Nguyễn Xuân Thọ
Cơn bão Yagi không những chỉ tạo ra những tổn thất về người và của, mà còn chỉ ra nhiều khuyết tật trong sinh hoạt xã hội. Từ những chuyện phê phán bóc mẽ nhau “Làm Màu”, “Phông Bạt”, “Diễn”, đến những bức ảnh được photoshoped, những bản sao kê người quyên góp vi phạm miền riêng tư hoặc những lời dạy bảo nhau mang nặng mùi đạo đức.
Tôi không tham gia vào tất cả những chuyện ong ve trên đây, mà chỉ muốn nói đến trách nhiệm của mỗi con người chúng ta trước thảm họa thiên nhiên. Bởi vì mưa bão, hồng thủy, động đất, núi lửa là các hiện tượng tự nhiên, chúng xảy ra từ khi con người chưa xuất hiện trên trái đất này và sẽ còn xảy ra mãi mãi.
Người cổ đại đã bắt đầu khai thác tài nguyên, rồi tạo ra chiến tranh và tàn phá trái đất. Nhưng sức tàn phá của họ không chạm nổi đến móng tay năng lực phục hồi của thiên nhiên. Từ khi công nghiệp hóa thì câu chuyện bắt đầu thay đổi và sau khi toàn cầu hóa đầu những năm 1990 thì sức phá hoại của con người tăng vọt. Lượng cây trồng mới mọc ra không còn bù lại lượng gỗ bị khai thác, lượng oxy do thiên nhiên tạo ra không bù lại được lượng carbon bị tung lên trời. Thiên nhiên không thể làm sạch được lượng nước nhiễm độc bị đổ ra sông, ra biển. Năm 2024 này người ta tính ra rằng đến ngày 30.07 thì loài người đã xài hết số tài nguyên cho phép. Năm 2023 mốc này còn nằm trong tháng Tám.
Như vậy có thể hiểu là trong sức tàn phá của cơn bão Yagi lần này có rất nhiều đóng góp của con người, chứ không thể nhơn nhơn nói rằng: Năm 1971 cũng lụt to như vậy mà hồi đó đâu đã công nghiệp hóa.
Lẽ ra phải nhận thức rằng:
Năm 1971 Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, rừng xanh vẫn phủ kín 45% diện tích Miền Bắc. Nhưng khi tai họa thiên nhiên xảy ra, nếu nước ta khi đó giàu mạnh hơn, hai miền không có chiến tranh với nhau thì thiệt hại về người và của sẽ giảm đi. (Cần phải nói thêm rằng năm 1971 xã hội dân sự ở Miền Nam có vận động quyên góp cứu trợ đồng bào Miền Bắc. Kết quả thế nào thì không rõ).
Còn ngày nay, cũng hiện tượng thiên nhiên đó, nhưng người ta thấy ngay vai trò của con người trong hoàn cảnh mới. Vụ sập cầu Phong Châu tuy chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân, nhưng đã có những cáo buộc về nạn hút cát, về những quy định tải trọng, bảo dưỡng cầu. Đó là việc nhãn tiền. Nhưng có những việc không phải ai cũng ý thức được.
Vài năm trước khi tôi kêu gọi quyên góp giúp bà con xã Cao Quảng trồng vườn rừng, không phải người thân, bạn bè nào cũng ủng hộ. [1]
Có nhiều người thân hờ hững, có bạn còn khuyên tôi không nên làm, có đại gia tìm các thoái thác. Khi thảm họa Yagi xảy ra, tôi thấy những người này mủi lòng. Đó là tình cảm chính đáng mà tôi rất trân trọng. Nhưng giá như chúng ta cùng nghĩ xa hơn chút.
Mưa lũ là tai họa khủng khiếp và sạt lở đất là hậu quả của mưa lũ. Ai cũng biết là cả lũ lụt và sạt lở đất đều liên quan đến phá rừng.
Việt Nam có diện tích là 330.000 km², tức là rộng 33 triệu hecta. Diện tích này được rừng phủ tới 60%. Công cuộc khai thác thực dân của Pháp đã đưa diện tích rừng Việt Nam sau 1945 còn khoảng 15 triệu ha (còn 43%). Theo Tổng cục Lâm nghiệp thì sau 30 năm chiến tranh, diện tích rừng năm 1975 chỉ còn 9,5 triệu ha. 14 năm hòa bình trong chế độ bao cấp đã thiêu hủy thêm 3 triệu ha, năm 1989 chỉ còn 6,5 triệu ha [2].
Từ khi đổi mới kinh tế, nhà nước giao đất rừng cho nông dân để xóa đói giảm nghèo và phủ xanh diện tích. Kết quả thật là ngoạn mục. Theo Vietnam Plus thì đến hết 2023, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, tức là lại đạt hơn 14 triệu ha, gần bằng trước chiến tranh. Con số này chính xác đến mức nào thì tôi không dám bình luận. Nhưng có một con số khiến tôi lo ngại. Đó là diện tích rừng trồng mới khoảng 4,7 triệu ha[3].
Theo tôi biết thì diện tích này được phủ bằng các loại cây công nghiệp mà trong đó chủ yếu là cây keo. Diện tích trồng cây keo trên toàn quốc là 2,5 triệu ha.[4]
Đây là một hiện tượng nguy hiểm. Tuy cây công nghiệp có thể giải quyết nhanh bài toán xóa đói giảm nghèo, tuy diện tích xanh mọc nhanh, người dân trước mắt có thu hoạch, chính quyền có thành tích, nhưng lâm nghiệp đơn canh gây vô vàn tác hại cho hệ sinh thái.
Trên đường từ Đồng Hới, qua Ba Đồn để lên Tuyên Hóa trên lưng chừng dãy Trường Sơn tôi chỉ thấy hai bên đường là rừng keo bạt ngàn. Lợi tức mang đến trước mắt đã khuyến khích nhiều nông dân đốt rừng tự nhiên để trồng keo. Hàng trăm hàng ngàn bài báo ca ngợi lợi ích của cây keo.
Nhưng rừng keo phủ đến đâu, đa dạng sinh học biến mất đến đó. Ai đã vào một khu rừng keo đều cảm thấy một không khí ngột ngạt và nóng bức. Tại sao thì tôi không giải thích được. Lá cây keo rụng xuống đất, không cây cỏ dại nào mọc nổi. Rừng keo chỉ có một tầng và tầng rất cao nên không án sánh nào lọt xuống đất. Thảm thực vật biến mất. Và nếu chúng không tự nhiên biến mất thì sau mỗi vụ thu hoạch, người ta đốt rừng để phá rễ cây keo thì không sinh vật nào sống nổi.
Chim, ong, bướm, côn trùng bỏ đi, đất bị xói mòn, bị bạc màu. Cây keo gây nhiều tác hại cho môi trường:
- Không có thảm thực vật đi kèm, đất bị xói mòn. Khi mưa to gây lở đất, sụt đất.
- Không có thảm thực vật, đất không giữ nước, gây lũ lụt mùa mưa, hạn hán mùa khô.
- Để khai thác gỗ keo, người ta phải làm các con đường cho xe tải lên núi, tạo ra các vụ sạt lở do con người.
- Không phải là cây bản địa nên cây keo dễ bị sâu bệnh tấn công và ở những nơi bị bệnh nặng thì vẫn phải dùng thuốc trừ sâu.
- Đã không chống được lũ lụt, hạn hán, nhưng nguồn nước từ hàng triệu ha rừng keo đổ vào các con sông có nhứng nơi vẫn chứa hóa chất từ phân Nitơ và thuốc trừ sâu. So với rừng tự nhiên thì nguồn nước vẫn bị ô nhiễm.
Chỉ có một số ít nông dân hiểu được những nguy hiểm tiềm tàng của việc trồng keo cũng như trồng rừng đơn canh. Họ đã dũng cảm lội ngược dòng. Họ trồng vườn rừng bằng các loại cây bản địa. Đó là những loại cây đã được khoa học nông nghiệp xác minh là hợp với thổ nhưỡng địa phương. Chúng sẽ không bị sâu bệnh phá hoại và tự sống bằng dinh dưỡng của đất địa phương. Bên cạnh rừng tự nhiên được giao quản lý, họ trồng vườn rừng vì vườn sẽ cho lợi tức để sống hàng ngày. Nhưng nếu chỉ là vườn thì sẽ không đủ đa dạng sinh học để bảo vệ đất đai nên họ làm vườn rừng. Trong đó có hàng trăm loại cây, với đủ các độ cao khác nhau, từ cây cỏ, cây thuốc, cây ăn quả, cây lấy lá, cây lấy gỗ, v.v. và v.v.
Tuy nhiên vì không được công nghiệp bao tiêu và cung cấp giống cây như keo nên họ vất vả hơn bà con khác. Lội ngược dòng là vậy.
Và chúng tôi đã nhảy vào giúp đỡ họ, bằng cả công sức và tiền bạc. Công sức của những người nông dân trong cộng đồng nhỏ bé này vẫn chưa làm cho dòng sông Nan bớt hung dữ trong mùa lụt, chưa làm cho nước của nó bớt đi chất độc, vì trong số hàng trăm hộ của Cao Quảng chỉ có 5-6 hộ đi theo con đường này.
Muối bỏ bể.
Thế giới đang bắt giới công nghiệp trả tiền khí thải vào một quỹ môi trường. Số tiền đó sẽ chi cho các dự án trồng rừng ở các nước nông nghiệp. Việt Nam nằm trong danh sách được nhận tiền, có thể hàng chục tỷ USD. Nhưng diện tích trồng rừng công nghiệp đơn canh sẽ không được công nhận vì chúng hủy hoại đa dạng sinh học.
Trồng vườn rừng là một giải pháp. Và nó còn giúp giảm bớt sức phá hoại của những cơn bão như Yagi.
---
[1] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/6625478030803547
[2] http://www.tongcuclamnghiep.gov.vn/.../tai-nguyen-rung...
[3] https://www.vietnamplus.vn/cong-bo-hien-trang-rung-2023...
[4} http://goviet.org.vn/.../nguon-cung-go-keo-nguyen-lieu...
Vườn ươm 300m² cho đến nay đã cung cấp hai vạn cây giống.
Mật ong Cao Quảng lấy từ các đàn ong rừng được bà con nuôi dưỡng. Mật ong của anh Nguyễn Sự.
Trồng cây bản địa những ngày đầu tiên năm 2020
Vườn ươm được che mái để tránh nắng và mưa nguồn.