Đông Ngàn Đỗ Đức
ĐỨC " RÂU"
(Về họa sĩ Phạm Mạnh Đức – một quái kiệt tại chức)
Anh ấy trùng tên tôi, nhưng phần đệm hơn được chữ Mạnh, còn tôi thì đệm thì chỉ có chữ Văn.
Mặt dài, râu quai nón, nhưng nhìn thẳng hai gò má cao, đến cằm thu lại hơi mất cân đối. Chân răng bám cặn khói thuốc lào đen sì, một chiếc răng cửa hơi nghiêng làm cho khuôn mặt toát ra vẻ dân dã nghịch ngợm. Bộ râu quai nón có thể cải thiện cho những cái thiếu hụt ấy, nhưng tuổi trẻ mấy ai nghĩ đến để râu. Chỉ loi thoi như lông măng vịt là cạo luôn. Mạnh Đức giống như tôi, cũng chẳng bao giờ để ý đến hình thức.
Có lần Mạnh Đức tự xem tướng cho mình. Nó bảo tôi: “Tướng tao vô hậu mày ạ. Nhìn mặt tao đấy, thấy ngay. Nhưng kệ đời, giời cho sao chịu vậy. Thắc mắc thế quái nào được với giời”. Rồi nó buông một vẻ cười bất cần!
Lứa tại chức là dân tứ chiếng, phần lớn đều có dính đến công việc đang làm ở cơ quan như trình bày báo, kẻ vẽ khẩu hiệu, làm tranh cổ động, vẽ tiền ngân hàng hoặc chế tác đạo cụ sân khấu, vẽ phim hoạt hình… linh tinh lắm. Riêng Mạnh Đức xuất thân là dân bóng đá, nhảy sang làm công tác tổ chức ở Sở Lâm nghiệp Tuyên Quang rồi đi học hàm thụ vẽ từ vai anh cán bộ tổ chức.
Mình cũng cứ cấn trong đầu thời gian dài, ngữ nó sao lại làm tổ chức được.
Tính Mạnh Đức cũng lạ. Hôm mới tập trung, đứng ở sân trường, một thằng bá vai nó tớ tớ cậu cậu, nó lấy tay gạt ra nói toẹt: “Này tôi chưa thân cậu đến mức bá vai bá cổ cậu tớ thế đâu nhá”. Sẵng thế làm thằng kia mất điện toàn phần luôn.
Nhũng năm sau ngày thống nhất ấy kinh tế cả nước khó khăn, đói và rách. Có người kêu lên, thống nhất thế này thì thống nhất làm gi. Cổng trường Yết Kiêu, đối diện bên kia đường là cung Công nhân (giờ là cung hữu nghị Việt Xô) có bức tường cao trên hai mét chạy dài mặt phố. Một hôm đến lớp sớm, thấy công an chặn đầu đường, bắt đi đường khác, tôi cự lại: “Vậy tôi đi đường nào vào lớp?”. Thế là công an đành phải cho vào. Thì ra trên bức tường dài ấy, ai đó ôm dây muống bè rõ nhiều vắt dọc bờ tường đến chục mét. Bên dưới dùng chổi quét vôi xả tràng dài ca từ của bài hát: “Cho hôm nay… cho ngày mai… và cho muôn đời sau”… Sự phản ứng xã hội lúc ấy âm thầm mà quyết liệt. Công an phải chặn đầu đường để cho người xóa dòng chữ đó và dọn dẹp đám rau muống mất cả ngày.
Con cà con kê thế để minh họa cho cái thời đi học trong thiếu thốn của chúng tôi vất vả ghê gớm như thế nào.
Sáng vẽ hình họa, mười lăm phút giải lao thường nhao ra cổng chè chén kẹo lạc. Đứa nào khá hơn thì rút điếu thuốc lá cuốn Đình Bảng.
Hai ba thằng thôi, vài ba chén nước, điếu thuốc mà đứng dậy thằng nọ nhìn đứa kia chờ được người khác giải ngân, may ra cấu véo được của bạn một tí.
Mạnh Đức không bao giờ có mặt ở đám nước nôi đó. Nó lặng lẽ lỉnh đi đâu đó.
Buổi trưa cũng vậy.
Về sau có đứa phát hiện ra Mạnh Đức cũng đi uống nước, ăn phở, nhưng lặng lẽ một mình. Không bao giờ anh ta thích xô bồ đàn đúm.
Lúc ấy buổi trưa có tiền ăn phở là đã vào hàng thiếu gia. Chi tiết biết thêm sau là mẹ Mạnh Đức là người buôn bán, được mẹ chu cấp nên tiền nong có hơn người khác.
Thực ra đó cũng là thói quen độc lập của nó. không bầy đàn, không phiền hà ai và cũng không để ai phiền hà mình. Nhưng thời ấy những khác biệt ấy luôn bị soi.
Nhưng Mạnh Đức không đổi cách sống.
Một hôm nằm chèo khoeo nghỉ trưa trong kí túc xá, Đức hóm hỉnh kể với tôi:
- Mày ạ, mấy hôm trước mình đang lơ ngơ dưới sân, bỗng có ông mũ lá bật vành, quần ống cao ống thấp chật chưỡng đến hỏi tên một thầy nào đó. Mình mới về trường biết ai với ai, lại ngỡ là ông thợ mộc thợ xây gì, mình lấp lửng: “Biết đéo đâu đấy. Ông vào trong ấy mà hỏi”. Ông ấy lặng lẽ bỏ đi. Ba ngày sau mới biết là thầy Trần Lưu Hậu. Thật chẳng biết lỗ nẻ nào mà chui nữa.Thế là từ đấy rút kinh nghiệm, gặp ai cũng chào thầy. Hôm qua vừa chào xong mới phát hiện ra đó là cái lão Minh béo cấp dưỡng chuyên mua rau cho nhà bếp…Đ. mẹ!”.
