Nguyễn Hoàng Văn
Từng được xem là người Quảng Nam xôm tụ nhất về chính trị, ông Nguyễn Xuân Phúc bây giờ lặng lẽ, hẩm hiu và có lúc, thậm chí, cứ thấp thỏm thân cá phơi ngang mặt thớt theo những tin đồn, ngay giữa một “siêu cường quốc tin đồn”. [1] Ông ta, nói không ngoa, trông chẳng khác một tô mì Quảng chẳng ai buồn động đũa bởi sự dở dang, chưa là phở mà cũng đã hết là mì, lại bốc cả mùi.
Nhưng sao lại mang mì ra so cựu chủ tịch? Tôi xin bắt sang chuyện khác, của ông Phan Lạc Phúc, nguyên là Chủ bút tờ Tiền Tuyến của Quân đội Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), được nghe kể cách đây gần một phần tư thế kỷ, ngay lần đầu gặp mặt. Cùng là khách mời, nghe chủ tiệc giới thiệu rồi nghe giọng Quảng Nam của tôi, ông vồn vã bắt chuyện, kể vanh vách một loạt bạn bè xứ Quảng như nhà thơ Tường Linh, vốn là thuộc cấp, v.v. nhưng, gây ấn tượng mạnh nhất, lại là người mà ông chỉ nghe… cãi một lần, ông Lê Đình Duyên.
Ông Duyên là con trai Bác sĩ Lê Đình Thám, một trong những nhân vật hàng đầu của Phong trào chấn hưng Phật giáo vào thập niên 1940, cũng là em trai nhà cách mạng Lê Đình Dương. Thời thế đẩy đưa, Bác sĩ Thám tập kết ra Bắc nhưng ông Duyên ở lại, trở thành một nhân vật chủ chốt của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) ở Quảng Nam, sau trở thành Thượng nghị sĩ Quốc hội VNCH.
Chuyện diễn ra vào giữa thập niên 1950 khi VNQDĐ Quảng Nam, vì bất mãn với chính phủ Ngô Đình Diệm, lên núi lập chiến khu để rồi, sau một thời gian, bắt tay hòa giải và ông Phúc là sĩ quan trong đơn vị giám sát cuộc trở về của nhóm ly khai do ông Duyên cầm đầu tại La Tháp. Khi nguyên tỉnh trưởng Hồ Ngận tuyên bố tiếp nhận lực lượng VNQDĐ “trở về quy thuận với chính phủ”, ông Duyên sang sảng cắt ngang, lớn giọng đòi hỏi ông Ngận rút lời: “Chúng tôi trở về để hợp tác với chính phủ, nếu chính phủ xem chúng tôi là những thành phần quy thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục lên núi chiến đấu.”
Phản ứng gay gắt đó đã khiến viên tỉnh trưởng xin lỗi và, khi kể lại chuyện này, ông Phúc tỏ ý thán phục “tiết tháo” của ông Duyên, tấm tắc là “lẫm liệt lắm, anh hùng lắm”. Mà không chỉ một lần. Kể từ đó, trong vòng hơn hai mươi năm, tôi có dịp gặp ông mấy lần nữa và, lần nào cũng vậy, cứ nghe giọng nói của tôi sau mấy phép tắc xã giao là ông nhắc lại chuyện cũ mà quên là đã kể qua rồi.
Ấn tượng tạo ra phải cực kỳ mạnh nên ông Phúc mới thán phục suốt cả phần đời còn lại, cứ gặp một người Quảng là tấm tắc “lẫm liệt lắm, anh hùng lắm” về người Quảng mà ông chỉ mới nghe cãi một lần, cái tính cách mà, trước đây, tôi đã từng bàn đến trong “Mì Quảng không biết cãi”:
"Hay cãi" trong chuyện nước non thế sự, người Quảng thể hiện những thiên hướng chính trị và đất Quảng là đất của những người say mê chính trị. Tuy vậy, hiếm có người Quảng nào thành công thật chói chang về chính trị. Có thành công, cái sự thành công hiểu ở những dấu ấn hay di sản để lại trong lịch sử, họ cũng chỉ thành công như những nhà cách mạng, những chiến sĩ đấu tranh, những kẻ nhập cuộc chỉ để "thành nhân". Trong vai trò của những nhà chính trị chuyên nghiệp, nếu không thất bại thì, thường, họ cũng lâm vào cái cảnh lấn cấn, dở dang.
Thực vậy. Nếu cách mạng ngụ ý một vận động thay đổi tận gốc rễ thì chính trị lại ngụ ý một trò chơi thoả hiệp. Như những kẻ đi làm cách mạng, những người thẳng thắn đứng lên để chất vấn, để "cãi" cho đến rốt ráo tận cùng về những giá trị gốc rễ của nền tảng chính trị đương thời, ít ra họ cũng để lại những dấu ấn đậm nét nào đó trong lịch sử. Như những thế hệ đã đấu tranh để "duy tân", "duy tân" từ đầu tóc, vạt áo cho đến những vần chữ mới, chẳng hạn. Như một Phan Châu Trinh với những ý tưởng về dân quyền, một ý niệm hoàn toàn mới trong một xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa, chẳng hạn. Nhưng khi băng mình vào một trò chơi chính trị thì kẻ nhập cuộc nào cũng đã ký một khế ước thoả hiệp với những giá trị nền tảng của thể chế chính trị đương thời, có đấu tranh để thay đổi, họ chỉ hướng tới những thay đổi lông bông tiểu tiết ở cấu trúc thượng tầng thế thôi.” [2]
Đâu đó, ông Duyên còn được nhắc tên trong tài liệu “tố cáo tội ác” mà tôi không có điều kiện kiểm chứng nhưng vấn đề chính ở đây là ấn tượng tạo ra từ một lần cãi. Nếu thỏa hiệp thì, giữa lúc đang mệt nhọc rút quân từ trên núi về, ông ta đã không làm ầm lên với chuyện chữ nghĩa nhưng có vậy thì ông Phúc mới thán phục đến hết đời người. Mà, xem lại những người Quảng thì, càng tiến xa trong chính trị, họ càng ít cãi và, do đó, càng khiến chúng ta kiệm ước câu “lẫm liệt, anh hùng” hơn.
Như ông Võ Chí Công, người Quảng Nam đầu tiên làm chủ tịch nước. Trong góc độ lịch sử thì thành công của một nhà chính trị không nhất thiết là quyền lực đạt đến mà, quan trọng hơn, là những cải cách đã tiến hành, những khác biệt đã tạo ra, những cảm hứng đã gợi nên, những niềm tin đã xây dựng và những di sản để lại mà, trên khía cạnh này, ông ta là người… vô sản. Không tự đưa ra một chính sách nào, ông ta, theo một nhà quan sát nước ngoài, chỉ là một “nhân vật nhạt nhòa” bởi cả cuộc đời chỉ biết cắm đầu “thực hiện chính sách do người khác định đoạt.” [3]. Ông, thậm chí – trong vai trò Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nông nghiệp kiêm Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam từ năm 1976 – còn trực tiếp gây ra tình trạng đói nghèo cho cả dân tộc, một thời. Ông Công này, do đó, đã không… Quảng Nam bằng đảng viên dưới cơ ở miền Nam, những người đã dám… cãi, dám trì hoãn cái đường lối mang lại đói nghèo để tạo ra sự khác biệt.
Thời trẻ ông làm cách mạng, hết trẻ thì cầm quyền. Mà để thành công trong trò chơi quyền bính thì phải bè đảng, phải thỏa hiệp và, có khi, phải thay trắng thành đen, như có thể thấy trong vụ “Năm Châu - Sáu Sứ”. Đó là âm mưu vu khống Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Trà tội đảo chính để có cớ hạ bệ, tống giam mà, trong Bên Thắng Cuộc II, Quyền Bính, nhà báo Huy Đức đã kể rất rõ qua câu chuyện của ông Võ Viết Thanh, người đã, trong vai trò Thứ trưởng Nội vụ, bí mật bắt giam Sáu Sứ và làm rõ trắng đen:
‘Theo ông Võ Viết Thanh, ngày 23-6-1991, khi đại biểu đã được triệu tập về Hà Nội: “Trước phiên họp cuối cùng của Hội nghị trù bị, Hồng Hà, Chánh Văn phòng Trung ương đưa tôi miếng giấy, ghi: ‘Đề nghị đồng chí Võ Viết Thanh đến giờ giải lao ra gặp Bộ Chính trị và Ban Bí thư có việc riêng’. Tôi tới phòng làm việc của Đoàn Chủ tịch Đại hội, thấy Võ Chí Công, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê, Nguyễn Quyết, Nguyễn Thanh Bình đang chờ. Mặt Đoàn Khuê hằm hằm, Võ Chí Công và Nguyễn Đức Tâm nói ngắn gọn: ‘Chúng tôi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, báo đồng chí hai nội dung. Trước hết, xin chuyển tới đồng chí nhận xét của Bộ Chính trị: Đồng chí là một cán bộ cao cấp còn trẻ, công tác tốt, rất có triển vọng, nhưng rất tiếc, chúng tôi vừa nhận được một số báo cáo tố cáo đồng chí hai việc: Một, ngay sau giải phóng, đồng chí có cho bắt hai cán bộ tình báo của Bộ Quốc phòng và từ đó hai cán bộ này mất tích; hai, cái chết của cha mẹ đồng chí là bị ta trừ gian, chứ không phải do địch giết. Vì vậy, chúng tôi đành phải rút đồng chí ra khỏi danh sách tái cử vào Trung ương khoá VII”.
Ông Võ Viết Thanh nói: “Tôi hết sức bất ngờ. Khi nghe xúc phạm đến ba má tôi thì tôi không còn kiềm chế được. Trong cặp tôi lúc đó có một khẩu súng ngắn, tôi đã định kéo khoá, rút súng ra bắn chết cả ba ông rồi tự sát. Nhưng, tình hình lúc đó, nếu tôi làm thế là tan Đại hội. Tôi cố nuốt cơn tức giận”. Cho dù giữ mình để bảo vệ Đại hội, tương lai chính trị của ông Thanh đã coi như khép lại. Ông Võ Viết Thanh nói: “Nếu tôi cứ nghe lời khuyên, kết luận giống như bản báo cáo của Nguyễn Đức Tâm, thì tôi sẽ được thăng chức, đề bạt nhưng rồi tôi lại phải dấn vào bước thứ hai là ra lệnh bắt oan tướng Trà và tướng Giáp. Làm thế, thì lương tâm sẽ giết dần, giết mòn tôi”. [4]
Đành rằng chính trị là thủ đoạn nhưng nếu bọn đạo tặc cũng có tiết nghĩa của mình thì, trong câu chuyện này, ông ta cũng hoàn toàn... vô sản. Không vu khống được hai đồng chí ngang ngửa hay trên cơ mình thì trả thù, bằng cách vu cáo cha mẹ của kẻ đàn em phá bĩnh dưới cơ. Sống thế thì, khoan nói đến câu “lẫm liệt, anh hùng”. Chỉ chữ “thành nhân” thôi, cũng thấy sao mà khó!
Đến một Nguyễn Xuân Phúc dở dang. Được Nguyễn Tấn Dũng đưa từ Quảng Nam về Hà Nội làm cánh tay mặt cho mình, ông Phúc đã bắt tay với Nguyễn Phú Trọng để lật Dũng. Đồng ý là trong chính trị không có sự trung thành vĩnh viễn nhưng ít ra cũng phải có một một lằn ranh đỏ nào đó cho “đạo đức chính trị” chứ? Tệ hơn, trong những cáo buộc tham nhũng, ông ta còn vượt qua lằn ranh đỏ nhất khi xem tình trạng khẩn cấp của quốc gia, trong đại dịch, như là cơ hội làm tiền, bất chấp ý kiến của giới chuyên môn. Đây thực sự là một tội ác tày trời, không bị nguyền rủa đời đời là may, đừng nói tới câu “lẫm liệt, anh hùng”.
Rồi Nguyễn Bá Thanh, viên bí thư inh ỏi của Đà Nẵng, thành phố có vị trí đặc biệt nhất trong lịch sử: có đánh chiếm Việt Nam, Pháp cũng tấn công Đà Nẵng trước mà có đổ quân vào Việt Nam, Mỹ cũng đổ vào Đà Nẵng trước. Vậy mà bao nhiêu vị trí phòng thủ trọng yếu của thành phố, gần như, bị ông ta bán sạch cho Trung Quốc rồi rộng rãi “phóng tài hóa mãi nhân tâm” với những nước bài chính trị dân túy và, từ đó, gần như trở thành một “huyền thoại sống”. Ông ta được Nguyễn Phú Trọng chú ý, đưa ra Hà Nội làm Trưởng Ban Nội chính nhằm đối phó với Nguyễn Tấn Dũng. Xem như là đầu gà trở thành đuôi trâu thế nhưng, chưa gì, mới sắp thành đuôi trâu thôi, ông ta đã hống hách như đã là... đầu trâu, đe dọa sẽ “hốt hết” và cười cợt những đối thủ là “đang run”. [5]
Ông ta, do đó, đã tréo ngoe như thể vai chính của tuồng chèo mà lại sang sảng “Như ta đây là…”. Chèo là của đất Bắc và những tuồng chèo, chủ yếu, xoay quanh chuyện thế thái nhân tình với những mưu toan hãm hại trong bóng tối còn ông ta, mới chuẩn bị băng vào cuộc chiến thâm cung, bao nhiêu ý đồ trong đầu đã tuôn ra hết bấy nhiêu như trên tuồng hát bội. Nhưng hát bội, như là sản phẩm của đất Quảng Nam - Bình Định thời khai phá với bao nhiêu thách thức trước mặt cần phải hợp quần, cần phải xoáy sâu vào đề tài tiết nghĩa - anh hùng để chường mặt ra đối phó, cái kiếu trình diễn mạnh bạo nơi trận tiền này không hề phù hợp với tuồng tích của những âm mưu toan ám hại nhau giữa chốn hậu trường.
Nhưng trong trò chơi tham nhũng đó thì ông ta đâu hề vô nhiễm mà đối thủ của ông ta cũng đâu phải là hạng học trò? Nên khán giả không phải chờ lâu. Chỉ mới múa may bộ điệu đâu một tuần thì ông ta bị… phản đòn, với quyết định thanh tra của chính phủ vì đã làm cho ngân sách “thất thu hơn 3400 tỷ đồng”. [6]
Làm chính trị mà như quảng cáo gánh hát, bao nhiêu trò hay phô ra hết bấy nhiêu, ông ta có thua trắng trong trò chơi quyền bính cũng là điều dễ hiểu. Ông ta chỉ là nhà chính trị địa phương với cốt cách cường hào chứ chưa hề thể hiện phong thái của một chính khách quốc gia. Cứ xem cái lối ông ta nói chuyện với các đảng viên dưới quyền, qua các video clip phổ biến lan tràn trên internet, có khác nào cốt cách của một viên lý trưởng giữa đình? Mà để cân xứng với chính trị, ông ta còn thể hiện tầm mức trọc phú về văn hóa qua cây “Cầu Rồng” lòe loẹt và đồng bóng ở thành phố lớn nhất miền Trung. [7]
Ba nhân vật Quảng Nam từng xôm tụ trên chính trường quốc gia, xem ra, đã bị… hỏng cả ba. Làm chính trị thì phải biết nhượng bộ nhưng không được bán rẻ mình mà ở đây thì họ bán, vì quyền lực, vì tiền, thậm chí là thứ tiền tanh mùi máu. Còn như cứng rắn, không thỏa hiệp, thì chỉ là một thứ “đặc sản” địa phương, hãnh tiến và ngạo mạn, rặt giọng cường hào.
Nhìn lại lịch sử thì có lóe sáng trên tầm cỡ quốc gia, những con người đất Quảng bao giờ cũng sáng lên như những con người tiết tháo và danh dự mà thế đứng luôn nằm về phía vận nước, lẽ phải và người yếu thế bị cường quyền chà đạp. Những Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Thái Phiên, Lê Đình Dương, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành, Phan Châu Trinh, Phan Khôi, v.v. và, gần với chúng ta hơn cả, là Nguyên Ngọc. Nhà văn này đã chứng tỏ tiết tháo khi nỗ lực vận động đổi mới văn học vào năm 1979 bị thế lực bảo thủ đè bẹp và, suốt một thập niên qua, còn kiên trì đối đầu với những áp lực nặng nề cũng với khát khao đổi mới văn học để, từ đó, đổi mới đất nước và con người, qua Văn Đoàn Độc Lập. [8]
Sừng sững trong những cái tên đó là Phan Châu Trinh, nhà cách mạng với một nhân cách vĩ đại mà sự ra đi vào năm 1926, dẫu bị cấm đoán và đàn áp, đã tự động trở thành quốc tang, gây ảnh hưởng cả một thế hệ. Nếu chọn đúng con đường chấn hưng dân khí - dân trí mà ông đã vạch thay vì chém giết nhau bằng khẩu hiệu bạo lực từ nước ngoài, đất nước chúng ta ngày nay đã khác: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”.
Thì “học” nhưng, thật đau đớn, với thực trạng hiện tại thì để có một sự học tử tế, khả dĩ giúp đất nước khá hơn, còn phải thực hiện một cuộc cách mạng khác, riêng cho giáo dục. Nghĩa là, càng nhìn vào thực trạng đất nước trên mọi mặt, càng thấy cái giá cực kỳ đắt mà dân tộc phải trả cho cái cuộc cách mạng mà Phan Châu Trinh đã cảnh cáo từ đầu.
Tài liệu tham khảo:
1. Có một dạo dồn dập tin đồn “Nguyễn Xuân Phúc sắp bị bắt. Về siêu cường quốc tin đồn xem:
https://vanviet.info/van-de-hom-nay/siu-cuong-quoc-tin-don/
2. https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=491
3. “… a colourless figure, who spent his life following policies determined by others.”, The Times, Nov 15th, 2011
https://www.thetimes.com/article/vo-chi-cong-t98ft0pgtbh
4. Theo tố cáo thì Võ Nguyên Giáp muốn đảo chính để lên làm chủ tịch nước rồi tổng bí thư, đưa Trần Văn Trà lên làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Võ Viết Thanh đã bí mật bắt giam Nguyễn Thị Sứ (Sáu Sứ) và bà này đã khai ra hết!
Huy Đức (2012), Bên Thắng Cuộc Tập II. Quyền Bính, nhà xuất bản OSINBOOK, tr. 134-178.
6. https://www.nguoiduatin.vn/dieu-tra-vu-that-thu-hon-3400-ty-dong-o-da-nang-20465582.htm
7. https://www.tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=7
8. https://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2180&rb=0102
và: