Bảo Chân
Tôi muốn bắt đầu bài viết này bằng một trích dẫn của nhà văn Pháp Ivan Jablonka mà tôi đã dịch sang tiếng Việt:
“Lúc còn sống, họ đã gần như vô hình; và lịch sử đã tán họ thành tro bụi. Những hạt bụi thế kỷ không được an nghỉ trong những bình di cốt ở nhà thờ dòng tộc; những hạt bụi ấy lơ lửng giữa không trung, lắt lay theo chiều gió, ẩm ướt theo những bọt sóng, bao trùm lên những mái nhà trong thành phố, làm cay mắt chúng ta rồi bằng sự biến hoá nào đó, biến thành cánh hoa, sao chổi hay là chuồn chuồn, thành tất cả những gì nhẹ hẫng và chóng phai. Những linh hồn vô danh ấy không phải của riêng tôi, họ là của tất cả chúng ta.”
Trích dẫn nằm ngay ở gần cuối phần lời tựa trong cuốn tự truyện gia đình và tiểu luận sử học Đi tìm cuộc đời bị đánh cắp của ông bà tôi (NXB Trẻ) kể lại hành trình người cháu trai Jablonka nghiên cứu và tìm kiếm về cuộc đời của ông bà nội anh, là những nạn nhân đã bị chết và không để lại vết tích trong các đợt thảm sát ở trại tập trung Auswitch. Những câu chữ này vang vọng lại trong đầu tôi mãi khi tôi đọc lại Thuyền lần thứ hai, lần thứ ba. Cảm giác của tôi khi đọc đi, đọc lại là có một nỗi thăm thẳm bất tận, còn nặng hơn cả nỗi buồn, còn đau hơn cả nỗi đau cứ dập dềnh trong tâm tưởng.
Tự do là một cuộc sinh tử
Khi đọc Thuyền, “Tự do” là một từ khoá then chốt, bởi nó chính là động cơ tối thượng thôi thúc nhân vật Tôi, Liên Hương và những người khác. Hai chữ tự do trong tác phẩm không phải là một ý niệm trừu tượng, đó là một lời gọi mạnh mẽ khiến người ta dám đánh đổi rất nhiều để rời đi - từ trong một hoàn cảnh xã hội/ lịch sử biến động những năm cuối 1980 ở Việt Nam - để đi tìm tự do như một giải thoát sau cùng. Thế nhưng, thực tế đầy nghiệt ngã khi thuyền ra khơi. Cái tự do mà những người vượt biên tìm kiếm phải trả bằng giá quá đắt: nhiều người đã phải đánh đổi bằng cả sinh mệnh. Chiếc thuyền nhỏ bé chở hơn một trăm con người (“là một trăm bốn tám hay một trăm ba tám?”) tiến ra biển, là biểu tượng của hy vọng nhưng cũng là một hiện thân của “nhà tù” nổi trôi trên đại dương, ở đó mỗi ngày qua đi đều là trận đấu sinh tử. Và chính ở trong không gian tù đày của chuyến đi tìm tự do, nhân vật Tôi suy nghiệm liệu có không sự tự do đích thực khi con người ta phải cựa quậy trong bụng thuyền chật hẹp ấy, phải đối mặt với cái chết ngay trước mắt, phải hứng chịu sự mất mát và nỗi cô đơn tột cùng?
Ngoài những chết chóc và khốn khổ, Thuyền còn ám ảnh tôi vì một tự vấn day dứt về ý nghĩa thực sự của tự do, với một người đang đi tìm, phải xác quyết bằng sự sống còn: anh ta phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Nếu như hình ảnh biển trong tác phẩm này là một biểu tượng đa nghĩa – vừa tượng trưng cho tự do và vô cùng, bao la và bình lặng, đồng thời là biểu tượng của sự khó lường và khắc nghiệt của số phận, của vũ trụ hay của chính lịch sử; thì sự thật nghiệt ngã mà “Tôi” và những người bạn thuyền nhân trải qua chính là biển vừa là con đường dẫn đến tự do, vừa là mồ chôn tập thể của biết bao sinh mạng đi tìm kiếm nó.
Tôi thèm muốn, tôi tự do
Có một tình tiết khá thú vị trong tiểu thuyết này liên quan nhân vật Tôi, không phải là chi tiết thường xuyên xuất hiện, nhưng được nhà văn mô tả chi tiết vài lần, đó là khao khát tình dục và làm tình (làm tình với Liên Hương, và với Kyra). Dường như đó là chi tiết có liên hệ với khao khát tự do. Bởi rằng, sau tất cả những biến cố đã gặp trong hành trình vượt biển khốc liệt, sau những tình huống khi cái chết cận kề, thì những đoạn Tôi có cảm xúc ham muốn và làm tình với một người phụ nữ cho người đọc cảm nhận điều gì đó hạnh phúc, điều gì đó được giải thoát: “Tôi” tươi mới như được hồi sinh trong tự do. Đó như là một biểu hiện của bản năng sinh tồn mạnh mẽ bên trong nhân vật tôi mà nhà đã diễn đạt thông qua trường từ vựng của tự do “cảm giác nhẹ hẫng”, “được bay lên”, “vui sướng”, “trẻ lại”, “cuồn cuộn”…
Tôi cho rằng mô tip tình dục ở nhân vật Tôi trong Thuyền không phải là tình tiết tô vẽ cho tiểu thuyết mà là một yếu tố cấu thành nên chiều sâu tâm lý của nhân vật “Tôi”, nó trở thành phương tiện biểu đạt cái tôi tự do, và thậm chí nó là hiện thân của ẩn ức về tự do trong ý chí sinh tồn và khao khát phẩm giá của nhân vật.
