Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Việt Nam – Huyền thoại và thực tế (kỳ 8)

Jörg WischermannGerhard Will (chủ biên) Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung) Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản. clip_image002[4]
Jörg Wischermann

Chương 8„Ở Việt Nam không tồn tại xã hội dân sự (thật sự)!“ – Bàn về một huyền thoại mang tính chính trị và khoa học

Cho dù khó nhìn thấy, nó vẫn có thể ở đâu đây …

Năm 1997, tại Thành phố Hồ Chí Minh, lúc tôi gặp anh Phạm Đình Thái – Giám đốc của „Social Development Research and Consultancy (SDRC)“ – trung tâm nghiên cứu và huấn luyện của nam nữ công nhân viên hoạt động xã hội,1 anh chào tôi trước tòa nhà bằng những lời như sau:“Tất cả những gì anh thấy ở đây“, anh chỉ vào mình và vào ngôi nhà mảnh mai cao nhiều tầng phía sau lưng anh, “đều không có thực: Cả tôi lẫn cơ sở của chúng tôi cùng tất cả mười cộng tác viên nam nữ ở đó!“ Dù anh cười vui vẻ, nhưng những gì anh vừa nói đã đánh trúng vào trọng tâm của vấn đề: Đối với Nhà nước Việt Nam, những cơ quan phi chính phủ như thế từ năm 1989 không tồn tại. Năm 1995 họ đã làm đơn xin được công nhận làm “Research and Training Center (Trung tâm nghiên cứu và huấn luyện)“ nộp cho cơ quan có thẩm quyền. Cho đến khi đơn xin được duyệt và chấp nhận vào năm 2001, Nhà nước Việt Nam không công nhận sự tồn tại của nhóm các thanh niên nam nữ hoạt động nhiệt tình và người cố vấn của „Trung tâm“ đó, người phụ nữ cao lớn và đứng tuổi làm công tác xã hội ở Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Oanh. Cũng như xã hội dân sự và các nhóm xã hội dân sự đều không được nhà nước công nhận vậy. Do đó, các tổ chức hợp tác phát triển (EZ) của CHLB Đức không thể hỗ trợ “SDRC“, ấy là chưa nói rằng vào thời gian đó, những cơ quan này chưa được (hay chưa được khôi phục) hoạt động tại Miền Nam Việt Nam.

Song, với các nhà khoa học chính trị học danh tiếng như Carl Thayer và một số nhà dân tộc học khác như Oskar Salemink và John Kleinen, sự tồn tại của một tổ chức như „SDRC“ chưa phải là biểu hiện mang tính tổ chức của một xã hội dân sự Việt Nam. Đối với họ, cũng như đối với nhiều nhà khoa học khác, ở Việt Nam không có xã hội dân sự (thật sự và/hoặc mang tính chính trị) hoặc cùng lắm, chỉ mới có dấu hiệu yếu ớt cho thấy sự hình thành một xã hội như thế. Bởi vậy, đối với họ, ở Việt Nam cũng không có các tổ chức xã hội dân sự (Civil Society Organizations, CSOs) hoặc cùng lắm chỉ một vài tổ chức đáng được gọi như thế mà thôi. Sở dĩ như vậy là vì, đối với Thayer, Salemink cũng như nhiều nhà khoa học khác, trong một chế độ chuyên chế về chính trị như ở Việt Nam – theo cách hiểu của họ về xã hội dân sự và theo định nghĩa của họ về một chế độ chuyên chế thì không thể có cả xã hội dân sự lẫn một tổ hợp đa dạng của các tổ chức xã hội dân sự được. Cùng lắm mới chỉ là sự manh nha của cả hai mặt đó mà thôi.

Dưới đây chúng tôi sẽ mô tả và phân tích huyền thoại mang tính khoa học và chính trị cho rằng „Ở Việt Nam không tồn tại xã hội dân sự (thật sự)“. Qua đó chúng tôi sẽ làm sáng tỏ quan điểm của các nhà khoa học, các quan chức nhà nước cũng như của các nhà hoạt động xã hội ở cấp địa phương. Để làm việc này, trước hết chúng tôi sẽ cung cấp một số thông tin cơ sở cần thiết về hệ thống chính trị ở Việt Nam cũng như về các bước phát triển chính trị mới đây. Sau đó, chúng tôi sẽ đề cập tới các vai trò khác nhau mà huyền thoại này đã đóng với ba nhóm nói trên, đồng thời sẽ nghiên cứu xem nó đã hoàn thành các chức năng nào đối với thực tiễn của Việt Nam trong 40 năm trở lại đây. Sau cùng, chúng tôi sẽ đánh giá việc huyền thoại đó đã phát huy chức năng của nó tốt xấu ra sao đối với Nhà nước Việt Nam, với các nhà khoa học quốc tế và quốc gia cũng với các nhà hoạt động xã hội của Việt Nam.

Huyền thoại mang tính chính trị và khoa học
Về bối cảnh chung

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất nắm quyền từ khi thống nhất đất nước vào các năm 1975/76 đến nay. Đảng không chấp nhận phe đối lập. Cứ theo quốc hiệu mà xét thì Việt Nam là một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Bằng chứng cho Chủ nghĩa xã hội là “định hướng xã hội chủ nghĩa“, mà người ta vẫn muốn gắn cho nền kinh tế và các xí nghiệp của nhà nước – như được qui định trong Hiến pháp 2013 – một định hướng cho đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng và, đôi khi, chủ đạo trong nền kinh tế. Bằng chứng thứ hai cho định hướng xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc mác-xit lê-nin-nít về nền dân chủ tập trung2, một nguyên tắc được ghi vào Hiến pháp 2013 và cũng là nguyên tắc hoạt động chủ đạo của Nhà nước và Đảng Cộng Sản. Các chính sách „Đổi mới“ chỉ được áp dụng một cách giới hạn đối với nền kinh tế. Về mặt chính trị, cho đến nay chưa hề diễn ra sự đổi mới cơ bản nào.

Một hệ thống chính trị tuân theo các nguyên tắc mác-xít lê-nin-nít như thế và, về lâu về dài, hướng tới sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế, thoạt tiên, không phải là nơi thuận lợi lắm cho sự hình thành và phát triển của các tổ chức xã hội khác nhau. Tuy nhiên, ngay từ đầu những năm 1990 chúng ta vẫn có thể quan sát thấy nhiều hoạt động sôi nổi nhằm thành lập và mở rộng hoạt động của các tổ chức xã hội khác nhau.3 Về mặt này, sự phát triển ở miền Nam đã đi trước miền Bắc khoảng hai ba năm (xem Hình 1).4

clip_image002

© Jörg Wischermann 2002

Vì ở Việt Nam chính thức không có xã hội dân sự và do đó cũng không có các CSO, cho nên các đại diện Đảng và Chính phủ cũng như các chuyên gia thống kê của nhà nước thường sử dụng khái niệm „Hiệp hội“. Theo các con số chính thức được công bố gần đây nhất vào tháng 12 năm 2014, số các hiệp hội này là 52.565 hội. Trong đó có 483 hiệp hội hoạt động xuyên địa phương và trên toàn quốc, 8.792 hiệp hội, phần lớn – tuy không phải tuyệt đối – là các hiệp hội ngành nghề (ví dụ như Hội Luật gia hay Hội Chuyên viên kinh tế) cũng như các hiệp hội được Nhà nước coi là „đặc biệt“ (ví dụ như “Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (VUSTA)“.5 Con số chính thức với hơn 52.000 „Hiệp hội“ nói trên không bao hàm các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức nông dân (“Farmers‘ Organizations“), “Community-based Organizations“ – tổ chức cộng đồng (CBO) cũng như các tổ chức và cơ sở tôn giáo nhằm hỗ trợ người nghèo. Kể thêm cả các tổ chức này, con số các tổ chức xã hội có thể sẽ lên đến hơn 100.000, nếu không phải là nhiều hơn nữa.

Theo các nhà khoa học Việt Nam như Bùi Hải Thiêm, gần đây Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã chịu thừa nhận sự tồn tại của tất cả những tổ chức xã hội như thế và do đó cũng mặc nhiên cho phép sự tồn tại của các NGO và CBO. Sự mặc nhiên cho phép bao hàm thậm chí cả việc thừa nhận vai trò hữu ích của một số “hiệp hội” này. Chẳng hạn các NGO làm dịch vụ trong phạm vi hoạt động xã hội cũng được hoan nghênh ở chừng mực nào đó, vì trong lĩnh vực này, các đóng góp của nhà nước suy giảm đáng kể từ những năm 1990 về sau. Ở đây người ta dùng đến khái niệm “xã hội hóa”, nhưng khái niệm đó không có nghĩa là phương tiện sản xuất bị quốc hữu hóa và (về mặt lý thuyết) chuyển sang sở hữu toàn dân (như vẫn được hiểu vào những năm 1970, khi tiến hành quốc hữu hóa thương nghiệp). Khái niệm này hiện nay được hiểu là Nhà nước không còn chịu trách nhiệm về một số lĩnh vực lợi ích dân sinh nữa, mà toàn xã hội tự gánh vác. Hoặc các “hiệp hội” khác nhau đó được mặc nhiên thừa nhận vì chúng có thể được dùng làm công cụ “kiểm soát xã hội”.6 Đó là các tổ chức kinh tế kiểu như Hiệp hội của giới chuyên về lợi ích của giới công nghiệp nhỏ và vừa. Ở Việt Nam, một tổ chức như thế là “Liên kết Doanh nhân Việt Nam -VCCI”. Gần đây, Hội này cũng như đại diện riêng lẻ được thu nạp (một cách hình thức) thông qua bầu cử.7 Với các tổ chức và cá nhân tỏ ra không thích ứng với bối cảnh chính trị thì cơ quan an ninh và tòa án lập tức ra tay.

Hơn 100.000 tổ chức xã hội tồn tại trong một hệ thống chính trị mà các nhà chính trị học cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác đều nhất trí đánh giá là hệ thống chuyên chế độc quyền. Việc định nghĩa một hệ thống chính trị như thế nào cũng như liệu tổ hợp của các “hiệp hội” có thể, hay cần thiết phải được xem là xã hội dân sự hay không, và liệu các tổ chức riêng lẻ có thể hay cần thiết phải được đánh giá là tổ chức xã hội dân sự hay không, là một vấn đề mang tính chính trị đối với nhà cầm quyền, nhưng với nhiều nhà khoa học, đó vẫn là vấn đề mang tính khoa học. Ngoài ra, đó còn là khởi nguồn tạo nên huyền thoại mang tính khoa học và chính trị. Huyền thoại đó cho rằng ở Việt Nam không tồn tại xã hội dân sự (thật sự).

Khía cạnh khoa học của huyền thoại nói trên

Đối với nhà chính trị học Carl Thayer, đây là trường hợp rất rõ ràng. Trong một bài viết xuất bản năm 2009 và được trích dẫn nhiều, ông xác định một cách ngắn gọn và dứt khoát rằng các tổ chức xã hội ở Việt Nam và nhất là các tổ chức phi chính phủ địa phương, đều phải được xem, một phần, là các tổ chức phi chính trị, một phần khác, chỉ là “sự vươn ra, nếu không phải là tay chân của Nhà nước” mà thôi.8 Ông cho rằng ở Việt Nam là một thứ “mono-organizational socialism (chủ nghĩa xã hội độc quyền về tổ chức)” (Rigby). Với quan điểm đó, ông hàm ý rằng ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính trị do một tổ chức chính trị hoàn toàn khống chế. Và, một hệ thống như thế không dung hòa được với việc chấp nhận một xã hội dân sự cùng với sự tồn tại của các tổ chức xã hội dân sự trên đất nước mình.9 Gần đây, Thayer có giảm nhẹ đánh giá của ông, song, về căn bản ông vẫn giữ quan điểm nói trên.10

clip_image004 Sự phản đối mang tính xã hội dân sự: Cuộc biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh chống dự luật cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được ưu tiên sử dụng đất đai trong các đặc khu kinh tế, tháng 6 năm 2018. © Kao Nguyen/AFP/Getty Images

Nhà dân tộc học Oscar Saleminsk mà Thayer nhiều lần trích dẫn cũng rất rành mạch trong cách đánh giá của mình:

“Ở Việt Nam, ‘xã hội dân sự‘ rõ ràng là bộ phận của một chương trình nước ngoài và liên hệ chặt chẽ với việc phân phát viện trợ phát triển. Ở đó không tồn tại một ‘khu vực‘ xã hội dân sự ở cấp địa phương, một khu vực độc lập hay ít nhất không nằm dưới sự giám sát của Nhà nước … và Đảng (Đảng cũng là cơ quan giám sát “Mặt trận Tổ quốc).”11

Xuất phát từ quan điểm dân tộc học, John Kleinen cũng đánh giá rằng, mặc dù việc áp dụng khái niệm xã hội dân sự ở Việt Nam trong khuôn khổ công tác hợp tác phát triển đã tạo nên các hoạt động sinh động của các “hiệp hội”, đặc biệt là ở cấp xã hội cơ sở, thế nhưng một kiểu hiệp hội như thế “không phải bao giờ cũng có thể đánh đồng hay sánh cùng với những gì mà trong các xã hội phương Tây được xem là Hội hay Liên hiệp hội được”.12 Và, các hoạt động xã hội kiểu như thế càng không thể xếp ngang hàng với sự tồn tại của xã hội dân sự kiểu phương Tây.

Các nhận định trên đây đều bao hàm hai giả định, hoặc ở dạng tàng ẩn, hoặc ở dạng hiển nhiên: Một mặt chúng liên quan đến “chủ nghĩa chuyên chế” và mặt khác, đến cách hiểu xã hội dân sự là thế nào. Người ta vẫn thường đặt chủ nghĩa chuyên chế đối lập một cách rạch ròi với xã hội dân sự. Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày các luận cứ cho thấy rằng, do tuân theo các kết quả của những định nghĩa nhất định người ta sẽ buộc phải đi đến chỗ thừa nhận rằng chủ nghĩa chuyên chế và xã hội dân sự phải là hai địch thủ không đội trời chung và hoàn toàn không dung hòa nhau. Song, nếu ta tuân theo quan điểm đó, thì thực tiễn – vì lợi ích của các (tiền) giả định lý thuyết – sẽ tuột khỏi tầm mắt chúng ta. Ấy là chưa kể các giả định lý thuyết, tự thân chúng, cũng còn mâu thuẫn trong nội tại nữa.

Về khái niệm chủ nghĩa chuyên chế

Cả Thayer lẫn Salemik đều sử dụng một khái niệm về chủ nghĩa chuyên chế tương ứng với khái niệm về chủ nghĩa toàn trị. Người ta cũng có thể nói, họ đã lẫn lộn chủ nghĩa chuyên chế với chủ nghĩa toàn trị và san bằng các khác biệt quan trọng giữa hai hình thức cai trị chính trị này.

Cho đến nay, bộ môn khoa học nghiên cứu chủ nghĩa chuyên chế vẫn chưa đưa ra được một khái niệm căn bản nào được mọi bên chấp nhận một cách rộng rãi. Về cơ bản, các nhà nghiên cứu chỉ mới thống nhất nhau ở một điểm là, trong một chế độ chính trị chuyên chế thì không có bầu cử tự do. Nếu không muốn thừa nhận một định nghĩa ít căn bản như thế (vì nó chỉ cho thấy, cái gì không phải là chủ nghĩa chuyên chế) thì người ta có thể vận dụng một định nghĩa ít nhiều lâu đời hơn nhưng vẫn còn được sử dụng nhiều của Juan Linz. Định nghĩa này xác định rõ sự khác nhau giữa chủ nghĩa toàn trị (ví dụ như chủ nghĩa quốc gia xã hội chủ nghĩa) và chủ nghĩa chuyên chế (như chế độ hiện đang tồn tại ở Việt Nam) ở chỗ, chủ nghĩa chuyên chế – trái ngược với chủ nghĩa toàn trị – vẫn chấp nhận một hình thức hạn chế của chủ nghĩa đa nguyên (“limited, not responsible political pluralism“ – chủ nghĩa đa nguyên chính trị hạn chế, không chuyên quyền) và do đó, ở mức độ nhất định, cũng chấp nhận một không gian hoạt động cho các tổ chức xã hội.13 Tức là, chủ nghĩa đa nguyên hạn chế là nét đặc trung của chủ nghĩa chuyên chế.14 Song, nhược điểm của định nghĩa Linz là ở chỗ nó rất khó áp dụng cho các nghiên cứu mang tính thực tiễn.

Ngược lại, định nghĩa do Rigby đưa ra vào những năm 1980 và được Thayer vận dụng lại tập trung vào nền chuyên chế độc đảng và không tính đến những không gian như thế. Song, chính chúng lại quan trọng đối với sự sống còn của các chế độ chuyên chế. Khắp nơi trên thế giới, các chế độ chuyên chế đều sử dụng những khoảng không gian như vậy, chẳng hạn tổ chức bầu cử (mặc dù đó là những cuộc bầu cử không tự do và không công bằng, và chỉ được được tổ chức trong các điều kiện thuận lợi cho đảng cầm quyền), hay tiến hành các cải tổ cơ cấu – như ở Việt Nam – hoặc thực hiện việc hợp tác một cách hình thức với những người phê phán chế độ trong khuôn khổ của cơ cấu hiện hành. Các biện pháp này tạo cho các chế độ chuyên chế một sự bền vững nhất định. Ở Việt Nam, bên cạnh các biện pháp như thế, sự tăng trưởng kinh tế liên tục cũng còn là một hậu thuẫn và nguồn gốc quan trọng cho tính chính danh của chế độ.

Nhưng Thayer, Salemik và các nhà khoa học khác đã bỏ sót không những chỉ sự khác biệt giữa chủ nghĩa toàn trị và chủ nghĩa chuyên chế mà thôi; điều nghiêm trọng hơn có lẽ nằm ở chỗ họ đã che khuất một sự thật khác là: Ngay trong các nền dân chủ và các tổ chức dân chủ cũng tồn tại chủ nghĩa chuyên chế. Stenner là người đặc biệt nhấn mạnh điều này.15 Nếu tiếp tục phát triển ý nghĩ về tính tương hợp giữa chủ nghĩa chuyên chế và nền dân chủ, thì, về mặt này, người ta sẽ phải chỉ ra rằng, không phải tất cả các tổ chức xã hội thuộc nhiều hình thái khác nhau đều là “các trường học cho nền dân chủ”. Nhà sử học người Pháp Alexis de Tocqueville xưa kia đã từng phát biểu như thế về một kết quả nghiên cứu nền dân chủ Mĩ và ý nghĩa của các “hiệp hội” (cách ông đặt tên) do ông tiến hành.16 Nói cho đúng hơn, người ta có thể chắc chắn rằng trong nhiều tổ chức xã hội, kể cả trong các nền dân chủ lẫn nền chuyên chế, vẫn thường có sự lãnh đạo theo phong cách độc đoán, và các hiệu ứng học hỏi mang tính dân chủ nảy sinh từ sự hợp sức vào việc thống nhất ý chí bên trong tổ chức cũng không thường xuyên xảy ra như Tocqueville vẫn tưởng. Các cân nhắc lý thuyết cũng phản bác lại phỏng đoán cho rằng các tổ chức xã hội và các hoạt động bên trong đó, bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào cũng dẫn tới các hiệu ứng dân chủ khác nhau.17

Về khái niệm xã hội dân sự

Như vậy, có nghĩa là không có có sự đối lập nghiêm ngặt giữa chủ nghĩa chuyên chế với sự tồn tại của vô số các hiệp hội, cũng như không có sự đối lập nào giữa chủ nghĩa chuyên chế với nền dân chủ. Các tác giả như Thayer, hoặc mặc nhiên, hoặc hiển nhiên, đều cho rằng những sự đối lập đó là đương nhiên. Tương tự như vậy, các tác giả nói trên cũng như nhiều tác giả khác (chẳng hạn như Diamond) – là những người vận dụng khái niệm xã hội dân sự – cũng đều giả định rằng giữa xã hội dân sự và các chế độ chuyên chế tồn tại mối cừu địch một sống một còn. Nếu ta xem xét một trong những định nghĩa được sử dụng nhiều nhất về xã hội dân sự, cụ thể là định nghĩa của Larry Diamond, thì ta có thể nhanh chóng xác định được rằng, lâu đài lý thuyết mang tên xã hội dân sự được xây dựng trên định nghĩa đó đã được dựng trên nền móng không bền vững. Ngay cả định nghĩa của Diamond cũng ít thích hợp để củng cố cho loại các tiền đề quan trọng như thế về tính xung khắc của xã hội dân sự với các chế độ chuyên chế. Tiếp theo, người ta cũng sẽ nhanh chóng đi đến kết luận, rằng khái niệm do Thayer, Salemik và nhiều người khác áp dụng đối với xã hội dân sự – không phải chỉ do các thiếu sót về lý thuyết của nó mà thôi – cũng là khái niệm ít thích hợp cho việc nghiên cứu các hình thức, các vai trò cũng như ý nghĩa của các xã hội dân sự trong chế độ chuyên chế.

Diamond định nghĩa xã hội dân sự là một lĩnh vực độc lập nằm giữa Nhà nước, nền kinh tế và gia đình, một lĩnh vực do những nam nữ công dân độc lập, tự nguyện làm chủ (CSO). Những công dân này cùng tuân theo khuôn mẫu chuẩn, thừa nhận về nguyên tắc tính chất phi bạo lực và sự bao dung về phương diện thế giới quan, tôn giáo và chính trị.18 Theo cách hiểu như thế về xã hội dân sự thì các CSO có các chức năng bảo vệ, môi giới trung gian, xã hội hóa, cộng đồng hóa và giao tiếp. Đặc biệt là khi đối diện với một nhà nước chuyên chế, các CSO này đóng vai trò của một đối trọng độc lập và trong vai trò của một thành lũy dân chủ, các CSO hướng tới việc hạn chế quyền lực của nhà nước đó. Dưới đây, chúng tôi sẽ gọi cách hình dung như thế về xã hội dân sự là “mô hình lĩnh vực”.

Một khái niệm như thế về xã hội dân sự, tự nó, đã mâu thuẫn. Khái niệm này giả định những ranh giới có thể được phân định rõ ràng giữa Nhà nước và xã hội dân sự, đồng thời nó cũng đòi hỏi sự tách rời nhau và sự độc lập hoàn toàn nhau về nguyên tắc của xã hội dân sự đối với Nhà nước và nền kinh tế. Nếu sự tự trị đó không được bảo đảm, thì xã hội dân sự không thể hoàn thành các nhiệm vụ của mình, như nhiệm vụ đóng góp cho quá trình dân chủ hóa chẳng hạn. Song, thậm chí cả Diamond cũng rào đón trước rằng những đường ranh giới như thế, do các lý do mang tính lý thuyết lẫn thực tiễn, không phải bao giờ cũng vạch ra được.19

Menge và Perinova còn chỉ ra thêm nữa rằng, một khái niệm như thế về xã hội dân sự đã quyết định – ngay từ đầu và dựa trên những tiền đề riêng mang tính chuẩn mực chặt chẽ (ở đây chỉ kể ra hai tiền đề thường được nhắc đến nhất là: sự khoan dung về thế giới quan, chính trị và tôn giáo cũng như bất bạo động) – xem tổ chức nào là dân sự, tổ chức nào không.20 Những người ủng hộ quan điểm này lập luận rằng, điều đó là cần thiết, bởi nếu không, chẳng hạn, người ta cũng sẽ phải xếp các tổ chức những người sùng đạo, các nhóm hằn thù hoặc các tổ chức tự trị chủ trương bạo lực vào số các xã hội dân sự. Song, vì sao lại không nên làm như thế, nhiều nhà khoa học khác, ví dụ như Hadiz21, đã phản bác họ. Ông đã quan sát các bộ phận mang thiên hướng tôn giáo, ít khoan dung của xã hội dân sự ở Indonesia, những bộ phận thường tuyên bố khước từ, nếu không nói là căm hận, đối với những người khác tôn giáo hay “khác loài”. Hadiz và các nhà khoa học khác ủng hộ việc sử dụng một khái niệm về xã hội dân sự rộng mở hơn về mặt lý thuyết và thích hợp hơn với kinh nghiệm thực tế. Về mặt này người ta cũng cần nhớ tới các nghiên cứu về lịch sử hình thành xã hội dân sự, những nghiên cứu đã cho thấy rằng, ở châu Âu, các xã hội dân sự cũng bắt đầu từ cuộc đấu tranh chống lại sự cô lập về mặt xã hội cũng như từ các xung đột xung quanh vấn đề sử dụng bạo lực mà thành. Ở châu Âu, các tổ chức và xã hội dân sự vốn cũng không luôn luôn và thường xuyên khoan dung, phi bạo lực và bao trùm toàn xã hội, và hiện nay, chúng vẫn không như thế.22

Một số giá trị riêng lẻ, mà trước hết là những thứ được gọi là giá trị phương Tây, là những giá trị thường giữ vai trò khống chế trong các phân tích dựa trên các tiền đề chuẩn mực – kiểu như sự khoan dung và phi bạo lực – cũng như lấy mức độ tuân thủ các chuẩn mực đạo đức đó làm tiêu chuẩn đánh giá. Do đó, cũng là một hệ quả hợp lô-gic của các tiền đề đó thôi, khi nhiều xã hội dân sự – không những chỉ ở những vùng nằm ngoài châu Âu – được xem là “kém phát triển” (Norlund, khi bàn về Việt Nam)23, “chưa phát triển” hay đơn giản là “không tồn tại” (như Thayer nêu Việt Nam làm thí dụ).24 Song, các xã hội dân sự đó cũng chỉ “kém phát triển”, khi người ta cho rằng các xã hội dân sự – luôn luôn, ở mọi nơi, cũng như với mức độ tối cao – phải bao trùm toàn xã hội, khoan dung về nhiều mặt và ngoài ra, còn phải phi bạo lực nữa – là những đặc tính mà trong quá khứ, nhiều xã hội dân sự châu Âu, trên thực tế, vốn không có và, cả ngày nay, cũng chưa có. Tất cả những xã hội dân sự đó, đương nhiên, cũng sẽ không được nhận “con dấu chứng thực chất lượng” kia, hoặc phải bị xem là “kém phát triển”.

Một nhược điểm tiếp theo của “mô hình lĩnh vực” nằm ở chỗ, trong mô hình đó, người ta không tính đến một sự thật là giữa xã hội dân sự, Nhà nước và nền kinh tế có thể có nhiều dạng quan hệ khác nhau, và trên thực tế, quả đã có các mối quan hệ đó. Các mối quan hệ này trải rộng từ sự đối đầu đến sự tán đồng chế độ chính trị đương thời cũng như từ sự chấp nhận, cho đến sự phê phán về căn bản, cơ cấu hiện hữu trong nền kinh tế. Bàn về sự độc lập giả định giữa xã hội dân sự và nền kinh tế, John Keane đã có lần bình luận đầy mỉa mai rằng, người ta nên thử tưởng tượng xem sự độc lập đó trong thực tế sẽ ra sao, và đi đến kết luận, với sự phân chia chặt chẽ hai “lĩnh vực” đó với nhau thì cả xẫ hội dân sự lẫn nền kinh tế đều chỉ sống sót được chừng năm phút25

Khi xem xét các mâu thuẫn nội tại của khái niệm xã hội dân sự này, rốt cuộc, người ta cần lưu ý rằng, tuân theo khái niệm đó, các xã hội dân sự chỉ có thể tồn tại trong các xã hội dân chủ mà thôi, song, ngay ở đó, chúng cũng chỉ tồn tại trong những điều kiện tiên quyết nhất định. “Nghịch lý xã hội dân sự (civil society paradox)” của nhà triết học Mĩ Walzer đã khái quát sự phê phán đó như sau: Về nguyên tắc, một xã hội dân sự dân chủ đòi hỏi một nhà nước dân chủ và một nhà nước dân chủ lại đòi hỏi một xã hội dân sự vững chắc làm nền tảng.

Như vậy, các tiền đề của những định nghĩa p26hổ biết nhất về xã hội dân sự là hết sức đáng ngờ. Các định nghĩa xã hội dân sự trong khuôn khổ “mô hình lĩnh vực” đều ẩn chứa những nhược điểm lý thuyết lẫn thực tiễn, đồng thời, rốt cuộc chúng đều bộc lộ một lối tư duy mang tính mục đích luận (bởi cả xã hội dân sự lẫn các CSO chỉ được xem duy nhất là một lực lượng dân chủ thôi).

Gần đây, các lựa chọn lý thuyết khác với “mô hình lĩnh vực” về xã hội dân sự đã được đề xuất và chúng cũng đã được áp dụng vào thực tiễn. Các tác giả Hannah (2006), Wells-Dang (2011), Wischermann (2010, 2011), Bùi Hải Thiêm (2015) và Wischermann (2016) đã công bố các công trình nghiên cứu liên quan tới Việt Nam như thế.27 Dưới đây (xem các trang 210-230) chúng tôi sẽ đề cập đến các lựa chọn lý thuyết khác và nghiên cứu thực nghiệm như thế.

Câu hỏi vì sao cho đến tận ngày nay, khái niệm về xã hội dân sự vừa được trình bày ở trên – bất chấp các mâu thuẫn (mang tính chất lý thuyết lẫn thực nghiệm) của nó – vẫn được nhiều nhà khoa học thuộc các bộ môn chính trị học và dân tộc học có tên tuổi sử dụng như thế sẽ được giải đáp khi ta xem xét các chức năng của khái niệm về xã hội dân sự như một lĩnh vực đối địch, tách rời, tự trị với Nhà nước và đứng trên một sơ sở đặc trưng về giá trị và chuẩn mực đồng thời mang những mục tiêu “tích cự”, cũng như khi ta hình dung lại xem, một khái niệm như thế – trong khoảng thời gian hàng chục năm qua – đã “tác động” có lợi, nhưng cũng có hại, như thế nào đối với các nhóm riêng rẽ những người trong cuộc.

Huyền thoại nói trên đã có những chức năng nào và nó đã phát huy chúng ra sao?

Nếu như tiếp theo đây, người ta muốn nghiên cứu xem huyền thoại cho rằng “Ở Việt Nam không tồn tại xã hội dân sự (thật sự)” đã từng có, và hiện giờ, phần nào vẫn còn có các chức năng nào, và huyền thoại đó đã “tác động” nhiều chục năm qua như thế nào, thì người ta phải phân biệt giữa các chức năng mà huyền thoại này đã từng và hiện giờ phần nào vẫn còn có với các nhà chính trị Việt Nam với những chức năng mà huyền thoại đó đã từng có và hiện giờ, phần nào vẫn còn có, trước hết là với các nhà khoa học nước ngoài. Hơn nữa, các chức năng của huyền thoại đối với các giới trong cuộc của xã hội dân sự Việt Nam cũng cần phải tách rời khỏi các chức năng nói trên. Điều đặc biệt quan trọng là phải chỉ được ra rằng nội dung cốt lõi của huyền thoại, tức là một khát niệm nhất định về xã hội dân sự, mà cụ thể là “mô hình lĩnh vực”, đã từng và hiện giờ phần nào vẫn còn phát huy những chức năng nhất định như thế nào và sự đoạn tuyệt với một khái niệm như thế về xã hội dân sự đã diễn ra vào lúc nào.

Các chức năng và sự phát huy chức năng của huyền thoại đối với nền chính trị ở Việt Nam

Chúng ta hãy bắt đầu với các nhà chính trị Việt nam trong bộ máy Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) cũng như trong bộ máy nhà nước do Đảng khống chế. Song, các hoạt động diễn ra trong nội bộ Đảng CSVN – chẳng hạn như các thảo luận, các quyết định cũng như việc cụ thể hóa các quyết định đó trong nội bộ Đảng – đều nằm trong số những hoạt động được gìn giữ kín đáo nhất tại Việt Nam. Cho đến ngày nay – do trung thành với nguyên tắc leninnit cơ bản, hay ít nhất là xét về phương diện các quyết định quan trọng, mang tính mở đường – Đảng CSVN vẫn luôn luôn là một tổ chức hoạt động bí mật. Thế nhưng, người ta vẫn có thể lập ra một biên niên sử của những khái niệm xã hội dân sự chủ chốt theo từng giai đoạn cũng như về các quyết định của Đảng CSVN nhằm đánh giá lại và biến đổi các khái niệm đó.

Trong giai đoạn đầu tiên, kéo dài từ những năm 1975/76 đến cuối những năm 1980, Đảng CSVN tin chắc rằng Việt Nam không cần đến những thứ như xã hội dân sự đó. Bởi vì người ta đang hướng tới một trật tự xã hội xã hội chủ nghĩa và trong trật tự xã hội xã hội chủ nghĩa không cần có một phe đối lập về xã hội và chính trị cũng như một sự đối lập có tổ chức -tức là những chức năng mà “mô hình lĩnh vực” buộc các tổ chức xã hội dân sự phải có. Trên đường tiến tới, và đặc biệt là trong xã hội xã hội chủ nghĩa, Đảng CSVN đại diện cho lợi ích của nông dân, công nhân cũng như trí thức. Các mâu thuẫn cơ bản, vốn có trong chủ nghĩa tư bản, sẽ ngày càng giảm đi và sau rốt, sẽ không còn tồn tại nữa. Và Nhà nước cũng không còn là một loại Hội đồng lo toan cho các hoạt động kinh doanh của giai cấp tư sản (như trong “Cương lĩnh Đảng cộng sản” của Marx và Engels đã vạch rõ về Nhà nước tư bản), mà là một tổ chức đại diện cho lợi ích của giai cấp công nông và giới “Intelligezija (trí thức)” liên minh với họ.

