Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

“Ánh sáng và sợi chỉ” – diễn từ Nobel của Han Kang

(Bài diễn từ có tên Ánh sáng và sợi chỉ [Light and Thread] của Han Kang phát biểu bằng tiếng Hàn tại Viện Hàn lâm Thụy Điển ở thành phố Stockholm hôm 7/12).

 

Đỗ Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Anh trên trang web của giải Nobel.

Hiếu Tân hiệu đính.

Tháng 1 năm ngoái, khi dọn kho để chuyển nhà, tôi tìm thấy một hộp giày cũ. Tôi mở hộp, tìm thấy vài cuốn nhật ký thời thơ ấu. Trong đống nhật ký, có một xấp giấy mỏng, trên ghi bằng bút chì Một tập thơ. Cuốn sách mỏng này gồm năm tờ giấy A5 gấp đôi và đóng bằng kim bấm. Tôi đã thêm hai đường ngoằn ngoèo dưới tiêu đề, một đường đi lên sáu bậc về bên trái, đường kia đi xuống bảy bậc hướng sang phải. Đó có phải là một kiểu minh họa bìa? Hay chỉ đơn giản là một hình vẽ nguệch ngoạc? Mặt sau xấp giấy ghi năm 1979 và tên tôi. Bên trong có tổng cộng tám bài thơ viết bằng nét bút chì gọn gàng giống như ở bìa trước và sau. Cuối mỗi bài thơ ghi một ngày khác nhau, theo thứ tự thời gian. Những dòng chữ của tôi khi lên tám rất ngây thơ và thiếu trau chuốt, nhưng một bài thơ viết vào tháng 4 đã thu hút sự chú ý của tôi. Nó mở đầu với những câu sau:

Tình yêu ở đâu?

Nó nằm trong lồng ngực đập thình thịch của tôi.

Tình yêu là gì? 

Nó là sợi chỉ vàng kết nối trái tim của chúng ta

Trong chớp mắt, tôi quay ngược về bốn mươi năm trước, nhờ kỷ niệm về buổi chiều tôi loay hoay đóng cuốn sổ thơ. Cây bút chì ngắn của tôi đậy bằng nắp bút bi, bụi từ cục gôm, chiếc kẹp giấy lớn tôi lén lấy từ phòng của cha. Tôi nhớ là sau khi biết gia đình mình sắp chuyển đến Seoul, tôi có động lực thu thập những bài thơ viết rải rác trên những mẩu giấy nhỏ, hoặc bên lề sổ tay, vở bài tập và hoặc giữa các đoạn nhật ký, gom chúng lại thành một quyển duy nhất. Tôi cũng hồi tưởng lại cảm giác không muốn cho ai xem "tập thơ" của mình khi nó hoàn thành.

Trước khi đặt xấp nhật ký và tập thơ nhỏ trở về chỗ cũ và đóng nắp hộp lại, tôi đã chụp ảnh bài thơ đó bằng điện thoại. Bởi vì tôi cảm nhận được tính liên tục giữa những từ mà tôi đã viết vào thời thơ ấu với con người tôi hiện tại. Trong lồng ngực tôi, trong trái tim đập thình thịch của tôi. Giữa trái tim của chúng ta. Sợi chỉ vàng nối kết – một sợi chỉ phát sáng.

Han Kang ở buổi phát biểu nhận Nobel Văn học 2024. Ảnh: Anna Svanberg

***

14 năm sau, với việc xuất bản bài thơ và truyện ngắn đầu tiên, tôi trở thành nhà văn. Sau năm năm nữa, cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên mà tôi viết trong ba năm được phát hành. Từ đó đến nay, quá trình làm thơ, viết truyện ngắn luôn cuốn hút tôi, nhưng viết tiểu thuyết luôn có hấp lực đặc biệt. Mỗi cuốn tiểu thuyết dài tiêu tốn của tôi từ một đến bảy năm để hoàn thành, chúng khiến tôi đánh đổi đáng kể cuộc sống cá nhân của mình. Đây cũng chính là điều thu hút tôi vào công việc này. Suy ngẫm về những câu hỏi mình cho là cần thiết và cấp bách, tôi đắm chìm sâu sắc đến nỗi chấp nhận sự đánh đổi.

