Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Những giọt ký ức lấp lánh: ĐÁM CƯỚI TRÊN ĐỒI

Nguyễn Thị Hiền

 

Có hai đám cưới trên Đồi mà tôi không bao giờ quên. Một là đám cưới cô Uyên tôi lấy chú Nam. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm không nhớ được, nhưng thường được nghe bố mẹ tôi và cô tôi kể lại. Đám cưới trên Đồi có bác Văn Cao hát bài Sông Lô, bác Nguyễn Đình Thi hát bài Người Hà Nội. Chắc đó là lần đầu tiên hai bác biểu diễn, tự hát bài hát của mình mà các bác mới sáng tác cho các bạn nghe, trước đám đông như vậy. Rồi hát chèo, hát tuồng, hát quan họ..., bác Nguyên Hồng ngâm thơ, lại có cả ngâm thơ của bác Hoàng Cầm nữa. Bố tôi cũng đóng một vai trong vở kịch của bác Hoàng Cầm để mừng em gái mình đi lấy chồng. Mỗi lần nghe bố mẹ hay cô tôi kể lại vẫn xúc động vô cùng.

Đám cưới thứ hai là đám cưới của bác Đỗ Nhuận và cô Túc. Mẹ tôi là bà mối, đã làm mối cô Túc là em gái vợ bác Nguyên Hồng gả cho bác Đỗ Nhuận.

Cô Túc da trắng lắm, môi cô hồng, có lẽ cô xinh nhất trên quả đồi này. Cô thường được phân công chăm nom lũ trẻ chúng tôi những lúc mẹ tôi cùng bác Nguyên Hồng gái, và bác Tạ Thúc Bình gái đi nhận, hay đi trả hàng quân nhu cho bộ đội.

Ở Đồi khi đó chỉ còn cô Túc và lũ trẻ con chúng tôi. Cô cho chúng tôi ăn, không cho chúng tôi nghịch bẩn, hoặc đánh nhau. Cô kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe, dạy chúng tôi hát, múa, tính cô nhẹ nhàng, cười rất có duyên – tôi yêu cô lắm. Thấy mẹ làm mối cô cho bác Đỗ Nhuận, ghen quá, không đồng ý, chỉ sợ mất cô thôi.

Rồi một hôm bác Đỗ Nhuận về Đồi Cháy. Bác cùng cô Túc ngồi nói chuyện trong nhà tôi. Tôi tụ tập các bạn – anh Hà, Giang, Sơn con bác Nguyên Hồng, chị Huyền, chị Tâm, Hương con bác Tạ Thúc Bình, tôi cùng hai em tôi Chương, Hạnh, đứng sắp hàng bên ngoài sân miệng đồng thanh kêu to:

- Cô Túc ơi ra trông chúng cháu.

Cứ gào đến lúc cô Túc phải bước ra mới thôi.

Thế rồi đám cưới vẫn diễn ra trong sự lo lắng sợ bác Đỗ Nhuận lấy mất cô Túc của tôi.

Rồi một hôm bác Đỗ Nhuận về trên Đồi cùng một đoàn quân nhạc hùng dũng, đám cưới vẫn diễn ra, tôi không còn khư khư giữ cô Túc nữa, mắt tôi tròn xoe, mồm há hốc.

Bác Đỗ Nhuận đứng phía trước, dàn quân nhạc đứng phía sau. Tất cả các chú mặc đồng phục màu xanh bộ đội, các cô mặc quân phục, váy ngắn đi giày bốt đen cao cổ. Mũ, quân hàm sao vàng lấp lánh, ngù, thắt lưng khóa đồng sáng loáng...

Tiếng nhạc réo rắt cất lên, bác Đỗ Nhuận chơi đàn violon réo rắt. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cây đàn này, rồi những chiếc kèn đồng to nhỏ khác nhau, vàng chóe, sáng loáng, lấp lánh, rồi đàn accordion nhịp nhàng. Và một dàn nhạc sỹ, ca sỹ cất lời ca du dương, hùng dũng.

Không nhớ nổi bài gì vì mắt cứ dán vào bác Đỗ Nhuận. Hình như bác và dàn đồng ca chơi bài Du kích sông Thao. Chỉ nghe âm thanh rầm rập, trầm trầm, âm vang, rồi lại réo rắt bay vút lên cao, bay tít ra đồng ruộng, lại bay tới trời xanh.

Chiếc đàn tựa vào cằm bác, một tay đỡ đàn, ngón tay bấm nút dây đàn rung rung, tay kia cầm cần kéo đưa lên đưa xuống, tiếng đàn réo rắt, vút ra từ cây đàn, từ người điều khiển là bác Đỗ Nhuận.

Thôi tôi đồng ý để cô Túc lấy bác Đỗ Nhuận rồi, không sợ mất cô Túc nữa, lại thấy yên tâm, hãnh diện vì từ nay cô Túc đã là vợ bác Đỗ Nhuận. Mà là mẹ tôi làm mối cho hai người lấy nhau đấy nhé! Và như vậy tôi sẽ được nghe bác kéo violon, thổi kèn, ca hát cùng dàn quân nhạc thường xuyên trên quả Đồi Cháy - Đồi văn nghệ này.

Nhớ hôm 05-01-2011 chúng tôi làm nhà lưu niệm cho bố tôi. Đỗ Hồng Quân con bác Đỗ Nhuận đã lên phát biểu, trong đó Quân đã nói một câu tôi nhớ mãi:

- Cám ơn bác Kim Lân gái đã làm mối cho bố tôi lấy mẹ tôi, để có được tôi ngày hôm nay.

Đỗ Hồng Quân bây giờ cũng là nhạc sỹ, là Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam như bác Đỗ Nhuận ngày nào. Quân dáng người thấp lùn to con như bố, nhưng có nụ cười duyên dáng, đẹp như cô Túc của tôi thuở nào vậy.

 

 

ĐÀN. Sơn dầu 100 × 100

 

LŨ TRẺ TRÊN ĐỒI. Sơn mài 120 × 80

 

EM BAY. Sơn dầu 100 ×90