Năm cuối làm bài thi ra trường, Mạnh Đức bảo tôi: “Tao muốn chọn cảnh đi chợ về nhưng đếch biết bố cục thế nào, mày giúp tao cái”. Tôi vơ tờ giấy bên cạnh quạt vài đường cho nó nhìn: đôi vợ chồng Hmông đeo gùi dắt con, đằng sau thấp thoáng một người vác cái chảo gang to và con ngựa bạch lúi húi bước theo.
Mạnh Đức reo lên, được rồi. Bức tranh lụa ra trường của nó được Bảo tàng Mỹ thuật mua. Còn mấy sau ra trường, dựa trên phác họa đó tôi làm bức tranh khắc gỗ, Bảo tàng lại mua nốt.
Ra trường Mạnh Đức về thành Tuyên. Nghề vẽ về tỉnh lẻ khó kiếm sống nên nó mở hiệu kem, chiếm mép hè đường. Tám năm mua được đất xây nhà. Một hôm lên công tác Tuyên Quang tôi ghé nhà nó. Trông thấy tôi nó reo lên: “À, Đức Mao đây rồi. Tao đang rất cần gặp mày”.
Nó nói luôn: “Tao nghe mày triển lãm hai mươi ngày, bán mười ngàn đô, hai mươi ngày của mày vinh quang bằng 8 năm tao làm kem lừa mấy thằng Mán. Tao sẽ quay lại nghề vẽ thôi”. Đó là năm 1993.
Nó xoay xoay cái điếu cày, ghé nõ điếu vào cái bật lửa ma-nhê-tô bắn cái rẹt một phát thuốc lào. Sau ngả người phả khói ngược lên mái nhà, nói trong làn khói trắng: “Tao định quay lại nghề vẽ, mày ạ”.
Lúc này tôi mới biết thêm nghị định 35 giải phóng hè đường bị lấn chiếm. Nó bị hót, và bây giờ bì bõm kiếm ăn bằng nghề bánh sinh nhật làm tại nhà. Nó bảo cũng kiếm được nhưng phập phù mùa vụ.
Rồi sau đó biết thêm: Sau khi ra trường nó quay xuống Hà Nội học thêm môn truyền thần của một ông tên trùng với hiệu trưởng Trần Đình Thọ ở phố Hàng Đào.
Nó cho xem mấy bức truyền thần khổ 18x24 vẽ rất siêu: “Ba chục ngàn một cái mày ạ. Cũng lại chỉ lừa được mấy thằng Mán”. Tôi nhìn nó tả cái áo da sờn nẹp, những xơ vải tua ra có bóng hắt, lắc đầu: “Tao không thể theo mày được, Đức ạ”. Nó bảo: “Phải thế thôi, không lấy đếch gì sống”.
Rồi nó dạy vẽ cho đám học thi vào ngành kiến trúc.
Tôi ngạc nhiên: “Thế mày dạy chúng đỗ nhiều không?”.
“Không đỗ thì chúng đến học tao làm gì”.
Sau này mới biết mỗi lần giáp kì thi nó nhảy xe khách về trường trước tìm sự phối hợp tay trong.
Nghề kiếm sống là thế, ngoắt ngoéo lắm.
Khi tôi triển lãm bán tranh rào rào, nó biết thông tin ngay. Gặp tôi nó bảo luôn: “Tao sẽ quay lại nghề vẽ, mày giúp tao không?”. Tôi chần chừ: “Mày chục năm làm kem bán bánh xây nhà, giờ quay lại vẽ, liệu có làm được không?”.
Tôi hỏi nó: “Mày có bán tranh một đô không?”.
Nó cười: “Hai hào tờ giấy dó, vẽ bán một đô là mười một nghìn, buôn gì lãi như thế, còn đòi gì hơn”.
Sau nó cười bảo tôi: “Tao đùa thôi, nhưng cái này là suy nghĩ của tao, mày nghe đây: khi tao vẽ tranh có người mua nghĩa là xã hội còn chấp nhận tao, thì đó là cái cần nhất, còn rẻ đắt không thành vấn đề. Có người chấp nhận là tao tồn tại!”.
Suy nghĩ của nó rất đúng.
Nói rồi là bắt tay làm ngay. Buổi đầu tôi giúp nó gửi tranh đặt giá với gallery. Sau 2 năm nó trở thành người bán tranh hot một thời.
Vào năm 2005 tôi nhận được một cú điện thoại: Đức Râu bệnh nặng, đến thăm nó ở bệnh viện Bạch Mai ngay đi. Tôi xộc đến bênh viện. Nó nằm lăn lóc ỏ hành lang, người gầy nhom, mặt trắng bệch dài ngoẵng ra, râu tua tủa. Nó vui vẻ nói với tôi những câu chuyện phớt đời. Vợ nó kéo tôi ra góc mắt rớm hai hàng lệ: “Anh ấy bị máu trắng, khó qua lắm”.
Nó lặng lẽ ra đi sau đó ít ngày. Cũng xong một cuộc đời ham mê kiếm sống.
Thế là đã 7 năm trôi qua.
16/8/2013- 0g30 phút.