Inrasara
Nguyễn Đức Tùng và Inrasara trong buổi “Gặp gỡ và đối thoại” ở Cà phê thứ Bảy tại TPHCM ngày 21.6.2027
Tôi dự định cho ra mắt video về Nguyễn Đức Tùng ở “Mỗi kì một chân dung” kì-8, trên Inrasara-TV từ 2 năm trước, sau:
Kì-1. “Đọc Lê Anh Hoài như thế nào?”, 2. “Thy Nguyên, nhà văn Việt Nam ở đâu?”, 3. “Hannah Arendt, hơn cả một cuốn sách hay”, 4. “Lê Vĩnh Tài và Bài Trường ca Tây Tạng”, 5. “Orhan Pamuk, lưu vong như là định mệnh”, 6. “Nguyễn Văn Tỷ, trí thức dấn thân”, và 7. “Thèn Hương, thi sĩ hát rong thời hiện đại”
Kẹt nỗi đang ngon trớn với 79 videos thì Jaka phụ trách quay phim mất hứng, chương trình đành gác lại.
Tại sao tôi ủng hộ Nguyễn Đức Tùng? – Đơn giản, anh là nhà văn sống và viết ở đường biên, hệt tôi. Kẻ thua cuộc, chạy đi, và chủ động quay lại!
Tôi biết không ít bạn văn của tôi phía bên kia chống anh, gán cho anh vô số ngôn từ không đáng.
Tôi không khác, và còn hơn thế! Ngoài kia, ở cộng đồng Cham: tạp chí Champaka là một [“Inrasara dựa trên thế lực chính trị Việt Nam”]; thì Việt: đối thoại giữa Phan Nhiên Hạo và Nguyễn Quốc Chánh là hai [“Inrasara ẵm toàn giải thưởng ma cô”]. Trong này, từ nhà thơ có tiếng Trần Mạnh Hảo, cho đến cây bút vô danh: Đông La, Đỗ Hoàng [“Đại Việt chưa bao giờ nhục thế/ Dân Hời chủ tịch thơ nhà ta”].
Hai, tôi bị ma sát giữa không chỉ hai, mà ba lực dường bất khả chịu đựng. Câu hỏi: Làm sao có thể vượt qua nỗi này?
Tôi, từ đắc đạo Cham ở tuổi 20, đã vượt bỏ dễ dàng.
Suy tưởng đặt nền tảng trên 4 chân kiềng: [1] Tâm thế Giải sân hận của Ariya Glơng Anak, [2] Tinh thần Hóa giải & hòa giải của đức vua Pô Rômê, [3] Tư tưởng Phi tâm hóa Hậu hiện đại, và [4] Hành động Nhập cuộc về hướng mở của tôi.
Nhập cuộc trò chơi chữ nghĩa Việt, từ bốn cột trụ ấy, tôi đã sống và viết – tự do, tự tại và tròn đầy. Nhất là từ tâm thế Giải sân hận của Ariya Glơng Anak, tác phẩm vĩ đại nhất trong kho tàng văn học cổ điển Cham. Thi phẩm vỏn vẹn 116 câu ‘ariya’ lục bát Cham, mà có đến 10 lần chữ “hận thù” lặp lại. Ông phơi bày hiện thực đen của cộng đồng nhằm tìm hóa giải nó, đối mặt với lòng hận thù chất ngất để giải sân hận giữa khí quyển ngột ngạt của Champa thời buổi đại khủng hoảng cuối cùng.
Nguyễn Đức Tùng ngược lại, tiểu thuyết Thuyền hơn 90.000 chữ mà “hận thù” chỉ hai lần xuất hiện. Tuy thế, nó đã xuất hiện với ý hướng “gạt bỏ sự thù hận”, qua câu hỏi đầy tính nhân văn: “Con người phải vượt qua những chặng đường nào để đi từ thù hận đến quên lãng”? Nhất là qua không khí đẫm tình người mà tác phẩm gợi ra.
Bên thắng cuộc tiếp nhận nó ra sao? Vì sao Nhà nước cho Thuyền xuất bản tại Việt Nam? Là câu hỏi ít nhất ba lần được đặt ra trong buổi “Ra mắt sách” của Nhà xuất bản Phụ Nữ lẫn lần “Gặp gỡ và đối thoại” ở Cà phê thứ Bảy tại TPHCM. Nguyễn Đức Tùng đã từ chối trả lời câu hỏi này, chỉ dẫn lại ý kiến phản hồi của một độc giả: Cửa in ấn của Nhà nước ta đã mở, dù còn he hé.
Đúng, dù còn he hé, Nguyễn Đức Tùng vẫn hào hứng nhập cuộc. Như mấy năm qua Văn Việt cùng vài cá nhân có tinh thần mở đã nhập cuộc.
Câu hỏi: Còn bao nhiêu nhà văn ở đường biên khác, bao giờ? Cả 7 dòng văn học ngoại vi khác nữa, khi nào cánh cửa mới được mở trọn vẹn?
P.S.
[1] Ba năm trước, bạn tôi ở một Đại học ngoài Bắc tin cho hay, bài thơ Tặng phẩm của dòng sông bị trên ách lại, trong khi nó cùng Đứa con của Đất đã ở trong chương trình sách đọc thêm của Bộ Giáo dục. Và Đứa con của Đất cũng đã xuất hiện ở lớp 11 với những lời bình trân trọng.
Tại sao? - Vì ông Inrasara ở trong… Văn đoàn Độc lập!
[2] Hôm qua tại Cà-phê thứ Bảy, một bạn ở Đại học khác trong này cũng cho tôi biết thông tin tương cận, khi tác phẩm của tôi được đề nghị bị chặn lại.
Tại sao? - Trên Facebook ông ấy thể hiện đậm đặc tinh thần Cham! Lạ thế chứ. Mấy năm qua, bên cạnh mục Thơ của bạn thơ và đề tài quen thuộc: Văn chương Việt đương đại, mỗi ngày tôi cho lên một tút triển khai series về ba chủ đề: Minh triết Cham [để làm nên cuốn Minh triết Cham - 2017], Đi tìm Sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal & Sống triết lí Cham [chuẩn bị cho công trình Triết học Cham sau này]… có chi gọi là “dân tộc cực đoan” mà lấy làm điều, nhỉ?