Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 29)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

VI.13. Xung đột giữa Malaysia và Indonesia với Trung Quốc

Ngoài việc đối đầu với Mĩ và tiếp tục xung đột với Việt Nam và Philippines, sau khi Trung Quốc xây dựng đảo quy mô lớn, các hoạt động của nước này ở biển Đông thậm chí còn gây ra đối đầu với Indonesia và Malaysia là hai nước vốn có lập trường lúc đầu ôn hòa. Các nước ASEAN tăng cường đoàn kết để chống lại Trung Quốc.

Đối với các vấn đề biển Đông, Malaysia luôn giữ thái độ mềm mỏng. Nhưng trên thực tế, từ năm 2009 đến nay, ngày càng nhiều tàu ngư chính Trung Quốc tiến sâu vào vùng biển của Malaysia để “thực thi pháp luật”. Tháng 4 /2010, tàu ngư chính Trung Quốc 311 đã tới gần đá Hoa Lau (đá Đạn Hoàn / Swallow Island), các tàu chiến và máy bay tuần tra của Malaysia cũng có mặt đối đầu tại vùng biển này trong 18 giờ. Lúc đó, Malaysia chọn cách giữ hòa dịu, tránh gây ồn ào.[1263] Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc ngày càng khiến cho người dân Malaysia bất mãn. Mùa xuân năm 2013, Malaysia tổ chức biểu tình phản đối việc 4 tàu Trung Quốc tiến vào bãi ngầm James (Tăng Mẫu), song Chính phủ Malaysia vẫn muốn giải quyết ôn hòa, thậm chí cố giúp Trung Quốc giấu kín sự việc. Ngày 26/01/2014, Trung Quốc ồn ào tuyên bố rằng 3 tàu chiến Trung Quốc, bao gồm: tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường Hải Khẩu và Vũ Hán đang tiến hành tuần tra bãi ngầm Tăng Mẫu. Trước sự ồn ào của các phương tiện truyền thông Malaysia, Bộ trưởng Hải quân Malaysia - Tướng Jafar vẫn phủ nhận sự thật, cho rằng cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc diễn ra trên vùng biển cách lãnh hải Malaysia hàng trăm hải lí về phía Bắc, không phải ở bãi ngầm James.[1264]

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc xây dựng đảo quy mô lớn, Malaysia đã không thể “ngồi yên”. Ngày 4/6/2015, tàu tuần tra Trung Quốc số hiệu 1123 đã đối đầu với tàu Cảnh sát biển và tàu của Cục Thực thi Luật Hàng hải Malaysia ở vùng biển gần bãi cạn Luconia (Quỳnh Đài). Bãi cạn Luconia nằm giữa nhóm bãi cạn South Luconia (Nam Khang) thuộc quần đảo Trường Sa. Trước đây đó là một bãi đá ngầm chìm dưới nước, nhưng hiện tại nó đã phát triển thành một đảo nhỏ cao hơn 10 m so với mặt nước khi thuỷ triều xuống, dài hơn 170 m, rộng 20 m, khi thuỷ triều lên cao nhất cũng cao từ 2 đến 3 m, dài khoảng 60 m, rộng hơn 10 m. Do chịu ảnh hưởng của thuỷ triều lên xuống, diện tích dao động vài chục mét vuông, nhưng diện tích hiện nay ngày càng mở rộng.[1265] Malaysia gọi bãi Nam Khang và bãi Bắc Khang là Luconia Shoals, cách đảo Borneo khoảng 150 km, rất gần điểm cực Nam của đường 9 đoạn và nằm trong thềm lục địa của Malaysia. Malaysia đã tuyên bố chủ quyền đối với chúng từ năm 1979. Malaysia đã khai thác dầu mỏ tại vùng biển bãi cạn South Luconia.

Các quan chức Malaysia chỉ ra rằng, tàu tuần tra Trung Quốc đã neo đậu ở vùng biển này trong hai năm qua. Phía Malaysia cũng tuyên bố rằng, hải quân và Cục Thực thi Luật Hàng hải của nước này luôn theo dõi và bảo vệ chủ quyền ở khu vực đó. Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Malaysia bày tỏ, tàu thuyền các nước có thể tự do đi lại, nhưng không được thả neo nếu không được sự cho phép của Malaysia. Đối với hoạt động đánh bắt trái phép và buôn lậu của tàu nước ngoài, Malaysia hết sức chú trọng và sẽ dùng mọi biện pháp để bảo vệ và che chắn vùng biển của mình.[1266]

Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Malaysia Shahidan Kassim cho biết nơi đây không phải là nơi có tranh chấp về chủ quyền, Malaysia sẽ có hành động ngoại giao, và cũng cho biết, Thủ tướng Malaysia sẽ đề cập trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề này. Tư lệnh Hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar nói với hãng tin AFP rằng từ tháng 9 năm trước, số lần “xâm nhập” của Trung Quốc đã gia tăng. Ngày nào Malaysia còn nhìn thấy tàu Trung Quốc thì ngày đó Malaysia còn lên tiếng phản đối.

Sự kiện bãi đá Luconia Breakers (Quỳnh Đài) cho thấy, sau khi phía Trung Quốc xây đảo nhân tạo, Malaysia ngày càng ít tin tưởng Trung Quốc hơn và ngày càng đứng cùng một mặt trận với các nước ASEAN khác.

Indonesia từ lâu đã vô cùng lo ngại về hoạt động của các tàu công vụ Trung Quốc ở vùng biển Natuna. Ngày 23/6/2010, tàu ngư chính 311 của Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra của Indonesia tại vùng biển gần quần đảo Natuna. Khi các tàu tuần tra của Indonesia cố bắt giữ 10 tàu cá Trung Quốc đang đánh cá trong vùng biển này, tàu ngư chính 311 đã chĩa súng máy vào các tàu tuần tra của Indonesia dọa bắn và yêu cầu Indonesia thả các tàu đánh cá, sự việc này gần như vượt khỏi tầm kiểm soát, và cuối cùng Indonesia buộc phải tuân thủ.[1267] Sự việc lúc đó không bị tiết lộ ra ngoài, mãi tới tháng 8 năm đó mới được truyền thông của Nhật Bản tung ra, đồng thời người ta còn cho rằng một sự kiện tương tự như vậy đã từng diễn ra vào tháng 5 năm đó.[1268] Lí do khiến phía Indonesia mềm mỏng như vậy là vì họ hi vọng tiếp tục duy trì hình ảnh “trung lập” trong tranh chấp ở biển Đông.[1269]

Sau khi phía Trung Quốc tiến hành xây đảo nhân tạo quy mô lớn, và Tổng thống mới Joko Widodo của Indonesia nhậm chức, Indonesia bắt đầu điều chỉnh lập trường với Trung Quốc. Ngày 15/01/2015, trong một cuộc họp báo, Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia tuyên bố rằng Indonesia đang mở rộng sự hiện diện của lực lượng không quân tại biển Đông, phát đi tín hiệu mới về việc tân Tổng thống Joko Widodo và các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội quyết tâm đối kháng với Trung Quốc bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Natuna. Vị tướng này còn tuyên bố thẳng thừng: “Quyết tâm đánh bại mọi mưu đồ của Trung Quốc uy hiếp lãnh thổ của Indonesia ở biển Đông”.[1270]

Ngày 20/5, Indonesia tiêu huỷ 43 tàu cá bắt được tại “vùng biển của Indonesia” để “dạy” cho tàu cá nước ngoài “một bài học”.[1271] Đáng chú ý là lô tàu cá bị tiêu huỷ lần này có cả tàu cá của Trung Quốc. Việc Indonesia tiêu huỷ tàu cá bắt được không phải là hiếm, nhưng trước đây tàu cá Trung Quốc thường được tha. Ví dụ trong sự kiện tiêu huỷ tàu cá tương tự diễn ra vào năm 2014, dưới sự can thiệp ngoại giao của Trung Quốc, phía Indonesia đã tha cho 8 tàu cá của Trung Quốc. Lần này Indonesia không hề tỏ ra chùn bước trước các tàu đánh cá Trung Quốc, điều này rõ ràng là để cho thấy việc “dạy một bài học” như lời họ nói . Điều này đặc biệt là để dành cho Trung Quốc nghe.

Ngày 11/11, Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lí và An ninh Indonesia (Coordinating Political, Legal and Security Affair Minister) Luhut Panjaitan tuyên bố rằng Indonesia không thừa nhận đường 9 đoạn của Trung Quốc,[1272] và nếu yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết các vùng biển ở Biển Đông và yêu sách lãnh thổ của Indonesia ở Natuna không thể giải quyết thông qua đối thoại, thì Indonesia có thể nhờ đến Tòa án Hình sự Quốc tế để giải quyết (Phóng viên Reuters cho rằng vị Bộ trưởng này muốn nói tới cơ quan trọng tài quốc tế).[1273]

Về điều này, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: “Phía Indonesia không đưa ra yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, chủ quyền của quần đảo Natuna thuộc về Indonesia, phía Trung Quốc không có ý kiến gì khác về điều này”.[1274] Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai thừa nhận quần đảo Natuna thuộc về Indonesia, nhưng không đề cập đến xung đột giữa Trung Quốc và Indonesia về vùng biển xung quanh quần đảo Natuna.

Vui mừng về việc Trung Quốc thừa nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna, Luhut Panjaitan tiến tới phủ nhận “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, ông nói: “Như thế, yêu sách chủ quyền ‘Đường 9 đoạn’ của Trung Quốc sẽ không thể đứng vững được nữa, bởi vì quần đảo Natuna đã là một bộ phận của Indonesia”.[1275]

Tình trạng pháp lí của bãi ngầm Tăng Mẫu (James Shoal)

Bãi ngầm James nằm trên thềm lục địa của đảo Kalimantan thuộc Malaysia, cách bờ biển của Malaysia chỉ có 87 km (43 hải lí), cách đại lục Trung Quốc rất xa, cách cực Nam của đảo Hải Nam 870 hải lí. Đó không phải đảo mà là một bãi san hô nằm dưới mặt nước biển 22 mét.

Không có bằng chứng nào Trung Quốc biết đến bãi ngầm James từ thời cổ đại. Anh là nước đầu tiên phát hiện và đặt tên cho bãi đá ngầm này. Vào thể kỉ XIX, Phòng Đo lường thuỷ văn hải quân Anh đã tiến hành khảo sát chi tiết ở biển Đông, bãi đá này lần đầu tiên được ghi lại trên bản đồ thuỷ văn, đồng thời lấy tên của nhân viên khảo sát người Anh là James Shoal để đặt tên cho bãi đá này.

Năm 1935, Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc tiến hành mở rộng bản đồ cương vực lần đầu, bãi James lọt vào tầm mắt của quan chức Bộ Nội chính, họ đã phiên âm lại tên của bãi đá này theo cách phát âm của tiếng Anh là “bãi Tăng Mẫu” (Zengmu tan). Vì sao họ cho rằng một rạn san hô nằm dưới mặt nước biển hơn 20 mét là lãnh thổ của Trung Quốc? Đó có thể là vấn đề về dịch thuật. Trong tiếng Anh, từ “Shoal” dùng để chỉ khu vực nước nông ngoài biển. Nếu quan sát từ xa, thuỷ thủ sẽ thấy những ngọn sóng nhô lên từ khu vực này, từ đó sẽ biết đây là vùng nước nông nguy hiểm. Nhưng, từ này được dịch không chính xác thành từ “灘/tan” (than: bãi đất ven nước) trong tiếng Trung, rất dễ bị hiểu sai thành một bãi cát trên mặt biển. Những quan chức trên có thể do đó mà nhầm lẫn, hơn nữa cũng chưa từng tận mắt chứng kiến bãi James này vốn không được coi là lãnh thổ theo luật pháp quốc tế, vì thế mới đăng lên thông báo của Bộ Nội chính.

Xét theo khía cạnh luật pháp quốc tế, yêu sách mà Trung Quốc đơn phương đưa ra thông qua bản đồ cương vực khó có thể đứng vững (xem mục II.8). Điều này đặc biệt đúng đối với bãi James, trong thực tiễn của luật pháp quốc tế, không có bất cứ nước nào coi loại bãi ngầm này là lãnh thổ, huống chi bãi James là do Hải quân Hoàng gia Anh phát hiện và đặt tên, do đó nếu nhìn từ khía cạnh quyền lịch sử thì người Anh mới có tư cách tuyên bố chủ quyền nhất.

