà rồi chối luôn cả thằng Dũng khi ấy mới là bào thai xíu xiu trong
bụng mẹ. Thế là sau một đám cưới dở dàng lại có đến ba người bạc phần, vô
phước. Khổ do cái số đã đành, nhưng khổ chỉ vì người làm ra thì cay đắng hơn
nhiều.
Cô Lạt nương nhờ bố mẹ đẻ, mở hàng xôi
nuôi cả nhà đến khi Dũng bảy tuổi thì mới đi bước nữa. Cha dượng Dũng là người
nơi khác đến. Da vừa đen vừa bẩn bẩn, tính lại cục mịch mà nát rượu nên lại có người
sáng tác bài vè mới “Đóa hoa nhài cắm bãi phân trâu”. Mỗi lần nghe bọn trẻ con
túm tụm trêu chọc là thế nào thằng Dũng cũng trối chết đuổi theo, bắt lấy một
đứa, đánh nó khóc ầm ĩ để rồi chỉ một lát sau nó quay lại cũng với cả bố hoặc
mẹ, nhiếc móc cô Lạt là không biết dậy con và dí tay vào trán Dũng mà chì chiết
“Cái quân mất dậy”. Nhưng dù tất cả lũ trẻ có biến thành “quân mất dậy” thì tôi
chắc cũng không có Dũng trong đó. Tôi cam đoan là vậy.
Dũng học rất giỏi dù chẳng có mấy thời
gian ôn bài. Sáng sớm, nó dậy từ năm giờ dọn hàng đỡ mẹ. Từ hè sang thu, nó rửa,
lau sạch rồi sắp xếp những lá bàng, lá sen tươi dùng để gói xôi lại trong cái
thúng tre quang dầu nâu bóng. Không biết đôi bàn tay bé nhỏ đã sắp bao nhiêu lá
nhưng khi đến lớp, quanh bàn nó, mùi lá bàng ngái, mùi lá sen thơm cứ vấn vương
mãi không thôi. Mùa đông cho đến mùa xuân, khi bàng rụng, sen tàn, Dũng lại
chịu khó cắt báo ra làm những miếng vuông nho nhỏ, đặt một mảnh nilon lên trên
rồi sắp chồng lại vào trong thúng. Những đường cắt của nó bao giờ cũng gọn
gàng, vuông vức và đều chằn chặn. Nhiều lần sang chơi, tôi cũng đòi làm cùng
nhưng bàn tay vụng về cứ xiên xẹo làm hỏng cả. Từ ngày đó tôi đã lờ mờ nhận ra
rằng Dũng để dành tình cảm của nó cho mẹ vào trong đám lá, đám giấy gói xôi.
Hóa ra, sự yêu thương là điều thật ngọt ngào, ngay cả dưới những nhát cắt từ
một vật vô tri như là chiếc kéo.
Sau ngày mẹ Dũng đi bước nữa, nó có vẻ ít
nói hơn. Tôi biết đó là vì nó ghét cha Dượng. Thằng Quỳnh ở sát vách với Dũng
kể ông ấy rất hay chửi đánh hai mẹ con. Lạ thế, người đàn ông vừa xấu bẩn như
ma, lại suốt ngày ngồi quán nước uống rượu, chả chịu làm ăn gì mà lại cứ cho
rằng việc lấy cô Lạt là điều nhục nhã. Ông ấy cứ nhiếc cô Lạt là mụ nạ dòng,
còn kể lể rằng mình là trai tân hẳn hoi, ăn phải bùa phải bả nên mới phải nuôi
con cho người và chẳng làm được gì vì xúi quẩy. Tôi thì thấy ngược lại, có khi
chính ông ấy đem sự xúi quẩy đến cho hai mẹ con côi cút. Từ ngày ông ấy về ở
cùng, khách đến ăn xôi cứ thưa dần. Cũng phải, vì làm gì có ai lại thích vừa ăn
vừa nghe người say lè nhè chửi bới. Có lần, cô Lạt đang tươi cười lấy xôi cho
khách quen thì ông chồng nát rượu phăng phăng đến, hất đổ cả thúng xôi. Ông ấy
túm tóc cô lôi về nhà khóa cửa lại mà đánh. Phải mấy hôm sau cô Lạt mới lại đi
bán hàng được, mặt mũi, tay chân đầy những mảng thâm như xôi nếp cẩm.
Rồi thằng Dũng có em, một đứa em gái mà
nó đòi mẹ đặt tên là Ngọc. Cô bé đúng là viên ngọc thực sự. Da em không nâu nâu
như thằng Dũng mà trắng ngà ngà như gạo nếp quýt mà cô Lạt ngâm để đồ xôi mỗi
sáng. Ông bố Dượng vẫn chẳng thay đổi gì, suốt ngày lèo nhèo chửi bới. Ông ấy
đay nghiến “Tổ cha cái mụ nạ dòng, đẻ cho thằng khác con trai mà lại đẻ cho ông
con gái”. Bé Ngọc càng lớn càng bám Dũng. Cũng chẳng lạ, vì từ ngày em còn đỏ
hỏn, Dũng đã trở thành ông bố tí hon. Nó chăm em cẩn thẩn như người ta chăm gà
con mới nở. Mẹ bán hàng cả ngày từ khi đầy tháng, vì không bán thì chả lấy đâu
tiền nuôi cả nhà sáu miệng ăn. Nên cứ đi học thì thôi chứ về đến nhà là em Ngọc
luôn bên sườn Dũng. Một thằng bé hơn mười tuổi đầu mà chăm em như ông cụ non.
Nó cũng biết nói nựng, biết thay rửa cho em, biết pha sữa Ông Thọ với nước ấm
và cho em uống bằng thìa, biết nghiền nước hầm rau với thịt qua một cái rây rồi
quấy bột cho em ăn. Nó làm tất cả những việc ấy với niềm say mê và yêu thương
vô hạn đến nỗi khiến tôi cũng phát thèm. Tôi về nhà đòi mẹ sinh thêm em gái.
Nhưng mẹ gắt lên, nhấm nhẳng: “Tôi lậy ông, hai anh em ông phá phách chưa đủ
hay sao”?
Mẹ tôi chẳng bao giờ dịu dàng với con cái
được như cô Lạt. Hầu như từ ngay quen Dũng, tôi chưa bao giờ thấy cô gắt với
con câu nào. Cô thường ôm con vào lòng, để nó kê cái đầu bù xù những lọn tóc
hơi quăn quăn trên đùi mà hôn vào má, vào trán. Kể cả sau này khi đã có bé
Ngọc, cô vẫn vuốt ve thằng Dũng y như trước. Với cô, những đứa con không phải
“của nợ” như nhiều bà mẹ vẫn hay nhiếc móc mà chúng giống như thứ đồ quý cần
chăm bẵm, nâng niu. Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày tháng ba chớm nắng
hanh hao, bọn tôi cùng thằng Dũng bế theo em Ngọc ra hàng chơi với mẹ. Cô Lạt
cười thật tươi đón lấy bé gái xinh như thiên thần đặt vào lòng, rồi vừa nựng
con lại vừa nắm cho tôi, thằng Dũng, thằng Quỳnh mỗi đứa một nắm chim chim xôi
lạc chấm muối vừng thơm phức. Phía trên cao, hoa gạo nở đỏ rực như thắp thêm
lửa cho ngày cuối xuân bớt mưa phùn rồi gọi nắng về để mùa hè thêm rực rỡ.
Thằng Dũng từ ngày có em chỉ quanh quẩn
trông em chứ không ra ngoài chơi nhiều nữa. Nếu có đi, nó cũng phải bế em theo.
Tuổi thơ tôi dường như gắn liền với hai anh em Dũng, cả những buồn vui cũng thế.
Daọ đó, em Ngọc khó ngủ lắm, cứ bế trên tay thì thôi chứ đặt xuống là y như
rằng trằn trọc rồi tỉnh dậy khóc rấm rứt không yên. Bà nội tôi chỉ cách tìm
bông gạo làm gối cho em nằm thử xem sao. Bà kể ngày xưa các cụ hay làm gối từ
hoa gạo. Nằm gối ấy sẽ ngủ sâu, đầu óc nhẹ nhõm và êm ái như gối đầu lên mây
trắng. May quá, gì chứ hoa gạo thì đang đúng mùa nở rộ, chẳng mấy chốc mà rụng
xuống cho bông.
Suốt mùa xuân năm ấy, tôi, Dũng, và Quỳnh
đi gom bông gạo khắp cả mấy phố xung quanh. Hồi đó còn nhiều cây gạo lắm. Giống
cây đến là kiêu hãnh, thân xù xì, thô ráp nhưng lúc nào cũng đứng thẳng lưng
chính trực. Cứ đến mùa hoa nở là chim chóc từ đâu bay về như xem hội, chắc chúng
mến loài cây hiền lành và yêu vẻ đẹp của hàng ngàn bông hoa ghép thành cánh
buồm đỏ thắm rực rỡ trên không. Chỉ riêng ở gốc gạo cổ thụ mà mẹ Dũng vẫn ngồi
bán hàng, có những buổi sáng sớm, bọn tôi thu được cả trăm bông hoa đầy đặn,
rồi hỉ hả gỡ được cả túi gạo trắng đục từ những nhụy hoa đỏ thắm. Mùa hạ đến sớm hơn
thường lệ, mới giữa tháng ba âm mà nắng đã rực rỡ nhuộm vàng khắp phố phường.
Dũng tranh thủ phơi hoa gạo trên sân thượng nhà Quỳnh. Nó cẩn thận rải đều lũ
bông gạo lên những tờ báo sạch. Sáng sớm, trước khi đi học phơi ra thì đến
chiều gom lại cất đi. Phơi hàng tuần như thế, nó cũng có một bịch bông gạo mềm
và xốp như mây. Bà nội tôi dậy Dũng cách khâu và còn cho nó một mảnh vải lụa
vàng để may áo gối. Mảnh lụa ấy bà cất đi từ lâu dành khi có việc, nhưng vì
thương, vì quý và nể sự chăm ngoan của thằng bé mười tuổi mà mang ra tặng nó.
Nhiều lúc tôi thấy bà và Dũng cứ như đôi bạn vong niên , một mái đầu bạc bên
cạnh mái đầu xanh, cả hai điềm tĩnh và nhẫn nại ngồi chuốt từng đường kim, mũi
chỉ.
Cuối cùng, Dũng cũng hoàn thành tác phẩm
của nó. Một cái gối nhồi bông gạo bé bằng hai bàn tay xòe rộng, áo gối hình
quạt từ tấm lụa vàng bà tôi tặng. Cái gối xinh xắn ấy có cả riềm xếp nếp và
thêu tên bé Ngọc ngay bên trái. Chẳng biết do gối bông gạo nhiệm mầu hay do
tình yêu của anh trai gửi vào trong đó mà kể từ khi nằm gối bé Ngọc bớt quấy
hơn hẳn, cũng không bị đổ mồ hôi trộm nhiều như trước nữa.
Hơn một tuổi con bé bắt đầu tập đi, cứ
ngãng ra một cái là lại men giường, men bàn mà đi rồi cười khanh khách. Có bận
con bé loạng choạng ngã làm đổ bình rượu của bố, ông ấy nổi điên tát đánh liên
hồi vào cơ thể bé nhỏ mềm nhũn vì quá sợ hãi. Thằng Dũng thấy thế xông vào ôm
em chạy khỏi nhà. Đêm đó mấy mẹ con, anh em phải ở tạm nhà tôi đợi bố ngủ say
mới dám về. Bà nội tôi xót xa nhìn những vết hằn trên má, trên lưng, trên người
con bé mới hơn tuổi đầu mà bảo mẹ Dũng: “Thế cháu còn để con cái khổ đến bao
giờ? ”. Cô Lạt cúi gằm mặt, nước mắt ướt cả tóc bé Ngọc mãi mới nói thành lời:
“Chẳng lẽ lại bỏ chồng sao bác?”. Bà tôi không nhìn cô, bà nhìn trân trân vào
thằng Dũng mà thở dài: “Bác chỉ sợ cứ thế này rồi có chuyện…”.
Người ta bảo “Lục thập nhi nhĩ thuận”- nghĩa
là “Người sáu mươi tuổi thấu hiểu nhân tình thế thái”. Bà nội tôi khi ấy đã sái
lăm tuổi, nghĩa là dự đoán cả bà không phải chỉ do lo suông mà có. Nhà thằng
Dũng đã xẩy ra chuyện thật, một chuyện đau lòng khiến cho cuộc đời của nó thay
đổi hoàn toàn.