Ít nhất là đến năm 1990, Đảng CSVN vẫn giữ quan điểm và nhằm tới mục tiêu xây dựng hệ thống cầm quyền của mình ở Việt Nam một cách tương ứng với quan điểm của Lê Nin về “nền chuyên chính vô sản”. Nhưng “chuyên chính vô sản” không dung thứ bất kỳ mảnh đất trống nào cho xã hội dân sự. Đồng thời, họ cũng cho rằng, một xã hội dân sự tích cực, ít nhất là đối với các nhà cầm quyền đại diện cho lợi ích giai cấp vô sản, dường như là địch thủ, chứ không phải là một đồng minh có thể góp phần vào việc giải quyết một số nhiệm vụ nhất định của nhà cầm quyền. Từ năm 1990, mục tiêu và quan điểm khuôn mẫu về “nền chuyên chính vô sản” bị loại khỏi Cương lĩnh Đảng CSVN và năm 1992, rút khỏi Hiến pháp. Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu trong tương lai của Đảng CSVN và Nhà nước do Đảng khống chế.

Như vậy, ít nhất là đến tận những năm 1990, nói một cách sơ lược, quan điểm của Đảng CSVN là: Các xã hội dân sự có thể có quyền tồn tại trong các xã hội tư bản có phân chia giai cấp và ở một nhà nước, mà thực chất, ít nhiều là cơ quan điều hành của giai cấp tư sản. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, đồng thời, lại nằm trong sự cầm quyền của Đảng CS, thì không cần thiết phải có một cơ chế như vậy nữa.

Trong những năm 1990 và nửa đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, quan điểm cơ bản đó đã được thay đổi ít nhiều, nhưng vẫn giữ nguyên mũi nhọn chống lại xã hội dân sự. Bởi vì, vào thời kỳ này, người ta cho xã hội dân sự là công cụ của chiến lược “diễn biến hòa bình”, một chiến lược trước hết do Mĩ chủ trương. Người ta lập luận rằng, Mĩ và các đồng minh của Mĩ nuôi ý đồ thông qua xã hội dân sự để lật đổ nốt các chế độ xã hội chủ nghĩa còn sót lại. Với thứ công cụ đó, chúng đã thành công tại các nước thuộc khối Đông Âu. Ở Việt Nam, đương nhiên người ta muốn ngăn chặn một tiến trình tương tự, cho nên Đảng CSVN đã gây nên một làn sóng “phản tuyên truyền” dữ dội nhằm ngăn chặn các xu hướng như xu hướng “diễn biến hòa bình” và cảnh báo vai trò công cụ “phản cách mạng” của xã hội dân sự. Marr đã mô tả các hoạt động đó rất rõ ràng.28 Trong các chiến dịch chống “diễn biến hòa bình”, người ta đã dựa trên khái niệm chuyên biệt về xã hội dân sự mà, xét trong phần cốt yếu, rất tương ứng với định nghĩa đã được lược trình ở phần trên: xã hội dân sự được xem là xã hội đối lập, tạo đối trọng với nhà nước, một xã hội nhắm vào việc giám sát nhà cầm quyền với ý đồ chắc chắn là biến đổi hệ thống chính trị hiện hành theo tinh thần của một nền dân chủ phương Tây. Bởi vậy, nó được dựng lên thành đối thủ của hệ thống chính trị hiện hành cũng như của Đảng CSVN.

Trong khi từ năm 1975 đến 1990 người ta từng cho rằng, không ai cần đến xã hội dân sự, song, nếu nó quả có tồn tại thật – thời người ta phải xem nó là kẻ địch của nền chuyên chính vô sản, thì bây giờ – tuy không còn duy trì ý định thiết lập nền chuyên chính vô sản nữa – người ta vẫn giữ nguyên quan điểm coi xã hội dân sự là thứ gì đó thù nghịch với mình. Nếu người ta suy nghĩ vượt ra ngoài hai khuôn mẫu nói trên, một cách suy nghĩ buộc phải nảy ra dưới sức ép của các khía cạnh thực tiễn khác nhau (ví dụ như làn sóng thành lập các “hiệp hội” khác nhau từng được quan sát trong những năm 1990), thì từ phía nhà cầm quyền cũng đã có sự sẵn sàng, dù chỉ tạm thời, chấp nhận một số “hiệp hội” nào đó. Đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, người ta vẫn còn có thể nghe nhắc đến một quan điểm như thế. Trong một cuộc thăm dò, một nhân viên nhà nước tại Hà Nội dứt khoát cho rằng, ví dụ, để chống nghèo đói, thật ra người ta chỉ cần có Nhà nước. Nếu dạo đó (2001) cũng có một số “hiệp hội” hoạt động trên lĩnh vực này, thì nói cho cùng, đó chỉ là hiện tượng tạm thời, xảy ra trong thời kỳ quá độ mà thôi.29 Niềm tin vào quyền hạn tuyệt đối của Nhà nước có vẻ đã khiến cho việc suy nghĩ, đánh giá lại về xã hội dân sự, ít nhất cũng là một thời gian, trở nên vô ích.

Song, trong năm 2007, nhà lý luận Trần Ngọc Hiên của Đảng CSVN đề nghị phải suy nghĩ khôn ngoan và bạo dạn hơn. Rất có thể do các biến đổi xã hội bền vững, cùng sự xuất hiện ngày một nhiều của các tổ chức xã hội gây nhiều ấn tượng mạnh đến ông và chính ông cũng nhìn nhận ra nhiều vấn đề trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, nên ông đề nghị nên xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam như xây dựng một “rường cột thứ ba” bên cạnh nền kinh tế và bộ máy nhà nước. Việc sử dụng khái niệm “rường cột thứ ba” rất đáng chú ý, bởi vì cho đến lúc đó, các tổ chức quần chúng do Đảng CSVN giám sát vẫn được xem là “cột trụ thứ ba” của hệ thống chính trị Việt Nam.30 Rõ ràng, ít nhất là từ phía các chuyên gia lý luận của Đảng như Trần Ngọc Hiên, người ta đã suy nghĩ đến việc phải cải thiện hình thức cầm quyền cũng như mở rộng nền tảng xã hội của Đảng. Trên hai phương diện này cũng có thể chứa đựng chủ trương lôi kéo một số “hiệp hội” nhất định vào việc thi hành các chính sách nhà nước và qua đó tăng cường vai trò của chúng trong hệ thống chính trị, cho dù vai trò đó vẫn phải nằm trong khuôn khổ chặt chẽ.

Rất có thể do cũng xuất phát từ các cân nhắc như thế mà hai năm sau, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định, qui định mình có quyền lựa chọn “một số hiệp hội tiêu biểu” và trao cho chúng những quyền hạn cũng như ưu tiên đặc biệt.31 Ứng cử viên cho một hiệp hội như thế, ví dụ, là “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vietnam Union of Science and Technology Associations” (VUSSTA))”32, là hiệp hội về sau quả nhiên được nâng lên tầm đặc biệt đó. Giống như các đoàn thể quần chúng, Liên hiệp này được hỗ trợ về tài chính và được hưởng những quyền chính trị nhất định. Cả hai yếu tố này đều góp phần gắn Hiệp hội và hội viên chặt thêm nữa vào hệ thống chính trị. Tuy nhiên, sự nâng cấp đó không có nghĩa là các đoàn thể quần chúng mất vị thế đặc biệt của chúng. Ngược lại, trước sau chúng vẫn là trụ cột cho nền thống trị của Đảng CSVN và tiếp tục được Đảng hỗ trợ mạnh mẽ: Các đoàn thể quần chúng (cùng các Hiệp hội đặc biệt) hiện nay được hưởng (tổng cộng) một khoản hỗ trợ của Nhà nước chiếm 0,35% BSP (theo số liệu năm 2014).33

Như vậy, nếu trước đây đã từng có các nỗ lực dung nạp thành công các CSO như VUSTA và “Vietnam Chamber of Commerse and Industrie (VCCI)”, thì cho đến nay (2018), các NGO và CBO vẫn bị xếp dưới hàng thấp nhất về ý nghĩa chính trị. Tính từ năm 1992 đến nay, tuy đã có 20 dự thảo khác nhau của Luật Hiệp hội được đưa ra thảo luận, nhưng hiện giờ nó vẫn chưa được thông qua. Ngoài ra, các dự thảo được đưa ra, cho đến nay, đều làm sáng tỏ một điều là một Điều luật như thế sẽ không tính tới các đoàn thể quần chúng và “Mặt trận Tổ quốc”.34 Có nghĩa là vị thế đặc biệt của các tổ chức này vẫn được giữ nguyên.

Việc cho đến nay “Luật Hiệp hội” vẫn chưa được thông qua là việc rất hợp ý nhà cầm quyền: Sự không chắc chắn về không gian hoạt động chính trị và pháp luật hợp lệ cũng như sự không minh bạch về “những đường ranh đỏ” không được phép vượt qua chính là biện pháp phát huy quyền lực hữu hiệu của một nền chuyên chế độc quyền. Một điều luật cho phép thành lập và đưa “các hiệp hội” vào hoạt động một cách không hạn chế về lâu dài và ghi nhận quyền hiệp hội như một thứ quyền hợp pháp hẳn sẽ là điều luật đi ngược lại lợi ích của nhà cầm quyền độc đoán. Bởi vậy nhà cầm quyền này vẫn tiếp tục giữ quan điểm cho rằng, vì lợi ích của chính mình, họ cần phải chấp nhận các tổ chức dân sự với nhiều dạng khác nhau. Việc chấp nhận này diễn ra theo nghĩa “sự chấp nhận được phép” và còn có giá trị cho đến khi nào các tổ chức này có thể đóng góp nhất định cho Nhà nước và không đặt các yêu sách chính trị quá cao.35 Cho đến tận ngày nay, nhà chức trách cũng không bao giờ phát ngôn cái từ “xã hội dân sự” ra cửa miệng.

Tổng kết lại, có thể khẳng định: Đối với các cán bộ Đảng cầm quyền ở Việt Nam, khái niệm xã hội dân sự mà các nhà chính trị học Mĩ cũng như các nhà dân tộc học châu Âu cùng nhiều nhà thực hành trong phạm vi hợp tác phát triển sử dụng (nghĩa là “mô hình lĩnh vực”) là một phương tiện hữu hiệu để củng cố nền chuyên chế của mình. Bởi nó khẳng định cho họ một điều rằng xã hội dân sự, nếu không vô tích sự, thì cũng là công cụ phản cách mạng, hoặc phải xem nó là thứ mang xu thế phản kháng chế độ hiện hành và nhà cầm quyền đương nhiệm. Họ cũng có thể đánh giá “mô hình lĩnh vực” (trước hết, hiểu theo giới chính trị học Mĩ và dân tộc học châu Âu) là một quan điểm thuần túy phương Tây, một quan điểm mà ở Việt Nam, vừa không nhất thiết phải được áp dụng, vừa không có đất sống, cho nên, cũng sẽ không có nốt cả tương lai.

Tuy nhiên, trong Ban Chấp hành Trung ương và các cơ quan khác của Đảng rõ ràng đã có sự cân nhắc xem nên đối phó với thực tế phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam như thế nào cho tốt hơn. Bởi vì, không ai còn có thể phủ nhận sự tồn tại của xã hội dân sự Việt Nam với hơn một trăm ngàn CSO được nữa. Có lẽ nhà cầm quyền đã nhìn thấy con đường thuận lợi để thoát khỏi tình huống khó xử đó là hội nhập một số tổ chức nhất định của xã hội dân sự cũng như các đại diện của các tổ chức đó, đồng thời tạo cho họ một số ưu tiên về vật chất. Để thực hiện sự hội nhập đó, về phía nhà cầm quyền, họ cũng không cần phải tránh xa một quan niệm nhất định về xã hội dân sự và họ cũng không phải nói ra lời về “xã hội dân sự” hay “các tổ chức xã hội dân sự”. Đó là những từ ngữ cấm kỵ, và chính “mô hình lĩnh vực” lại là công cụ thích hợp để biện minh cho sự cấm đoán đó.

Các chức năng và sự phát huy chức năng của huyền thoại đối với khoa học

Đi với các nhà chính trị học cũng như dân tộc học phương Tây, khái niệm xã hội dân sự ở dạng “mô hình lĩnh vực” tạo ra cho họ một phương pháp nghiên cứu tiện lợi và dễ thực hiện. Hơn nữa, việc áp dụng một phương pháp như thế – như người ta có thể đọc thấy từ các tài liệu do Salemik viết ra – cũng tạo ra cơ hội cho họ kiếm chác tiền bạc ở Việt Nam, chẳng hạn như các chuyên viên đánh giá những chương trình hợp tác phát triển của Hà Lan.36 Mặt khác, người ta có thể lại dùng các các kết quả đánh giá này dưới dạng các bài phân tích chính trị học và dân tộc đăng trên các tạp chí chuyên ngành để tự quảng cáo.

Các nghiên cứu như thế, về cơ bản, là trùng lặp và thừa. Sở dĩ vậy là vì “mô hình lĩnh vực” cơ sở – như đã trình bày ở phần đầu – xuất phát từ các giả định lý thuyết dẫn đến kết luận rằng, ở Việt Nam không có xã hội dân sự, hoặc chỉ có một xã hội dân sự yếu ớt. Xã hội dân sự, theo định nghĩa của “mô hình lĩnh vực”, cũng không thể tồn tại ở dạng thuần khiết trong thực tế cần nghiên cứu tại Việt Nam (cũng như ở nơi khác). Xuất phát trên phương diện thực tiễn, kết luận nói trên là kết luận buộc phải rút ra. Một nhà sử học am hiểu Việt Nam hàng chục năm như David Marr cũng không thoát khỏi sự trùng lặp và kết luận sai lầm. Trong một báo tại hội nghị bàn về sự phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam trong những năm 1990, ông đã mô tả một cách rất rõ ràng, tại sao tại đó, một thứ như xã hội dân sự không thể tồn tại. Theo ông, cái mà ông quan sát được vào thời điểm đó tại Việt Nam – mà cụ thể là sự lan rộng ngày càng tăng của “các hiệp hội”, xét cho cùng là

“sự lan rộng lĩnh vực “công cộng”, chứ không phải xã hội dân sự theo quan điểm của Hegel, de Tocqueville và Habermas. “Công cộng” là gì, ở Việt Nam người đã hiểu rõ từ hàng trăm năm nay. Đó là khoảng không gian, mà con người ta có thể thực hiện những công việc nằm ngoài phạm vi gia đình hay cá nhân (tư), nhưng vẫn chưa nằm trong phạm vi trách nhiệm và điều hành của quan chức nhà nước (quan). Khác với đa phần các quan điểm về xã hội dân sự, phần lớn người Việt hoạt động ở dạng “công cộng” đó không coi mình là đối trọng với Nhà nước. Đúng hơn là nhằm vào việc thâm nhập vào Nhà nước, để thông qua những con đường không chính thức tìm đồng minh và lập nên mạng lưới của mình. Các hoạt động như thế, tốt nhất, sẽ phải phụng sự cho cả các mục tiêu nhà nước và công cộng lẫn tư nhân. Để đạt được mục tiêu đó, người ta hoạt động chủ yếu trên bình diện cá nhân chứ không phải trên bình diện thể chế. Đối với các hoạt động này, không có sự bảo đảm pháp lý nào để duy trì lâu dài những gì đã đạt được. Tuy nhiên, không có các bảo đảm đó, thì những gì đã đạt được đều có thể bị hủy bỏ bất cứ lúc nào. Cách thức tiếp cận và hành động này, xét sâu xa, mang tính thượng lưu, mặc dù những ai hoạt động “công cộng” thường cho rằng những việc họ làm phục vụ lợi ích chung và tốt đẹp cho “cơ sở”.37

Nhưng vài năm sau, một đồng nghiệp của ông, Benedict T. Kerkvliet lại xác định rằng, gần đây

“xuất hiện nhiều nhóm […] mà rõ ràng, người ta phải xem là một bộ phận của xã hội dân sự đang lớn mạnh. Qua các hoạt động của mình như hội họp, tổ chức diễn đàn, thông qua việc bày bỏ quan điểm bằng văn bản hay bằng miệng, họ đưa ra các lập luận và đề xuất các kiến nghị về phát triển nông thôn, về việc cần thiết lập mối quan hệ của các dân tộc khác nhau ra sao, về quyền lợi của người làm công, về quan hệ giữa các cộng đồng với Nhà nước, về xóa đói, giảm nghèo, về việc sử dụng và phân chia đất đai, về đấu tranh chống tham nhũng cũng như về nhiều đề tài chính trị trọng đại khác […]” Tuy nhiên “các hoạt động mang tính xã hội dân sự vẫn còn phải chịu nhiều hạn chế rất rõ rệt.”38

Ít lâu sau và trong khuôn khổ khảo cứu CIVICUS, Irene Norlund xác định rằng ở Việt Nam tồn tại một số lớn các tổ chức xã hội dân sự khác nhau, những tổ chức khá năng động trên nhiều phương diện, nhưng rốt cuộc, lại chỉ tạo nên một xã hội dân sự yếu ớt, hình thành trong một môi trường độc tài rõ rệt.39

Với tất cả những khác biệt trong đánh giá của họ về xã hội dân sự ở Việt Nam, Thayer, Nordlund, Kerkvliet và thậm chí cả Marr đều mang một nét chung: Họ đều xem xã hội dân sự như một lĩnh vực tự trị có ranh giới ít nhiều rõ rệt với nền kinh tế, với gia đình, và trước hết, với Nhà nước.40 Hơn nữa, họ đều cho rằng, các thành viên trong xã hội dân sự đại diện cho một loạt nhất định các giá trị và chuẩn mực (ví dụ các dạng thức khoan dung khác nhau) và theo đuổi những mục tiêu định trước (ví dụ, họ hướng tới nền dân chủ). Dựa vào đó, họ đánh giá và, nói cho cùng, rút ra các nhận định chắc chắn cho rằng, Việt Nam có một xã hội dân sự yếu ớt, một xã hội phải được xếp loại khác hẳn, hoặc không hề có xã hội dân sự ấy.

Trong nhiều bộ môn khoa học khác nhau và trong các phân tích về thực tế chính trị và xã hội ở Việt Nam của các bộ môn này, huyền thoại cho rằng “Ở Việt Nam không tồn tại xã hội dân sự (thật sự)” vẫn “hoạt động” rất tốt cho đến năm 2006, bất chấp việc nó chứa đựng nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là các mâu thuẫn lý thuyết được chỉ ra ở trên. Như đã trình bày ở phần trước, nhiều nhà nghiên cứu danh tiếng như Marr, Kerkvliet và Norlund cùng những người đã được dẫn ra như Thayer, Salemink và Kleinen đều sử dụng “mô hình lĩnh vực” – vốn là mô hình tạo nền móng cho huyền thoại – và bao giờ họ cũng đi đến một kết luận như nhau: Ở Việt Nam không có xã hội dân sự hoặc nếu có, chỉ là một xã hội kém phát triển. Thế nhưng, sau đó một loạt các nhà khoa học nam nữ trẻ tuổi, mới đầu là nước ngoài, rồi Việt Nam, đã chuyển sang quan tâm đến những quan niệm khác về xã hội dân sự và kiểm chứng chúng qua thực tiễn. Nói cách khác, huyền thoại nói trên bắt đầu rạn nứt. Hiện nay (2018), trong việc nghiên cứu xã hội dân sự Viêt Nam, dù sao, nó cũng không còn được coi là hiển nhiên, không ai chối cãi nữa, và đã có các quan niệm “khác luồng” – cũng được củng cố cả về lý thuyết lẫn thực tiễn – về xã hội dân sự ở Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu như Hannah, Wells-Dang, Bùi Hải Thiêm cũng như Wischermann et al. đã từng quan sát tại chỗ sự phát triển của xã hội dân sự Việt Nam. Chẳng hạn như Hannah không những đã làm việc với tư cách nhà khoa học, mà còn là nhà tư vấn cho các tổ chức NGO Việt Nam. Ông đã chứng kiến sự phát triển của xã hội dân sự Việt Nam từ bên trong lòng nó. Luận án của ông dựa trên các hiểu biết ông thu được vào những năm 2003/04, trong thời kỳ ông hoạt động cho ba tổ chức NGO tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn đó, ông thường xuyên có các cơ hội quan sát sự phát triển cũng như việc thực hiện các hoạt động khác nhau của nhiều NGO ở Thành phố Hồ Chí Minh. Wells-Dang cũng am hiểu mạng lưới các hoạt động mang tính xã hội dân sự và đã tìm hiểu từ bên trong “nội tình” của các hoạt động đó cũng như của những CSO Việt Nam riêng lẻ. Các nghiên cứu này được thực hiện thông qua sự tham gia và quan sát tại các cuộc gặp gỡ của mạng lưới, các hội thảo và hội nghị do các CSO Việt Nam tổ chức.41

Hai nghiên cứu viên nói trên cùng nhiều nhà nghiên cứu khác cũng nắm rất rõ sự tăng trưởng nhanh về số lượng của các tổ chức CSO khác nhau. Ví dụ: Đầu năm 2000, một nhóm nghiên cức Đức-Việt đã xác định 706 “Civic Organizations” ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh,42 đến năm 2009, con số đó đã là 1453.43 Hơn nữa, người ta cũng được biết rằng mối quan hệ của các tổ chức này với chính quyền (trung ương lẫn địa phương) được xác lập rất khác nhau, đôi phần thậm chí còn chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Chẳng hạn, họ đã xác định rằng sự giới hạn “tính tự trị” đối với Nhà nước của các CSO đã không dẫn đến sự mất ảnh hưởng của các tổ chức này. Như Hannah đã xác định,44 sự hợp tác chặt chẽ giữa các CSO với Nhà nước thậm chí còn cho phép các tổ chức này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của Nhà nước. Heng còn đi xa hơn khi khẳng định ảnh hưởng đó không phải do bất chấp, mà nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ với Nhà nước mà có.45

Như thế, các nhà nghiên cứu “khác luồng” đã phát hiện trong thực tiễn Việt Nam một thứ gì đó, mà xuất phát từ “mô hình lĩnh vực” không thể tồn tại: đó là hoạt động mang tính xã hội dân sự, được biểu hiện dưới dạng các hoạt động, các vai trò và các mối quan hệ của CSO với Nhà nước (cấp địa phương hay trung ương). Những phát hiện này nêu ra vấn đề, cần phải xem xét lại khái niệm lý thuyết chủ đạo trong giới khoa học phương Tây (tức là “mô hình lĩnh vực”) và xây dựng một khái niệm “khác luồng” về xã hội dân sự và kiểm chứng nó trong thực tiễn.46

Trong tiến trình định hướng lại đó, từ khoảng 2006 trở đi, các nhà khoa học nói trên không còn bị tác động bởi một quan điểm nhất định, qui định xã hội dân sự phải như thế nào nữa. Nói đúng hơn, họ đặt vấn đề xem các tổ chức xã hội dân sự mà họ phát hiện ra, trong thực tế, là các tổ chức gì, làm gì, đóng các vai trò cụ thể nào, các chuẩn mực và giá trị nào định hướng các hoạt động của các tổ chức đó và chính những bên hữu quan này có quan niệm thực tiễn hoặc lý thuyết nào về xã hội dân sự và CSO. Người ta có thể gọi một khái niệm như thế về xã hội dân sự là “khái niệm thực tiễn”.

Các nhà nghiên cứu nói trên đều có một điểm chung nữa là, họ không giả định sự đối lập tuyệt đối giữa xã hội dân sự với nhà nước mà đặt mối quan hệ giữa hai bên làm đối tượng cho các nghiên cứu thực tiễn (empirisch) của mình. Họ cũng không xuất phát từ sự phân chia tuyệt đối, mà từ các mối quan hệ phong phú giữa xã hội dân sự, Nhà nước cũng như nền kinh tế, và muốn nghiên cứu, phân tích các mối quan hệ đó qua thực tiễn. Và, sau rốt, họ cũng không giả thiết, rằng các tổ chức xã hội dân sự luôn luôn hướng tới sự nghiệp dân chủ hóa và cũng không phải, bất cứ lúc nào cũng như bất cứ ở đâu, đều là “trường học dân chủ”. Họ cũng không lấy một số định chuẩn nhất định và sự thỏa mãn các định chuẩn đó làm điều kiện tiên quyết, để có thể đề cập đến một xã hội dân sự ở Việt Nam hay không. Đúng hơn là họ đặt giá trị và hiệu lực của một số định chuẩn nhất định – đặc biệt là những định chuẩn mà tự họ đã đặt ra cho các nghiên cứu của mình – làm đối tượng nghiên cứu. Hơn nữa, họ giả định – hoặc tiềm ẩn, hoặc hiển nhiên – rằng xã hội dân sự và các CSO là các đơn vị “đa giá trị” (Kößler): Mối quan hệ của chúng với chính quyền mang tính nước đôi về mặt lịch sử, bởi thế, chúng có thể lúc này là kẻ hỗ trợ, khi khác là đối thủ của nền chuyên chế độc quyền và một số, thậm chí còn thể đóng cả hai vai trò đó cùng một lúc.

Các quan điểm nghiên cứu được áp dụng này, vì vậy, cũng rộng mở đối với những gì mà các giới trong cuộc ở Việt Nam suy nghĩ và hành động, đồng thời các quan điểm này cũng hướng đến việc nghiên cứu thực tiễn cuộc sống. So với “mô hình lĩnh vực”, các khái niệm “khác luồng” được áp dụng về xã hội dân sự gần gũi với thực tế hơn nhiều. Các khái niệm này cho phép bao quát những quá trình phát triển mà, thông qua một cách tiếp cận khác, không được người ta xem xét, hay chỉ được xem xét ở góc độ – với vế bổ sung ta đã biết – cho rằng: Thật ra ở Việt Nam không tồn tại một thứ như xã hội dân sự, có chăng, thì cũng chỉ là những biểu hiện sơ khai và yếu ớt của xã hội dân sự mà thôi.

Tiếp theo đây, chúng tôi sẽ đề cập tới bốn công trình nghiên cứu dựa trên các phương pháp tiếp cận “khác luồng”.47 Trước tiên phải kể đến công trình nghiên cứu của Hannah. Ông là người đầu tiên vận dụng phương pháp tiếp cận của xã hội dân sự có liên quan đến người trong cuộc và hoạt động của họ. Ở đây, ông đã tiếp nối Uphoff/Krishna (2004), là những người xem xã hội dân sự như một hình thức hành động đặc biệt. Hơn nữa, họ lập luận rằng xã hội dân sự chỉ tồn tại ở dạng thức “nhiều hoặc ít” và bởi thế, không bao giờ có thể hoàn toàn hiểu hết được nó.48 Như thế, Uphoff/Krishna cũng đứng trên quan điểm “thực tiễn” để xem xét xã hội dân sự.

Điểm xuất phát của Hannah, do đó, cũng là sự phân tích “các biểu hiện thường ngày của xã hội dân sự”. Ông phân tích xã hội dân sự thông qua các hoạt động do các nhân vật hữu quan trong xã hội thực hiện, cũng như thông qua những vai trò mà các tổ chức xã hội do họ xây dựng nên nắm giữ trong một hệ thống chính trị nhất định. Cả hai đều phục vụ cho việc thực hiện các chức năng mà người ta có thể xem xét và đánh giá dưới góc độ xã hội dân sự được:

“Thông qua việc tôi hiểu xã hội dân sự là các hình thức hành động – cũng như thông qua việc tôi đặt vấn đề xem xã hội dân sự làm gì, chứ không phải xã hội dân sự là gì và nó được định hình ra sao – tôi đã tiến hành nghiên cứu một cách nhiều sắc thái hơn nhiều. Trong quá trình nghiên cứu, tôi quan sát các mối tương tác giữa xã hội và nhà nước, những mối tương tác dẫn tới việc thực hiện các chức năng xã hội dân sự ngay ở những nơi mà ta không ngờ và cũng không để mắt tới, nếu ta chỉ quan tâm xem xét những tổ chức đặc trưng, bắt buộc phải độc lập với nhà nước mà thôi.”49

Hannah viết,50 ông muốn nhìn lên xã hội dân sự Việt Nam chứ không phải là tìm kiếm nó. Người ta cần hiểu các hành động của xã hội dân sự cũng như các chức năng do nó thực hiện như một quá trình và xem xét loại hành động như thế trong bộ máy nhà nước, trong nền kinh tế cũng như sự hợp đồng giữa nhà nước với nền kinh tế.51 Ông đề nghị sắp xếp vai trò của các hoạt động xã hội dân sự tập trung trong các tổ chức đó thành một thể liên tục (continum). Đối với ông, điều đó cũng có nghĩa là hành động xã hội dân sự có thể đồng thời tồn tại ở nhiều hình thức, và do đó, với nhiều chức năng khác nhau.52

Trong phần thực nghiệm của công trình, Hannah đã phân tich những vai trò mà các CSO khác nhau ở Việt Nam đã nắm giữ và tổng kết các kết quả thành một biểu đồ (xem Hình 2).53

clip_image006

Vai trò của xã hôi dân sự và các tổ chức xã hội dân sự. Hannah 2006

Trong thời gian nghiên cứu nói trên được tiến hành (2007), hầu hết các CSO Việt Nam đều nằm ở phía bên phải của continum, một số ít nằm ở giữa, số nằm bên trái rất hiếm hoi. Hiện nay (2018), có lẽ khá nhiều CSO Việt Nam sẽ lọt vào giữa continum của Hannah, nhưng số CSO bên trái continum đó vẫn rất ít ỏi.

Wischermann cùng các đồng nghiệp Việt Nam của ông cũng tiến hành nghiên cứu thông qua việc vận dụng khái niệm dựa vào hành động của xã hội dân sự, nhưng đặt khái niệm đó trên cơ sở lý thuyết chắc chắn hơn Hannah.54 Tại đây, họ đã dựa vào các công trình nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm của một nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm khoa học Berlin.55 Cũng giống như Hannah, họ xuất phát từ chỗ cho rằng hoạt động mang tính xã hội dân sự không phải là lĩnh vực riêng của các tổ chức xã hội dân sự khác nhau, hoạt động đó cũng diễn ra trong khuôn khổ Nhà nước, nền kinh tế và gia đình. Thế nhưng, chỉ riêng trong lĩnh vực xã hội mà thôi, nó mới có thể đạt tới “tác dụng chủ yếu”.56

Đối với nhóm các nhà khoa học Đức-Việt này, xã hội dân sự thể hiện một hình thức đặc biệt của hành động cũng như sự tương tác tập thể tự nguyện, và ở hình thức đó, tốt nhất là cần xem xét xã hội dân sự như mối quan hệ (chẳng hạn mối quan hệ giữa con người với nhau cũng như giữa con người với nhà nước (và/hoặc) với nền kinh tế). Đồng thời, khái niệm xã hội dân sự cũng được mở rộng ra “về mặt ranh giới”.57 Xã hội dân sự phát triển và được cấu thành trong quá trình tranh luận về phương thức đối phó với bạo lực, quyền hành và sự loại trừ (exclusion) về mặt xã hội. Như thế, tính phi xung đột và/hoặc tính phi bạo lực không được đặt làm tiền đề, mà sự tranh luận xung quanh vấn đề bạo lực cũng như phi bạo lực hoặc khoan dung hay không khoan dung được nêu lên làm đối tượng phân tích. Nằm ở trung tâm của khái niệm mang tính logic hành động, và chung qui, mang tính thủ tục đó về xã hội dân sự là phạm trù về “sự thừa nhận lẫn nhau”.

Sự thừa nhận tính ngang bằng về nguyên tắc (bất chấp tính khác biệt) đã đưa các bên hữu quan tới sự chấp nhận trên thực tế hành động các hình thức tương tác vốn tuân theo các khuôn mẫu đàm phán và dựa trên sự thỏa hiệp và nhất trí.58 Điều đó được cụ thể hóa qua các qui định mang tính thủ tục, tức là chấp nhận những biện pháp nhất định trong mối quan hệ qua lại với nhau.59 Các hình thức giao thiệp nhất định cũng như sự bảo đảm về mặt cơ cấu phải được hình thành đã, thì xã hội dân sự mới có thể tồn tại. Xét về mặt tác nghiệp, “sự thừa nhận lẫn nhau” bao hàm bốn bình diện khác nhau: tôn trọng lẫn nhau, đồng cảm/thiện cảm với nhau, sự sẵn lòng thỏa hiệp và sự thừa nhận luật chơi mà các bên từng thỏa thuận với nhau.60

Đối với nhóm khảo sát này, sự tự mô tả của các bên hữu quan chính là khởi điểm cũng như chỉ dấu chứa đựng nhiều thông tin cho việc phân tích các hành động mang tính xã hội dân sự về mặt xã hội học.61 Hơn nữa, xã hội dân sự được xếp nằm vào một thể liên tục và do đó tồn tại “ít nhiều ở dạng xã hội dân sự” và được xem như một khái niệm luôn luôn biến đổi theo thời gian và không gian, cũng như theo đối tượng nghiên cứu. Một khái niệm như thế về xã hội dân sự không phải là khái niệm mang tính chuẩn mực. Đúng hơn là nó đã nâng giá trị kinh nghiệm của một số quy tắc thành tiêu chuẩn để xác định xem người ta có thể nói đến xã hội dân sự hay không, và nếu có, thì nói đến theo ý nghĩa, cũng như ở mức độ nào.62 Tại đây, các định đề cơ bản của quan niệm cũng trở thành đối tượng phân tích.

Ta thường hình dung các tổ chúc xã hội dân sự như những hành động kết tụ của quá khứ cũng như sự cô đọng của các hoạt động xã hội dân sự (một khi các hoạt động xã hội dân sự vẫn triển khai sức mạnh hướng dẫn hành động).63 Nói cách khác và hết sức ngắn gọn: Trong một khái niệm như thế về xã hội dân sự, các tổ chức chính là kết quả của một loại cũng như một hình thức hoạt động. Hoạt động này trở nên cụ thể và được biểu hiện ở dạng vẻ và hình thức nhất định của các tổ chức. Ở đây, xã hội dân sự bao quát các kiểu tổ chức xã hội khác nhau, là những tổ chức có thể được sắp vào một thể liên tục bao gồm từ các tổ chức mang tính chính thức cao (ví dụ Hội doanh nhân) đến những tổ chức không chính thức (như hội nông dân tự tương trợ ).

Dựa trên cơ sở đó của khái niệm về xã hội dân sự, sau hai đợt thăm dò mang tính tượng trưng, cho đến nay, được xem là duy nhất tại các CSO ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu Đức-Việt đã thu được kết quả cho thấy các bằng chứng vững chắc và rõ rệt về sự có mặt của các hoạt động xã hội dân sự kiểu như thế ở Việt Nam. Trước hết, các hình thức hết sức khác nhau của các hoạt động mang tính xã hội dân sự lại có thể được tìm thấy trong các tổ chức xã hội khác nhau, khiến ta có thể xem các tổ chức đó là các tổ chức xã hội dân sự được. Do đó các hoạt động của các tổ chức này mang dấu ấn sâu sắc của sự đồng/thiện cảm, tôn trọng lẫn nhau, sẵn sàng thỏa hiệp và sự chấp nhận các luật chơi đã được thỏa thuận, cho dù phạm vi của các hoạt động đó trên các bình diện nói trên có thể biến thiên mạnh. Bên cạnh đó, cũng như không thể tách rời với loại hình hoạt động mang tính xã hội dân sự, còn một thứ có thể được xác định là điển hình cho “hoạt động xã hội dân sự mang sắc thái Việt Nam”: đó là “việc tìm kiếm sự hòa đồng, khước từ xung đột và xu thế nghiêng mạnh về phía tìm cách tổ hợp. Các yếu tố này hội tụ lại trong tư suy và hành động của các đại diện thuộc nhiều CSO Việt Nam thành một thứ tư duy chính trị độc quyền.”64

Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra sự tồn tại của hoạt động xã hội dân sự trong bộ máy nhà nước, đồng thời hoạt động này cũng gây ảnh hưởng và biến đổi cả hình thức lẫn nội dung của sự cai trị (governance). Chẳng hạn, có thể chứng minh được rằng hoạt động đó đã tạo ra các biến đổi mang tính chính trị-pháp luật – tuy chỉ ở mức độ khiêm tốn thôi – trên những lĩnh vực chính trị thuộc phạm vi an ninh, cụ thể là những lĩnh vực liên quan đến việc bảo vệ phụ nữ khỏi nạn bạo hành. Hơn nữa, các ảnh hưởng mạnh mẽ của hoạt động xã hội dân sự cũng có thể tìm thấy trong phạm vi các chính sách xã hội của nhà nước. Ở đây, các điều luật quan trọng được đưa ra nhằm cấm phân biệt đối xử đối với những người mang HIV/AIDS. Trong khuôn khổ hai lĩnh vực này, sự hợp tác của những người hoạt động mang tính xã hội dân sự nằm trong bộ máy nhà nước với những người nằm ngoài bộ máy đó rất quan trọng. Ở đây, các tổ chức NGO địa phương đóng vai trò các xúc tác. Ngược lại, các hoạt động xã hội dân sự trong lĩnh vực chính danh hóa nền thống trị, không hề, hoặc rất ít phát huy được tác dụng; ở đây, có thể nêu ra việc dự thảo luật lập hội làm ví dụ, là việc mà nhà chức trách “cố thủ”, và trên lĩnh vực chính trị này hầu như không thể ghi nhận thấy hoạt động xã hội dân sự nào trong bộ máy nhà nước.65

Ông Bùi Hải Thiêm, nhà nghiên cứu sống và làm việc tại Hà Nội, đã đặt các phân tích của mình về sự phát triển của xã hội dân sự Việt Nam trên nền tảng của quan niệm xã hội dân sự do Antonio Gramscis (1891-1937) gây dựng một cách bá chủ về lý thuyết. Quan niệm này sở dĩ hấp dẫn đối với Bùi Hải Thiêm không phải chỉ vì Gramsci không coi trọng việc “mô tả xã hội dân sự là gì, mà ở chỗ nắm được các vai trò mới của nó trong mối quan hệ của các chức năng bao trùm trong quá trình hình thành sự bá chủ”.66 Thông qua sự chức năng hóa được áp dụng một cách nhất quán và biện pháp tiếp cận so sánh về lịch sử, ở Gamsci đã hình thành “bức tranh về một ‘societa civile (xã hội dân sự)‘ không bị đóng trong bộ khung khép kín nào, một xã hội dân sự không ngừng biến đổi và chứa đựng những khác biệt đáng kể về địa lý và văn hóa”.67

Theo quan điểm của Gramsci, các xã hội dân sự và CSO đều là bộ phận của một tổng thể các mối liên hệ kinh tế – chính trị và cũng là các đấu trường của nhiều xung đột xã hội. Hay, nói một cách chính xác hơn: Gramsci coi các xã hội dân sự như những vùng lãnh địa, mà tại đó các cuộc tranh đua về chính trị, văn hóa và ý thức hệ giành quyền bá chủ diễn ra. Chúng là một lĩnh vực phục vụ sự hình thành và tái hình thành của nền thống trị hay (tiền) thống trị cũng như cho các hoạt động chính danh của nhà nước. Về mặt lịch sử, Gramsci tái dựng lại các giai đoạn khác nhau mà tại đó, giai cấp tư sản đã tạo nên một hệ thống chính trị có lợi cho sự thống trị của mình, dưới hình thức kiến tạo nhiều cơ cấu thượng tầng, trong số đó, xã hội dân sự là một bộ phận quan trọng.

Đối với Gramsci, khi nhìn vào mối mâu thuẫn giữa tư bản và lao động tiền lương – mối mâu thuẫn không thể tách rời khỏi xã hội tư bản – thì xã hội dân sự có một chức phận riêng. Theo ông, dẫu sao nó cũng tồn tại trong sự phối hợp các mối hòa đồng và nhất trí. Đặt xã hội dân sự vào giữa “cơ cấu kinh tế và nhà nước, cùng các luật lệ và sức ép của nó” 68, Gramsci nêu bật vai trò của nó trong việc tạo nên

“sự nhất trí ´tức thời´ mà phần lớn dân chúng thỏa thuận cùng đường lối chung của đời sống xã hội do nhà cầm quyền vạch ra, một sự nhất trí, mà “xét về mặt lich sử” vốn bắt nguồn từ uy tín (cũng như lòng tin) mà nhà cầm quyền có được do vị trí của nó trong nền sản xuất”69.

Song điều đó không có nghĩa là không cần tới sự đàn áp của nhà nước nữa, bởi vì, vẫn đòi hỏi phải có

“bộ máy cai quản của nhà nước, bộ máy bảo đảm “một cách hợp pháp” kỷ luật của những nhóm – vốn không chủ động mà cũng không thụ động “nhất trí” – một bộ máy đã được thiết lập cho toàn xã hội nhằm đề phòng các tình huống khủng hoảng về quyền chỉ huy và lãnh đạo, các tình huống mà sự nhất trí tức thời không còn được duy trì nữa.”70

Để phân tích, Gramsci xếp lĩnh vực môi giới và khái quát hóa lợi ích – một lĩnh vực được xem là mang tính xã hội dân sự – vào lĩnh vực cai trị của nhà nước. Song, trong trường hợp xã hội dân sự, vấn đề không nằm ở luật pháp, quyền lực hay sự cưỡng bức, “mà ở sự bá chủ. […] Gramcsi rõ ràng có xu hướng muốn nhìn thấy các đặc trưng chính của nhà nước trong xã hội dân sự cũng như trong nền bá chủ, bởi sự cưỡng bức sẽ được xem là vỏ bọc bảo vệ xã hội dân sự khỏi mọi sự tấn công từ bên ngoài.”71

Theo lời Theo Votsos, ý nghĩa của xã hội dân sự thời nay còn lớn hơn nhiều ở thời Gramsci. Ông viết, rằng xã hội dân sự

“trong các xã hội công nghiệp hiện đại [đã đại tới. J. W.] độ hiệu quả trong việc tạo nên mối đồng thuận lớn đến mức, vào những giai đoạn khủng hoảng […] thậm chí có thể động viên được những dự trữ hết sức to lớn và chức năng đàn áp của nhà nước không phải thường xuyên phát huy tác dụng […]. Sự lớn mạnh của xã hội dân sự […] đã tác động trực tiếp đến kỹ năng thực thi quyền lực: sự cai trị hay sự chỉ huy ‘trực tiếp‘ sẽ được càng ngày thay thế bởi những biện pháp cai trị tinh tế, nhằm đạt tới ‘sự bá chủ‘ xã hội.”72

Bùi Văn Thiêm vận dụng các cơ sở lý thuyết này vào Việt Nam để phân tích ảnh hưởng của xã hội dân sự trong các địa hạt về chính sách môi trường, sửa đổi hiến pháp và chính sách đối ngoại (ở đây, thông qua các cuộc biểu tình chống ảnh hưởng của Trung Quốc). Ông đặt vấn đề xem xét về tình trạng của sự phát triển cũng như về tiềm năng mà xã hội dân sự Việt Nam có, xét về phương diện tác động tới việc biến đổi các quan hệ chính trị. Như thế, ông cũng tán thành với Gramsci ở chỗ, khi ông này sở dĩ phân tích xã hội dân sự và nêu cao ý nghĩa của nó là vì, ông đã tìm kiếm những con đường vượt qua trật tự xã hội tư bản chủ nghĩa hiện hành. Đó là một việc mà theo ông, các lực lượng có khả năng làm thay đổi xã hội và chính trị có thể có hiệu lực, những lực lượng có khả năng nhận ra quyền lực của các cơ quan, các truyền thống, các thỏa ước và trở thành bá chủ không những ở “thượng tầng kiến trúc” mà thôi. Bùi Văn Thiêm đi đến kết luận, cho rằng ở Việt Nam

“sự phát triển và tiềm năng của xã hội dân sự hiện nay đã trở nên rõ ràng. Nó đã trở thành khoảng không gian mà tại đó các cuộc thảo luận chống bá quyền được diễn ra, đồng thời nó cũng là địa điểm mà giới trí thức có thể động viên sự hỗ trợ cho việc đó. Quyền lực và nền thống trị đang ngày càng bị xã hội dân sự thách thức. Xã hội dân sự đại diện cho các quan niệm và giá trị của sự cầm quyền, những quan niệm có thể xếp loại thành các quan niệm về tự do dân chủ, về sự công khai, về trách nhiệm cũng như quyền đồng quyết định, theo đúng nghĩa của các quan niệm đó. Trên nhiều lĩnh vực chính trị cũng như tại các thời điểm khác nhau, các quan niệm như thế, cũng như ảnh hưởng của chúng đến nhà cầm quyền, gần đây, trở nên rõ rệt. Điều đó còn hiển nhiên hơn, khi người ta có thể nhận ra rằng sự xung khắc dưới nhiều hình thức mỗi ngày một phức tạp về các ý tưởng và giá trị đã gây dấu ấn sâu sắc lên mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội dân sự. Sự cai trị ở Việt Nam cũng biến đổi trong tiến trình của những xung khắc cơ bản như thế.”73

Wischermann và các đồng nghiệp Việt Nam đã đặt một khái niệm lý thuyết về xã hội dân sự gần gũi với quan điểm của Gramsci làm cơ sở cho nghiên cứu mới đây của mình. Trong khảo sát này, họ xem xét liệu các CSO Việt Nam có đóng góp cho sự nghiệp dân chủ hóa hay không, hay chúng lại là các trở ngại cho việc dân chủ hóa chế độ độc quyền ở Việt Nam thì đúng hơn. Trong khi nghiên cứu, họ xuất phát từ chỗ coi xã hội dân sự cùng các đại diện cốt yết của nó (CSO) và Nhà nước không đối kháng với nhau. Đúng hơn là giữa nhà nước và xã hội dân sự tồn tại mối quan hệ phụ thuộc và tương tác lẫn nhau đồng thời góp phần, dưới nhiều hình thúc cũng như chức năng khác nhau, vào việc thực hiện quyền hành trong xã hội cũng như trong việc xây dụng cơ cấu cầm quyền đó. Như thế, cần phải xem xã hội dân sự và các CSO là một bộ phận của toàn bộ các mối quan hệ xã hội chính trị cũng như xung đột xã hội cấu thành nên nhà nước. Điều đó bao hàm cả nhận thức cho rằng chính tự các CSO cũng là địa hạt của các xung đột xã hội, là một bộ phận thực tiễn của việc thực thi quyền lực và qua đó, có thể đóng góp vào việc bảo toàn sự thống trị của nhà nước. Song, chúng cũng có thể thay đổi sự thống trị đó, bởi vì các hoạt động của chúng không phiến diện và không được quyết định bởi nền tảng kinh tế một cách máy móc;74 vì các nhà nước bao giờ cũng là “những dự án tranh giành nhau” và, bởi vì “chế độ nhà nước luôn luôn mang tính thỏa hiệp”75 Do đó, ít nhất cũng tồn tại cơ hội để “biến đổi và chuyển hóa các mối quan hệ giai cấp và giới tính”.76

Các CSO, xét về mặt lịch sử, đều linh hoạt và có khả năng hoạt động độc lập; chúng không có “mục tiêu thuần nhất” và “về cơ bản mang tính hai mặt” đối với hệ thống thống trị hiện hành.77 Nói tóm lại: CSO là “các tổ chức đa giá trị” (Koßler).78 Như vậy, chỉ có thông qua việc phân tích các mối quan hệ phụ thuộc tương hỗ và mối quan hệ ảnh hưởng của các CSO với nhà nước và tổng thể các quan hệ xã hội chính trị và qua đó, xuất phát từ một tầm nhìn mang tính quan hệ, mới có thể đánh giá được xem các CSO mang những tính chất nào, có thế giới quan ra sao và có thể có các tác động nào mà thôi.

Dựa vào Michael Mann, Wischermann et al. phân loại những hình thức quyền lực của nhà nước mà các CSO phải đối đầu và tranh đấu, thành quyền chuyên chế (“despotic power”), quyền lực hạ tầng cơ sở (“infrastructural power”)79 và quyền lực phân tán.

Thông qua các hình thức khác nhau của quyền lực hạ tầng cơ sở, nhà nước tìm cách giám sát xã hội về mặt chính trị (“Giám sát thông qua phúc lợi xã hội” và “Giám sát thông qua sự tham gia có hạn chế”). Để tiến hành phân tích, Wischermann et al. đã chọn lĩnh vực chính sách xã hội và y tế (cụ thể là lĩnh vực chống HIV/Aids) cũng như lĩnh vực các chính sách kinh tế (cụ thể là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp) làm những lĩnh vực chính trị mà tại đó, “sự giám sát thông qua phúc lợi xã hội” và “giám sát thông qua sự tham gia có hạn chế” được thực hiện.

Quyền lực phân tán cần được hiểu là sự thực hiện quyền lực của nhà cầm quyền thông qua việc định hướng các tranh luận xã hội và ấn định một cách hiểu nhất định về những nội dung chính trị và xã hội, về các sự kiện lịch sử, vân vân. Thông qua các nghiên cứu của mình, Wischermann et al. xem xét ảnh hưởng của Nhà nước lên các chuẩn mực liên quan tới khái niệm và các quan hệ giới tính, cũng như sự gắn nhập các CSO vào việc sáng tạo và gìn giữ các quan hệ cai trị và các loại tự sự như thế.80

Các kết quả nghiên cứu của họ có thể được tổng kết một cách ngắn gọn như sau:

Xét về mặt các quá trình hình thành ý chí cũng như quá trình rút ra quyết định chung mang tính nội bộ, các CSO Việt Nam đều được tổ chức theo kiểu phân cấp thứ bậc trên dưới, nếu không nói là theo nguyên tắc độc đoán. Bởi thế, chúng không phải là “các trường học cho nền dân chủ”.

Đa phần các CSO Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi công cộng, dù muốn hay không, đều góp phần vào việc củng cố cơ sở nền tảng của chủ nghĩa độc quyền. Bởi vậy, có thể đánh giá các tổ chức này là các trở ngại cho quá trình dân chủ hóa. Song, xét về tiềm năng, một số NGO vẫn có thể được xem những tổ chức hỗ trợ cho tiến trình dân chủ hóa.

Các tổ chức mang tính nghề nghiệp được nghiên cứu ở đây (ví dụ như Hội các nhà kinh tế học) hoặc các tổ chức của các nhà doanh nhân (chẳng hạn như Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, viết tắt là VCCI) cũng có thể xếp vào hàng các chướng ngại cho quá trình dân chủ hóa, bởi vì chúng đóng góp vào việc bảo vệ sự vững chắc của cơ cấu quyền lực hiện hành cũng như vị trí của những người thực thi quyền lực.

Trong số sác CSO hoạt động nhằm vào mục tiêu bảo đảm bình đẳng và công bằng giới, quyền lợi phụ nữ và quyền lợi của những người gọi là thiểu số về giới tính, người ta cũng phải xem các tổ chức quần chúng là chướng ngại của công cuộc dân chủ hóa, trong khi, chí ít, một vài tổ chức NGO vẫn có thể được đánh giá là tổ chức hỗ trợ công cuộc dân chủ hóa đó.

Như thế, nghiên cứu trên cho thấy rằng, không có một loại tổ chức xã hội dân sự đặc biệt nào, mà ta có thể đánh giá một cách nhất quán và dứt khoát đó là tổ chức hỗ trợ, hay đó là tổ chức kìm hãm quá trình dân chủ hóa được. Các lực lượng ủng hộ quá trình dân chủ hóa có thể dễ tìm thấy nhất trong số các NGO.

Các chức năng và sự phát huy các chức năng đó đối với các bên hữu quan thuộc xã hội dân sự ở Việt Nam

Đối với phần lớn các bên hữu quan trong xã hội Việt Nam, các khái niệm về xã hội dân sự mà “mô hình lĩnh vực” đưa ra, trong một thời gian dài, và xét về mặt thực tiễn, đã có ý nghĩa nhất định. Dựa trên các quan niệm như thế, nhà cầm quyền thường không chấp nhận, nếu không nói là giữ thái độ thù địch đối với các thành viên trong cuộc của xã hội dân sự. Điều đó tất nhiên khiến cho phạm vi hoạt động của nhiều CSO Việt Nam bị thu hẹp và, có lẽ cũng làm cho nhiều hoạt động mang tính xã hội dân sự không thể diễn ra. Song, với tư cách một khái niệm lý thuyết, cốt lõi tinh thần của huyền thoại, tức là “mô hình lĩnh vực”, tự nó, lại đã và đang không có ý nghĩa gì đối với tuyệt đại đa số các bên trong cuộc. Điều đó, dù sao cũng được một đợt khảo cứu mang tính tượng trưng tiến hành vào năm 2010 với 300 đại diện của các CSO ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội chứng minh.

Trong đợt khảo cứu này, hơn một nửa những người được phỏng vấn đã cho biết dường như họ thông hiểu các quan niệm về xã hội dân sự và áp dụng chúng cho họ, cho các hoạt động của họ cũng như cho các tổ chức của họ. Song, đa phần các quan niệm đó đều khác biệt với “mô hình lĩnh vực”. Khái niệm xã hội dân sự mà đa số những người trong cuộc đều đồng tình là khái niệm đã được mô tả toàn diện và không cho thấy rằng những người trong cuộc muốn thay đổi chế độ chính trị hiện hành theo một ý nghĩa nhất định nào đó, như dân chủ hóa nó chẳng hạn. Do đó, không thể rút ra được một nền móng tiêu chuẩn nào cả.

Nói một cách cụ thể hơn, gần một nửa số người được hỏi (45%) đều tán thành với mệnh đề cho rằng xã hội dân sự là tập hợp của các hiệp hội mà họ thay mặt – tức là những hiệp hội đại diện cho lợi ích của các thành viên, khách hàng hay những người họ bảo trợ – đồng thời gìn giữ sự đối thoại manh tính hình thức với nhà chức trách địa phương/hay trung ương. Như thế, các CSO đóng vai trò cầu nối giữa Nhà nước và xã hội. Khoảng hơn một phần tư (27%) số người được hỏi cho rằng, tuy xã hội dân sự là xã hội dân chủ mạnh mẽ nhất, song các nhiệm vụ và vai trò của nó được các quốc gia và các chính phủ ở khắp nơi trên thế giới đánh giá một cách rất khác nhau.81 Chỉ một phần mười (12%) tán thành khái niệm mà chúng tôi đưa ra ở đây dưới tên gọi “mô hình lĩnh vực”, coi xã hội dân sự như một lĩnh vực tự trị nằm giữa Nhà nước, nền kinh tế và gia đình, một lĩnh vực không phụ thuộc nhà nước và, về nhiều mặt, đối lập với nó.82

Trong khi người ta có thể ngầm hiểu về ý đồ dân chủ hóa nằm trong hai quan điểm phổ biết nhất, ý kiến đa số vẫn cho thấy rõ rằng, tuy những người trong cuộc đấu tranh cho sự thay đổi trong xã hội thật, song đối với họ, “chính sách, chủ trương” dân chủ hóa nền chính trị không phải là quan trọng lắm.83 Trong khái niệm chính trị của Việt Nam, khái niệm “Chính sách, chủ trương” được xếp “cao lên” vào hàng “các chính sách, chủ trương của Đảng”. Người ta không coi đó là công việc của người “dân thường”, cũng như không phải là việc của các bên hữu quan trong xã hội dân sự.

Các nghiên cứu trước đây cũng như về sau, tuy sử dụng các phương pháp khác làm tiêu chuẩn phỏng vấn, cũng đều đưa đến những kết quả tương tự.84 Nhà khoa học Việt Nam Bùi Hải Thiêm mới đây cũng xác định rõ: “Trong bối cảnh Việt Nam, xã hội dân sự được hiểu là một lĩnh vực của các hoạt động cộng đồng, trong đó các mối quan tâm và đòi hỏi chung của công dân được đại diện, các quyền lợi của họ được bảo vệ, cũng như các quan niệm hay đòi hỏi của họ được truyền đạt tới nhà cầm quyền. Tại đây, người ta có thể tranh luận, bàn cãi với các quan điểm, qui chế, giá trị cũng như thực tiễn hoạt động của Nhà nước.”85

Một mặt, cách hiểu mang tính mô tả, đồng thời cũng rất cởi mở như thế về xã hội dân sự (trong tư cách đại diện cho tập hợp của các tổ chức thuộc về nó) tuy mở ra cho các bên trong cuộc nhiều cơ hội hành động thật, nhưng mặt khác, cũng cho phép người ta suy đoán về một sự tồn tại của những lỗ hổng nhất định về mặt lý thuyết trong cách hiểu đó.

Trong nhiều năm gần đây, các lỗ hổng lý thuyết như thế được đề cập công khai tại các thảo luận về xã hội dân sự Viêt Nam và gần đây, chúng cũng được xem xét ráo riết. Về mặt này, tổ chức NGO ở Hà Nội “Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường” (iSEE)86 và cựu Giám đốc Viện, Lê Thanh Bình, đóng vai trò chủ xướng. Vào năm 2016 và 2017, các bên hữu quan cũng như các tổ chức xã hội dân sự đã tham dự vào một cuộc tranh luận sâu sắc và khá rộng rãi về vấn đề mà người ta có thể xem là lý thuyết xã hội dân sự.87 Hai hội nghị toàn quốc thiên về lý thuyết xã hội dân sự đã được tổ chức ở Hà Nội.88

Nằm ngoài các thảo luận lý thuyết đó, không những chỉ số lượng các tổ chức xã hội dân sự khác nhau đã tăng vọt lên trong 10-20 năm trở lại đây, mà các tổ chức này cũng mở rộng mạnh mẽ phạm vi hoạt động và, phần nào đó, còn thay đổi cả trọng tâm. Thế nhưng, trong quá trình đó, mối quan hệ của họ với nhà nước (cấp địa phương hay trung ương) không thay đổi một cách căn bản. Cũng như trước đây, đó là mối quan hệ hợp tác nhiều hơn là đối đầu. Không phải chỉ thông qua số lượng tăng nhanh chóng, mà còn thông qua sự phong phú hóa các lĩnh vực hoạt động, sự đa dạng hóa vai trò cũng như qua mối quan hệ đặc biệt của chúng với Nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự đã phản bác huyền thoại (“cho rằng ở Việt Nam không tồn tại xã hội dân sự”). Song, suốt một thời gian dài, chúng phản bác huyền thoại đó không phải bằng cách tranh luận lý thuyết với nó cũng như với những khái niệm nhất định khác về xã hội dân sự. Một khi phải tranh cãi với huyền thoại nói trên, các tổ chức này thực hiện điều đó theo cách thức thực tiễn, và phản bác, rồi phá bỏ huyền thoại đó theo cách của mình, nghĩa là bằng các hình thức và biện pháp thực tiễn vậy.

Khu vực hoạt động của các CSO Việt Nam

Trong giai đoạn những thập niên đầu thế kỷ 21, các CSO Việt Nam hoạt động mạnh trên các lĩnh vực chống đói, giảm nghèo (ở đây, các tổ chức quần chúng đã đóng vai trò quan trọng và tích cực)89, nhưng chương trình hoạt động của họ cũng bao gồm cả các lĩnh vực bảo vệ môi trường, hỗ trợ việc chia sẻ quyền lực (empowerment) hay các hình thức dân chủ hóa đặc trưng (“grassroots democracy”), cũng như lĩnh vực đấu tranh chống bạo hành đối với phụ nữ. Kết quả của một nghiên cứu đại diện được tiến hành ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2010 cho thấy, vào thời gian này, năm khu vực hoạt động thường xuyên nhất của các CSO ở những địa phương là công tác xã hội (35,7%), y tế (22,3%), hỗ trợ phát triển kinh tế (21,3%), giáo dục (19%) và “phát triển cộng đồng” (17%) (community development).90

Theo nghiên cứu này, cũng như theo một nghiên cứu khác được tiến hành hơi muộn hơn, điều đáng chú ý là sự khác nhau giữa các hoạt động điển hình của các CSO ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: Trong khi ở Miền Bắc, các CSO tập trung nhiều hơn vào việc phân tích chính sách, vào nghiên cứu khoa học và hỗ trợ kỹ thuật (technical assistance) phục vụ thực tiễn, các CSO ở Miền Nam lại quan tâm mạnh mẽ hơn nhiều vào các vấn đề xã hội cũng như chú trọng vào việc phục vụ và giúp đỡ những tầng lớp nhân dân bị thua thiệt. Taylor et al. lý giải sự khác biệt dựa vào truyền thống lâu đời hơn của công tác xã hội ở Miền Nam Việt Nam cũng như dựa vào sự tham gia mạnh mẽ của một số nhóm tôn giáo nhất định trên lĩnh vực phúc lợi xã hội.91

Những sự khác biệt trong hoạt động của các CSO miền Bắc và miền Nam đã từng được quan sát và phân tích từ những năm 1990 và thập niên đầu thế kỷ 21.92 Ở mức độ nhất định, chúng vẫn tồn tại đến ngày nay (2018). Tuy nhiên, ngay cả ở Hà Nội người ta cũng quen dần với lý thuyết và thực tiễn của công tác xã hội. Khá nhiều CSO ở Hà Nội, nhất là các NGO, đã hoạt động thành công với các tiền đề xuất phát từ công tác xã hội, ví dụ như “Viện Phát triển xã hội- Institute for Social Developments” (ISDS)93 và “Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng – Center of Supporting Community and Development Initiatives” (SCDI)94, là hai tổ chức hoạt động cùng, và vì những người mắc HIV/Aids.

Tuy nhiên người ta chẳng cần viện đến sự khác biệt về văn hóa xã hội cũng như về lịch sử giữa hai miền Bắc và Nam Việt Nam để giải thích những sự khác nhau trong hoạt động của các CSO miền Bắc và miền Nam. Hà Nội là trung tâm chính trị của đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh, cho dù rất mạnh về kinh tế, vẫn nằm xa trung tâm quyền lực đó. Ngoài ra, còn nhiều ảnh hưởng khác nữa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn môi trường hoạt động. Chẳng hạn Taylor et al. chỉ ra rằng, khá nhiều cơ quan tài trợ quốc tế nằm tại Hà Nội gần đây dường như đã động viên các CSO Việt Nam bắt tay thực hiện những dự án nhằm giảm hay thích ứng với biến đổi khí hậu.95 Faludi cũng nhận thấy một hiện tượng tương tự. Bà mô tả việc nhiều cơ quan tài trợ quốc tế hỗ trợ – nếu không nói là khuyến khích một cách tích cực – các NGO ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đấu tranh mạnh mẽ hơn cho quyền lợi của cộng đồng “LGBT” cũng như cho việc thừa nhận hôn nhân đồng tính như thế nào.96

Sự đa dạng trong những vai trò của các CSO Việt Nam và mối quan hệ của các tổ chức này với Nhà nước

Trong một nghiên cứu thăm dò, chưa mang tính đặc trưng nhiều, Wischermann et al. mới đây đã nhận ra rằng, theo cái đại diện của nhiều CSO Việt Nam, những vai trò quan trọng nhất của các tổ chức này là vai trò “luật sư biện hộ” (tuy nhiên, không đối đầu với nhà nước), vai trò “người làm dịch vụ” cũng như vai trò “cầu nối” giữa nhà nước với xã hội. Khi thăm dò, chỉ rất ít CSO đóng vai trò “canh chừng” (watch dog) hay “đại diện lợi ích” (lobbying).97 Hai phát hiện sau cùng ra tín hiệu cho thấy các ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà nước độc quyền tại Việt Nam đến các CSO cũng như đến việc lựa chọn những vai trò mà các tổ chức đó có thể đảm nhận trong hệ thống hiện hành. Tuy nhiên, tại Hội nghị xã hội dân sự đầu tiên của Việt Nam, diễn ra ngày 25 tháng 8 năm 2016 ở Hà Nội, các vấn đề về vai trò và hoạt động như vai trò “canh giữ” và “đại diện lợi ích” cũng đã được thảo luận. Trong quá trình thảo luận, người ta cũng nhấn mạnh đến việc các CSO (cần) đóng các vai trò như thế, rằng người ta cần lên tiếng về một số luật lệ hay quyết định và phê phán các chính sách do nhà chức trách ban hành và thực hiện.

Thế nhưng, các kết quả của nhiều nghiên cứu khác nhau được tiến hành trong những năm gần đây cho thấy, người ta có thể thừa nhận rằng, cung cách hoạt động chủ yếu của các CSO Việt Nam là hợp tác chứ không chống lại nhà cầm quyền. Kết luận này vẫn có giá trị, khi xem xét lại các số liệu thu được từ hai cuộc khảo sát được tiến hành trong thời gian giữa 1999 và 2001 cũng như giữa 2008 và 2009. Trong hai cuộc khảo cứu này, cũng vẫn chính những câu hỏi liên quan đến mối quan hệ với nhà nước đó đã được đặt ra cho một số đại diện nam nữ của các CSO điển hình tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các kết quả của nghiên cứu này xác nhận rõ ràng rằng, vào cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, các mâu thuẫn giữa Nhà nước với CSO đã răng lên rõ rệt. Chẳng hạn, số lượng những người cho biết, từng lúc, từng trường hợp họ đã gặp vấn đề trong quan hệ với nhà nước, đã tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, tác giả bài này cũng như nhóm khảo cứu Đức-Việt giữ ý kiến cho rằng, đó là quá trình “bình thường hóa” điển hình diễn ra trong một xã hội công nghiệp tư bản chủ nghĩa, một quá trình cũng có thể quan sát thấy ở nơi khác. Sự gia tăng các mâu thuẫn trong quan hệ giữa các CSO với nhà nước không làm thay đổi phong cách chính trị chủ yếu, một phong cách có thể gọi là hợp tác, đã nêu ra ở trên.98

Nếu chỉ xét mối quan hệ hợp tác và dựa trên nhiều mối quen biết cá nhân và mạng lưới giữa CSO Việt Nam với nhà mước mà xét,99 thì nhiều cuộc khảo cứu nữa cũng cho thấy những kết quả tương tự.