Sau Thế chiến II, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã tiến hành mở rộng bản đồ cương vực lần thứ hai, rất nhiều tên gọi của các đảo đá được đổi thành tên gọi theo tiếng Trung Quốc. Theo đó, tên của bãi James từ Tăng Mẫu than (bãi Tăng Mẫu) được đổi sang tên gọi tiếng Trung là Tăng Mẫu ám sa ( bãi ngầm Tăng Mẫu), và được đưa vào trong phạm vi của “đường 9 đoạn”, đồng thời xác định bãi James là cực nam của lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, hai bãi ngầm gần đó là Lập Địa và Bát Tiên vốn đều nằm trong danh sách của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, nhưng không biết lí do vì sao lại không được đưa vào “đường 9 đoạn”, sau đó cũng không được công bố trên danh sách của Trung Quốc Đại Lục. Đáng chú ý là, những tàu chiến của Trung Quốc đi “thu hồi” các đảo đá tại Trường Sa cũng không đi tới bãi James.

Năm 1978, Malaysia tuyên bố được hưởng vùng thềm lục địa 200 hải lí căn cứ theo “Công ước thềm lục địa của Liên hợp quốc”. Năm 1980, Malaysia tiến hành tuần tra và tuyên bố chủ quyền tại khu vực phía Nam của Trường Sa, bao gồm cả bãi Tăng Mẫu. Trên thực tế, vào những năm 1970, Malaysia đã tiến hành khai thác dầu khí tại thềm lục địa biển Đông, trong đó có một giếng dầu cách bãi ngầm James không xa về phía Bắc. Có thể nói, Malaysia đã tiến hành thực thi các quyền của mình đối với bãi James. Trong khi đó, mãi đến năm 1983, Trung Quốc mới đến bãi James lần đầu tiên.

Khoản 1, Điều 121 của UNCLOS 1982 quy định: “Đảo là khu vực đất hình thành tự nhiên có nước bao quanh và nổi trên mặt nước biển khi triều cao”. Đây là một xác nhận rõ ràng về thông lệ quốc tế lâu nay, đó là bãi ngầm không lộ trên mặt nước ở trạng thái tự nhiên thì không đủ điều kiện là lãnh thổ, càng không được có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vì thế, căn cứ theo luật quốc tế thì bãi ngầm James không được coi là lãnh thổ. Trong vấn đề tranh chấp bãi Suyan (Tô Nham / Ieodo) tại biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, phía Trung Quốc luôn khẳng định rằng bãi Tô Nham, luôn nằm dưới mặt biển, không thể được coi là lãnh thổ, nhưng lại coi bãi ngầm James còn nằm sâu hơn bãi Tô Nham là lãnh thổ của Trung Quốc. Đây chẳng phải là “tiêu chuẩn kép” hay sao?

Vậy nếu bãi Tăng Mẫu không được coi là lãnh thổ thì nó sẽ thuộc về ai? Theo phân tích từ luật pháp quốc tế, bãi James phải thuộc về Malaysia hơn. Lí do như sau:

Một là, bãi ngầm James nằm xa các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, nằm trên thềm lục địa của đảo Kalimantan, là một cấu trúc địa lí độc lập. Như đã trình bày trong mục III.6, trên bình diện quốc tế, không có tiêu chuẩn thống nhất về phạm vi quần đảo Trường Sa, việc bãi James thuộc quần đảo Trường Sa chỉ là tuyên bố đơn phương của phía Trung Quốc. Ví dụ, người ta thường cho rằng, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhưng thực tế Việt Nam không tuyên bố sở hữu bãi ngầm James. Trong mô tả địa lí có uy tín về quần đảo Trường Sa của Prescott, một chuyên gia về biển Đông, bãi James cũng không nằm trong phạm vi quần đảo Trường Sa.[1276]

Hai là, bãi James cách bờ biển Malaysia chỉ có 43 hải lí, gần hơn nhiều so với bất cứ hòn đảo nào lộ trên mặt nước thuộc quần đảo Trường Sa. Ngay cả khi toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc và ranh giới biển được phân chia theo nguyên tắc cách đều, thì bãi James vẫn thuộc về Malaysia.

Ba là, bãi James nằm trong thềm lục địa của đảo Kalimantan, khác với cấu trúc bồn trũng của quần đảo Trường Sa. Theo nguyên tắc thềm lục địa kéo dài, ngay cả khi toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc thì bãi James cũng thuộc về quốc gia có thềm lục địa liên quan là Malaysia.

Bốn là, trong việc phân định biển Hoa Đông, Trung Quốc cho rằng bán đảo Hàn Quốc và đảo Nhật Bản không được hưởng quyền lợi về phân định biển giống như đại lục. Theo tiêu chuẩn này, ngay cả khi tất cả các đảo lộ ra trên mặt nước trong quần đảo Trường Sa đều thuộc về Trung Quốc, thì những đảo nhỏ bé này cũng không thể được hưởng quyền lợi giống như một đảo lớn Kalimantan của Malaysia. Do đó, bãi James lại càng phải thuộc về Malaysia.

VI.14. Phán quyết của Tòa trọng tài về biển Đông

Cuộc đọ sức trước và sau phán quyết của Tòa trọng tài

Bước vào năm 2016, sát ngày phán quyết của Tòa trọng tài, các bên đều triển khai một cuộc đọ sức về ngoại giao và dư luận. Trước khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, Trung Quốc đã bày tỏ rõ thái độ “bốn không”, đó là: không tham gia, không chấp nhận, không thừa nhận và không thực hiện. Đến ngày 12/7/2016, sau nhiều lần trì hoãn, Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, kết quả vô cùng bất lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc phản ứng vụ trọng tài ở 4 cấp độ: luật pháp lí, dư luận, ngoại giao và quân sự.

Về mặt pháp lí, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành Sách trắng:[1277]Trung Quốc kiên định giải quyết tranh chấp liên quan giữa Trung Quốc và Philippines tại Nam Hải thông qua đàm phán”, thảo luận các vấn đề pháp lí biển Đông và vụ trọng tài về biển Đông.

Về mặt dư luận, Trung Quốc lần đầu tiên tỏ ý rằng bất kể kết quả của phán quyết cuối cùng như thế nào, thì đó chỉ là tờ giấy lộn.[1278] Sau phán quyết, cùng với việc nhắc lại chính sách “bốn không”, một mặt Trung Quốc hạ thấp Tòa trọng tài cho rằng đây không phải là Tòa án quốc tế, mà chỉ là một “tổ chức không chính thức” tạm thời, cung cấp dịch vụ thư kí để kiếm tiền. Như đã trình bày tại điểm III.9, việc hạ thấp như vậy hoàn toàn là vô nghĩa lí. Trung Quốc còn cho rằng có người Nhật đứng đằng sau, dù Shunji Yanai (Chánh án Tòa ITLOS) có thái độ thế nào đối với vụ kiện này đi nữa, sự tham gia của ông trong toàn bộ vụ kiện chỉ giới hạn ở việc lựa chọn trọng tài viên theo thủ tục - trừ việc Philippines có quyền chỉ định một trọng tài viên, thật ra Trung Quốc cũng có quyền lựa chọn một trọng tài viên, đồng thời có thể tham gia lựa chọn 3 trọng tài khác; chỉ do Trung Quốc từ chối tham gia nên mới dẫn đến việc 4 trọng tài khác đều do Shunji Yanai lựa chọn. Những trọng tài này đều là học giả về luật pháp hoặc thẩm phán có tiếng của các nước, có đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn, làm sao có thể dễ dàng bị Shunji Yanai thao túng? Trung Quốc lại nói những vị trọng tài này không phải là người châu Á, không hiểu tình hình châu Á. Tuy nhiên, nếu những người này đều là người châu Á, liệu Trung Quốc có chỉ trích rằng họ có quan hệ lợi ích và có định kiến hay không? Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng Tòa trọng tài nhận tiền từ Philippines,[1279] ngụ ý việc Tòa trọng tài nhận tiền để làm việc, điều này lại càng vô lí hơn. Có lẽ ông ta ám chỉ quy định về kinh phí trong Điều 7 Phụ lục 7, kinh phí do hai bên chia đều (ngoài tiền thù lao cho Tòa trọng tài, kinh phí này còn bao gồm các loại chi phí dịch vụ pháp lí). Do Trung Quốc không tham dự, nên các chi phí đều do phía Philippines đơn phương gánh vác, đây là một sắp xếp không thể bình thường hơn được nữa. Giống như Tòa xử án, hai bên tham gia kiện tụng đều phải gánh vác án phí. Nếu lấy các chi phí đó để làm cái cớ hạ thấp Tòa trọng tài thì đó không những là vô lí mà còn không tôn trọng phẩm cách cũng như sự chuyên nghiệp của các thẩm phán.

Kế đến, (Trung Quốc) lập luận rằng Tòa trọng tài “không có thẩm quyền” và cho rằng việc Trung Quốc không tham gia Tòa trọng tài mới là tấm gương tôn trọng luật pháp quốc tế,[1280] nắm lấy việc nổ ra tranh cãi về khẳng định “đảo Thái Bình không phải là đảo” trong phán quyết để nói Tòa trọng tài là sằng bậy; và tuyên bố rằng “các nước lớn không cần phải tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế”.[1281]

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc sử dụng tất cả các nguồn lực về ngoại giao để lôi kéo các nước ủng hộ mình. Trung Quốc tuyên bố rằng tính đến ngày 11/7/2016 đã có trên 70 quốc gia ủng hộ Trung Quốc về vấn đề biển Đông.[1282] Tuy nhiên, sau khi kết thúc vụ kiện, trong số các nước mà Trung Quốc nêu tên lại có một số nước sau vụ kiện phủ nhận rằng mình đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc (ví dụ: Ba Lan, Fiji), và có một số nước khác tuyên bố chỉ ủng hộ giải quyết vấn đề biển Đông theo luật pháp quốc tế và “Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông”, nhưng lại bị Trung Quốc diễn giải là “ủng hộ Trung Quốc”; có nước được cho là ủng hộ Trung Quốc nhưng từ ngữ biểu đạt cụ thể lại không rõ ràng, chỉ có văn bản do Trung Quốc đưa ra nên khó có thể phán đoán thật giả; có nước tuyên bố cần phải thông qua hiệp thương để giải quyết vấn đề biển Đông, tuy nhiên điều này không hề mâu thuẫn gì với phán quyết của Tòa trọng tài; chỉ có một số ít nước không liên quan (như Gambia ở Tây Phi) mới ủng hộ rõ ràng “Trung Quốc không cần quan tâm đến Tòa trọng tài ”. Tuy nhiên, không có nước nào tuyên bố rõ rằng các quần đảo tại biển Đông và biển Đông thuộc về Trung Quốc.[1283]

Trung Quốc một mặt kiên trì “chính sách bốn không”, mặt khác tránh đề cập đến Tòa trọng tài biển Đông trong các dịp ngoại giao nhằm làm phai mờ ảnh hưởng của Tòa trọng tài. Ngày 14/6 tại Ngọc Kê, Vân Nam, Trung Quốc và Ngoại trưởng các nước ASEAN đã tổ chức họp. Theo tin của AFP, Ngoại trưởng Malaysia công bố văn bản về Tuyên bố chung các ngoại trưởng ASEAN “cứng rắn chưa từng có”, đề cập đến vấn đề xây dựng đảo nhân tạo, nhưng vài giờ sau đó, Ban thư kí ASEAN tuyên bố thu hồi Tuyên bố chung vì có nội dung cần phải sửa đổi ngay. Có tin đồn rằng việc đó là do chịu áp lực của nước chủ nhà Trung Quốc.[1284] Ngày 25/7, trong Hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Lào, Trung Quốc phản đối việc đưa vụ kiện trọng tài vào Tuyên bố theo đề xuất của Philippines, điều này nhận được sự ủng hộ của Campuchia và được Trung Quốc coi là thắng lợi về mặt ngoại giao. Nhưng, Tổng Thư kí ASEAN cho rằng đó là thắng lợi cho các giá trị và nguyên tắc tìm kiếm sự đồng thuận, trong Tuyên bố vẫn đề cập đến vấn đề xây dựng đảo nhân tạo và tự do hàng hải ở biển Đông.[1285]

Về mặt quân sự, ngoài việc tăng cường quân sự hoá ở biển Đông, ngày 5/7, trước khi có Phán quyết, 4 thượng tướng Trung Quốc, trong đó có Tư lệnh Hải quân Ngô Thắng Lợi đã đích thân chỉ đạo cuộc tập trận ở vùng biển Hoàng Sa, bao gồm 3 hạm đội Nam Hải, Bắc Hải và Đông Hải, sử dụng các lực lượng chiến đấu trên không, tàu ngầm, tàu trên biển và lực lượng trên bờ.[1286]

Cùng lúc đó, Mĩ, Nhật, Australia, Singapore và các nước Châu Âu tuyên bố ủng hộ vụ kiện và nhiều lần bày tỏ vụ kiện có hiệu lực pháp lí, và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Đầu tháng 7, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Nhật Bản, các nước đã ra Tuyên bố chung, yêu cầu các nước tôn trọng kết quả của vụ kiện.[1287] Sau khi có phán quyết về vụ kiện, Mĩ, Nhật và Australia ngay lập tức cùng ủng hộ phán quyết.[1288] Trước và sau khi Toà trọng tài đưa ra phán quyết, Mĩ đã điều động hai tàu sân bay USS John C. Stennis và Ronald Reagan đồng thời tới biển Đông hoạt động,[1289] rất có thể là để ngăn chặn việc Trung Quốc thực hiện hành vi chiếm các đảo trong khi tập trận.

Năm 2016, một số bên tranh chấp chủ yếu ở Biển Đông đã có các cuộc bầu cử chính trị, tàm tăng thêm biến số cho vấn đề biển Đông. Tháng 1, Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng 12, ban đầu có tin đồn rằng thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng sẽ kế nhiệm chức Tổng Bí thư và trở thành nhà lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam. Truyền thông phương Tây cũng nhất trí lạc quan về ông Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sinh ra tại Cà Mau – một tỉnh phía Nam của Việt Nam. Trước được điều về Trung ương, ông đã làm việc một thời gian dài ở miền Nam. Nếu như những tin đồn đó trở thành sự thật, thì đây sẽ là người thứ hai từ phía Nam, sau Nguyễn Văn Linh (1986-1991) đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, đây là một việc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ trước tới nay, Nguyễn Tấn Dũng là một nhân vật tiêu biểu của phe cải cách, ông cũng được đánh giá là “phe thân Phương Tây”, đã chủ trì thúc đẩy thực hiện nhiều chương trình cải cách mở cửa, đặc biệt là tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mĩ khởi xướng. Nhưng trong Đại hội, ông Nguyễn Tấn Dũng đã bị “cho nghỉ hưu”, thay vào đó là Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng – người có tuổi cao hơn đã được bầu để tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.[1290] Mặc dù vậy, nhiều nhân vật thân tín của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt, quyền lực của Việt Nam cũng không còn chỉ tập trung trong tay của Tổng bí thư. Chưa kể, Nguyễn Phú Trọng tuy bị đồn đại là “thân Trung Quốc”, nhưng thực chất ông ta chỉ là tương đối bảo thủ, chứ không có nghĩa là sẽ nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ. Sau vụ kiện, Việt Nam đã ngay lập tức hoan nghênh kết quả của vụ kiện và cho biết Việt Nam cũng có thể khởi kiện Trung Quốc ra trọng tài về vấn đề biển Đông.[1291]

Đáng chú ý hơn nữa là những biến động của Đài Loan. Ngày 28/1, khi đang trong giai đoạn “vịt què”, ông Mã Anh Cửu đã phớt lờ phản ứng của Mĩ và các nước khác, đã đến thăm đảo Thái Bình (Ba Bình) cao giọng tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông, đặc biệt nhấn mạnh Thái Bình là đảo chứ không phải là bãi đá và còn đưa ra lộ trình “Sáng kiến hoà bình ở Nam Hải”. Ngày 21/3, Mã Anh Cửu có bài phát biểu về “chính sách Nam Hải của Trung Hoa Dân quốc”,[1292] nhưng những sáng kiến này không có nhiều ảnh hưởng. Do Đài Loan không có địa vị phù hợp trong luật pháp quốc tế và cũng do “Sáng kiến hoà bình ở Nam Hải” một mặt muốn gác lại tranh chấp, một mặt lại ngầm đồng ý với việc Trung Quốc không ngừng làm thay đổi hiện trạng, thiếu điều kiện tiên quyết mà các nước quan tâm nhất là “không thay đổi hiện trạng”. Vì thế mà Sáng kiến không được các nước chấp nhận.

Sau khi bà Thái Anh Văn của Đảng Dân Tiến lên nắm quyền, ngoài việc thay đổi lập trường “thân Trung Quốc” của chính phủ trước, chính phủ mới còn có nhiều thay đổi trong lập trường về biển Đông. Sau khi Toà trọng tài đưa ra phán quyết về biển Đông, Thái Anh Văn một mặt khẳng định Đài Loan không tham gia vụ kiện nên không bị ràng buộc; mặt khác lại khẳng định các đảo ở biển Đông và vùng biển liên quan thuộc chủ quyền của Trung Hoa Dân quốc. Nhưng quan trọng nhất là không còn một mực theo đuổi yêu sách “đường 9 đoạn”.[1293]

Tác giả cho rằng, Đài Loan nắm giữ chìa khoá để giải quyết vấn đề đường 9 đoạn.[1294] Bởi vì Chính phủ Dân quốc là Chính phủ đầu tiên vẽ ra đường 9 đoạn (khi đó là đường 11 đoạn) nên có đầy đủ tài liệu lịch sử và thẩm quyền để làm rõ ý nghĩa thực sự của đường 9 đoạn, tức là đường quy thuộc chủ quyền các đảo. Hơn thế, Đài Loan cũng là Chính phủ đầu tiên đề xuất đường 9 đoạn tạo ra chủ quyền lịch sử hay quyền lịch sử, vì vậy Đài Loan có nghĩa vụ làm rõ điều này. Nếu Đài Loan có thể tuyên bố đường 9 đoạn chỉ là đường quy thuộc các đảo, thì Trung Quốc đại lục sẽ không còn cơ sở để khăng khăng theo cách giải thích khác. Đây có thể coi là một cản trở đối với lập trường của Trung Quốc. Nếu như đường 9 đoạn được xác định là đường quy thuộc các đảo, thì các bên có tranh chấp tại biển Đông có thể giải quyết vấn đề biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, phù hợp với lợi ích của các bên.

Sự thay đổi nhiệm kì Tổng thống của Philippines là biến số lớn nhất đối với vấn đề biển Đông. Do thời gian ra phán quyết của vụ kiện bị lùi đi lùi lại, ban đầu dự kiến ​​​​sẽ công bố trước khi Aquino III hết nhiệm kì (ngày 30 tháng 6), nhưng cuối cùng bị lùi tới khi Tổng thống mới Rodrigo Duterte nhậm chức. Duterte là Tổng thống thuộc “phe dân tuý”. Vừa nhậm chức chưa lâu, ông đã thực hiện chính sách “gần Trung xa Mĩ” (thân Trung viễn Mĩ), khiến quan hệ với Mĩ xấu đi.[1295] Ông chủ trương nối lại đối thoại với Trung Quốc về vấn đề biển Đông.[1296] Thái độ của ông đối với vụ trọng tài là ủng hộ kết quả vụ kiện là chính, nhưng mặt khác lại tuyên bố nếu Trung Quốc đầu tư thì hai bên có thể cùng khai thác. Đầu tháng 8, Philippines cử cựu Tổng thống Ramos làm đặc phái viên tới Hong Kong để gặp Phó Oánh, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, mở đầu cho việc tiếp xúc mới giữa hai bên.[1297] Ngày 20/10, Duterte thăm Trung Quốc, nhận được sự chào đón nồng hậu của Trung Quốc và được tặng món quà là 13 dự án hợp tác song phương, quan hệ Trung Quốc và Philippines được nối lại toàn diện. Trong “Tuyên bố chung Philippines - Trung Quốc”[1298] có 3 điều liên quan tới mâu thuẫn cốt lõi về biển Đông, không khác nhiều so với tuyên bố được đưa ra trước khi xảy ra tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines, vụ trong tài về vấn đề biển Đông không được đưa vào trong Tuyên bố chung: không công nhận có hiệu lực cũng không tuyên bố vô hiệu. Trung Quốc và Philippines nhìn chung vẫn đi trên con đường “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ngay sau đó, ngư dân Philippines không còn bị ngăn cản tới đánh cá ở bãi Scarborough, và tàu hải cảnh của Philippines cũng có thể quay trở lại hoạt động gần bãi Scarborough. Xem ra, tuy hiện tại không thể trở lại trạng thái Philippines kiểm soát như trước năm 2012, nhưng cũng đã thay đổi từ chỗ do Trung Quốc kiểm soát sang Trung Quốc và Philippines “cùng quản lí”, chủ quyền rơi vào trạng thái mơ hồ đối với cả hai bên, một dạng của việc thừa nhận kết quả vụ kiện.[1299] Philippines cũng chuyển hướng nhỏ nhẹ hơn trong tranh chấp biển Đông.

Trong các quốc gia ASEAN, Singapore thể hiện rõ sự ủng hộ phán quyết vụ kiện,[1300] trừ Campuchia bày tỏ rõ thái độ đứng về phía Trung Quốc ra, phản ứng các quốc gia còn lại như Indonesia, Thái Lan… đều không rõ ràng. Tóm lại, sau khi phán quyết trọng tài dược công bố, dù bầu không khí vấn đề biển Đông còn căng thẳng nhưng ít nhất trong ngắn hạn không xảy ra xung đột. Tác động chính của phán quyết sẽ thể hiện trong tương lai trung và dài hạn.

Phân tích luật quốc tế

Phán quyết của Toà trọng tài là vô cùng bất lợi cho Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc coi đó là giấy lộn, nhưng đối với các tranh chấp ở biển Đông trong tương lai, phán quyết này chắc chắn sẽ được các bên tranh chấp sử dụng như một con bài thương lượng và cộng đồng quốc tế sẽ sử dụng nó để đo lường hành vi của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, phán quyết đem lại một số điểm bất lợi sau:

Trước hết, việc “đường 9 đoạn” bị phủ nhận là điều được Trung Quốc quan tâm nhất. Có cả lí do tình cảm và thực tế cho việc này. Về mặt tình cảm, “đường 9 đoạn” mà trước đây gọi là “đường 11 đoạn” đã được vẽ trên bản đồ của Trung Quốc suốt 70 năm, đại đa số người dân Trung Quốc đều xem bản đồ này từ nhỏ tới lớn. Hơn 10 năm trở lại đây, “đường 9 đoạn” thậm chí còn được tuyên truyền như là “tổ quốc hải cương” (biên giới trên biển của tổ quốc). Bây giờ nó bị tuyên bố là “không phù hợp với luật pháp quốc tế” thì không khó lí giải việc người Trung Quốc khó thể chấp nhận điều đó về mặt tâm lí.

Đường 9 đoạn là vấn đề mà chính phủ Trung Quốc đã cố tình né tránh và làm cho mơ hồ trong một thời gian dài, không có lời giải thích chính thức và các học giả có ý kiến ​​​​khác nhau Trước phiên xử về nội dung, Trung Quốc không thể hiện thái độ gì về vấn đề này. Chính phủ Trung Quốc có điều muốn giấu khó nói, vì: nếu nói đó là vùng nước lịch sử hoặc đường biên giới quốc gia thì chắc chắn sẽ bị coi là không phù hợp với luật pháp quốc tế; còn nếu thẳng thắn nói rõ đó chỉ là đường quy thuộc các đảo thì Trung Quốc chỉ có các vùng biển theo luật pháp quốc tế, thì họ không đành lòng.

Mặc dù Trung Quốc không công bố định nghĩa về “đường 9 đoạn”, nhưng nói chung người ta tin rằng Trung Quốc lấy “quyền lịch sử” làm cơ sở cho quyền kiểm soát (quản hạt) của mình trong “đường chín đoạn”. Philippines đã đưa ra nhiều ví dụ để cho thấy rằng trên thực tế Trung Quốc đã coi “đường 9 đoạn” là đường ranh về quyền quản hạt. Trong phán quyết không tuyên bố ngay “đường 9 đoạn” có quyền quản hạt hay không, nhưng “quyền lịch sử” của nó bị phủ nhận, điều này đã làm tổn hại đến tính hợp pháp của các hành động của Trung Quốc trong vùng biển này. Thực ra, ngay cả khi tuyên bố của Toà trọng tài không nói tới quyền quản hạt, nhưng đã nói rõ “đường 9 đoạn chưa bao giờ có tư cách pháp lí rõ ràng”, điều này tương đương với việc phá hỏng âm mưu của Trung Quốc lấy đường 9 đoạn làm ranh giới vùng nước lịch sử, phủ định việc đường này có bất cứ hiệu lực ràng buộc pháp lí nào.

Điều bất lợi trước tiên sau khi quyền lợi đường 9 đoạn bị bác bỏ là diện tích của vùng biển [họ yêu sách bị thu lại]. Dù quần đảo Trường Sa (ban đầu được coi là) có đủ tư cách có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí đi nữa thì cũng không thể bao trùm toàn bộ khu vực “đường 9 đoạn”, đặc biệt là ở phần phía Tây Nam thì “vùng trống” càng lớn hơn. Khu vực này cũng là điểm nóng trong những năm gần đây: “sự kiện cắt cáp tàu” dính dáng tới Việt Nam năm 2011, xung đột với Indonesia gần đây tại vùng biển gần quần đảo Natuna, đều thuộc vùng này. “Tính chính đáng” của Trung Quốc trong các hành động này phần lớn xuất phát từ “đường 9 đoạn”. Sau khi “đường 9 đoạn” bị bác bỏ thì tính chính đáng của việc thực thi pháp luật của Trung Quốc ở các vùng biển này sẽ càng bị nghi ngờ nhiều hơn.

Ngoài vấn đề về diện tích ra thì những gì Trung Quốc cho là “quyền lịch sử” bên trong “đường 9 đoạn” vượt xa những quyền mà vùng đặc quyền kinh tế được hưởng. Cụ thể là nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đã trực tiếp dùng “đường ranh giới biển” để hình dung về nó, cho rằng các khu vực trong “đường 9 đoạn” là lãnh hải của Trung Quốc. Hay thận trọng hơn một chút như giới học giả, ví dụ như Phó Côn Thành, đã liệt kê quyền bên trong “đường 9 đoạn”, bao gồm quyền thiết lập “các vùng nước của các quần đảo” thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, ngoài ra còn có quyền lợi được hưởng phía ngoài “vùng nước của các quần đảo” như về hàng hải, hàng không và kiểm soát giao thông, buộc các nước phải chấp nhận sự quản lí và kiểm soát của Trung Quốc. Sau khi “chủ quyền lịch sử” bị Toà trọng tài bác bỏ, tất cả các quyền suy từ khái niệm này đương nhiên cũng bị phủ nhận

Thứ hai, đối với Đài Loan việc đảo Thái Bình (Ba Bình) bị đổi từ “đảo” sang “ đá” gây tranh cãi càng lớn. Giới nghiên cứu về luật pháp quốc tế nhìn chung cho rằng “đường 9 đoạn” khó có thể đứng vững về mặt pháp lí, nhưng ít người có thể ngờ rằng đảo Ba Bình sẽ bị “hạ bậc” xuống thành một đảo đá qua phán quyết này.

Theo quy định tại điều 121 của “công ước”:

1. Đảo là phần đất hình thành tự nhiên, có nước bao bọc xung quanh, nhô khỏi mặt nước khi thuỷ triều lên.

2. Ngoài quy định tại khoản 3 thì lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo được xác định theo các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác.

3. Những đảo đá (rock) không thể duy trì sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Khoản 3 “Những đảo đá không thể duy trì sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế riêng” không có định nghĩa rõ ràng. Vì vậy, có nhiều tranh luận về việc một đảo như thế nào mới có thể “duy trì sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế riêng”. Tháng 2, Mã Anh Cửu đã mời truyền thông quốc tế cùng đến đảo Thái Bình ( Ba Bình), ra sức chứng minh đảo Thái Bình là đảo chứ không phải là đảo đá; nhóm “Bạn của tòa án” (Amicus curiae) Đài Loan cũng đã gửi báo cáo (về việc này). Kể từ đó, phía Đài Loan rất lạc quan về điều này. Kết quả mà Tòa trọng tài đưa ra đã khiến cả Đài Loan sửng sốt.

Nhưng thực ra điều này cũng không phải là không có dấu vết để truy xét. Trước tiên, do Trung Quốc vắng mặt nên Philippines phải “độc diễn” trong vụ kiện. Philippines đã chuẩn bị kĩ lưỡng: trước hết là liệt kê cặn kẽ (bằng chứng) cho thấy đảo Ba Bình không có người cư trú thường xuyên trong lịch sử, ngư dân chỉ tới tạm trú. Tiếp đó, họ tìm ra một nghiên cứu khảo sát khoa học của ba nhà khoa học Đài Loan vào năm 1949, dưới sự trợ giúp của Chính phủ, trong đó có một số bằng chứng vô cùng bất lợi, bao gồm:

Thứ nhất, báo cáo đề cập đến việc nước ngầm trên đảo Ba Bình “mặn, không thích hợp với việc ăn uống”, trái ngược với khẳng định có nước ngọt trên đảo Ba Bình. Theo giải thích của những người lính đóng quân trên đảo sau vụ việc đó, nước ở trên đảo có thể uống, nhưng vẫn có vị mặn. Quân lính chỉ có thể dùng để tắm giặt, nước uống là nước khoáng được vận chuyển từ bên ngoài vào.

Thứ hai, báo cáo đề cập rằng đất trên đảo có độ mặn cao, chỉ thích hợp để trồng một số loại cây cụ thể; mặc dù báo cáo nói rằng có một số loại thực vật có thể ăn được, nhưng Philippines cũng tìm thấy thông tin chứng minh rằng chúng đều “khó ăn” và thường không được sử dụng làm thực phẩm.

Ngoài ra, Philippines tìm được bài báo của truyền thông Đài Loan, rằng trên đảo có thiết bị khử mặn, các giếng trên đảo, có một số hoàn toàn khô cạn, có một số khô cạn không thường xuyên. Vì vậy trong “điều kiện tự nhiên”, đảo Ba Bình được cho là không thể giúp vào việc duy trì cuộc sống và hoạt động kinh tế của con người. Tài liệu mà Philippines nộp lên đều được khai thác từ Đài Loan, không phải là nói tùy tiện, độ tin cậy của các bằng chứng do phía Đài Loan nêu ra giảm xuống.

Mặc dù Trung Quốc vắng mặt trong phiên tòa, nhưng quá trình xét xử của Tòa cho thấy, các trọng tài viên vẫn “truy vấn” đại diện của phía Philippines một cách nghiêm túc và “khắc nghiệt”. Phán quyết cũng xem xét một số tường trình từ phía Đài Loan và Bắc Kinh. Tuy nhiên, căn cứ vào bằng chứng của hai bên, phán quyết cho rằng trên đảo có nước nhưng không đủ để giúp duy trì cuộc sống ổn định của cộng đồng, Vì vậy đảo Ba Bình được phán là đảo đá.

Phán quyết này áp dụng cho tất cả đảo tại Trường Sa. Thực ra, đối với các đảo và bãi đá do Trung Quốc kiểm soát, phán quyết đã sớm được dự kiến. Ngay đến các bài viết trong “Thời báo Hoàn Cầu”, con đẻ của tờ “Nhân dân Nhật báo” [1301] cũng thừa nhận trước và sau phán quyết rằng: “các đảo và bãi đá tại Nam Sa do Trung Quốc Đại lục kiểm soát đều thuộc loại 2 và 3”, có nghĩa “loại 2 là đảo đá, nhô trên mặt nước một chút, có lãnh hải 12 hải lí, không có vùng đặc quyền kinh tế”, và “loại 3 là bãi triều thấp, chỉ nhô lên mặt nước khi triều xuống, không nhìn thấy khi triều lên, không có lãnh hải 12 hải lí”.

Đâu là ranh giới giữa đảo và đảo đá? Có rất nhiều tranh cãi. Về định nghĩa địa lí, đảo đá (rock) không phải là một khối đá như thường được tưởng tượng. Theo quan điểm của các chuyên gia khác nhau, diện tích đảo đá dao động từ 0,0025 đến 1 km2; diện tích tự nhiên của đảo Ba Bình là 0,5 km2, giới hạn giữa đảo và đá. Về định nghĩa pháp lí, đảo phải có khả năng “duy trì sự cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế của con người”. Sự khác biệt trong các diễn giải về điều kiện này rất lớn, Tòa trọng tài đã áp dụng cách diễn giải chặt chẽ nhất, tức là phải hình thành một “cộng đồng định cư ổn định”. Lập luận này chắc chắn gây tranh cãi, nhưng không có nghĩa là từ không làm thành có. Phán quyết đã nâng ý nguyện lập pháp ban đầu lên tầm cao hơn, xuất phát từ mâu thuẫn giữa tài sản chung của nhân loại và sự chiếm hữu của một quốc gia để giải thích cơ sở phán quyết, không hẳn là không có sức thuyết phục. Cuối cùng, trong các tiền lệ trước đó có những trường đảo hợp lớn hơn đảo Ba Bình cũng được xác định là đảo đá. Bắc Kinh và Đài Loan luôn khẳng định đảo Điếu Ngư, có diện tích lớn hơn đảo Thái Bình 8 lần, có gia tộc Khách Gia Nhật Bản sinh sống lâu dài từ năm 1896 đến năm 1942, lúc nhiều nhất có đến hơn 100 người, không có vùng đặc quyền kinh tế.

Tác giả cho rằng sẽ là phù hợp hơn nếu đưa ra phán quyết về tính chất của đảo Ba Bình khi cả hai bên đã tranh luận đầy đủ về nó. Nếu Bắc Kinh hoặc Đài Loan có đại diện ra tòa tranh biện, cũng chưa chắc không có cơ hội thuyết phục các trọng tài viên. Tuy nhiên, nếu nhìn lại, ngay cả khi xem xét đến tình hình thực tế của Đài Loan thì dù đảo Ba Bình là đảo hay đá cũng không ảnh hưởng quá lớn. Nếu như Ba Bình có “tình trạng là đảo”, và không bị phán là đảo đá, thì cũng không có khả năng hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí, phạm vi thích hợp chỉ là 3 đến 15 hải lí. Tuy nhiên trên thực tế, Đài Loan chưa công bố vùng đặc quyền kinh tế của đảo Ba Bình, cũng chưa thực hiện các hành động thực thi pháp luật.

Việc đảo Ba Bình bị hạ bậc xuống thành đá ảnh hưởng đến Trung Quốc đại lục lớn hơn nhiều. Trung Quốc luôn muốn “hợp pháp hóa” “đường 9 đoạn”, và một trong những ý tưởng là lấy “lấy quần đảo Nam Sa như một chỉnh thể” để vẽ đường cơ sở lãnh hải, và trên cơ sở đó giành vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí “vươn tới” “đường 9 đoạn”. Như vậy cho dù “đường 9 đoạn” bị phủ định cũng vẫn cứu vãn được phần nào. Nhưng hiện nay, ngay cả đảo lớn nhất là đảo Ba Bình cũng không có vùng đặc quyền kinh tế thì các đảo khác càng không có tư cách. Tòa trọng tài thậm chí trên cơ sở đó còn phán rằng “toàn bộ quần đảo Trường Sa” không có tư cách như vậy. Điều này tương đương với việc xóa bỏ triệt để lối suy nghĩ trên của Trung Quốc ở cấp độ luật pháp quốc tế. Ngoài ra, phán quyết của Tòa trọng tài đã làm đơn giản hóa đi nhiều đối với vấn đề phân định biên giới trên biển ở biển Đông, gây bất lợi cho chiến thuật trì hoãn của Trung Quốc.

Quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền, trong thực tế đang bị các bên chiếm giữ, hiệu lực của việc phân định ranh giới mỗi đảo đá cũng đang có tranh chấp. Vì vậy, trước đây khi phân tích việc phân định vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông luôn phải chia thành nhiều tình huống để xử lí (giả dụ nó hoàn toàn thuộc về Trung Quốc hay hoàn toàn thuộc về Việt Nam, căn cứ theo hiện trạng, cũng như hiệu lực của đảo đá…) là vô cùng phức tạp. Sau phán quyết, chỉ cần xem xét khả năng các nước ven biển mở rộng 200 hải lí thì vấn đề phân định biên giới tại biển Đông đã được đơn giản hóa, hơn nữa hoàn toàn có lợi cho các nước như Philippines, Việt Nam, Malaysia… Điều này cũng khẳng định rằng các địa điểm xảy ra những vụ việc liên quan đến quần đảo Trường Sa (như truy cản ngư dân, phá hoại môi trường) trong vụ kiện này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đặt nền tảng luật pháp để phán quyết các yêu sách này. Mặt khác, do chủ quyền không rõ ràng và Tòa trọng tài không liên quan tới việc phân định ranh giới cụ thể nên không thể xác định các hành động này có xâm phạm các quyền lợi của Philippines hay không.

Định nghĩa về đảo và đảo đá cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các khu vực khác. Nếu chiếu theo tiêu chuẩn này thì một số lượng lớn các đảo trên thế giới chỉ có thể coi là đảo đá. Tuy nhiên, cần phải chỉ ra rằng, phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện này chỉ có hiệu lực đối với hai bên, nó có thể được coi là một án lệ, được trích dẫn trong các vụ việc về sau này, nhưng sẽ không tự động có hiệu lực trong các trường hợp khác. Ví dụ, nếu Trung Quốc và Đài Loan nộp đơn nhờ trọng tài về tính chất đảo Okino Tori-shima của Nhật Bản, thì gần như có thể khẳng định rằng đảo Okino Tori-shima là đảo đá. Nếu Trung Quốc thay đổi thái độ đối với Trọng tài, tiếp nhận và áp dụng tốt phán quyết của trọng tài thì cũng có thể có được những lợi ích bất ngờ.

Điều có ảnh hưởng lớn nhất và đáng để bàn luận nhất trong phán quyết của trọng tài là vấn đề bãi triều thấp. Đá Vành Khăn do Trung Quốc chiếm giữ là bãi triều thấp: ở trạng thái tự nhiên nó chỉ nhô khỏi mặt nước khi thuỷ triều xuống. Trong phán quyết của Tòa trọng tài, giống như các bãi triều thấp khác, nó được coi là không có tư cách lãnh thổ,. Như vậy, các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đã bị giáng một đòn mạnh. Quần đảo Trường Sa theo cách xác định của Trung Quốc, có nhiều bãi triều thấp, trong đó có rất nhiều bãi tương đối độc lập như đá Vành Khăn, cách các đảo / đá khác hơn 12 hải lí. Theo phán quyết, các bãi này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào thì nước đó có “quyền chủ quyền” đối với chúng. Tất cả các bãi ngầm (khi thuỷ triều xuống cũng không lộ trên mặt nước) đều không có tư cách lãnh thổ, và cũng giống như các bãi triều thấp đều thuộc “quyền chủ quyền” của quốc gia ven biển. Vì vậy, ngay cả khi giả định rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa, họ cũng sẽ mất đi rất nhiều bãi triều thấp và bãi ngầm theo như yêu sách ban đầu, bao gồm ngầm James – điểm cực Nam của lãnh thổ đã được tuyên truyền suốt 70-80 năm nay.

Tác giả cho rằng, vấn đề của bãi triều thấp phức tạp hơn so với bãi ngầm, phán quyết này có điểm nghi ngờ về thủ tục. Khác với vấn đề tình trạng của đảo Ba Bình, điều được xem xét đối với đảo Ba Bình là hiệu lực phân giới (entitlement), cái này không quan hệ với chủ quyền: dù hiệu lực phân giới nhỏ đến đâu thì chủ quyền vẫn có thể được phân định, và tiến hành phân định biên giới trên biển. Chính sự khả năng tách rời này khiến Philippines có thể bỏ qua tuyên bố mang tính miễn trừ vào năm 2006 của Trung Quốc đối với Công ước. Tuy nhiên, vấn đề đá Vành Khăn là vấn đề chiếm làm sở hữu (appropriation), nó liên quan trực tiếp đến quan hệ chủ quyền: nếu một “đảo đá” không thể trở thành lãnh thổ, thì vấn đề phân định chủ quyền của “đảo đá” đó cũng không tồn tại.

Công ước vốn không đề cập đến vấn đề có thể quy thuộc lãnh thổ, và khi Trung Quốc phê chuẩn "Công ước" vào năm 1996, điều 3 của tuyên bố bảo lưu nêu: việc kí kết Công ước không ảnh hưởng đến chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Quần đảo Nam Sa ở đây đương nhiên cũng bao gồm các bãi triều thấp như đá Mĩ Tế (Vành Khăn), vì vậy Công ước không có sức ràng buộc đối với chúng. Vì vậy muốn xử lí vấn đề này thì phải dùng luật pháp quốc tế chung làm căn cứ. Trên thực tế, cơ sở duy nhất được đề cập trong phán quyết là hai án lệ (Qatar kiện Bahrain và Nicaragua kiện Colombia), được coi là đã thành luật tập quán.

Tòa trọng tài đương nhiên có thể áp dụng luật quốc tế chung, nhưng trong các trường hợp được áp dụng trước đây thì trọng tài đều do cả hai bên đồng ý. Nhưng vụ kiện này là do Philippines đơn phương yêu cầu trọng tài phân xử, việc thực hiện thủ tục trọng tài hoàn toàn căn cứ vào quy định đặc biệt của Công ước. Vì vậy mâu thuẫn ở đây nằm ở chỗ: nếu đơn phương yêu cầu thủ tục trọng tài thì chỉ có thể giới hạn trong việc phán quyết các vấn đề được quy định trong Công ước; nếu muốn phán quyết một vấn đề liên quan đến luật quốc tế chung thì phải được sự đồng ý của cả hai bên. Xem xét vấn đề về thủ tục này, tác giả cho rằng vụ trọng tài lần này nên gác lại việc giải quyết bãi triều thấp.

Ngoài ra, nếu đã căn cứ vào luật quốc tế chung thì yếu tố lịch sử cũng cần phải được xem xét, nhưng trong phán quyết lần này không nhắc đến bất kì yếu tố lịch sử nào. Hơn nữa, khi dẫn hai án lệ, tác giả cảm giác rằng các bàn luận liên quan chưa đầy đủ, không đủ sức thuyết phục. Một số học giả đã đặt câu hỏi tương tự về độ tin cậy của chúng với tư cách luật tập quán.[1302]

Ngoài ra, “đường 9 đoạn” và đảo Ba Bình chỉ là đề cập đến “quyền lợi tiềm năng”. Trung Quốc không thực sự kiểm soát “đường 9 đoạn”; cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều không tuyên bố đường cơ sở lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của đảo Thái Bình. Nhưng phán quyết này giống như trực tiếp tuyên bố đá Vành Khăn thuộc về Philippines, đồng nghĩa với việc muốn Trung Quốc giao trả lại đảo nhân tạo đã xây dựng 20 năm, điều này hoàn toàn vượt ra khỏi phạm vi mà Trung Quốc có thể chấp nhận. Ngay cả xuất phát từ lập trường “luật là luật”, cũng cần xem xét thích đáng khả năng thực thi của phán quyết, để duy trì tốt hơn nữa hiệu lực của luật pháp.

Vấn đề cuối cùng liên quan đến việc phân giới biển là tình trạng pháp lí của đảo nhân tạo. Việc đảo nhân tạo bị phán là không thể thay đổi quyền của đảo đá là điều nằm trong dự kiến. Khoản 8 điều 60 của Công ước quy định: “đảo, thiết bị và công trình nhân tạo không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng, sự tồn tại của chúng cũng không ảnh hưởng gì đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Khoản 1 điều 121 quy định: “đảo là vùng đất hình thành tự nhiên, có nước bao quanh và vẫn nhô trên hơn mặt nước khi triều cao”. Vì vậy, theo Công ước, chỉ có đảo được hình thành tự nhiên mới có tư cách là đảo có thể đòi vùng đặc quyền kinh tế. Các nhà giàn và đảo nhân tạo được xây dựng trên các bãi ngầm, dù được xây dựng tốt đến mấy cũng không có quyền yêu sách vùng đặc quyền kinh tế.

Trong các yêu cầu phân xử của Philippines còn có nhiều mục khiếu kiện về các hành vi cụ thể, đa số đều nhận được sự ủng hộ của phán quyết. Ở đây chỉ bàn về quyền đánh cá truyền thống và xây dựng đảo nhân tạo.

Về mặt pháp lí, các phán quyết liên quan đến vấn đề phân giới biển là cơ sở để phán quyết các hành vi cụ thể. Philippines nhận thức đầy đủ về điều này, các khiếu kiện của họ như “cú đấm liên hoàn” giáng xuống liên tiếp. Lấy đảo bãi Scarborough làm ví dụ: sau khi “đường 9 đoạn” bị phủ nhận, Trung Quốc không thể dùng “đường 9 đoạn” để yêu sách quyền lợi đối với vùng biển bãi Scarborough; Scarborough là đá chứ không phải đảo, do đó không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, theo đó các vùng biển lân cận chỉ có thể thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, còn Trung Quốc nhiều lắm chỉ có thể có được vùng lãnh hải 12 hải lí. Như vậy, có cơ sở để phán rằng Trung Quốc quấy nhiễu quyền chủ quyền của Philippines tại vùng đặc quyền kinh tế, cũng như không ngăn cản công dân của mình phá hoại tài nguyên sinh vật trong vùng.

Philippines còn tiếp tục khiếu kiện quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough. Theo đó, ngay cả Trung Quốc có chủ quyền đối với bãi Scarborough cũng không thể tước quyền đánh cá của ngư dân Philippines khi tiến vào phía trong vùng 12 hải lí; Trung Quốc cũng vì thế mà không thể “đâm” tàu cá Philippines tại khu vực gần bãi Scarborough.

Quyền đánh cá truyền thống thuộc các quyền liên quan đến lịch sử, nhưng không được coi là “quyền lịch sử” trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển . Trong Công ước không xuất hiện thuật ngữ này mà chỉ có “vịnh lịch sử” và “chủ quyền lịch sử”. Quá trình xây dựng Công ước cho thấy điều này đã bị loại trừ một cách có chủ ý. Cùng với các quyền lịch sử liên quan, nó được đưa rải rác vào trong các quyền đánh cá truyền thống không độc quyền, cũng như “chủ quyền lịch sử” độc quyền (quyền tài phán, quyền pháp lí…). Còn về cái gọi là “quyền hàng hải lịch sử” cũng không được coi là quyền đặc thù, mà chỉ được coi là một phần của tự do hàng hải, được xác định trong một loạt các điều khoản liên quan trong Công ước. Ngư dân Philippines có quan hệ gần gũi với bãi Scarborough hơn ngư dân Trung Quốc. Bãi Scarborough đã được ghi nhận trong thống kê nghề cá của Philippines vào những năm 1950, cũng có cả bằng chứng về việc ngư dân tiếp tục hoạt động trên đảo từ đó về sau. Còn trong “Canh lộ bạ” của ngư dân Hải Nam Trung Quốc không có ghi chép về việc đến đảo Hoàng Nham; và lệnh cấm đánh bắt cá dài hạn ở biển Đông sau khi Trung Quốc giải phóng mãi đến năm 1984 mới kết thúc. Do đó, có lẽ sau đó ngư dân Hải Nam mới đến bãi Scarborough đánh cá.

Trong đơn của mình, Philippines còn yêu cầu được trao chủ quyền đối với bãi Scarborough, nhưng tòa trọng tài đã từ chối một cách đúng đắn với lí do “không có thẩm quyền”. Tuy nhiên, một phán quyết đã được đưa ra: bất chấp bãi Scarborough thuộc về Philippines hay Trung Quốc thì Philippines đều có quyền đánh cá truyền thống, Trung Quốc không được ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt cá trong phạm vi 12 hải lí của bãi Scarborough. Tương tự, Philippines cũng không được ngăn cản ngư dân Trung Quốc đánh cá ở đó.

Do quyền đánh cá truyền thống có tính không độc quyền, đồng thời xuất phát từ việc xem xét đến sinh kế của ngư dân, Tòa trọng tài đã nới lỏng tiêu chuẩn đối với quyền đánh cá truyền thống, không khắt khe về các bằng chứng lịch sử. Ví dụ, ngư dân Philippines đề cập trong lời khai rằng họ đã nhìn thấy ngư dân Trung Quốc và Việt Nam tại bãi Scarborough, vì thế Tòa trọng tài cho rằng Việt Nam cũng có truyền thống đánh cá tại bãi Scarborough, thực tế là thừa nhận ngư dân Việt Nam cũng có quyền đánh cá truyền thống của tại đây.

Phán quyết này có hiệu quả áp dụng: nếu Trung Quốc ngăn cản việc đánh cá tức là vi phạm phán quyết của trọng tài, quốc tế có căn cứ để can thiệp. Ngoài ra, lấy đây làm ví dụ, Việt Nam ít nhất cũng có quyền đánh cá truyền thống ở những nơi như Hoàng Sa. Đây có thể thành nhân tố để Việt Nam xem xét kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài.

Về vấn đề tính hợp pháp của việc xây đảo nhân tạo, trong yêu cầu khiếu kiện ban đầu của Philippines chỉ đề cập đến đảo nhân tạo tại đá Vành Khăn và chỉ giới hạn ở một vụ việc; sau này, Philippines bổ sung thêm yêu cầu khiếu kiện mới: yêu cầu trọng tài phán quyết việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo là vi phạm quy định về bảo vệ biển và làm tình hình ở biển Đông thêm căng thẳng. Những yêu cầu khiếu kiện này liên quan đến tất cả các đảo nhân tạo và sẽ ảnh hưởng đến toàn cục.

Lấy đá Chữ Thập làm ví dụ, đá này không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được tạo bởi các đảo lớn của Philippines. Là một đảo đá, nó có tư cách để trở thành lãnh thổ. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với nó, và cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo là nằm trong “phạm vi chủ quyền” của Trung Quốc. Tuy nhiên, có phải “nước ngoài không có quyền can thiệp” vào việc xây dựng đảo hay không? Phán quyết đã phủ định điều đó.

Thực ra, Tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế từ lâu đã phản đối hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc. Trung Quốc thường chỉ trích cộng đồng quốc tế nhắm mắt làm ngơ đối với “hoạt động xây dựng đảo nhân tạo từ lâu” của Việt Nam và Philippines…, mà chỉ nhằm vào Trung Quốc. Nhưng đảo nhân tạo của Trung Quốc hoàn toàn khác với “đảo nhân tạo” các nước khác. Các kiến trúc nhân tạo trước đây được giới hạn trong 3 loại: nhà giàn, mặt bằng bê tông có diện tích rất nhỏ cùng kiến trúc bên trên, một phần đất nhỏ được bồi thêm vào đảo tự nhiên ban đầu. Hai loại đầu, không chỉ Việt Nam và Philippines có, mà Trung Quốc cũng đã xây dựng từ lâu. Còn thứ loại ba, do Trung Quốc tiến vào Trường Sa quá muộn, không chiếm được đảo tự nhiên, vì vậy không có điều kiện để làm.

So với việc bồi đắp thêm của Việt Nam và Philippines, đảo nhân tạo của Trung Quốc có một số điểm khác biệt quan trọng: thứ nhất, phần bồi đắp thêm của Việt Nam và Philippines chỉ giới hạn xung quanh bờ biển của đảo, nhưng đảo nhân tạo của Trung Quốc không phải được tạo thành từ cơ sở các kiến trúc nhân tạo ban đầu rồi bồi đắp thêm vào, mà là được xây mới hoàn toàn ở chỗ khác trên rạn đá; thứ hai, diện tích bồi đắp của Việt Nam và Philippines đều nhỏ hơn rõ rệt so với diện tích tự nhiên của đảo, còn diện tích đảo nhân tạo của Trung Quốc gấp vạn lần diện tích đất tự nhiên của đảo đá; thứ ba, vật liệu xây dựng của Việt Nam và Philippines đều được vận chuyển đến, tác động tương đối nhỏ đến môi trường ban đầu, còn Trung Quốc là phun lấp nền sử dụng vật liệu tại chỗ nên đã phá các rạn san hô lớn thành cát vụn để tạo ra đất. Không khó để tưởng tượng việc xây dựng đảo nhân tạo có diện tích lớn như vậy theo cách này sẽ trực tiếp phá huỷ biết bao rạn san hô, chưa kể đến các tác động sinh thái tiêu cực khác kéo theo. Ngay cả Báo cáo của Cục hải dương Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng sẽ mất từ ​​50 đến 100 năm để khôi phục hệ sinh thái ban đầu với điều kiện là thực hiện các biện pháp liên tục và hiệu quả. Tòa trọng tài cho rằng báo cáo của Cục hải dương Trung Quốc có nhiều thiếu sót, và chấp nhận hoàn toàn báo cáo điều tra độc lập. Tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm điều 192: “các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển” và điều 194 của Công ước: “bảo vệ và gìn giữ các hệ sinh thái quý hiếm hoặc dễ bị tổn thương…”

Có người đặt câu hỏi, xây dựng đảo nhân tạo không nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc hay sao? Thực ra, bất cứ một quốc gia nào tham gia điều ước quốc tế đều đã tự nguyện từ bỏ một phần chủ quyền của mình. Tuân thủ các quy tắc do cộng đồng quốc tế cùng lập ra và không sử dụng chủ quyền như một cái cớ để làm bất cứ điều gì mình muốn là một trong những thành tựu văn minh trong quan hệ quốc tế hiện đại.

Điều có lợi cho Trung Quốc là mặc dù phán quyết cho rằng xây dựng đảo là bất hợp pháp, nhưng không có quy định yêu cầu dỡ bỏ, nên cũng có thể nói việc xây dựng đảo nhân tạo hiện tại không bị ảnh hưởng gì. Nhưng nếu Trung Quốc vẫn muốn xây dựng đảo tại địa điểm khác (ví dụ bãi Scarborough) thì phán quyết này có thể trở thành cơ sở để quốc tế can thiệp.

Điều đáng nói là phán quyết này không hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc. Về vấn đề Cỏ Mây, với lí do chủ quyền chưa được xác định, Tòa trọng tài tuyên bố không có thẩm quyền phân xử việc Philippines yêu cầu Trung Quốc dừng quấy nhiễu khi Philippines tiến hành tiếp tế cho tàu chiến bị mắc cạn. Về việc Philippines yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và quyền lợi của Philippines, Tòa trọng tài không đưa ra phán quyết với lí do yêu cầu khiếu kiện không rõ ràng.

Tóm lại, mặc dù có phần của phán quyết còn gây tranh cãi, nhưng về tổng thể vẫn là một phán quyết hợp pháp, công bằng và hợp lí. Dù Trung Quốc vẫn kiên trì “bốn không”, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không tuân thủ ít nhất một phần phán quyết dưới các hình thức khác.

Bàn về chính sách không tham gia (vụ kiện) của Trung Quốc

Thứ nhất, Trung Quốc đã kiên quyết không tham gia vụ trọng tài ngay từ đầu, cách tiếp cận này ngày càng bị nghi ngờ.[1303] Toàn bộ vụ trọng tài được chia thành ba phần về mặt thủ tục: một là, xem xét vụ việc có thể đưa ra theo thủ tục trọng tài hay không, hai là, quyết định liệu tòa trọng tài có thẩm quyền hay không, ba là, cuối cùng mới đưa ra các phán quyết cụ thể. Nếu như Trung Quốc ít ra tham gia vào phần một và phần hai, cố tranh luận rằng Tòa trọng tài không đủ năng lực giải quyết vấn đề này, thì có thể thể hiện sự công nhận đối với Tòa trọng tài, đồng thời lại có thể phủ nhận rõ ràng việc xét xử của Tòa trọng tài, có cơ hội ngăn chặn toàn bộ vụ kiện hoặc ít nhất một phần các yêu cầu khiếu kiện trọng tài. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng việc tham gia vào bất cứ bước nào cũng đồng nghĩa với việc công nhận thẩm quyền của Tòa trọng tài. Điều này không những là một lỗi logic mà còn ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là nước lớn biết tôn trọng các thủ tục quốc tế.

Nếu Trung Quốc tham gia vụ kiện, lợi thế đầu tiên là có thể chỉ định một trọng tài viên đại diện tốt cho lợi ích của mình. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể đưa ra ý kiến trong việc lựa chọn ba trọng tài viên khác.

Thứ hai, yêu cầu khiếu kiện của Philippines có thể thành công hay không, gay go nhất là bước thứ nhất và thứ hai của thủ tục. Nếu Trung Quốc tham gia, Philippines chưa chắc có thể vượt qua được hai bước này. Trong “Văn bản lập trường”, Trung Quốc có ý lập luận rằng, đã có tiền lệ trong các vụ kiện quốc tế, có quy định tiêu chí rất cao về những gì tạo thành một “trao đổi ý kiến đầy đủ”, nhưng có thể không có sự trao đổi ý kiến “đầy đủ” giữa Trung Quốc và Philippines. Nếu tranh luận được trước Tòa theo lập luận này thì khả năng thuyết phục được các trọng tài viên. Bất kì ai có kinh nghiệm về tòa án đều biết rằng các quyết định của tòa là căn cứ vào những bằng chứng và logic được trình bày trước thẩm phán (hoặc bồi thẩm đoàn). Dựa vào những điều này, không khó để hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia phiên tòa, và cũng có thể hình dung Philippines chắc chắn giành được lợi thế lớn trong việc trực tiếp trình bày tư liệu, giải trình tại chỗ và trả lời các câu hỏi trước Tòa.

Thứ ba, một bất lợi cho việc không tham gia là Trung Quốc không thể theo kịp tiến trình vụ kiện nên luôn chậm hơn một bước. Ví như khi vụ kiện vừa bắt đầu, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng Trung Quốc không tham gia thì Tòa trọng tài không nhận vụ kiện. Thật ra, Phụ lục 7 được lập ra là chuyên dành cho tình huống “một nước không đồng ý”. Việc phản đối của Trung Quốc không ngăn cản được vụ kiện tiến vào bước xét duyệt. Trung Quốc đưa ra hai luận điểm hữu ích: “Trung Quốc và Philippines có một thỏa thuận về giải quyết thông qua đàm phán”, và “không có sự trao đổi ý kiến đầy đủ giữa Trung Quốc và Philippines”, đều nên tranh luận theo lí trong bước xét nhận vụ kiện. Nhưng đến tận cuối năm 2014, “Văn kiện lập trường” của Trung Quốc mới tổng kết bằng chứng liên quan đến hai luận điểm này, sau khi bước xét nhận vụ kiện đã được thông qua. Trong phiên xem xét về thẩm quyền, hai lập luận này không còn là tiêu điểm.

Điều đáng nói là, sau khi kết thúc phán quyết về thẩm quyền thì vấn đề trọng yếu của đường 9 đoạn là tính có thể quản lí vẫn chưa được xác định. Như vậy, sau khi Philippines khởi kiện trọng tài, Trung Quốc đã có hơn hai năm để giải quyết vấn đề đường 9 đoạn. Trong thời gian này, nếu Trung Quốc có thể đưa ra một định nghĩa về đường 9 đoạn, ngay cả khi nó rất không phù hợp với luật pháp quốc tế, thì họ vẫn có thể ngăn tòa trọng tài ra phán quyết về vấn đề đường 9 đoạn. Ví dụ Trung Quốc tuyên bố vùng biển bên trong đường 9 đoạn là “vịnh lịch sử”, hoặc có “chủ quyền lịch sử”, mà Tuyên bố bảo lưu năm 2006 của Trung Quốc đã loại trừ “vịnh lịch sử” và “chủ quyền lịch sử” khỏi khả năng phân xử nên Tòa trọng tài đã không có cách nào phân xử việc này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không có bất cứ hành động gì về vấn đề này.

Mặt khác, Philippines do tham gia đầy đủ vào vụ kiện nên không chỉ nắm rõ các điểm mấu chốt của từng thủ tục mà còn có thể liên tục bổ sung tài liệu, tăng thêm và sửa đổi yêu cầu. Ban đầu, yêu cầu của Philippines không phải là 15 hạng mục, chỉ trước khi xét xử về thẩm quyền mới được tăng tới con số này. Trong 15 mục đó, lúc đầu không có yêu cầu về đảo Ba Bình, nhưng đã được thêm vào trong quá trình xét xử thực tế. Philippines sẵn sàng cho vụ kiện, giành thế chủ động mọi nơi và lợi thế ngày càng lớn.

Cuối cùng, nếu tham gia vụ kiện, Trung Quốc có thể dùng một số chiến thuật để kéo dài tiến trình xét xử. Một mặt, Trung Quốc có đủ thời gian để chuẩn bị tài liệu, mặt khác, nếu có thể kéo dài tới lúc Benigno Aquino III mãn nhiệm, thậm chí Trung Quốc có khả năng đạt được thỏa thuận với tổng thống mới, huỷ đơn kiện với tòa trọng tài.

VI.15. Kết luận: Cái kết của cộng đồng chung vận mệnh

Từ năm 2009 đến nay, đã có nhiều mâu thuẫn giữa chính sách biển Đông và đường lối ngoại giao của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc tung ra “thiện chí” với các nước Đông Nam Á và thế giới, tự khoe mình là “con sư tử thân thiện và văn minh”, còn rêu rao rằng Trung Quốc và Đông Nam Á là “Cộng đồng chung vận mệnh”. Chính sách “Một vành đai, một con đường” (Vành đai kinh tế theo con đường tơ lụa, Con đường tơ lụa trên biển thế kỉ 211) do Trung Quốc ra sức thúc đẩy càng bị coi là chiến lược thách thức vị trí bá quyền của Mĩ. Theo logic, Trung Quốc nên tiếp tục đường lối láng giềng hữu nghị tại biển Đông, điểm khởi đầu của Con đường Tơ lụa trên biển.

Tuy nhiên, trong mọi hình thức tuyên truyền, Trung Quốc đã thể hiện thái độ vô cùng cứng rắn. Cứ mỗi khi các nhà lãnh đạo quốc gia lên tiếng bày tỏ thiện chí, các phương tiện truyền thông chính thống ở Trung Quốc lại tập trung vào những điều như “bảo vệ lợi ích quốc gia”, “không gây rắc rối nhưng cũng không sợ rắc rối”, mặc dù những điều đó chỉ nằm trong một hai câu của một bài phát biểu dài của nhà lãnh đạo. Quan trọng hơn là Trung Quốc ngày càng gây sức ép ở biển Đông, dồn ép không gian sống của các nước láng giềng như: đơn phương vạch ra khu vực cấm đánh bắt cá, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí, mở rộng sự hiện diện bán quân sự tại biển Đông, hù dọa sẽ thiết lập ADIZ ở biển Đông, chiếm bãi Scarborough, v.v… Hiệu ứng quốc tế tốt đẹp từ những lời nói hoa mỹ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc mang lại đã bị biến đi trước những hành động và tiếng gào thét của phe cứng rắn.

Trung Quốc đã nhận thức sai về bản chất của vấn đề biển Đông, điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. Xuất phát từ tư duy chống Mĩ truyền thống, Trung Quốc luôn nhận định một cách sai lầm rằng bản chất của vấn đề biển Đông chính là “vấn đề giữa Mĩ và Trung Quốc”. Dùng tư duy “luật rừng” không hợp thời để đơn giản hóa vấn đề biển Đông vốn phức tạp thành cuộc “tranh bá giữa Trung Quốc và Mĩ” hoặc “Mĩ muốn ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy”, đẩy hầu như tất cả những nước liên quan vào phía đối lập với mình.

Trên thực tế, bản chất của vấn đề biển Đông trước hết là mâu thuẫn lãnh thổ và lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Những mâu thuẫn này không phải do Mĩ tạo ra, mà đã tồn tại từ lâu, và cốt lõi của chúng là đường 9 đoạn bao trùm toàn bộ biển Đông. Trong vấn đề đường 9 đoạn, Trung Quốc bày tỏ thái độ một cách chậm trễ, nhưng hành động thực tế ngày càng cứng rắn khiến các nước láng giềng lo ngại. Đường 9 đoạn liên quan tới lợi ích cốt lõi của một nửa các nước ASEAN, cũng dính dáng tới lợi ích quan trọng của các nước lớn trên thế giới. Một khi vấn đề này chưa được giải quyết thì Trung Quốc và các nước Đông Nam Á không thể trở thành cộng đồng chung vận mệnh.

Tất nhiên, nếu không có chính sách “Tái cân bằng” của Mĩ, các nước láng giềng có lẽ chỉ có thể ngậm bồ hòn làm ngọt trước sức mạnh quá lớn của Trung Quốc. Nhưng điều này không có nghĩa Mĩ là kẻ chủ mưu của những vấn đề này. Mĩ chủ yếu đóng vai trò cảnh sát để ngăn chặn Trung Quốc đơn phương giải quyết vấn đề bằng vũ lực hoặc gần như vũ lực. Bất chấp việc Trung Quốc phàn nàn về điều này, cộng đồng quốc tế hoan nghênh Mĩ đóng một vai trò lớn hơn ở biển Đông. Xuất phát từ những cân nhắc về lợi ích thực tế, đại đa số các nước Đông Nam Á đã áp dụng biện pháp nắm giữ cả hai: tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc về kinh tế và xích lại gần Mĩ hơn về các vấn đề an ninh.

Trung Quốc cũng không nhìn đúng những lợi ích hợp pháp truyền thống của Mĩ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tự do hàng hải là lợi ích cốt lõi của Mĩ, và Mĩ cũng có các quyền lợi truyền thống của Mĩ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ cuối thế kỉ 19 đến nay, Mĩ là mắt xích quan trọng nhất trong việc duy trì an ninh, hòa bình ở biển Đông. Nếu không có Mĩ, các nước Đông Nam Á ngày nay có thể đang nằm dưới sự thống trị của Nhật Bản. Đối với biển Đông, Trung Quốc đề xuất sáng kiến “hai đường ray”, nghĩa là “các nước tranh chấp trực tiếp giải quyết tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán hiệp thương hữu nghị; và hòa bình và ổn định trên biển Đông do Trung Quốc và các nước ASEAN cùng nhau gìn giữ”, sáng kiến này rõ ràng có ý muốn loại trừ Mĩ ra ngoài. Vì vậy, Mĩ đưa ra Chiến lược tái cân bằng châu Á là nhằm bảo vệ lợi ích truyền thống của mình tại biển Đông.

Sau hơn 30 năm liên tục phát triển với tốc độ cao, sức ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn. Việc đề ra sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đã tạo ảnh hưởng lớn với các tổ chức quốc tế, và được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhưng trong vấn đề biển Đông, hành động của Trung Quốc hầu như hoàn toàn vấp phải sự phản đối, đó là điều rất đáng suy ngẫm.

Quan hệ Trung - Mĩ hiện đang thường được giới lí luận vận dụng bẫy Thucydides (Thucydides Trap) để xem xét. Bẫy Thucydides bắt nguồn từ phân tích của nhà sử học Hi ạp cổ đại Thucydides về cuộc xung đột giữa Athens và Sparta sau khi Athens trỗi dậy. Thuyết này cho rằng “các cường quốc đang trỗi dậy” sẽ thách thức “các cường quốc đã được thiết lập” và gây ra xung đột gay gắt. Về vấn đề biển Đông, Trung Quốc khẳng định mình chỉ bảo vệ lợi ích lãnh thổ, trong khi Mĩ khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và lợi ích truyền thống tại khu vực này. Nhưng trên thực tế, không bên nào tin rằng mục đích của bên kia chỉ giới hạn đến đó. Thuyết này rất hữu ích, nhưng nếu chỉ giải thích mâu thuẫn Mĩ - Trung là “hai nước đang tranh vị trí bá quyền” mà bỏ qua những nhân tố liên quan khác thì sẽ rất hạn chế; nếu áp dụng khuôn khổ này vào việc giải thích vấn đề biển Đông thì hạn chế này càng nổi rõ.

Mặc dù hiện nay có vẻ Mĩ đang đứng ở tuyến đầu trong việc “đối đầu với Trung Quốc”, nhưng đằng sau còn có ASEAN, Nhật, EU, Ấn Độ và thậm chí cả Nga. Việc Trung Quốc dùng vũ lực thay đổi hiện trạng ở biển Đông sẽ ảnh hưởng không chỉ đến Mĩ mà đến hầu hết các nước có lợi ích liên quan; cũng như đến luật biển quốc tế và hệ thống luật pháp quốc tế, thậm chí toàn bộ khuôn khổ quan hệ quốc tế hình thành hàng trăm năm qua. Vì vậy, “đối đầu với Trung Quốc” không chỉ có Mĩ, mà là “hiện trạng” cũng như toàn bộ trật tự quốc tế phía sau “hiện trạng” này, Mĩ chẳng qua chỉ là nước ủng hộ và bảo vệ tích cực hiện trạng đó.

“Hiện trạng” (status quo) là một khái niệm hết sức rất thần kì. Hiện trạng của quan hệ quốc tế không nhất thiết đã hợp lí, nhưng hiện trạng là kết quả tương đối cân bằng do lịch sử tạo nên, nói chung dễ được chấp nhận hơn các lựa chọn khác. Ngoài các xu hướng toàn cầu cực kì mạnh mẽ (chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa chống thực dân, chủ nghĩa cộng sản,...), việc đơn phương ngang nhiên thay đổi hiện trạng một cách gấp gáp phần nhiều sẽ gây nên sự phản đối gay gắt.

Tham vọng nhanh chóng thay đổi hiện trạng khiến đất nước đang trỗi dậy này rơi vào tình cảnh khó khăn “lạc lõng không được trợ giúp”. Nước Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và Nhật Bản trong Thế chiến II đều bị huỷ hoại bởi những ham muốn quá mức. Mĩ là một trong số ít nước đang trỗi dậy thoát được “bẫy Thucydides”- Mĩ nêu ra mục tiêu chiến lược dài hạn, công khai, không thù địch với Anh khiến Anh không phạm những sai lầm chiến lược; Mĩ không những không nảy sinh xung đột với Anh mà còn nhiều lần trợ giúp Anh, cuối cùng thực hiện được việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Hiện thế giới đã trở thành một xã hội “pháp trị” vượt qua biên giới quốc gia. Hành động dựa theo luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong cộng đồng quốc tế. Sau Philippines, Việt Nam cũng chuẩn bị dùng luật pháp quốc tế làm vũ khí, xem xét việc khởi tố Trung Quốc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và Luật biển quốc tế. Việt Nam đã gạt bỏ phương thức đối đầu vũ trang và thay vào đó chuyển sang tìm kiếm phương thức pháp lí được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi để giải quyết các tranh chấp quốc tế, đây là một thay đổi đáng hoan nghênh. Indonesia cũng bày tỏ sẽ cân nhắc việc sử dụng Tòa trọng tài để giải quyết tranh chấp vùng biển với Trung Quốc. Nếu Việt Nam và Indonesia cùng áp dụng phương thức pháp lí để giải quyết vấn đề này thì hình ảnh quốc tế của Trung Quốc sẽ càng xấu xí hơn – tại sao một quốc gia nhỏ “không dòng chính” như Việt Nam cũng dám sử dụng các biện pháp pháp lí để giải quyết tranh chấp, trong khi một nước lớn như Trung Quốc lại nhiều lần từ chối sử dụng phương pháp văn minh này để giải quyết tranh chấp giữa các nước?

Suy cho cùng, vấn đề biển Đông dù là tranh chấp lãnh thổ, phân giới biển hay tự do hàng hải thì mâu thuẫn cốt lõi nằm ở chỗ, một quốc gia hiện đại trong thế kỉ 21 sẽ lựa chọn phương thức lỗi thời, dã man, đơn phương, vũ lực hay phương thức phù hợp với trào lưu phát triển của lịch sử, tuân thủ luật quốc tế và Công ước, sử dụng Tòa trọng tài để giải quyết vấn đề?

KẾT LUẬN CHUNG

Cuốn sách này chia lịch sử hiện đại biển Đông thành 4 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất: từ đầu thế kỉ đến khi kết thúc Thế chiến II, có thể gọi là “thời kì Nhật Bản”. Theo cách nghĩ cổ súy Nam tiến, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích mở mang biển Đông thông qua các công ty tư nhân hoặc bán công. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp lãnh thổ tại các đảo ở biển Đông. Theo đó, các nước ven biển bắt đầu tích cực khẳng định chủ quyền, đều nhằm mục đích ngăn Nhật Bản giành lấy các đảo ở đây. Trong quá trình đó, Trung Quốc giành được đảo Đông Sa (Pratas); quần đảo Hoàng Sa xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Pháp (Việt Nam); Nhật Bản, Pháp (Việt Nam) và Anh nảy sinh tranh chấp về quần đảo Trường Sa; ngay đến bãi Scarborough cũng tiềm ẩn tranh chấp giữa Mĩ (Philippines) và Trung Quốc.

Giai đoạn thứ hai: từ sau Thế chiến II đến năm 1989, là thời kì tranh chấp lớn về vấn đề biển Đông mà hạt nhân là việc các nước ven biển tranh giành các đảo và bãi đá. Nhật Bản bị loại khỏi tranh chấp; Anh, Mĩ, Pháp, Hà Lan thay nhau trả độc lập cho các nước thuộc địa; tuy nhiên, “Hòa ước San Francisco” chưa giải quyết được vấn đề quy thuộc các đảo ở biển Đông. Vì thế mà Trung Quốc, Việt Nam, Philippines trở thành các nước giữ vai chính trong cuộc chiến tranh chấp biển đảo. Do từ sau năm 1949, Trung Quốc có hai chính phủ là Bắc Kinh và Đài Loan (Trung Hoa Dân quốc), còn Việt Nam thì có hai quốc gia là Bắc Việt và Nam Việt nên các bên liên quan càng trở nên phức tạp. Bối cảnh Chiến tranh lạnh đã có ảnh hưởng sâu sắc đến thế lực các bên liên quan. Trước những năm đầu 1970, Bắc Kinh và Nam Việt Nam đối đầu tại Hoàng Sa; Đài Loan và Nam Việt Nam, Philippines đối đầu tại Trường Sa. Hai bên đầu đều có điều lo lắng, băn khoăn nên không dám làm càn; ba bên sau đều là đồng minh của Mĩ, cùng giương ngọn cờ chống cộng nên không dùng vũ lực. Nhưng tình thế đã biến đổi lớn vào đầu những năm 1970: Trung Quốc thế chân Đài Loan, trở thành đại diện hợp pháp trên “ghế Trung Quốc” tại Liên Hiệp quốc và chuyển theo phe Mĩ; quân đội Mĩ rút khỏi Nam Việt Nam, Việt Nam thống nhất. Cục diện biển Đông cũng theo đó mà thay đổi: dưới chính sách “không can dự” của Mĩ, năm 1974, Trung Quốc chiếm đoạt toàn bộ Hoàng Sa từ tay Nam Việt Nam, nhưng điều này đã khiến Bắc Việt và họ quay lưng lại với nhau, và Nam Việt chiếm một số đảo ở Trường Sa; bằng trận hải chiến trên năm 1988, Trung Quốc cướp được quyền kiểm soát một số đảo đá ở biển Đông; nhân lúc Bắc Kinh và Đài Loan tiến hành cuộc chiến tranh ngoại giao, Philippines thừa cơ chiếm lấy một số đảo ở Trường Sa; Đài Loan buộc lòng co lại trên đảo đảo Ba Bình. Từ cuối nhưng năm 1970, Malaysia và Brunei cũng tham gia vào cuộc tranh chấp ở biển Đông.

Giai đoạn thứ ba: từ năm 1990 đến năm 2008, biển Đông bước vào thời kì tương đối ổn định. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, để thoát khỏi tình cảnh khó khăn về ngoại giao, Trung Quốc đưa ra chính sách láng giềng thân thiện và gác tranh chấp. Tranh chấp biển Đông xuất hiện một số xu hướng mới: một là, vai chính tranh chấp chuyển từ Trung Quốc và Việt Nam sang Trung Quốc và Philippines, lãnh thổ tranh chấp mở rộng đến bãi Scarborough; hai là, cách thức chuyển từ xung đột quân sự gay gắt sang xung đột chấp pháp dân sự ít gay gắt hơn, đồng thời các nước từng bước tăng cường xây dựng đời sống dân sinh trên đảo / đá; ba là, “Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc” có hiệu lực, phạm vi tranh chấp mở rộng từ tranh chấp chủ quyền đảo sang tranh chấp phân định biển. Tranh chấp đường 9 đoạn bắt đầu nổi lên, do tranh chấp về vùng biển mà Indonesia trở thành một bên trong vấn đề biển Đông; cuối cùng, ASEAN bắt đầu có tiếng nói về vấn đề biển Đông với danh nghĩa là một lực lượng chính trị. Vấn đề biển Đông chuyển từ thế đối đầu giữa Trung Quốc với các nước sang đối đầu giữa Trung Quốc với ASEAN. “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” được kí kết năm 2002 là thành tựu ngoại giao lớn nhất đạt được trong giai đoạn này.

Giai đoạn thứ tư: từ năm 2009 đến năm 2016, mâu thuẫn ở biển Đông căng thẳng trở lại, hơn thế tranh chấp Mĩ - Trung Quốc tăng cao thành tiêu điểm. Năm 2008, Trung Quốc nêu mục tiêu xây dựng thành cường quốc hải quân, biển Đông trở thành bước đi đầu tiên “ra thế giới” của Trung Quốc. Năm 2009 xảy ra sự kiện tàu USNS Impeccable, tuần trăng mật giữa Mĩ và Trung Quốc ở biển Đông kết thúc, Mĩ bắt đầu thực hiện chiến lược xoay trục lại Châu Á và tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2009, Trung Quốc chính thức đưa ra đường 9 đoạn trong văn kiện quốc tế, tranh chấp về đường 9 đoạn trở thành vấn đề tiêu điểm không thể né tránh. Năm 2012, Trung Quốc chiếm lấy bãi Scarborough từ tay Philippines, đây là lần đầu tiên có sự thay đổi về quyền kiểm soát đảo, kể từ khi “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” được kí kết. Đồng thời, Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của nước khác và hải cảnh tiến sâu vào phần phía Nam của biển Đông “bảo vệ ngư dân” cùng sử dụng phương thức “uy hiếp” dân sự như hay quấy nhiễu hoạt động tiếp tế, gia tăng kiểm soát thực tế đối với biển Đông. Hành vi quan trọng nhất của Trung Quốc chính là xây dựng đảo nhân tạo trên 7 các thể địa lí chiếm giữ, đồng thời quân sự hóa Hoàng Sa và Trường Sa, thay đổi triệt để thế so sánh quân sự tại biển Đông trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Sau sự kiện bãi Scarborough, Mĩ chuyển từ “trung lập tiêu cực” sang “trung lập tích cực”, dùng “Kế hoạch tự do hàng hải” để biểu thị việc “không thừa nhận” đảo nhân tạo và đường 9 đoạn của Trung Quốc. Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa trọng tài quốc tế và giành thắng lợi triệt để. Tranh chấp biển Đông giai đoạn này đã vượt qua phạm vi tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, trở thành điểm giao tranh vị thế bá chủ thế giới giữa Mĩ và Trung Quốc.

Giai đoạn thứ tư vốn là “thời kì hành động”, không dễ giải quyết đối với một cuốn “sách lịch sử” chút nào. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Mĩ năm 2016 đã xuất hiện một kết quả ngoài mong đợi, Trump trở thành ông chủ Nhà trắng, dẫn đến tình huống khó xác định trong cục diện biển Đông, trước mắt vẫn khó có thể dự đoán tình hình sẽ phát triển theo chiều hướng nào. Nhưng dù thế nào vẫn có thể khẳng định rằng, điều chắc chắn là tiến trình biển Đông mà chính quyền Obama hy vọng thúc đẩy không còn tồn tại; giai đoạn thứ tư của vấn đề biển Đông đã đột ngột kết thúc, khiến cuốn sách có thể đánh dấu chấm hết đúng lúc. Từ năm 2017, cục diện biển Đông bước sang giai đoạn mới.

“Lịch sử bị bóp méo của biển Đông – Biển Đông trước thế kỉ 20” và cuốn sách này đều thông qua việc khảo sát lịch sử cổ đại và hiện đại về biển Đông để làm rõ nhiều nghi vấn trong lịch sử biển Đông. Yêu sách chủ quyền của các nước tranh chấp biển đảo đều không xác đáng như ngôn từ họ đơn phương sử dụng. Lấy Trung Quốc làm ví dụ, không thể nói Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc “từ xưa đến nay”. Yêu sách chủ quyền Hoàng Sa của Trung Quốc phải bắt đầu được tính từ năm 1909, khi Lí Chuẩn đi tuần tra trên biển, muộn hơn rất nhiều so với tuyên bố chủ quyền năm 1816 của vua Gia Long Việt Nam; yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa miễn cưỡng mà tính từ năm 1935 thì cũng vẫn muộn hơn yêu sách của Pháp năm 1930 (đó là chưa kể Anh yêu sách từ năm 1877); trước Thế chiến II, Hoàng Sa và Trường Sa đều có tranh chấp chủ quyền; sau Thế chiến II, cả “Tuyên bố Cairo” lẫn “Hòa ước San Francisco” đều không “trao trả” hai quần đảo này cho Trung Quốc; cái Trung Quốc gọi là “thu hồi” Tây Sa, Nam Sa chỉ là hành động giành chiếm trước núp lén, nhưng vẫn sau Pháp (Việt Nam); khi Trung Quốc chiếm giữ hai quần đảo này, gần như cùng lúc Việt Nam và Philippines lần lượt đưa ra yêu sách đối với Hoàng Sa và Trường Sa; sau Thế Chiến II không tồn tại cái gọi là “cộng đồng quốc tế thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc”; đường 9 đoạn của Trung Quốc lại càng là yêu sách đơn phương, không có cơ sở trong luật pháp quốc tế; “Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc” và vụ kiện Tòa trọng tài đều phủ nhận yêu sách biển của Trung Quốc ở biển Đông. Đương nhiên, điều cần chỉ ra là Việt Nam, Philippines, Malaysia đều có những vấn đề riêng trong yêu sách chủ quyền và phân định các đảo tại biển Đông của mình. Điều đó có nghĩa là, không bên nào hoàn toàn có lí trong vấn đề biển Đông.

Vụ kiện ra trọng tài là một ví dụ về việc giải quyết tranh chấp biển Đông bằng luật pháp quốc tế. Dù Trung Quốc hiện vẫn không thừa nhận vụ kiện Tòa trọng tài nhưng kết quả phán quyết vụ kiện vẫn sẽ có tác động sâu sắc đến tiến trình biển Đông. Tác giả cho rằng, vấn đề biển Đông nên dùng phương thức hòa bình, lấy kết quả vụ kiện Tòa trọng tài làm cơ sở, căn cứ theo luật quốc tế để giải quyết; và mong rằng biển Đông thời Donald Trump vẫn là vùng biển hòa bình.


[1263] NIDS China Security Report 2011, Published by The National Institute for Defense Studies, p.19.

[1264] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/china/2014/01/1401129_malaysia_china_sea

[1265] http://www.appledaily.com.tw/realtimenews/article/new/20150604/622658/

[1266] http://www.malaysiakini.com/news/300677

[1267] http://www.weeklystandard.com/article/489430

[1268] http://www.weeklystandard.com/article/489430

[1269] http://www.aspistrategist.org.au/mapping-the-nine-dash-line-recent-incidentsinvolving-indonesia-in-the-south-china-sea/

[1270] http://www.ifengweekly.com/detil.php

[1271] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/world/2015/05/150520_indonesia_fishing_boat_sink

[1272] http://www.thejakartapost.com/news/2015/11/13/china-confirms-maritime-disputewith-ri.html

[1273] http://www.reuters.com/article/us-south-china-sea-indonesiaidUSKCN0T00VC20151111

[1274] http://www.world.people.com.cn/n/2015/1112/c1002-27809190.html

[1275] http://www.nasional.sidonews.com/read/1065520/14/china-akhirnya-akuio-natunamilik-indonesia-1448859010

[1276] David Hancox & Victor Prescot, A Geographical Description of the Spratly Islands and an Account of Hydrographic Surveys Amongst Those Islands, Maritime Briefing Vol.1 No.6. 818

[1277] Văn phòng Báo chí Quốc Vụ viện Trung Quốc, http://www.news.xinhuanet.com/2016-07/13/c_1119210479.htm

[1278] http://bbc.com/zhongwen/trad/china/2016/07/160702_china_philippines_dai_bingguo

[1279] http://chinanews.com/gn/2016/07-13/7938199.shtml

[1280] 27/12/2015, http://news.mingpao.com/pns/dailynews/web_tc/article/20151228/s00012/1451239520440

[1281] 24/8/2015, http://theinitium.com/article/20160824-opinion-lai-southchinasea/

[1282] http://world.people.com.cn/n1/2016/0711/c1002-28544870.html

[1283] 11/5/2016, http://news.mingpao.com/pns/dailynews/web_tc/article/20160512/s00012/1462990221450, http://bbc.com/zhongwen/trad/china/2016/06/160617_china_scs_60_countries

[1284] http://cn.rfi.fr/%e4%b8%ad%e5%9b%bd%20160615-%e5%8d%97%e6%b5%b7%e4%ba%89%e7%ab%af%ef%bc%9a%e4%b8%9c%e7%9b%9f%e5%ae%a3%e5%9b%bd/20160615-%e5%8d%90%88%e5%a3%b0%e6%98%8e

[1285] http://voachinese.com/a/news-asean-china-scs-20160725s/3434128.html

[1286] http://udn.com/news/story/9500/187740

[1287] http://bbc.com/zhongwen/simp/china-2016/05/160530_china_japan_g7summit

[1288] http://bbc.com/zhongwen/trad/world/2016/07/160713_south_china_sea_ruling_latest_reax

[1289] http://bbc.com/zhongwen/trad/world/2016/06/160621_us_carriers_east_asia

[1290] http://news/mingpao.com/pns/dailynews/web_tc/article/20160121/s00014/1453831707297

[1291] http://mofa.gov.tw/upload/refo;e/643/156143.pdf

[1292] http://bbc.com/zhongwen/simp/china_2016/07/160713_ana_south_china_sea_ruling_se_asia.

[1293] Lập trường của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đối với vụ kiện trọng tài ở Nam Hải, 20/7/2016, http://www.president.gov.tw/default.aspx?tabid=131&itemid-37701&rmid=514

[1294] Đài Loan hay chìa khoá mở ra Biển Đông, 29/5/2015, http://news.mingpao.com/pns/%e9%bb%8e8%E897%A4%EF%B9%95%E5%8F%B0%E7%81%A3%E6%88%96%E6%98%AF%-%E7%88%AD%E7%AB%AF%E7%9A%84%E9% 8E%96%E5%8C%99/webtc/article/2C643

[1295] https://theinitium.com/article/20161017-dailynews-duterte-visits-china/#

[1296] https://theinitium.com/article/20161020-dailynews-duterte-xi/

[1297] http://www.bbc.com/zhongwen/simp/china/2016/08/160811_fuyingmeeting_philippines_romos

[1298] http://news.xinhuanet.com/world/2016-10/21/c_1119763493.htm

[1299] Quoli Woteng: Quan hệ Trung Quốc – Philippines ấm lên? Đảo Hoàng Nham hay là kim thạch, https://theinitium.com/article/20161028-opinion-lai-philippinesandchina

[1300] http://www.thepaper.cn/newsDetail_forward_1509489

[1301] Va chạm với tàu hải quân Mĩ trong vùng 12 hải lí, http://opinion.huangiu.com/editorial/2015-10/7850727.html

[1302] Roberto Lavalle, The Rights of States over Low-tide Elevations: A Legal Analysis, The International Journal of Marine and Coastal Law, Volume 29 Issue 3, pp.457-479.

[1303] Lăng Binh: Tại sao việc Trung Quốc từ chối tham gia Toà trọng tài Nam Hải lại làm tổn hại đến quyền lợi của Trung Quốc? https://read01.com/ED0Z5B.html