Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Kể chuyện một chuyến đò

Vũ Kim Hạnh

 

Tôi xem “Chuyến đò định mệnh” đến lần thứ hai vẫn ngại viết. Mà cứ để trong lòng, nghĩ mãi cũng không xong. Thôi thì, sau lần thứ hai “sang sông” cũng viết ra cho lòng bớt khắc khoải.

Tối hôm đó, vô thang máy, bà bạn nhà báo Hồng Hạnh Đào ghé tai tôi nói nhỏ: “Ngộ ha, kịch của hai ông tác giả miền Bắc, ông viết ông dựng, với nguyên dàn nghệ sĩ Nam Bộ diễn, lại thấy sâu và mượt quá heng?”.

Một phát hiện ngộ nghĩnh đó chứ? Hai tác giả, Nguyễn Huy Thiệp viết kịch bản và nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc đạo diễn thì quá lẫy lừng rồi. Tôi nói lại với bà bạn: “Mà chọn đúng dịp mừng “thôi nôi” mới là khác biệt nha. Mỗi lần đi coi, chạm thêm những điều mới, như mở thêm một “lai ơ” mới đang xếp chất chồng, cũng đáng công”.

 

CỨ QUA THÊM MỘT CHUYẾN, LẠI HIỂU SÂU THÊM VỀ THẾ SỰ

Chuyến đò qua con-sông-cuộc-đời đó, nếu không đặt tên là chuyến đò định mệnh thì chỉ có thể gọi là chuyến đò đời. 11 con người đại diện cho những giai cấp hay tầng lớp rất đa dạng như xã hội: nhà thơ, thầy giáo, thầy tu, lái đò, ăn cướp, thuế vụ (thu thuế mà cũng là nhà thầu và buôn đồ cổ?). Mà tất cả lại cũng có thể là những trạng thái, tâm tính nhiều mặt trong một con người, có khi đạo mạo như thầy giáo, có lúc tung tăng đang yêu, có khi rỗng không lo tu hành, có lúc bá đạo kiểu ăn cướp…

Như câu nói được nhắc nhiều lần, họ luôn "nhìn về phía trước" nhưng tất cả đều đeo mặt nạ. Tưởng chi tiết đeo mặt nạ nhằm tạo tính hợp lý cho tình huống người cha bắn nhầm con trai nhưng ẩn ý của tác giả chắc cao xa hơn thế, nhất là khi Nguyển Huy Thiệp chỉ cho duy nhất nhà sư được thay mặt nạ, mà thay những năm lần. Họ cùng nhau lên một chuyến đò từ bến đục bến mê sang bờ bên kia, bến trong, bến giác. Trên chuyến đò, bao chuyện sinh tử đạo-đời đã xảy ra.

Mỗi câu thơ, mỗi động tác kịch (không nhiều) là một triết lý về cuộc sống. Con người từ khởi nguyên vô minh đi qua cuộc sống vô thường vô ngã, tự tìm ra cách quán chiếu cho chính mình. “Mấy ai bỏ được công danh, mấy ai bỏ được lầu xanh trở về?”.

Bà Việt kiều ở xa về mới nhận ra được mùi cứt bò thúi chứ những người sống với “nó” lâu, không còn ngửi thấy mùi thúi nữa.

Ông thu thuế khen tỉnh Nam làm ăn sầm uất thuế thu được gấp mấy lần tỉnh Bắc và ông háo hức qua bờ bên kia đến trạm thu thuế chính nằm bên ấy, ở chợ Phù Vân.

Ông nhà thơ chiêm nghiệm nhiều triết lý ở đời với tâm hồn trong trẻo lạc quan.

Còn thầy giáo, quen giáo huấn, quen dạy dỗ, nặng tâm tư với những điều tức tối và bi quan nhất. Thằng ăn cướp cùng xuống đò là học trò cũ trường ông (thành tích buồn nhỉ?) rồi khi ông đọc thơ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, bài Cung oán ngâm khúc nổi danh mà đôi nam nữ yêu nhau trẻ trung nhất trên đò hồn nhiên thú thật là không biết đến tác giả và bài thơ. ông lại thốt lên nỗi buồn rất thế sự: “Bọn trẻ bây giờ, truyện tây tàu nó biết hết mà sử Việt thì nó không biết gì”. Lời ông trách bọn trẻ ngày nay lệch lạc hay ông thú nhận về nền giáo dục mà ông đại diện? Ở đây, Nguyễn Huy Thiệp viết một câu bình về sự ngu rất thấu: “Người thường bàn chuyện ngu xưa, mấy ai bàn chuyện bây giờ ngu hơn?”.

Kịch tính nhất là khi chiếc bình cổ rất quí của ông thuế vụ bỗng bị cô bé hiếu động, con của bà Việt kiều, nghịch ngơm, thọc tay vào bên trong bình. Cái miệng bình bỗng co lại, nghiến chặt khiến cô bé kêu thét đau đớn tìm mọi cách rút tay ra mà không được.

