Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

LANG THANG QUA CHIẾN TRANH (4)

Thanh Thảo

Cuộc uống rượu nhà Chú Hỏa, nếu mà có Thu Bồn cùng đi thì vui biết mấy !

Nhưng Thu Bồn đây rồi ! Nhà thơ như cây trắc, như « bóng cây Kơ-nia » (Nam Bộ gọi cây Kơ-nia là cây cầy) Tây nguyên đại ngàn lúc bấy giờ đang tá túc với chúng tôi ở chung cư 190 Công Lý( Sau đổi thành « Nam Kỳ Khởi Nghĩa »). Thu Bồn vui lắm. Và năng động vô cùng. Anh mặc quân phục, đeo súng ngắn, dáng đi hết sức mạnh mẽ trong cái thành phố khổng lồ mà anh mới một lần gặp mặt, dù mơ ước trong thơ đã nhiều. Nhớ một buổi sáng tôi với Thu Bồn và Ngô Thế Oanh đang lang thang trước 190 Công Lý thì gặp Trần Vũ Mai. Anh chàng Mai như phóng viên mặt trận lập tức chụp ảnh mấy anh em. Chưa kịp làm thêm vài kiểu ảnh nữa thì có một ông cụ già tới hỏi thăm chúng tôi. Ông hỏi ngôi nhà luật sư Trịnh Đình Thảo bây giờ có người ở không ? Chúng tôi không biết, nhưng vì ngôi nhà ấy ở 192 hay 194 Công Lý gì đó, gần chung cư 190, nên chúng tôi nghĩ là có người của Giải phóng đang ở để bảo vệ. Cụ già nói : ông vốn là người quản gia của ngôi nhà này, ngôi nhà mà luật sư Trịnh Đình Thảo vẫn ở trước khi lên chiến khu. Khi luật sư Thảo đi, ông vẫn trông nhà. Ông chỉ rời nhà trong ngày 30/4 vì lo ngại. Nay ông trở lại để hỏi thăm tin tức luật sư Trịnh Đình Thảo, và mang biếu luật sư chút ít mắm ăn - loại mắm gia đình ông tự làm mà luật sư Thảo rất thích ăn. Chỉ thế thôi. Chúng tôi tự nhiên cảm động, một người quản gia mà có tình nghĩa như thế với ông chủ, chứng tỏ ông chủ là người rất tình nghĩa, là người tốt. Luật sư Trịnh Đình Thảo đã rời Sài Gòn từ nhiều năm, vậy mà người quản gia vẫn nhớ, vẫn cảm thấy có trách nhiệm với chủ của mình, hơn thế, còn nhớ cả khẩu vị của ông chủ, nên mang biếu lọ mắm để chủ mình dùng.

Thu Bồn là người rất dễ cảm động. « Cây kơ-nia » cứng rắn ấy nhiều khi khóc như trẻ con. Đó là một trong những nhà thơ hồn nhiên nhất mà tôi biết. Hồi đó, mấy anh em chúng tôi cùng Thu Bồn ở trong một căn hộ thuộc chung cư 190 Công Lý. Chung cư này vốn của quân đội Mỹ, dành riêng cho sĩ quan tình báo CIA của Mỹ. Vì thế, trên sân thượng chung cư có sân bay trực thăng dã chiến. Nghe nói, những sĩ quan CIA Mỹ chủ chốt ở chung cư này đã di tản từ sân bay dã chiến trên sân thượng chung cư 190. Lúc đó thì nói thật, chúng tôi chả quan tâm lắm. Ở thì ở, thế thôi. Sĩ quan CIA, ghê thật đấy, nhưng chạy đâu mất rồi ! Thậm chí, tôi cũng không thuộc diện ở đó. Lang thang cơ nhỡ, tôi cứ thấy bạn bè mình ở đâu thì tấp vào ở cùng, qua ngày đoạn tháng vậy thôi. Một buổi tối, chúng tôi đang xem hay chuyện trò gì đó với nhau. Riêng Thu Bồn, anh chăm chú nhìn sang ngôi biệt thự bên cạnh, hình như bên ấy đang có chuyện gì thu hút lắm. Khi chúng tôi thấy anh nhìn đăm đắm lâu như vậy, mới nhìn theo, thì… eo ôi, đúng là có chuyện. Một đôi trai gái đang làm tình với nhau, đèn điện vẫn sáng, và họ thì bất kể xung quanh, vẫn mê mải theo nhịp rock dữ dội. Thu Bồn có vẻ hâm mộ lắm, anh nhìn không chán. Dĩ nhiên, chúng tôi, những thằng con trai tân mới từ trong rừng ra, cũng vừa sợ hãi vừa… thích thú trước « sự kiện » này. Đột ngột, sau một hồi « xem phim…miễn phí », Thu Bồn chợt kêu to lên : « Nứng c. quá, trời ơi ! » Một tiếng kêu thét khiến tất cả chúng tôi rụng rời ! Vì nó thật quá, thật hơn cả thơ ca, văn xuôi, hay kịch. Nó mãnh liệt quá, mãnh liệt hơn cả cuộc làm tình theo nhịp rock của đôi trai gái kia. Đó như là tiếng kêu bị nén lại suốt cả ba mươi năm, giờ bật ra. Mà chỉ có Thu Bồn mới kêu lên được tiếng kêu cực kỳ nhân bản ấy. Đó là một khao khát có thật của con người, dù cố giấu hay bộc lộ.

Một tiếng kêu khép lại ba mươi năm chiến tranh.

Có thể đúng vào lúc ấy, một người bạn của chúng tôi, bây giờ là PGS-TS Phan An, một nhà dân tộc học, đang « hớp chút ánh trăng qua kẽ lá ». Anh bị bỏ quên trên rừng sau khi Sài Gòn giải phóng tới ngót tháng trời. Chẳng biết làm sao lại có chuyện « bỏ rơi » nhau như thế, nhưng đúng là nó đã xảy ra với Phan An. Ngày đi Trường Sơn vào Nam Bộ trong đoàn các nhà văn trẻ, Phan An - lúc ấy đã công tác ở Viện Sử học - ghi nhật ký hành quân rất chăm chỉ. Anh ghi những gì mắt thấy tai nghe, tuyệt nhiên không bịa đặt thêm ra cái gì cả. Trên Trường Sơn, ai cũng biết, chỉ duy sự thật đủ là những gì kỳ lạ nhất rồi. Cần gì phải thêm. Cần chi phải bịa. Nhưng khi vào chiến trường Nam Bộ, không hiểu vì lý do gì, cuốn nhật ký của anh bị một «đồng chí» phát hiện. Đồng chí này đã lấy cắp cuốn nhật ký Phan An nộp cho bí thư chi bộ. Thế là bắt đầu những tháng năm nhà sử học trẻ, nhà văn trẻ Phan An - một người tuy nghiên cứu sử học nhưng viết bút ký văn học rất hay - rơi vào « tầm ngắm », bị theo dõi liên tục, bị « đì » đến nơi đến chốn, và bị ngăn chặn từ nhiều phía. Phan An đã rất khốn khổ trong suốt mấy năm ở chiến trường: người ta không tin anh. Chẳng biết nhật ký anh viết những gì, có « phạm húy » lắm không, mà bị đày ải đến vậy ? Cũng trong thời gian ấy, chỉ trước mấy tháng, trên đường Trường Sơn, và hàng ngày ghi chép, nhưng tôi may mắn hơn Phan An, tôi làm… thơ. Thơ thì không phải nhật ký, dù tôi viết thơ hàng ngày giống như Phan An viết nhật ký bằng văn xuôi. Thơ kín hơn văn xuôi, dĩ nhiên. Nếu có ai đó đọc, họ cũng chẳng phát hiện ra điều gì « phạm húy ». Tôi bình an với thơ Trường Sơn của mình, dù sau này có bị thủ trưởng Bảy Dự trích một số câu trong serie thơ Trường Sơn ấy để phê phán, kiểu như « Nấm đất/Hay cả Trường Sơn cao ngất/Làm sao che được ánh mắt con người ». Nhưng như thế vẫn tù mù lắm, phải không ạ ? Nên sự phê phán cũng nhẹ nhàng, cũng tù mù, y như… thơ vậy. Còn Phan An, tội của anh là… không biết làm thơ, nên mới khổ. Cứ ghi nhật ký bằng văn xuôi, ai đọc cũng hiểu, nên mới… toi. Nhưng làm sao tới mức, khi tất cả mọi người đều kéo nhau về Sài Gòn ăn nhậu, như chúng tôi, xem « phim sex –tại chỗ» như chúng tôi với Thu Bồn, còn Phan An thì cứ phải một mình nằm ở một góc rừng nào đó, « giữ kho hàng khi tất cả lãng quên ». Đó quả là một cuộc lang thang vô tiền khoáng hậu, mà tôi dám cá bây giờ với các bạn trẻ, dù cho rất nhiều tiền, các bạn cũng chẳng dám chơi. Ngay bản thân tôi, hồi ấy, cũng chưa bao giờ nghĩ tới tình huống như vậy có thể xảy đến với mình. Đi chiến trường là một chuyện, còn bị bỏ rơi, bỏ quên trên rừng một mình, là chuyện hoàn toàn khác. Tôi vừa xem lại bộ phim mà tôi cho là tuyệt vời của điện ảnh Mỹ, phim « Ở nhà một mình » do Macaulay Culkin thủ vai chính. Đứa bé con cá tính trong phim ấy cũng bị cha mẹ mình bỏ quên. Nhưng dù sao, là bỏ quên… ở nhà, khi toàn gia kéo nhau đi hưởng Giáng Sinh tận Paris. Dĩ nhiên những tình huống trong phim là do biên kịch và đạo diễn nghĩ ra, và gây cười suốt phim. Còn với anh bạn Phan An của tôi, chuyện anh « Ở rừng một mình » không biết có do một « đạo diễn » nào nghĩ ra chăng, nhưng mà cười cũng không nổi nữa. Đơn giản, vì anh bị bỏ quên thật sự, bỏ quên luôn. Đúng vào khoảng thời gian ấy, khi Lê Điệp chợt nhớ, không thấy Phan An về Sài Gòn, anh mới nói với nhà thơ trẻ Trần Văn Tuấn (sau này anh thành nhà văn…già nổi tiếng) làm sao đi tìm Phan An và giải thoát cho anh. Trần Văn Tuấn đã lên lại trên rừng chiến khu, nơi Phan An đang ôm :   

« những thùng đạn đại liên đựng toàn nỗi nhớ

những thùng gỗ quân nhu lương khô

không phải chất những bánh 701, 702

mà tuyền những hạt gì tròn tròn trong trong »

Kinh thật đấy! Lang thang kiểu như Phan An thì tôi vái! Trần Văn Tuấn tìm được Phan An, kéo về Sài Gòn… ăn nhậu. Thế là xong phim ! Không cười nổi.

Nhắc nhà sử học Phan An, tôi lại nhớ một nhà sử học khác, bạn cùng nằm bệnh xá Ban Binh vận với tôi, về sau anh em vẫn liên lạc và thỉnh thoảng gặp nhau, dù ở khác địa bàn, khác cơ quan. Anh này không “chém rắn khởi nghĩa”, mà lại đi… chiêu hồi. Mà anh đi chiêu hồi thật, chứ không phải bị « đồn » là chiêu hồi. Anh T.M.T. Ngày cùng nằm bệnh xá Binh vận, khi thấy tôi ký chữ ký cũ (bút danh đầu tiên của tôi khi học đại học), anh T. đã nhận xét là chữ ký này không tốt. Và anh đề nghị tôi đổi chữ ký. Nghe lời anh, tôi đã đổi cả bút danh và chữ ký. Hóa ra, từ đó được. Tôi biết ơn anh T. vì cú tư vấn này. Là một nhà sử học đã có danh từ Hà Nội, nên khi vào B2, anh T. được ông Tư Ánh biết đến và mời anh về T4 làm việc với ông, cụ thể là làm thư ký hay trợ lý cho ông. Đó là một chỗ tốt, với anh T. Nhưng cũng phải khá lâu anh T. mới quyết định đầu quân theo ông Tư Ánh, bởi lúc đầu, có thể anh tính khác. Bên Binh vận cũng níu kéo anh, nhưng anh T. không thích. Anh có thể lựa chọn. Còn tôi thì không. Thích hay không cũng cứ phải làm việc ở Binh vận thôi. Nhưng anh em chơi với nhau khá thân. Cho tới lúc anh về T4. Từ đó xa nhau. Mãi năm 1974, tình cờ một hôm tôi với anh Năm Chiêu (bí thư chi bộ) đi công tác ở Trại tù binh, lúc về gần tới ngã ba Xa Mát hay Tân Biên gì đó thì gặp anh T. Anh em gặp nhau giữa đường, mừng quá. Tôi để ý thấy anh T. đi xe Honda Dame 50 phân khối, loại xe phổ biến ở vùng tạm chiếm hồi ấy. Hỏi anh, anh nói bà chị ở Sài Gòn cho. Anh đang trên đường tới cửa khẩu để gặp bà chị lên thăm nuôi. Hồi đó, ai có gia đình và được gia đình ở Sài Gòn hay vùng tạm chiếm thăm nuôi là mừng lắm. Coi như sung sướng. Những cuộc như thế gọi là « đi móc gia đình». Không chỉ cho thức ăn hay quần áo, radio, còn cho cả vàng, tiền Sài Gòn, và nhiều thứ có giá trị khác, tùy khả năng từng gia đình. Anh T. được xe Honda, được thăm nuôi, vậy là anh sướng. Nhưng tôi nhìn thấy anh T. hình như không mấy vui. Tôi không hiểu. Hóa ra, có người kể lại, sau khi gặp tôi giữa đường, đêm ấy anh T. có một cuộc nhậu gần cửa khẩu, và anh đã khóc. Không hiểu vì lý do gì. Nửa tháng sau, tôi hay tin anh đi chiêu hồi. Qua đường cửa khẩu. Tôi nghe tin trên Đài Sài Gòn. Theo Đài này tường thuật, người ta đón tiếp anh T. có vẻ trọng thị, anh được mời giữ một chân gì đó ở Bộ Thông tin-Chiêu hồi của ông Hoàng Đức Nhã, và anh nhận lời. Đau đớn cho anh T. Hơn 6 tháng sau thì Sài Gòn giải phóng. Anh T. không thuộc diện được Mỹ đón theo chương trình di tản. Anh ở lại Sài Gòn, và lập tức bị bắt bởi các đồng chí cũ của mình. Tôi không bao giờ còn được gặp anh T. nữa. Nghe nói sau này anh vẫn sống qua cải tạo, và chắc là anh đi Mỹ theo diện HO. Cũng không biết có thật vậy không. Nhưng đúng là anh T. không chết qua cải tạo, dù anh bị cải tạo rất lâu. Người ta không thể chấp nhận anh đi chiêu hồi, lại đi chiêu hồi vào lúc ấy. Nghĩa là trước giải phóng có hơn nửa năm. Người căm giận anh T. nhất, hẳn nhiên là ông Tư Ánh. Vì anh là trợ lý hay thư ký riêng của ông. Mãi mãi, ông Tư Ánh không thể chấp nhận điều đó. Chỉ hơi lạ, là khi anh T. đi chiêu hồi, thì tình hình không còn căng thẳng như cách đó 1 năm. VC đã giải tỏa được sức ép của quân đội Sài Gòn, và phi công Nguyễn Thành Trung, sau khi ném bom dinh Độc Lập, đã hạ cánh thành công ở Phước Long Sông Bé. Tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với anh Trung khi anh về tổ chức họp báo ở Ban Binh vận. Anh Nguyễn Thành Trung là cơ sở của Binh vận.

Cùng tên, nhưng người thì về đúng lúc, người lại « ra đi bất phùng thời ». Số phận thật trớ trêu! Lý do để anh T. chiêu hồi, cho tới bây giờ tôi vẫn không biết. Sau giải phóng, tôi có vào văn phòng Bộ Thông tin-chiêu hồi của Hoàng Đức Nhã để… chơi. Lúc này, Bộ đã thành văn phòng của Bộ Văn Hóa Cách mạng. Ở đó có cái máy chữ điện của Mỹ cực đẹp so với hồi ấy, tuy hơi kềnh càng. Tám Nhân bảo tôi lấy mang về mà đánh bản thảo. Tôi thích cái máy chữ lắm, nhưng không lấy. Cũng chả sợ gì, nhưng không lấy. Nói chung, hồi đó người ta hay gọi những thứ người ta lấy được là « chiến lợi phẩm ». Mình chỉ lang thang, có « chiến tích » gì đâu mà được hưởng « lợi phẩm». Khi rời Sài Gòn, món quà duy nhất tôi mang theo là chiếc quần dài do anh Ba Khanh tặng. Có lẽ anh Ba thấy tôi về Sài Gòn rồi mà vẫn ăn mặc nhếch nhác quá, nên « tân trang » cho tôi. Khi mang chiếc quần về Hà Nội, một lần uống rượu rất vui ở nhà văn sĩ Nghiêm Đa Văn, có nhà phê bình tên N. than thở vất vả đói kém, tôi đã rút ngay từ ba lô của mình chiếc quần anh Ba cho tặng lại anh bạn. Nhưng anh này ngại ngùng nên không nhận. Không nhận thì thôi! Tôi với nhà phê bình Định Nguyễn lại mang ngay cái quần ra Bờ Hồ bán cho dân « phe », được 40 đồng( số tiền khá hồi ấy), anh em đi uống rượu.

Tôi đã trở ra Hà Nội bằng đường số 1. Chuyến đi bắt đầu từ cuối tháng 5-1975, nhưng nơi đến đầu tiên là… Đà Lạt. Tôi có được chuyến lang thang sau chiến tranh này là nhờ anh Nguyên Ngọc, anh Nguyễn Chí Trung, anh Thu Bồn, và bạn bè như chị Ý Nhi hay Ngô Thế Oanh. Nhà thơ nữ Ý Nhi học trên tôi một lớp ở khoa Ngữ Văn-đại học Tổng hợp Hà Nội (cùng lớp với Trúc Thông). Chị Nhi khi đang học đã có thơ đăng báo Văn Nghệ, chị lại yêu thầy Nguyễn Lộc, lại làm bí thư chi đoàn hay sao ấy, nên chúng tôi chỉ dám « kính nhi viễn chi ». Gặp chị Ý Nhi ở Sài Gòn và đi cùng đoàn suốt một thời gian, chị Ý Nhi đã hào hiệp bao cho tôi và Ngô Thế Oanh gần như trọn gói ăn uống. Nói vậy, chứ đã lang thang mà không có tiền, lại chẳng ai bao cho, thì khó khăn là cái chắc. Hồi đó, tôi chẳng có đồng nào, Oanh thì có bao nhiêu tiền đổ vào mua sách cả. Anh Thu Bồn thỉnh thoảng bao nhậu. Còn chị Ý Nhi thì thường xuyên bao… ăn. Vì đâu phải lúc nào mình cũng ăn với đoàn. Cũng có những lúc mấy anh em, chị em tách riêng đi chơi.

