Thụy Khuê
Chương 8
Đạo Gia Tô dưới thời chúa Trịnh Tạc và chúa Hiền
I -Việc truyền giáo ở Đàng Ngoài
Vấn đề Nghi lễ
Người công giáo không được phép tôn thờ bất cứ vị thánh nào ngoài Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-Su. Những thực thể “ thần, phật, thánh” khác, đều bị xếp vào loại Ngẫu tượng sùng bái (Idolâtrie), không có chỗ đứng trong lòng đạo Chúa, điều này ghi rõ trong Thánh kinh. Nhưng Nghi lễ là đối tượng cấm đoán chính thức của Toà Thánh, lại có nghiã khác hẳn.
Năm 1645, Giáo hoàng Inocent X (1644-1655) ra dụ cấm giáo dân không được thực hành Nghi Lễ Trung hoa (Les Rites Chinoises).
Vậy Nghi lễ Trung hoa là gì?
Kinh Lễ là một trong ngũ kinh của Khổng Tử: Kinh Thi (văn thơ), Kinh Thư (truyền thuyết), Kinh Lễ (lễ nghi), Kinh Dịch (triết học), Kinh Xuân thu (sử học).
Nghi lễ bao gồm tất cả mọi hình thức điển lễ, nhưng ẩn dưới các hình thức tế lễ là hệ thống tư tưởng nền tảng xây dựng trật tự xã hội và đạo đức con người.
Nghi lễ đối với người phương Đông rất quan trọng nên trong Lục bộ, có bộ Lễ; mà điểm quan trọng nhất là Thờ cúng tổ tiên, không phải đạo, cũng không phải là lý thuyết triết học hay tôn giáo, bởi vì người phương Đông, có thể không thờ Phật, Khổng, Lão, nhưng không ai không Thờ cúng tổ tiên, vì đối với họ, đó là một trong những bổn phận làm người.
Nghi lễ đối với Việt Nam quan trọng như thế nào, chỉ cần nhìn tên các vị Thượng thư bộ Lễ:
Dưới thời Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh chưa lên ngôi Hoàng đế) là Ngô Tòng Châu.
Dưới thời vua Gia Long là Đặng Đức Siêu, Nguyễn Du (tham tri bộ Lễ) và Phạm Đăng Hưng.
Dưới thời vua Minh Mạng là Phạm Đăng Hưng, Phan Huy Thực...
Ngô Tòng Châu là học giả và chiến lược gia, một trong các thầy dậy Hoàng tử Cảnh.
Đặng Đức Siêu là học giả, nhà thơ, quân sư của Gia Long trong suốt hành trình dựng nghiệp, là thày dạy Hoàng tử Cảnh và Minh Mạng.
Phạm Đăng Hưng là vị học giả có uy tín về chính trị cũng như ngoại giao, vua Minh Mạng khi lên ngôi quyết định sưu tầm và chấn chỉnh toàn bộ thư văn cổ điển, đã bị tan tác sau bao năm chiến tranh, trao cho Phạm Đăng Hưng nhiệm vụ chỉ đạo chương trình này, thu thập tài liệu, bắt đầu soạn Đại Nam Thực Lục, từ năm 1822. Bộ sách này sẽ được thực hiện trong 88 năm, trải các triều: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức...
Phan Huy Thực là nhà thơ nổi tiếng, tác giả Tỳ Bà Hành.
Tóm lại, bộ Lễ, ngoài việc quản lý điển lễ, còn bao trùm các nhiệm vụ: giáo dục, phổ biến tư tưởng, lưu trữ kinh sách và viết lịch sử.
Nhìn như thế, ta mới hiểu được, tại sao triều đình coi Gia-Tô là đạo “man di mọi rợ” vì đạo này bắt con chiên phải chối bỏ Nghi lễ.
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, chương Lễ nghi chí [trang 5-147], Phan Huy Chú, định nghiã Lễ nghi như sau:
“Trong đạo trị nước, lễ là cần hơn cả. Lễ để nhận rõ việc hiềm nghi, soi sáng chỗ vi ẩn, chia ra người trên kẻ dưới, tỏ rõ vật nọ phẩm kia. Lễ nghi 300 điều, uy nghi 3000 điều, chỗ nào cũng ngụ tinh thần của cổ nhân ở đó. Điển lễ thời cổ sâu kín tinh vi, không thể nói hết được.”[1]
Ba trăm điều trong Lễ nghi tức là toàn bộ quy chế các lễ nghi trong triều và trong nước; những quy chế này tiềm ẩn hệ thống tư tưởng phương Đông, qua từng chi tiết nhỏ nhất, nên có thể coi Lễ nghi là thánh kinh của người phương Đông về đạo làm người:
Tôn kính Trời Đất, nể sợ Quỷ Thần, nhớ ơn Tiên Tổ, giữ phận Vua tôi, Cha con... lấy chữ nhân của Khổng Tử làm đạo sống.
Trần Trọng Kim viết:
“Nhân là cái gốc lớn của sự sinh hóa trong trời đất. Thế gian nhờ đó mà đứng, vạn vật nhờ đó mà sinh, quốc gia nhờ đó mà còn, lễ nghiã nhờ đó mà phát hiện ra. Cho nên Khổng giáo lấy nhân làm cái tông chỉ duy nhất trong tông giáo, chính trị và học thuật của thiên hạ. Đối với từng người một thì nhân là cái hành xích để biết việc phải trái, điều hay dở. Sự ngôn luận, sự hành vi của người ta mà hợp với đạo nhân là hay là phải, trái với đạo nhân là dở là xấu.”[2]
Xem như thế, Nghi lễ không tôn sùng bất cứ một cá nhân nào, nên không thuộc loại Ngẫu tượng sùng bái (Idolâtrie), có thể “cạnh tranh” với Chúa Trời và Chúa Giê-Su, nhưng Lễ nghi lại là toàn bộ phương pháp giáo dục con người, cao siêu hơn Thánh kinh, vì thế Vatican nhất quyết gạt bỏ khỏi địa bàn của Giáo hội.
Về Nghi lễ, các Giáo hoàng đã ra nhiều chỉ dụ, được ghi lại, từ thế kỷ XVII:
- 1645: Giáo hoàng Inocent X (1644-1655) ra nghị định cấm Nghi lễ và xác định Nghi lễ là mê muội sùng bái.
- 1656: Giáo hoàng Alexandre VII (1655-1667) ra Nghị định cấm Nghi lễ nhưng việc thờ cúng tổ tiên có thể chấp nhận được.
- 1669: Clément IX (1667-1669): trở lại nghị định 1645 của Innocent X: cấm Nghi lễ.
- Clément X (1670-1676) kế vị Clément IX, xác định lại lần nữa: cấm Nghi lễ.
- Clément XI (1700-1721) ban hành nghị định Ex illa die 19-3-1715: Tuyệt đối cấm Nghi lễ.
Vì nghị định này mà Khang Hy ra dụ: Triệt để cấm đạo ngày 17-5-1717.
- Năm 1721, các giáo sĩ Dòng Tên nhờ Mezzabarba đệ lên Benoit XIII (1724-1730) tám điều châm chước cho việc cấm Nghi lễ, được Giáo hoàng chấp nhận; Ung Chính (kế nghiệp Khang Hy) có ra dụ cấm đạo 1724, nhưng cho phép các giáo sĩ Dòng Tên và các nhà khoa học và bác học, được quyền ở lại Bắc Kinh.
- Năm 1742, Giáo hoàng Benoit XIV (1740-1758) bãi bỏ tám điều này và ban hành giáo lệnh Ex quo singulari providentia ngày 11-7-1742, tuyệt đối cấm Nghi lễ Trung Hoa và Ấn Độ. Bắt các giáo sĩ phải thề, không được phạm cấm. Nghị định này như đổ thêm dầu vào lửa, nên ngay từ năm 1746, việc cấm đạo ở Trung quốc càng khắc nghiệt hơn: tất cả người Âu đều bị truy nã, đưa về Macao rồi trục xuất về châu Âu. Giáo dân từ thành thị đến thôn quê đều bị truy lùng và bắt buộc phải bỏ đạo.