Mỗi khi sáng tác tiểu thuyết, tôi chịu đựng những câu hỏi, tôi sống trong chúng. Lúc đi đến cùng những câu hỏi này không đồng nghĩa với đã tìm ra câu trả lời, mà là lúc tôi chạm đến điểm cuối của quá trình viết. Lúc ấy, tôi không còn là tôi khi bắt đầu, và từ trạng thái đã thay đổi đó, tôi tái khởi đầu. Những câu hỏi tiếp theo xuất hiện, như trong một chuỗi mắt xích, hoặc như những quân cờ domino, chồng chéo và nối tiếp nhau, thúc đẩy tôi tiếp tục viết điều gì mới.

Khi viết cuốn tiểu thuyết thứ ba Người ăn chay, từ năm 2003 đến 2005, tôi đã đối mặt với những câu hỏi đau đớn: Một người có thể hoàn toàn ngây thơ không? Chúng ta có thể từ chối bạo lực đến mức nào? Điều gì sẽ xảy ra với cá nhân từ chối thuộc về giống loài gọi là con người?

Cuốn Người ăn chay bản tiếng Việt, xuất bản năm 2011. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Lựa chọn không ăn thịt để từ chối bạo lực, và cuối cùng từ chối mọi đồ ăn, thức uống, ngoại trừ nước, với niềm tin rằng mình đã biến thành cây, Yeong-hye, nhân vật chính trong Người ăn chay, thấy mình ở trong tình huống mỉa mai: Càng muốn tự cứu mình thì càng nhanh chóng hướng đến cái chết. Yeong-hye và chị gái In-hye của cô, thực tế cả hai đều là nhân vật chính, gào thét vô thanh trong những cơn ác mộng và sự đổ vỡ, nhưng cuối cùng họ vẫn bên nhau. Tôi để cảnh cuối cùng diễn ra trong chiếc xe cứu thương, với hy vọng Yeong-hye vẫn còn sống trong thế giới của câu chuyện. Chiếc xe lao nhanh xuống con đường núi dưới những tán lá xanh rực rỡ, trong khi người chị đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ. Có lẽ cô đang chờ đợi một phản ứng, hoặc cô đang phản kháng. Toàn bộ tiểu thuyết nằm trong trạng thái nghi vấn. Nhìn chằm chằm và thách thức. Chờ đợi một câu trả lời.

Mực và Máu (Ink and Blood), cuốn tiểu thuyết sau Người ăn chay, tiếp tục những câu hỏi này. Từ chối cuộc sống và thế giới này để từ chối bạo lực là sự bất khả thi. Rốt cuộc, chúng ta không thể biến thành những cái cây. Vậy chúng ta tiếp tục bằng cách nào? Trong cuốn tiểu thuyết thể loại kỳ bí này, những câu văn in thường và in nghiêng xô đẩy, xung đột nhau, khi nhân vật chính – người lâu nay vật lộn với bóng đen Thần Chết – mạo hiểm mạng sống của mình để chứng minh rằng cái chết đột ngột của bạn cô không thể là tự tử. Khi tôi viết cảnh kết thúc, mô tả cô ấy lê lết trên sàn để bò ra khỏi cái chết và sự hủy diệt, tôi đã tự hỏi những câu này: Lẽ nào chúng ta không được sống sót đến cùng sao? Lẽ nào đời ta không là minh chứng cho chân lý hay sao?

Với cuốn tiểu thuyết thứ năm, Những bài học Hy Lạp (Greek Lessons), tôi thậm chí còn đẩy xa hơn nữa. Nếu chúng ta phải sống trong thế giới này, những khoảnh khắc nào làm cho điều đó khả thi? Một phụ nữ mất tiếng nói và một người đàn ông mất dần thị giác đang đi trong lặng lẽ và bóng tối khi những ngả đường đơn độc của họ giao nhau. Tôi tập trung miêu tả những khoảnh khắc xúc giác trong câu chuyện này. Cuốn tiểu thuyết diễn tiến với tốc độ chậm của riêng nó, xuyên qua tĩnh lặng và bóng tối, cho đến khi bàn tay của người phụ nữ với tới và viết vài từ trên lòng bàn tay của người đàn ông. Trong giây phút rực sáng thành vĩnh hằng, hai nhân vật bộc lộ những khía cạnh ôn hòa của chính họ. Câu hỏi tôi muốn đặt ra ở đây là: Phải chăng bằng cách quan tâm đến những khía cạnh dịu dàng nhất của nhân loại, bằng cách vuốt ve sự ấm áp không thể chối cãi tồn tại ở đó, rốt cuộc chúng ta có thể tiếp tục sống trong thế giới hữu hạn và đầy bạo lực này?

Khi chạm đến tận cùng câu hỏi này, tôi bắt đầu nghĩ về cuốn sách tiếp theo. Đó là vào mùa xuân năm 2012, không lâu sau khi Những bài học Hy Lạp xuất bản. Tôi tự nhủ sẽ viết một cuốn tiểu thuyết tiến thêm một bước nữa về phía ánh sáng và sự ấm áp. Ngập tràn tác phẩm này là cảm giác sáng choang, trong suốt. Tôi nhanh chóng tìm ra tên sách và viết được hai mươi trang bản thảo đầu tiên, rồi buộc phải dừng lại. Tôi nhận ra rằng có điều gì đó bên trong ngăn cản tôi viết cuốn tiểu thuyết này.

Cho đến lúc đó, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc viết về Gwangju.

Tôi mới chín tuổi khi gia đình rời Gwangju vào tháng 1/1980, khoảng bốn tháng trước khi các cuộc thảm sát bắt đầu. Khi tôi tình cờ nhìn thấy gáy sách lộn ngược của Sách ảnh Gwangju trên kệ vài năm sau, và xem qua lúc không có người lớn nào xung quanh, tôi đã mười hai tuổi. Cuốn sách chứa những bức ảnh của thường dân, sinh viên Gwangju bị giết bằng gậy, lưỡi lê và súng khi chống lại lực lượng quân sự vừa thực hiện đảo chính. Được những người sống sót và gia đình người chết xuất bản, phân phối bí mật, cuốn sách làm chứng cho sự thật vào thời điểm mà sự thật còn bị bóp méo, xuyên tạc do truyền thông bị đàn áp khốc liệt. Là một đứa trẻ, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa chính trị của những hình ảnh đó, nhưng những khuôn mặt dập nát trong sách đã in hằn trong tâm trí tôi câu hỏi cơ bản về con người: Đây có phải là hành động của một con người đối với con người hay không? Và sau đó, nhìn thấy một bức ảnh chụp hàng người vô tận chờ hiến máu bên ngoài bệnh viện đại học, tôi lại tự hỏi: Đây có phải là hành động của một con người đối với con người hay không? Hai câu hỏi này trông thì giống nhau, nhưng chúng xung khắc và dường như không thể hòa giải. Sự thiếu tương thích của chúng là một nút thắt mà tôi không thể tháo gỡ.

Vì vậy, vào một ngày xuân năm 2012, khi thử viết một cuốn tiểu thuyết tươi sáng, ngợi ca cuộc sống, tôi một lần nữa phải đối mặt với vấn đề chưa được giải quyết này. Tôi đã mất cảm giác tin tưởng sâu sắc vào con người từ lâu. Vậy làm sao tôi có thể vỗ về thế giới? Tôi nhận ra rằng mình phải đối mặt với câu đố không lời đáp này nếu muốn tiến về phía trước. Tôi hiểu rằng viết là cách duy nhất để vượt qua nó.

Tôi dùng phần lớn thời gian của năm đó để phác thảo tiểu thuyết, hình dung sự kiện tháng 5/1980 ở Gwangju sẽ tạo thành một lớp nghĩa trong cuốn sách. Vào tháng 12, tôi đến thăm nghĩa trang ở Mangwol-dong. Lúc đó đã quá trưa, một ngày sau trận tuyết lớn. Sau đó, khi ánh sáng mờ dần, tôi bước ra khỏi nghĩa trang băng giá với bàn tay đặt lên ngực, cạnh trái tim. Tôi tự nhủ rằng cuốn tiểu thuyết tiếp theo này sẽ nhìn trực diện vào Gwangju, thay vì dành cho nó một lớp nghĩa duy nhất. Tìm được một cuốn sách thu thập hơn 900 lời chứng, tôi dành chín giờ mỗi ngày trong suốt một tháng để đọc từng câu chuyện trong đó. Rồi tôi đọc ngấu nghiến không chỉ về Gwangju mà còn về các trường hợp bạo lực nhà nước khác. Nhìn xa hơn và quay ngược về quá khứ, tôi đọc về những cuộc thảm sát mà con người liên tục gây ra khắp thế giới trong suốt chiều dài lịch sử.

Trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị cho cuốn tiểu thuyết, có hai câu hỏi thường xuyên hiện lên trong tâm trí tôi. Ở độ tuổi 20, tôi đã viết những dòng này lên trang đầu tiên của mỗi cuốn nhật ký mới:

Hiện tại có thể giúp quá khứ không?

Người sống có thể cứu người chết không?

Càng đọc, tôi càng nhận ra rằng đây là những câu hỏi không thể trả lời. Thông qua sự chạm trán dai dẳng với những khía cạnh đen tối nhất của nhân loại, tôi cảm thấy những tàn dư của niềm tin vào con người – vốn đã gãy đổ từ lâu trong tôi – nay vỡ vụn hoàn toàn. Tôi gần như từ bỏ cuốn tiểu thuyết. Rồi tôi đọc được những trang nhật ký của một giáo viên trẻ dạy trường buổi tối. Park Yong-jun, một thanh niên nhút nhát, trầm tính, đã tham gia vào "cộng đồng tuyệt đối" của những công dân tự trị hình thành ở Gwangju trong 10 ngày nổi dậy vào tháng 5/1980. Anh ấy bị bắn chết tại tòa nhà Hiệp hội Nữ Thanh niên Cơ đốc (Young Women's Christian Association) gần trụ sở hành chính tỉnh. Anh đã chọn ở lại, dù biết rằng binh lính sẽ tấn công lần nữa vào sáng sớm. Trong đêm cuối cùng đó, anh viết vào nhật ký: "Chúa ơi, tại sao lương tâm con lại đau khổ và cắn rứt như vậy? Con muốn được sống".

Khi đọc những câu này, tôi thấy ngay đường đi của cuốn tiểu thuyết, sáng rõ như ban ngày. Và hai câu hỏi của tôi phải đảo ngược.

Quá khứ có thể giúp hiện tại không?

Người chết có thể cứu người sống không?

Về sau, khi đang viết Bản chất của người (Human Acts), vào những khoảnh khắc nhất định, tôi nhận thấy rằng quá khứ thực sự đang giúp hiện tại, và người chết đang cứu người sống. Thỉnh thoảng tôi lại ghé thăm nghĩa trang ấy, chẳng hiểu sao lúc nào trời cũng trong xanh chứ không còn lạnh giá. Tôi sẽ nhắm mắt lại, để những tia nắng màu cam tràn vào mí mắt tôi. Tôi cảm thấy đó là ánh sáng của sự sống. Tôi cảm thấy ánh sáng và không khí bao bọc tôi trong ấm áp khôn tả.

Những câu hỏi còn đọng lại lâu trong tôi sau khi tôi nhìn thấy cuốn sách ảnh đó là: Con người sao lại bạo lực đến vậy? Và tại sao đồng thời, con người có thể chống lại bạo lực có sức mạnh áp đảo đến vậy? Thuộc về giống loài có tên là loài người có nghĩa là gì? Để băng qua "con đường không-thể-qua" nối khoảng không giữa hai vách đứng của nỗi sợ của con người và phẩm giá con người, tôi cần sự trợ giúp của người chết. Cũng như trong cuốn tiểu thuyết này, Bản chất của người, cậu bé Dong-ho kéo tay mẹ để thúc giục bà đi về hướng mặt trời.

Tất nhiên, tôi không thể đảo ngược những gì đã xảy ra với người chết, thân nhân họ hay người sống sót. Những gì tôi có thể làm là truyền cho họ cảm giác, cảm xúc, và sự sống đang đập trong cơ thể tôi. Mong muốn thắp nến ở đoạn đầu và cuối cuốn tiểu thuyết, tôi đã đặt cảnh thứ nhất trong nhà thi đấu địa phương, là nơi quàn những thi thể của người chết và nơi tiến hành tang lễ. Ở đó, chúng ta chứng kiến cậu bé mười lăm tuổi Dong-ho phủ những tấm vải trắng lên các thi thể và thắp nến. Cậu nhìn đăm đăm vào cái lõi xanh nhạt của từng ngọn lửa.

Tên tiếng Hàn của tiếu thuyết này là Sonyeon-i onda. Từ cuối cùng "onda" là thì hiện tại của động từ "oda", có nghĩa là "đến". Ngay khoảnh khắc thiếu niên sonyeon được gọi bằng ngôi thứ hai là "em", dù thân mật hay không, cậu ấy lập tức tỉnh dậy trong ánh sáng mờ ảo và bước về phía hiện tại. Những bước chân của cậu ấy là của một linh hồn. Cậu ấy càng lúc càng đến gần và biến thành cái bây giờ. Khi thời gian và không gian trong đó cái ác của con người và phẩm giá con người tồn tại song song trong đối cực được gọi là Gwangju, thì cái tên đó không còn là danh từ riêng chỉ một thành phố duy nhất, mà trở thành một danh từ chung. Đó là điều tôi học được khi viết cuốn sách này. Nó xảy đến với chúng ta – hết lần này đến lần khác, xuyên qua thời gian, không gian – và luôn ở thì hiện tại. Thậm chí là bây giờ.

***

Khi cuốn sách hoàn thành và xuất bản vào mùa xuân năm 2014, nỗi đau mà nó gây ra nơi độc giả khiến tôi ngạc nhiên. Tôi phải dành thời gian suy nghĩ xem nỗi đau tôi cảm thấy trong quá trình sáng tác và những khổ sầu độc giả bày tỏ với tôi có liên quan với nhau thế nào. Có gì đằng sau nỗi thống khổ ấy? Phải chăng do chúng ta muốn đặt niềm tin vào nhân loại, và khi niềm tin ấy bị lung lay, ta cảm thấy như chính bản thân đang bị phá hủy? Phải chăng chúng ta muốn yêu nhân loại, và đây là nỗi đau mà chúng ta cảm thấy khi tình yêu ấy bị đập tan tành? Phải chăng Tình yêu sinh ra nỗi đau, và nỗi đau là bằng chứng của tình yêu?

Tháng 6 cùng năm, tôi mơ thấy mình đang đi qua một cánh đồng bao la trong tuyết rơi lác đác. Hàng nghìn hàng vạn gốc cây đen rải rác khắp cánh đồng, sau mỗi gốc cây là một gò mả. Có chỗ tôi bước xuống nước, và khi nhìn lại tôi thấy biển đang tràn vào từ rìa cánh đồng, mà trước đó tôi nhầm là đường chân trời. Tại sao lại có mộ ở một nơi như thế này? Tôi tự hỏi. Chẳng phải tất cả xương cốt trong những gò mả thấp gần biển đã bị cuốn trôi rồi sao? Ít nhất, tôi có nên di dời xương cốt lên các gò cao hơn, ngay bây giờ, trước khi quá muộn? Nhưng làm cách nào? Tôi thậm chí không có cái xẻng nào. Nước đã lên đến mắt cá chân tôi. Tôi tỉnh dậy, nhìn ra cửa sổ thấy vẫn còn tối, trực giác cho tôi biết rằng giấc mơ này đang nói với tôi điều gì đó quan trọng. Sau khi ghi lại giấc mơ, tôi nghĩ rằng đây có thể là khởi đầu cho cuốn tiểu thuyết tiếp theo của mình.

Tuy nhiên, tôi chưa có ý tưởng rõ ràng về hướng đi. Tôi bắt tay vào cuốn sách mới, loại bỏ dần những cách mở đầu của một số câu chuyện tiềm năng mà tôi tưởng tượng sau giấc mơ. Cuối cùng, vào tháng 12/2017, tôi thuê phòng trên đảo Jeju và dành khoảng hai năm tiếp theo đi về giữa Jeju và Seoul. Dạo bước trong rừng, dọc theo biển, trên con đường làng, cảm nhận thời tiết cực đoan của Jeju vào mỗi khoảnh khắc – gió, ánh sáng, tuyết và mưa – tôi dần hình dung rõ nét phác thảo của cuốn tiểu thuyết. Tương tự khi viết Bản chất của người, lần này tôi cũng đọc lời chứng của người sống sót sau những cuộc thảm sát, nghiền ngẫm tài liệu, rồi sau đó, với cách tiếp cận kiềm chế nhất có thể mà không quay lưng lại với những chi tiết tàn nhẫn gần như không thể diễn tả bằng lời, tôi đã viết nên Không lời từ biệt (We Do Not Part). Cuốn sách được xuất bản gần bảy năm sau giấc mơ về những gốc cây đen và nước biển tràn bờ.

Bìa Bản chất của người bản tiếng Việt, sách 350 trang. Ảnh: Nhã Nam

Trong cuốn sổ tay tôi dùng trong quá trình sáng tác ấy, tôi đã ghi chú thế này:

Cuộc sống tìm cách sống. Cuộc sống ấm áp.

Chết là trở nên lạnh lẽo. Có tuyết phủ lên mặt thay vì tan chảy.

Giết là làm lạnh.

Con người trong lịch sử và con người trong vũ trụ.

Gió và các dòng hải lưu. Dòng tuần hoàn của nước và không khí kết nối toàn thế giới. Chúng ta được kết nối. Tôi cầu nguyện cho chúng ta được kết nối.

Tiểu thuyết này chia thành ba phần. Nếu phần đầu là hành trình theo chiều ngang, theo chân người kể chuyện Kyungha từ Seoul đến nhà của người bạn Inseon ở vùng cao nguyên Jeju, xuyên qua tuyết rơi dày đặc để tìm đến chỗ chú chim nhỏ mà cô được giao nhiệm vụ cứu sống, thì phần thứ hai theo con đường thẳng đứng dẫn Kyungha và Inseon đến một trong những đêm đen tối nhất của nhân loại – vào mùa đông năm 1948, khi thường dân trên đảo Jeju bị thảm sát – và lặn sâu xuống đáy đại dương. Trong phần thứ ba, cũng là phần cuối, hai người cùng thắp lên ngọn nến dưới đáy biển.

Mặc dù diễn tiến tiểu thuyết xoay quanh hai người bạn, tương tự cách họ thay phiên nhau giữ ngọn nến, nhân vật chính thực sự, đồng thời là người liên hệ với cả Kyungha và Inseon, là Jeongsim – mẹ của Inseon. Bà sống sót sau chuỗi thảm sát trên đảo Jeju, đã chiến đấu để giành lại dù chỉ một mảnh xương của người thân yêu, để bà có thể làm một đám tang tử tế. Bà, người không chịu ngừng than khóc. Bà chịu đựng nỗi đau và đứng lên chống lại sự lãng quên. Bà, người không nói lời từ biệt. Khi viết về cuộc đời bà, người bao năm tháng luôn sục sôi, đẫm đầy cùng một nỗi đau và tình yêu, tôi nghĩ mình đặt ra những câu hỏi sau: Chúng ta có thể yêu đến mức nào? Đâu là giới hạn của chúng ta? Chúng ta phải yêu đến mức nào để duy trì được nhân tính đến tận cùng?


Nhà văn Han Kang trong buổi họp báo của Viện Hàn lâm Thụy Điển hôm 6/12. Ảnh: Reuters

***

Ba năm sau khi phát hành ấn bản tiếng Hàn của Không lời từ biệt, tôi vẫn chưa hoàn thành cuốn tiểu thuyết tiếp theo của mình. Còn cuốn sách tôi hình dung sẽ theo sau nó thì chờ đợi tôi mòn mỏi từ lâu. Đó là cuốn tiểu thuyết liên kết với Sách Trắng (The White Book), tác phẩm tôi viết ra từ mong muốn cho người chị ruột – đã qua đời hai giờ sau khi chào đời – mượn tạm cuộc sống của mình trong giây lát, và cũng để săm soi vào những thành tố làm nên chúng ta mà không gì phá hủy nổi, dù trời long đất lở. Như mọi khi, thật khó dự đoán khi nào sẽ hoàn thành tác phẩm, nhưng tôi vẫn miệt mài viết, dù chậm. Tôi sẽ vượt qua những cuốn sách đã viết để đi tiếp. Cho đến khi tôi ngoái lại nhìn và thấy chúng không còn trong tầm mắt mình nữa. Xa nhất có thể mà đời tôi cho phép.

Khi rời xa tôi, các tác phẩm tiếp tục đời sống độc lập và đi theo số phận riêng của chúng. Cũng như hai chị em ở cạnh nhau mãi mãi trong chiếc xe cứu thương, khi ngọn lửa xanh rực cháy bên ngoài cửa kính. Cũng như người phụ nữ sắp lấy lại giọng nói, dùng ngón tay mình viết vào lòng bàn tay của người đàn ông – trong tĩnh lặng, trong bóng tối. Cũng như chị ruột tôi, đã qua đời chỉ sau hai giờ đến với thế giới này, và người mẹ trẻ măng của tôi ôm con van cầu: "Đừng chết, xin đừng chết" cho đến phút cuối cùng. Những linh hồn đó sẽ đi xa đến đâu – những linh hồn tụ lại thành vầng sáng màu cam rực rỡ sau mí mắt nhắm của tôi, bao bọc tôi trong ánh sáng ấm áp khôn tả? Những ngọn nến sẽ rọi xa đến đâu – những ngọn nến được thắp lên tại hiện trường mỗi vụ giết chóc, trong thời gian và không gian bị tàn phá bởi bạo lực không thể tưởng tượng được, ngọn nến trên tay những con người thề không bao giờ nói lời từ biệt? Phải chăng chúng sẽ lướt đi từ sợi bấc này sang sợi bấc khác, từ trái tim này sang trái tim kia, trên một sợi chỉ vàng?

Trong cuốn sổ nhỏ tôi tìm thấy ở hộp giày cũ vào tháng 1 năm ngoái, tôi của quá khứ, viết vào tháng 4/1979, đã tự hỏi mình:

Tình yêu ở đâu?

Tình yêu là gì?

Còn đến mùa thu năm 2021, khi Không lời từ biệt xuất bản, tôi xem hai vấn đề sau đây là cốt lõi:

Tại sao thế giới đầy bạo lực và đớn đau?

Mà vẫn có thể đẹp tươi đến vậy?

Suốt thời gian dài, tôi tin rằng cuộc đấu tranh bên trong căng thẳng giữa những câu này là lực đẩy đằng sau sự nghiệp viết lách của mình. Từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên đến cuốn mới nhất, những câu hỏi neo giữ trong tâm trí tiếp tục thay đổi và phát triển, nhưng chỉ có hai câu này là bất biến. Nhưng hai, ba năm trước, tôi bắt đầu nghi ngờ. Có thật sự là tôi chỉ bắt đầu tự hỏi mình về tình yêu – về nỗi đau kết nối chúng ta – sau khi Bản chất của người ra mắt bản tiếng Hàn vào mùa xuân năm 2014 không? Từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên đến cuốn mới nhất, chẳng phải lớp sâu nhất của các truy vấn của tôi đều luôn hướng về tình yêu hay sao? Phải chăng tình yêu thực sự là âm điệu cổ xưa và căn bản nhất trong cuộc đời tôi?

Tình yêu nằm ở một nơi riêng tư được gọi là "trái tim của tôi", đứa trẻ đã viết vào tháng 4/1979. (Nó nằm trong lồng ngực đập thình thịch của tôi). Và về tình yêu là gì, đây là câu trả lời của cô bé. (Nó là sợi chỉ vàng kết nối trái tim của chúng ta).

Tôi huy động toàn bộ cơ thể mình khi viết. Tôi sử dụng tất cả giác quan để nhìn, nghe, ngửi, nếm, trải nghiệm sự dịu dàng, ấm áp, lạnh lẽo, đớn đau; để nhận thấy tim mình đập nhanh và cơ thể cần thức ăn nước uống; để đi và chạy; để cảm nhận gió, mưa, tuyết trên da; để nắm giữ những bàn tay. Tôi cố gắng truyền những cảm giác sống động mà tôi – một sinh vật phàm trần với dòng máu nóng chảy trong cơ thể – cảm nhận được, vào câu chữ của mình. Như thể truyền đi một luồng điện. Và khi biết luồng điện này đã được truyền đến độc giả, tôi kinh ngạc và xúc động. Trong những khoảnh khắc này, tôi lần nữa trải nghiệm sợi chỉ ngôn ngữ kết nối chúng ta, mối liên quan giữa những câu hỏi của tôi với của độc giả, thông qua luồng điện sống động ấy. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những ai đã kết nối với tôi qua sợi chỉ đó, cũng như những ai sẽ đến tham gia kết nối trong tương lai.