Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 26)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

VI.9 Vụ trọng tài biển Đông: Philippines kiện Trung Quốc

Khái quát tình hình

Để đối đầu với Trung Quốc, Philippines chọn biện pháp đưa vấn đề ra Tòa án quốc tế. Ngay từ năm 2011, Philippines là nước đầu tiên đã đề ra khả năng dùng phương thức trọng tài để xác định tính hợp pháp của đường 9 đoạn (xem phần VI.3). Trong cuộc khủng hoảng bãi Scarborough, Philippines cũng nhiều lần đề cập đến khả năng thông qua các dạng trọng tài quốc tế để giải quyết. Trung Quốc trước sau như một đều giữ thái độ bác bỏ Tòa trọng tài. Để ngăn chặn Philippines, tháng 10/2012, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã có chuyến công du đặc biệt đến Manila, cảnh báo Philippines về sự kiện bãi Scarborough: một là, không được đưa vấn đề tranh chấp ra Liên Hiệp quốc; hai là, không được quốc tế hóa vấn đề, kể cả đưa vấn đề ra các diễn đàn ASEAN thảo luận; ba là, không được hợp tác với các nước khác (chẳng hạn như Mĩ); bốn là, không được công khai trên truyền thông công cộng các sự việc liên quan đến các cuộc đàm phán và thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines.[1154] Rõ ràng, điều đó đồng nghĩa với việc yêu cầu Philippines ngầm chấp nhận sự thay đổi hiện trạng bãi Scarborough, tức là chuyển quyền kiểm soát thực tế từ Philippines sang Trung Quốc. Philippines đương nhiên không chấp nhận.

Ngày 22/1/2013, Ngoại trưởng Philippines Rosario chính thức tuyên bố trong cuộc họp báo: Theo quy định tại Điều 287 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Philippines đã chính thức khởi kiện tại Tòa Luật biển quốc tế (ITLOS) theo thủ tục nêu trong Phụ lục 7, yêu cầu Tòa đưa ra phán quyết trọng tài đối với yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông.[1155] Do Trung Quốc từ chối không tham gia vụ kiện nên ngày 23/3, Chánh án Tòa trọng tài biển là thẩm phán người Nhật Bản Shunji Yanai đã căn cứ vào thủ tục trong Phụ lục 7 chỉ định thẩm phán Stanislaw Pawlak người Ba Lan làm trọng tài cho phía Trung Quốc, đồng thời chỉ định thẩm phán Rudiger Wolfrum người Đức làm trọng tài cho Philippines. Ngày 24/4, Tòa án Luật biển quốc tế thông báo đã hình thành xong nhóm trọng tài gồm 5 người, 3 người khác là thẩm phán Jean-Pierre Cot người Pháp, Giáo sư Alfred Soons người Hà Lan và trọng tài viên chủ tịch là thẩm phán Thomas A. Mensah người Ghana. Tòa trọng tài chọn ngày bắt đầu xét xử. Tin này này là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng bãi Cỏ Mây. (xem phần trên).[1156]

Tòa trọng tài lần này là một tòa trọng tài được thành lập dựa trên Tòa trọng tài Thường trực (PCA). Điều đáng nói là, tuy không phải là tòa án quốc tế nhưng nó cũng không thiếu tính pháp lí. Điều 287 Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc liệt kê 3 thủ tục thường để giải quyết tranh chấp: (1) Tòa án Luật biển quốc tế; (2) Tòa án quốc tế (ICJ); và (3) Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII. Trong 3 loại thủ tục này chỉ có Tòa trọng tài mới có thể xử lí tình huống một bên không chịu tham gia. Vì vậy, Philippines mới có cách lựa chọn này và thực ra cũng là cách duy nhất.

Mặc dù nghe có vẻ không “chính thức” bằng Tòa án quốc tế, nhưng được thành lập từ năm 1899, PCA có lịch sử lâu dài hơn Tòa án quốc tế do Liên Hiệp quốc thành lập sau Thế chiến II. Trung Quốc tham gia PCA trong thời nhà Thanh và thời Trung Hoa Dân quốc. Năm 1993, Trung Quốc khôi phục địa vị trong PCA và được chỉ định là trọng tài viên cùng năm đó. PCA đã phân xử rất nhiều tranh chấp lãnh thổ trên thế giới. Nổi tiếng nhất là vụ tranh chấp chủ quyền đảo Palmas (Island of Palmas Case) giữa Mĩ và Hà Lan năm 1928. Phán quyết lần đó là một ví dụ khuôn mẫu cho các tranh chấp chủ quyền đối với các đảo nhỏ ở xa, Mĩ đã chấp nhận kết quả bất lợi của phán quyết. Ngoài ra, tranh chấp chủ quyền Đông Greenland giữa Đan Mạch và Na Uy cũng là một án lệ kinh điển của PCA. Trên mạng chính thức của CPA còn liệt kê 20 vụ án trọng tài gần đây, cho thấy thêm thẩm quyền của PCA.

Giám sát quy trình trọng tài lần này là Tòa án Luật biển quốc tế được thành lập theo Công ước, dựa vào thủ tục quy định tại Phụ lục 7 của Công ước, lập ra tòa trọng tài trong PCA và lựa chọn trọng tài viên trong danh sách của Tòa án Luật biển quốc tế để tiến hành phân xử. Trên thực tế, tất cả các trọng tài PCA đều được hình thành theo cách mời các trọng tài viên “lâm thời” (ad-hoc) kiểu này. Điều khác biệt duy là nhất so với trọng tài do PCA phụ trách “hoàn toàn” là các trọng tài viên sau được chọn từ danh sách của PCA. Tòa án Luật biển quốc tế và PCA có quan hệ hợp tác chặt chẽ, không phải là một sự sắp xếp “lâm thời”. Theo thông tin trên mạng của PCA, từ khi Công ước ra đời đến nay, trong số hơn 10 vụ án được xử thông qua thủ tục của Phụ lục 7,[1157] chỉ có một vụ là có thủ tục khác biệt với vụ kiện này. Khi PCA thụ lí một vụ trọng tài có nghĩa là xác thực tính công bằng bằng thẩm quyền và uy tín của chính mình.

