9:30g đến 12g, tại 273 Điện Biên Phủ – TPHCM
Inrasara
Khách đầy thính phòng non trăm ghế ngồi được bài trí khá… trí thức.
Ttrước đó tác giả Nguyễn Đức Tùng trân trọng mời tôi với nhã ý Inrasara phát biểu. Tiếc, bên cạnh ý kiến nhấn vào tâm điểm vấn đề, vẫn còn tồn đọng vài nhân vật khá lan man và dài dòng, chiếm hết cả thời gian dôi ra đã lấy mất phần ngài… Inrasara.
Tại đây tôi chỉ muốn nói ba ý:
1. Lâu nay ta hay than vãn văn học Việt Nam nhỏ và yếu, vậy mà ta mãi giữ tâm lí phân biệt đối xử với tư thế đẩy ra, chứ không gom vào, trong khi văn học ngoại vi Việt Nam với 7 dòng phát triển vô cùng phong phú. Ở đó văn học di dân (hay văn học hải ngoại) là một.
Thời gian qua, Văn Việt đã đóng góp phần mình rất đáng kể, cạnh đó vài tác giả có nỗ lực cá nhân nhất định. Hôm nay, Nhà xuất bản Phụ Nữ “tiên phong” tiếp bước. Tôi đánh giá cao việc làm này.
2. Ở vài diễn đàn, tôi cố ý nói to: Nhà văn Việt Nam không muốn lớn. Tại sao? Ta cứ né tránh các chủ đề lớn, hóc búa và đầy nhạy cảm. Gần, là chiến tranh Việt Trung hay biên giới Tây Nam, vượt biên, kinh tế mới… Xa, là Sử thi Tây nguyên, cuộc Nam tiến, đất Quảng vùng độn (là chủ đề chưa ai nhìn ra)…
Sợ, né thì làm sao độc giả kì vọng đón nhận tác phẩm lớn.
Goethe cho rằng bốn yếu tố tạo nên kiệt tác: Dân tộc đó có điều gì to lớn để nói cho nhân loại, có thiên tài để nói nó lên, và nói lên ở thời sung sức nhất của sáng tạo, nhất là “điều gì đó” được thể hiện bằng nghệ thuật cao cường.
Nguyễn Đức Tùng mang nguy cơ… lớn.
Anh động cập chủ đề lớn, nóng và nhạy cảm; anh có tài và đang kì sung sức, còn lại anh xử lí nghệ thuật thế nào là điều mang tính quyết định.
3. Nguyễn Bình Phương đã dám, tiếc Xe lên xe xuống phải lưu lạc sang Hoa Kỳ mất mấy năm [Diễn Đàn Thế Kỷ xuất bản, 2011 – chú thích của Văn Việt] mới quy hồi cố hương với tên khai sinh khác: Mình và họ [Trẻ xuất bản, 2014 – chú thích của Văn Việt].
Nguyễn Thanh Việt tập trung vào một chủ đề thời gian dài mới cho ra mắt tác phẩm lớn: The Sympathizer (tạm dịch: Cảm tình viên hay Kẻ nằm vùng) để giật giải thưởng Pulitzer.
Tội hơn cả, Ngô Thế Vinh qua faction mang tính dự báo ra đời suốt mấy năm không ai chú ý. Mãi khi bài viết của Inrasara “Giải thưởng nào cho Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng?”, tháng 9-2016, nó mới được Văn Việt trao giải thưởng năm 2017.
Giải thưởng – hay lắm, nhưng nó không là gì cả, ngoài làm công việc thu hút sự chú ý của độc giả về một tác phẩm đáng đọc, đáng bàn.
Còn THUYỀN của Nguyễn Đức Tùng, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, tại sao không?
Vậy thôi, chưa tới năm phút mà đã phải hoãn lại, biết đến bao giờ!