Nhưng, ngay cả khi tỏ ra có thiện ý với nhà nước, cũng không có nghĩa là người ta e ngại và trốn tránh các xung đột. Đồng thời có thể nhận thấy rằng, các bên hữu quan phi nhà nước rất chú ý đến việc “các đường ranh giới đỏ” nằm ở đâu. Hiện nay (2018) sự thận trọng như thế ở Thành phố Hồ Chí Minh có lẽ còn cần thiết hơn ở Hà Nội, vì chính quyền thành phố Hồ Chí Minh dường như đối xử mạnh tay hơi với các CSO địa phương hơn là chính quyền Hà Nội. Một thí dụ rút ra từ cuộc nói chuyện với một đại diện của tổ chức NGO “Life”100 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy rõ sự thận trọng và cân nhắc mọi điều mà người ta phải tính đến khi hoạt động.

“Tại các buộc thảo luận […] chúng tôi không muốn các đại diện chính quyền đối đầu với các đối tượng của chúng tôi (ví dụ như những người mắc HIV/Aids). Chúng tôi phải làm sao để tất cả mọi người đều ở một phe. Phải làm như thế mới được. Nếu một cơ quan nhà nước, cảnh sát hay tổ chức nào đó khác phản đối một ý định nhất định nào đó, thì chúng tôi mời đại diện của các cơ quan có ý kiến khác đó đến trao đổi ý kiến, tại đó chúng tôi sẽ trình bày ý tưởng, xin ý kiến họ, nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau. Mọi việc đó diễn ra nhằm mục tiêu tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau. Tất cả chúng tôi đều phải nhìn về một hướng. Việc phê bình không khéo léo chỉ dẫn đến xung đột. […] Bằng cách như thế chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi chuyện trò, rất cởi mở mà cũng nhiều tranh cãi. Tại đó chúng tôi giãi bày quan điểm của chúng tôi, và làm rõ hành động của chúng tôi dựa trên các cơ sở thông tin nào […]. Tất cả các biện pháp chúng tôi sử dụng và thi hành, về bản chất, đều mang tính phê phán, song chúng tôi không bao giờ công khai nói điều đó ra [phê phán, chú thích của tác giả J. W.] Trong bối cảnh chính trị hiện nay, tôi không muốn gây nguy hiểm cho sự tồn tại của tổ chức chúng tôi. Bất kể chúng tôi áp dụng biện pháp nào thì việc áp dụng đó không phải là mục đích tự thân. Chẳng hạn như việc ủng hộ một số chính sách nhất định nào đó của nhà nước. Nếu một trở ngại nào đó xuất hiện, thì cho đến nay chúng tôi vẫn tìm được đường né tránh nó. Thế nhưng chúng tôi không bao giờ lấy “lobbying” [theo nghĩa quảng cáo cho một vài chính sách nhất định, chú thích của J. W.] làm mục đích tự thân. Tuy chúng tôi cũng tiến hành quảng cáo cho một số chính sách, nhưng chúng tôi không gọi công việc của chúng tôi như thế.”101

Huyền thoại nói trên đã phát huy các chức năng tốt hay không tốt như thế nào?

Huyền thoại cho rằng “ở Việt Nam không tồn tại xã hội dân sự (thực sự)” đã “phát huy chức năng” một cách tốt đẹp đối với các nhà cầm quyền trong hàng ngũ Đảng CS Việt Nam và, tạo cho họ, xét về phương diện nhà cầm quyền, nhiều lợi thế. Thậm chí trong một thời gian dài họ đã có thể tách mình khỏi một thực tiễn đã phát triển ngược với các quan điểm lý thuyết của họ. Để biện minh cho thế giới quan và các hành vi chính trị của mình, họ có thể viện dẫn đến công cụ lý thuyết dưới hình thức của “mô hình lĩnh vực”.

Việc Đảng CS Việt Nam biết cách xử lý các mâu thuẫn giữa lý thuyết chính trị của họ với thực tiễn xã hội một cách khôn khéo là việc được được nhiều người biết và thừa nhận. Bài viết của Fforde trong chuyên khảo này cho thấy, người ta đã xử lý các mâu thuẫn như thế trong thời gian mới đây trên lĩnh vực chính sách kinh tế ra sao. Trong trường hợp huyền thoại về sự không tồn tại xã hội dân sự tại Việt Nam, tôi đồ rằng, cho đến tận ngày nay, Đảng CS Việt Nam vẫn tự tách mình về mặt lý thuyết khỏi mọi quan niệm về sự tồn tại của xã hội dân sự tại Việt Nam. Khái niệm xã hội dân sự không bao giờ được sử dụng công khai và sự tồn tại của xã hội dân sự cũng không được chủ động nhắc đến. Trong thực tiễn hoạt động chính trị và xã hội, người ta đã và đang sẵn sàng, ở mức độ nhất định, thừa nhận các thực tế cũng như thỏa hiệp với những quá trình phát triển – tuy không được chấp nhận về mặt lý thuyết – nhưng trên thực tế vẫn hữu ích. Để làm rõ điều này, có thể nhắc đến những lợi ích nảy sinh từ việc thu nhận một số CSO nhất định vào hệ thống chính trị và việc chịu chấp nhận để cho những NGO nào đứng ra đảm nhận các dịch vụ xã hội mà nhà nước “xã hội chủ nghĩa” không còn, hay chưa từng đảm nhận được lớn mạnh. Việc người ta cho đến nay vẫn chưa thông qua “Luật thành lập hiệp hội” cũng là một việc bắt nguồn từ sự tính toán chính trị. Việc duy trì thường xuyên sự không rõ ràng (về chính sách) và làm lan tràn sự hoang mang, không biết “ranh giới đỏ” cho các hoạt động chính trị sẽ được vạch ra nằm ở đâu là một biện pháp cai trị hiệu quả của các chế độ độc quyền và nó cũng được Đảng CS Việt Nam vận dụng trên thực tế.

Đối với các bên trong cuộc phía Việt Nam, nhất là các NGO và CBO, huyền thoại trên đã gây những tác dụng tiêu cực về mặt chính trị cũng như thực tiễn hoạt động của họ. Tình hình đó xảy ra trước hết là do nhà cầm quyền xác định họ là địch thủ, thậm chí là kẻ thù địch và cũng đối xử với họ một cách tương ứng. Trong phản ứng của các bên hữu quan tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đáp lại những sai lầm như thế của nhà cầm quyền trong cách xác định và nhận thức về họ (bởi vì, quả thực, phần lớn các CSO hữu quan đều có quan điểm hợp tác với nhà nước hoặc trong các hoạt động của mình, về căn bản, không nhằm phê phán nhà nước) có sự nhanh chậm khác nhau về mặt thời gian. Tuy nhiên, rốt cuộc, các tổ chức ở hai thành phố này đều không hành động tuân theo những giới hạn mà nhà cầm quyền muốn đặt ra cho họ. Họ thành lập một số lượng lớn các CSO với khoảng hoạt động cũng trải rộng giống như sự đa dạng của những vai trò mà họ đóng trong hệ thống chính trị ở Việt Nam. Như thế, trong thực tế hoạt động của mình, những CSO trong cuộc đã phủ nhận và bãi bỏ chính ngay huyền thoại đó.

Nhưng các bên trong cuộc của xã hội dân sự cũng đã phát triển một tự nhận thức khá rõ ràng về chính mình trong vai trò các chủ thể hành động và tổ chức của xã hội dân sự. Trong quá trình đó, đa số họ đi đến chỗ tự nhận thức, một nhận thức mà các xã hội dân sự khác ở châu Á thường đi đến, đúng như Alagappa đã xác định: Xã hội dân sự là một xã hội được đại diện bởi một tổ hợp các tổ chức xã hội dân sự. Mối quan hệ giữa họ với chính quyền (địa phương hay trung ương) được xác định một cách khác nhau.102

Như thế, xã hội dân sự của Việt Nam không phải là trường hợp đặc biệt ở khu vực châu Á. Nét đặc biệt của nó cũng không nằm ở chỗ, nhiều CSO của xã hội dân sự nâng đỡ nhà cầm quyền hiện hành. Các CSO khác ở nhiều nước châu Á khác cũng hoạt động như vậy. Nếu ta theo luận cứ của Arun Patnaik, thì điều đó có nghĩa là các CSO nói chung đều hoàn thành những chức năng “tích cực” và “tiêu cực”.103 Như vậy, một số (ít) CSO Việt Nam góp phần hỗ trợ vào việc (tiếp tục) dân chủ hóa hệ thống chính trị ở Việt Nam, trong khi (nhiều) tổ chức khác lại đóng góp cho sự tiếp tục tồn tại của hệ thống đó dưới dạng ít dân chủ hơn. Và, một số CSO còn phát huy cả hai chức năng đó một cách đồng thời.

Đối với giới khoa học, trước hết là các nhà khoa học nước ngoài, huyền thoại về việc xã hội dân sự không tồn tại ở Việt Nam đã có ý nghĩa trong suốt một thời gian dài như một công cụ đắc dụng. Việc áp dụng nó đã đem lại tiếng tăm khoa học và một khoản thu nhập nào đó cho một số người. Song, trong sự phủ nhận thực tế nằm ở căn nguyên nội tại của huyền thoại nói trên lại chứa đựng cơ hội cho nhiều nhà khoa học khác, đặc biệt là những nhà khoa học trẻ tuổi, kể các các nhà khoa học Việt Nam, đưa ra những quan niệm “khác luồng” về xã hội dân sự, thử nghiệm chúng trong thực tiễn và trình bày các kết quả nghiên cứu của chính mình trong giới khoa học và chính trị, đặc biệt nhất là với những giới nằm ngoài Việt Nam. Các quan niệm khác biệt đó chưa phải là “bá chủ”. Song, chúng có đủ tiềm năng để đóng vai trò đó. Như thế, dường như huyền thoại nói trên cũng đã phát huy một chức năng rốt cuộc là tích cực đối với các nhà phê bình nó về mặt khoa học: Sự phê phán đó có lẽ cũng sẽ mang đến, ít nhất là trong tương lai gần, những hình thức khác nhau trong việc thừa nhận công việc của những nhà khoa học nam nữ “khác luồng” đó.

Chú thích
1

Xem thêm https://www.facebook.com/sdrcvn/; http://sdrc.org.vn/en/article/gioi-thieu-ve-sdrc-26.

2

Để mở đầu: https://de.wikipedia.org/wiki/Demokratischer_Zentralismus.

3

Từ đây và về sau, tôi xuất phát từ nhận định cho rằng, ở Việt Nam ít nhất cũng tồn tại những hình thức tổ chức xã hội như sau: Tổ chức quần chúng (thí dụ Hội Liên hiệp phụ nữ”, http://hoilhpn.org.vn/newsdetail.asp?CatId=66&NewsId=819&lang=EN), tổ chức nghề nghiệp (ví dụ như Hội Luật gia), tổ chức phi chính phủ (ví dụ như tổ chức đã nhắc đến lúc đầu SDRDC), Hội doanh nhân (ví dụ như Phòng thương mại và công nghệ, http://e.vcci.com.vn/), hiệp hội tôn giáo (ví dụ Hội Phật giáo, http://phatgiao.org.vn/, và các loại “bếp” của các chùa chiền dành cho người nghèo), những tổ chức gọi “community-based organisations” (ví dụ như các nhóm tương trợ giữa những người mắc bệnh Aids) và các loại Hội nông dân (các tổ tự tương trợ của nông dân). Tôi xem tất cả các hiệp hội nằm trong các hình thức nói trên, kể cả những tổ chức gọi là tổ chức quần chúng, là các tổ chức của xã hội dân sự. Theo các nghiên cức khác nhau, tất cả các loại tổ chức nói trên đều là kết quả của các hoạt động mang tính xã hội dân sự (xem thêm). Xuất phát ngay từ các quan điểm lý thuyết bá chủ, người ta cũng có thể xam các tổ chức này là các tổ chức xã hội dân sự (xem thêm ).

4

Joerg Wischermann/Vinh Quang Nguyen: The Relationship between Civic Organizations and Governmental Organizations in Vietnam: Selected Findings of an Empirical Survey, trong: Benedict J. T. Kerkvliet/Russell Heng/David Koh, (chủ biên), Getting organized in Vietnam – Moving in and around the Socialist State, Singapore 2003, tr. 190-195, 225-227.

5

Government Report No. 502/TTr-CP, 13. October 2015.

6

Thiem Hai Bui, The Development of Civil Society and Dynamics of Governance in Vietnam’s One Party Rule, trong: Global Change, Peace & Security, 25 (2013) 1, tr. 77.

7

Tôi hiểu sự thu nạp theo quan điểm của Selznik là “quá trình tiếp nhận các phần tử mới vào giới lãnh đạo chính trị hay vào các cơ cấu quyết định chính sách của một tổ chức, nhằm mục tiêu loại trừ mối đe dọa sự bền vững hay sự tồn tại của tổ chức. Người ta có thể tiến hành thu nạp chính thức hay không chính thức. Hình thức nào được lựa chọn [,] sẽ phụ thuộc vào tính chất đặc biệt của vấn đề cần được giải quyết.” Philip Selznick, TVA and the Grass Roots. A Study in the Sociology of Formal Organization, Berkeley, Los Angeles 1949, tr. 13.

8

Carlyle A. Thayer, Vietnam and the Challenge of Political Civil Society, trong: Contemporary Southeast Asia. A Journal of International and Strategic Affairs, 31 (2009) 1, tr. 6, J. W. dịch sang tiếng Đức.

9

Như trên, tr. 10.

10

Carlyle A. Thayer, Vietnam’s Foreign Policy in an Era of Rising Sino-US Competition: Providing Equity to the Major Powers while pursuing proactive international integration, Presentation to International Conference on Great Powers Rivalries, Domestic Polotics, and Southeast Asian Foreign Policy, The Dorothy Borg Research Project Columbia University, New York, 10.-11. November 2016, tr. 2.

11

Oscar Salemink, Translating, Interpreting, and Practicing Civil Society in Vietnam. A tale of calculated misunderstandings, trong: David Lewis/David Mosse (chủ biên), Development brokers and translators: The ethnography of aid and agency, Bloomfield 2006, trS. 105, J. W. dịch từ tiếng Anh. 12 John Kleinen, Vietnam: One-Party-State and the mimicry of civil society, Researc

12

John Kleinen, Vietnam: One-Party-State and the mimicry of civil society, Research Institute on Contemporary Southeast Asia (IRASEC), Bangkok, Occasional Papers 2015, tr. 96, J. W. dịch, http://www.irasec.com/ouvrage122.

13

Juan J. Linz: Totalitarian and Authoritarian Regimes. With a new introduction, Boulder, CO 2000, tr. 159.

14

“Yếu tố đa nguyên là dấu hiệu nổi bật của chế độ chuyên chế”, Linz xác định (như trên, tr. 161).

15

Karen Stenner, The Authoritarian Dynamic, Cambridge 2005.

16

Alexis de Tocqueville, Über die Demokratie in Amerika. Beide Teile in einem Band, München 1987.

17

Mark E. Warren, Democracy and Association, Princeton, Oxford 2001.

18

Larry J. Diamond, Developing Democracy: Toward Consolidation, Baltimore 1999, tr. 221.

19

Như trên, tr. 224.

20

Jonathan Menge, Zivilgesellschaft in Vietnam. Chancen und Grenzen zivilgesellschaftlichen Handelns im sozialistischen Einparteienstaat. Ein westlich-demokratisches Konzept auf dem Prüfstand, Berlin 2012; Marie Perinova, Civil Society in Authoritarian Regimes. The Analysis of China, Burma and Vietnam, Thesis at Lund University, Department of Political Science, Lund 2005, https://lup.lub.lu.se/student-papers/search/publication/1330580.

21

Vedi R. Hadiz, Indonesia, trong: Akihiro Ogawa (chủ biên), Routledge Handbook of Civil Society trong Asia, Oxford 2018, tr. 175-190.

22

Sven Reichardt, Civility, Violence and Civil Society, trong: John Keane (chủ biên), Civil Society. Berlin Perspectives, London 2006, tr. 139-168; Sven Reichardt, Gewalt und Zivilität im Wandel. Konzeptionelle Überlegungen zur Zivilgesellschaft aus historischer Sicht, trong: Dieter Gosewinkel/Dieter Rucht/Wolfgang van den Daele/Jürgen Kocka (chủ biên), Zivilgesellschaft – national und transnational, WZB-Jahrbuch 2003, Berlin 2004, tr. 61-81; Paul Nolte, The Faces of Inequality, trong: John Keane (chủ biên), Civil Society. Berlin Perspectives, London 2006, tr. 71-90.

23

Irene Norlund (chủ biên), The Emerging Civil Society. An Initial Assessment of Civil Society in Vietnam, Hanoi 2006, www.undp.org/content/dam/vietnam/…/22110_3202_Civicuc_report__E_%20(1).pdf.

24

Thayer (CT 8), tr. 10. Thayer đặt cơ sở cho kết luận tại đây bằng sự thiếu tự chủ đối với nhà nước, không phải bằng sự khiếm khuyết của nhũng giá trị nhất đinh.

25

John Keane, Global Civil Society?, trong: Helmut Anheier/Marlies Glasius/Mary Kaldor (chủ biên), Global Civil Society, Oxford 2001, tr. 31.

26

Michael Walzer, The civil society argument, Gunnar Myrdal Lecture University of Stockholm, October 1990, tr. 9, http://journals.lub.lu.se/index.php/st/article/download/2863/2427.

27

Joseph Hannah, Local Non-Government Organizations in Vietnam: Development, Civil Society and State-Society Relations, Ph. D. thesis, University of Washington 2007, http://faculty.washington.edu/jhannah/dissertation/Hannah%20-%20dissertationTOC.htm; Andrew Wells-Dang, Informal Pathbreakers: Civil Society Networks in China and Vietnam, Ph. D. thesis, University of Birmingham 2011, etheses.bham.ac.uk/1631/1/WellsDang11PhD.pdf; Joerg Wischermann, Civil Society Action and Governance in Vietnam. Selected Findings from an Empirical Survey, trong: Journal of Current Southeast Asian Affairs, 29 (2010) 2, S. 3-40, https://www.gigahamburg. de/en/publication/civil-society-action-and-governance-in-vietnam-selected-findings-from-anempirical; ders., Governance and Civil Society Action in Vietnam:Changing the Rules from Within—Potentials and Limits, in: Asian Politics and Policies, 3(2011) 3, tr. 383-411; ders./Cuong The Bui/Phuong Thi Viet Dang, Vietnamese Civic Organisations:Supporters of or Obstacles to Further Democratisation? Results from an Empirical Survey, trong: Journal of Current Southeast Asian Affairs, 35 (2016) 2, tr. 57-88, xem https://journals.sub.uni-hamburg.de/giga/jsaa/article/view/954/961; Thiem Hai Bui (CT 6).

28

David Marr, The Vietnam Communist Party and Civil Society, Paper presented at the Vietnam Update conference: Doi Moi, The State and Civil Society, Australian National University, 10.-11. November 1994.

29

Joerg Wischermann, Vietnam in the Era of Doi Moi. Issue-Oriented Organizations and Their Relationship to the Government, trong: Asian Survey, 43 (2003) 6, tr. 886.

30

Dẫn theo Thiem Hai Bui (CT. 6), tr. 79. Hai cột khác đã và đang là Đảng CS cũng như Nhà nước do Đảng giám sát.

31

Quyết định 68/2010/QD-TTg, 1. 11. 2010.

32

Xem thêm http://www.vusta.vn/en/.

33

Duc Thanh Nguyen/Giang Khac Nguyen/Cuong Sy Vu, Social and Economic Costs of State-sponsored Mass Organisations in Vietnam Hanoi, Hanoi 2015, tr. 175.

34

Xem thêm http://mattran.org.vn/home/gioithieumt/luatmt/lmttqvn1.htm.

35

Nét đặc trung của “sự khoan dung được phép” là ở chỗ, một nền chuyên chế chấp nhận “sự khác biệc” trong khuôn khổ nhất định do phía nhà cầm quyền qui định: “Sự khước từ, chấp nhận hay phản bác nằm trong tay nhà độc quyền, nhà đọc quyền không bị ràng buộc bởi bất cứ nguyên tắc biện minh đã được xác định nào.” Rainer Forst, Toleranz und Demokratie, in: Der Streit um die Toleranz. Deutung und Konsequenzen eines moralisch-politischen Leitbegriffs, Dokumentation der Jahrestagung der Grünen Akademie vom 19./20. 11. 2004, Berlin 2005, tr. 11.

36

Salemink (CT 11), tr. 107-117.

37

David Marr (CT 28), tr. 13 f., J. W. dịch.

38

Benedict J. T. Kerkvliet, Introduction: Grappling with Organizations and the State in Contemporary Vietnam, trong: same/Russell Hiang-Khng Heng/David Wee Hock Koh (chủ biên), Getting Organized in Vietnam. Moving in and around the Socialist State, Singapore 2003, tr. 1-24.

39

Bản tóm tắt của khảo cứu được đăng trong Norlund (CT 23), tr. 117-120.

40

Norlund và khảo cứu CIVICUS xa rời nhiều nhất khỏi quân niệm về đường ranh giới chắc chắn giữa các lính vực này, xem như trên, tr. 21.

41

Wells-Dang (CT 27),tr. 12.

42

Wischermann/Nguyen (CT 4), tr. 189. Vì nhiều lý do khác nhau, các tác giả buộc phải tránh dùng thuật ngữ các tổ chức xã hội dân sự và sử dụng khái niệm “Civic Organisations” (dịch ý: các tổ chức công dân.)

43

Jörg Wischermann, Civil Society Action and Governance in Vietnam (CT 27), tr. 14.

44

Hannah (CT 27), tr. 16.

45

Russell Hiang-Khng Heng, Civil Society effectiveness and the Vietnamese state – Despite or because of the lack of autonomy, trong: Lee Hock Guan (chủ biên), Civil Society in Southeast Asia, Singapur 2004, tr. 146

46

Ở đây tôi dựa vào đề nghị của Alexander, khi phân tích các xã hội dân sự cần tập trung vào các yếu tố thực tiễn của chúng (»Real Civil Societies«); xem thêm Jeffrey Alexander, Introduction: Civil Society I, II, III: Constructing an Empirical Concept from Controversies and historical Transformations, tr: ders. (chủ biên), Real Civil Societies. Dilemmas of Institutionalization, London 1998, tr. 1-19.

47

Để cho ngắn gọn, ở đây tôi không nhắc lại quan điểm xuất phát từ các nghiên cứu lý thuyết về mạng lưới dựa trên các khảo cứu về phong trào xã hôi của Wells-Dang (CT 27) và các kết quả nghiên cứu của ông.

48

Norman Uphoff/Anirudh Krishna, Civil Society and Public Sector Institutions: More than a Zero-Sum Relationship, trong: Public Administration and Development, 24 (2004) 4, tr. 357-372.

49

Hannah (CT 27), tr. 182, nhấn mạnh trong nguyên bản, J. W. dịch.

50

Như trên, tr. 11, nhấn mạnh trong nguyên bản.

51

Như trên, tr. 6.

52

Như trên, tr. 7.

53

Như trên, tr. 209.

54

Về bối cảnh lý thuyết, xem thêm Wischermann, Civil Society Action and Governance in Vietnam (CT 27), tr. 9-12.

55

Về lý thuyết, khái niệm mang tính hành động hợp logic về xã hội dân sự được đặt nền móng dựa trên các lý thuyết xã hội học, như lý thuyết của Parson, Shil, Habermas và Gidden. Xem thêm về vấn đề này và về bối cảnh lý thuyết nói chung: Dieter Gosewinkel/Dieter Rucht, ›History meets sociology‹: Zivilgesellschaft als Prozess, trong: dies./Wolfgang van den Daele/Jürgen Kocka (chủ biên ) Zivilgesellschaft – national und transnational, WZB-Jahrbuch 2003, Berlin 2004, tr. 29-60.

56

Warren (CT 17), tr. 57.

57

Xem thêm Dieter Gosewinkel, Zivilgesellschaft – eine Erschließung des Themas von den Grenzen her, Wissenschaftszentrum Berlin, Discussion Paper Nr. SP IV 2003-505, Berlin 2003.

58

Gosewinkel/Rucht (CT 55), tr. 49.

59

Như trên, tr. 46.

60

Định nghĩa tác nghiệp về bốn chiều hoạt động này của các hành vi mang tính xã hội dân sự được trình bày ở Jörg Wischermann, Civil Society Action and Governance in Vietnam (CT 27), tr. 11-12.

61

Gosewinkel/Rucht (CT 55), tr. 53.

62

Như trên, tr. 49.

63

Như trên, tr. 52.

64

Jörg Wischermann, Civil Society Action and Governance in Vietnam (CT 27), tr. 33.

65

Jörg Wischermann, Governance and Civil Society Action in Vietnam (CT 27), tr. 406.

66

Theo Votsos, Der Begriff der Zivilgesellschaft bei Antonio Gramsci, Hamburg 2001, tr. 84.

67

Như trên, tr. 84.

68

Antonio Gramsci, Gefängnishefte, ấn phẩm 10 tập, 1991, Hamburg, Ở đây: Tập 6, quyển 10, Phần II, § 15, tr. 1267.

69

Như trên, Tập 7, quyển 12, § 1, tr. 1502.

70

Như trên, Tập 7, quyển 12, § 1, tr. 1502.

71

Alex Demirovic, Politische Gesellschaft – zivile Gesellschaft. Zur Theorie des integralen Staates bei Antonio Gramsci, in: Sonja Buckel/Andreas Fischer-Lescano (chủ biên), Hegemonie gepanzert mit Zwang. Zivilgesellschaft und Politik im Staatsverständnis Antonio Gramscis, Wiesbaden 2007, tr. 24. Mặc dù – nói một cách chung chung – đối với Gramsci, ngược với Marx, xã hội dân sự là một „hiện tượng thượng tầng kiến trúc“, ông vẫn kiên quyết chống lại cách diễn giải duy tâm về xã hội dân sự, tức là quan niệm cho rằng xã hội dân sự hoàn toàn không dinh dáng gì đế nền tẳng kinh tế của xã hội và/hoặc với nhà nước cả. Theo Gramsci, đúng hơn là xã hội dân sự, nhà nước và nên kinh tế bổ sung lẫn nhau và mỗi lĩnh vực đều có nhiệm vụ riêng và đóng góp và một hình thức cai trị nhất định. Song, ưu thế tuyệt đối không được quy cho một (bình diện) cơ cấu nào cả (Votsos, [CT 66], tr. 120).

72

Votsos (CT 66), tr. 94.

73

Thiem Hai Bui (CT 6), tr. 93.

74

Jörg Wischermann, Authoritarian Rule, trong: Akihiro Ogawa (chủ biên), Routledge Handbook of Civil Society in Asia, Oxford 2018, tr. 344-361.

75

Brigitte Sauer, »Only paradoxes to offer?« Feministische Demokratie- und Repräsentationstheorie in der »Postdemokratie«, trongn: Österreichische Zeitschrift für Politikwissenschaft, 40 (2011) 2, tr. 134.

76

Như trên, tr. 134.

77

Thorsten Hallmann: Lokale Zivilgesellschaft, Drogen und öffentlicher Raum. Eine Fallstudie zu Politischer Kultur und Kommunikation am Beispiel des Diskurses der Drogenpolitik und Drogenszene in Münster, Inauguraldissertation zur Erlangung des Doktorgrades der Philosophischen Fakultät der Westfälischen Wilhelms-Universität zu Münster, 2009, tr. 29-31.

78

Reinhart Kößler: Postkoloniale Staaten. Elemente eines Bezugsrahmens, Hamburg 1994.

79

Michael Mann, The Autonomous Power of the State: Its Origins, Mechanisms and Results, trong: Archives européennes de sociologie, 25 (1984) 2, tr. 185-213.

80

Wischermann et al. bỏ qua, không nghiên cứu tác động của bạo lực cưỡng chế lên xã hội dân sự, bởi một nghiên cứu như thế trong các điều kiện chính trị ở Việt Nam rất có thể sẽ gây ra những mối nguy cơ không tính trước được đối với các đại diện xã hội dân sự tham gia nghiên cứu cũng như đối với các nghiên cứu viên tham gia công trình.

81

Đó là quan điểm được các đại diện của tổ chức quần chúng ửng hộ mạnh mẽ.

82

Wischermann, Civil Society Action and Governance in Vietnam (CT 27), tr. 18.

83

Việc các đại diện của nhiều tổ chức quần chúng ủng hộ mạnh quan điểm thứ hai bắt nguồn từ chỗ các tổ chức này cho rằng họ không được đánh giá đúng mức về chính trị. Họ muốn được có tiếng nói và ảnh hưởng nhiều hơn và giám sát những người phụ trách về chính trị nhiều hơn. Tất cả những điều đó sẽ có thể làm rõ, việc cải tổ chính trị hoặc ít nhất sự dân chủ hóa có giới hạn là cần thiết, xem thêm Wischermann, Civil Society Action and Governance in Vietnam (CT 27), tr. 19.

84

Benedict J. T. Kerkvliet/A Quang Nguyen/Sinh Tan Bach, Forms of Engagement Between State Agencies and Civil Society Organizations in Vietnam, Study Report, Hanoi 2008, http://ngocentre.org.vn/files/docs/Forms_of_Engagement_FINAL_COMPLETE.pdf; William Taylor/Thu Hang Nguyen/Pham Quang Tu/Tuyet Thi Ngoc Huynh, Civil Society in Vietnam: A Comparative Study of Civil Society Organizations in Hanoi and Ho Chi Minh-City, Hanoi 2012, https://asiafoundation.org/resources/pdfs/CivilSocietyReportFINALweb.pdf

85

Thiem Hai Bui (CT 6), tr. 80.

86

Xem thêm http://isee.org.vn/en.

87

Xem thêm http://isee.org.vn/en/Blog/Category/civil-society.

88

Có thể tìm thấy thông tin về Hội nghị năm 2017 trong http://isee.org.vn/en/Blog/Article/thesecond-civil-society-seminar.

89

Shozo Sakata, Changing Roles of Mass Organizations in Poverty Reduction in Vietnam, trong Vu Tuan Anh/Shozo Sakata (chủ biên), Actors for Poverty Reduction in Vietnam, Hanoi 2006, tr. 49-79; Norlund (CT 23).

90

Các số liệu của nghiên cứu chưa được công bố năm 2009.

91

Taylor et al. (CT 84), tr. 17.

92

Mark Sidel, The Emergence of a Nonprofit Sector and Philanthropy in the Socialist Republic of Vietnam, trong: Takeshi Yamamoto (chủ biên), Emerging Civil Society in the Asia Pacific Community, Singapur, Tokio 1995, tr. 294, 297; Wischermann (CT 29), tr. 874-877.

93

http://isds.org.vn/.

94

http://scdi.org.vn/?slangid=en-US#.

95

Taylor et al (CT 84), tr. 17.

96

Laura Faludi, The Vietnamese LGBT Movement and the Media Framing and re-Framing Homosexuality in Vietnamese Public and Media Discourses, Wissenschaftliche Hausarbeit zur Erlangung des akademischen Grades eines Masters of Arts der Universität Hamburg, 2016, tr. 90.

97

Jörg Wischermann/Cuong The Bui/Phuong Thi Viet Dang/Minh Chau Thi Nguyen, Under the State’s Thumb: Results from an Empirical Survey of Civil Organizations in Vietnam, GIGA Working Paper, Nr. 276, July 2015, Hamburg, tr. 21, https://www.giga-hamburg.de/en/publication/results-from-an-empirical-survey-of-civic-organizations-in-of-civic-organizations-in-vietnam.

98

Jörg Wischermann, Civil Society Action and Governance in Vietnam (CT 27), tr. 31.

99

Kerkvliet et al (CT 84), tr. 20.; Taylor et al (CT 84), tr. 22.

100

Xem thêm http://life-vietnam.org/en/about-us.

101

Dẫn từ các kết quả chưa công bố của dự án »Zivilgesellschaften als Unterstützer autoritärer Regime? Ein Regionen-übergreifender Vergleich (Algerien, Mozambik, Vietnam)« (2013-2016), xem thêm https://www.giga-hamburg.de/de/projekt/civilsociety-organizations-as-supporters-of-authoritarian-rule-a-cross-regional-comparison.

102

Alagappa, Muthiah (chủ biên), Civil Society and Political Change in Asia, Stanford 2004.

103

Arun K. Patnaik, The Contemporary Significance of Gramsci’s Critique of Civil Society, trong WorkingUSA 15 (2012) 4, tr. 579.