Sáng hôm đó Dũng đang ở nhà thì có người
nhắn nó mang thêm hành khô ra hàng cho mẹ. Thấy bé Ngọc đang ngủ say, nó khép
hờ cửa rồi chạy vội ra ngoài. Từ nhà nó đến quán hàng chỉ khoảng hai trăm mét, chạy
đi rồi chạy về chỉ chừng năm phút, nghĩ thế nên Dũng cứ để em nằm nhà mà đi. Ai
ngờ đâu bé Ngọc dậy ngay sau anh rồi lẫm chẫm men tường ra ngoài. Em đi không
vững lăn xuống hố nước đầy vốn trước đây ông Mãi dùng để tôi vôi. Chiều vắng,
mọi người đi làm cả nên chẳng ai biết mà cứu lấy em. Ngày đó Ngọc mới vừa tròn mười
lăm tháng tuổi và Dũng mới hơn mười một tuổi.
Cha dượng Dũng và họ hàng nhà ông đổ riệt
cho nó tội giết em gái. Thằng bé con còi cọc mới mười một tuổi phải chịu trách
nhiệm quá lớn với một mạng người. Dũng bị đánh, bị sỉ vả, nhục mạ mà chẳng có
phản ứng gì. Nó cũng như cô Lạt, chỉ ngồi đó, yên lặng và đờ đẫn nhìn người ta
tắm rửa cho Ngọc, mặc bộ quần áo đẹp nhất cho em rồi đặt vào cỗ quan tài bé nhỏ
sơn son thếp vàng. Lúc nhập quan, bà nội tôi lấy cái gối bông gạo mà Dũng khâu
đặt vào áo quan cho Ngọc, tôi chắc đó là thứ duy nhất em muốn mang theo trong giấc
ngủ ngàn thu.
Sau khi làm lễ ba lăm ngày cho em Ngọc,
thằng Dũng bỏ nhà đi. Nó không để lại gì cũng chẳng mang theo thứ gì. Cô Lạt đi
tìm con khắp nơi, khắp chốn nhưng Dũng vẫn bặt vô âm tín. Ngày Ngọc mất rồi
Dũng bỏ đi, một phần tuổi thơ của tôi cứ như chìm dần vào bóng tối. Chỉ khi hoa
gạo tháng ba thắp lửa trên trời, tôi mới lại thấy lòng quay quắt nhớ.
Ngọc ơi, Dũng ơi, giờ này mọi người ở đâu
rồi?
***
Ba mươi năm trôi qua. Gốc gạo cổ thụ vẫn
giương thẳng cánh buồm đỏ chói lên bầu trời tháng ba đầy mưa phùn giăng mắc.
Dưới gốc gạo, vỉa hè đã thay bao lần gạch mới nhưng hàng xôi nhà cô Lạt vẫn
đông khách như ngày tôi còn là thằng bé hơn chục tuổi đầu. Ông bà ngoại Dũng đã
mất từ lâu, người chồng thứ hai cũng không còn ở đó vì sau khi Dũng bỏ đi ít
lâu, cô Lạt quyết định ly hôn. Giờ cô vẫn sống một mình ở căn nhà cũ. Dù sau
này làm ăn khấm khá hơn, cô cũng không sửa nhà mà vẫn giữ mọi thứ y nguyên như
cũ. Tôi đoán cô sợ thằng Dũng về tìm không thấy mẹ.
Về cùng với tháng ba năm nay không chỉ có
hoa gạo và mưa phùn. Mà còn có cả Dũng. Cái thằng trời đánh đi một mạch ba mươi
năm mà không một bức thư gửi về nhà. Cái thằng đáng ghét đã mang mấy chục lần
tháng ba của mẹ nó, của tôi và của thằng Quỳnh đi qua trong thắc thỏm. Nó về
không báo trước. Xịch một cái, chiếc xe đen nhoáng chở nó đến trước thúng xôi
của cô Lạt vào buổi chiều hôm. Rồi nó bước ra, đứng trân trân nhìn mẹ mà chẳng
thốt được một lời cho đến khi chính mẹ nó lại gần, sờ vào đầu, vào tóc, vào mặt
đứa con trai yêu dấu.
