Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

Những chuyện không bao giờ quên

Nguyễn Thị Hiền

Năm 1967 bước sang năm học cuối cùng của 7 năm học tại trường mỹ thuật. Lớp tôi được nhà trường phân công đi khắp nơi. Đứa lên Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái; đứa đi Bắc Giang, Thái Bình; đứa đi Hà Tĩnh, Quảng Bình. Riêng tôi và hai bạn cùng lớp được phân công đi Thanh Hóa.

Đó là những năm tháng đang có chiến tranh khốc liệt. Hai chiếc cầu Hàm Rồng và Đò Lèn là hai chiếc cầu trọng yếu nhất của con đường quốc lộ 1, là tuyến đường huyết mạch giao thông quan trọng nhất, nối liền giữa Miền Bắc và tiền tuyến phía Nam. Suốt ngày đêm ô tô tàu hỏa rầm rì chở bộ đội, súng đạn, lương thực, thuốc men, …

Cầu Hàm Rồng và cầu Đò Lèn liên tục bị máy bay Mỹ bắn phá ồ ạt trong những trận mưa bão bom đạn, là "tọa độ lửa" khốc liệt nhất.

Qua cầu Hàm Rồng và Đò Lèn chúng tôi đến huyện Hoằng Hóa thì dừng lại.

Tôi được bố trí ở nhà một bà cụ, bà ở một mình trong căn nhà ba gian lợp mái lá. Các con bà đều đi thanh niên xung phong và bộ đội ở chiến trường xa. Nhà bà đơn sơ chẳng có gì, tôi được xếp chỗ ngủ ở cái chõng tre, sáng dậy tôi đi vẽ trưa về ăn cơm cùng bà, chiều lại đi vẽ, tối lại về ăn cơm cùng bà. Thỉnh thoảng quét sân hay ngồi xem bà nấu ăn, vừa ngồi vừa rầm rì nói chuyện hỏi thăm bà về các con của bà.

Hồi đó tôi gầy gò nhỏ bé chỉ 38 kg, khi nào khỏe lắm lên được 40 kg là cùng, nên đi về nông thôn thực tế tôi rất được các bác chủ nhà chiều.

Tôi không biết làm gì trong khi các bạn tôi gánh lúa chạy băng băng, tôi ôm một giạ lúa khệ nệ trên tay đi khập khà khập khiễng lên bờ, gan bàn chân đau nhói vì không quen đi chân đất, tôi cũng không biết gánh nước, dù luyện tập nhiều lần vẫn không làm được. Thật xấu hổ hết sức. Tôi chẳng thể năng nổ sức vóc như các bạn tôi.

Đây là lần đầu tiên tôi đi thực tế ngay tại nơi bom đạn ác liệt nhất, diễn ra suốt ngày đêm, giữa sự sống và cái chết cận kề.

Tôi đã chứng kiến một đoàn tàu chở các anh bộ đội chạy trên con đường tôi đang đứng vẽ. Máy bay Mỹ trên đầu bắn đuổi theo, tàu chạy rất nhanh, bom thả toàn trượt. Tàu xình xịch chạy lao đi, máy bay cứ thế đuổi theo thả bom xuống tới tấp. Điều kỳ lạ là tôi không cảm thấy sợ. Tôi đứng đó tay ôm cặp vẽ cười thật tươi vẫy tay tiễn biệt các anh bộ đội trẻ măng đi vào chiến trường. Các anh bộ đội trên tàu giơ tay vẫy chào tôi, tôi giơ tay vẫy lại, các anh bộ đội cười với tôi, tôi cười với họ. Một niềm thương cảm trào dâng trong tôi, các anh như là các anh tôi, như là các em tôi. Như là các bạn tôi. Lòng thầm nghĩ con tàu có vượt qua không? Có toa tàu nào bị bom cắt không? Có ai sẽ không bao giờ trở về? Các anh đều còn trẻ quá. Và các anh đều cười tươi quá.

Đêm hôm đó tôi nói với bà cụ và các bạn tôi là tôi sẽ ra tận cầu để làm việc.

Tôi liên hệ với nhà văn Nguyễn thế Phương làm ở Ty Văn hóa Thanh Hóa cho tôi ra tận sát cầu để làm việc.

Chú Nguyễn thế Phương đã chấp nhận yêu cầu của tôi. Ông đưa tôi về ngôi nhà cũ của ông ở trong làng gần cầu. Nhà ông đã bị bắn phá tan hoang chỉ còn là một đống gạch vụn. Ông nói cháu không thể ở đây được, vì làng đã bị bắn đổ nát gần hết rồi, mọi người đều sơ tán ra chân đê hết, nguy hiểm lắm, cháu có sợ không?

Tôi nói tôi không sợ, chú cứ đưa cháu đi, cháu muốn hiểu thực tế người dân ở Hàm Rồng và Đò Lèn sống thế nào.

Thế là ông đưa tôi về nhà mới của ông, dọc theo triền đê. Đi xuôi xuống một đoạn, ông nói:

- Nhà chú đây rồi.

Ngay ở triền đê, một hố sâu được khoét vào lòng đê, một hốc mở ra, chú bảo tôi chui vào. Trong hầm, mẹ chú, một bà già ngồi ôm gối co ro, nhìn tôi, miệng mấp máy. Chú Phương nói:

- Đây là mẹ chú, từ hôm nhà bị bom Mỹ bắn sập, cả nhà chú phải chạy ra đây ở. Mẹ chú sinh lẩn thẩn, suốt ngày sểnh một cái không thấy bà đâu, vội chạy về làng bà đã đang ở đó, tìm bới trong đống đổ nát ở ngôi nhà của mình những đồ dùng vỡ nát. Bà ngồi co ro một mình trong ngôi nhà đổ nát của mình, im lặng không nói gì! Vợ con chú suốt ngày phải chạy đến đây đưa bà về.

Tôi ngồi trong lòng đất khoét sâu vào lòng đê thành một cái hầm hàm ếch, có một lỗ nhỏ để chui ra chui vào. Cả gia đình chú Phương sống ở đây, tôi được dọn cho một chỗ nằm trên một cái chiếu nhỏ trên nền đất. Hầm không rộng nhưng chúng tôi có đủ chỗ nằm khít nhau, lạ là còn cả nấu ăn được nữa.

Hóa ra dọc triền đê này không phải chỉ có một hầm nhà chú Thế Phương. Rải rác suốt dọc triền đê những cái hầm đào móc vào chân đê như những hang cua hay hang chuột, người ra vào sinh sống ở những hầm này.

Cả khu làng dọn ra đây gần như không có một bóng đàn ông, các cô dân quân, nông dân bình thường rất vui, làm việc khỏe vô cùng, nhưng cứ chập choạng chiều, trên bờ đê, tôi lại thấy mấy cô vừa đi vừa vẫy khăn, vẫy áo, tóc xõa tung bay theo gió, bóng cao lừng lững trên nên trời, các cô cười rưng rức, có lúc khóc hu hu, đi lại dật dờ thất thểu trên đê một hồi xong lại ai về hầm nhà nấy. Lạ quá, tôi hỏi chú Phương:

- Chú ơi, bà nhà mình bị mất trí vì nhà bị bom đánh sập, nhưng các chị trẻ khỏe thế kia,sao cứ chiều nào cũng xõa tóc đi trên đê vừa đi vừa cười, vừa khóc là thế nào hả chú?

Chú Phương nói

- Các chi ấy bị bệnh Hystérie đấy, cả làng không có một người đàn ông nào cháu ạ.

Nhưng lạ một cái cứ chiều tối hết cơn xong, các chị lại đi cấy lúa, đi vác đạn, lấp hố bom, cứu thương, dũng cảm y như không có chuyện gì xảy ra.

Chú Phương dẫn tôi ra thăm một dãy mộ mới đắp ngay sát chân đê, bảy cái mộ từ to đến nhỏ sát liền nhau. Chú nói cả nhà họ mới bị máy bay bắn chết hết cháu ạ.

Ngày ngày tôi ra cầu vẽ, đêm tôi lại về hang cua, nhà hầm trên đê để ngủ. Tôi đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Nằm trong hầm ẩm thấp, nóng hầm hập tôi vẫn ngủ ngon. Thỉnh thoảng tiếng bom rơi, đạn bắn ùng ùng, tạch tạch pháo sáng lóa cả một góc trời.

Một hôm đang ngủ ngon, tôi thấy ai quạt mát trên đầu mình, sờ lên trên đầu thấy một đống mềm mềm, ấm ấm, có tiếng rên, tiếng hưng hức động đậy ngay trên đầu tôi. Mở mắt ra, thấy mẹ chú Phương đang ngồi xổm ngay phía trên đầu tôi, một tay giơ đèn, một tay phe phẩy quạt. Bà nhìn tôi nói:

- Cháu nằm im, đừng dậy nhé, bà đang đỡ đẻ cho con chó mẹ,nó đẻ sắp xong rồi, bà quạt cho nó và cho cháu đỡ nóng đấy, bà cũng thắp đèn để biết nó đẻ được mấy con, và nó không nằm đè lên con của nó.

Không hiểu sao bà bỗng tỉnh táo thế, bà nói rành rẽ từng lời, âu yếm nhìn tôi và đàn chó, bà chẳng lẫn điều gì. Tôi nhìn bà, bà không còn là bà già mất trí nữa, bà y như bà tôi ngày nào cũng âu yếm nhìn tôi như vậy.

Tôi nằm im lặng không cựa quậy, ngoài kia ầm ĩ tiếng bom và ánh chớp lóe sáng lên của pháo sáng, trên đầu tôi tiếng chó con lao xao, tiếng rên rặn đẻ của chó mẹ, thân mềm, nóng hổi, ướt đẫm. Hóa ra cuộc sống đơn giản thế này đây.

Chuyến đi này đã cho tôi tình yêu và cảm hứng vẽ nên những bức tranh "Cô thanh niên xung phong cầu Hàm Rồng" rồi bức tranh "Trong hầm nghe tin chiến thắng" các cô mầu nâu đất đầm ấm, tươi sáng hòa vào nền đất hầm, nơi tôi đang sống cùng họ, chia sẻ những ngày tháng vui buồn, cận kề sống chết hiểm nguy, khó khăn cùng họ. Tôi cũng nhớ mãi bức tranh "Đợi mẹ về" trên triền đê chiều chạng vạng, trời vàng rực hắt ánh lên, bà mẹ dân quân vác súng đi về, dưới chân đê, bà cụ của tôi và em bé đứng vịn vai nhau chờ đợi.

Và kỳ lạ hơn nữa, những bức tranh tôi vẽ về những người phụ nữ dân quân dũng cảm đánh Mỹ, bắn rơi máy bay Mỹ, đều được người Mỹ mua lại hết và lưu giữ ở bảo tàng và những bộ sưu tập của họ.

Một thời tuổi trẻ đã qua của tôi, đã có lúc cuộc sống dữ dội, gian khổ, anh dũng hào hùng, cận kề giữa sống chết nhưng đầy tình người, trong chiến tranh đã xẹt qua cuộc đời tôi như một ánh chớp dữ dội, lóe sáng lên như vậy, vĩnh viễn đọng lại mãi trong tâm khảm của tôi.

Có lẽ vì thế tôi đã hiểu rằng với tôi vỏn vẹn y nguyên mấy chữ "tình thương yêu", thế là đủ để sống, để làm việc, để tha thứ, và để thương yêu không ngừng. Đó là điều tồn tại vĩnh cửu của cuộc sống này.

 

Cô thanh niên xung phong cầu Hàm Rồng, sơn dầu

Trong hầm nghe tin chiến thắng, sơn dầu