Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

Khánh Trường – Hoàn tất cuộc rong chơi!

Phạm Hiền Mây

 

I/ KHÁNH TRƯỜNG VÀ CUỐN TIỂU THUYẾT SAU CÙNG

Cuốn du ký tiểu thuyết CÙNG NHAU ĐẤT TRỜI, là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Khánh Trường, với lời đề:

TẶNG PHẠM HIỀN MÂY, GHI NHỚ MƯỜI NĂM HẠNH NGỘ.

Lúc anh quyết định ghi lời đề này ở đầu trang truyện, anh có nhắn cho tôi. Ban đầu, tôi cứ nghĩ anh nói cho tôi vui thôi, chớ việc đề tặng ai, đó là một vinh dự đặc biệt lắm, tác giả thường phải cân nhắc nhiều.

Tôi nhắn đùa lại, gì mà có mười năm, ít vậy, đợi hai mươi năm, lâu thêm một chút, rồi tặng cũng không muộn mà.

Nào dè, ít lâu sau, sách ra, và lời đề như anh nói, nằm trang trọng ở trang đầu tiên.

Ở trang kế tiếp, anh ghi bốn câu thơ của tôi:

xin thêm một ít hồn nhiên

cho nhau này chút hồn nhiên mối tình

dẫu buồn vui vẫn bóng hình

chẳng đầu chẳng cuối trăng mình dòng sông

Phạm Hiền Mây

******

II/ KHÁNH TRƯỜNG, MỘT CUỘC ĐỜI VỚI NHỮNG BUỒN VUI VÔ CÙNG, VÔ TẬN

Tôi là người sửa chính tả và lỗi câu cho gần như các tác phẩm mà anh viết sau này: Tịch Dương; Dấu Khói Tàn Tro; Bãi Sậy Chân Cầu; Có Kẻ Cuồng Điên Khóc; Xuyên Giấc Chiêm Bao; Đừng Theo Dông Bão; Nắng Qua Đèo; Năm Tháng Buồn Thiu, Cùng Nhau Đất Trời và cả tiểu thuyết Phỉnh, mà anh dự định in trong những ngày sắp tới.

Các nhân vật trong truyện của anh, anh lấy từ trong đời sống thật. Vai nam chính, anh lấy từ chính anh, từ chính cuộc đời anh. Lớn lên từ một vùng quê nghèo khó, học hành không đến nơi đến chốn, lên Sài Gòn, rồi vào lính, rồi lập gia đình, rồi sinh con, rồi vượt biên, rồi lưu lạc, rồi thành họa sĩ, lập gia đình mới, rồi qua Mỹ với đủ thứ nghề, chẳng nghề nào được đào tạo chính quy, nhưng lại xây dựng được tiếng tăm trong giới văn nghệ.

Quan trọng nhứt là anh đã có một gia đình ấm êm với người vợ sau, quan trọng nhì là anh đã có những bạn bè rất mực hiểu và rất mực thương anh, và quan trọng sau cùng, là anh đã làm được những công việc, mà ngay cả người có sức khỏe tốt, cũng khó lòng làm được như thế.

Những nhân vật nữ còn lại, là mẹ anh, là bạn gái anh, là những người anh từng yêu, là vợ trước của anh, là người vợ bây giờ của anh, và chắc cũng có hình ảnh của nhiều người nữ khác nữa, cả tôi, anh có từng nói vậy, nhưng tôi nghe xong thì tai này qua tai kia, không lưu tâm lắm.

Anh rất yêu thương mẹ anh. Yêu thương tới mức, anh để avatar, là ảnh của người mẹ, trên trang facebook của anh, một thời gian khá dài. Anh cũng thường kể cho tôi nghe về mẹ anh, như bao người mẹ Việt Nam khác, yêu thương chồng con, một đời tận tụy, hy sinh vì chồng con, cho đến khi bà mất.

Anh cũng rất biết ơn vợ anh, chị Oanh, người đã lo lắng, chăm sóc cho anh, một người chồng bệnh tật; người đã chịu đựng bản tính nghệ sĩ của anh, ngông cuồng, hoang phí, rượu và bạn bè, mà không hề tiếng to tiếng nhỏ, suốt mấy mươi năm qua.

Anh yêu thương các con của mình, nhưng đặc biệt nhứt vẫn là cô con gái út ít, xinh xắn, đẹp đẽ, con chung duy nhứt của anh và chị Oanh, và hạnh phúc vô cùng khi đứa cháu ngoại của anh ra đời, mới đây.

******

III/ KHÁNH TRƯỜNG, MỐI GIAO TÌNH CỦA CHÚNG TÔI

Trong vòng ba năm, từ 2016 đến 2018, tôi in sáu cuốn thơ. Một tay anh vẽ bìa, minh họa hình ảnh các trang trong. Một tay anh, gọi điện, viết thư, nhờ vả Đặng Tiến, Du Tử Lê, Luân Hoán, Nguyễn Vy Khanh, Đào Hiếu, Nam Dao, Trần Vấn Lệ, viết lời bạt, lời tựa cho sáu cuốn thơ ấy của tôi, thành hình thành dạng, và phát hành trên Amazon, cũng như trên toàn nước Mỹ.

Năm 2020, anh thúc hối tôi ra một tuyển tập thơ. Năm ấy là năm COVID hoành hành, với bao mất mát và chết chóc, thêm vào đó, thơ thời nay, chẳng ai thiết tha mua, nó thặng dư, thừa mứa, nếu cần xem thơ ai, google ba giây, là ra kết quả ngay, nên tôi nản lắm, lắc đầu nguầy nguậy, trả lời, in để làm gì.

Nghe tôi buông những lời chán ngán, anh buồn, như trối trăng: Anh còn khỏe đây, anh muốn giúp em, anh sợ anh chết, không lo cho em được nữa, buồn.