Ngay khi nhận được tin Dũng về, tôi và
Quỳnh lao đến ngay lập tức. Bọn tôi tưởng chừng có thể ôm lấy nó, có thể khóc,
có thể cười như hóa dại sau ba mươi năm không gặp. Nhưng vừa nhìn thấy nó, vừa
nhìn vào đôi mắt trống rỗng lạnh lùng ấy, chúng tôi như khựng lại. Nó đâu còn
là thằng bé Dũng thủơ nào.
Dũng kể rằng sau khi bỏ nhà đi, nó được
cưu mang bởi một gia đình buôn bán ở biên giới Việt Trung. Hai vợ chồng chủ nhà
không có con nên họ nhận Dũng làm con nuôi và đổi tên thành Thịnh Phát. Khoảng ba
năm sau thì cả nhà sang Nga buôn bán. Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, gia đình
lại chuyển sang Ucraina thành lập công ty kinh doanh may mặc. Đến năm 2011,
nghe tình hình ở đó sẽ có biến động, Dũng quyết định đưa cả nhà về Việt Nam .
Vậy ra nó đã ở đây hai năm, đã ngầm dõi theo mẹ từng ấy thời gian mà chẳng ai
hay biết.
Về thăm nhà nhưng Dũng không ở lại. Nó
bảo sẽ thu xếp đưa mẹ về sống cùng mình. Dũng vẫn chưa lập gia đình. Nó bước ra
khỏi căn nhà thời thơ ấu nhanh chóng cũng như khi nó về. Tôi có cảm giác nó sợ
ở lâu trong đó. Thỉnh thoảng nó liếc mắt về phía bàn thờ nơi có ảnh ông bà
ngoại và bé Ngọc nhưng không hề hỏi đến cũng như tỏ ý muốn thắp một nén hương.
Khi ra về, Quỳnh bảo với tôi là nó thất vọng vì thằng Dũng như người vô cảm,
chắc nó sung sướng quá nên quên hết mọi người rồi. Nhưng tôi tin là không phải
thế. Dũng chẳng quên ai, nó chỉ không muốn cứa vào vết thương không chịu liền
sẹo. Thằng bé mới hơn mười tuổi đã phải một mình chống chọi với đời không thể
bằng cách cứ gặm nhấm quá khứ đau buồn.
Mấy hôm sau, Dũng gọi điện nhờ tôi và Quỳnh
đi cùng để chọn đồ sắp xếp phòng cho mẹ chuyển về ở cùng. Khi hai thằng tôi còn
đang hoa mắt với các nhãn hàng trong khu mua sắm thì đột nhiên Dũng băng băng
tiến lại gần một gian. Nó lao thẳng vào và đứng chết trân trước một kệ trưng
bầy gối làm từ bông gạo dành cho trẻ con. Thật kì lạ, trên bục bầy hàng cao
nhất, một cái gối nhỏ hình dẻ quạt bằng lụa vàng gần như giống hệt cái mà Dũng
đã may cho em gái ngày nào, chỉ khác là trên góc nhỏ bên trái không có thêu tên
của Ngọc mà là một bông hoa gao đỏ chót. Dũng với lấy chiếc gối, áp vào mặt và
đột nhiên bật khóc nức nở. Thằng đàn ông ngoài bốn mươi tuổi vạm vỡ, to lớn
bỗng dưng biến đâu mất, chỉ còn lại đứa trẻ mười tuổi gầy gò và đau đớn vì những
biến cố trong đời. Tôi và Quỳnh cũng vậy, trước mắt bọn tôi không còn ai, cũng
chẳng còn thể diện đàn ông mà người ta buộc vào mình. Chúng tôi ôm lấy Dũng mà
khóc, tiếng khóc đáng lẽ đã phải cất lên
từ ba mươi năm trước.
Năm nay cây gạo cổ thụ lại trổ bông sai
kỳ lạ, những đám lửa lập lòe cứ như tràn ra khỏi cành mà lan ra đến tận chân
trời. Cuối xuân hoa rụng, cũng nhiều như cái lần bọn tôi nhặt bông gạo nhồi gối
cho em Ngọc. Thế là một tháng ba nữa lại bắt đầu.