Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Louise Glück – 10 bài thơ ngắn

Nguyễn Man Nhiên

 

Nữ thi sĩ người Mỹ gốc Do Thái Louise Glück (1943-2023) ra mắt tập thơ đầu tay của mình, Firstborn, vào năm 1968 và nhanh chóng được ca ngợi là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất trong nền văn học đương đại Mỹ. Bà được vinh danh là Nhà thơ Khôi nguyên Hoa Kỳ thứ 12 (2003-04), Giải thưởng Pulitzer (1993), Giải thưởng Wallace Stevens (2008) cho sự thành thạo trong nghệ thuật Thơ, Huy chương Vàng Thi ca (2015) từ Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ. Các danh hiệu khác của bà bao gồm Giải thưởng Bollingen, Giải thưởng Văn học Lannan, Giải Tưởng niệm Sara Teasdale, Huy chương Kỷ niệm MIT; học bổng từ Quỹ Guggenheim, Quỹ Rockefeller và Quỹ Quốc gia hỗ trợ Nghệ thuật.

Vào năm 2020, Louise Glück đã nhận giải Nobel Văn học của Viện Hàn lâm Thụy Điển cho "giọng thơ không thể nhầm lẫn mà vẻ đẹp chân chất của nó khiến sự hiện hữu cá nhân trở nên phổ quát".

Louise Glück đã xuất bản hàng chục tập thơ, bao gồm The Triumph of Achilles (1985 - Giải thưởng của Hội phê bình sách quốc gia, Giải thưởng Nhà xuất bản Boston Globe và Giải thưởng Melville Kane của Hội Thơ Hoa Kỳ); Ararat (1990 - Giải thưởng Thơ quốc gia Rebekah Johnson Bobbitt của Thư viện Quốc hội); The Wild Iris (1992 - Giải thưởng Pulitzer và Giải thưởng William Carlos Williams); Vita Nova (1999, Giải thưởng Thơ Bingham của Boston Book Review và Giải thưởng Sách của The New Yorker về Thơ); Averno (tác phẩm lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Sách quốc gia năm 2006); Poems 1962-2012 (Giải thưởng Sách Los Angeles Times năm 2013); và Faithful and Virtuous Night (Giải thưởng Sách quốc gia năm 2014 về Thơ). Ngoài ra, bà còn là một nhà tiểu luận và phê bình văn học xuất sắc với tác phẩm Proofs and Theories: Essays on Poetry (1994 - Giải thưởng PEN/Martha Albrand).

Louise Glück từng được bầu làm Hiệu trưởng Viện Hàn lâm Nhà thơ Hoa Kỳ năm 1999; Cố vấn về Thơ của Thư viện Quốc hội nhiệm kỳ 2003-2004; Giám khảo Giải thưởng Nhà thơ trẻ Yale từ 2003 đến 2010, và là nhà văn lưu trú tại Đại học Yale.

Những tập thơ đầu tiên của Glück thể hiện cảm xúc dằn vặt với hậu quả của những mối tình tan vỡ, những cuộc gặp gỡ gia đình buồn bã và sự tuyệt vọng hiện sinh. Trong những tác phẩm sau này, bà tiếp tục khám phá nỗi thống khổ của bản thân.

Glück được biết đến như một nhà thơ đầy nhạc tính và kịch tính. Thơ của bà giàu cảm xúc chân thực, sống động và tràn đầy năng lượng. Kể từ thi tập Ararat (1990) - "tập thơ Mỹ tàn bạo và đau khổ nhất được xuất bản trong vòng 25 năm qua" như nhận định của nhà phê bình Dwight Garner, Louise Glück đã định hình cường độ thuần phác của thơ mình thành những dòng dài, rộng rãi, trôi chảy và đầy đủ – thể hiện một sự toàn trí điềm tĩnh.

Glück coi thơ như một đối tượng và nhấn mạnh sự chân thành, trí tuệ và khả năng của nhà thơ trong việc nhìn nhận thế giới một cách rõ ràng bằng cách khai thác sự cộng hưởng của những từ ngữ nhỏ nhặt hàng ngày. Đọc thơ Louise Glück giống như uống một ngụm tự nhận thức thuần khiết và sâu sắc. Giọng điệu và nhịp điệu, sự trong trẻo và điềm tĩnh của bà, đôi khi buồn bã, như thể nhìn chằm chằm vào nỗi cô đơn sâu thẳm của sự tồn tại.

Louise Glück được ca ngợi là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của nước Mỹ, từ rất lâu trước khi bà giành được giải Nobel. Là nhà thơ khám phá về Chấn thương và Mất mát, bà đã kết hợp chất liệu cá nhân sâu sắc với các chủ đề về thần thoại, tôn giáo và thiên nhiên. Giống như thơ Alice Oswald và truyện ngắn Angela Carter, thơ của Louise Glück thường dựa trên thần thoại, văn hóa dân gian và mối liên hệ của chúng với thế giới tự nhiên, phản ánh mối quan tâm lâu dài của bà đối với chu kỳ cái chết và tái sinh – và cảm nhận về cả nỗi đau dữ dội và vẻ đẹp tuyệt vời của chu kỳ đó.

Những độc giả bị thu hút bởi tác phẩm của Glück có thể thấy sự tương đồng với thơ của Sylvia Plath, Elizabeth Bishop và Robert Lowell, trong việc khám phá sự phức tạp của các mối quan hệ giữa con người, với sự trung thực không nao núng, về mất mát, đau buồn và hành trình tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới thường đặc trưng bởi mất mát và bất định.

Trên tờ The New Republic, nhà phê bình Helen Vendler đánh giá: "Louise Glück là một nhà thơ có sức hiện diện mạnh mẽ và ám ảnh. Những bài thơ của bà... đã đạt được sự khác biệt bất thường là không mang tính "tự thú" hay "trí thức" theo nghĩa thông thường của những từ này." Mặc dù tác phẩm của Glück thường đi sâu vào những khía cạnh đen tối hơn của trải nghiệm con người, nhưng nó cũng được đánh dấu bằng sự nghiêm ngặt về mặt trí tuệ sâu sắc và sự quan sát tinh tường về thế giới tự nhiên. Những yếu tố này, kết hợp với khả năng làm chủ hình thức và cấu trúc điêu luyện, đã củng cố vị trí của bà như một trong những nhà thơ Mỹ quan trọng nhất trong những thập kỷ gần đây.

Louise Glück - một nhà thơ có giọng nói rõ ràng và trữ tình về tất cả đời người. Thơ của bà đáng chú ý vì phong cách giản dị, gần như nghiêm khắc, tránh tô vẽ để ủng hộ sự trực tiếp và rõ ràng về mặt cảm xúc. Những bài thơ của Glück khiến người đọc cảm thấy mạnh mẽ trong nỗi buồn đang run rẩy và bị bóp nghẹt dưới lớp áo giáp bản thân. Sự hiện diện của bà là sức mạnh duy trì, là giọng nói chứa đựng “tất cả các thế giới, mỗi thế giới đều đẹp hơn thế giới trước.”

Dưới đây giới thiệu 10 bài thơ ngắn của Louise Glück, do Nguyễn Man Nhiên dịch từ nguyên tác Anh ngữ: The Wild Iris (1992), Crossroads (2009), Song (2021), Nostos (1996), Telescope (2006), The Red Poppy (1992), All Hallows (1975), October (2004), End of Winter (1992), A Work of Fiction (2014).

 

HOA DIÊN VĨ DẠI

Khi nỗi đau khổ của tôi kết thúc

có một cánh cửa.

Hãy nghe tôi nói: thứ mà bạn gọi là cái chết

Tôi nhớ.

Trên cao, tiếng ồn, cành thông rung chuyển.

Rồi không còn gì nữa. Ánh nắng yếu ớt

lấp lánh trên bề mặt khô cằn.

Thật kinh khủng khi phải sống sót

như ý thức

bị chôn vùi trong lòng đất tăm tối.

Rồi mọi chuyện chấm dứt: điều mà bạn sợ hãi, là

một linh hồn và không thể

nói, kết thúc đột ngột, mặt đất cứng ngắt

hơi uốn cong một chút. Và những gì tôi nhận ra là

bầy chim lao vút qua đám bụi cây thấp.

Hỡi những ai không nhớ

lối đi từ thế giới bên kia

Tôi nói với bạn rằng tôi có thể kể lại: bất cứ điều gì

trở về từ quên lãng đều sẽ trở về

để tìm thấy một giọng nói:

từ sâu thẳm cuộc sống tôi xuất hiện

một đài phun nước lớn, màu lam thẫm

thả bóng trên mặt biển biếc xanh.

NGÃ RẼ

Thân xác tôi ơi, giờ chúng ta sẽ không còn đồng hành cùng nhau lâu nữa

Tôi bắt đầu cảm thấy một sự dịu dàng mới mẻ đối với em, non nớt và xa lạ,

giống như những gì tôi nhớ về tình yêu khi còn trẻ –

tình yêu khi ấy dễ thường có mục đích ngốc nghếch

nhưng không bao giờ thiếu sự lựa chọn và mãnh liệt.

Quá nhiều đòi hỏi trước, quá nhiều điều không thể hứa hẹn –

Tâm hồn tôi đã rất sợ hãi, rất dữ dội:

hãy tha thứ cho thú tính của nó.

Như thể đó là linh hồn, bàn tay tôi di chuyển trên em một cách cẩn trọng,

không muốn xúc phạm

nhưng cuối cùng, háo hức để đạt được sự thể hiện như bản chất:

Tôi sẽ không nhớ trần gian này,

mà sẽ nhớ em.

BÀI HÁT

Leo Cruz nặn ra những chiếc bát trắng đẹp nhất;

Tôi nghĩ mình phải tặng bạn một ít

nhưng câu hỏi là làm thế nào

trong thời buổi này

Anh ấy đang dạy tôi

tên các loại cỏ sa mạc;

Tôi có một cuốn sách

vì không thể nhìn thấy cỏ

Leo nghĩ rằng những thứ con người làm ra

đẹp hơn

những thứ tồn tại trong tự nhiên

và tôi nói không.

Và Leo nói

hãy chờ xem.

Chúng tôi dự định

cùng nhau đi trên những con đường mòn.

Khi nào, tôi hỏi anh,

khi nào? Không bao giờ nữa:

đó là điều chúng tôi im lặng.

Anh đang dạy tôi

cách sống trong trí tưởng tượng:

một cơn gió lạnh

thổi khi tôi băng qua sa mạc;

Tôi có thể nhìn thấy ngôi nhà của anh ở đằng xa;

khói đang bốc lên từ ống khói

Đó là lò nung, tôi nghĩ vậy;

chỉ có Leo làm đồ sứ ở sa mạc

À, anh nói, em lại mơ rồi

Và tôi nói tôi mừng vì mình mơ

ngọn lửa vẫn còn cháy

NOSTOS *

Từng có một cây táo trong sân –

có lẽ

bốn mươi năm trước – phía sau,

chỉ có đồng cỏ. Hoa nghệ trôi dạt

trên bãi cỏ ẩm ướt.

Tôi đứng bên cửa sổ:

cuối tháng Tư. Hoa mùa xuân

trong sân nhà hàng xóm.

Đã bao nhiêu lần, thực vậy,

cây nở hoa vào ngày sinh nhật của tôi,

đúng ngày,

không trước, không sau? Thay thế

cái bất biến

bằng sự thay đổi, tiến hóa.

Thay thế hình ảnh

bằng trái đất không ngừng nghỉ.

Tôi biết gì về nơi này,

cây cảnh đã thay cây táo

trong nhiều thập kỷ, giọng nói

vọng lên từ sân quần vợt –

Cánh đồng. Mùi cỏ cao, mới cắt.

Như người ta mong đợi ở một nhà thơ trữ tình.

Chúng ta nhìn thế giới một lần, trong thời thơ ấu.

Phần còn lại là ký ức.

* Nhan đề "Nostos" bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "trở về nhà". Nostos là một chủ đề được sử dụng trong văn học Hy Lạp cổ đại, thường là anh hùng ca hoặc sử thi, kể lại hành trình trở về quê hương bằng đường biển, chẳng hạn chuyến trở về Ithaca của Odysseus và các anh hùng khác trong chiến tranh thành Troy. Bài thơ Nostos của Louise Glück là trải nghiệm sâu sắc về nỗi nhớ nhà và khám phá sự phức tạp trong mối quan hệ của con người với quê hương.

 

VIỄN VỌNG KÍNH

Có một khoảnh khắc sau khi bạn rời mắt đi

khi bạn quên mất mình đang ở đâu

bởi vì dường như bạn đã sống,

ở một nơi khác, trong sự tĩnh lặng của bầu trời đêm.

Bạn không còn hiện diện trên trần gian này nữa.

Bạn đang ở một nơi khác,

một nơi mà cuộc sống con người không ý nghĩa.

Bạn không còn là một sinh vật trong cơ thể.

Bạn tồn tại như những vì sao nhấp nháy,

tham gia vào sự tĩnh lặng và bao la của chúng.

Thế rồi, bạn lại ở trong thế giới này.

Vào ban đêm, trên ngọn đồi lạnh giá,

tháo kính thiên văn.

Sau đó, bạn nhận ra

không phải hình ảnh sai

mà là mối quan hệ sai.

Bạn lại thấy khoảng cách giữa

mỗi thứ với mọi thứ khác.

HOA ANH TÚC ĐỎ

Điều tuyệt vời

là không

suy nghĩ. Cảm xúc:

Ồ, tôi có những thứ đó; chúng

chi phối tôi. Tôi có

một vị chúa trên thiên đàng

gọi là mặt trời, và mở ra

cho ngài, cho ngài thấy

ngọn lửa trong trái tim tôi, ngọn lửa

như sự hiện diện của ngài.

Vinh quang đó có thể là gì

nếu không phải là một trái tim? Hỡi anh chị em của tôi,

anh chị em có giống tôi ngày xưa, cách đây rất lâu,

trước khi anh chị em là con người không? Liệu anh chị em đã từng

cho phép mình

mở lòng một lần chưa, ai sẽ không bao giờ

mở nữa? Bởi vì thực sự

bây giờ tôi đang nói

theo cách anh chị em nói. Tôi nói

vì tôi tan vỡ.

LỄ CÁC THÁNH *

Ngay bây giờ, quang cảnh đang tụ họp.

Những ngọn đồi tối dần.

Những con bò

Ngủ trong chiếc ách xanh của chúng,

Những cánh đồng đã được

Gặt sạch, những bó lúa

Buộc đều và chất đống bên lề đường

Giữa những cây ngũ gia bì, khi vầng trăng răng cưa mọc lên:

Đây là sự cằn cỗi

Của mùa gặt hay dịch bệnh

Và người vợ nghiêng người ra ngoài cửa sổ

Với bàn tay dang rộng, như đang trả tiền,

Và những hạt giống

Chắc mẩy, vàng, đang gọi

Đến đây

Đến đây, cô bé

Và linh hồn bò ra khỏi cây chập chững.

* Lễ Các Thánh (All Hallows) của Louise Glück là một bài thơ kết hợp các chủ đề tự nhiên và siêu nhiên, một ví dụ ám ảnh về những cảm xúc gắn liền với Lễ hội Ma quỷ (Halloween) và ngày tiếp theo, Lễ Các Thánh (All Hallows) trong Kitô Giáo, đánh dấu sự kết thúc của một vụ mùa thu hoạch và bắt đầu mùa đông lạnh giá.

 

THÁNG MƯỜI

Lại mùa đông, lại lạnh lẽo,

chẳng phải Frank vừa trượt chân trên băng sao,

chẳng phải anh ấy đã lành, chẳng phải hạt giống mùa xuân đã gieo

chẳng phải đêm đã tàn, chẳng phải băng tan

ngập lụt các cống hẹp

chẳng phải cơ thể tôi đã được

cứu, chẳng phải đã an toàn rồi sao,

chẳng phải vết sẹo đã liền,

không thấy gì trên vết thương

kinh hoàng và lạnh lẽo,

chẳng phải chúng vừa kết thúc, chẳng phải khu vườn sau nhà đã được bừa và trồng tỉa –

Tôi nhớ cảm giác của đất, đỏ và dày đặc,

thành hàng cứng, không phải những hạt giống đã được gieo trồng,

không phải dây nho leo lên bức tường phía nam sao

Tôi không thể nghe thấy giọng nói của bạn

vì tiếng gió gào thét trên đất trống

Tôi không còn quan tâm

nó tạo ra âm thanh gì nữa

khi nào tôi im lặng, khi nào lần đầu tiên tôi thấy

vô nghĩa lúc diễn tả âm thanh đó

việc nó nghe như thế nào không thể thay đổi những gì nó là –

chẳng phải đêm đã tàn, chẳng phải trái đất đã

an toàn khi nó được gieo trồng

chẳng phải chúng ta đã gieo hạt giống,

chẳng phải chúng ta cần thiết đối với trái đất sao

những cây nho, đến lúc hái chưa?

CUỐI ĐÔNG

Trên thế giới tĩnh lặng, một chú chim cất tiếng gọi

thức giấc đơn độc giữa những cành đen.

Con muốn được sinh ra; ta để con được sinh ra.

Có khi nào nỗi buồn của ta

từng cản trở niềm vui của con?

Lao mình

cùng lúc vào bóng tối và ánh sáng

háo hức cảm nhận

như thể con là một điều gì đó mới mẻ, muốn

thể hiện bản thân

tất cả sự rực rỡ, tất cả sự sống động

không bao giờ nghĩ

điều này sẽ khiến con mất gì,

không bao giờ tưởng tượng giọng nói của ta

là bất cứ thứ gì ngoài chính phần của con –

con sẽ không nghe thấy nó ở thế giới bên kia,

không rõ ràng nữa,

không cả trong tiếng chim hót hay tiếng kêu của con người,

không phải âm thanh trong trẻo, chỉ là

tiếng vọng lại dai dẳng

trong mọi âm thanh có nghĩa chia tay, chia tay –

một sợi dây liên tục

gắn kết chúng ta với nhau.

MỘT TÁC PHẨM HƯ CẤU *

Khi tôi lật trang cuối cùng, sau nhiều đêm ròng rã, một làn sóng buồn bã bao trùm lấy tôi. Họ đã đi đâu hết rồi, những con người dường như rất thật này? Để đánh lạc hướng bản thân, tôi bước ra ngoài đêm; theo bản năng, tôi châm một điếu thuốc. Trong bóng tối, điếu thuốc cháy sáng, như ngọn lửa được thắp lên bởi một người sống sót. Nhưng ai sẽ nhìn thấy ánh sáng này, chấm nhỏ này giữa vô vàn vì sao? Tôi đứng một lúc trong bóng tối, điếu thuốc cháy sáng và nhỏ dần, mỗi hơi thở kiên nhẫn hủy hoại tôi. Nó nhỏ bé biết bao, ngắn ngủi biết bao. Ngắn ngủi, ngắn ngủi, nhưng giờ đã ở bên trong tôi, nơi những vì sao không bao giờ có được.

* Bài Một tác phẩm hư cấu (A Work of Fiction) của Louise Glück được viết dưới dạng "thơ văn xuôi một đoạn" (one-paragraph prose poem), kết hợp giữa trầm tư và câu chuyện cá nhân lúc tác giả nhớ lại cảm giác mất mát sau khi hoàn thành một cuốn tiểu thuyết. "Thơ văn xuôi một đoạn" là thể loại thơ được viết dưới dạng văn xuôi, không có cấu trúc dòng thơ hay vần điệu truyền thống, nhưng vẫn giữ được những yếu tố của thơ như nhịp điệu, hình ảnh, và ngôn từ giàu cảm xúc. Điểm nổi bật của "thơ văn xuôi một đoạn" là sự cô đọng về hình thức, thường chỉ trong một đoạn ngắn nhưng vẫn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc và cảm xúc mãnh liệt.

 This image has an empty alt attribute; its file name is image-12.png

Không đề (Untitled, khoảng 1957-63), Richard Diebenkorn