Kể từ đó, Tòa trọng tài đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tham gia vụ kiện, nhưng Trung Quốc luôn từ chối. Ngày 30/8, Tòa trọng tài đã thông qua Quy tắc tố tụng áp dụng cho vụ trọng tài (Rule of Procedures)[1158] và chấp nhận đơn yêu cầu trọng tài của Philippines. Đây là bước rất quan trọng, có nghĩa là vụ trọng tài đã chính thức đi vào thủ tục xét xửxử. Trước tiên, Tòa trọng tài xem xét các bằng chứng về thẩm quyền (Jurisdiction Hearing) đối với từng nội dung khiếu kiện để xác định Tòa có thẩm quyền trọng tài hay không. Sau khi xác định có thẩm quyền trọng tài, thủ tục xét xử nội dung (Merits Hearing) sẽ được tiến hành để xét xử từng yêu cầu khiếu kiện của Philippines đã được luận chứng có thẩm quyền. Ngày 30/3/2014, Philippines đã nộp bản ghi nhớ nêu rõ các yêu cầu thực chất của mình và thẩm quyền của tòa trọng tài. Ngày 16/3/2015, Philippines nộp bản tường trình bổ sung theo yêu cầu của Tòa trọng tài.

Khác với trước đây, ngoài việc thông qua các phương thức truyền thống như xã luận và phát ngôn của Bộ Ngoại giao để bày tỏ lập trường “không tham gia” và đưa ra những lí do đơn giản, vào ngày 07/12/014 trước thời hạn (16/12) mà Tòa trọng tài ấn định phải nộp bản tự biện hộ, Trung Quốc đã công bố “Tài liệu lập trường của Trung Quốc về vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện trong tài ‘Nam Hải’ của Philippines”.[1159] Tài liệu này giải thích chi tiết lập trường của Trung Quốc từ góc độ luật pháp quốc tế. Tòa trọng tài tiếp nhận “Tài liệu lập trường” như là bản tự biện hộ của Trung Quốc.

Tháng 7/2015, Tòa trọng tài đã tổ chức phiên họp xét về vấn đề thẩm quyền tại Cung điện Hòa bình ở The Hague, Hà Lan và đưa ra phán quyết vào ngày 29/10.[1160] Trong số 15 yêu cầu mà Philippines đưa ra, 7 yêu cầu đã được chấp thuận, 7 yêu cầu khác sẽ được phán quyết khi xét xử nội dung, 1 yêu cầu còn lại yêu cầu phía Philippines bổ sung tài liệu. Cuối tháng 11, vụ kiện Trọng tài bước vào thủ tục xét xử nội dung, Trung Quốc vẫn từ chối tham gia. Tờ “Nhân dân nhật báo” đã đăng bài với bút danh “Tiếng chuông” trong 5 ngày liên tiếp, chỉ trích dữ dội Philippines và Tòa trọng tài .

Về mặt chính trị, việc Philippines đưa vấn đề “biển Đông” ra Tòa trọng tài quốc tế là vì không còn cách nào khác. Kể từ khi quyền kiểm soát thực tế đối với bãi Scarborough bị Trung Quốc tước đoạt vào năm 2011, Philippines luôn ở trong thế thủ về vấn đề biển Đông. Sức mạnh quân sự của Philippines vẫn còn kém xa Trung Quốc, dù có lôi kéo Mĩ và Nhật Bản chống lưng, thì nước xa cũng không thể cứu được lửa gần. Philippines muốn nhờ cậy vào sức mạnh của ASEAN để đàm phán với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã đóng cánh cửa đàm phán lại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc luôn nói rằng các kênh trao đổi giữa Trung Quốc và Philippines luôn được thông suốt, tuy nhiên Trung Quốc không thừa nhận tồn tại tranh chấp chủ quyền đối với bãi Scarborough, cũng không đồng ý triển khai đàm phán với Philippines về vấn đề này. Đồng thời, tàu Philippines cũng bị tàu hải giám và tàu chiến Trung Quốc uy hiếp tại biển Đông và các vùng biển khác. Trong hoàn cảnh vô vọng về quân sự và ngoại giao, Philippines chỉ có thể nhờ đến Tòa trọng tài quốc tế như là phương sách cuối cùng. Trung Quốc cáo buộc Philippines vô cớ gây rắc rối, tuy nhiên tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông, Trường Sa và bãi Scarborough tồn tại tồn tại từ lâu nay là sự thật, các nước ASEAN và cộng động quốc tế như Mĩ, Nhật, Úc đều ủng hộ Philippines, nên có thể thấy là không có việc Philippines kiếm chuyện vô cớ.

Tranh chấp về vấn đề thẩm quyền

Trong quá trình trọng tài, các phiên xem xét về thẩm quyền xét xử là vô cùng quan trọng, cũng là yếu tố then chốt để Philippines có thể thắng kiện hay không, tác giả cho rằng đây là vấn đề khó nhất đối với Philippines. Chính phủ Trung Quốc thông qua “Tài liệu lập trường” bác bỏ thẩm quyền xét xử của Tòa trọng tài đối với vụ kiện này. Các chuyên gia khác của Trung Quốc cũng thông qua các phương thức như xuất bản sách, phát biểu ý kiến và bình luận trên mặt báo để bày tỏ ý kiến có lợi cho Trung Quốc. Những ý kiến này có thể phân thành 4 loại: thứ nhất, thực chất của vụ trọng tài là vấn đề chủ quyền, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Công ước về Luật biển; thứ hai, Trung Quốc vào năm 2006 đã đưa ra Tuyên bố miễn trừ đối với Công ước (không chấp nhận thẩm quyền trong tài…); thứ ba, Philippines đã từng đưa ra cam kết giải quyết vấn đề thông qua đàm phán, qua đó Trung Quốc cho rằng Philippines đã “không chấp nhận con đường giải quyết bằng trọng tài”; thứ tư, Philippines không thương lượng với Trung Quốc trước khi kiện theo quy định của Công ước, đó là lạm dụng thủ tục tố tụng. Các lập luận của Trung Quốc nghe có vẻ có lí, nhưng tác giả cho rằng nếu cân nhắc kĩ thì không phải là như vậy.

Philippines yêu cầu Tòa trọng tài quốc tế phán xét điều gì?

Giới chức Trung Quốc nhiều lần tuyên bố phán quyết mà Philippines yêu cầu Tòa trọng tài liên quan đến tranh chấp chủ quyền, điều “thể hiện đầy đủ bản chất của tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại biển Đông chính là tranh chấp lãnh thổ, động cơ và mục đích của việc Philippines kiện ra Tòa trọng tài hoàn toàn nhằm bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo ở biển Đông.”[1161] Tuy nhiên, điều đó không phải là sự thật. Mâu thuẫn chủ yếu trong tranh chấp tại biển Đông là vừa có tranh chấp chủ quyền, vừa có tranh chấp phân định ranh giới biển. Philippines cũng biết rõ việc Công ước không thể điều chỉnh tranh chấp chủ quyền nên đã đặc biệt mời Paul S. Reichler, luật sư nổi tiếng người Mĩ từng giúp các nước nhỏ chống lại nước lớn, chủ trì thông qua việc phân loại và tổ hợp vấn đề để tách các yêu cầu khiếu kiện của Philippines ra khỏi vấn đề chủ quyền, tập trung vào quyền lợi đối với các đảo. Philippines đã chuyển cho cho Tòa trọng tài 15 vấn đề để xét xử:

(1) Các quyền lợi biển của Trung Quốc tại biển Đông, giống với Philippines, không được vượt quá phạm vi mà Công ước cho phép;

2) Lập trường của Trung Quốc về quyền chủ quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” đối với vùng biển biển Đông nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” là trái với Công ước. Những yêu sách này vượt quá phạm vi mà Công ước cho phép về giới hạn địa lí và thực thể đối với các quyền lợi biển của Trung Quốc, và không có hiệu lực pháp luật;

(3) Bãi Scarborough không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa;

(4) Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và đá Subi là bãi triều thấp (low tide elevation), không thể tạo ra vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, và là những địa hình (feature) không thể đoạt lấy làm sở hữu (appropriate) thông qua chiếm đóng trước hoặc các phương thức khác;

(5) Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines;

(6) Đá đá Gaven và đá đá Ken Nan (bao gồm đá Tư Nghĩa) là bãi triều thấp (LTE), không thể tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, tuy nhiên đường ngấn nước thuỷ triều của chúng có thể được coi là đường cơ sở để đo chiều rộng lãnh hải của lần lượt đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn.

(7) Đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa;

(8) Trung Quốc đã quấy nhiễu bất hợp pháp vào quyền được hưởng và thực thi các quyền chủ quyền của Philippines đối với nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình;

(9) Trung Quốc phạm luật khi không ngăn cản công dân và tàu thuyền nước mình đến khai thác tài nguyên sinh vật nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines;

(10) Thông qua việc quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá truyền thống tại bãi Scarborough, Trung Quốc đã ngăn cản bất hợp pháp ngư dân Philippines tìm kế sinh nhai;

(11) Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển theo Công ước tại bãi Scarborough và bãi Cỏ Mây;

(12) Hoạt động chiếm đóng và xây dựng của Trung Quốc tại đá Vành Khăn là:

(a) Vi phạm quy định của Công ước về đảo nhân tạo, hạ tầng và cấu trúc;

(b) Vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển theo Công ước;

(c) Cấu thành hành hành vi phạm pháp về cố ý chiếm đoạt trái với các quy định của Công ước;

(13) Việc tàu chấp pháp Trung Quốc điều khiển nguy hiểm gây nguy cơ va chạm nghiêm trọng cho các tàu của Philippines đi lại gần bãi Scarborough, vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc theo Công ước;

(14) Kể từ tháng 1/2013 khi Tòa trọng tài bắt đầu xét xử vào, Trung Quốc gia tăng và mở rộng tranh chấp một cách bất hợp pháp, bao gồm:

(a) Quấy nhiễu quyền đi lại của Philippines tại bãi Cỏ Mây và các vùng biển lân cận;

(b) Ngăn chặn Philippines luân chuyển và bổ sung người đóng tại bãi Cỏ Mây;

(c) Gây nguy hiểm đến sức khỏe và phúc lợi của người Philippines đóng tại bãi Cỏ Mây;

(15) Trung Quốc nên dừng các yêu sách về quyền lợi và hành động vi phạm pháp luật.

15 yêu cầu của Philippines có thể quy thành 5 loại, đều không liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Loại 1, Philippines cho rằng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là yêu sách không chính đáng, vi phạm Công ước; Loại 2, Philippines cho rằng các “đảo, đá” tại biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng hiện nay chỉ có thể coi là đá (rock), vốn không có khả năng để con người sinh sống và hoạt động kinh tế, không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Loại 3, các công trình nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trên bãi triều thấp tại biển Đông (bao gồm nhà sàn trước đây và đảo nhân tạo sau này), không có vùng đặc quyền kinh tế; Loại 4, bãi triều thấp không có tư cách lãnh thổ; Loại 5, việc quấy nhiễu của Trung Quốc đối với ngư dân và tàu Philippines tại biển Đông là bất hợp pháp, các đảo nhân tạo cũng là bất hợp pháp.

Trung Quốc cho rằng: “Chỉ có xác định trước chủ quyền của các đảo, đá, thì mới có thể xác định các yêu sách về quyền lợi biển trên cơ sở các đảo, đá là có phù hợp với Công ước hay không. Bởi vì: “Các quyền lợi biển về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa quy định tại Công ước đều được trao cho quốc gia có chủ quyền với vùng lãnh thổ đất liền liên quan. Tách khỏi chủ quyền quốc gia, bản thân các đảo, đá không có bất kì quyền lợi biển nào. Chỉ có các quốc gia có chủ quyền đối với các đảo, đá liên quan thì mới có thể căn cứ vào Công ước để đưa ra yêu sách quyền lợi biển đối với các đảo, đá đó”.[1162]

Tuy nhiên cũng giống như Philippines và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cũng thừa nhận nguyên tắc “đất quyết định biển”, mà nguyên tắc này bao gồm 2 yếu tố độc lập: đất liền thuộc về ai (chủ quyền), đất có thể quyết định biển (quyền lợi của đảo) với mức hữu hiệu bao nhiêu. Logic của Philippines là, cho dù các đảo, đá đó thuộc về Trung Quốc, nhưng cũng không thể dựa vào các đảo, đá đó để tuyên bố vùng biển rộng như vậy. Logic này phù hợp với luật pháp.

Trung Quốc đã chỉ ra một cách chính xác: “Bất kì cơ quan luật pháp hoặc trọng tài quốc tế nào khi xử lí các vụ tranh chấp liên quan đến đảo, đá, từ trước đến nay họ chưa bao giờ áp dụng các quy định của Công ước để xác định trước các quyền lợi về biển đối với các đảo, đá khi chưa xác định chủ quyền các đảo, đá đó thuộc về ai”.[1163] Tuy nhiên điều này không phải là lí do để cho rằng Tòa trọng tài không có thẩm quyền xét xử, bởi vì Điều 286 của Công ước quy định: “Trong giới hạn của Mục 3, mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước khi không được giải quyết bằng cách áp dụng Mục 1, theo yêu cầu của bất kì bên tranh chấp nào, đều được đưa ra tòa án hay toà có thẩm quyền theo mục này”.[1164] Các yêu cầu cho Trọng tài do Philippines đưa ra liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước, Tòa trọng tài tất nhiên có thẩm quyền xét xử sau khi áp dụng mục 1 và mục 3, và điều này không liên quan đến gì đến việc các vụ án tương tự đã được xét xử trước đó hay chưa.

Ngoài việc được xác lập về mặt pháp lí, tác giả cho rằng điều này còn có lợi cho việc giải quyết các vấn đề chủ quyền bao gồm các đảo và bãi đá ngầm trong khu vực. Bởi vì nếu Tòa trọng tài đưa ra phán quyết rằng quyền lợi của các đảo, đá đó là vô cùng hạn chế, thì lợi ích của các nước tại các đảo, đá đó sẽ bị giảm đi rất nhiều, điều này có lợi cho việc giải quyết cuối cùng đối với vấn đề biển Đông. Nói rộng ra thì kết quả phán quyết trọng tài đóng vai trò tiền lệ mạnh mẽ cho các tranh chấp tương tự của các quốc gia khác.

Tóm lại, tuy tranh chấp chủ quyền không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Công ước, nhưng các yêu cầu trọng tài của Philippines cũng không đề cập đến vấn đề chủ quyền. Vì vậy về mặt pháp lí, Tòa trọng tài thực sự có thẩm quyền để xử lí các yêu cầu trọng tài này.

Tuyên bố miễn trừ có thể phủ định thẩm quyền của Tòa trọng tài hay không?

Trung Quốc cho rằng, căn cứ vào bản Tuyên bố được Trung Quốc gửi tới Tổng Thư kí Liên Hiệp quốc ngày 25/8/2006, theo quy định tại điều 298 Công ước: “Đối với bất kì tranh chấp nào được đề cập đến tại điểm (a), (b) và (c), khoản 1, điều 298 của ‘Công ước’, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chấp nhận bất kì thủ tục nào quy định tại mục 2, phần XV của ‘Công ước’[1165], đối với các tranh chấp về phân giới biển, quyền sở hữu hoặc vịnh lịch sử, các hoạt động quân sự và chấp pháp cũng như thực hiện những chức năng được Hội đồng Bảo an giao phó theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận bất kì thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc nào được quy định tại mục 2, phần XV của ‘Công ước’, bao gồm thủ tục Trọng tài bắt buộc.[1166] Vì vậy, Tòa trọng tài không có thẩm quyền phán xét.”[1167] Tuy nhiên, tuyên bố này của Trung Quốc là không thể biện minh được vì:

Thứ nhất, điều 298 ‘Công ước’ quy định:

Khi kí kết, phê chuẩn hay tham gia ‘Công ước’, hoặc vào bất kì thời điểm nào sau đó, với điều kiện không phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ mục 1, một quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản rằng mình không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định ở mục 2, liên quan đến một hay nhiều loại tranh chấp sau đây:

(a) (1). Các tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng điều 15, 74 và 83 liên quan đến việc phân định ranh giới các vùng biển hay các vụ tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu (title) hoặc vịnh lịch sử, miễn là khi một tranh chấp như thế xảy ra sau khi Công ước có hiệu lực, và nếu các bên không đi đến một thỏa thuận nào bằng con đường thương lượng trong một thời hạn hợp lí, thì quốc gia đưa ra tuyên bố, theo yêu cầu của một trong các bên, phải chấp nhận đưa vụ tranh chấp đó ra hòa giải theo thủ tục đã được quy định ở mục 2 Phụ lục V, và tất nhiên không thể đưa ra xét theo thủ tục này vụ tranh chấp nào mà đòi hỏi nhất thiết phải xem xét đồng thời một vụ tranh chấp chưa được giải quyết liên quan đến chủ quyền hoặc các quyền khác trên một lãnh thổ đất liền hay đảo…”[1168]

Trong đó điểm (1) là có liên quan nhất. Tuy nhiên, tuyên bố mang tính miễn trừ chỉ có thể được áp dụng cho các điều 15, 74 và 83. Điều 15 về “Phân định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau”[1169]; Điều 74 về thủ tục “Phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp giáp hoặc đối diện nhau”[1170]; Điều 83 về thủ tục “Phân định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp giáp hay đối diện nhau”.[1171] Nhưng trong yêu cầu phân xử của Philippines, ngoài việc không đề cập đến chủ quyền, cũng không đề cập đến việc phân định cụ thể các vùng biển. Vì vậy, Tuyên bố miễn trừ của Trung Quốc về thẩm quyền phán quyết không miễn trừ các yêu cầu phân xử của Philippines. Nói cách khác, phán quyết của Tòa trọng tài không mâu thuẫn với Tuyên bố miễn trừ của Trung Quốc.

Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc như Lí Kim Minh cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng “đường 9 đoạn” với tư cách vịnh lịch sử làm lí do để từ chối trọng tài,[1172] bởi vì điều 298 “ có đề cập đến tranh chấp về vịnh lịch sử và quyền sở hữu lịch sử”. Tuy nhiên, dù sự thật có một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng “đường 9 đoạn” là vùng biển lịch sử, nhưng ý kiển kiểu này lại không rất không thống nhất, ngay cả trong nội bộ chuyên gia Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc từ trước đến nay cũng chưa từng đưa ra tuyên bố liên quan, cũng chưa từng định nghĩa về “đường 9 đoạn”. Trên thực tế, mục thứ 2 mà Philippines đưa ra yêu cầu trọng tài chính là làm rõ định nghĩa của “đường 9 đoạn”.

Lí Kim Minh còn cho rằng, căn cứ vào luật thời hiệu, “đường 9 đoạn” ra đời trước, Công ước ra đời sau, vì vậy “đường 9 đoạn” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước. Cách diễn giải này nhầm lẫn giữa vấn đề thẩm quyền của Tòa và vấn đề khả năng áp dụng của Công ước. Ngay cả khi Công ước thực sự không áp dụng được đối với “đường 9 đoạn” theo luật thời hiệu, thì điều đó cũng không có nghĩa là Tòa án hoặc Tòa trọng tài không có thẩm quyền phán quyết đối với nó. Cũng giống như việc xem xét một người có phải trộm cắp hay không là do tòa án dựa trên khả năng áp dụng của pháp luật để xác định, chứ không thể nói trước rằng người đó không trộm cắp nên cho rằng tòa án không có thẩm quyền phán quyết. Trên thực tế, việc Công ước có thể áp dụng cho “đường 9 đoạn” hay không chính là một nội dung cần phải phán quyết, cũng là một trong những lí do khiến Philippines yêu cầu phân xử.

Các chuyên gia Trung Quốc còn chỉ ra, Philippines cũng tuyên bố Công ước không áp dụng đối với lãnh thổ của mình: “Việc kí kết không xâm hại hoặc làm tổn hại đến việc thực thi chủ quyền của Philippines tại bất kì vùng lãnh thổ nào của mình, ví dụ như quần đảo Kalayaan và vùng biển lân cận”.[1173] Vì vậy, việc yêu cầu trọng tài chẳng khác nào “tự vả vào miệng mình”. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, các yêu cầu trọng tài do Philippines đề xuất không nhằm vào một lãnh thổ hay lãnh hải cụ thể nào. Vì vậy, tuyên bố của Philippines không ảnh hưởng gì đến các yêu cầu trọng tài này.

Thứ hai, khoản 4 điều 298 Công ước về “các trường hợp ngoại lệ khi lựa chọn áp dụng mục 2” quy định: “Nếu một trong các quốc gia thành viên đã ra một tuyên bố theo đoạn 1. a, thì bất kì quốc gia thành viên nào khác cũng có thể đưa tranh chấp thuộc loại bị miễn trừ giữa quốc gia đó với quốc gia đã ra tuyên bố giải quyết theo thủ tục được xác định trong tuyên bố đó”. Trung Quốc (là một trong số các nước thành viên) đưa ra tuyên bố miễn trừ đối với Điều 298 , nhưng Philippines (là quốc gia thành viên khác) lại không đưa ra tuyên bố mang tính miễn trừ đối với Điều 298 . Vì vậy, Philippines có quyền đưa ra yêu cầu trọng tài tới Tòa trọng tài Tòa trọng tài cũng có thể chấp nhận yêu cầu này. Trung Quốc có thể không chấp nhận việc xét xử của Tòa trọng tài và kết quả phán quyết, nhưng cũng không có cách nào bác bỏ tính hợp pháp của đơn kiện và thủ tục Trọng tài của Philippines.

Đây chính là lí do vì sao “Tuyên bố miễn trừ” của Trung Quốc không thể ngăn vụ việc được đưa ra xét xử.

Điều đáng chỉ ra là, Trung Quốc và ASEAN đã kí “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” (gọi tắt là “Tuyên bố”). Điều 1 của “Tuyên bố” quy định các nguyên tắc pháp luật quốc tế bao gồm cả Công ước là những chuẩn mực cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia. Vì Công ước là quy tắc ứng xử cơ bản cho tất cả các bên tham gia Tuyên bố, nên việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố miễn trừ đối với Công ước sau khi kí kết, tương đương với việc đơn phương làm tổn hại sự tôn trọng đối với Tuyên bố. Mặc dù Tuyên bố không có tính ràng buộc, nhưng về mặt đạo lí thì Trung Quốc gặp bất lợi.

Thứ ba, Khoản 4 Điều 288 Công ước về “thẩm quyền” quy định: “Trong trường hợp có sự tranh chấp về vấn đề một tòa hay một tòa án có thẩm quyền hay không, thì vấn đề này do tòa đó quyết định”.[1174] Vì vậy, tòa có quyền quyết định cuối cùng đối với thẩm quyền.

Cuối cùng, căn cứ vào Điều 9 Phụ lục VII về “vắng mặt” đã quy định: “Khi một trong số các bên trong vụ tranh chấp không ra toà hoặc không trình bày các lí lẽ của mình, thì bên kia có thể yêu cầu toà tiếp tục thủ tục tố tụng và phán quyết. Việc một bên vắng mặt hay một bên không trình bày các lí lẽ của mình không gây cản trở đối với trình tự tố tụng”.[1175] Vì vậy, việc Trung Quốc có tham gia hoặc có chấp nhận phán quyết hay không, không phải là yếu tố cần thiết để vụ trọng tài này có thể được tiến hành hay không.

Philippines có vi phạm thỏa thuận với Trung Quốc không?

Trung Quốc cho rằng, “giải quyết các tranh chấp ở Nam Hải thông qua đàm phán là một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines, Philippines không có quyền đơn phương yêu cầu thủ tục trọng tài bắt buộc”.[1176] Việc Philippines nhờ trọng tài là đã vi phạm các cam kết với Trung Quốc, bao gồm: (1) “Các tranh chấp liên quan cần được giải quyết một cách hòa bình, hữu nghị thông qua tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau” trong “Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Philippines về tham vấn đối với vấn đề Nam Hải và các lĩnh vực hợp tác khác” ngày 10/8/1995.; (2) “Hai bên nỗ lực giữ gìn hòa bình và ổn định tại Nam Hải, đồng ý tuân theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán giữa hai bên để thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp. Hai bên khẳng định tôn trọng Tuyên bố chung năm 1995 giữa Trung Quốc và Philippines về tham vấn đối với vấn đề Nam Hải” như quy định tại Điều 9 “Tuyên bố chung giữa Philippines và Trung Quốc về khuôn khổ hợp tác song phương trong thế kỉ 21” năm 2000 ; (3) “Lãnh đạo hai nước trao đổi ý kiến về các tranh chấp trên biển, cho rằng không nên để tranh chấp trên biển ảnh hưởng tới đại cục hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Lãnh đạo hai nước khẳng định sẽ thông qua đối thoại hòa bình để xử lí tranh chấp, tiếp tục giữ gìn hòa bình, an toàn và ổn định của khu vực cũng như tạo dựng môi trường tốt đẹp để tăng trưởng kinh tế. Hai bên khẳng định tôn trọng và tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải, được kí kết giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN năm 2002” trong đoạn 5 “Tuyên bố chung Philippines – Trung Quốc” ngày 01/9/2011 ; (4) “Các bên có liên quan cam kết tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế được công nhận, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán sẽ do các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” trong điều 4 Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Nam Hải năm 2002.

Trung Quốc cho rằng các tuyên bố song phương và đa phương này “theo cùng một mạch, tạo thành thỏa thuận giữa hai nước Trung Quốc và Philippines. Theo đó, hai nước có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp liên quan thông qua đàm phán”. Do đó, “đối với tất cả các vấn đề liên quan đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Nam Hải, bao gồm cả vấn đề trọng tài do Philippines đề xuất, phương thức giải quyết tranh chấp được hai bên thống nhất là đàm phán, không bao gồm bất kì phương thức nào khác.”[1177] Việc Philippines thông qua kiện tụng để giải quyết vấn đề là vi phạm nguyên tắc thành tín và thỏa thuận giữa hai bên. Vì điều này mà “Nhân dân nhật báo” cũng đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông:[1178] “Đại diện của Philippines đã nói xằng bậy tại phiên tòa rằng ‘Tuyên bố từ trước đến nay chưa từng tạo ra quyền lợi và nghĩa vụ’, chỉ là ‘biện pháp tạm thời’ để ‘thỏa hiệp lẫn nhau’, xuyên tạc con đường ‘giải quyết tranh chấp thông qua hiệp thương đàm phán hữu nghị’ mà các bên đã cùng cam kết lựa chọn, cho rằng cam kết này không có tính ràng buộc, và không đạt được bất kì kết quả mong đợi nào.”

Luận điểm này của phía Trung Quốc thiếu sự cân nhắc. Thứ nhất, lịch sử hình thành của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (xem V.7) là bằng chứng rất ăn khớp với quan điểm của Philippines. Vào những năm 1990, Philippines và ASEAN đề xuất việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông. Nhưng Trung Quốc không muốn kí kết một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc, chỉ muốn kí kết một tuyên bố không có tính ràng buộc. Cuối cùng, các nước ASEAN đành phải thỏa hiệp để đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc. Vì vậy, như Ngoại trưởng Philippines đã nói, “Tuyên bố” đã trở thành biện pháp tạm thời không có tính ràng buộc pháp lí theo yêu cầu của Trung Quốc. Còn về các “tuyên bố” khác giữa Trung Quốc và Philippines đều mang mục đích chính trị, chưa chắc đã có tính ràng buộc.

Thứ hai, dù giữa Trung Quốc và Philippines đã từng có tuyên bố về giải quyết thông qua đàm phán, nhưng Trung Quốc luôn kiên trì đàm phán song phương, còn Philippines kiên trì đàm phán đa phương. Hai bên vì điều này đã nhiều lần trao đổi công hàm, nhưng cũng đã mấy chục năm vẫn chưa thể giải quyết. Vì vậy, giữa Trung Quốc và Philippines chưa hẳn đã đạt được sự đồng thuận về phương thức đàm phán. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế, bao gồm Philippines trong nhiều năm đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc giải thích định nghĩa của “đường 9 đoạn” trong nhiều dịp, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức. Vì vậy, trường hợp này phù hợp với tình hình “đã áp dụng phương pháp này mà vẫn chưa thể giải quyết”.

Thứ ba, mặc dù Tuyên bố đương nhiên đề xướng thông qua đàm phán hiệp thương để giải quyết tranh chấp, nhưng vào năm 2012, sau sự kiện bãi Scarborough, Philippines đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tiến hành đàm phán, nhưng đều bị từ chối. Chính điều đó đã buộc Philippines phải dấn vào con đường trọng tài. Trung Quốc một mặt nói chỉ có thể thông qua đàm phán, mặt khác lại từ chối đàm phán, thực tế là muốn mượn “đàm phán” làm cái cớ nhằm cản trở các nước nhỏ giải quyết vấn đề thông qua các con đường hòa bình và hợp pháp khác. Thực tế là sau sự kiện bãi Scarborough, quan hệ Trung Quốc – Philippines đã xấu đi nghiêm trọng, mất đi cơ sở để tiếp tục đàm phán.

Philippines có lạm dụng thủ tục tố tụng hay không?

Một luận điểm khác của Trung Quốc là Philippines lạm dụng thủ tục tố tụng, tức là việc tố tụng là bất hợp pháp về thủ tục. Ví dụ, Tào Quân cho rằng: Việc Philippines đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế mà không bàn bạc trước với Trung Quốc là vi phạm “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông” năm 2002, và cũng vi phạm khoản 1, điều 281 Công ước về “Thủ tục phải tuân theo khi các bên không đạt được cách giải quyết”.[1179] Đó là:

Khi các quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước đã thỏa thuận tìm cách giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình theo sự lựa chọn của mình, chỉ được áp dụng thủ tục quy định trong phần này khi không đạt được một cách giải quyết bằng phương pháp này và khi thỏa thuận giữa các bên không loại trừ khả năng phải tiến hành một thủ tục khác”.

Philippines còn đồng thời vi phạm điều 283 về “Nghĩa vụ về trao đổi quan điểm”:

(1). Khi có tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, các bên tranh chấp tiến hành ngay một cuộc trao đổi quan điểm về cách giải quyết bằng thương lượng hay bằng các biện pháp hòa bình khác.

(2). Nếu thủ tục giải quyết tranh chấp này kết thúc mà tranh chấp vẫn chưa được giải quyết; hoặc khi đã đạt được biện pháp giải quyết nhưng tình hình lại đòi hỏi phải trao đổi phương thức thực hiện thì các bên tranh chấp lập tức trao đổi ý kiến.”

Trong Tuyên bố, quả thực có nêu: “Các bên liên quan cam kết tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán sẽ do các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Nhưng Trung Quốc đã từ chối đàm phán, thì có lí gì để cho rằng Philippines không có quyền tìm kiếm sự giúp đỡ từ Tòa án quốc tế. Hơn nữa, giải quyết thông qua Tòa án quốc tế cũng là biện pháp hòa bình.

Hơn nữa, Điều 281 không quy định hai bên bắt buộc phải giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương. Cho dù giữa Trung Quốc và Philippines đã đồng ý “tự thỏa thuận lựa chọn biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”, nhưng “áp dụng phương pháp này mà vẫn chưa thể giải quyết được” thì Philippines vẫn có quyền đưa vấn đề ra tòa.

Điều 283 quả thật quy định nghĩa vụ phải trao đổi quan điểm về các tranh chấp liên quan đến “việc giải thích hoặc áp dụng Công ước” chứ không phải về các đề mục tranh chấp cụ thể, nhưng không có yêu cầu rằng việc trao đổi quan điểm phải được thực hiện trước khi đưa ra trọng tài. Huống hồ giữa Philippines và Trung Quốc quả thực đã trao đổi ý kiến. Ví như Tổng thống Aquino III đã nhiều lần tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là bất hợp pháp, nhưng Trung Quốc cũng nhiều lần bày tỏ: Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh chấp đối với quần đảo Nam Sa và các vùng biển xung quanh. Aquino cũng nhiều lần tuyên bố việc tàu Trung Quốc quấy nhiều hoạt động của tàu Philippines, nhưng Trung Quốc nhiều lần bày tỏ rằng có quyền tài phán đối với những vùng biển này. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhiều lần đưa ra các tuyên bố tương tự tại các hội nghị quốc tế. Tào Quân cho rằng trong tham vấn ngoại giao giữa Trung Quốc và Philippines chưa chắc đã có việc hai bên trao đổi ý kiến (việc này tác giả chưa thể xác nhận), nhưng việc trao đổi ý kiến không chỉ giới hạn ở một hình thức là tham vấn ngoại giao giữa hai bên. Tuyên bố của Tổng thống, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng như việc bày tỏ thái độ của các cơ quan liên quan của Trung Quốc cũng là một hình thức trao đổi ý kiến. Thực tế là Philippines đã nhiều lần thông báo cho Trung Quốc và yêu cầu đàm phán, nhưng Trung Quốc kiên quyết từ chối, đồng thời còn “chỉ trích” Philippines tại các cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao.

Kết quả trọng tài về thẩm quyền

Ngày 29/10/2015, Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết về vấn đề thẩm quyền và khả năng thụ lí: xác định có thẩm quyền xét xử đối với các yêu cầu khiếu kiện số 3, 4, 6, 7, 10, 11 và 13 mà Philippines đưa ra; gác lại vấn đề thẩm quyền đối với các yêu cầu khiếu kiện số 1, 2, 5, 8, 9, 12 và 14 cho đến giai đoạn thực tế mới xem xét; yêu cầu Philippines làm rõ nội dung và thu hẹp phạm vi của yêu cầu khiếu kiện số 15, và cũng gác lại vấn đề thẩm quyền đối với yêu cầu tố tụng này đến giai đoạn vấn đề thực thể mới xét đến.

Việc Trung Quốc cho rằng “Philippines không tuân thủ thỏa thuận” và “lạm dụng tố tụng” đã bị bác bỏ. Tòa trọng tài cho rằng: Tuyên bố giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002 cũng như một loạt các tuyên bố giữa Trung Quốc và Philippines đều là thỏa thuận chính trị, không có tính ràng buộc pháp lí. Các tuyên bố này không hề quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc và cũng không loại trừ các phương thức giải quyết khác. Về nghĩa vụ “trao đổi ý kiến”, Tòa trọng tài cho rằng một số hồ sơ thư từ ngoại giao mà Philippines đưa ra đã đáp ứng được yêu cầu này: “Philippines đã thể hiện rõ ràng ưu tiên đàm phán đa phương, có sự tham gia của các quốc gia xung quanh khu vực biển Đông, còn Trung Quốc thì kiên trì quan điểm đối thoại song phương”. Tòa cũng cho rằng: “Philippines đã tìm cách để đàm phán với Trung Quốc, hơn nữa còn bày tỏ rằng luật pháp quốc tế đã được chấp nhận rộng rãi không yêu cầu một quốc gia phải tiếp tục tiến hành đàm phán khi thấy rằng khả năng giải quyết tranh chấp bằng thương lượng đã cạn kiệt”.

