Sáng 04.05.2015, trên diễn đàn đại hội của Hội nhà văn Việt Nam khu vực miền Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long họp tại Mỹ Tho, tôi đã phát biểu một số ý kiến như sau :
- Đề nghị đại hội lần thứ 9 của Hội phải là
đại hội toàn thể như đại hội 4, 5 và 8 chúng ta đã từng thực hiện. Đây là
nguyện vọng và yêu cầu của tuyệt đại đa số hội viên. Chủ trương không họp đại
hội toàn thể mà phải họp đại hội đại biểu là áp đặt một công việc trái với
nguyện vọng và yêu cầu của tuyệt đại đa số hội viên. Cần phải họp đại hội toàn
thể và họp với tinh thần một hội nghị Diên Hồng về văn hoá, trong nỗ lực phấn
đấu để Hội nhà văn Việt Nam là lực lượng tiên phong nòng cốt tiến tới một hội
nghị Diên Hồng về văn hoá của toàn bộ giới hoạt động văn hoá trong và ngoài Hội
nhà văn Việt Nam, có như thế mới xứng đáng với truyền thống VĂN HOÁ CỨU QUỐC,
tổ chức tiền thân của Hội ta. Chúng ta có thể tiến hành đại hội toàn thể mà
không phải dựa hoặc chỉ dựa vào rất ít chi phí từ ngân sách nhà nước (thực chất
là tiền thuế của dân) bằng cách vận động những hội viên có khả năng tài chính
tự túc ăn ở đi lại, đồng thời lập ra một quỹ kêu gọi đóng góp tài chính của hội
viên và bạn đọc để trang trải chi phí cho các hội viên hoàn cảnh còn khó khăn
có thể đến dự đại hội. Tôi tin rằng không ít hội viên và bạn đọc sẵn lòng
hỗ trợ để chúng ta tiến hành một đại hội toàn thể với tinh thần hội nghị Diên
Hồng về văn hoá. Đây là một phương án hoàn toàn có tính khả thi nếu những người
lãnh đạo biết lắng nghe, có thái độ cầu thị thực tâm tôn trọng nguyện vọng, yêu
cầu của hội viên và toàn thể công chúng văn học.
- Đại hội lần này
chúng ta cần giải quyết dứt khoát vấn đề tự do sáng tác phải gắn liền với tự do
công bố, đây là một nguyên tắc, một nguyên lý của sự phát triển; nếu không gắn
chặt với tự do công bố thì tự do sáng tác rốt cuộc chỉ là tự do sáng tác cất
vào ngăn kéo. Theo tôi biết thì nhiều năm qua không ít hội viên chúng ta (trong
đó có bản thân tôi) đều đang có bản thảo phải chịu cảnh nằm dài trong ngăn kéo
của các nhà xuất bản, các toà báo, không phải vì các bản thảo ấy có nội dung vi
phạm pháp luật hay yếu kém về tay nghề mà vì nỗ lực nhìn thẳng vào sự thật, nói
đúng nói rõ sự thật của các tác giả. Hiện chúng ta có tới hơn 800 cơ quan báo
đài hầu hết được bao cấp bằng ngân sách nhà nước - tức tiền thuế của dân, nhưng
chỉ có một tổng biên tập kiểm soát nội dung là ông trưởng ban tuyên giáo
trung ương. Đây là một hệ thống báo chí xuất bản lẩn tránh sự thật, bưng bít
ngăn chặn thông tin, chống lại chủ trương dân biết dân bàn, kìm hãm ngăn trở sự
phát triển sức sản xuất trên lãnh vực tinh thần của toàn xã hội. Cần phải thực
hiện tự do sáng tác gắn liền với tự do công bố nghĩa là phải hiện thực hoá
quyền công dân đã ghi rõ trong Hiến pháp từ năm 1946: Công dân có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí và xuất bản, tức là công dân phải có quyền ra báo tư
nhân, lập nhà xuất bản tư nhân.
Ai đó trong Ban
chấp hành trung ương, Bộ chính trị, trong chính phủ phát biểu rằng không chấp
nhận báo chí và xuất bản tư nhân là vi phạm Hiến pháp, là phản bội chính thể
dân chủ cộng hoà.
Tôi xin đọc lại
cho các đồng nghiệp nghe đoạn văn sau đây rất quan thiết đến sự nghiệp sáng tác
của chúng ta: “Ban bố triệt để quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận
chính là cởi mở cho văn hoá dân tộc trở nên sầm uất và đem một luồng sinh khí
mạnh mẽ thổi vào cái văn hoá đã bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật
hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất
bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào, phong phú.” (“MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI” - Nguyễn
Hữu Đang và Nguyễn Đình Thi - Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam, trong Mặt trận
Việt Minh, xuất bản - Hà Nội - 1945 – in lần thứ hai - trang 45). Đoạn văn
mà tôi vừa dẫn đọc trên là trích từ bản báo cáo về văn hóa để trình bày
trong Quốc dân đại hội họp tại Tân Trào, Tuyên Quang (thuộc khu Giải phóng)
giữa tháng 8 năm 1945, một đại hội lịch sử khai sinh ra chính thể Việt Nam Dân
chủ Cộng hoà. Ngay sau cách mạng Tháng Tám ít lâu, cũng trong năm
1945, Hội Văn hoá Cứu quốc đã cho xuất bản toàn văn bản báo cáo mang tên:
“MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI” với tên hai đồng tác giả theo thứ tự: Nguyễn Hữu
Đang, Nguyễn Đình Thi – hai thành viên nòng cốt của tổ chức Văn hóa cứu
quốc Việt Nam, tiền thân của Hội nhà văn Việt Nam (cùng các hội khác thuộc lãnh
vực văn hóa nghệ thuật ). Nhà văn Nguyễn Đình Thi lúc sinh thời cho biết:
đoạn văn nêu trên là do nhà cách mạng, nhà văn hoá Nguyễn Hữu Đang viết. Không
biết hiện nay có bao nhiêu hội viên chúng ta đã đọc văn kiện lịch sử này? Tôi e
rằng rất ít. Tôi đề nghị anh Hữu Thỉnh hãy chỉ thị cho NXB Hội nhà văn tái
bản MỘT NỀN VĂN HÓA MỚI ngay trong tháng 5 này với số lượng lớn, coi như thực
hiện một khâu quan trọng trong quá trình chuẩn bị tư tưởng cho đại hội lần thứ
9 (cuối năm 1945 chỉ trong thời gian ngắn MỘT NỀN VĂN HÓA
MỚI đã được in 2 lần, số lượng in mỗi lần trên mười ngàn cuốn). Không
giải quyết vấn đề tự do sáng tác phải gắn liền với tự do công bố thì nhất
định sẽ bế tắc, ngày càng bế tắc.
- Trong dự thảo báo cáo của Ban chấp hành có
đề cập đến sự xuất hiện tổ chức Văn đoàn độc lập với sự tham gia của 26 hội
viên Hội nhà văn VN, nói đây là tổ chức bất hợp pháp và vận động hội viên không
nên tham gia tổ chức này. Với tư cách là một thành viên trong Ban vận động Văn
đoàn độc lập tôi xin khẳng định rõ: Tên chính xác của tổ chức là Ban vận động
Văn đoàn độc lập, trưởng ban là nhà văn Nguyên Ngọc, từng nhiều năm là Bí thư
đảng đoàn, phó tổng thư ký thường trực của Hội ta, một cán bộ lãnh đạo chủ chốt
của Hội đi đầu rất sớm trong đổi mới. Tôi cũng khẳng định rõ Ban vận động Văn
đoàn độc lập không phải là một tổ chức bất hợp pháp. Ban có tôn chỉ mục đích
minh bạch đàng hoàng đã công bố trên tờ báo mạng Văn Việt
của Ban, một hoạt động với tôn chỉ mục đích như vậy là hoàn toàn phù hợp với
Hiến pháp và không hề phạm vào điều cấm nào của luật pháp. Tờ báo mạng Văn Việt
của Ban ra đời hơn 1 năm nay chưa có bài nào bị nêu về nội dung vi phạm pháp
luật hay bị chê yếu kém về tay nghề. Theo tôi, nếu BCH Hội có đủ tự tin và
thực tâm tha thiết đến sự phát triển nền văn hoá nước nhà thì nên hoan nghênh
sự ra đời của Ban vận động Văn đoàn độc lập, vì đây là một tổ chức hướng đến
một nền văn học đích thực, tự nuôi tự quản không làm tốn kém một đồng nào từ
ngân sách nhà nước (thực chất là tiền thuế của dân). Ban chấp hành Hội nên coi
Ban vận động Văn đoàn độc lập là một đối sánh cần thiết để nhìn vào đó mà tự
mình nỗ lực hơn nữa, tự tin hơn nữa vươn lên thi đua hoạt động đạt chất lượng
cao nhất với chi phí thấp nhất nêu gương cho tất cả các hội đoàn xã hội dân sự
sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Tôi khẳng định rằng sự xuất hiện các tổ chức xã
hội dân sự như Ban vận động Văn đoàn độc lập là một xu thế tất yếu hợp qui
luật, không thể đảo ngược, không thể gì ngăn trở. Từ năm 1995, trên diễn đàn
đại hội lần thứ 5 của Hội ta, tôi đã mạnh mẽ yêu cầu phải sớm có luật đảm bảo
quyền tự do lập hội của công dân đã ghi rõ trong Hiến pháp từ 1946 và thực tế
người dân đã được hưởng quyền ấy dưới chính thể dân chủ cộng hoà năm 1946, Đảng
nhà nước muốn có Hội nhà văn quốc doanh thì cứ bỏ tiền nuôi hội quốc doanh, còn
những nhà văn nào không thích hội quốc doanh thì có quyền lập hội tự nuôi tự
quản của mình, như thế mới vui, mới có sức sống thực của sinh hoạt hội đoàn.
Hôm nay, tại diễn đàn này, tôi xin mạnh mẽ nhắc lại ý kiến đã nêu từ 20 năm
trước. Tôi tin và mong rằng nhất định Quốc hội sẽ phải sớm trả món nợ quyền dân
về quyền tự do báo chí tự do xuất bản và tự do lập hội cho nhân dân, món nợ lớn
này dây dưa đã quá lâu rồi.
- Anh Hữu Thỉnh nói rằng Ban vận động Văn
đoàn độc lập là tổ chức bất hợp pháp, vậy thì anh hãy có văn bản chính thức đi,
anh thông báo với đại hội rằng 6g30 sáng nay anh gọi điện cho bộ trưởng bộ nội
vụ và được giải thích rằng tổ chức bất hợp pháp là tổ chức chưa được cấp phép
của nhà nước, vậy đảng CSVN chỉ dựa vào điều 4 của Hiến pháp để hoạt động chứ
có dựa vào giấy phép nào đâu? Đảng tuyên bố theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin nhưng tôi
chưa thấy một tổng bí thư nào dám tự khẳng định mình nắm vững chủ nghĩa Mác –
Lê-nin, vậy thì cái danh xưng theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin là một danh xưng dối
trá, có phải vậy không? Chính tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói chưa biết
cuối thế kỷ này có chủ nghĩa xã hội hay không thì đảng lấy tư cách gì để lãnh
đạo đất nước đi vào chỗ mình chưa biết?
- Dự thảo điều lệ hội lần này vẫn ghi Hội là
tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tôi đề nghị Hội nên trở lại là tổ chức xã
hội nghề nghiệp như điều lệ đại hội 4 của hội ta đã xác định. Dự thảo điều lệ
Hội lần này vẫn ghi Hội theo đường lối văn hoá văn nghệ của đảng nhưng đường
lối sai lầm thì Hội và các nhà văn hội viên tính sao? Thực tế cho thấy đảng đầy
rẫy sai lầm mà sai lầm bao trùm nghiêm trọng nhất là đường lối cách mạng XHCN,
tôi đề nghị đại hội 12 đảng nên quyết định trở về đường lối cách mạng dân tộc
dân chủ, tạm gác mục tiêu XHCN lại (hết phần phát biểu tại đại hội của Hội nhà
văn Việt Nam khu vực miền Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long).
Thưa các đồng nghiệp hội viên
Anh Hữu Thỉnh chỉ đạo không
bầu các hội viên đã tham gia Ban vận động Văn đoàn độc lập làm đại biểu đi dự
đại hội 9 là hành động vi phạm điều lệ Hội, là hoạt động bè phái nhằm mục đích
ngăn cản các nhà văn có tư duy độc lập lên diễn đàn đại hội đại biểu toàn quốc
cất lên tiếng nói độc lập của mình. Tôi cực lực lên án hành vi đó của anh Hữu
Thỉnh.
Trước tình hình ngày càng sa
đọa của tổ chức Hội – số lượng càng đông chất lượng càng kém chi xài tiền thuế
của dân ngày càng phung phí qua vô số các cuộc sinh hoạt hời hợt hình thức lấy
“vui là chính” như rất nhiều hội viên từng nói thẳng không che giấu
- từ lâu tôi đã có ý định từ bỏ Hội nhà văn Việt Nam, nhưng sở dĩ đến nay
còn ở lại là vì luyến tiếc cái truyền thống quý báu của VĂN HOÁ CỨU QUỐC – tổ
chức tiền thân của Hội ta; tôi vào Hội năm 1977 với sự giới thiệu của hai
nhà văn Nguyên Ngọc và Vũ Tú Nam cũng vì niềm ngưỡng mộ và bầu nhiệt huyết muốn
phát huy truyền thống quý báu ấy. Tôi còn ở lại Hội cho đến nay cũng chỉ vì
muốn mỗi lần sinh hoạt Hội quyết giành lấy 10 phút lên diễn đàn để nói lên
tiếng nói độc lập trung thực thẳng thắn của mình, để đỡ phải xấu hổ với nhân
dân đã chắt chiu từng đồng tiền đóng thuế bỏ ra nuôi Hội.
Nhưng đến đại hội này, người
lãnh đạo Hội đã quyết dùng mọi xảo thuật về tổ chức để không tiến hành đại hội
toàn thể, để quyết ngăn trở tôi trở thành đại biểu đại hội toàn quốc (tôi chỉ
được 2 phiếu bầu, đó là phiếu của nhà thơ Lê Huy Mậu và nhà thơ Phạm Văn Đoan,
nhân đây xin trân trọng cảm ơn sự tin cậy của hai nhà thơ đối với tôi). Những
người lãnh đạo Hội và cấp trên của họ đã tỏ rõ rằng họ quyết phản bội truyền
thống của VĂN HOÁ CỨU QUỐC, quyết dùng tổ chức Hội làm công cụ chính trị dựng
thành bệ đỡ cho ngai ghế vua quan cách mạng của họ.
Tôi tuyên bố từ bỏ Hội nhà
văn Việt Nam .
Tôi sẽ liên lạc ngay với các
đồng nghiệp cùng quan điểm để ra một tuyên bố chung.
Đà Lạt 10.05.2015