Khi gặp Minh « Vồ » và chị Ý Nhi, nghe họ kể, tôi mới biết, hóa ra, tập thơ « Dấu chân qua trảng cỏ » của tôi đã suýt được… in ở NXB Giải Phóng. Chính nhà thơ Trinh Đường và chị Ý Nhi biên tập. Trước khi đi B tôi đã có gặp nhà thơ Trinh Đường. Ông là người ủng hộ lớp thơ trẻ, ủng hộ cái mới một cách quyết liệt. Và rất được các nhà thơ trẻ yêu mến, kính trọng. Theo chị Nhi nói, khi bản thảo đã gửi sang nhà in thì có lệnh « Từ miền Nam gửi ra » yêu cầu dừng. Lý do: tập thơ có « vấn đề ». Không rõ là vấn đề gì. Nhưng hồi ấy đã nói như thế là… xong. Rủi mà may cho tôi. Vì nếu sách in lúc đó, tôi sẽ chả được giải thưởng gì cả (vì lúc ấy đâu có giải thưởng nào). Chịu nín thêm mấy năm, đến 1978 tập thơ tôi mới được in lần đầu tại NXB Tác Phẩm Mới. Thì may quá, sang năm 1979 Hội Nhà văn Việt Nam bắt đầu tổ chức và xét trao giải thưởng văn học hàng năm. Tập thơ của tôi lọt vào chung khảo, và ở đó, với những người cầm chịch ban chung khảo như Xuân Diệu và Chế Lan Viên, tập thơ của tôi là tập thơ duy nhất được trao giải chính thức. Cùng tập « Ký sự miền đất lửa » của hai tác giả Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân được trao giải văn xuôi. Tôi là người làm thơ đầu tiên được nhận giải thưởng Hội Nhà văn VN, năm 1979. Nhờ giải thưởng đó, không những tôi có tiền trả nợ (tiền giải thưởng là 500đ, nhưng tôi trả nợ nhà văn Nguyễn Trí Huân 250đ), mà còn được ban thường vụ Hội Nhà văn quyết định cho chuyển thành hội viên chính thức của Hội. (Trước đó, năm 1977 tôi đã được kết nạp vào Hội Nhà văn trong một đợt kết nạp tập thể những nhà văn ở chiến trường miền Nam, nhưng chỉ là hội viên dự bị). Tôi còn nhớ, tờ giấy quyết định ấy do nhà văn Tô Hoài ký, đánh máy khá lèm nhèm trên giấy xấu.

Trở lại với chuyến lên Đà Lạt. Tôi hoàn toàn không chủ động, chỉ là « ăn theo » trong chuyến lữ hành này của các nhà văn Khu Năm. Anh Nguyên Ngọc, anh Nguyễn Chí Trung là hai sếp lớn, bảo đi, là đi luôn, dù đang chơi ở Sài Gòn hơi bị thoải mái. Anh Trung chưa bảo “thắng” (phanh) nên tôi chưa thắng. Vừa giải phóng xong, Ban Binh vận đã lập tức cho tôi được nghỉ việc để trở về cơ quan cũ ở Hà Nội. Tôi nhận được quyết định « hồi hương », cùng hồ sơ lý lịch và nhận xét của cơ quan chủ quản. Có điều rất vui, là sau này tôi chưa bao giờ và ở đâu nộp hồ sơ lý lịch này cả. Chẳng ai hỏi, và tôi cũng không nói. Không phải hồ sơ “quá xấu” đến nỗi tôi không dám mang nộp cho cơ quan Tổ chức. Chỉ vì, tôi chẳng mấy quan tâm đến ba cái vụ hồ sơ này. Tôi sống với rất ít giấy tờ.

Tôi cũng nhận được mấy ngàn đồng tiền Sài Gòn làm “lộ phí”, đủ uống vài bữa bia « Con Cọp » với bạn bè, là hết. Từ đó, tôi không còn thấy tiền trong túi mình nữa. Nghe nói, trước đó, cơ quan Binh vận của tôi cũng có nhã ý xin chuyển tôi về bên Văn nghệ Giải phóng, nhưng ông Trần Bạch Đằng dứt khoát không nhận. Tôi không biết chuyện này, và cũng chẳng tha thiết gì ở lại Sài Gòn. Chẳng qua là nán chơi ít lâu, trước khi về nhà thầy má mình ở Hà Nội thôi. Từ đó, tôi tự do hoàn toàn, không còn thuộc bất cứ cơ quan hay tổ chức nào nữa. Tôi nghĩ, vào lúc mới giải phóng ấy, cũng không chỉ mình tôi rơi vào tình trạng “tự do… vô chủ” như thế, mà có thể còn nhiều người khác cùng chung cảnh ngộ. Bởi lúc bấy giờ cái người ta quan tâm là cái khác, không phải là số phận mấy thằng lính tép riu như chúng tôi. Đó là một kẽ hở, và là một cơ hội cho những thằng như tôi được tự do.

Có một nhận xét của Ban Binh vận R về tôi có vẻ không chuẩn lắm, đó là nói tôi “dễ bị những tư tưởng chính trị tiêu cực của những người khác lôi cuốn”. Tôi nghĩ mãi, từ trước giờ, hình như những tư tưởng chính trị dù tiêu cực hay tích cực của người khác đều không “lôi cuốn” được tôi. Đơn giản, vì tôi rất ít để ý đến chúng. Nhưng có một nhận xét về tôi cực kỳ đúng, đó là “Kém ý thức tổ chức kỷ luật trong sinh hoạt, còn tự do phóng túng.” Cái này thì “chuẩn không cần chỉnh”. Nên nhớ, đây là bản nhận xét về tôi khi đã kết thúc chiến tranh. Không còn chiến tranh, không còn hai phe, nghĩa là cũng không còn chuyện “chiêu hồi” về “chính nghĩa” của phe nào cả. Dù lang thang, tôi đã đi trọn con đường tôi đã chọn trong cuộc chiến tranh. Tôi ở phía VC, bây giờ hết chiến tranh thì tôi trở về nhà cha mẹ tôi ở Hà Nội. See you again! Paka!( tiếng Nga): Mai gặp nhé!

Đi với đoàn anh Nguyễn Chí Trung, dĩ nhiên là thuộc về đoàn, nhưng tôi cũng chỉ là thành phần « tấp vào » thôi. Chưa bao giờ tôi được tự do như vậy, kể cả tự do… đói, vì không có đồng bạc nào trong túi. Nhưng tôi tuyệt nhiên không lo lắng, khi bên cạnh mình luôn có những người bạn tốt, có một « đoàn nhà văn » tốt, và cả đoàn lại có tới hai chiếc xe ô tô cũng còn tốt để vi vu khắp miền Nam. Hồi ấy, lái xe là những người tình nguyện. Hai lái xe cho đoàn chúng tôi đều là dân chuyên nghiệp từ Đà Nẵng, tình nguyện lái xe đưa các nhà văn vào Sài Gòn ngày 30/4. Sau đó lái tiếp đi bất cứ đâu mà đoàn yêu cầu. Mấy bác tài này đều có máu lang thang, chứ không nhằm mưu lợi gì. Xăng dầu thì hình như mua dọc đường, hay không phải mua mà xin, thì tôi không rõ. Chỉ biết, mình cứ lên xe là xe… chạy. Tới bữa, mọi người đánh chén thì mình cũng tưng bừng. Vô lo vô nghĩ. Rời Sài Gòn buổi chiều thì tới Đà Lạt lúc đêm. Cả đoàn tấp vào nhà một người trồng rau quê Quảng Ngãi để nghỉ. Gia đình này rất vui khi được tiếp đón chúng tôi. Họ là những người lao động lương thiện, chăm chỉ, họ có là cơ sở cách mạng không thì tôi chẳng rõ, nhưng hồi ấy, gia đình nào được đón người giải phóng về nhà thảy đều hoan hỉ, dù chả được cái gì. Để mất đi những tình cảm vô tư ban đầu ấy của người dân ở vùng tạm chiếm, là một tội lỗi. Hôm sau, chúng tôi bắt đầu triển khai thăm thú Đà Lạt. Đúng là một vùng đất thần tiên, với những ngôi nhà như trong cổ tích Andersen, những con đường uốn lượn lên dốc xuống dốc luôn mở ra những bất ngờ như trong tiếu thuyết phương Tây. Đà Lạt ngày ấy còn nguyên vẻ đẹp « Tây » mà nó có từ hơn nửa thế kỷ. Nó hoang sơ một cách được chọn lọc, và được chọn lọc để hoang sơ. Tôi với Ngô Thế Oanh cứ đi bộ khắp Đà Lạt mà ngỡ mình đi trong mơ. Hoa tường vi, hoa mimosa, rồi bao nhiêu loài hoa gì chúng tôi không biết tên cứ chen nhau nở trên mỗi bước chúng tôi qua. Những rừng thông mà mỗi cây thông như một chiếc ô màu xanh thơm ngan ngát. Những biệt thự Tây mang vẻ đẹp lạ lẫm quen thuộc với những đứa hay đọc sách như chúng tôi. Đêm Đà Lạt, anh chị em văn nghệ ở đây đón chúng tôi bằng một « đêm không ngủ » theo truyền thống tụ tập ca hát đọc thơ tranh đấu của sinh viên các đô thị miền Nam. Lần đầu tiên tôi được đọc thơ mình cho anh em văn nghệ và sinh viên đô thị nghe. Rất cẩn thận, tôi chỉ đọc một trích đoạn trong trường ca mà tôi bắt đầu viết, về sau mang tên « Những người đi tới biển » - thơ cách mạng 100%. Đủ biết, cái dớp « Một người lính… » vẫn còn ám ảnh tôi đến thế nào !

(May mà hồi mới giải phóng đọc thơ cách mạng người ta còn thích, chứ như bây giờ, khéo lại có kẻ chửi mình là « thơ mậu dịch quốc doanh » thì khổ. Nhưng nói cho cùng, nếu không có mậu dịch quốc doanh với bao phiền lụy của nó thì miền Bắc thuở ấy làm sao sống, làm sao đánh Mỹ? Chia ô phân phối đến từng chút bột ngọt là để mỗi người đều có phần, dù rất bé nhỏ, cái khẩu phần giúp con người tồn tại được trong những năm tháng đó. Cũng như nếu không có thơ ca trong những lúc vô cùng khó khăn ác liệt ấy? Thơ cần thiết cho con người, nó có trong khẩu phần của mỗi người hồi ấy, tuy không bằng bột ngọt, nhưng đáng quí lắm. Có đêm khuya, trên Trường Sơn, tôi nằm nghe từ chiếc radio của người bạn bên cạnh mở Đài Hà Nội, chương trình Tiếng Thơ, đang đọc một bài thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, bài « Trên những con đường rừng cũ » - bài thơ viết về những lối mòn trên Trường Sơn : « Ai người sau một lần qua đây/Ngã ba rừng hoang lá đầy/ ». Tự nhiên xúc động lạ lùng. Và tôi ao ước: bao giờ mình có bài thơ về Trường Sơn cũng được đọc trong chương trình Tiếng Thơ này, để thầy má mình có thể nghe được, hình dung mình đang đi trên Trường Sơn? Một ước ao cũng bình thường với người làm thơ. Bây giờ, làm gì còn những ước ao và cảm giác như thế nữa.)

Từ Đà Lạt, đoàn nhà văn miền Trung xuống Ninh Thuận và ghé lại thị xã Phan Rang. Tôi gặp lại những người đàn ông đàn bà Chàm im lìm như tượng đá, giống những người Chàm mà tôi từng gặp ở Cămpuchia. Lại những chiếc xe bò bánh gỗ rất to, vành bánh xe làm bằng gỗ căm xe - loại gỗ quí mà tôi quá quen khi ở rừng. Phan Rang bụi cát, và rất nóng. « Những người Chàm đi qua buổi trưa im lìm ». Chúng tôi ghé Nha Trang. Anh em văn nghệ tranh đấu ở Nha Trang nồng nhiệt đón chúng tôi. Lại tổ chức gặp mặt giao lưu, đọc thơ. Tôi để ý, trong cuộc gặp gỡ với giới trí thức văn nghệ sĩ ở Nha Trang, nhà học giả Cung Giũ Nguyên ngồi ở phia khách mời. Ông có vẻ lặng lẽ. Chợt nhớ bài thơ Trần Mai Ninh. Nhưng thời điểm ấy nhắc tới « Nhớ máu » là không phải lúc. Hôm sau, chúng tôi đi và ghé Tuy Hòa-Phú Yên. Chỉ ghé qua trong chốc lát, nhưng Tuy Hòa và nhất là, Sông Cầu, thật ấn tượng với tôi. Không phải vì thị xã và thị trấn này hoành tráng gì, nhưng nó đúng là thị xã thị trấn biển. Nó thơm mùi biển. Cứ như biển tràn qua đường quốc lộ. Biển trào lên trong buổi trưa đầy nắng. Và dọc đường, những em bé giơ lên chào mời chúng tôi những con cua xanh biếc, những con ghẹ màu nâu nhạt. Tôi đang thực hiện được giấc mơ của mình từ khi đi Trường Sơn, là đi bộ vào chiến trường Nam Bộ bằng đường Trường Sơn và trở ra Hà Nội bằng đường số 1.

« Lại đi. Lại đi. Trời xanh thêm » (Thơ Phạm Tiến Duật) Trời xanh thật, vì đang tháng 5, tháng nắng đẹp ở miền Nam và miền Trung.

Thú thực, cảm tưởng đầu tiên của tôi với Qui Nhơn không mấy mặn mà, dù đây là thành phố biển, gió biển mặn thổi suốt đêm ngày. Có lẽ tôi thấy Qui Nhơn hơi « xộc xệch », và hơi thiếu sức thu hút của một thành phố. Chợt nhớ 21 năm trước, tôi đã xuống tàu thủy từ biển Qui Nhơn để tập kết ra Bắc. Bấy giờ, thành phố còn quá nhỏ bé, chỉ những bãi cát là rộng, bụi cát bay mù. Cảm tưởng về Qui Nhơn của tôi năm 1975 vừa đúng vừa sai. Đúng, vì thành phố này không thể so với những thành phố lớn ở miền Nam như Sài Gòn hay Nha Trang. Sai, vì tận chiều sâu, Qui Nhơn ẩn chứa bao điều mà tôi chưa thể nhận ra khi mới lướt qua. Thành phố lúc ấy vừa phố vừa làng chài, ngoại vi một chút là làng quê. Tôi cũng không ngờ, mấy năm sau, vào 1979, tôi và vợ tôi lại vào sống ở Qui Nhơn. Và sinh cháu thứ hai ở thành phố này năm 1980. Gia đình nhỏ bé của tôi đã ở đó suốt 10 năm. Vào cuối tháng 5/1975, Qui Nhơn với tôi và Ngô Thế Oanh còn có thêm thơ của Lê Văn Ngăn viết về thành phố này « Sóng vẫn đập vào eo biển ». Bài thơ từng in trên tạp chí “Đối Diện” mà tôi và Oanh đều rất thích. Chúng tôi đã tranh thủ thời gian ngắn ở đây để lang thang lên eo Nín Thở, chính là cái eo biển mà Ngăn đã viết bài thơ nổi tiếng. Và qua trảng cát nơi tôi đã xuống thuyền ra tàu Ba Lan đậu ngoài khơi xa để đi tập kết.

Khi xe chúng tôi (gồm Thu Bồn, Ý Nhi, Ngô Thế Oanh và tôi) về tới gần quê tôi Đức Tân-Mộ Đức, quốc lộ Một trải nhựa loang loáng ướt dưới nắng trưa, tôi nói với anh Thu Bồn và chị Ý Nhi cứ về Đà Nẵng trước, tôi và Oanh sẽ về thăm nhà tôi quê tôi vài ngày. Đã 21 năm rồi còn gì! Tôi rất cố gắng để huy động trí nhớ, chỉ sợ xe chạy vuột qua mất làng mình. May mà cây cầu Giắt Giây đang còn, dấu mốc tôi vẫn nhớ từ hồi nhỏ. Khi qua cầu, xe chạy thêm một đoạn nữa, tôi mới chịu dừng lại hỏi thăm. Gần như đúng chỗ con đường làng rẽ xuống nhà tôi. Thay mặt gia đình, đứa con lưu lạc sau 21 năm lại được về với “mái nhà xưa” sớm nhất, trước cả cha mẹ mình. Nhà tôi đây ư ? Một mái nhà lợp tôn xa lạ và khá lụp xụp, lại đang có người ở. “Gia chủ tạm” tỏ ra sợ hãi khi thấy “gia chủ thật” về nhà. Nhưng tôi rất vui vẻ, trấn an họ, nói họ cứ ở, khi nào thầy má tôi về họ giao lại đất vườn cũng được (vì ngôi nhà đang tọa lạc ở đây không phải ngôi nhà cũ của gia đình tôi, mà do “gia chủ tạm” cất lên, cũng rất tạm bợ, để ở). Tôi không hỏi nhân thân, nhưng thấy họ cũng nghèo. Có thể họ là bà con với người chính quyền cũ, nên được phép “lấn chiếm”, và không ngờ giải phóng đến nhanh như vậy. Nhà tôi lúc trước chắc thuộc diện “nhà VC vô chủ”. Thôi cứ để họ ở thêm ít lâu. Tôi đi thăm bà con. Có gia đình vợ con ông anh con cô ruột ở bên kia sông. Cô ruột tôi đã mất trước giải phóng. Ông anh tập kết chưa về. Lại có gia đình với hai chị em con ông bác gần nhà tôi. Hai bà chị đều ở vậy qua 21 năm. Đêm đầu tiên được ngủ ở quê, nhưng không phải ở nhà mình. Tuy vậy tôi vẫn rất ngon giấc. Tôi chưa tới tuổi phải trằn trọc vì về quê mà không được ngủ ở nhà mình. Quê tôi rất ít thay đổi. Sau này cũng thế. Điều đó khiến tôi vừa buồn vừa mừng. Buồn vì như vậy quê mình vẫn nghèo. Mừng vì nếu “giàu loạng choạng” như nhiều nơi khác thì còn khốn khổ hơn. Con đường làng dẫn xuống nhà tôi sau 21 năm hình như không thay đổi, lầm lội khi mưa và loi thoi khi nắng.