Và đây phải chăng là “lời ngầm” của Nguyễn Huy Thiệp: “Đừng đút tay vào lịch sử. Đụng vào nó là phúc tạp rắc rối đấy, không làm sao rút tay ra được đâu”.

Rồi trong một diễn biến kịch rất ý nghĩa, chính thằng ăn cướp có hành động của Phật tính, hắn đập vỡ chiếc bình quí để cứu cô bé.

Trong cơn điên vì tiếc của, ông thuế vụ giật cây súng trên tay người bảo vệ bóp cò. Chàng thanh niên nhào tới che cho người khác khỏi chết oan. Và kẻ ngộ sát nhận ra, khi chiếc mặt nạ tháo khỏi gương mặt chàng trai đang hấp hối. Ông ta ngã quỵ. Đó chính là con trai ông.

Hai cha con nói với nhau những lời cuối không thể đau đớn hơn. Con ơi. Sao con lại giành lấy cái chết. Cha làm tất cả của cải là để cho con. Cha ơi, cuộc sống của cha không phải là của con. Con không cần của cải của cha. Con chỉ muốn…

Bọn trẻ bây giờ vậy đó, hẳn ông thầy giáo nghiến răng nói thầm. Ông bố nói những lời cay đắng. Tất cả chúng ta đều sai lầm. Càng cố công thu vén, con cái càng ghét chúng ta.

Đời vô minh. Vô thường. Cái chết và lời cuối của đứa con chính là lời cảnh báo bộc nổ xé trời, đanh lạnh, dữ dội.

Rồi mọi người cũng xuống đò, qua sông. Chỉ có nhà sư không qua sông mà quay lại. Đoạn này thật sâu sắc. Tôi được may mắn trò chuyện với nghệ sĩ Hữu Châu về quyết định quay lưng của nhân vật gây nhiều tranh cãi khi thu talkshow 5W1H Podcast với anh tuần qua. Trong trạng thái rỗng không bên trong, nhân vật không thoại, chỉ niệm Nam mô, vì sao sau năm lần thay mặt nạ thì quyết định trở về bến mê?

 

THẬT QUÍ NHỮNG NHÓM KHÁN GIẢ… CHUYÊN NGHIỆP

Nhiều lần tôi nghĩ, khi đi xem Thiên Đăng, các nghệ sĩ của sân khấu này có thể xếp hàng đầu về nghệ thuật tương tác với khán giả, thật sắc sảo, nhẹ nhàng mà ngọt xớt như không và có khi một vở, xem nhiều lần là thấy nhiều “miếng” sáng tạo khác nhau khá thú vị.

Nhưng đến “Chuyến đò định mệnh” tôi thấy thêm, khán giả xem Thiên Đăng thật có trình và chuyên nghiệp. “Chuyến đò định mệnh” có ít những cú tương tác, và rất chắt lọc. Và khán giả phản ứng rất chừng mực mà đắt, trúng. Khi diễn viên nói “dùng hung khí sát sanh, kiếp sau bị cụt tay” hay “nhà sư có bằng cấp chưa” thì khán giả bật cười kiểu biết nói ai và rất… thông cảm. Diễn viên nói đến chữ “sao kê” hay “phông bạt” rất hợp cảnh thì có sự xôn xao hưởng ứng nhưng không quá cuồng nhiệt. Và buồn cười trong cảnh, nhà thơ, hai mươi năm sau về đến bến sông xưa, được cô lái đò nay đã hoa râm mời ông chén cháo. Khi nhà thơ gọi là đó chén cháo “quên” thì ngay sau lưng tôi, một nhóm khán giả trên trung niên xôn xao: “Này, có câu “Qua cầu Nại Hà, ăn cháo lú Mạnh bà” thế mà tác giả không biết câu ấy nhỉ?”, rồi họ thắc mắc bàn tán nho nhỏ hồi lâu. Khác với nhóm khán giả rất trẻ, ăn mặc rất mát mẻ bàn tán về chuyến đò (ngay cửa ra vào cuối buổi), thì có cô nói lớn, đó là chuyến đò Bát Nhã chứ chi?

Tôi ngạc nhiên với những nhóm khán giả rất “bội nghĩ” ấy. Chọn một vở “khó dựng, khó diễn, khó xem” để đón được nhiều nhóm khán giả thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau mà chừng như đều trân trọng đến xem, có khi xem đi xem lại và chịu ngẫm ngợi thế thì cũng gọi là hạnh phúc, phải không?

This image has an empty alt attribute; its file name is image-87.png

 

This image has an empty alt attribute; its file name is image-88.png

 

This image has an empty alt attribute; its file name is image-89.png

 

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh