Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

Kịch Câm

Gửi tặng Tào Mạt,

dẫu đã quá mười năm

Nam Dao

(tiếp)

MÀN II

TỪ KỊCH NÓI ÐẾN KỊCH CÂM

Cảnh 1

    Nghĩa địa. Túp lều Trung Tá.  Có Ba Quốc, thằng nhỏ, chị Ba ăn mặc sạch sẽ ngồi trên chiếu.  Trung Tá và chú nhà báo vào.

BA QUỐC : ( cười ha hả ) Cha, kẹt chi mà bắt tụi tui đợi lâu quá.  ( tay khui bia )  Rồi chú nhà báo, làm một ly.  Bây giờ thái lai rồi !

CHÚ NHÀ BÁO : ( cười )  Hai nghệ sĩ thành công quá.  Lên truyền hình trông chuyên nghiệp lắm.  ( Quay sang chị Ba ) Thôi nhé, bây giờ chị phải vào đoàn.  Vai nữ không có diễn viên.  Này, nếu có đứa nào nó chụp hình chị đang... ( ngập ngừng ) ...khất thực ở trên đường Ðồng Khởi chỗ khách sạn Cửu Long thì... tiêu luôn đoàn kịch Tha Phương đấy...

CHỊ BA : ( cười ) ... Ðược, để tính sau chú nhà báo.  “ Bố” kêu mệt không qua được !  Chút xíu mang đồ ăn qua bển cho “ bố” nghen, anh Ba.

BA QUỐC : ( ôm vai Trung Tá )  Nào.  Zô đi.  Một trăm phần trăm nghen !  ( Uống, đặt ly xuống, gắp rồi vừa ăn vừa nói )  Sáng nay hai anh em tụi này có được ông phó chủ tịch Ủy Ban Nhân dân quận tiếp.  Hỏi ở đâu, ảnh ( vỗ vai Trung Tá ) nói ở nghĩa địa.  Ổng nhẩy nhổm.  Rồi ổng kêu thư ký vào dặn dò.  Lát sau, ổng biểu đoàn kịch phải có nhà cửa đàng hoàng.  Ðợi mấy bữa nữa Ủy Ban sẽ thu xếp cho ( cười )...  Ngon rồi, phải không chú nhà báo ?

TRUNG TÁ  : ( cũng cười ) Ông ấy bảo Ủy Ban có chế độ bồi dưỡng nghệ sĩ và sẽ xét trường hợp của chúng tôi...  Thật, cũng nhờ bài bào trên Tuổi Trẻ Tiền Phong của chú.  Sau đó, đài truyền hình lại chiếu lên.  Thế là Quận I, Quận II cho người tới đề nghị Hợp Ðồng trình diễn...  Mấy cửa hàng ở chợ Tân Ðịnh bây giờ trả gấp đôi. Chú nhà báo thấy không, đời lên hương thơm phưng phức...  Chúng tôi có tiền nên chuyến này mua được thuốc cho “ bố ”.  Kể lại, ông ấy không tin, kêu “ bay ba xạo !”... hà hà.

BA QUỐC : ( rót bia, nâng lên )  Zô, zô nữa đi ! ( Ngửa cổ uống, rồi nhìn chị Ba )  Thôi nghe em, qua mời em vào đoàn thủ vai chính.  ( Giọng ngà ngà say )  Qua sẽ soạn vở “ Bà Triệu” cho em.  Bà Triệu vú dài ba thước đó... hà hà, em có đủ... sức... đóng không cà ?

CHỊ BA : ( nguýt )  Quỉ chùa !  Tầm bậy nào.

BA QUỐC : ( cười ) Bả quê ở Phong Châu, giận loại tàn bạo...

CHÚ NHÀ BÁO : ( ngắt lời ) Không, quê ở Phong Châu là quê bà Trưng chứ !

BA QUỐC : ( giả lả ) À quên !  Dạo này lu bu, sử sách quên hết cha nó rồi !  Nè Trung Tá ( vỗ vai ), còn cái vở Thị Kính Thị Mầu chi đó, mình tính luôn đi nghen.  Anh nói vở đó hay lắm mà...

TRUNG TÁ  : ( cười )  Hay lắm, hát chèo mà đóng Thị Mầu thì cực kỳ.  Chị Ba tập chèo đi, dễ lắm...

CHỊ BA : Thôi đi mấy ông ơi !  Mơ mộng lãng mạn quá !  ( chị đứng dậy, tay xách cà mền thức ăn )  Mấy anh ngồi, tui mang qua cho “ bố ” nghen !

BA QUỐC : ( cười, say ) Về lẹ nghen em.  Không em ( giọng cải lương ) tắt lửa bình khô rượu... Về lẹ nghen, qua đợi... ( nhìn chú nhà báo ) Zô, zô đi chớ !

Chị Ba đi ra.  Ðèn mờ dần.  Tiếng ly cụng  nhau.  Tiếng cười nói.  Tiếng zô, zô...  Ðược một lát, đèn bỗng bật sáng.

Chị Ba lật đật chạy vào, mặt đầy nước mắt.

CHỊ BA : ( khóc ) “ Bố” đi rồi !  Ðể tay vào mũi không thấy thở nữa !

Ðèn rọi.  Ba Quốc đang cầm ly bia để ngang miệng, Trung Tá gắp, chú nhà báo cười.  Tất cả bỗng bất động.  Ðèn mờ dần, bất chợt tắt ngủm.

Trong bóng đen, người ta nghe tiếng Ba Quốc “ Zậy hả “  Trời ơi !” rồi tiếng chân, tiếng chai bia đổ.  Tiếng Trung Tá hộc lên “ cho tôi đi với !”.  Tiếng chú nhà báo “ Anh Ba chờ tôi !”.  Tiếng chị Ba “ Ðợi đó Trung Tá, đưa tay tôi nắm, té đó !”.  Tiếng “ông” Mực tru lên.  

   Im lặng.  Ðèn tắt. Tiếng nhị ai oán đệm vào tiếng ghita cải lương và tiếng nấc.

   Lát sau,  Ba Quốc vừa khóc vừa hát nho nhỏ “... “ Bố” à, đời người nước chảy mây trôi, sinh là ký mà tử là qui”.  Tiếng nhị kéo lên thê thiết.  Chị Ba khóc tức tủi.  Ðèn dần dần sáng lên.  Vẫn túp lều Ba Quốc, nhưng mỗi người ngồi một góc.  Ánh trăng chiếu xuống xanh nhớt đổ bóng người ngã soài ra.  Thằng bé con anh chị Ba Quốc thức giấc hỏi “ ... má, có chuyện chi đó ? ’’.

CHÚ NHÀ BÁO : ( thở dài )  Chôn cất, chuyện chôn cất thế nào ?

Tất cả im lặng.  Trung Tá chép miệng, lẩm bẩm.  Lát sau, chị Ba nhìn chú nhà báo.

CHỊ BA : Như tụi tui, dẫu có chết trong nghĩa địa cũng phải kéo ra lộ.  Công an tới lượm, rồi mang chôn...

BA QUỐC : ( ngần ngừ ) Nhưng lần này khác.  Tui và Trung Tá  khai đoàn kịch có “ bố” là diễn viên với ông phó chủ tịch Ủy Ban Nhân dân quận rồi..  Hay lên xin với ổng cho chôn cất “ bố” đàng hoàng...  Biết đâu ổng...

CHỊ BA : ( ngắt lời ) ...ăn thua gì.  Lại thêm rách việc.  Nội cái vụ  “ bọn nó” điều tra điều mẹ là mất ráo trọi bây giờ...  Chết là hết, chôn đàng hoàng hay không đàng hoàng cũng zậy...

TRUNG TÁ  : ( thở dài ) Thôi thì mua quần áo mới thay cho “bố” cho sạch sẽ rồi hãy kéo ra lộ...

CHỊ BA : ( xua tay ) Zậy là ổng sẽ chôn ở truồng.  “Bọn nó” sẽ lột lấy quần áo ổng...

BA QUỐC : ( ôm đầu ) ... Bây giờ lấy ai thế “ bố ‘’ vai lão đây !  Uổng quá, vừa mới dợt xong tuồng ÂN ÐỀN NGHĨA TRẢ có ba vai... không lẽ đem bỏ à !

CHÚ NHÀ BÁO :  ....“Bố” có thân nhân không để còn báo ?

   Cả ba người kia lắc đầu.

   Bỗng nhiên  “ông” Mực lại tru lên như gọi ma.  Gió lạnh ở đâu xào xạc thổi về, thản nhiên để mặc lũ người dưới này loay hoay chuyện trần thế.

Cảnh 2

  Chú nhà báo ngồi dựa lưng vào một cái mả trước túp lều của Trung Tá, vẻ mặt lo lắng.

Ðộc thoại :

   -  Thật là không thể, không thể tưởng tượng ra nổi.  Ðến tình thế này, chẳng làm sao mà xoay sở được.  Bà tổng biên cằn nhằn, phóng sự nhà đất bị Thành Phố ách lại vì cái tội nhân đó mà đưa lên Truyền Hình hai người hát dạo, bôi lem nhem chế độ bằng những hình ảnh què cụt mù lòa.  Hỏi kỹ, Tuyên Huấn Trung ương rà soát, lệnh vào bắt ngưng ngay.  Thành Phố phản ứng yếu xìu.  Ủy Ban Nhân Dân quận sợ, lơ đi như không biết.  Hai nghệ sĩ, Ba Quốc và Trung Tá, bị gọi lên sở ở Trần Hưng Ðạo.  Áp lực thế nào, chưa rõ.  Bà tổng biên lại bảo, đến hỏi cho kỹ đã...  Bả dặn, thứ nhất là cẩn thận.  Thứ nhì là cẩn thận.  Và thứ ba, lại càng cẩn thận. ( Cười rồi hừ một tiếng )  Dạ, thưa thủ trưởng, em sẽ cẩn thận hết mình...  Em tư duy cẩn thận, cởi trói cũng cẩn thận, cởi trói tư duy lại càng cẩn thận...  Tốt hơn, bả lầu bầu, không tư duy thì khỏi trói.  Chỉ lúc đó mới không cần cẩn thận...  Dạ, thủ trưởng có lý.  Nhưng không tư duy thì là đi ngược Nghị Quyết Ðảng, dặn là phải đổi mới tư duy.  Không tư duy, thì đổi mới tư duy làm sao ?

Tiếng nạng chống.  Tiếng chân.  Tiếng ‘’ông’’ Mực gừ gừ nhận ra người quen.  Ba Quốc vào, Trung Tá nắm dây tròng “ông” Mực lập chập bước theo.

BA QUỐC : ( giọng mệt mỏi ) Chú nhà báo hả !  Gay rồi...

CHÚ NHÀ BÁO : Gay làm sao anh Ba 

BA QUỐC : Mấy ổng biểu, kịch gì, kịch cỡm phá rối an ninh à ?  Bôi nhọ chế độ à ?

TRUNG TÁ  : ( xen vào )  Tôi hỏi bôi nhọ làm sao ? Vở “ Bài ca giữ nước” bôi nhọ gì ?  Một ông, giọng khề khà bảo, này, anh bạn, anh bạn hát “ Ơ... a.... tắm máu ở cái ngọn sông Ðào”.  Sông Ðào ắt là đỏ.  Tắm máu lại kết hợp với màu đỏ, màu cờ của đất nước...  Thế là sao “  Tôi cãi, tôi hát tắm mát, có hát tắm máu đâu !  Ông ấy lấy băng, đưa vào máy, bảo nghe đi.  Tôi nghe, đúng là chữ tắm mát khi luyến láy có thể nghe lầm như tắm máu, ...  Tôi thưa với ông hát chèo thì phải láy cho nó ra chèo...  Ông ấy cười nhạt, bảo đúng là miệng lưỡi không xương...

BA QUỐC : ( chặc lưỡi )  Phần tui, ổng phán tôi hát cái gì bậy bạ của Kim Dung đó là văn hóa đồi trụy.  Dám mang văn hóa đồi trụy lên Truyền Hình thì thiệt tui gan to như gan bọn “ diễn biến hóa bình”.  Tui không biết cái băng đảng này làm chi, tui chỉ nói là tui diễn kịch chứ không diễn biến hòa bình.  Ổng lập nghiêm, kêu cả hai anh đều là phản Cách Mạng, bôi nhọ nhà nước, rắp tâm gây rối loạn trong nhân dân...

TRUNG TÁ  : ( cười nhạt )  Tôi giận quá, nhưng lại sợ.  Tôi quì xuống chân ông tôi kêu : Gia đình tôi có ba liệt sĩ, tôi thì cống hiến cả hai con mắt cho cuộc chiến đấu thần thánh chống Mỹ cứu nước.  Thày tôi cũng chết cho Cách Mạng, Tây bắt đánh đến chết ở Côn Ðảo.  Tôi lớn lên trong xã hội chủ nghĩa, đến tuổi nghĩa vụ là nhập ngũ, nằm ba năm dưới địa đạo Củ Chi, làm sao chỉ hát một câu chèo mà phản Cách Mạng được !  Ông ấy lạnh lùng phang một câu ca dao “ Dò sông dò biển dễ dò, mấy ai có thước để đo lòng người !’’...

BA QUỐC : ( xen vào )  Còn tui, tui nói tui thì xưa là ngụy.  Nhưng nhà nước có chủ trương hòa giải hay hóa giải dân tộc gì đó.  Còn cái vụ văn hóa đồi trụy thì tui biết là sách chưởng có cấm, nhưng chợ trời còn đầy ra, sao không ra chợ mà bắt...  Ổng đập bàn một cái rầm, quát “ ... nói năng hay nhỉ, vậy là biết có tội mà vẫn làm hả “ ?.  Tui tức khí, tính chết bỏ...

CHỊ BA : ( đã về, đứng nghe, nay lên tiếng )  Anh tính chết rồi bỏ mẹ con tui sao ?  ( Xùy một tiếng, chị tiếp )  Rồi sao ?  Mấy ổng không bỏ tù hai anh, hai anh mới về tới đây.  Nhưng chắc đâu là chỉ sài xể rồi cho về, phải không ?

TRUNG TÁ  : Mấy ông ấy cấm không cho diễn kịch nơi công chúng nữa !  Mấy ông ấy làm sẵn một cái giấy, bảo chúng tôi tự nguyện vì hiểu rằng việc chúng tôi làm có hại cho trật tự, an ninh.  Anh Ba tính ký đại.  Tôi yêu cầu anh ấy đọc.  Tôi không ký.  Ký thì làm gì để kiếm ăn đây ? Mấy ông ấy bảo về suy nghĩ lại, nhưng ký hay không ký cũng cấm...

CHÚ NHÀ BÁO : ( gãi đầu )  Gay thật !

CHỊ BA : ( cười nhạt )  Diễn kịch thu nhập có nhiêu đâu, thôi hai anh “ hành khất” như tui, là xong...

BA QUỐC : ( cáu kỉnh )  Diễu dở.  Không !  Kẹt nữa là hợp đồng với mấy tiệm trên đường Nguyễn Hữu Cầu, lấy nửa tiền trước cho một tháng, tiêu hết rồi.  Nào là lo cúng vái “ bố”, nhậu mừng chiến thắng, mua quà cho thằng nhỏ, mua dây tròng cổ mới cho “ông” Mực...  Bây giờ không cho diễn là mình phá hợp đồng với tư sản dân tộc, lấy chi mà trả nợ đây...

CHỊ BA : ( buông thõng )  Quịt nợ còn hơn đi ở tù đó, mấy ông !

Cảnh 3

      Trên đường Nguyễn Hữu Cầu ven chợ Tân Ðịnh.

CHÚ NHÀ BÁO : ( độc thoại )  Những ngày sau, tôi lơ chuyện hai nhà nghệ sĩ kết hợp chèo và cải lương, hai thể loại văn nghệ truyền thống, một ở đầu Nam, một cuối Bắc của đất nước anh hùng chúng ta.  Tôi lơ vì không biết phải làm gì.  Tôi lơ, vì sợ.  Bà tổng biên nói “ Thôi nhé.  Im.  Im rơ.  Chuyện nhà đất cũng im luôn.  Rút về cố thủ rồi tính sau...”.  Tôi thầm nói, rút thì rút.  Rút dễ thôi !

   Sự đời ( nói một cách cải lương ) sao mà đầy oan trái. 

Một bữa, có người tới tòa báo hỏi tôi.  Tôi ra.  Chị Ba tay dắt cháu nhỏ, quần áo sạch sẽ, bảnh bao nữa là khác, đứng đó.  Chị thì thào “ Chú nhà báo ạ, chú phải giúp hai ảnh !”.  Theo lời chị kể, cô bác tư sản dân tộc chợ Tân Ðịnh có lên công an quận “ trao đổi”.  Họ kêu ca là đoàn kịch Tha Phương thu hút khách qua lại, và đó là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và kinh tế, thể hiện như một phương pháp tiếp thị rất Việt Nam.  Họ lại đòi là nếu không cho diễn, thì nhà nước phải hoàn lại cho họ khoản nửa hợp đồng họ đã trả trước cho đoàn kịch.  Ủy Ban ầm ừ, nói rằng để chuyển yêu cầu lên Thành Phố.  Hai tuần sau, vẫn không có động tĩnh chi.  Họ lên sở.  Lần này, họ làm đơn, ký vào đó là hàng trăm nhà tư sản dân tộc có cửa hàng, sạp hàng ở chợ.  Trên sở, người có trách nhiệm lại ầm ừ, nói rằng sẽ chuyển yêu cầu ra Trung Ương.  Ông ta cười “ ... Thành Phố thì thoải mái thôi.  Trong này thoáng.  Xin đồng bào yên tâm”.  Lại thêm một tuần trôi qua, vẫn không động tĩnh.  Ðám tư sản dân tộc đòi hai nghệ sĩ lên, bảo “ Diễn đại !  Tới đâu thì tới !”.  Ba Quốc gật đầu.  Trung Tá lắc.  Ảnh biểu “... Không chơi dại !”.  Ảnh cùng “ông”  Mực lên sở.  Ông trách nhiệm kêu “ Chưa giải quyết vì đâu có đơn của hai anh đâu !  Hai anh lại chưa đăng ký đoàn kịch với Thành Phố...”.  Chị Ba nhìn tôi “ ... đăng ký và làm đơn với sở, đâu biết tìm ai mà nhờ “ thủ tục” giùm.  Bữa nay lên “ thỉnh” cầu chú nhà báo”.

   Sự đời sao mà đầy oan trái.

Lơ thế nào được nữa.  Tôi soi gương, thấy mình vẫn là người.  Tôi thấy không thể làm gì khác hơn, nhưng vẫn sờ sợ, tôi dặn hai nhà nghệ sĩ rằng đừng nói là ai giúp.  Hai anh ấy gục gặc.  Thế là tôi làm đơn đăng ký đoàn kịch.  Và đơn xin lưu diễn ở chợ Tân Ðịnh. Tôi có làm một chút áp lực “ nhân dân”, kêu là trước đây đoàn kịch đã có cống hiến, được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ, và nay thì cùng nhau xin nhà nước chấp thuận cho...  Nhưng họa vô đơn chí.  Sở gọi hai nhà nghệ sĩ lên, phạt “ vi cảnh” vì trình diễn mà không có phép, hẹn đóng tiền phạt là sẽ cấp phép tạm thời cho “ sinh hoạt”.  Tiền phạt “ vi cảnh” cho sáu tháng trước là sáu mươi triệu !  Ba Quốc chửi “ ÐM, có sáu mươi triệu thì ai phải đi hát dạo nữa !”.

   Bà con tư sản dân tộc ở chợ Tân Ðịnh lần này rủ nhau cùng “ bãi thị” rồi kéo nhau lên sở đặt “ yêu cầu văn hóa”.  Tôi báo với tòa soạn.  Bà tổng biên gật gù, dặn “... theo sát tình hình thôi.  Nhớ chụp ảnh.  Còn tin thì vẫn cứ cẩn thận”.  Tôi đá giò lái, kêu cả đám Truyền Hình cho cho có hình ảnh sống động.  Trên sở, người trách nhiệm lại cười cười, bảo thôi, bà con ai về chỗ nấy, tiếp tục làm ăn.  Sở chỉ cần lưu giữ bản kịch để duyệt.  Trung Tá nói, đó là vở Lý Nhân Tông học làm vua, đã được in năm 1986.  Như vậy, vở đã được Trung Ương duyệt rồi.  Người trách nhiệm gật gù, kêu được, thế là được...  Bà con hò reo vui vẻ.

   Về chợ, họ kháo nhau, rồi chăng biển quảng cáo “ ... Ðoàn kịch Tha Phương lại cống hiến, vở Lý Nhân Tông học làm vua, hồi ba, vào mười giờ sáng chúa nhựt...”

   Tôi vỗ vai Ba Quốc nói “ Rồi, thấy chưa.  Cái chính thắng, cái ngụy thì thua !”.  Ba Quốc cười khà khà.  Chị Ba cũng cười.  Chỉ có Trung Tá là vẫn ngẩn ngẩn ngơ ngơ.  Hỏi, Trung Tá đáp, cái vai Vua ở hồi ba do “ bố” đóng.  “ Bố” chết rồi, lấy ai đóng thay bây giờ... Ba Quốc ngẩn người, nhưng lại cười khà khà, kêu dễ mà, dễ mà... để đạo diễn này lo...

Chuyển cảnh :

    Ven chợ Tân Ðịnh, trên đường Nguyễn Hữu Cầu.  Có một tấm bạt căng ngang, trên viết “ Lý Nhân Tông học làm vua, đoàn kịch chèo cải lương Tha Phương hân hạnh trình diễn”.  Tiếng khán giả ồn ào.

   Ðèn tắt.  Tiếng ồn ào lắng xuống.

   Ðèn rọi lên, soi sân khấu.  Giữa là một cái ghế.  Hai bên, Ba Quốc đóng vai Lý Thường Kiệt, Trung Tá đóng vai Hề Nhỡ, học trò của Hề hoạn đã bị chôn sống.

LÝ THƯỜNG KIỆT : ( hướng về chiếc ghế ) Muôn tâu bệ hạ !  ( nhái giọng Bắc, ngâm )

  Nam quốc sơn hà nam đế cư

   Tuyệt nhiên định mệnh tại thiên thư

   ( Tiếng đàn, ca cải lương )

   Bệ hạ ơi !  Ngoài cửa ải giặc Lý Giác đã xưng vương xưng bá.  Trong biên thùy, dân đang hoảng đang kinh.  Tuổi thần chẳng qua sấp sỉ tám mươi, phải đi võng cũng còn xua được giặc.

  Ðược lộc hậu ngồi cao đến hàng nguyên tể

   Nếu ngồi nhìn giặc Giác thì nhắm mắt không yên

   Huống hồ đánh giặc ngoài và đánh giặc trong vốn dĩ khác nhau.

   Ðánh giặc ngoài, cần dũng cần mưu

   Ðánh giặc trong, cần uy cần đức

   Uy làm cho phục

   Ðức làm cho tin

Hề Nhỡ : ( múa tay, vái cái ghế không )

    Muôn tâu Thánh Thượng !  ( hát )

  Cái con quạ nó ăn tầm bậy tầm bạ thì nó chết

   Cái con diều hâu nó ăn trộm gạo nếp làm chay

   Cho nên

   Ðẻ ra chưa đủ một ngày

   Mà nghe chuyện đã lăn quay ra mà cười

   Mà nghe chuyện đã lăn quay ra mà hề...

LÝ THƯỜNG KIỆT : ( nhìn Hề Nhỡ )  Ta nghe như tiếng Hề hoạn.

Hề Nhỡ : ( vái Lý Thường Kiệt, hát )  Bởi chưng trên đời còn lắm kẻ nhố nhăng nhăng nhố.  Cho nên từ bụng mẹ chui ra tôi đã phải nhe răng.  Tôi, Hề Nhỡ, là học trò thầy tôi Hề hoạn.  Người đã nói thẳng, nói thật và rồi mắc nạn...

LÝ THƯỜNG KIỆT : ( thở dài ) Ta biết rồi !  ( quay lại, quì trước cái ghế không, hát )

   Nam quốc sơn hà là non sông đất nước ta

   Không phải chỉ có sông có núi

   Phải có người

   Người phải có đầu có cuối

   Có nghĩa, có nhân, có trí, dũng, liêm, trung

   Áo ấm, cơm no, tướng mạnh binh hùng

   Biết ơn nhớ tổ tiên, biết kính cha, thương mẹ

   Biết đùm bọc lẫn nhau, đói no chia xẻ

   Ấy mới Nam quốc sơn hà

   Ấy mới Nam đế cư...

Hề Nhỡ ( Cũng quì xuống, vái cái ghế )  Phải, phải...

   Tiếng vỗ tay ran lên một hồi lâu trong khi đó, đèn tắt.

Chuyển cảnh

Vẫn chợ Tân Ðịnh, nhưng chỉ có chú nhà báo.

CHÚ NHÀ BÁO (Ðộc thoại) :

         Vở kịch như thế là thành công.  Những nhà tư sản dân tộc đòi tăng số buổi trình diễn lên bốn.  Từ tám đến chín giời sáng.  Từ mười một đến mười hai giờ.  Và rồi từ ba giờ chiều đến bốn giờ.  Bữa cuối cùng, từ sáu đến bảy giờ tối.  Mỗi lần, bà con đứng hàng trong hàng ngoài.  Trật tự chợ bắt đầu bán vé đứng, vé ngồi và không khí chợ náo nhiệt hẳn lên.  Chị Ba bỏ nghiệp vụ “ khất thực”, nay đang tập một vai “ nữ”, ăn mặc đỏm đáng và giữ trách nhiệm ngả nón “ thu” tiền.  Chị Ba tươi cười la “... bà con, hãy thù lao những nghệ sĩ nhân dân chân chính !”.  Giấc mơ sang nhà, có hộ khẩu đàng hoàng, cũng từng bước mò mẫm lò dò về phía  hiện thực.

   Riêng tôi, tôi rất vui.  Vui hệt như khi trả được nợ, người nhẹ tênh.  Nhưng thưa quí vị, nếu cứ vui mãi thì hóa ra cuộc đời dưới trần gian này chẳng khác chi trên thiên đàng.

   Họa vô đơn chí !  Trên sở gọi đoàn kịch và tôi lên “ làm việc” vào một buổi tối.  Họ biết rõ tôi đã làm “ thủ tục” và đơn từ.  Người trách nhiệm nhìn tôi, vẻ lãnh đạm, thậm chí khinh bỉ.  Anh ta trừng mắt bảo : “ Anh là loại chuyển lửa !”.  Tôi ngạc nhiên “ Chuyển lửa “  Lửa gì ? “.  “ Thôi, đừng ngoan cố !  Tôi đã liên lạc với cơ quan anh, và đang tiến hành điều tra toàn bộ những hoạt động của anh...  Hừ, hoặc các anh có chủ đích chống phá Cách Mạng, hoặc các anh mất cảnh giác để định lợi dụng...’’.  Tôi lại càng ngạc nhiên hỏi “ Ðịch ở đâu ?  Là ai ?  “.  Anh ta hừ một tiếng “ ...a, định bắt bẻ phải không ? “.  Quay sang Ba Quốc và Trung Tá, anh ấy hất hàm “ ... gọi là Vua, là bệ hạ, là thánh thượng, rồi thì thụp vái một cái ghế không có ai ngồi, thế có phải là các anh định xỏ xiên chế độ là không có Vua, tức là không có lãnh đạo, phải không ? “.  Ba Quốc kêu “ Chết cha !  Hiểu lầm đó cán bộ !”.  “ Sao, hiểu lầm sao ? “.  Lúc đó Trung Tá từ tốn “ Dạ thưa cán bộ, đoàn kịch chúng tôi trước có ba người, một người thủ vai Vua.  Nhưng ông ấy già, chết rồi.  Chúng tôi lại chưa tìm được người thay thế !”.  Anh cán bộ trừng mắt “ Ông ấy tên là gì ? Thân nhân có ai ?  Còn giấy khai tử đâu ? “.  Anh Ba Quốc vội vàng “ ...thưa cán bộ, ổng tên là Ðỗ Quang Vinh, tụi tui gọi là “ bố”.  Không nghe ổng nói có thân nhân.  Còn cư ngụ... ( anh ngần ngừ ) ở nghĩa địa làm gì có hộ khẩu.  Mà không có hộ khẩu, khai tử thế nào được.  Công an quận lượm xác ông trên đường Cách Mạng Tháng Tám đem chôn chỗ nào tụi tui cũng không hay !”.  Lần này, cán bộ bật cười, nhưng chỉ một giây sau là lạnh lùng, nghiêm mặt “ ...ở nghĩa địa !  Bí mật thật.  Cứ như các cụ xưa đi làm Cách Mạng chống Pháp, chống Mỹ ...  Nhưng các anh bí mật thế thì nay rõ ra cái ý đồ chống Cách Mạng.  Thậm chí, bí mật vì các anh dự tính chống phá bằng bạo lực phản Cách Mạng...  Ghê nhỉ ( cười nhạt ) ...Vì thế cái ghế không Vua thì chỉ là cái nhỏ thôi... Chính ý đồ vũ trang, bạo lực kia mới là cái chính.  Chúng tôi phải giữ các anh để điều tra !”.

   Ðêm đó, ba người chúng tôi ở lại sở.  Chị Ba không thấy hai anh về, cả đêm không chợp mắt.  Sáng sớm, chị lên chợ Tân Ðịnh, kể cho các nhà tư sản dân tộc nghe chuyện.  Ðã thành công một lần, các nhà tư sản lại bãi thị, chăng bạt “ Kịch Lý Nhân Tông học làm vua, vì trục trặc kỹ thuật, kiếu lỗi xin hoãn trình diễn”.  Dân chợ xôn xao, không ai hiểu lẽ gì, lại kéo nhau lũ lượt lên sở.  Họ vừa đi đến chợ Bến Thành thì  “lực lượng chống biểu tình ‘’  đã hờm chờ.  Bà Y, chủ tiệm vàng Phúc Lộc nhảy chồm chồm “ Dân đây, ngon bắn đi !”.  Mợ X, tiệm mỹ phẩm Thiên Sắc, éo le “... tụi tui hỏi cho ra lẽ thôi, đấu tranh hòa bình mà !”.

    Thưa quí vị, họa vô đơn chí !  Và lần này là đại họa.

Ðèn rọi vào chú nhà báo, tay vuốt tóc, mặt nghệt ra .

Ðộc thoại ( tiếp) :

   “Tôi cứ tưởng lại đại họa.  Không phải.  Cách giải quyết của “ trên” rất “ có tình, có lý ”.  Một vị đứng tuổi cho gọi ba chúng tôi lên.  Ông ta nói giọng thân ái : “ ... chắc lại hiểu lầm.  Cấp dưới, nhất là thanh niên, hay kết luận “ nóng vội”.  Tôi đã đọc hồ sơ và điện cho Trung Ương...”  Ông ta nhìn tôi, gật gù “... vả lại, đồng chí đây là đảng viên, gia đình cũng đảng viên từ thời chống Pháp...  Nhưng có hai yêu cầu.  Ðây là Trung Ương nhắn.  Thứ nhất, vở kịch của Tào Mạt cũng có mắc mớ “ vấn đề”.  Thứ hai, để cái ghế không mà gọi là Vua thì dễ sinh hiểu lầm.  Ðấy, có đúng thế không ?  “.  Nhìn Ba Quốc và Trung Tá gục gặc đầu, ông mỉm cười, giọng hiền lành : “... Vì thế, tôi mong các vị nghệ sĩ khắc phục cho !”.  Ba Quốc nhìn Trung Tá.  Trung Tá nhìn tôi.  Khắc phục thế nào “  Trung Tá thở dài nhìn xuống đất : “... Dạ, thôi.  Ðoàn kịch giải tán, thế là xong !”.  Ba Quốc cũng thở dài : “ Bây giờ nợ chủ mấy cái sạp, cái cửa hàng ở chợ đã trả xong, tụi tui “ dẹp tiệm” cho yên !”.  Lần này, cả ba chúng tôi nhảy nhổm lên vì ngạc nhiên, nghe ông ta kêu : “ Không !  Các ông phải tiếp tục phục vụ quần chúng chứ.  Phải tiếp tục phát huy văn hóa văn nghệ...  Quần chúng đang kéo đến Sở, có yêu cầu ấy...  Nhân dân ta vốn yêu văn hóa và quí trọng nghệ sĩ !  Các ông cứ tiếp tục diễn kịch...’’.  Trung Tá ngần ngại hỏi “... Dạ thưa, kịch bản có vấn đề, diễn viên đóng vai Vua không có, diễn thì diễn thế nào ? “.  Ông đứng tuổi lại cười, vỗ vai Trung Tá : “... cái gì mà chẳng khắc phục được.  Ðây nhé, cứ để tên vở kịch là Lý Nhân Tông, nhưng bỏ ba chữ học làm Vua.  Ðó là điều thứ nhất.  Kịch bản có vấn đề thì ta diễn kịch câm.  Cứ nói theo kịch bản, nhưng không nói ra lời là được.  Ðó là điều thứ hai.  Còn lại, thửa mũ mãng của Vua, rồi khoác lên bất cứ ai đấy, miễn là ngồi im, thì rõ vua là Vua sống.  Có Vua, chứ ai bảo được là không Vua nào !  Ðó là điều thứ ba .  Các ông thông chưa ( lại cười hề hề ), khắc phục thế, các ông bằng lòng chứ !  Ðoàn kịch phải tiếp tục...”.

   Thế là, tối hôm đó, trong túp lều Trung Tá, chúng tôi lại mua la-de, đồ nhậu, cùng nhau động não giúp đạo diễn Ba Quốc chỉnh lại cách sắp xếp để đóng kịch câm.  Chị Ba mua giấy làm mũ Thiên Tử, cân đai, và còn bày đặt kê một cái bàn nhỏ cạnh ghế làm Vương án, có bút lông, mực tầu đàng hoàng.  Anh Ba Quốc nói với vợ : “ Ba nè, em ngồi làm vua, qua vẽ cho em cái râu là nữ thành nam liền...”.  Chị Ba lắc đầu “... Thế ai đi xin “ thù lao” nghệ sĩ.  Không nhanh chân là khán giả bỏ đi hết liền.  Lúc phải móc tiền là lúc “ chiến lược” nhất !”.  Trung Tá gật, nói : “ Tôi đóng Hề Nhỡ, không cần “ông”  Mực.  Cho ông đội mũ, đeo cân đai, vẽ thêm cái mặt có râu cho ra vẻ Thiên Tử móc vào hai tai là được...”.  Ba Quốc vỗ đùi kêu : “... Thiệt, tập thể có khác.  Sáng tạo vô cùng... làm chủ vậy mới chắc ăn !”.

Chuyển cảnh

Ven chợ Tân Ðịnh.  ‘’Ông’’ Mực ngồi trên ghế, đầu có mũ mão Thiên Tử,  miệng gừ gừ.  Trung Tá thủ vai Hề Nhỡ, và Ba Quốc, vai Lý Thường Kiệt.

LÝ THƯỜNG KIỆT ( hướng về chiếc ghế, hát nhưng miệng mấp máy, không phát ra lời.  Ðó là đoạn hát mà khán giả đến xem nhiều lần đã thuộc nên khi Ba Quốc mấp máy

“Uy làm cho phục

          Ðức làm cho tin”

thì khán giả đồng loạt vỗ tay ).

Hề Nhỡ ( múa may, vái cái ghế trên có “ông” Mực, miệng mấp máy.  Ðến câu

“ Mà nghe chuyện đã... đã lăn quay ra mà cười

    Mà nghe chuyện đã... đã lăn quay ra mà hề”

thì khán giả lại đồng loạt vỗ tay ).

LÝ THƯỜNG KIỆT ( nhìn Hề Nhỡ, miệng mấp máy ).

Hề Nhỡ ( vái Lý Thường Kiệt, miệng mấp máy )

LÝ THƯỜNG KIỆT ( thở dài, quay lại quì trước cái ghế trên có “ông” Mực, miệng mấp máy hát.  Khi miệng mấp máy đến câu

    “... Ấy mới Nam quốc sơn hà

        Ấy mới Nam đế cư ‘’

thì khán giả lại đồng loạt vỗ tay ).

Hề Nhỡ ( cũng quì xuống, vái cái ghế trên có “ông” Mực, miệng mấp máy “ Phải ! phải ! ” thì khán giả vừa vỗ tay, vừa rầm rầm kêu “ Hoan hô, hoan hô !”.

Trong tiếng reo, người ta bỗng nghe tiếng còi hụ, tiếng xe, tiếng lốp rít và tiếng phanh gấp.  Chị Ba chưa kịp xin “ thù lao”, kêu hoảng hốt “ bọn nó !”.

Lời kết :

Ðèn rọi vào chú nhà báo

Ðộc thoại :

   - Vâng, tưởng là đại họa.  Lại không.  Ðến lúc nghĩ rằng không có họa, chỉ còn phúc, thì lại họa.  Sự đời sao mà đầy oan trái ( chặc lưỡi ).  Ðang ngồi trong tòa soạn thì các “ anh ấy” đến, bảo lên sở làm việc.  Ðến sở, đã thấy Trung Tá, Ba Quốc, cả chị Ba, cháu nhỏ và ông Mực vẫn còn đội mũ Thiên Tử, mình quấn cân đai.  Ba cán bộ cùng “ làm việc” nay vẫn cái anh tre trẻ, cái ông già già, và bây giờ thêm một chị tuổi ở cái độ xồn xồn.  Ông già già xưa có cái giọng thân mật mặt nay rất nghiêm.  Chị cán bộ lạnh như tiền, hình như do Trung Ương phái vào.  Chị bắt đầu nói, và giơ một băng video, bảo “ Chúng tôi quay hết”.  Nhìn ông Mực, chị tiếp : “ ... ảnh con chó tôi cũng cho chụp đủ kiểu”.  Mực thè lưỡi ra gừ gừ. Ông già già gằn giọng “... các anh xỏ xiên.  Trước cái ghế trên không có Vua.  Bây giờ, (tay chỉ ông Mực) Vua là con chó à !”.  Ông đứng dậy xô ghế quát : “ ... Lần này, không khoan thứ nữa !  Ði cải tạo, đi hết...”.

   Sau buổi làm việc đó, tôi bị câu lưu ở Sở và từ đó, tôi không có tin gì về đoàn kịch Tha Phương.  Trong một tháng liền, công việc của tôi là viết kiểm thảo, kể lại đủ ngọn ngành.  Viết xong, lại viết lại.  Tại sao “  Cứ viết đi.  Cơ quan tôi có can thiệp nhưng hình như không có hiệu quả gì.  Vợ tôi đến gặp bà Tổng biên, chị ấy bảo phải kiên trì.  Vợ tôi đáp : “ ...em kiên trì từ ngày mới đẻ”.  Bà Tổng biên ngậm ngùi: “... tôi thì mất kiên trì, sắp đổi công tác rồi !  Chị xem ở Hà Nội có ai giúp được không ‘’.  Vợ tôi gọi điện thoại về cho mẹ.  Mẹ bảo “... Cha mày ở trong Trung Ương thật, nhưng bây giờ phức tạp lắm, bay như chơi”.  Vợ tôi lại kêu “... Hổ còn không ăn thịt con !”.  Mẹ tôi mắng : “ Mày ngu, thằng chồng mày cũng ngu.  Người khác !”.  Vâng, quả có khác.  Tôi không bị đi cải tạo và sau khi được Nhà Nước giữ để điều tra, tôi lại về.  Ðến Tòa Soạn, bà Tổng biên tập của tôi không còn đó.  Một số bạn bè xưa cũng vậy.  Còn lại, cả đồng nghiệp cũ lẫn mới, họ đều lảng tránh, hoặc lạnh lùng nhìn tôi như một kẻ xa lạ.  Ðồng chí bí thư cơ quan bảo : “... cậu “ được” ra biên chế !  Bây giờ tha hồ làm ăn nhé...”.  Tôi cười, cám ơn.

   Một tối, cũng có trăng, tôi quay lại nghĩa địa Z, ở Gò Vấp.  Cư dân bây giờ có vẻ đông đúc hơn.  Tôi tìm mả Trung Tá Trần Hiển Vinh.  Không thấy bóng Trung Tá của tôi, bộ đội đặc công tên Nguyễn Chính Trực, kẻ đã bị bom xăng mù hai mắt.  Tôi lại đi tìm mả bà Nguyễn Thị Ba, lòng chập chờn hy vọng tìm được chuẩn úy biệt động quân tên Trần Vị Quốc, người đã để một cái chân trái ở Long Bình tặng cho ngày cuối cùng của một trận chiến.  Tôi cũng không thấy. Tôi hỏi thăm.  Không ai biết Ba Quốc, chị Ba...

   Cũng ngay buổi tối đó, tôi đến ven chợ Tân Ðịnh.  Ông già bán mì nước góc Hai Bà Trưng và Nguyễn Hữu Cầu vẫn đó.  Tôi lại hỏi.  Bác ơi !  Cái đoàn kịch Tha Phương đó, nó còn diễn không ?  Ông ấy ngửng lên nhìn tôi, lắc đầu.  Thế bác có thỉnh thoảng thấy ông nghệ sĩ cụt chân trái và ông nghệ sĩ mù hai mắt của đoàn không ?  Ông ấy cúi xuống, lắc đầu.  Tôi lại hỏi, thế bác có thấy một con chó trắng lông xù không ?

    Ông ấy gật đầu, bảo nó chạy quanh quẩn kiếm ăn ở mấy đống rác.  Tôi mừng quá.  Tôi chạy vào, đi quanh.  Kìa ! “ông” Mực, tôi gọi to.  Mực quay lại gừ gừ.  Ðánh hơi ra người quen, ông vẫy đuôi, nhưng chỉ đứng nhìn.  Tôi bước tới, miệng kêu “ông” Mực, “ông”  Mực, rồi lấy tay xoa lên đầu, vuốt lên lưng. Mực kêu hích hích như khóc. Tôi đi, ông bước theo, rất tự nhiên.

   Tôi đi, ra ngồi quán bụi, gọi đế.  Ðế, một chai.  Nhớ câu thơ lính của Quang Dũng, “ Rượu chỉ một ly thôi.  Uống  lên cho đỏ mặt...”, tôi nhấp rượu nhưng buột miệng ngâm nga những câu thơ của ai, chả còn nhớ là của Nguyễn Bính hay của Huyền Trân.  Thơ rằng :

   “... Thì cứ ở đây ngồi giữa chợ

   Uống say mà gọi thế nhân ơi !

   Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ

Ta, ( tay chỉ về phía khán giả ) với nhà ngươi cả tiếng cười...”.

Ðèn rọi,  chú nhà báo đứng như tượng đá, nước mắt ràn rụa. Ðèn tắt dần. Ở đâu tiếng nhị kéo lên nhè nhẹ rồi vẳng xa đi như  chưa hề có thật bao giờ.

MÀN HẠ