Về cáo buộc “lạm dụng tố tụng” của Trung Quốc đối với Philippines, “Tòa Trọng cho rằng sẽ hợp lí hơn khi coi những lo ngại của Trung Quốc về thẩm quyền tài phán của Tòa như là một sự phản đối ban đầu”. Có nghĩa là, nếu như Trung Quốc đưa ra những lập luận này trong giai đoạn đầu của vụ trọng tài (trước khi các quy định tố tụng áp dụng cho vụ kiện trọng tài được thông qua vào ngày 30/8/2013), các ý kiến này sẽ được xem xét nghiêm túc hơn. Nhưng lúc đó Trung Quốc không tham gia, cũng không công bố “Tài liệu lập trường”, vì vậy nó không thể dùng làm một điểm tranh tụng có sức mạnh trong giai đoạn hiện tại. Có thể thấy rằng, chiến thuật không tham gia của Trung Quốc đã gây ra tình huống bất lợi tương đối nghiêm trọng. Về tuyên bố miễn trừ của Trung Quốc và luận điểm cho rằng vấn đề biển Đông thực chất là tranh chấp chủ quyền, Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết tương tự với phân tích của tác giả, cho rằng vụ kiện do Philippines đưa ra không liên quan đến chủ quyền, cũng không phải là phân giới biển, vì vậy Tuyên bố miễn trừ của Trung Quốc không thể cản trở thẩm quyền của Tòa trọng tài.

Đối với Philippines, dù phán quyết không phải là thắng lợi trọn vẹn, nhưng cũng có thể coi là thắng lợi lớn. Việc bác bỏ thẩm quyền của Tòa trọng tài được cho là pháo đài vững chắc nhất của Trung Quốc. Một khi vượt qua được cửa ải này, hy vọng giành chiến thắng của Philippines tại đa số các yêu cầu tố tụng tăng lên mạnh mẽ.


[1154] Renato Cruz De Castro, China’ s Realpolitik Approach in the South China Sea Dispute: The Case of the 2012 Scarborough Shoal Stand-Off, “Managing Tensions in the South China Sea’’ conference held by CSIS on June 5-6, 2013. http://csis.org/files/attachments/130606_DeCastro_ConferencePaper.pdf.

[1155] http://www.philippineembassy-usa-org/news/3071/300/Statement-by-Secretary-of-Foreign-Affairs-Albert-de-Rosario-on-the-UNCLOS-Arbitral-Proceedings-against-China-to-Achieve-a-Peaceful-and-Durable-Solution-to-the-Dispute-in-the-WPS/d.phildet/

[1156] Ban đầu, Chủ tịch Tòa trọng tài là thẩm phán người Sri Lanka, ông Chris Pinto, sau đó đổi thành ông Thomas Mensah. Nghe nói vợ ông Chris Pinto là người Philippines, do vậy có liên quan đến xung đột lợi ích. Tuy nhiên, đây có phải là lí do thay người hay không cũng chưa có cách giải thích chính thức.

[1157] http://pca-cpa.org/en/services/arbitration-sevices/unclok/

[1158] http://www.mb.com.ph/un-tribunal-adopts-ph-china-case-rules/

[1159] http://news.xinhuanet.com/world/2014-12/07/c_1113547390.htm

[1160] http://www.rappler.com/nation/111142-philippines-china-case-tribunal-jurisdictionaward

[1161] Chuyên mục “Tiếng chuông” với tiêu đề “Chủ quyền của Trung Quốc đối với “các đảo Nam Hải” không dễ dàng để phủ định”, đăng trên Nhân dân nhật báo ngày 15/12/2015.

[1162] “Văn kiện lập trường”, đoạn 16-17.

[1163] “Văn kiện lập trường”, đoạn 16.

[1164] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article15.shtml

[1165] “Văn kiện lập trường”, đoạn 15.

[1166] Như trên.

[1167] Lí Kim Minh, “Vì sao Philippines lại đưa vấn đề “Nam Hải” ra Tòa trọng tài quốc tế”, “Tri thức thế giới”, kì thứ 10 năm 2013.

[1168] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article15.shtml

[1169] Điều 15: Phân định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau.

[1170] Điều 74: Phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hoặc đối diện nhau (158).

[1171] Điều 83: Phân định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau.

[1172] Lí Kim Minh, “Vì sao Philippines lại đưa vấn đề “Nam Hải”ra Tòa trọng tài quốc tế”, “Tri thức thế giới”, kì thứ 10 năm 2013.

[1173] http://www.cnas.org/files/documents/publications/CNAS_Bulletin_Dutton_TheSinoPhilippineMaritimeRow_0.pdf

[1174] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article15.shtml

[1175] http://www.un.org/zh/law/sea/los/annex7.shtml

[1176]Văn kiện lập trường”, Đoạn 30-56.

[1177]Văn kiện lập trường”, Đoạn 39-41.

[1178] “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Nam Hải” không thể tùy tiện”, “Nhân dân nhật báo”, ngày 06/12/2015.

[1179] Tào Quân, “Tranh chấp “Nam Hải” và trọng tài quốc tế: việc khiếu nại tùy tiện của Philippines”, “Nghiên cứu vấn đề quốc tế”, kì thứ 4 năm 2013. http://www.ciis.org.cn/gyzz/2013/07/23/content_6145777.htm