Lại Nguyên Ân
Năm nay, 2024, là dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, giáo sư Đ
ỗ Đức Hiểu (16.IX.1924 – 27.II.2003). Đây là dịp để những người từng là học trò, là cộng sự của học giả nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp về người thầy, người đồng nghiệp tiền bối của mình.Về phần mình, tôi xin nhắc lại vai trò của giáo sư Đỗ Đức Hiểu đối với
công trình Từ điển văn học (2 tập: 1983 - 1984), Từ
điển văn học, bộ mới (2004).
Các trang tiểu sử vắn tắt cho biết, Đỗ Đức Hiểu quê làng Cổ Nhuế, huyện
Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Sau khi đỗ Tú tài (1943), ông vào đại học luật. Cách
mạng tháng Tám 1945 đưa đất nước vào một quỹ đạo mới. Năm 1946, chàng sinh viên
Đỗ Đức Hiểu 22 tuổi rời Hà Nội đi kháng chiến rồi vào nghề thầy giáo tại trường
Hùng Vương (Phú Thọ) và từ đấy cả đời luôn gắn bó với nghề dạy học.
Năm 1955 ông được cử vào Ban tu thư (Bộ Giáo dục) soạn bộ giáo khoa môn
văn cho học sinh trung học. Từ 1958 ông là giảng viên phụ trách môn văn học
phương Tây của khoa Khoa học xã hội trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Có thời
gian ông được cử đi dạy tiếng Pháp tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), đi nghiên
cứu tại Đại học Paris VII (Pháp), nhưng phần lớn thời gian đời mình ông dành
cho công việc giảng dạy và nghiên cứu ở trong nước.
Với vốn hiểu biết về văn học phương Tây được học từ bậc trung học trường
Pháp-Việt, Đỗ Đức Hiểu đã tự học, tự đào tạo mình thành một chuyên gia ở bậc đại
học về bộ môn này. Bên cạnh việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu
sinh, nhà giáo Đỗ Đức Hiểu đã viết và đưa in khá nhiều sách nghiên cứu, biên khảo.
Đầu những năm 1980s, bộ Từ điển văn học 2 tập khổ lớn, ra mắt lần đầu tiên, đánh dấu
thêm một bước trưởng thành của ngành nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Đỗ Đức Hiểu
là một trong ba soạn giả chủ biên (cùng Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu), với sự
tham gia của hàng chục chuyên gia khác.
Ngày nay nhìn lại, điều trước tiên cần làm rõ là, tuy công trình Từ
điển văn học được tổ chức
biên soạn trong những năm mà ngày nay thường được gọi là “thời bao cấp” (thời của
kiểu kinh tế xã hội mệnh lệnh-chỉ huy, khi mà hầu như mọi công trình lớn nhỏ đều
được xét duyệt bởi các cấp hành chính nhà nước, được cấp kinh phí từ ngân sách,
được quản trị và điều hành bởi các tổ chức có thẩm quyền hành chính-chuyên
môn). Thế nhưng chính trong thời gian ấy, Từ điển văn học lại hoàn toàn
là kết quả sự hợp tác cá nhân của các soạn giả và nhóm chủ biên.
Các soạn giả trong nhóm chủ biên tuy đều là công chức trong ngành giáo dục
(Đỗ Đức Hiểu, Phùng Văn Tửu) hoặc trong viện nghiên cứu (Nguyễn Huệ Chi) nhưng
việc họ đề xuất việc biên soạn từ điển văn học không phải là một dự án công,
không được (hay bị) xét duyệt bởi một cấp thẩm quyền nào, cũng không hề được cấp
kinh phí từ ngân sách công.
Các soạn giả được mời tham gia biên soạn các mục từ, có người là viên chức,
nhà báo, nhà giáo, nhà văn, cũng có người hoàn toàn là dân thường.
Tóm lại, việc đề xuất đề tài và tổ chức biên soạn Từ điển văn học
hoàn toàn là một dự án tư nhân.
Sau khi bản thảo hoàn thành, việc tổ chức in ấn tất nhiên liên quan tới
nhà xuất bản và nhà in, trong đó, nhà xuất bản là cơ quan nhà nước, dù đó là
nhà xuất bản Khoa học Xã hội (đối với Từ điển văn học tập I, in 1983, và tập II, in
1984) hay nhà xuất bản Thế giới (đối với Từ điển văn học, bộ mới, 2004).
Song nhà xuất bản cũng chỉ giữ đúng vai trò “biên tập”, xem xét những gì
có thể đưa in và những gì nhất thiết không thể cho in, sau khi xem xét toàn bộ
bản thảo rồi, nhà xuất bản mới quyết định đồng ý đứng tên xuất bản, xin giấy
phép cơ quan chuyên trách (Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch).
Liên hệ với nhà in thì tương đối đơn giản, bởi chỉ là liên hệ với đơn vị
sản xuất sách.
Ngày nay nhìn lại, người ta có thể ngạc nhiên là chính trong cái thời mà
cơ chế nhà nước hóa bao trùm hầu khắp các hoạt động, từ kinh tế xã hội đến văn
hóa nghệ thuật như thế, mà nhóm chủ biên do Đỗ Đức Hiểu đứng đầu, đã dám tổ chức
và tổ chức thành công một dự án tu thư tầm cỡ, hoàn toàn dựa vào những liên kết
cá nhân, huy động được thứ “lao động ngoài giờ làm việc” của hàng chục soạn giả
vốn hầu hết vẫn là “người lao động của nhà nước” vào công tác biên soạn, nhưng
hầu như không hề bị ngăn trở.
Đối với bộ cũ (Từ điển văn học, 2 tập, 1983 - 1984), tôi hoàn
toàn là một độc giả. Nhưng đối với Từ điển văn học, bộ mới
(2004), tôi lại là một trong số những đồng soạn giả. Chính việc tham gia biên
soạn một lượng không ít mục từ lần này đã khiến tôi có dịp xúc tiếp với giáo sư
Đỗ Đức Hiểu và các vị trong nhóm chủ biên.
Cơ hội để tôi tham dự biên soạn Từ điển văn học, bộ mới là
do những thay đổi trong lực lượng cộng tác biên soạn. Một số cộng tác viên cũ đề
nghị rút tất cả hoặc từng phần các mục từ mà họ từng soạn và đã in trong bộ cũ
ra khỏi bản thảo lần in mới mà nhóm chủ biên đang muốn sửa đổi.
Nhóm chủ biên thảo luận với nhau và tìm cộng sự mới.
Tôi được mời tham gia là do có sự cố như vậy.
Còn nhớ, một ngày trong năm 1995, tôi được mời tới nhà riêng GS. Đỗ Đức
Hiểu trong một ngõ phố hẹp ở đường Hàng Bài; cả mấy vị trong nhóm chủ biên đều
có mặt (Đỗ Đức Hiểu, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Huệ Chi, Trần Hữu Tá).
Sau khi biết đề xuất của các vị chủ trì, tôi nhận soạn khoảng 100 thuật
ngữ văn học cho bản thảo mới đang hình thành.
Có thể nói, chỉ từ khi tham gia biên soạn cuốn từ điển chuyên ngành này,
tôi mới cảm nhận được đôi điều về cách thức hoạt động của một tập thể học thuật
mang tính “tư nhân” này.
Tôi nhận thấy, điều được ngầm coi như nguyên tắc của các vị chủ biên là
tận dụng tối đa vốn hiểu biết của các soạn giả-cộng tác viên.
Đã đành số đông cộng tác viên biên soạn các mục từ đều là những người có
thể coi là chuyên gia về những mảng khác nhau của các tri thức lý thuyết văn học
và tri thức lịch sử văn học.
Trong số họ, có người là nhà nghiên cứu, là giảng viên đại học, cũng có
người là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, v.v.
Rất khó để nêu trước tiên những quy phạm về biên soạn, trừ một số chi tiết
thuần túy ngôn ngữ. Vả chăng, từ các bản nháp đến các bản soạn chính thức, đã
là khoảng cách không ngắn; chưa kể đến công đoạn nghiệm thu, biên tập, đọc duyệt.
Vì vậy, sự tự do khá hào phóng mà nhóm chủ biên dành cho các soạn giả cộng tác
viên là rất đáng kể.
Thậm chí cả những thói quen hành văn ít nhiều riêng biệt của các soạn giả
cũng được chấp nhận.
Thế nhưng, sự rộng rãi mà nhóm chủ biên giành cho các soạn giả-cộng tác
viên cũng khiến chính các thành viên nhóm chủ biên phải làm việc rất nhiều, khá
kỹ lưỡng trên các bản nháp được gửi đến.
Khá nhiều “quy phạm” về biên soạn các loại mục từ (tác gia, tác phẩm, hiện
tượng văn học, v.v.) được hình thành trong chính quá trình nghiệm thu các bản
biên soạn của cộng tác viên, mà khi đến tay nhóm chủ biên, chúng đều trở thành
những dạng “bản nháp” cần được biên tập, chỉnh sửa, bổ sung.
Còn nhớ, các mục từ tôi soạn, trong đó tôi dựa khá nhiều vào một cuốn
bách khoa thư văn học của Liên Xô (cũ), tôi đưa đánh máy, in ra một bản, rồi cầm
tới nhà GS. Đỗ Đức Hiểu đưa ông xem. Chừng một tháng sau, tôi lại tới nhà để
nghe ông cho nhận xét. Ông đánh giá rất khả quan về những mục từ tôi đã soạn. Đồng
thời ông cũng kê ra khá tỉ mỉ đến gần 2 trang những chỗ cần phải sửa. Đó chủ yếu
là những lỗi ở bản viết tay của tôi, nhưng ông khá tế nhị, chỉ ghi là đề nghị sửa
các lỗi đánh máy vi tính!
Đó trước tiên là những lỗi chính tả. Ví dụ tôi viết che dấu, ông
sửa là che giấu, tôi viết chế diễu, ông sửa là chế giễu;
tôi viết giành cho, ông sửa là dành cho, tôi viết dày vò
ông sửa là giày vò, v.v.
Ông cũng chủ trương viết “vân vân” bằng v.v. chứ không phải v.v… ông lý
giải: v.v. là chưa hết, còn nữa; dấu … (ba chấm) cũng là chưa hết. Vậy nếu viết
v.v… tức là trùng lặp, thừa một tín hiệu.
Ông sửa cho tôi khá nhiều lỗi khi viết các tên riêng Âu Mỹ, ví dụ:
phải viết Renoir (tôi viết sai thành Renoire);
phải viết Auguste Comte (tôi viết sai thành August Comte);
phải viết J.- P. Sartre (tôi viết sai là J. P. Sartre)
phải viết Provence (tôi viết sai là Provance)
phải viết Orléans (tôi viết sai là Orléan)
v.v.
Thông qua những lần tiếp xúc như vậy, tôi nhận ra những bài học mà GS. Đỗ
Đức Hiểu muốn truyền đạt tới những đồng nghiệp hậu thế chúng tôi, đó là phải biết
đa dạng hóa các hoạt động nghề nghiệp. Vào nghề nghiên cứu phê bình văn học tất
nhiên phải viết được những tiểu luận đăng báo hoặc tạp chí, phải viết được những
bài nghiên cứu tham dự các chuyên luận, chuyên đề, phải giảng dạy được những
chương trình phổ thông hoặc chuyên đề, và phải biên soạn được những mục từ có
thể đưa vào những sách từ điển khác nhau.
Đây là những năng lực mà trên đường trở thành một chuyên gia, những người
làm nghiên cứu phải tự luyện tập, trau dồi kỹ năng cho mình.
Những năm đầu thế kỷ XXI có lẽ là thời gian mà nhóm chủ biên Từ điển
văn học, bộ mới làm việc căng sức nhất. Bên cạnh việc hoàn thành một bản thảo
với dung lượng thông tin lớn hơn bộ sách 2 tập lần đầu. Những người chủ trì như
Nguyễn Huệ Chi, Trần Hữu Tá, Đặng Thị Hảo còn lo tìm đối tác đầu tư việc in và
phát hành.
GS. Đỗ Đức Hiểu, do sức yếu, tuổi cao, nên hầu như chỉ tham gia biên tập
nội dung. Sức càng yếu ông lại càng mong chờ bộ mới Từ điển văn học mau
ra mắt. Tuy vậy, ông đã không kịp nhìn thấy Từ điển văn học, bộ mới chào
đời. Ông mất đầu năm 2003.
Một năm sau, sách Từ điển văn học, bộ mới ra mắt.
Lật giở các trang cuốn sách dày và nặng, chúng tôi lại bùi ngùi nhớ đến
GS. Đỗ Đức Hiểu, người từng có vai trò là linh hồn của cái dự án làm từ điển
văn học ngay giữa thời bao cấp, tổ chức và huy động được trí tuệ và công sức của
khoảng gần một trăm lao động để tạo nên một công trình tra cứu chuyên ngành có
giá trị đáng kể, đánh dấu sự trưởng thành của ngành nghiên cứu văn học của
chúng ta.
Tháng Tám 2024