Sử gia Gosselin nhận định về tình hình Việt Nam:
“Nghị định của Benoit XIV, công bố năm 1774 [thực ra là 1742], kết án việc thờ cùng tổ tiên và tôn kính Khổng Tử, mà các giáo sĩ Dòng Tên đã từng chấp nhận và quảng bá rộng rãi, tai hại cho đạo [Chúa] hơn cả những vụ đàn áp đẫm máu nhất. Kể từ thời điểm này, các giáo sĩ thừa sai không học chữ Hán nữa, sống ngoài vòng các nhà nho, không tiếp xúc với họ, nên dù hết sức hy sinh cho nhiệm vụ, họ không thể làm cho đạo Chúa được mở mang, [bởi vì] họ chỉ cải đạo được cho từng lớp vô học, và vì thế, họ không vận động được và không có ảnh hưởng gì đến đại quần chúng trong nước […] Thực ra, đạo thực thụ của người An-Nam, đạo duy nhất và căn bản mà họ gắn bó là thờ cúng tổ tiên”[3]
Việc cấm đạo ở Á châu, như vậy, là để trả lời tất cả những nghị quyết của Toà Thánh cấm Nghi lễ phương Đông, từ thế kỷ XVII đến thề kỷ XX. Chứ không phải do sự ngu dốt và tàn ác của vua quan nhà Nguyễn, như chúng ta đã từng được học trong suốt thời kỳ bị đô hộ và tưởng là sự thật.
Nhật Bản là một trong những nước ở Á châu đón nhận đạo Ky-tô sớm nhất, từ giữa thế kỷ XVI. Bốn mươi năm sau, Mạc phủ khám phá ra những điều giảng dạy trong kinh sách Gia-Tô, và đã ra lệnh triệt để cấm truyền vào nước Nhật, giáo sĩ trốn vào, bị bắt, bị xử tử.
Phải đến năm 1939, Giáo hoàng Pie XII (1939-1958), mới cho phép tín đồ công giáo được quyền thờ cúng tổ tiên. Mọi sự dịu đi và từ đó tới nay, chưa có nghị định nào phủ nhận quyền này.
Sự phân liệt giữa giáo đoàn Pháp và Bồ
Các giáo sĩ Dòng Tên, phần lớn là người Bồ, chủ trương tôn trọng Nghi lễ phương Đông, được Giáo hoàng Alexandre VII chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên từ năm 1656.
Đến năm 1721, các giáo sĩ Dòng Tên lại nhờ Mezzabarba đệ lên Giáo hoàng Benoit XIII (1724-1730) xin tám điều châm chước cho việc cấm Nghi lễ, Giáo hoàng chấp nhận.
Nhưng trước đó bốn mươi năm, trong giai đoạn truyền giáo đầu tiên (1615-1660) ở Đàng Trong, các giáo sĩ Dòng Tên, phần lớn là người Bồ và Ý, mà Francesco Buzomi là cha Bề trên, đã “tự tiện” chủ trương giảng đạo thuận theo Nghi lễ phương Đông, và âm thầm cho phép con chiên thờ cúng tổ tiên, nên họ đã được các chúa Nguyễn nhân nhượng, tuy không thích đạo Gia-Tô, có lúc cấm, nhưng không cấm triệt để.
Chính các giáo sĩ Bồ và Ý, từ 1615 đến 1662 bằng chính sách truyền giáo ôn hòa của Buzomi, đã tạo nền móng cho đạo Chúa ở Đàng Trong.
Trong khi cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes (1650), bôi nhọ Phật, Khổng, Lão, phản ảnh trung thành tinh thần Cấm nghi lễ của Vatican trong sắc lệnh 1645; con đường này sẽ được Hội Thừa Sai Paris tiếp tục.
Các giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris đến Đại Việt (1664), triệt để áp dụng đường lối chính thống của Giáo hội La Mã, tức là diệt trừ Nghi lễ; và các giáo sĩ Dòng Tên cho rằng chính sách này đã phá hoại những gì mà họ đã xây dựng trong 40 năm qua. Do đó, sự phân liệt giữa hai giáo hội Bồ và Pháp không thể tránh khỏi. Chưa kể công lao sáng lập Chữ Quốc Ngữ của các giáo sĩ Bồ và Ý, sau này cũng bị người Pháp “chiếm đoạt”: đầu thế kỷ XX, học giả Cadière độc nhất hóa vai trò của Alexandre de Rhodes, như “cha đẻ” của chữ quốc ngữ, trong tập san Đô thành hiếu cổ.
Những nguyên nhân dẫn đến sự phân liệt
Hành trình truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris gặp những bước cản nghiêm trọng; nguyên nhân những khó khăn này, không phải vì chúa Hiền “tàn ác diệt đạo”, như Louis Chevreuil đã xuyên tạc trong Ký sự Đàng Trong, mà nằm trong nội bộ công giáo, với những yếu tố sau đây:
1- Sự phân liệt bắt đầu từ năm 1659, khi giáo hoàng Alexandre VII tấn phong cho hai giáo sĩ Pháp François Pallu và Lambert de la Motte làm Giám mục Tông toà Đàng Ngoài và Đàng Trong, cho giáo hội Pháp thay thế giáo hội Bồ trong việc truyền giáo ở Đại Việt. Sự kiện này đưa đến những xung đột lớn: Giáo sĩ Bồ không chấp nhận quyền chỉ đạo của giáo sĩ Pháp. Giáo sĩ Pháp đến Macao, Goa, vùng của Bồ, bị bắt bỏ tù. Sự căm thù sâu sắc giữa hai Giáo hội, gây rối loạn trong hàng ngũ giáo sĩ.
2- Ở Đại Việt, những người thuộc phe Bồ, được phía Pháp gọi là bọn Dòng Tên (mặc dù giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris cũng xuất thân từ Dòng Tên) và coi là thù nghịch. Ngược lại phe Bồ (gồm cả nhà buôn và giáo sĩ) tìm cách phá hoại giáo sĩ Pháp để họ không thể ở lại được.
Năm 1666, hai giáo sĩ Fragoso và Marini về Roma tố cáo Lambert de la Motte, Giám mục Tông tòa Đàng Trong bất tài và xin Tòa thánh gọi về (việc này sẽ nói đến sau). Lúc đó, phe Dòng Tên vẫn còn mạnh không những ở Roma, mà cả trong chính quyền Pháp nữa, nên khi Lambert de la Motte phản bác, gửi bản tường trình về Hội Thừa Sai Paris, cáo buộc “bọn Dòng Tên” làm những “chuyện xấu xa”, thư này không có hiệu quả, thậm chí Giám mục Pallu còn sợ Roma sẽ dẹp luôn cả Hội Thừa Sai Paris.
3- Chủ trương truyền giáo thích hợp với Nghi Lễ phương Đông của Dòng Tên, từ năm 1656, đã được Giáo hoàng Alexandre VII (1655-1667) nhân nhượng và che chở. Nhưng Hội Thừa Sai Paris theo đúng đường lối chính thống của Tòa Thánh, nghiêm cấm Nghi lễ, chủ yếu là việc thờ cúng tổ tiên. Phong cách truyền giáo cực đoan này, là mầm mống tạo thêm sự phân liệt giữa hai giáo hội Pháp-Bồ.
4- Sự xung đột giữa hai phe áp dụng triệt để luật cấm Nghi lễ của Toà thánh và phe nhân nhượng cho việc thờ cúng tổ tiên, còn xảy ra trong chính nội bộ Hội Thừa Sai Paris, và đã gây đổ vỡ: Những người trong phe thứ hai này, lập ra nhóm riêng ở Quảng Ngãi, như trường hợp hai giáo sĩ Hainques và Brindeau, và họ đã chết một cách bí mật, như ta sẽ thấy.