Đến đây, tôi không thể không liên tưởng giữa “Tôi” của Nguyễn Đức Tùng và Thomas trong tiểu thuyết L'Insoutenable légèreté de l'être của Milan Kundera. Hai nhân vật có số phận hoàn toàn khác nhau, hành trình cũng khác nhau nhưng cả hai đều là những người đã lựa chọn ra đi – lưu vong – sống một đời sống khác để thoát khỏi gánh nặng của một đời sống ngột ngạt; cả hai, trên hành trình riêng của mỗi người, dường như đều có ham muốn tìm cảm xúc của sự tồn tại qua khao khát tình dục. Điều này không đơn thuần là việc thỏa mãn bản năng. Đối với Thomas, những phiêu lưu tình ái không là sự trốn thoát khỏi thực tại mà là một dạng thức khẳng định sự tồn tại của anh ta trong một thế giới đầy biến động. Nó là sự giải phóng khỏi những ràng buộc tinh thần, một khoảnh khắc mà anh ta cảm thấy mình là chủ thể hoàn toàn của đời mình, không bị chi phối bởi bất cứ điều gì. Tương tự, “Tôi” của Nguyễn Đức Tùng có thể tìm thấy trong những khoảnh khắc làm tình một sự phiêu diêu gần như tự do, một sự lãng quên tạm thời những áp lực đè nén, hay thậm chí là một cách để chạm đến những giới hạn của bản thân, khám phá những khía cạnh ẩn giấu của sự tồn tại để cảm nhận sự sống mãnh liệt nhất. Từ đó, ta thấy Nguyễn Đức Tùng mô tả trạng thái của con người khi đối diện với sự lựa chọn, với ranh giới mỏng manh giữa “tôi tồn tại” và biển đời khôn cùng, giữa “thanh cao” (những giá trị tinh thần, khao khát tự do) và “bản năng trần trụi” (những ham muốn vật chất, sinh học) vốn chỉ là một lằn ranh rất nhỏ, chỉ cần một bước qua nhẹ hẫng giữa bên này hay bên kia. Và chính sự nhẹ hẫng ấy lại là điều day dứt và khó lòng chịu đựng nổi. Đây chính là cái giá của sự tự do tuyệt đối – không còn gì để níu kéo, không còn gì để chống lại. Sự day dứt đến từ nhận thức rằng sự lựa chọn tưởng chừng giải thoát lại đưa “Tôi” vào một trạng thái bất định, nơi không có sự chắc chắn, không có sự ràng buộc, nhưng cũng không có điểm tựa vững chắc.
Cho những phận người bé nhỏ bị cuốn phăng vào lịch sử
Nguyễn Đức Tùng không viết Thuyền như một hồi ký hay tự truyện mà như một truyện kể hư cấu trong đó nhà văn viết với cấu trúc chia thành nhiều phần và mỗi phần là một mảnh hồi ức được sắp xếp không theo trật tự thời gian tạo nên một hiệu ứng flashback về hình ảnh đồng thời đó cũng là triệu chứng của ám ảnh và chấn thương tâm lí – những mảnh ký ức vụt về dằn vặt tâm can. Tuy nhiên, trên tất cả cái tôi hư cấu hoá của nhà văn không là đại diện cho cá nhân mà mang tính cộng đồng mạnh mẽ. Vậy nên, với người đọc như tôi, Thuyền đã vượt lên những giá trị của một tiểu thuyết về thuyền nhân Việt Nam để chạm đến giá trị nhân văn hoàn vũ – khắc họa một cách bi tráng thân phận mong manh cuả những con người bé mọn trước sự vô cùng của cuộc đời, sự khốc liệt của những “cuộc bể dâu” lịch sử. Các nhân vật Tôi, Liên Hương, Kyra và những người khác trong Thuyền không ai là người định đoạt được số mệnh cá nhân cho dẫu “lên thuyền” chính là chọn lựa của họ. Họ là những cá thể bé nhỏ trong một xã hội, những mảnh đời không tránh khỏi bị cuốn phăng vào dòng xoáy của lịch sử đúng như lời của nhà văn và sử gia Ivan Jabloka mà tôi đã trích dẫn ban đầu.
Tôi nghĩ, giờ đây tiểu thuyết Thuyền không còn đại diện tiếng nói thuộc về riêng tác giả đã viết nên nó, đó là tiếng nói của những “tro bụi của lịch sử”, đó là một tác phẩm đi tìm công lí cho những người đã ra đi oan khuất trên biển, như một trách nhiệm lịch sử, để họ không bị lãng quên vì rằng lãng quên những người đã ra đi ấy là giết chết họ lần thứ hai.
30-06-2025