Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (31)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

HỌA SĨ VĂN GIÁO VỚI TRANH MÀU BỘT

 

Tôi còn nhớ vào những năm sáu mươi thế kỉ trước, chào mừng Đại hội Văn nghệ toàn quốc, trang cuối cùng của tờ văn nghệ Hội Nhà văn, họa sĩ Nguyễn Bích có chùm tranh vui vẽ các gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu, trong đó có hình ảnh họa sĩ Văn Giáo, đầu đội mũ lá, vai đeo cặp vẽ, quần xắn móng lợn, tay nắm đuôi ngựa của bộ đội biên phòng níu lại… Nguyễn Bích rất hóm, ông nắm đặc điểm làm việc của mỗi nghệ sĩ để thể hiện. Hình ảnh Văn Giáo trong tranh cho thấy ông là người trực họa, đôi chân băm bổ trên khắp nẻo đường đất nước, lúc ấy đi lên biên giới đâu có như ngày nay, gian khổ vì đường sá, xe cộ quá hiếm hoi, chỉ đôi chân trần cuốc bộ mà thế hệ cha anh trong đó có Văn Giáo đã làm nên những trang nghệ thuật thực sự có sức nặng tình cảm để bạn bè phải nể phục.

Nói đến Văn Giáo là nhớ đến màu bột của ông. Họa sĩ Văn Giáo có nhẽ là người đeo đuổi với chất liệu màu bột gần như cả đời. Từ những năm kháng chiến trên núi rừng Việt Bắc đến sau chiến thắng Điện Biên, màu bột phủ lên toàn bộ đời sống Mỹ thuật của miền Bắc. Từ họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, v.v. hầu như ông nào cũng vẽ màu bột, và đều có những tranh rất đẹp. Rồi dần dần các họa sĩ lớp đàn anh tản ra, mỗi người theo một chất liệu khác mình yêu thích như sơn dầu, sơn mài khắc gỗ. Riêng Văn Giáo vẫn cứ bột màu mà quất! Hộp bột màu theo chân ông lên Đồng Văn, vượt Mã Pì Lèng, sang Lai Châu, Sơn La Tây Bắc rồi Đông Bắc, Cẩm Phả. Ông là người đi khỏe vẽ khỏe gần như không ngưng nghỉ và không ai có thể có đủ sức khỏe để theo kịp chân ông. Những năm ấy miền núi hoang sơ, miếng ăn đói kém, tranh vẽ để đấy chứ bán cho ai, vậy mà động lực nào để ông có thể sải bước đến những nơi xa xăm gian khổ, nghĩ đến đã thấy rùng mình. Chỉ có tình yêu thiên nhiên đất nước đến tầm say đắm mới làm được như ông. Tôi nói thế vì trên nửa thế kỉ trước miền núi không như bây giờ, chỗ nào cũng đầy hiểm họa từ thiên nhiên đến an ninh, vậy mà ông vẫn đi hết năm này tháng khác. Văn Giáo như hòa lẫn với thiên nhiên bằng những tranh phong cảnh khá đẹp, từ những ngày đầu như Đền Voi Phục, Văn Miếu, hồ Gươm và sau đó là Tây Bắc rồi Việt Bắc. Ông là họa sĩ đầu tiên đi miền núi nhiều nhất và cũng duy nhất một chất liệu bột màu. Sau này ông có bộc lộ tham vọng vẽ 100 tranh về Hồ Chủ tịch để bày khi ông trăm tuổi, nhưng dự định đó không thành, ông ra đi năm 1996, đến nay vừa tròn 20 năm và năm 2016 này cũng là năm kỉ niệm 100 năm năm sinh họa sĩ Văn Giáo.

Có người đánh giá họa sĩ Văn Giáo suốt đời theo đuổi đề tài cụ Hồ. Và thực tế gần cuối đời ông đã miệt mài theo đuổi đề tài đó. Có thể khi ấy sức khỏe không cho phép ông đi xa. Hầu như tranh về Hồ Chủ tịch ông vẽ theo ảnh, kĩ càng và gắng sức. Nhưng là một họa sĩ, tôi cũng xin nói thành thật là những tranh trực họa thiên nhiên của ông mới chính là ông, còn những tranh chạy theo đề tài vì thực hiện mục tiêu chính trị nên bị gò theo tư liệu, thiếu hẳn cảm xúc chân thực là cái tâm cốt của tác phẩm. Cho nên tôi nghĩ rằng ông đã nhầm lẫn hoăc tự dối mình thôi. Với tôi thì Văn Giáo chính là họa sĩ của phong cảnh đất nước. Những tranh phong cảnh của ông thật sự gây được sự lắng đọng sâu xa trong lòng người xem. Ông xử dụng chất liệu màu bột giỏi như người quen vẽ thủy mặc. Màu bột trông đơn giản thôi nhưng vẽ độ đậm vừa mắt thì thế nào khi khô tranh cũng bạc. Vẽ bột màu xứ lý không giỏi dùng trắng tranh dễ bị vôi. Chỉ người làm nghề mới thấy điều này. Văn Giáo dành hết tình yêu cho màu bột nhưng sau này ông cũng không tránh hết được những sai sót dễ mắc của chất liệu khi dùng trắng.

Tranh màu bột của Văn Gíao nhiều bức có phong thái dịu dàng, êm mát như tiếng kèn của Mạnh Tuấn trải dài trên quê hương. Ông vẽ những hàng bạch đàn mà nhìn thấy lá lao xao trong nắng. Phải tinh tế lắm mới làm bức tranh tĩnh thành động. Ông thật hạnh phúc vì đã thàng công trong chất liệu này.

Kỉ niệm một trăm năm sinh, tại Bảo tàng Mỹ thuật từ ngày 6/10 đến 14/10/ 2016 có một triển lãm tranh ông. Không rõ gia đình còn giữ lại được bao nhiêu tác phẩm. Tôi biết cũng như nhiều họa sĩ tài năng khác, Văn Giáo sống rất nghèo, nên những năm mở cửa có một khách người Mỹ đến mua ông đã bán một số lớn tranh để trang trải cuộc sống gia đình nên có thế sẽ không còn tranh đẹp. Nhưng có điều an ủi rằng: con người tha hương thì có thể có những dằn vặt, nhưng tác phầm nghệ thuật của các họa sĩ tha hương thì sang trọng hơn, sẽ được nâng niu vì nó là một giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật, là tinh thần còn lại của một con người. Tôi rất mừng cho cố họa sĩ đã có nhiều tác phẩm đến nơi đất khách. Nó cũng là những giá trị của Văn học Nghệ thuật Việt góp phần nhỏ làm nên văn hiến nước nhà, được trân trọng, chẳng đáng mừng lắm sao?

Xin có lời chúc triển lãm thành công và mong ngày khai mạc ông trở về như đúng ước vọng hai mươi năm trước: 100 tuổi, tôi sẽ làm một triển lãm thật hoành tráng. Ước vọng đó hôm nay các con ông đã thực hiện cho ông được toại nguyện.

2/10/2016