4- Khi Pháp chiếm [gần] xong miền Bắc, cần một chính nghiã cho chính sách thực dân, không phải vô tình mà năm 1885, Linh mục Louvet tung ra cuốn sách tố cáo Việt Nam Đàn áp bạo tàn đạo Gia-Tô, từ thế kỷ XVII, từ thời chúa Thượng (với chuyện André tử đạo của de Rhodes) tới thời Tự Đức, trong bộ sách đồ sộ Đạo giáo ở nước Nam. Chỉ định Persécution là lý do chính khiến Pháp phải “nhúng tay” vào để “bảo vệ” đạo Chúa ở Việt Nam. Bộ sách này sẽ là kim chỉ nam cho những người nghiên cứu, dẫn đến những công thức buộc tội nhà Nguyễn tàn sát đạo Gia Tô, mà hầu như tất cả sử gia Việt Nam đều tin tưởng và nhắc lại.
Việc cấm đạo ở hai miền
Ở Đàng Trong, việc cấm đạo bắt đầu rất sớm, từ năm 1618, với việc phá nhà thờ Đà Nẵng, dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), lý do vì hạn hán mất mùa nên người dân nổi giận đổ tội cho đạo mới, chúa phải ra lệnh trục xuất các giáo sĩ, nhưng chỉ một thời gian sau, khi mưa xuống, mọi sự trở lại bình thường (xem chương 3: Borri, phần 2).
Tuy nhiên năm 1639, dưới thời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648), lại có việc trục xuất tất cả các giáo sĩ về Macao, chúng tôi tạm đoán rằng sự kiện này có thể liên quan đến cuộc nổi loạn Shimabara (1637-1638), đòi tự do tôn giáo ở Nhật, nhưng chúng tôi chưa tìm thấy văn bản chính thức nào về việc này.
Ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh Tráng (1623-1657) không chủ trương cấm đạo. Khi trục xuất giáo sĩ Alexandre de Rhodes khỏi đất Bắc năm 1630 (de Rhodes là giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên bị trục xuất), theo lời de Rhodes, chúa cho yết thị lệnh truy lùng ông, chứ không thấy ông nói đến một chỉ dụ cấm đạo trên toàn quốc. Và chỉ vài tháng sau, chúa đã cho phép nhiều giáo sĩ Dòng Tên khác trở lại Thăng Long, Đỗ Quang Chính viết:
“... vào tháng 3-1631, bốn linh mục Dòng Tên là Gaspar d'Amaral, André Palmeiro, Antonio de Fontes và Antonio F. Cardim từ Áo Môn đến Thăng Long đã được chúa Trịnh Tráng tiếp nhận và ông cho phép hai linh mục Gaspar d'Amaral và Antonio F. Cardim được phép ở lại Thăng Long; tới năm 1632, lại có thêm ba linh mục Dòng Tên khác đến Đàng Ngoài: Raymond de Govea (Tây Ban Nha) và hai người Ý là Bernadin Reggio, Jérôme Mayorica”[4].
Sự thực, chúa Trịnh Tráng có ra dụ cấm đạo năm Canh Dần (1650) (dụ này chỉ nghe nói đến, nay không còn dấu vết), nhưng chúa vẫn để cho đạo Gia-Tô phát triển, giáo dân xây dựng nhà thờ. Đó là một trong những lý do giải thích tại sao đạo Chúa được mở mang rộng rãi ở miền Bắc, từ 1631 đến 1660.
Chúa Trịnh Tráng mất năm 1657. Trịnh Tạc lên nối ngôi (1657-1682). Tại sao chúa Trịnh Tạc thay đổi thái độ với đạo Gia-Tô? Việc cấm đạo trở nên nghiêm ngặt hơn với hai dụ cấm đạo 1664 và 1669 (sẽ trình bày ở dưới) chứng tỏ chúa Trịnh Tạc đã nắm rõ nội dung cấm Nghi lễ trong các sách giảng đạo, nên mới ra dụ cấm đạo với lệnh tịch thu sách đạo.
Còn ở Đàng Trong, không tìm thấy dấu vết chỉ dụ cấm đạo nào của chúa Hiền Nguyễn Phước Tần. Không những thế, Giám mục Lambert de la Motte còn được chúa tiếp kiến và cho tự do giảng đạo (việc này sẽ nói đến kỳ tới). Tuy vậy, sử gia Trần Trọng Kim viết:
“Năm Giáp thìn (1644) chúa Hiền ở miền Nam bắt giết những người đi giảng đạo ở Đà Nẵng”[5].
Điều này chắc chắn ông chép trong sách Đạo giáo ở nước Nam của Louvet, và Louvet đã chép lại những lời bịa đặt của Chevreuil, như chúng ta đã thấy trong chương 7.
Ở Đàng Trong, mãi đến năm 1699, [đời chúa Nguyễn Phước Chu (1691-1725)] mới thấy Lê Quý Đôn ghi nhận việc trục xuất giáo sĩ:
“Năm thứ 20, Kỷ Mão, [1699] tra bắt người truyền đạo Hoa-lang ở trong hai xứ; đuổi đi hết”[6].
“Năm thứ 20” ở đây là năm thứ 20 đời Lê Hy Tông, Hoa-lang là phiên âm chữ Hollande. Đạo Hoa-lang, là đạo của người Hòa Lan, tức là đạo Gia-Tô. (Có giả thuyết cho rằng chữ Hòa Lan là Hoa lan, vì người Hollande mặc áo hoa)
Người Hoà Lan vào buôn bán ở nước ta khá sớm, có thể cùng thời hoặc sớm hơn cả người Bồ. Vì dân chúng không nhận diện được sự khác biệt giữa các dân tộc châu Âu, Đàng Ngoài “thân” với Hòa-Lan, Đàng Trong “thân” với Bồ, nên dân chúng gọi đạo Chúa là đạo của người Hoa-lang, thực ra là do người Bồ truyền đến.
Hai xứ mà Lê Quý Đôn nói đến ở đây là Trấn Biên và Phiên Trấn, thuộc Thủy Chân Lạp, do chúa Hiền Nguyễn Phước Tần chinh phục, và chúa Nguyễn Phước Chu, cháu nội ông, bình định.
Tóm lại: Cấm giảng đạo, phá nhà thờ, trục xuất các giáo sĩ ngoại quốc, sẽ là ba điểm chính, tìm thấy trong các dụ cấm đạo ở thời này và xin nhắc lại một lần nữa: Không thấy chữ tử hình, trên các dụ cấm đạo. Ngoài ra, phải nhấn mạnh điểm: Đại Việt là một nhà nước pháp quyền, tội trạng xử theo luật pháp, không tự tiện muốn giết ai thì giết, như lời các giáo sĩ, thừa sai “thuật lại”.
Hoà Lan là một nước nhỏ ở Âu châu, nhưng thời đó thuỷ binh của họ rất mạnh, lại có chính sách ngoại giao mền dẻo. Người Hòa Lan phần lớn theo đạo Tin lành, nhưng không chủ tâm truyền giáo. Họ đã chiếm Ấn Độ, Mã Lai và Nam Dương, nhưng đối với các nước có thế lực quân sự mạnh, khó chiếm, họ tìm cách giao thương, như với Nhật Bản và Đàng Ngoài. Họ bán vũ khí cho Đàng Ngoài, có thể vì muốn lợi dụng chiến tranh Trịnh-Nguyễn, giúp miền Bắc tiêu diệt miền Nam, rồi sẽ “thanh toán” miền Bắc sau.
Vì Thế tử Nguyễn Phước Tần đánh tan hạm đội Hòa Lan ở cửa Eo [Thuận An] năm 1643, nên quân Hòa Lan không dám “xâm phạm” Đàng Trong nữa. Trong khi Đàng Ngoài vẫn thân thiết với Hòa-Lan. Ngoài ra, giáo dân Đàng Ngoài, tiếp xúc với người Hòa Lan rất sớm, cùng thời với các giáo sĩ Bồ Đào Nha từ Macao sang, như Gaspar d'Amaral và Antonio Barbosa, có trình độ học vấn cao, đã đóng góp lớn vào việc thành lập chữ quốc ngữ và xây dựng nền móng đạo Chúa ở miền Bắc.
Đến năm 1660, khi các giáo sĩ Bồ phải ra đi, nhường quyền cho giáo sĩ Pháp, họ đã phong cho thầy giảng Martin Mat [Mật?] làm cha Bề trên, trông nom giáo hội miền Bắc.
François Deydier đến Đàng Ngoài
Tháng 8-1666, mặc dù đã có dụ cấm đạo của chúa Trịnh Tạc, một giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris là François Deydier, trốn được vào Thăng Long. Trong ba năm, ông đã phục hồi lại giáo hội Đàng Ngoài do các cha Dòng Tên thiết lập từ 40 năm trước.
François Deydier, sinh ngày 28-9-1634 tại giáo phận Sainte-Marie, Toulon (Var) Pháp. Ngày 27-11-1660, lên tầu ở Marseille cùng với Jacques de Bourges tháp tùng Giám mục Lambert de la Motte, Đại diện Tông toà Đàng Trong sang Xiêm, đó là hai giáo sĩ theo Giám mục Lambert de la Motte, từ những ngày đầu truyền giáo.
Giám mục Pallu, Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài đến Xiêm năm 1664, không vào được Thăng Long, phải trở về Âu Châu, năm 1665.
Vì thế, ngày 20-6-1666, François Deydier, được Giám mục Lambert de La Motte phong chức Tổng đại diện Đàng Ngoài (Vicaire général du Tonkin) và gửi đi Thăng Long. François Deydier, sẽ là giáo sĩ đầu tiên của Hội Thừa Sai Paris, đến Đàng Ngoài, vào đất Bắc cuối tháng 8-1666. Khi đến Thăng Long, ông chỉ gặp người Hòa Lan và các thầy giảng người Việt. Ở Bắc, dường như không còn “phe Bồ Đào Nha”, nên ông không bị chống phá, và Deydier đã xây dựng lại được giáo hội Đàng Ngoài.
Tuy nhiên, ông gặp nhiều khó khăn: giáo dân tiếp đãi lạnh nhạt vì họ chờ đợi sự trở lại của các cha Dòng Tên [người Bồ] và không mấy tin tưởng vào giáo sĩ Pháp. Ông phải giải thích rằng ở Đàng Trong, cha Marquez đã trao quyền lại cho Tổng đại diện Chevreuil rồi.
Ngày 26-8-1666, ông được giáo dân báo cáo tình hình: từ khi các cha Dòng Tên ra đi (1660) và sau dụ cấm đạo 1664, hai thầy giảng [Việt] già qua đời, chỉ còn lại tám thầy giảng [có kinh nghiệm]. Ngày trước có khoảng từ 45 đến 50 thầy giảng trẻ và người hầu, nay chỉ còn lại 15...
Ngày 2-9-1666, Deydier làm lễ rửa tội lần đầu cho một đứa bé, và một cụ già bệnh nặng, qua đời sau đó[7]. Deydier nói thạo tiếng Bổ, có thể vì thế, ông được giáo dân coi như giáo sĩ Bồ.
Trong ba năm, ông đi nhiều nơi, có khi phải ăn mặc rách rưới trá hình để truyền đạo và tìm cách củng cố lại cộng đồng Gia-Tô đã tản mát sau bốn năm không có linh mục hướng dẫn.
Năm 1668, ông làm lễ rửa tội cho Đuc Lao Cou (Đức Cù Lao?) vợ chúa Trịnh Tráng. Một năm sau bà mất ngày 16-3-1669. Theo thư ông viết ngày 7-10-1669 cho Hội Truyền Giáo La Mã (La Propagande): “Ông đã đi thăm 9, 10 nhà thờ vùng Nam [Nam Định], ở lại vùng này hai tháng, làm lễ rửa tội cho 1.597 người và nghe 4.000 người xưng tội”[8].
Khi Giám mục Pallu từ chức Đại diện Tông toà Đàng Ngoài năm 1679, đã đề nghị François Deydier và Jacques de Bourges thay thế.
Sau mười năm hoạt động đắc lực ở Đàng Ngoài, ngày 25-11-1679, Deydier được chính thức thọ chức Giám mục Ascalon và trở thành Đại diện Tông toà ở Đàng Ngoài. Ông qua đời ở Kẻ Sặt (Hải Dương), [có chỗ ghi] Phố Hiến (Hưng Yên) ngày 1-7-1693[9].
Giám mục François Deydier là người có công lớn trong việc xây dựng lại họ đạo ở Bắc.
Giám mục Tông toà François Pallu không vào được Đàng Ngoài
François Pallu sinh ngày 31-8-1626 tại giáo khu Saint-Saturnin, Tours (Indre-et-Loire), Pháp; thọ tước Giám mục Héliopolis ngày 19-7-1658, trở thành Đại diện Tông toà Đàng Ngoài ngày 9-9-1659. Đi truyền giáo ngày 8-11-1661. Ông là người thân cận của de Rhodes, và được coi như Đại diện Tông toà chính thức, nên phái đoàn của ông bề thế hơn cả.
Ông cho biết, ông rời Pháp cùng với 9 giáo sĩ. Ngày 27-1-1664 tới Xiêm chỉ còn 4 người, 5 người bị chết ở dọc đường[10].
Giám mục Pallu không vào được Đàng Ngoài, nên năm 1665, ông trở về Âu châu, nhưng vẫn giữ chức Đại diện Tông Toà Đàng Ngoài tới tháng 11-1679.
Sau đây là những chặng đường kế tiếp của Giám mục Pallu:
Sau khi không vào được Đàng Ngoài, ông trở về Pháp: 1665-1667; rồi sang Roma: 1667-1668; lại trở lại Pháp: 1668; và sang Roma: 1668-1669; rồi trở lại Pháp: 1669-1670.
Ông đi Á châu lần thứ hai, hành trình dài ba năm: 1670-1673.
Ở Xiêm: 1673-1674. Ở Manille: 1674-1675. Sau đó ông trở về Tây Ban Nha: 1675-1676.
Ở Tây Ban Nha: 1676-1677. Ở Rome: 1677-1680. Ở Pháp: 1680-1681.
Ngày 1-4-1680, Pallu nhận chức Tổng quản trị truyền giáo ở Trung quốc (Administrateur général des Missions de Chine).
Ngày 15-4-1680, ông kiêm thêm chức Đại diện Tông tòa Phúc Kiến.
Ông đi Á châu lần thứ ba: 1681-1682.
Ông tới Xiêm năm 1682. Tới Trung quốc năm 1683.[11] Qua đời tại Mo-yang (Phúc Kiến) ngày 29-10-1684[12].
Sự thất bại của Pallu ở Đàng Ngoài
Khi Giám mục Pallu, đến Xiêm năm 1664. Ông kê khai tình hình đạo Chúa ở Đàng Ngoài, khoảng năm 1660, rất sáng sủa, như sau:
“Đây là một cánh đồng mà Trời thích giáng phúc; từ hạt giống đầu tiên của Phúc âm, đức tin đã toả rộng đến độ có tới hơn hai trăm nhà thờ, và hơn ba trăm nghìn giáo dân. Theo những nguồn tin rất đáng tin cậy, trong những năm gần đây, con rể của chúa [Trịnh Tạc] đã theo đạo cùng với 70.000 kẻ dị giáo”.
Đối với Đàng Trong, ông có cái nhìn “đẫm máu” hơn, tuy cũng rất chủ quan:
“Đất Đàng Trong, nhuộm đỏ máu tín đồ tử đạo, cũng không giảm độ phì nhiêu. Số người công giáo ở đấy rất lớn. Người ta thấy rất nhiều nhà thờ […]
Và ta phải hy vọng rằng chẳng bao lâu tất cả các vương quốc này sẽ thay đổi bộ mặt và ta sẽ thấy đạo nở rộ khắp nơi, sự sùng bái mê muội bị tiêu hủy, việc thờ phụng quỷ thần bị tuyệt diệt. Thánh đường và Trời đất trôi đầy thi hài Quỷ sứ”[13].
Những lời này cho thấy sự khinh miệt của Giám mục Pallu về đất nước và con người mà ông đến “khai hoá”. Ông mơ ước chẳng bao lâu sẽ giết hết quỷ sứ, cho xác chúng bay đầy trời.
Một cái nhìn như thế về xã hội của người đồng loại, ở bất cứ mức độ nào, cũng không có chỗ cho sự thông cảm, và khi đã không thông cảm, thì không thể giảng đạo thành công được. Còn cao vọng tiêu diệt hoàn toàn nền Nghi lễ của dân tộc này, thì không những hơi khó, mà lại chuốc lấy sự kinh bỉ của giới trí thức nho sĩ Đại Việt. Đó là những lẽ khiến không ai nhận “cưu mang” ông vào Thăng Long, kể cả các giáo đồ tha thiết muốn có một vị chủ soái.
Vì vậy, dù được thừa kế di sản lớn lao của các giáo sĩ Dòng Tên Bồ và Ý để lại: Hơn hai trăm nhà thờ và hơn ba trăm ngàn giáo dân, chỉ riêng miền Bắc cho Hội Thừa Sai Paris, Giám mục Pallu cũng đành phải quay về Pháp. Nhưng để sự trở về của ông không phải là một thất bại, ban Quản lý Hội Thừa Sai ở Xiêm đã đề nghị cử ông về Pháp để thông báo tình hình.
Quá trình đến Đại Việt của Giám mục Pallu
Trong phần hồi ký rút gọn về việc du hành và truyền giáo của các Giám mục Pháp, Pallu viết về chuyến đi của ông, bắt đầu như sau:
“... Tôi chỉ có thể rời nước Pháp ngày 2 tháng Giêng năm một ngàn sáu trăm sáu mươi hai (2-1-1662), với 9 người đi kèm, và tôi cùng họ lên tầu ở Marseille theo đường những người trước đã đi. Một tháng sau tôi tới Alep [đông bắc Syrie]”[14].
Tới Alep ông gặp cộng đồng truyền giáo đông đảo nhất vùng bờ biển phiá đông Địa Trung Hải, gồm có chín, mười giáo sĩ đủ các dòng tu. Sau Alep, ông muốn đi đường Babylone, nhưng vì nóng quá, nên phải theo đường Erzeron [Erzurum, tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ] giữa Anatolie [phần Á châu của Thổ Nhĩ Kỳ] và Euphrate [sông lớn ở Á Châu], tới Tauris [Tabriz, ở đông bắc Ba Tư]. Sau vài ngày ở Tauris, ông tới Hispahan, thủ đô Ba Tư, sau đó ông lên tàu Anh, ở hải cảng Gamron, trên vịnh Ba Tư để đi Surate (Sũrat, Ấn Độ) và từ đó, theo gót Lambert de la Motte, ông đi xuyên lục địa Ấn Độ, qua Miến Điện và tới Odia (tức Juthia, hay Ayuthia) kinh đô Xiêm, ngày 27-1-1664. Hành trình kéo dài hơn hai năm.
Giám mục Pallu đến Xiêm, nhưng không vào được Thăng Long, dưới thời chúa Trịnh Tạc (1657-1682). Năm sau, 1665, ông phải trở về Âu Châu. Và trở thành đại sứ lưu động của Hội Thừa Sai Paris và La Mã, trong những năm tháng còn lại.
Vẫn theo lời ông kể, khi tới Xiêm, Pallu chỉ nghĩ cách làm sao để vào được Đàng Ngoài, nhưng hầu như không có tàu buôn đi lại giữa Xiêm và Đàng Ngoài, nên ông bắt buộc phải nhận đề nghị của một nhà buôn Hồi giáo, chở đến Đàng Ngoài, nếu ông cho mượn 500 écus[15]. Sau khi lấy tiền, người này không giữ lời hứa, y tuyên bố không đi Đàng Ngoài nữa:
“Tôi vừa phải kiện tay nhà buôn Hồi giáo này, buộc hắn giữ lời hứa, lại vừa nhận được tin chắc chắn từ Đàng Ngoài cho biết việc đàn áp công giáo đang sôi nổi, việc in sách thánh kinh bị cấm kỵ khắc nghiệt; tất cả những ai truyền giảng phúc âm đều bị trục xuất, khiến mỗi người [có thể] xét đoán việc tôi đến nước này gặp những trắc trở tai hại, rằng người ta sẽ không quên kháo rằng tôi bất chấp lệnh chúa, khiến chúa trút những cơn giận khôn nguôi lên đầu những giáo dân mới, đáng lý không phải chịu sự đán áp vì họ không có thầy tu [bên cạnh]”[16].
Giám mục Pallu kể tiếp: Dụ cấm đạo rất khắc nghiệt, theo thư ở Đàng Ngoài gửi ngày 23-1-1664. Ông bèn viết thư cho giáo dân Đàng Ngoài để khuyến khích, uỷ lạo họ.
Sau đó, ông tìm mọi cách để đi Đàng Ngoài. Có hai lối: đường Lào hoặc Phi Luật Tân. Vì chính phủ Xiêm chuẩn bị ký hiệp định đồng minh với chính phủ Lào, và từ Lào có thể tự do đi Đàng Ngoài. Ông lại nhận được thư từ Manilles cho biết: người Y Pha Nho thỉnh thoảng cũng có tầu đi Đàng Ngoài, vì chính phủ Phi Luật Tân đã có đại sứ ở Đàng Ngoài. Nhưng nhiều lý do cản trở việc ông đi Phi Luật Tân. Ông bèn quay về đường Lào, nhưng ông vụ trưởng thương mại (le président du commerce?) Xiêm, là người phải thương lượng để có thông hành đi Lào, chống lại việc này, lấy cớ tôi [Pallu] là người Âu, nếu cho vào Lào, sẽ có hại cho công việc của chủ (son maitre?)[17].
Như vậy, theo lời Giám mục Pallu, những lý do khiến không ai giúp ông đi Đàng Ngoài rất rộng, và ta có thể đặt câu hỏi: vì chức vụ Đại diện Tông toà ở Đàng Ngoài của ông hay vì chủ trương muốn “hoá kiếp cho toàn bộ hệ thống đạo giáo phương Đông” thành ma quỷ của ông?
Đồng thời Giám mục Pallu cũng kê khai tình hình đạo Chúa ở Đàng Ngoài năm 1660 [trước khi giáo sĩ Pháp đến Việt Nam], với những con số:
“... có hơn hai trăm nhà thờ, và hơn ba trăm nghìn giáo dân. Theo những nguồn tin rất đáng tin cậy, trong những năm gần đây, người con rể của chúa [Trịnh Tạc] theo đạo cùng với 70.000 người dị giáo”[18].
Điểm này chứng tỏ: Nếu Đàng Ngoài ở trong tình trạng “phấn khởi” như thế: có người con rể của chúa theo đạo cùng với 70.000 người dị giáo, thì tại sao, chúa Trịnh Tạc lại quyết định thay đổi hoàn toàn chính sách đối với đạo thiên chúa?
Chúng tôi cho rằng: bởi vì chúa biết được nội dung các kinh sách, nên mới ra dụ cấm đạo và cấm in kinh sách.
Rất may, là để chứng minh cho việc cấm đạo này, Giám mục Pallu ghi lại một đoạn sắc lệnh của chúa Trịnh Tạc, trích từ thư của một người từ Đàng Ngoài gửi ra ngoài, cho nên chúng ta mới có văn bản để khảo sát dưới đây.
Chúa Trịnh Tạc trả lời lệnh cấm Nghi lễ của Vatican
Dưới đây là sắc lệnh cấm đạo 1664 của chúa Trịnh Tạc, được Giám mục Palllu trích ra từ một lá thư viết ở Đàng Ngoài, ngày 23-1-1664:
“Ta đã đuổi và sẽ đuổi vĩnh viễn khỏi nước ta những cha cố này, đó là những kẻ (đi truyền giáo), trốn khỏi nước họ; đến đây dậy dỗ cho dân chúng thô lậu, cho kẻ dốt nát, và cho đàn bà, một thứ đạo vô căn cứ, độc hại và lố lăng, dậy người ta không tôn kính trời đất, quỷ thần, cái đạo xui vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ, v.v.
Vì những lý do đó, ta ra lệnh cho những kẻ chỉ huy quân đội, ở gần ta trong triều và những kẻ cầm đầu các tỉnh thành và thôn quê, phải tịch thu ngay tất cả những sách kinh chứa đựng giáo lý mà các Cha cố reo rắc trong xứ, đem đốt đi, để không còn dấu vết cái đạo xấu xa này. Ta truyền cho tất cả mọi người, ai biết có thầy hay cha giảng đạo này ở đâu, phải trình báo, thì sẽ được thưởng”.
Dưới đây là nguyên văn bản tiếng Pháp của dụ này, được in lại trong Hồi ký của Pallu:
“Nous avons chassé et nous chassons à perpétuité hors de notre royaume ces Pères (ce sont les prédicateurs), lesquels, fugitifs de leurs terres, sont venus enseigner aux peuples grossiers, aux ignorants et aux femmes, une loi qui est sans fondement, d'autant plus pernicieuse et ridicule qu'elle enseigne qu'il ne faut point adorer ni le ciel, ni la terre; qu'il ne faut point rendre de culte à l'esprit ni au démon; une loi qui fait que les femmes quittent leurs maris et que les maris abandonnent leurs femmes, etc...
A ces causes, nous ordonnons que les chefs de nos officiers résidant près de nous en notre Cour et ceux qui commandent dans les aldées (ce sont leurs villes et bourgades) aient à faire les dilligences possibles pour ramasser tous les livres de prières et où sont contenues les doctrines que ces Pères ont semées par le royaume; qu'ils les fassent bruler et que rien ne reste d'une si méchante loi. Nous commandons à toutes personnes qui connaitrons des catéchistes, ou des prédicateurs de cette religion, de les référer, promettant de les récompenser, etc...”[19]
Trên đây là một phần “dụ cấm đạo” của chúa Trịnh Tạc, có lẽ đã được một giáo dân dịch sang tiếng Pháp và gửi cho Giám mục Pallu.
Như vậy, văn bản này được dịch từ chữ Nôm hoặc chữ Hán sang tiếng Pháp và chúng tôi dịch lại từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, tất nhiên có khác biệt với bản gốc, nếu sau này tìm lại được.
Những dòng trích trong Dụ cấm đạo 1664 trên đây, cho phép chúng ta hiểu như sau:
Đây là lần đầu tiên chúa Trịnh chính thức ra lệnh cấm đạo, và lệnh này được một giáo dân ghi lại và gửi ra ngoài. Văn bản này có mấy điểm đáng chú ý:
Lý do cấm đạo ở đây, không phải vì thiên tai hạn hán, như thường thấy ở Đàng Trong, mà là nhà cầm quyền Đàng Ngoài đã đọc kinh sách của các giáo sĩ, vì vậy, mới có hai điều khoản chính:
1- Xác định đạo này: dậy dỗ cho dân chúng thô lậu, cho kẻ dốt nát, và cho đàn bà, một thứ đạo vô căn cứ, độc hại và lố lăng, dậy người ta không tôn kính trời đất, quỷ thần, cái đạo xui vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ...(câu này chỉ việc đạo Gia-Tô cấm đa thê).
2- Và truyền lệnh: phải tịch thu ngay tất cả những sách kinh chứa đựng giáo lý mà các Cha cố reo rắc trong xứ, đem đốt đi, để không còn dấu vết cái đạo “xấu xa” này nữa.
Vậy, lý do cấm đạo ở đây đến từ những điều triều đình đã đọc được trong kinh sách chứa đựng giáo lý của các giáo sĩ, và nhận thấy nội dung vô căn cứ, độc hại và lố lăng, nên ra lệnh đốt đi và cấm không cho in lại nữa. Trong dụ cấm đạo này, cũng không thấy ghi việc giết giáo dân, như lời các giáo sĩ “tường trình”.
Đây có thể xem là Dụ cấm đạo đầu tiên của Đại Việt, ban hành dưới thời chúa Trịnh Tạc (1657-1682), trả lời sắc lệnh cấm Nghi lễ của Vatican, đã được truyền đi từ năm 1645.
Vậy, sắc lệnh 1664, là dụ chính thức đầu tiên của Đại Việt, do chúa Trịnh Tạc ban hành, để đáp lễ Tòa Thánh về việc phỉ báng đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão và Thờ cúng tổ tiên, mà các giáo sĩ rao giảng ở Đại Việt (như trong sách Phép giảng tám ngày, 1650, của de Rhodes).
Xin nhắc lại:
Năm 1645: Giáo hoàng Inocent X (1644-1655) ra nghị định cấm Nghi lễ và xác định Nghi lễ là mê muội sùng bái: Tất cả mọi hình thức đạo ở phương Đông [đạo còn có nghiã là con đường tư tưởng] được Vatican góp làm một, gọi là Nghi lễ (Rites), và đặt tên chung là đạo tôn thờ ma quỷ.
Mười chín năm sau, Giám mục Pallu, Đại diện Tông toà Đàng Ngoài, đến Xiêm (1664), hùng hồn lập lại bài học của Toà thánh: tiêu hủy sự sùng bái mê muội; tuyệt diệt việc thờ phụng quỷ thần.
Sắc lệnh 1664 của chúa Trịnh Tạc, xuất hiện 50 năm sau sắc lệnh 1614 của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, triệt để cấm đạo; và 53 năm trước dụ triệt để cấm đạo ngày 17-5-1717 của vua Khang Hy.
Đạo Gia Tô được những giáo sĩ Dòng Tên đến truyền ở Goa, Ấn Độ từ 1542, xây dựng nhiệm sở đầu tiên ở Á châu, rồi họ đến Nhật Bản ngày 27-7-1549, và năm 1582, bắt đầu truyền đạo ở Trung quốc. Ấn Độ, Nhật Bản, và Trung Quốc đã tiếp nhận đạo Chúa trước Việt Nam hơn nửa thế kỷ.
Sắc lệnh 1664 của chúa Trịnh Tạc, chính thức nói lên sự phản bác của chính quyền Đại Việt đối với việc cấm Nghi lễ của Toà Thánh, đã ngăn chặn không cho Pallu vào Thăng Long. Nên sau khi thử tìm đường đột nhập Đàng Ngoài qua ngả Lào, thất bại, Pallu biết không còn hy vọng gì, nên ông đã mau chóng quay trở về Pháp, ngày 17-1-1665.
Khi Pallu, đến Xiêm năm 1664, Giám mục Bérythe tức Lambert de la Motte, Đại diện Tông toà Đàng Trong, đang gặp khó khăn trầm trọng với giáo sĩ và thương nhân Bồ: năm 1663, ông đã phải viết thư về Vatican xin từ chức; cho nên hai vị Giám mục dàn xếp với nhau: Pallu trở về Pháp để tường trình tình hình khó khăn của giáo đoàn Pháp tại Á đông. Về việc này, Pallu kể lại rằng: Giám mục Bérythe trong nhiều năm vẫn ấp ủ nguyện ước trở lại châu Âu, để báo cáo những khó khăn, vận động Paris và Rome yểm trợ cho việc truyền giáo ở đây, nhưng vì Giám mục Bérythe đau yếu, không thể chịu đựng được một chuyến đi 2 năm, còn tôi [Pallu] rất khoẻ mạnh, nên tôi đã tình nguyện trở lại châu Âu để làm nhiệm vụ này[20].
Việc cấm đạo ở Đàng Ngoài, tuy vậy, cũng không khắc nghiệt lắm, nên chỉ một năm sau khi Pallu về Pháp, năm 1666, giáo sĩ François Deydier đã vào được Thăng Long, và ông đã hoàn thành sứ mệnh tái lập và mở rộng họ đạo xứ Bắc.
Dụ cấm đạo 14-6-1669 của chúa Trịnh Tạc
Ngày 14-6-1669, chúa Trịnh Tạc ra một dụ cấm đạo mới, nội dung như sau:
“Hội đồng nội các, chiếu theo lệnh Hoàng thượng, sức cho tất cả các sai nha, môn lại thuộc các quan trấn thủ các tỉnh, phụ trách đạo của bọn Bồ Đào Nha, là một thứ đạo lố bịch, lường gạt mọi người; dân chúng khốn khổ ngu muội, dốt nát, không biết gì, tin theo.
Tuy nhiên, năm Canh Dần [1650], đã có một chỉ dụ của vua [Lê], khiển trách bọn Bồ Đào Nha lừa dối, bịa ra cái đạo dạy dân xây nhà thờ, tụ họp hỗn độn, làm những điều sỗ sàng. Hội đồng nội các ra lệnh lật đổ những nhà thờ này đi, phá huỷ hoàn toàn trong cả xứ và trong tương lai, bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, bị bắt quả tang đang hội họp theo thói quen trong quá khứ hay đeo dấu hiệu của bọn Bồ Đào Nha trên người, thì sẽ bị tịch thu và đập nát, đánh 50 trượng, rồi mới thả ra. Lệnh này sức cho tất cả các quan nha hiên (là những trí thức phụ trách việc pháp lý trong mỗi tỉnh) [...] Bọn sai nha, môn lại nào không chu tất thi hành mệnh lệnh, hoặc ăn tiền đút để khỏi bị phạt, hoặc hối lộ trên đường, sẽ bị trừng trị theo án lệnh.
Ban hành năm thứ bảy, niên hiệu Cảnh Tri [Lê Huyền Tôn], ngày thứ 16, tháng thứ 5 [tức ngày 14-6-1669].
Dụ này được dịch sang tiếng Pháp, in trong sách của Launay, chúng tôi dịch lại sang tiếng Việt, tất có những chỗ sai nếu so với bản chính, bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, nếu sau này tìm lại được, cho nên xin chép lại bản tiếng Pháp dưới đây để bạn đọc tham khảo:
“Le conseil du roi, selon l'ordre qu'il en a reçu de Sa Majesté, ordonne à tous sergents et huissiers des gouverneurs de toutes les provinces, touchant la loi des Portugais qui est une loi extravagante qui trompe le monde; les pauvres peuples idiots et ignorants qui ne savent points tout ce la s'y attachent. Néanmoins, l'année Canh-dân [1650], il y a un édit du roi qui reproche aux Portugais d'être des trompeurs, d'inventer une loi qu'ils apprennent aux peuples, lesquels bâtissent des églises, s'y assemblent pêle-mêle y faisait des déshonnêtetés. Nous ordonnons donc que ces églises soient abattues et complétement détruites par tout le royaume et que, pour l'avenir, qui que ce soit, homme ou femme, qui sera surpris s'assembler encore selon qu'on avait accoutumé par le passé, ou qui portera sur soi quelque signe de ces Portugais, qu'on prendra ce signe et qu'on le brisera en pièces , et que la personne sera châtiée de 50 coups de bâtons; après quoi on la relacha. Ces ordres sont remis à tous les quan-nha-hien (qui sont les lettrés constitués en toutes les provinces pour tous les jugements) [... ] Que si lesdits sergents et huissiers ne font point la diligence qui convient pour cela, ou qu'il leur arrive d'exiger des deniers des peuples pour obéir à cet ordre, ou les deniers de la dépense de leur chemin, il faudra les châtier selon les ordonnaces.
Donné la 7e année du règne du vua Canh Tri, le 16 du 5e mois (qui est le 14 juin)”[21].
Ngày 29-6-1669, chúa Trịnh Tạc lại ra thêm một dụ cấm đạo tương tự[22]. Hai dụ ra trong năm 1669 này, là văn bản cấm đạo đầu tiên, được ghi đầy đủ, vì văn bản 1664, do Giám mục Pallu chép lại ở trên, chỉ là đoạn rút ra từ một lá thư của giáo dân viết gửi ra ngoài.
Qua dụ cấm đạo trên đây, ta thấy rằng: các dụ cấm đạo về sau, đều theo gần đúng ngụ ý của dụ 1664, kể cả dụ Quang Trung cấm đạo Phật lẫn đạo Chúa cũng vậy, xoay quanh ba ý chính:
- Xét rằng: Đạo này là một thứ đạo lố bịch, lường gạt mọi người; dân chúng khốn khổ ngu muội, dốt nát, không biết gì, tin theo.
- Lệnh: tịch thu và tiêu hủy các hình ảnh, tràng hạt, phá huỷ nhà thờ...
- Ai không tuân lệnh, bị đánh 50 trượng rồi tha về.
Tuyệt nhiên không có lệnh giết dân.
Và khi đọc những câu chuyện được ghi trong Đại Nam thực lục, ta thấy các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng luôn luôn nói với đình thần: dân chúng ngu muội, không biết gì, không cho chúng gần gụi cha cố, để khỏi bị ảnh hưởng xấu, v.v.
Ngay cả điểm: phá huỷ nhà thờ, trong dụ cấm đạo, đã được thi hành như thế nào?
Trong thư linh mục Deydier viết cho Giám mục Pallu ngày 1-8-1669: ông tỏ ý nghi ngờ việc phá nhà thờ, mà ông dùng chữ oratoire, tức là nhà nguyện. Ông cho rằng, không lẽ người có đạo lại đi phá nhà nguyện? Nhưng nếu họ không phá thì người ngoại đạo sẽ phá và làm tệ hơn. Vậy nếu họ phá thì họ phải giao lại cho quan nha các thứ đồ lễ, vì nếu giữ thì giữ ở đâu để không bị lộ (bị tố cáo và bị bắt)[23]?
Cho nên việc “phá nhà nguyện”, theo cha Deydier, cũng không chắc đã xảy ra. Còn việc giảng đạo và cử hành thánh lễ thì người ta vẫn tiếp tục làm, thay vì ban ngày, họ làm ban đêm từ 2 giờ đến 3-4 giờ sáng. Vì vậy khi Giám mục Lambert de la Motte đến Đàng Ngoài, tháng 10 năm 1669, mặc dù chúa Trịnh Tạc đã ban hai dụ cấm đạo: ngày 14-6-1669 và ngày 29-6-1669, nhưng Giám mục vẫn không gặp trở ngại.
Giám mục Lambert de la Motte đến Đàng Ngoài
Giám Mục Bérythe tức Pierre Lambert de la Motte, rời Paris ngày 18-6-1660, đáp tầu ở Marseille ngày 27-11-1660, đi Á châu, cùng với hai giáo sĩ Jacques de Bourges và François Deydier. [François Deydier sẽ là người đầu tiên vào được Thăng Long và xây dựng Giáo hội Đàng Ngoài, như ta đã thấy].
Sau hai năm hành trình, ngày 22-8-1662, ông tới Juthia, thủ đô nước Xiêm, trú ngụ trong vùng Việt kiều, được gọi là Trại người Việt (Camp des Cochinchinois). Ông viết thư tường trình về Roma (ngày 10-10-1662; 6-3-63 và 11-7-63) về tình trạng tồi tệ của giáo dân ở đây, và ông đã bị người Bồ (thương nhân và giáo sĩ) thù nghịch, gây trở ngại. Đến nỗi ông phải viết thư ngày 13-10-1663 cho Giáo hoàng xin từ chức, việc này chúng toi sẽ trở lại kỳ tới. Nhưng năm 1664, Giám mục Pallu đến Xiêm, bối cảnh sẽ thay đổi[24].
Giám mục Bérythe không vào được Đàng Trong ngay, cho nên ông phải cử Chevreuil làm Tổng đại diện và hành trình của Chevreuil vào Đàng Trong đã được kể lại trong chương 7.
Trong khi chờ đợi, Giám mục Beyrithe, đã xây dựng cơ sở ở Xiêm, là nước duy nhất trong vùng này không cấm đạo [có thể vì chủ trương cấm Nghi lễ của Vatican không dụng chạm đến hệ tư tưởng của Thái Lan].
Bảy năm sau khi tới Xiêm, Giám mục Bérythe mới tìm cách bí mật vào Thăng Long (1669-1670). Ông nhờ một thương gia Pháp tổ chức đưa ông đến Đàng Ngoài. Tầu đi vào cửa sông Hồng, ngược lên Phố Hiến (Hưng Yên). Ông trình diện hải quan như một nhà buôn Pháp đem tơ lụa vào bán, nên được tự do. Ông tổ chức thánh lễ trên tầu buôn đậu ở phố Hiến, cửa khẩu sầm uất nhất Đàng Ngoài.
- Tháng 1-1670, Giám mục làm lễ phong linh mục cho 7 thầy giảng lớn tuổi; nhiều thầy giảng trẻ và một số thầy giảng hạng nhì, được thăng lên hàng giáo phẩm[25].
- Ngày 14-2-1670, Giám mục triệu tập Công đồng (Synode) tức đại hội nghị tôn giáo đầu tiên ở Việt Nam, tại làng Đình Hiến, được gọi là Công đồng phố Hiến[26].
- Ngày 26-2-1670, Giám mục thành lập Dòng Mến Thánh Giá cho các nữ tu ở Kiên Lao[27].
Ba điểm mấu chốt này, mở rộng Giáo hội Công giáo Đàng Ngoài, tạo thanh thế cho Hội Thừa Sai trở thành cơ quan đầu não truyền đạo Gia-Tô, trong vùng tam giác châu thổ: Hưng Yên, Thái Bình Nam Định.
François Deydier đã tiên phong thành lập Hội Truyền giáo Bắc Kỳ trên vùng Nam Định, Thái Bình. Và có thể nói Giám mục Bérythe tức Lambert de la Motte đã thành công ở chỗ mà Giám mục Pallu thất bại. Và ông cũng sẽ thành công với nhiệm vụ ở Đàng Trong như ta sẽ thấy sau này.
Bảy vị linh mục người Việt đầu tiên
Bảyy thầy giảng người Việt đầu tiên được Giám mục Bérythe thụ phong linh mục tháng 1-1670, là:
Martin Mat [Mật?], 68 tuổi
Antoine Quế, 56 tuổi
Philippe Nhan [Nhân?] 52 tuổi
Simon Kiên, 60 tuổi
Jacques Chieu [Chiêu, Chiếu, Chiểu?] 46 tuổi
Léon Tru [Trú, Trụ], 46 tuổi
Vite Tri [Tri, Trí, Trị] 30 tuổi[28]
Linh mục Martin Mat [Mật?] là người lớn tuổi nhất và có công nhất trong việc xây dựng giáo hội ở Bắc.
Ông sinh khoảng 1602, trước là sư đạo Phật [prête des idoles], rửa tội năm 27 tuổi, làm thầy giảng tới năm 68 tuổi. Biết chữ Hán, thu phục nhiều con chiên, chính ông đã đào tạo hầu hết các thầy giảng ở đây. Ông được các giáo sĩ Dòng Tên hết sức tin cẩn, và khi họ bị rời khỏi Đàng Ngoài, năm 1662, đã ủy nhiệm ông làm cha Bề Trên, trông nom tất cả các thầy giảng ở Đàng Ngoài[29].
Hai giáo phận nổi tiếng nhất ở Bắc, là Bùi Chu, được thành lập năm 1659, và Phát Diệm, năm 1679. Ngày nay, ai đi qua vùng Nam Định, Thái Bình, sẽ thấy dấu vết của lực lượng công giáo hùng hậu nhất nước ta, thành lập từ thế kỷ XVII.
Mặc dù chúa Trịnh Tạc đã ra các dụ cấm đạo 1664 và 1669, việc truyền giáo vẫn được phát triển, và khi Giám mục Berythe tức Lambert de la Motte đến Đàng Ngoài, năm 1669, ông không sợ bị bắt. Dấu vết những nhà thờ lớn, nhỏ, rải rác trên khắp vùng Nam Định, Thái Bình càng không giải thích được chữ Persécution trải dài trong các sách viết về truyền giáo ở Việt Nam, từ trước đến nay, ngoại trừ đó chỉ là một danh từ xuyên tạc lịch sử.
(còn tiếp)
[1] Phan Huy Chú, Lễ Nghi Chí, Lịch Triều Hiến Chương loại chí, quyển XX, Tập Hai, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1992, trang 5.
[2] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, Quyển thượng, Tân Việt, Đại Nam chụp lại, trang 84.
[3] Charles Gosselin, L'Empire d'Annam (Đế quốc An Nam), Edition 1904, BnF chụp in lại, trang 48-49.
[4] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn 1972, Tủ sách Đường Mới chụp in lại, Paris, 1985, trang 41-42.
[5] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển II, Bộ Giáo Dục, 1971, trang 100.
[6] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hả Nội, 1977, trang 64.
[7] Theo Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ,1658-1717, Launay, trang10 và Nhật ký François Deydier, in trong sách này, từ trang 15 đến 35. Trích các trang 15, 26, 27.
[8] Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, Launay, trang 56 và 62.
[9] Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, trang 10, 14, 15, 16 và 396.
[10] Pallu viết trong hồi ký có 9 giáo sĩ. Wikipédia tiếng Pháp, bài Pierre Lambert de La Motte, chép là 10.
[11] Theo Hồi ký của Pallu, in trong Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, trang 7.
[12] Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, trang 1.
[13] Nguyên văn tiếng Pháp: “La Cochinchine, toute empourprée du sang des martyrs, ne diminue en rien sa fécondité. Le nombre des chrétiens y est fort grand. On y compte beaucoup d'églises […]
Et on doit espérer que bientôt tous ces royaumes changeront de face et qu'on va voir la religion fleurir en tous ces lieux, l'idolâtrie se détruire, les cultes diaboliques exterminés. L'Eglise et le Ciel s'enrichir des dépouilles de l'Enfer”, trích François Pallu, État sommaire des missions de la Chine et envoi de trois Évêques dans les nouvelles églises de cet empire (Mémoire de propagande composé vers 1660), Sơ lược tình trạng truyền giáo ở Trung Hoa và việc gửi ba Giám Mục đến ba giáo phận mới trong vùng (Tường trình truyền giáo, ghi khoảng 1660), in lại trong La geste française en Indochine của Georges Taboulet, quyển I, trang 25.
[14] Relat. Abr. des Miss. et des Voy. des Ev. franç. par Mess. Fr. Pallu (Ký sự rút ngắn về truyền giáo và du hành của các vị giám mục Pháp, của các ông François Pallu...) in trong Launay, Histoire de la Mission du Tonkin, documets historiques, 1658-1717 (Lịch sử truyền giáo ở Bắc Kỳ, tài liệu lịch sử, 1658-1717), trang 5.
[15] Tiền bằng bạc xưa, ở Âu châu.
[16] Hồi ký của Pallu, in trong Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, trang 6.
[17] Hồi ký của Pallu, in trong Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, trang 6-7.
[18] François Pallu, Etat sommaire des missions de la Chine et envoi de trois Evêques dans les nouvelles églises de cet empire (Mémoire de propagande composé vers 1660), Sơ lược tình trạng truyền giáo ở Trung Hoa và việc gửi ba Giám Mục đến ba giáo phận mới trong vùng (Tường trình truyền giáo, ghi khoảng 1660), in lại trong La geste française en Indochine của Georges Taboulet, quyển I, trang 25.)
[19] Trích Hồi ký của Pallu, in trong Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, của Launay, trang 6.
[20] Hồi ký của Pallu, in trong Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ,1658-1717, trang 7- 8.
[21] Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, Launay, trang 65.
[22] Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, Launay, trang 66.
[23] Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, trang 78-79.
[24] Theo bài Mgr Pierre Lambert de la Motte (1624-1679), công bố trên mạng Missions Étrangères de Paris ngày 10-3-2020, địa chỉ: https://missionsetrangeres.com/mgr-pierre-lambert-de-la-motte-1624-1679.
[25] Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ,1658-1717, trang 89-91.
[26] Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ,1658-1717, trang 91- 101.
[27] Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ,1658-1717, trang 101-105.
[28] Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ,1658-1717, trang 89.
[29] Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ,1658-1717, trang 90.