Trần Thị Băng Thanh(*)
Tháng 1 năm 1995, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của Cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Hội thảo đã thu thập được 22 báo cáo khoa học và hai năm sau (1997), tập kỷ yếu của Hội thảo, lấy tên là Nguyễn Đổng Chi - Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc đã được ra mắt độc giả. Trong cuốn sách, các nhà khoa học đã nêu những đóng góp của Nguyễn Đổng Chi trong việc "miệt mài tìm kiếm" các giá trị văn hóa dân tộc về nhiều phương diện, từ sử học, khảo cổ học, dân tộc học, folklore học... đến văn học, trong đó ông đã có công "phát hiện" ra "nền văn học cổ Việt Nam". Thế nhưng đối với việc nghiên cứu lịch sử văn học dân tộc, hiện nay đã thành hẳn một ngành học cơ bản, GS Nguyễn Đổng Chi đã có đóng góp gì ở thời kỳ đương đại – sau 1945, thì vẫn chưa thấy được nhắc đến. Vì vậy, trong bài viết này tôi xin mạo muội nêu một vài suy nghĩ về vấn đề đó.
1. Với Việt Nam cổ văn học sử, GS Nguyễn Đổng Chi là người viết văn học sử Việt Nam sớm nhất
Việt Nam chúng ta có truyền thống viết sử, đã có nhiều bộ sưu tập thơ văn, việc nghiên cứu văn học có đóng góp những kiến giải mang tính chất lý luận cũng đã có một "lịch trình"([1]), nhưng quả thật về bộ môn nghiên cứu lịch sử văn học thì cho đến khi quyển Việt Nam cổ văn học sử của GS Nguyễn Đổng Chi ra đời cũng chưa có công trình nào thực sự là một cuốn văn học sử. Việt Nam cổ văn học sử được Hàn Thuyên xuất bản cục phát hành tháng 10 năm 1942, có thể xem là đồng thời với cuốn Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, được ghi là soạn xong tháng 6 năm 1941, là hai cuốn thuộc xu hướng này. Nhưng cuốn của Dương Quảng Hàm mục đích nhằm soạn cho chương trình giảng dạy ở bậc Trung học nên nội dung hết sức tóm tắt, đồng thời lại xen những bài trích giảng, có lẽ giáo sư Dương không có ý định viết văn học sử. Cho nên, Việt Nam cổ văn học sử đúng là có vị trí của một bộ "lịch sử văn học đầu tiên" của ngành lịch sử văn học nước nhà, và tác giả cuốn sách xứng đáng được nhận vinh dự là nhà văn học sử sớm nhất của ngành khoa học này. Đương nhiên là người đi đầu sẽ không tránh khỏi nhiều điều nan giải, nhưng tác giả đã đưa ra được những đề xuất mang tính chất khởi xướng.
Trước nhất là chủ kiến, ý tưởng và quan niệm về hai vấn đề quan trọng: văn học cổ Việt Nam và lịch sử văn học. Đương thời, vì lý do chữ viết, nhiều người không công nhận những tác phẩm viết bằng chữ Hán là văn học Việt Nam, coi đó là "văn học Tàu", quan niệm ấy kéo theo một hệ quả là sự mặc định đầy mặc cảm nước ta thời cổ không có văn học thành văn, không có "văn học cổ". Xuất phát từ quan điểm trên, Thanh Tuyền trong bài Đọc "Việt Nam cổ văn học sử" viết trên Tạp chí Thanh nghị số 34, 35 tháng 4 năm 1943 cũng cho rằng nếu một tác gia hiện đại viết văn Tàu thì tác phẩm của người ấy phải coi là văn học Trung Quốc, bởi vì "tuy tác phẩm của ta nhưng văn học vẫn của người", thế thì tất nhiên "tác phẩm của người An Nam ngày xưa viết bằng chữ Tàu phải liệt vào văn học Tàu"([2]). Nguyễn Đổng Chi không quan niệm như thế, ông đã coi văn học cổ Việt Nam có cả hai bộ phận văn học truyền miệng và văn học thành văn, mà trong bộ phận văn học thành văn, ngoài những tác phẩm viết bằng chữ Nôm, còn có một khối lượng tác phẩm đồ sộ, là bộ phận hữu cơ, quan trọng làm giàu cho văn học Việt Nam, đó là những tác phẩm giàu tính thẩm mỹ viết bằng chữ Hán.
Kể ra, nếu từ tiêu chí chữ nghĩa và thể loại văn học, thì loại quan niệm thứ nhất cũng có những lý lẽ của nó, nhất là quan niệm ấy lại xuất phát từ nhiệt tâm yêu nước và tinh thần dân tộc. Nhưng nhiệt tâm thôi không đủ, bởi đối với văn chương chữ nghĩa là thứ công cụ mang “tín hiệu kép” của tư duy thẩm mỹ thì cần được lý giải ở một tầng sâu hơn, không tách khỏi chủ thể thẩm mỹ là con người sử dụng loại công cụ đó. Các văn thi sĩ nước nhà trước tác bằng văn tự Hán cổ chỉ là mượn chữ, học cách viết, vận dụng các khung thể loại của văn học Trung Quốc cổ, để biểu đạt tư tưởng tình cảm của người Việt, miêu tả thiên nhiên, phong tục tập quán làng quê Việt, thậm chí để đấu tranh với chính các triều đại Trung Quốc, bảo vệ đất nước, dân tộc Việt...; những áng văn chương như thế sao có thể gọi là văn học Tàu; sao có thể vứt bỏ thành tựu to lớn đó ra ngoài di sản văn hóa trân quý của nước nhà! (Đấy là chưa kể ngày nay, bằng những tư liệu mới phát hiện, mối quan hệ về lãnh thổ và giao lưu văn hóa, trong đó có vấn đề chữ viết, giữa hai nước Việt và Trung còn nhiều điều cần được khảo cứu lại). Có thể quan niệm đó của GS Nguyễn thời bấy giờ mới là trực giác, nhưng rõ ràng là trực giác đúng, đương thời cũng đã có những người đồng cảm, như Ngô Tất Tố, và dù các thế hệ sau đã nhiều lần bàn bạc, tranh luận, có nhiều bổ sung, điều chỉnh, đề xuất ấy đến nay vẫn đã được trải nghiệm và chấp nhận. Đó cũng chính là lý do để học giả Trần Văn Giáp nhận định Nguyễn Đổng Chi "là người đạt kiến, trông rõ hơn những người trước ông"([3]).
Thứ hai là Việt Nam cổ văn học sử có nhiều gợi ý có giá trị chỉ dẫn. Trước hết phải nói đây là cuốn sách sớm nhất công bố một khối tư liệu khá đầy đủ, đến mức sau mấy chục năm, tư liệu mà giới nghiên cứu tìm thêm về giai đoạn này cũng không được là bao. Ngoài ra, những điều nghi vấn, đánh giá khác với sử sách mà cố GS Nguyễn Đổng Chi nêu ra, nhiều điều vẫn còn nguyên ý nghĩa, trải mấy chục năm bàn bạc trong giới nhiều khi vẫn chưa thật ngã ngũ. Cho nên có thể nói Việt Nam cổ văn học sử là một bộ sách đã có "những gợi ý có giá trị chỉ dẫn" (Nguyễn Đăng Na)([4]).
Thứ ba là sự thử nghiệm một quan niệm về phương pháp viết văn học sử: coi Văn học Việt Nam "như một dòng chảy liên tục từ quá khứ, qua hiện tại, tới tương lai". Nguyễn Đăng Na cho rằng quan niệm này rất quan trọng, vì nó quyết định nhiều vấn đề rất cơ bản của văn học sử, như đối tượng, phân kỳ... Ông rất tán thành việc tác giả Việt Nam cổ văn học sử đã quan niệm văn học Việt Nam có một thời kỳ từ phát đoan đến đầu thế kỷ X, và như vậy tất nhiên phải tính tới văn học viết bằng chữ Hán trong thời kỳ Bắc thuộc mà Nguyễn Đổng Chi gọi là "văn chương người Nam buổi Hán học khởi thủy" với 3 nhân vật Lý Tiến, Sĩ Nhiếp và Khương Công Phụ, tạo nên 3 cái "hích" giúp cho văn học Việt Nam hình thành. Nguyễn Đăng Na cũng khẳng định "con đường viết Việt Nam cổ văn học sử trở thành khuôn mẫu cho các nhà nghiên cứu sau này" (Bđd). Ví như Trần Nghĩa đã tiếp tục con đường tìm kiếm của Nguyễn Đổng Chi về văn học chữ Hán Việt Nam thời Bắc thuộc, còn Trịnh Vĩnh Thường ở Đài Bắc trong công trình Hán văn văn học An Nam đích hưng thệ thì cũng đã theo khá sát từng bước đi của ông. Cuối bài viết, Nguyễn Đăng Na kết luận: "ông (tác giả Việt Nam cổ văn học sử) là người đầu tiên viết văn học sử theo quan điểm duy vật lịch sử theo đúng nghĩa của nó". Chính Thanh Tuyền, dù còn khác về quan điểm và có góp thêm nhiều ý kiến, cũng đã nhận xét: trừ danh từ "văn học cổ" còn cần phải tu chỉnh thì "nghiên cứu như vậy cũng là có phương pháp", và chốt lại bài phê bình của mình bằng một sự đánh giá tối hậu: "Dầu Việt Nam cổ văn học sử chưa phải là một bộ sử hoàn toàn – kể ra đã dễ có một bộ sử nào có thể cho là hoàn toàn? – thì ông Nguyễn Đổng Chi cũng đã đem tâm lực mà làm một việc rất cần thiết cho sử học nước ta…" (Bđd). Đó là những đóng góp của GS Nguyễn Đổng Chi về phương pháp viết văn học sử trong công trình văn học sử sớm nhất – Việt Nam cổ văn học sử – đã được các nhà nghiên cứu vinh danh.
2. Với Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi vẫn là người "phát hiện, chỉ dẫn"
Bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam được viết đồng thời với bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt nam([5]), có thể coi là hai bộ văn học sử sớm nhất ở miền Bắc được biên soạn trong thời đại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sơ thảo gồm 5 quyển, có 5 tác giả là Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh, Quyển I in năm 1957, Quyển II in năm 1958, 2 Quyển III và IV in năm 1959, Quyển V in năm 1960. Nếu như Việt Nam cổ văn học sử mới là cuốn văn học sử “thử nghiệm”, chính tác giả còn có ý lưỡng lự, tự coi là động cơ "chưa hẳn là ở chỗ chép văn học sử", và cũng mới viết về một thời kỳ trong cả một tiến trình 10 thế kỷ, thì bộ Sơ thảo có thể xem là bộ văn học sử đầu tiên viết về toàn bộ lịch sử nền văn học nước ta, không kể Quyển I là viết về ngôn ngữ văn tự và văn học dân gian, từ Quyển II "thật sự đi vào lịch sử văn học viết" Việt Nam từ ngọn nguồn đến nửa đầu thế kỷ XIX. Nói là bộ văn học sử đầu tiên bởi trong khi Lược thảo (3 tập) – cũng chưa khác với phần đông quan điểm các học giả lớp trước – chỉ mới giới hạn đối tượng trong văn học truyền miệng, văn thơ chữ Nôm và quốc ngữ (tính cho đến 1945), cho nên chưa thể nói là trọn vẹn, thì Sơ thảo (5 quyển) tuy viết đến giữa thế kỷ XIX là tạm dứt, nhưng ở mỗi quyển đều đã trình bày đầy đủ cả văn học Hán và Nôm, mà toàn bộ phần văn học chữ Hán trong bộ sách, không nói cũng rõ là thuộc thẩm quyền của Nguyễn Đổng Chi. Tiếp tục nương theo đúng quan điểm của Việt Nam cổ văn học sử đối với phần văn học chữ Hán, Sơ thảo đã tuyên ngôn hẳn hoi trong lời “Tựa”: "… Vì những tác phẩm văn học ấy do người Việt Nam viết để nói với dân tộc Việt Nam và phục vụ dân tộc Việt Nam", cho nên phải được coi là "… văn học của dân tộc Việt nam"([6]).
Là công trình tập thể, bộ Sơ thảo có sự phân công rõ ràng. Hầu như những vấn đề bối cảnh lịch sử đều do Văn Tân chấp bút; văn thơ viết bằng chữ Nôm do Nguyễn Hồng Phong, Hoài Thanh viết; Vũ Ngọc Phan chủ yếu viết phần văn học dân gian ở Quyển I; còn lại, phần văn học chữ Hán – trừ mấy tác phẩm liên quan chặt chẽ đến sử, như Quân trung từ mệnh, Bình Ngô đại cáo – đều do Nguyễn Đổng Chi đảm nhiệm. Đọc kỹ bộ sách có thể thấy ở Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam Nguyễn Đổng Chi vẫn tiếp tục là người có "những gợi ý có giá trị chỉ dẫn".
Trước hết nói về "nguồn tài liệu phong phú". Nếu như ở Việt Nam cổ văn học sử người đọc đã khâm phục GS Nguyễn Đổng Chi về sức đọc, sức phát hiện, sự chỉ dẫn hướng khai thác tài liệu, hướng nghiên cứu, thì với bộ Sơ thảo, về ba vấn đề trên còn có thể cảm thấy đáng kinh phục hơn. Nếu chúng ta trở lại thời điểm trước những năm 60 của thế kỷ trước, sẽ thấy các tác giả Sơ thảo viết trong một thời gian gấp rút đến thế nào. Rõ ràng là chỉ trong khoảng chưa đầy 5 năm, bộ sách 1.400 trang khổ lớn đã được hoàn tất và xuất bản, riêng Nguyễn Đổng Chi đã có thể chỉ ra hầu hết các tác phẩm và tác giả của 10 thế kỷ văn học, toàn viết bằng chữ Hán, được trình bày ở các quyển II. III, IV, một phần Q. V, đấy là chưa kể phần truyện dân gian ông phụ trách ở Q. I. Nhưng không phải tác giả chỉ cung cấp cho người đọc một bảng liệt kê tác giả tác phẩm giản đơn. Mà với tính chất một bộ lịch sử văn học, mỗi giai đoạn, mỗi lưu phái, tác giả, tác phẩm chính, quan trọng, đều được ông phân tích, đánh giá thấu đáo cả về nội dung, nghệ thuật, và nhìn nhận chúng trong sự phát triển của cả tiến trình văn học. Thử nhớ lại, thời kỳ đó các tác phẩm văn học chữ Hán nào đã dịch và công bố được bao lăm cuốn! Nếu không có một sự miệt mài ngày đêm trong Thư viện Khoa học, tức là Viễn Đông bác cổ cũ, để đọc và nghiền ngẫm cho hết khối lượng sách bộn bề đó, thì làm sao nắm được từng thời kỳ văn học của cha ông rành rẽ đến như vậy. Đọc kỹ những trang viết này trong Sơ thảo có thể thấy, Nguyễn Đổng Chi đã trình bày rất phân minh diện mạo, hành trình và đặc điểm từng giai đoạn của văn học chữ Hán, bộ phận xương sống của lịch sử văn học Việt Nam suốt thời Cổ Trung đại. Xin nêu một vài dẫn chứng dưới đây. Ví như "Kết luận" về giai đoạn từ thời Lý-Trần về trước, Nguyễn Đổng Chi cho biết văn học chữ Hán "… là văn học thành văn duy nhất còn lại trong kho tàng văn học Việt Nam", tuy là "không thể đi sâu vào nhân dân đại chúng", nhưng nó cũng biểu hiện được phần nào sinh hoạt của nhân dân, "tích cực đóng góp vào sự nghiệp hình thành ý thức dân tộc, đã dự vào việc hun đúc truyền thống yêu nước trong nhân dân, đã làm cho văn học Việt Nam giàu thêm về mặt hình ảnh, hình tượng, và nhất là giàu thêm về mặt ngôn ngữ"([7]). Ông cũng cho rằng thời kỳ này ranh giới giữa văn học và sử học chưa rõ rệt, cho nên có những tác phẩm vừa có giá trị văn học vừa có giá trị sử học, như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, đồng thời lại có những tác phẩm mang tên sách sử như Đại Việt sử ký lại cũng có giá trị văn học, và ông đánh giá "Đại Việt sử ký là tác phẩm văn xuôi đầu tiên của văn học Việt Nam"([8]), hay “Đại Việt sử lược không những có giá trị về mặt sử liệu mà còn có giá trị về mặt văn học”([9]). Có thể nói đó là những kết luận không có gì xác đáng hơn; nhiều công trình nghiên cứu của thế hệ sau đều đi theo hướng gợi ý này, ví dụ bộ Thơ văn Lý-Trần. Một ví dụ khác, nhận định về tình hình văn học chữ Hán của thế kỷ XVIII, Nguyễn Đổng Chi cho rằng đó là chặng đường "rộn rịp cởi mở", có nhiều thành tựu cả về khối lượng tác phẩm và tác giả, cả các vùng miền – đáng chú ý là nửa nước phía Nam, theo tác giả, chữ Hán truyền đến theo hai đường: vừa do những danh sĩ bất mãn từ Bắc chạy vào “được chúa Nguyễn thu dụng”, lại vừa do chính các nhà nho Trung Quốc lánh nạn trực tiếp di cư sang, làm cho văn học bột khởi theo hướng vừa tương đồng vừa khác biệt với phía Bắc – và nhờ đó nhiều hình thức sinh hoạt văn học nở rộ, như các thi xã, các lưu phái văn học theo dòng họ..., tạo nên một thời kỳ phồn thịnh, đạt được những giá trị hiện thực và nhân đạo, đỉnh cao của văn học chữ Hán Việt Nam, mà nhiều thời kỳ khác không đạt đến được. Đặc biệt, Nguyễn Đổng Chi đã phát hiện ra những nét mới của văn học giai đoạn này, ví như văn học đã đến sát gần với thực tiễn cuộc sống, nên đã phản ánh được tình trạng hiện thực xã hội, từ trong chốn thâm nghiêm cung vua phủ chúa, các nhà quan đến đời sống đói khổ nghèo nàn của dân chúng nơi thôn cùng xóm vắng; thể hiện được khát vọng của mọi lớp người khác nhau – khát vọng giải phóng, khát vọng hòa bình, trân trọng tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Về phương thức biểu hiện, Nguyễn Đổng Chi nhận thấy có “cái buồn thời đại trong văn học chữ Hán”; người cầm bút có ý thức đi sâu vào thế giới bên trong, nói về cái riêng tư, những ám ảnh, những dục vọng, lên tiếng về quyền tự do cá nhân và nhiều lúc bộc lộ trực diện “cái tôi” của nhà văn... Đây là những phát hiện rất đặc sắc, các nhà nghiên cứu thế hệ sau cũng không ai phản bác, mà dường như đã noi theo những gợi ý ấy mà tìm kiếm, mở rộng thêm để có thể nói đến "khuynh hướng hiện thực", “khuynh hướng nhân văn" của văn học Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX.
Tính chất gợi mở, chỉ dẫn của bộ sách rõ hơn ở các phần viết về tác giả. Trong khuôn khổ số trang hữu hạn của một công trình Sơ thảo, tác giả không có điều kiện triển khai sâu, thậm chí toàn diện nhiều tác giả lớn của các thời kỳ, nhưng với mỗi tác giả Nguyễn Đổng Chi đều điểm trúng những nét ưu mỹ nhất khu biệt trong tư tưởng cũng như trong phong cách giữa họ với nhau, và phải nói nhiều phát hiện là riêng của ông, những phát hiện ấy nhiều khi rất sâu và độc đáo. Ví như trường hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thái độ chính trị của Trạng Trình đã làm băn khoăn nhiều thế hệ học giả (đối với nhà Mạc, Trạng trung thành hay "nhị tâm"? Tại sao Trạng không quay về với nhà Lê?...). Nhiều người cho rằng có sự mâu thuẫn trong tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng Nguyễn Đổng Chi đã đưa ra một lý giải rất hợp lý. Ông cho rằng tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói chung là "chắt lọc từ trong kinh điển". Đối với Trạng Trình, đạo vua tôi, cha con…, cương thường là lẽ trời không thể mất, không thể xâm phạm, nhưng Trạng Trình lại "không sống chết vì một dòng họ". (Gần đây, nhóm công trình Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nhận định Nguyễn Bỉnh Khiêm, nói theo ngôn từ ngày nay, là "một trí thức tự do, không buộc chặt số phận mình với một vương triều nào", và cũng nghĩ rằng mình đã "đưa thêm" được một lý giải mới, nhưng đọc lại Sơ thảo mới thấy, Nguyễn Đổng Chi đã đưa ra nhận định ấy từ... nửa thế kỷ trước!). Trạng Trình "coi xã hội bấy giờ không khác gì một con bệnh liệt nhược từ lâu", Trạng "đưa cả tư tưởng Nho và Phật ra chữa đời", không rõ có hiệu nghiệm hay không, nhưng Trạng "là một ông thầy thuốc tận tâm, có tinh thần về nghề nghiệp nhưng không phải là mát tay". Phân tích chỗ khác nhau trong quan niệm nhàn dật giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Trãi, Nguyễn Đổng Chi cho rằng nhàn đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm là một mỹ cảm. Nhàn dật đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm là cuộc sống tự nhiên, ông vốn đã sống như thế nhiều ngày, hòa hợp với mọi hạng người, không có gì phải cảm thấy bị xa lánh, đơn côi… như nhiều trường hợp khác, trong đó có cả Nguyễn Trãi. Đó là những phân tích rất tinh tế và xác đáng([10]).
Một trường hợp khác là Cao Bá Quát. Nguyễn Đổng Chi phản bác ý kiến cho rằng Cao Bá Quát "bản tính ngạo ngược, khinh đời như một cố tật gàn dở"([11]) mà nhiều nhà phân tích trước ông nhận định. Nguyễn Đổng Chi xác nhận, trong bề sâu, “con người ông [Cao Bá Quát] đã nảy mầm một tư tưởng mới”([12]), “một nhân sinh quan phải kể là mới mẻ và lành mạnh”([13]), “bao hàm một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc”([14]); Cao Bá Quát "có một tâm hồn rất cởi mở, nồng thắm lạ lùng, một tâm hồn biết mến cuộc sống bình dị và giữ được cái bình dị nhưng thắm thiết của tình cảm"([15]). Nguyễn Đổng Chi còn thấy ở Cao Bá Quát một hoài bão kinh bang tế thế lớn lao, “có ý thức về cuộc đời, không coi hiện tại là một định mệnh mà phải xoay đổi lấy số phận. Đồng thời ông cũng đã có ý thức về sứ mệnh của văn chương”([16]). Song trước sau Cao cũng hoàn toàn bế tắc "như sa vào một vòng vây trùng trùng điệp điệp không có lối ra!"([17]). Về ý nghĩa mỹ học Nguyễn Đổng Chi có một nhận định rất độc đáo so với “quan điểm giai cấp” nặng nề thời bấy giờ; ông nói đến “tính người” trong thơ văn Cao Bá Quát: “Mặc dầu văn chương Cao Bá Quát còn lại không mấy nhưng số còn lại cũng đã nêu lên được cái đẹp rất hiếm có trong văn học phong kiến. Đó là lòng khinh ghét cuộc sống chật hẹp, ti tiện. Đó là sự trực tiếp hoặc gián tiếp phủ nhận chính quyền đương thời, cũng chính là phủ nhận hiện thực. Nói chung đó là cái hiên ngang của một tâm hồn chỉ biết thờ có tự do và chân lý. Cái tự do và chân lý nói đây là cảm tính tự phát, gần như là bản năng của con người, khó có thể tìm thấy trong sách vở nhà nho”([18]).
Nhiều tác gia tác phẩm khác như Lê Hữu Trác, Phạm Nguyễn Du và Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Hành, Vũ trung tùy bút, Truyền kỳ tân phả, Hoàng Lê nhất thống chí... người viết đều có những khám phá đột xuất. Nghệ thuật trào lộng của thể phú nôm như các bài Tài tử đa cùng (Cao Bá Quát), Phản thúc ước (Nguyễn Hàm Ninh)... được ông chú ý khai thác làm nổi bật sự sành điệu của các biện pháp tu từ tiếng Việt. Phương pháp đặt bên nhau để so sánh từng cặp tác giả lần đầu tiên được Nguyễn Đổng Chi vận dụng trong văn học sử.
Nói về những giá trị "gợi mở và chỉ dẫn" của Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo chắc chắn nên kể đến những công trình nghiên cứu của các thế hệ sau đã từ những ý kiến "sơ thảo" của GS Nguyễn Đổng Chi để đi sâu, hoàn thành những công trình riêng chững chạc của mình, như những tiểu luận, luận án xung quanh các tác gia Ngô Thì Sĩ, Ngô gia văn phái, dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu, văn học Thời kỳ Tây Sơn, Lê Hữu Trác, Cao Bá Quát… Ngay cả đề xuất về phân kỳ văn học sử, nhiều bộ văn học sử viết những năm gần đây, cơ bản cũng vẫn coi cách phân kỳ của Sơ thảo là hợp lý.
3. Phương pháp viết Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam – Những kinh nghiệm
Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam được viết thống nhất theo "phương pháp, lập trường, quan điểm mới"([19]). Phương châm viết là "chú trọng nêu lên tinh hoa văn học Việt Nam để có thể thông qua lịch sử văn học dân tộc mà biểu hiện được ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc qua các thời kỳ lịch sử". Do đó mà "chú ý đặc biệt đến những tác phẩm văn học có tác dụng tích cực, đối với lịch sử dân tộc, còn những tác phẩm văn học không thật xứng đáng tiêu biểu cho tinh thần dân tộc, cụ thể là những tác phẩm chứa đựng nhiều tư tưởng bi quan, yếm thế,… chỉ giới thiệu sơ qua"([20]).
Đọc hết toàn bộ bộ Sơ thảo, thấy có một cách nhìn nhất quán, rằng văn học là sản phẩm của một thời kỳ lịch sử, nhiều hay ít đều thể hiện đời sống xã hội cả về tinh thần và vật chất. Lý thuyết ấy nói chung là xác đáng, song trong sự vận dụng, nếu chỗ nào cũng cứ nhất nhất chiếu theo "quy tắc" thì có lúc sẽ không tránh khỏi rơi vào khiên cưỡng, không trình bày được hết những giá trị có tính đặc thù. Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam xuất phát từ một nhận định về lịch sử: từ thời Lê Uy Mục (1505-1509), nhà Lê đã bắt đầu suy yếu, chế độ phong kiến khủng hoảng, nhà Mạc thay nhà Lê rồi nhà Trịnh khôi phục lại nhà Lê, nhưng chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến không dứt, nhân dân khổ sở, các cuộc khởi nghĩa nông dân "làm cho chế độ phong kiến mỗi ngày một rối loạn và suy yếu"; đến thế kỷ XVIII thì cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều tiếp tục suy thoái. Triều Tây Sơn sau Quang Trung, cũng đi vào "con đường hủ bại mà các triều đại phong kiến trước đã đi qua"; "Nguyễn Phúc Ánh sau khi giành được chính quyền, lập ra một chế độ phong kiến cực kỳ phản động"… "Tóm lại, xã hội Việt Nam hồi thế kỷ XVIII là một xã hội trong đó giai cấp phong kiến đã thối nát, đã phân hóa, chế độ phong kiến về các mặt chính trị, đạo đức đã rã rời; người dân bị khinh bỉ, tủi nhục, đói khổ, mất hết quyền sống của con người. Nhưng xã hội Việt Nam hồi thế kỷ XVIII cũng là xã hội trong đó nhân dân, chủ yếu là nông dân đã đứng lên"([21]) và họ có sức mạnh. Sơ thảo nhấn mạnh đến hiện tượng mâu thuẫn, đấu tranh giai cấp mà chủ yếu là giữa nông dân và phong kiến thống trị trong suốt mấy thế kỷ ấy. Do vậy, khi nào một tác giả, một tác phẩm lên tiếng đòi "quyền sống", phê phán những hỏng nát của nền chính trị đương thời thì đều được khen là "tiến bộ", đứng về phía nhân dân, chống lại bọn phong kiến thối nát – chỉ cần chĩa mũi nhọn vào tập đoàn thống trị trung ương đương thời là có ý nghĩa tiến bộ rồi. Cho nên cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật cũng được xếp vào phong trào "nông dân khởi nghĩa". Việc phân chia các khuynh hướng văn học cũng có vẻ như chịu sự chi phối khá chặt chẽ của quan niệm chính trị, chẳng hạn chia ra Khuynh hướng tiêu cực bất mãn và Khuynh hướng thỏa mãn với hiện thực, Loại văn học ca công tụng đức phong kiến… Và nếu thực hiện sát sao phương châm đã đề ra, hẳn chắc không ít tác phẩm, tác giả vốn rất đáng giá bị xếp vào hạng mục... "chỉ giới thiệu sơ qua". Chẳng hạn như thơ Lê Thánh Tông, Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi, thơ văn Ngô Thì Sĩ. Phải chăng phần viết về Ức Trai thi tập có hơi sơ sài còn là do “phải ưu tiên” cho phần viết về Ức Trai quốc âm thi tập vốn đang là một “sự kiện” nóng hổi thuở ấy (được phát hiện 1957)? Phải chăng vì Ngô Thì Sĩ bị coi là "tiêu biểu cho tâm hồn một hạng nho sĩ thỏa mãn với mộng công danh, không có gì bận rộn lo lắng trong tâm trí" nên ông cũng chưa được giới thiệu tương xứng với tầm vóc vốn có của mình? Và mặc dù Nguyễn Đổng Chi đã đánh giá đúng những đặc sắc của nghệ thuật thơ Ngô Thì Sĩ, phát hiện ra tiếng thơ mới mẻ của ông cũng như thơ Phạm Nguyễn Du về tình yêu (dù là trong hôn nhân) phản ánh “cái tôi” thành thực... đượm tính chất cận đại... phảng phất có bóng dáng Linh Phượng ký của Đông Hồ” – đây là một nhận định hết sức sắc sảo mà trước ông chưa ai phát hiện ra – nhưng rồi khi kết luận, GS Nguyễn vẫn phải “tuân thủ quy tắc chung” đề ra từ đầu, ghép hai ông vào “cùng một chiếu” với sự suy vong của giai cấp phong kiến: "… tiếng khóc vợ của hai ông không phải đơn thuần là tiếng khóc của cá nhân riêng lẻ. Qua đó ta cũng cảm thấy được bước suy vong không thể cưỡng được của chế độ phong kiến. Cái cô đơn lạnh lùng của hai tác giả Đoạn tràng lục và Khuê ai lục là cái cô đơn lạnh lùng của giai cấp phong kiến nói chung"!([22]).
Quả tình, sự thống nhất về phương châm, phương pháp trong một công trình viết chung nhiều khi cũng bó buộc người viết. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ hẳn ta sẽ không khó nhận thấy, khi đi sâu vào tác phẩm, nhờ nhận diện được các đặc trưng nghệ thuật cụ thể, thông qua cách cảm thụ và suy xét linh mẫn, dường như Nguyễn Đổng Chi đã nhiều lúc "quên mất" nguyên tắc chung của cả Nhóm, nên đã có nhiều bứt phá, phát hiện, nhận định có "giá trị gợi ý và chỉ dẫn", không liên quan đến việc quy vào hai tuyến như nói ở trên. Đúng là "Với sự am hiểu uyên thâm nền văn hiến dân tộc, với khối lượng tri thức khổng lồ về nền văn hiến dân tộc và trái tim đôn hậu" (Nguyễn Đăng Na, Bđd), những phát hiện và chỉ dẫn của Cố GS Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt nam là "có giá trị để đời".
Chắc chắn rằng giá trị của phần viết của Cố GS Nguyễn Đổng Chi trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam là rất, rất phong phú, mãi mãi vẫn có thể khai thác, là những đóng góp hết sức to lớn cho ngành nghiên cứu văn học cổ và văn học sử. Rất tiếc là trong phạm vi bài viết này, người viết mới chỉ trình bày được một vài cảm nhận, suy nghĩ, thật có lỗi với bậc tiền bối.
Tháng 12-2014
T.T.B.T.
(*) PGS TS, Viện Văn học - Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
([1]) Xin xem bài Lịch trình của môn nghiên cứu văn học thời Trung đại, trong sách Những nghĩ suy từ văn học Trung đại, NXB Khoa học xã hội, H, 1999; tr. 439-454.
([2]) Thanh Tuyền (bút danh Đặng Thai Mai), Đọc “Việt nam cổ văn học sử”. In lại trong sách Toàn tập Đặng Thai Mai, NXB Văn học, H, 1997, Q. I; tr. 267-300.
([3]) Trần Văn Giáp, “Tựa” Việt Nam cổ văn học sử, Hàn Thuyên xuất bản cục, H, 1942; tr. 8.
([4]) Nguyễn Đăng Na, Về phương pháp viết văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, trong sách Nguyễn Đổng Chi - Người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc, NXB Khoa học xã hội, H, 1997.
([5]) Do Nhóm Lê Quý Đôn (Trương Chính - Lê Trí Viễn - Huỳnh Lý - Đỗ Đức Hiểu - Vũ Đình Liên) thuộc Ban Tu thư Bộ Giáo dục biên soạn, 3 tập, NXB Xây dựng, H, 1957.
([6]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi - Vũ Ngọc Phan, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. I, NXB Văn sử địa, H, 1957; tr. 10-11.
([7]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. II, NXB Văn sử địa, H, 1958; tr. 87-88.
([8]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. II, Sđd; tr. 88.
(3) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. II, Sđd; tr. 41.
([10]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. II, Sđd, phần viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm; tr. 135-144.
([11]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Vũ Ngọc Phan - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, phần viết về Cao Bá Quát, NXB Sử học, H, 1960; tr. 138.
([12]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Vũ Ngọc Phan - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, phần viết về Cao Bá Quát, Sđd; tr.133.
([13]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Vũ Ngọc Phan - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, phần viết về Cao Bá Quát, Sđd; tr.132.
([14]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Vũ Ngọc Phan - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, phần viết về Cao Bá Quát, Sđd; tr. 134.
([15]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Vũ Ngọc Phan - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, phần viết về Cao Bá Quát, Sđd; tr. 138.
([16]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Vũ Ngọc Phan - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, phần viết về Cao Bá Quát, Sđd; tr. 132.
([17])Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Vũ Ngọc Phan - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học việt Nam, Q. V, phần viết về Cao Bá Quát, Sđd; tr. 140.
([18])Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Vũ Ngọc Phan - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. V, phần viết về Cao Bá Quát, Sđd; tr. 141. Chỗ in nghiêng là do người trích dẫn nhấn mạnh.
([19]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. III, NXB Văn sử địa, H, 1959; tr. 7.
([20]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học việt Nam, Q. II, Sđd; tr.6-7.
([21]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. III, Sđd; tr. 20.
([22]) Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Nguyễn Đổng Chi, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Q. III, Sđd, phần viết về Ngô Thì Sĩ và Phạm Nguyễn Du; tr. 259.
Nguồn: Nguyễn Đổng Chi: học giả – nhà văn, Kỷ yếu hội thảo khoa học, nxb Trẻ, 2015.