Những khi ấy, tôi thường gạt ngang: Chết gì mà chết. Em bấm tử vi anh rồi, chín mươi chín tuổi mới die. Tôi xạo thế thôi. Tôi biết gì về tử vi, tử vận. Nhưng anh cũng vui. Rồi hai anh em chuyển sang đề tài khác.

Cách đây bốn tháng, tôi nói, tôi đang viết cuốn Hương Bay Ngược Gió về sư Minh Tuệ. Anh mừng lắm. Anh nói, em viết gì, anh cũng thấy vui. Em viết tài. Không viết rất phí. Khi nào xuất bản thì gởi qua cho anh làm kỷ niệm nha. Tôi dạ. Sách ra rồi, nhưng trục trặc đủ thứ. Chưa kịp tính chuyện gởi sang cho anh, anh đã chuẩn bị từ biệt lần sau cùng để ra đi mãi mãi.

Ơn anh là bà đỡ cho sáu đứa con tinh thần của tôi ra đời tròn trịa trên đất Mỹ, ngoài việc sửa lỗi chánh tả cho các truyện anh viết, tôi còn viết nhiều lời tựa, lời bạt cho các sách anh in, như:

1. Khánh Trường, Yêu Em Là Tự Chuốc Sầu Chung Thân!

2. Khánh Trường, Người Bạn Văn Thân Thiết Của Tôi!

3. Cùng Nhau Đất Trời, Du Ký Tiểu Thuyết của Khánh Trường!

4. Khánh Trường Và Năm Tháng Buồn Thiu!

5. Khánh Trường, Nhà Văn, Nhà Thơ, Họa Sĩ Mà Tôi Biết!

Bài nào, tôi cũng rút ruột mà viết ra. Tận tình. Tận nghĩa.

******

IV/ KHÁNH TRƯỜNG, MỘT TÀI HOA ĐÁNG MẾN, ĐÁNG TRỌNG

1. KHÁNH TRƯỜNG, YÊU EM LÀ TỰ CHUỐC SẦU CHUNG THÂN! (TRÍCH)

[...]

Sang Mỹ, Khánh Trường nổi hứng làm văn nghệ. Anh ấy chủ trương tờ Hợp Lưu, và quy tụ được, cơ man là các nhà, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu, nhà biên khảo, từ ngoài nước và cả từ trong nước nữa, toàn những tên tuổi, toàn những tầm cỡ.

Nói tới Khánh Trường là nói tới ai? Với cá nhân tôi, là nói đến một họa sĩ, là nói đến chủ bút tạp chí Hợp Lưu. Đó chính là hai công việc, mà tôi cho rằng, thành công nhứt trong đời anh ấy.

Làm văn nghệ, ngoài việc phải có tài, tài thiệt chớ không tài giả, ngành nào cũng vậy, đứng đầu mà không giỏi chuyên môn, không giỏi giang thêm này kia, kia nọ, lính lác, em út, người hợp tác, họ không nể, trước sau gì cũng sập tiệm.

Ngoài việc phải có tài, thì còn phải có tâm. Điều này thì Khánh Trường dư thừa. Anh ấy thuộc loại: ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng; việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Hết lòng đãi bạn bè. Hết lòng giúp đỡ bạn bè. Làm gì, đã nhận, thì phải làm tới nơi tới chốn, dù bệnh tật, dù cạn kiệt tài chánh.

Ảnh công khai kể, nhiều lần, câu chuyện có thiệt, ảnh từng lấy bút danh lạ hoắc Tống Ngọc, để viết một truyện sex, thuần sex, có tên Qua Khe Hở, đặng bán, kiếm được, hình như, hai mươi lăm ngàn đô thì phải, để vực dậy tờ Hợp Lưu đang quá chừng lỗ vốn.

Thế là, một nhà văn Khánh Trường ra đời.

Văn của Khánh Trường đôn hậu, thuần phác. Câu viết ngắn. Dễ hiểu. Anh viết theo lối xưa. Tả cảnh rồi tả người, xen với tả người là tả tình. Tả xa rồi tả gần. Tuần tự. Mạch truyện chậm. Nội dung hiền lành, không có những cảnh quá dữ dội hay kinh dị, và hầu hết là kết thúc có hậu.

Có vài lúc, tôi hỏi anh, anh có làm thơ không?

Ảnh cười ha ha: Hồi xưa cũng có, nhưng anh tự thấy mình không mặn mòi với thơ lắm, và ngược lại. Anh cũng đưa tôi đọc dăm ba bài thơ cũ, đọc xong, tôi trả lời, thơ hay mà.

Rồi thôi, hai anh em cũng không nói thêm gì về đề tài này nữa.

Giang hồ là thế (xin hiểu giang hồ này ở trong ngoặc), chọc trời khuấy nước là thế, lãng tử là thế, vậy mà, ba, bốn lần đột quỵ, vẫn thở. Nhưng điều buồn bã nhứt của anh, không phải là chuyện tình cảm, càng không phải là chuyện tài chánh, mà là.

Mấy mươi năm ngồi xe lăn. Chân không đi lại được. Tay cũng yếu. Vẽ không được, thì qua viết. Ban đầu, viết dài. Nay thì viết ngắn, cũng rất mệt. Ảnh buồn lắm.

Gần đây, ảnh lên mạng, làm những bài thơ bốn câu. Cộng thơ cũ lẫn thơ mới, ảnh in ra (một cách để lại đời, để lại cho người thân của mình làm kỷ niệm) cuốn thứ hai, mà ảnh ngậm ngùi xác nhận, đây cũng là cuốn cuối cùng về thơ của tôi.

Ảnh ngậm ngùi, làm tôi cũng ngậm ngùi lây. Ngậm ngùi lây, vì tôi với ảnh thân với nhau quá mà. Viết về ảnh, viết về Khánh Trường, thì tôi có hàng chục đề tài để viết về, vì tôi và ảnh đã quá biết nhau suốt mười năm qua, bao nhiêu là chuyện đã trao đổi cùng. Nhưng viết, mà ảnh còn đọc được, thì không chắc đến khi nào.

