Nguyễn Thị Hiền
Bây giờ là những ngày cuối tháng 12 năm 2024. Đã 52 năm trôi qua. Vậy mà những kỷ niệm của tháng 12 năm 1972 vẫn y như mới ngày nào.
Thời gian này tôi làm ở tạp chí Thanh Niên, do tôi phụ trách việc trình bày và theo dõi việc in báo tại nhà in, nên đa phần tôi ở Hà Nội để trực tiếp theo dõi việc in báo tại nhà in Nhân Dân ở Hà Nội. Nhưng dù vậy tôi vẫn phải theo cơ quan sơ tán những khi báo đã in xong, hoặc khi tình hình chiến tranh căng thẳng.
Cơ quan tôi sơ tán ở huyện Đan Phượng. Gia tài của tôi chắng có gì quan trọng ngoài tranh và sách. Vì vậy tôi chở tranh và một ít sách lên chỗ sơ tán. Tôi cứ cặm cụi buộc tranh sau xe đạp chở dần lên chỗ sơ tán. Cứ chăm chỉ y như kiến tha mồi về tổ vậy.
Tranh chở lên chỗ sơ tán, do ở nhà dân nên cứ buộc để nguyên không có chỗ treo. Tôi lại thường xuyên phải về Hà Nội trực ở nhà in để theo dõi in báo.
Về nhà ở Hạ Hồi nhìn tường trống trơn vì tranh đã chở lên chỗ sơ tán, cảm giác trống vắng, thiếu hụt, y như không còn phải là nhà của mình nữa.
Tôi nhớ tranh, nhớ sách, nhớ không khí làm việc, nhớ những bức tường của mình lúc nào cũng treo kín tranh, chẳng biết làm thế nào, tôi lại đạp xe lên chỗ sơ tán, buộc tranh vào xe đạp chở dần về Hà Nội. Cặm cụi chở tranh, cặm cụi treo tranh, và ngồi ngắm thành quả của mình.
Vừa chở tranh, vừa treo tranh xong, đang ngồi ngắm. Bỗng còi báo động kêu vang, tiếng máy bay ầm ầm, và những tiếng nổ chát chúa nghe rất gần.
Toàn bộ tranh tôi vừa treo xong đổ rầm một tiếng, rơi hết xuống sàn nhà, bao nhiêu công sức chở tranh về, công sức treo tranh tan thành mây khói. Vội kiểm tra xem tranh có bị hư hại gì không. May là không sao. Nhưng kiếu này không thể để tranh ở Hà Nội được nữa rồi.
Bom thả ở ga Hàng Cỏ phạt nguyên chóp nhà ga. Mà ga Hàng Cỏ quá gần nhà tôi, hèn gì khi bom nổ tranh của tôi rơi từ trên tường đổ ụp xuống sàn nhà hết.
Bao nhiêu công sức chở tranh về, bao nhiêu công sức treo tranh, bây giờ tôi lại phải cặm cụi buộc tranh ra xe để chở tranh lên chỗ sơ tán ngay.
Bây giờ nghĩ lại, không hiểu sao tôi lại làm được như vậy, tôi gầy nhỏ chỉ 40 kg. Ngoài vẽ và đọc sách, bố mẹ chỉ giao cho tôi mỗi nhiệm vụ rửa bát do ăn chậm nhất nhà. Vậy mà bây giờ tôi đã biết tự lo bao nhiêu việc...
Chở tranh lên Đan Phượng chỗ cơ quan sơ tán, Vừa tháo tranh, chưa kịp làm gì, bỗng tiếng nổ rền vang. Bầu trời Hà Nội chớp giật lóe sáng, tiếng bom nổ rầm rầm. Không hiểu sao tôi bỗng nói:
- Bom đánh phố Khâm Thiên rồi!
Tôi không ngủ, gần sáng tôi lẳng lặng giấu cơ quan, xách xe đạp đi về Hà Nội ngay.
Cứ y như chuyện không có thực, không hiểu sao trên đường đạp xe về, thỉnh thoảng lại có tiếng lách cách của những mảnh đạn rơi trên mũ của tôi. Và không hiểu sao tôi không thấy một chút sợ hãi nào, như có một lực hút gọi mình, tôi cứ cắm cúi nhanh chóng đạp xe về Hà Nội.
Vừa mở cửa bước chân vào nhà 6 Hạ Hồi, bỗng tôi nghe tiếng người gọi dồn dập:
- Hiền ơi, Hiền đâu rồi...
- Hiền ơi...
Tôi vội trả lời: - Hiền đây...
Cửa mở, Vũ và anh Lâm Râu lao vào nhà. Ôm chầm lấy tôi. Ba chúng tôi đứng ôm nhau lặng lẽ khóc.
Chúng tôi vẫn sống. Vẫn tồn tại. Vẫn bên nhau...
Bình tĩnh lại chúng tôi cùng nhau chạy ra phố Khâm Thiên.
Cả một dãy phố đổ nát, những người mặc áo xô trắng đang vừa khóc vừa bới móc trong đống gạch đổ nát. Ám ảnh tôi khi nhìn những cánh tay. Đầu búp bê, lẫn thịt người. Những miếng thịt lẫn trong đống gạch, những thanh sắt quằn quại, gãy đổ. Những bó nhang to cháy nghi ngút... Một hình ảnh bi thương. Câm nín. Đau đớn uất nghẹn trùm lấp.
Nỗi đau quá to lớn, không khóc được. Chúng tôi đứng lặng âm thầm chia sẻ, khấn nguyện cho mọi vong linh siêu thoát, thoát khỏi mọi khổ đau này...
Về nhà tôi lập tức lấy toan sơn ra vẽ. Cảm xúc và nỗi bi thương căm giận tràn ngập. Tôi đã vẽ lại cảnh trên nền những ngôi nhà đổ nát, những con người khăn tang, áo xô trắng xóa, những bó nhang cháy nghi ngút, họ đang bới tìm thi thể người thân của mình.
Tôi đã vẽ tả thực. Nhưng dường như không nói hết được những gì tôi cảm nhận, và muốn nói, nó vô hồn trước một sự thật quá bi hùng như vậy. Tôi đã dừng lại và tôi đã vẽ trừu tượng theo cảm xúc của mình. Những bức tranh đấy của tôi nhà sưu tập Mỹ đã mua hết.
Sau này để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tôi đã tái hiện lại bức tranh Khâm Thiên 1972 với câu thơ Vũ viết tặng tôi của những năm đau xót và hy vọng ấy.
KHÂM THIÊN 1972
Ký tự LƯU QUANG VŨ
Dòng chảy 5: NHỮNG CON CHỮ
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long