Nên hôm nay, cũng không nhớ là đã lần thứ bao nhiêu, tôi lại viết về ảnh: họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, và nhà làm văn nghệ, cừ khôi - Khánh Trường!

[...]

Khánh Trường bây giờ, lục phủ ngũ tạng đều có vấn đề. Ai cũng nói, ảnh sống đến giờ này là kỳ tích. Thú thiệt, tôi cũng thấy như vậy – kỳ tích.

Kỳ tích còn ở chỗ, trò chuyện với anh qua Messenger, anh trả lời rất nhanh, dẫu bây giờ, mười ngón tay, chỉ còn duy nhứt một ngón gõ được trên bàn phím. Không chỉ nhanh, mà còn thông minh, lưu loát. Không chỉ thông minh, lưu loát, mà còn rất nhớ, nhớ kỹ, nhớ từng chi tiết. Tôi thiệt là bái phục ảnh luôn.

Là họa sĩ mà không cầm cọ được. Là nhà văn mà không cầm bút được. Là người giao tiếp giỏi, nhưng để phát âm được một câu ngắn, giờ đây, cũng trở nên quá sức khó khăn với ảnh. Vậy mà không khóc. Vậy mà luôn cười. Lâu lâu, buồn bực quá thì lên trang ảo não vài câu, rồi thôi.

Chính gia đình là nguồn trợ lực lớn nhất, với Khánh Trường. Sau nữa là bạn bè bốn phương, đặc biệt là những thân hữu kỳ cựu lâu nay. Xưa, khí khái, ăn to nói lớn, thẳng ruột ngựa bao nhiêu, thì bây giờ lại, thôi, bỏ qua, hơn thua làm gì, sắp chết rồi, để chúng ghét, chết cũng chẳng yên.

Nhiều khi tôi muốn ghẹo ảnh, Khánh Trường đắc đạo rồi!

Người tôi viết về nhiều nhứt là Khánh Trường, vì anh là một người anh vô cùng thương mến của tôi. Mệnh trời khó đoán, nhiều khi bệnh rề rề mà trăm tuổi cũng nên. Sống chết đều có số hết. Chỉ muốn bày tỏ cùng anh, sống, ai cũng có một cuộc đời để sống.

Nhưng nghị lực như anh, can trường như anh, mạnh mẽ như anh, đó giờ, Mây mới chỉ thấy mỗi mình anh Khánh Trường thôi.

Cố lên, đồng chí Khánh Trường!

******

2. KHÁNH TRƯỜNG, NGƯỜI BẠN VĂN THÂN THIẾT CỦA TÔI! (TRÍCH)

2.1 NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ

HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ

(Vũ Đình Liên)

Anh vẫn thường lên trang mình và tự cười cợt, mỉa mai, châm biếm, kiểu như là, hơn nửa đời người, tôi bệnh tật, nhiều bạn xưa của tôi đã lần lượt về chầu trời, thế mà sao tôi lại sống dai thế nhỉ, tận đến giờ này, dai nhanh nhách, như giẻ rách, lê lết, chán chường, mỏi mệt.

Kiểu như là, sao tôi chưa chịu chết nhỉ, bao giờ thì tôi mới chết đây, chứ sống như thế này khổ quá, nhàm quá, cứ đi lọc máu, rồi về nằm, nằm chán, thì lại ngồi dậy cho người ta khiêng đi lọc máu.

Rồi anh cười, anh để vào sau stt các icon mặt cười, cười haha, cười ngặt nghẽo.

Nhìn anh cười mà sao tôi lại cảm ra, sau nụ cười như khóc đó, là khuôn mặt mếu của anh. Tôi thấy vậy, nụ cười méo xệch như nén lại, đè xuống cho tiếng khóc khỏi bật ra, và cứ chịu đựng như thế, đã trong hơn suốt ba mươi năm trời.

Rảnh rỗi, chẳng biết làm gì, anh viết. Viết đủ thứ, đủ thể loại, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện sex. Viết đàng hoàng chán thì quay ra viết tưng tưng, cà rỡn. Gần đây, anh nhắc nhiều đến chuyện xưa, người xưa. Anh nhắc nhiều đến hồi đó, cái hồi mà anh còn dọc ngang, vẫy vùng thiên hạ, đầu đội trời, chân đạp đất, lấy hộp màu làm gối, lấy bàn nhậu làm giường, vợ ư, quên đi, con ư, ta nợ nhau đời này vậy nhé.

Cái thời mà, chỉ bạn bè là quan trọng, chỉ vẽ vời, viết lách, xem việc thiên hạ như việc của mình, là ý nghĩa mà thôi.

Có phải chính vì thế mà nhà thơ Hà Khánh Quân linh cảm ra điều gì chăng, nên mới muốn làm một số đặc biệt cho anh trên tạp chí Ngôn Ngữ? Tôi không biết. Có thể, đó chỉ là việc tình cờ, chuyện tình cờ, như muôn vàn những tình cờ xảy ra trong cõi trần gian này. Những tình cờ thường đột ngột và không báo trước, để rồi sau đó, những ai hoài thường lặng một mình khi buổi chiều sang, dưng bỗng thốt lên, đầy ngơ ngác:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ.

******

2.2 TÀI TÌNH CHI LẮM CHO TRỜI ĐẤT GHEN

(Nguyễn Du)

Ở đời, mấy ai chỉ toàn được người thương, người thích. Đặc biệt, với người có chút tiếng tăm, thì việc ấy lại càng hiếm. Trừ phi.

Phải, trừ phi, đến một ngày, họ ra người thiên cổ.

Thế nhưng, ở một số hiếm hoi khác, dẫu còn đương sống, cũng vẫn được nhiều người nhắc, nhiều người nhớ, và anh, có trong số đó. Kẻ thù anh, không thấy (cũng có thể là tôi không biết). Người ghét anh, dường cũng chẳng đến mức ghét cay ghét đắng, ghét đến cả đường đi lối về. Hay người ta, thấy anh, nhiều năm dài sống trong bất như ý, nên, giận mấy cũng hóa thành thương cảm chăng?

Tôi không biết. Tôi chỉ biết, với tôi, anh là người đáng quý, đáng mến, dễ thương, hiền lành với lối sống trung dung, dĩ hòa vi quý, biết điều, và, chẳng làm chi đến nỗi gây thiệt hại cho người chung quanh.

Ngoài những cái đáng mà tôi vừa kể, riêng với tôi, anh còn là ân nhân. Sáu tập thơ của tôi, lần lượt ra đời trên đất Mỹ, một tay anh lo toan. Cái tên Phạm Hiền Mây của tôi, bay đi xa hơn, nhiều tiếng vọng lại hơn, cũng có phần từ anh.

Chẳng mục đích gì. Chẳng toan tính, lợi dụng gì. Vì mến chữ, mến người, lại như tự thấy mình là người đi trước, tự thấy mình có trách nhiệm với đàn em văn nghệ, mà đưa vai cáng đáng, vậy thôi. Chuyện này xưa nay vốn cũng nhiều, khắp nơi, không lạ.

Người tốt tính lại giỏi, vẽ giỏi, đứng chủ biên cũng giỏi, giao hảo cũng hay, nói và viết, ngăn nào, cũng không tệ như thế, sao lại phải ngồi trên xe lăn đến hơn nửa đời người, phải bó gối, chịu trận một chỗ lúc tóc còn xanh, sức còn đương, như vậy?

Tại sao?

Tại sao?

Và, tại sao?

Thì tại vậy nên đành phải vậy. Tại số mệnh. Tại nghiệp báo. Tại, tại, tại. Không trả lời được thì đổ thừa, chớ biết phải lý giải làm sao cho trọn vẹn bây giờ:

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!

******

2.3 KHÔNG LÀ LÍNH THÚ SẦU LÊN ẢI

CŨNG THẤY LÒNG CHIA DƯỚI CÁT LẦM

(Trần Huyền Trân)

Đời thiệt bất như ý. Tinh thần còn vững. Ý chí còn xuân. Nỗi ham vẽ, ham viết vẫn còn dấy lên hàng phút, hàng giờ, tha thiết. Thế mà, đôi chân thì không đi lại được. Hai bàn tay cộng lại, chỉ nhúc nhích được mỗi một ngón. Thế có ức không. Thế có đau lòng không. Đời khác gì viên ngọc còn đương sáng, còn trang sức cho người thêm đẹp vẻ trăm năm, thế mà, lại bị cát sa mạc nhào lên, trộn xuống rồi vùi sâu chín tầng bụi lấp. Nỗi sầu làm lính thú bị quan trên chỉ thị xung tấn ra biên ải, xa vợ xa con, chẳng biết ngày về, nhẽ, cũng chỉ bằng với nỗi sầu của anh đang phải trải trong những năm tháng đằng đẵng vừa qua.

Trước mắt tôi giờ đây là kệ sách. Kệ có hai mặt, bốn tầng, thì tôi dành hẳn một tầng, mặt bên này, bày sách của Khánh Trường: Truyện Ngắn Khánh Trường, Khánh Trường Oil Paintings, Bốn Mươi Bốn Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, Chuyện Bao Đồng, Tịch Dương, Dấu Khói Tàn Tro, Bãi Sậy Chân Cầu, Có Kẻ Cuồng Điên Khóc, Xuyên Giấc Chiêm Bao, Đừng Theo Dông Bão, Nắng Qua Đèo.

Sách xuất bản thì nhiều đến như vậy. Chưa kể, bao năm còn khỏe mạnh là bấy nhiêu năm, anh phụ trách tạp chí Hợp Lưu, một tạp chí danh tiếng, là nơi hội tụ tài năng của giới văn nghệ miền Nam trước 1975, và cả một số tên tuổi, sau mốc này. Anh thân thiết theo lối giang hồ với hầu hết các văn nghệ sĩ nổi tiếng, mà viết tên họ ra, chắc danh sách dài như cái tên anh vậy, Khánh Trường, cả trang giấy chớ không phải ít đâu.

Anh vẽ tranh nude cũng đẹp. Viết truyện sex cũng dàn trời. Nói tục, chắc cũng một cây. Là anh tự nhận thế, nên tôi cũng biết thế.

Tài nào mà không tật. Là tôi cũng nghe người xưa nói vậy, nên tôi cũng chỉ biết đến vậy.

******

2.4 ÔM LÒNG ĐÊM, NHÌN VẦNG TRĂNG MỚI VỀ, NHỚ CHÂN GIANG HỒ

ÔI PHÙ DU, TỪNG TUỔI XUÂN ĐÃ GIÀ, MỘT NGÀY KIA ĐẾN BỜ, ĐỜI NGƯỜI NHƯ GIÓ QUA

(Trịnh Công Sơn)

Viết về một họa sĩ, một nhà văn, mà tài năng và tai ương trong đời, xấp xỉ, như Khánh Trường, sẽ không bao giờ là đủ. Nhất là với tôi, lớp đàn em, sinh sau (theo nghĩa văn nghệ), đẻ muộn. Tôi lại ở Việt Nam, anh thì ở Mỹ, chưa từng một lần gặp mặt. Thế nhưng anh Luân Hoán vẫn đánh tiếng, nhờ tôi viết, chắc có lẽ vì cái duyên chữ bấy lâu nay giữa tôi với anh Khánh Trường. Sáu xuất bản của tôi, anh lo tất tật. Ngược lại, sáu truyện ngắn gần đây anh cho ra đời, cũng chính tôi là người đọc lại, và, sửa lỗi chính tả giùm cho anh ấy.

Trong lòng tôi, Khánh Trường là một đàn anh, một người anh, mà tôi một mực kính trọng, và quý mến, dẫu những thị phi này nọ, không phải không từng lần tôi có nghe.

Thì đã sao. Rồi cát bụi hết thôi. Tranh cãi hơn thua, cho mình phải, cho mình đúng, cho mình hay, để mà làm gì, để mà được gì. Khánh Trường, tên anh đẹp. Đẹp như tấm lòng hào sảng anh, từng đến nhân gian này, và, cho đi, trao tặng.

Đời người như gió qua!

******

3. CÙNG NHAU ĐẤT TRỜI – DU KÝ TIỂU THUYẾT CỦA KHÁNH TRƯỜNG! (TRÍCH)

3.1 DÉT-SƠ, ĐỒNG CHÍ KHÁNH TRƯỜNG

Cuốn du ký tiểu thuyết còn đang viết dở những trang cuối cùng, thì anh đã gởi thư sang cho tôi, rủ rê “hùn hạp”.

Anh nói: Mây viết Lời Tựa truyện này, đồng thời sửa chánh tả giùm anh nghen. Cuốn truyện sẽ là kỷ niệm của anh em chúng mình, sau mười năm hạnh ngộ nhau trên trang mạng.

Làm sao mà từ chối được, người anh đáng quý, đáng mến, đáng nể, đáng phục này. Làm sao mà từ chối được, “bà mụ” Khánh Trường, bà mụ đỡ cho sáu đứa con thơ của tôi được ra đời, tròn trịa, xinh đẹp, hài hòa dáng vóc.

Tôi bèn gõ trả lời: Dét-sơ, đồng chí Khánh Trường!

******

3.2 VẪN LÀ, DÉT-SƠ, ĐỒNG CHÍ KHÁNH TRƯỜNG

Anh chuyển bản thảo cho tôi xem, rồi nhắn thêm, nếu được, em đặt tên truyện cho anh luôn nha.

Tôi định buột tay gõ: Chèn, vừa phải thôi nha đồng chí, thấy người ta hiền rồi làm tới, sai bảo đủ chiện nha.

Nhưng ngưng kịp, vì nhớ đến sáu cuốn thơ của tôi, chúng ra đời mà không tốn của tôi một hơi rặn nào. Từ tập hợp bài, từ trình bày bìa đến ruột, từ đặt tên cho từng cuốn sách, từ liên lạc với bên nhà xuất bản, nghĩa là từ A cho đến Z, tất tần tật, anh lo hết cho tôi. Ở bên này, Việt Nam, tôi chỉ nằm trên sofa, chờ sách ở bển gởi dzìa.

Nên giờ đây, ảnh nhờ có nhiêu đây, bây nhiêu đây chớ có nhiều hơn, tôi cũng chẳng bao giờ từ chối.

Tôi bèn gõ trả lời: Dét-sơ đồng chí Khánh Trường!

******

3.3 VẪN TIẾP TỤC LÀ, DÉT-SƠ, ĐỒNG CHÍ KHÁNH TRƯỜNG.

Hôm qua, chat với anh, tôi hỏi, anh kể sơ lược cho Mây nghe về “đời bệnh” của anh đi. Thế là, ảnh hì hục gõ máy, gởi cho tôi, nguyên văn như sau:

- 2001, tai biến lần thứ nhứt

- 2002, tai biến lần thứ hai

- 2003, tai biến lần thứ ba

Chưa kể vài lần nữa, nhưng nhẹ.

Lần thứ hai, song song với tai biến là suy tim.

Lần thứ ba, song song với tai biến là loét bao tử và ung thư cuống họng.

Chà, bệnh lung tung, ra vô nhà thương như cơm bữa.

Anh sống đến bi chừ, chính anh còn thấy lạ.

Mấy tay bác sĩ điều trị cho anh cũng lắc đầu.

Ngô Thế Vinh bảo: Y Khoa phải xét lại.

Lần anh loét bao tử, máu ra nhiều, chỉ còn 10/4, Ngô Thế Vinh bảo: bình thường như vậy, nếu còn sống thì não đã chết, sẽ sống thực vật, mà anh thì tỉnh queo, trí óc vẫn minh mẫn, có khi còn sáng hơn. Kỳ chưa?

**

Đúng là chuyện khó tin mà có thiệt.

Đúng là phép lạ.

Tôi bèn gõ trả lời: Dét-sơ đồng chí Khánh Trường!

******

3.4 VẪN KHÔNG ĐỔI, DÉT-SƠ, ĐỒNG CHÍ KHÁNH TRƯỜNG

Hôm rồi, xem video Khánh Trường vẽ chung với họa sĩ Ann Phong do Nina Hòa Bình quay, trong lòng tôi nghe xúc động quá chừng. Nghĩ thương ảnh thiệt nhiều. Ảnh quá chừng là giỏi. Ảnh quá chừng là nghị lực. Ảnh quá chừng là cố gắng. Hai mươi ba năm ngồi trên xe lăn. Họa sĩ mà không cầm cọ được. Nhà văn mà không cầm viết được. Buồn chớ sao không. Rầu lắm chớ sao không.

Một tuần, ra vô bệnh viện tới ba lần để lọc máu. Trên người, không còn chỗ nào là chỗ không đâm kim. Chưa kể, nhiều lúc bị kháng thuốc, ói mửa. Chưa kể, những lần té lên té xuống, trong phòng, ngoài nhà. Đủ thứ gian nan. Đủ thứ vất vả.

Gắng gỏi chịu hết. Bạn đến, chỉ thấy ở anh một nụ cười. Lâu lâu, u uẩn quá, mới lên facebook gõ bâng quơ vài chữ, đại loại, sống gì mà dai nhách, đại loại, đời gì mà chán quá đi thôi. Bạn bè, không người này thì người kia, vào ra an ủi. Vậy đó, mà đỡ sầu. Vậy đó, lại được thêm một ngày bình an trôi qua.

Tôi ghẹo ảnh, hay là đặt tên cuốn truyện này là CUỐN TIỂU THUYẾT CUỐI CÙNG đi, cho hấp dẫn, cho thu hút, cho gợi óc tò mò, cho đặc biệt, cho xúc động bà con chơi.

Khánh Trường cười haha một tràng dài, chắc nịch, chưa đâu, phải thêm hai, ba cuốn nữa rồi anh mới chịu ngỏm củ tỏi.

Tôi bèn gõ trả lời: Dét-sơ đồng chí Khánh Trường!

******

3.5 VẪN LUÔN LUÔN, DÉT-SƠ, ĐỒNG CHÍ KHÁNH TRƯỜNG

Truyện của Khánh Trường rất ít hư cấu.

Tất cả các nhân vật, tất cả các tình huống trong truyện, đều từng là những mảng, những khoảnh đời thật của chính anh và của những người chung quanh anh.

Nếu có khác, ấy là khác về những cái tên trong truyện. Nếu có khác, ấy là khác về tình huống, gia giảm, thêm bớt chút cho đỡ đau thương, cho đỡ buồn, cho đỡ sầu, chớ thiệt ra mà nói, chuyện thực của cuộc đời anh, đôi lúc, còn bi thảm hơn nhiều.

Tôi nói với ảnh: Vẽ, cũng đã vẽ rồi. Thơ, cũng đã làm thơ rồi. Truyện ngắn, cũng đã truyện ngắn rồi. Truyện dài, cũng đã truyện dài rồi. Thôi, bây giờ viết sang thể loại khác đi. Kể chuyện hậu cung của giới làm văn nghệ? Kể chuyện sau cánh gà, sau ánh đèn màu của văn nhân, thi nhân? Hay viết Hồi Ký, chẳng hạn?

Ảnh đáp: Viết về giới nghệ sĩ thì không khó, chuyện vui buồn, có mà đầy. Nhưng các ông, các bà mà anh biết, phần lớn, đã về miền chín suối cả rồi, thôi để họ yên. Còn Hồi Ký ư, cũng khác chi. Viết Hồi Ký là kể chuyện đời mình, mà đời anh, phần lớn là làm văn nghệ. Lại đụng chạm, không người này thì cũng người kia. Phiền phức.

Tôi bèn gõ trả lời: Dét-sơ đồng chí Khánh Trường!

******

3.6 KHÔNG ĐỔI, DÉT-SƠ, ĐỒNG CHÍ KHÁNH TRƯỜNG

Khánh Trường không chỉ rành tâm lý phái nam, người già, anh còn rất sành tâm lý phái nữ, trẻ con, mới lớn, xuân thì. Người tốt, kẻ xấu; người sang, kẻ hèn; người gian, kẻ ngay thẳng – loại người nào anh mô tả cũng đều sinh động, đều hay, nên cuốn hút.

Bằng cách nào, tôi cũng không biết, có thể qua gia đình, vợ con; có thể qua bạn bè, họ năng đến chơi với anh rồi kể chuyện cho anh nghe; có thể qua việc đọc sách, đọc báo; nên vẻ như, anh rất rành chuyện ở Việt Nam, dẫu anh cách xa quê nhà cả một đại dương. Mà không chỉ Việt Nam, thế giới, cũng dường trong lòng bàn tay anh vậy. Là năng khiếu tưởng tượng bẩm sinh, tự nhiên của một nhà văn? Hay, do anh tích lũy tốt tất cả những kiến thức thu lượm được xưa nay, cất vào kho tâm trí, rồi khi cần dùng, cứ thò tay vào mà nhón ra thôi?

Thành thử, đọc truyện Khánh Trường, không chỉ thích về mặt nội dung, không chỉ khoái về mặt tình tiết, mà nó còn mang lại nhiều lợi ích khác cho người đọc, nhất là về mặt kiến thức, đa dạng, phong phú. Đặc biệt, kiến thức lần này là đất nước, là con người, là phong tục tập quán, là chuyện ăn, chuyện ở, chuyện mặc, của những vùng đất nổi tiếng nhứt trên hành tinh chúng ta.

Trao đổi cùng anh nhận xét này, anh tán đồng và cho biết thêm: Anh là thằng đàn ông thích đi đây đi đó, không chịu ở yên một chỗ bao giờ. Khi bị đột quỵ anh chỉ mới có năm mươi tuổi. Từ lúc ấy đến nay, chỉ có thể ngồi trên xe lăn, từ phòng ngủ lăn ra phòng khách, từ phòng khách lăn vào phòng ngủ, bức bối lắm. Nên viết là nhu cầu xả stress của anh. Viết về nơi này, nơi kia, làm sống lại những ngày tháng cũ rong chơi khắp chốn, anh cũng đỡ buồn bực.

Tôi bèn gõ trả lời: Dét-sơ đồng chí Khánh Trường!

******

3.7 LUÔN LÀ NHƯ THẾ, DÉT-SƠ, ĐỒNG CHÍ KHÁNH TRƯỜNG

Chuyện quê hương, chuyện con người, nhất là những gì anh đã trải qua, trong suốt chiều dài gần tám mươi năm sống, đều được anh kể với giọng mạch lạc, rành rẽ, đâu ra đó.

Điều làm tôi khoái nhứt khi đọc truyện của anh, ấy là, anh luôn trung dung trong cách nhìn, không cực đoan khi nhìn nhận và đánh giá. Không chỉ thế, anh còn có lòng khoan dung và độ lượng. Khoái thứ hai, là kết thúc nào của anh cũng tốt đẹp. Điều này, phải chăng, bắt nguồn từ tánh cách đôn hậu của anh?

Tôi không biết. Nhưng đọc xong một cuốn truyện, mà kết thúc là chia ly, là mất mát, là thù hận kéo dài từ đời này sang đời khác, thú thiệt, cũng nặng lòng lắm.

Bày tỏ cùng anh suy nghĩ này, anh gật đầu lia lịa rồi nói: Không biết em có tin không, từ ngày cuộc đời dính chặt với chiếc xe lăn như thế này, anh ngộ ra nhiều điều, mà trước đây, lúc còn: chọc trời khuấy nước mặc dầu / dọc ngang nào biết trên đầu có ai (Truyện Kiều – Nguyễn Du) – anh cũng chưa hề một lần thoáng qua, chớ đừng nói là nghĩ tới.

Hồi ấy, anh sân si, anh hơn thua ghê lắm. Giờ nghĩ lại, mới thấy mình trẻ con, nông cạn, ngựa non háu đá. Những thứ vì nó mà mình tranh giành quyết liệt, sống mái, cũng chẳng giúp mình vui mãi, chẳng giúp mình sướng mãi, chẳng giúp mình khỏe mãi, chẳng giúp mình trẻ mãi.

Cát bụi, không sớm thì muộn, rồi sẽ hoàn cát bụi cả thôi.

Tôi bèn gõ trả lời: Dét-sơ đồng chí Khánh Trường!

******

3.8 MÃI MÃI, DÉT-SƠ, ĐỒNG CHÍ KHÁNH TRƯỜNG

Thơ, với tôi là những khơi gợi. Thơ, với tôi là những bỏ lửng. Thơ, với tôi là những điền thêm, những điền thêm từ phía người đọc để bài thơ được trở thành của mình.

Anh nhờ tôi nghĩ giùm cho một cái tên truyện. Truyện ngắn thì hai, ba trăm trang. Truyện dài thì năm, bảy trang. Một cái tên, kiểu gì, cũng không thể gói hết, ôm hết, bọc hết được nội dung gần ngàn trang của thể loại tiểu thuyết

Hai nhân vật Nhã và Lâm, cuối cùng có đến được với nhau không. Thiệt là tôi không biết, vì cho đến giờ phút này, tôi chưa nhận được phần kết truyện. Thế nên, đề xuất tên truyện ư?

Thì đây, bài thơ:

CÙNG NHAU ĐẤT TRỜI

biết đâu qua hết lũng, thung

thì ta mới được về chung lối ngàn

tay đan ngón nhớ vô vàn

lúc hồn bốn bể cung đàn nước non

biết đâu qua hết chon von

đỉnh vòi vói nỗi buồn con dế rầu

thì ta mới được nâng bầu

cùng nhau nhắp ngụm tiêu sầu lãng du

biết đâu vừa dứt câu ru

là vừa lúc cuối mùa thu bóng tà

vừa khi treo núi trăng ngà

là vừa lúc bến giang hà khói lau

lúc đi qua hết khổ đau

là khi ta sẽ cùng nhau đất trời.

Đồng ý hay không đồng ý, thì với anh, tôi cũng vẫn luôn luôn: Dét-sơ đồng chí Khánh Trường!

******

4. KHÁNH TRƯỜNG VÀ NĂM THÁNG BUỒN THIU! (TRÍCH)

Trên tay tôi, đương là cuốn NĂM THÁNG BUỒN THIU của nhà văn, họa sĩ Khánh Trường mà tôi vừa nhận được chiều tối qua, do tác giả gửi tặng.

Truyện dầy, cầm chắc nịch. Hình bìa là họa phẩm của anh. Thì còn nói chi nữa, họa sĩ mà. Họa sĩ chính cống, họa sĩ thứ thiệt. Tác phẩm của anh, bức nào cũng đẹp, bức vẽ nào cũng khiến người xem trầm trồ, tấm tắc, dù chúng được vẽ khi khỏe mạnh hay lúc bệnh tật, ốm đau.

Bức hình bìa vẽ đôi mặt người nhìn xa xăm, thiệt buồn. Sau tai biến, cầm cọ không được nữa thì anh cầm bút. Tôi sẽ không nói là truyện anh hay, truyện anh xuất sắc, độc đáo, lạ kỳ, làm rung động, làm cuốn hút, như người đọc thường ca ngợi một số tác phẩm của một ít nhà văn khác, mà tôi sẽ nói, vâng, tôi sẽ nói, truyện anh đọc buồn, truyện anh viết chân thành, dù là truyện về tình yêu nam nữ, về mối quan hệ người với người, hay về cuộc chiến tương tàn cùng những hệ lụy của nó.

Ngồi trên xe lăn, tay chỉ cử động được một ngón, mà có đến mười mấy tác phẩm nối gót nhau ra đời, chưa kể ra được mấy triển lãm, không gọi là kỳ tích thì phải gọi là gì bây giờ. Mà đã kỳ tích, thì không phải sao, người cũng đáng gọi là kỳ tài. Khánh Trường, thiệt là tài, là giỏi, chớ phải chơi.

Mà do trời già ghen ghét, nên thành nỗi, nên mới NĂM THÁNG BUỒN THIU.

Buồn hiu, nó còn nhè nhẹ, khe khẽ. Còn buồn thiu ấy mà, coi mòi đã buồn lắm lắm. Như thức ăn để lâu lên men, nấm mốc mọc đầy, nỗi buồn thiu cũng thế, ngày này qua ngày khác, chúng dày lên, bám thành rong, thành rêu, hóa đá đời phiền muộn.

Tôi đang nói đi đâu rồi nhỉ. Cái tật tôi là thế. Viết chính là ghi ra những thứ đang lần lượt chạy trong đầu, mà trong đầu tôi ấy mà, thì chuyện nọ xọ chuyện kia.

Một phần ba cuối sách, Khánh Trường làm phụ lục, dành đất cho chín tác giả khác viết về, nói về anh, đó là các tác giả, Nguyễn Vy Khanh, Trương Vũ, Phạm Chu Sa, Phạm Hiền Mây, Trần Thị Nguyệt Mai, Lê Chiều Giang, Nhật Hạ, Minh Ngọc, Đỗ Trường…

[...]

Cuối cùng là Phạm Hiền Mây. Bài viết của Mây có phần đặc biệt hơn, vô tình hay hữu ý, không biết, ở trang hai trăm bảy mươi tám, có bức hình anh đăm chiêu, suy tư bên bàn làm việc, và bức này, cũng chính là bìa của cuốn KHÁNH TRƯỜNG & BẰNG HỮU mà tôi sẽ viết bài giới thiệu vào lần sắp tới.

Như bao tác giả khác, Phạm Hiền Mây cũng viết về Khánh Trường bằng cả tấm lòng mình, tha thiết bằng hữu, ơn có, quý trọng có, nể phục có, cả buồn bực, muộn phiền vì những lẽ gì đó, cũng có luôn. Nhưng sau hết thảy, vẫn là tình thương, một tình thương mãi mãi:

“... Trong lòng tôi, Khánh Trường là một đàn anh, một người anh mà tôi một mực kính trọng và quý mến, dẫu những thị phi, tai tiếng này nọ về anh, không phải không từng lần tôi có nghe.

Thì đã sao. Rồi cát bụi hết thôi. Tranh cãi hơn thua, cho mình phải, cho mình đúng, cho mình hay để mà làm gì, để mà được gì. Khánh Trường, tên anh đẹp, đẹp như tấm lòng hào sảng anh, từng đến nhân gian này, và, cho đi, trao tặng.

Đời người như gió qua!

Đời người, những NĂM THÁNG BUỒN THIU, rồi như gió qua!

******

5. KHÁNH TRƯỜNG – NHÀ VĂN, NHÀ THƠ, HỌA SĨ, MÀ TÔI BIẾT! (TRÍCH)

[...]

Nếu cần hình dung về anh, tôi có thể vẽ anh như thế này: thẳng thắn, mạnh mẽ, hào phóng, nghị lực, trào phúng, khôi hài, thích tự cười nhạo mình và cười nhạo cuộc đời một cách rất thô bạo, đôi lúc, thô tục.

Nhưng chưa hề cười ai cả nhé, ít ra, với tôi, anh là như vậy.

Không phê phán, không công kích, không chê bai, dè bỉu ai bao giờ. Có lúc, nghe tôi than phiền này nọ xong, anh cười khà khà (tất nhiên là cười trên trang giấy), rồi buông câu quen thuộc, chuyện nhỏ.

Ở anh, nổi bật là lòng thương cảm. Anh dễ bị xúc động, nhất là khi hồi tưởng đến các kỷ niệm xưa, đặc biệt, với nhà văn Mai Thảo và Trần Vũ. Anh vanh vách, thuộc lòng từ tính nết đến cuộc đời làm văn chương của các bạn văn đồng lứa hoặc lớn, nhỏ hơn anh một ít. Khi nhắc về họ, anh nhắc về tài năng, về những lưu dấu ngậm ngùi khi còn ở Việt Nam trong những ngày lửa đạn, những ngày mù mờ, tăm tối chuyển giao và những ngày lầm lũi, buồn thiu, trên đất khách quê người.

Tôi phục anh lắm. Tôi nể anh nữa. Phục và nể trọng về sự “biết” của anh. Anh biết sống lắm.

Nhưng có phải, càng “biết” bao nhiêu, càng giỏi bao nhiêu, tài hoa càng nhiều bao nhiêu thì phận, thì mệnh, càng đoản bấy nhiêu. Tôi có sai không khi lòng không dưng nghĩ vậy hoài. Hoặc là tôi đã bi quan, yếm thế quá chăng.

[...]

Khánh Trường, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, mà tôi biết là người của hiện thực đam mê, đến cõi này để miệt mài đi tìm cho mình cái đẹp, cái đẹp nguyên sơ nguồn cội và rất mực hồn nhiên.

******

V. KHÁNH TRƯỜNG – HOÀN TẤT CUỘC RONG CHƠI!

Khoảng mười một giờ đêm qua, nhà văn T. N. nhắn tin cho tôi biết, gia đình sẽ quyết định rút ống thở của anh Khánh Trường, sau mười ngày hôn mê sâu, vào Thứ Sáu này, 27.12.2024, lúc 13pm, giờ Cali. Và mười giờ sáng nay, nhà văn Vu H Nguyen, sau khi gặp chị Oanh, cũng nhắn tin cho tôi hệt thế. Tôi đọc xong, rất khó khăn mới có thể trả lời, dù biết sự ra đi của anh ấy, trước sau, sớm muộn gì, cũng sẽ đến, và đó là lẽ đương nhiên, nhưng với những người mình thương quý, sao vẫn nghe nhói nơi tim.

Đau lòng quá.

Anh ước sẽ về nước trời, nơi cực lạc, nơi không còn nỗi thống khổ, hay anh mong sẽ tái sinh vào kiếp sau, tiếp tục làm thân người, hả anh Khánh Trường?

Nếu làm thân người, mong anh thôi không còn sinh ra ở một đất nước: triền miên chia ly, nước mắt; triền miên chiến tranh, bom đạn, hận thù; triền miên đói khổ, buồn lo.

Nếu làm thân người, chúc anh lại một lần nữa cầm cọ, cầm viết, nhưng thôi, không bệnh tật, nhưng thôi, không viễn xứ.

Kiếp sau, đời thiệt vui, anh nhé.

Anh đi thong thả. Thong thả như vừa hoàn tất một cuộc rong chơi, cuộc rong chơi kéo dài bảy mươi bảy năm. Chiều tàn rồi, hoàng hôn tắt rồi, chân mỏi rồi, về nhà, nghỉ ngơi thôi.

Mười năm làm bạn văn với anh, Mây chẳng gì hối tiếc.

Thương quý và nhớ về anh mãi mãi, anh Khánh Trường ơi!

Sài Gòn, 27.12.2024