Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Việt Nam – Huyền thoại và thực tế (kỳ 7)

Jörg WischermannGerhard Will (chủ biên)

Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung)

Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản.

clip_image002

Nguyễn Hồng Hải

Chương 7 Huyền thoại về một chế độ chính trị bất ứng ở Việt Nam

Quan niệm được chấp nhận phổ biến cho rằng các chế độ chuyên chế, đặc biệt là những chế độ khoác lên mình chiếc áo chủ nghĩa cộng sản, không thể tồn tại được lâu và cuối cùng sẽ chuyển sang chế độ dân chủ.1 Giả thuyết huyễn hoặc này đã được minh họa trong cuốn Làn sóng Dân chủ hóa thứ Ba của Samuel Huntington2 và bằng sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô cũ, Trung và Đông Âu trong cuối thập kỷ 1980. Chính làn sóng và sự sụp đổ này đã khích lệ nhà tư tưởng Mỹ Francis Fukuyama đi đến tuyên bố về Điểm Tận cùng của Lịch sử3 ngay trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Gần đây hơn, giả thuyết này được củng cố thêm thành sự thật khi các chế độ độc tài ở Trung Đông và Tây Phi bị lật đổ trong thời kỳ Mùa xuân Ả Rập năm 2011. Tuy nhiên, sự hồi sinh của nhiều chế độ chuyên chế, đặc biệt là sự dẻo dai của các chế độ cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc, đã khiến nhiều người ở phương Tây thắc mắc làm sao mà những chế độ này không những sống mòn và vượt qua các cuộc khủng hoảng mà còn thịnh vượng về kinh tế.

Trong ba thập niên trở lại đây, Việt Nam đã chuyển đổi đầy ấn tượng, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá và chịu nạn đói triền miên thành một thần kỳ kinh tế tiếp theo ở Đông Á, và mới đây đã gia nhập hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình. Đối với nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây, các chuyên gia về phát triển và những người nghiên cứu về lý thuyết dân chủ hóa, sự chuyển đổi của Việt Nam là một huyền thoại, được phản ánh qua hai khía cạnh. Thứ nhất, sự phát triển chính trị của đất nước này mâu thuẫn với tư duy chung cho rằng tự do hóa kinh tế sẽ dẫn tới tự do hóa chính trị. Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam có tiềm năng trở thành con rồng kinh tế tiếp theo ở Đông Á, nhưng cấu trúc hệ thống chính trị vẫn không thay đổi.4 Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vẫn là chính đảng duy nhất cầm quyền, ngày càng tăng cường sự độc quyền của mình và bỏ qua những lời kêu gọi trong nội bộ về thiết lập một hệ thống đa đảng, khoan dung hơn đối với những lực lượng đối lập và cho phép xã hội dân sự một không gian tự do.

clip_image002[5]

„Bộ An ninh quốc gia“ đầy hấp dẫn bởi kiến trúc minh bạch © Christian Oster

Thứ hai, mặc dù ĐCSVN đối diện với cái mà Svolik đã lập luận là vấn đề của chế độ chuyên chế, đó là mối đe dọa xuất phát từ quần chúng nhân dân đối với nền cai trị của chế độ đó, song chế độ chính trị ở Việt Nam vẫn bền vững.5 Một số nhà phân tích đã cực đoan quy sự bền vững này là do sự thiết quyền của đảng lên nhân dân, gắn cho chế độ cái mác là một chính quyền đàn áp.6 Quan điểm này được phụ họa thêm bằng những báo cáo theo kiểu giật tít mà vốn thiên về những xung đột giữa chính quyền và nông dân liên quan tới việc sử dụng và quản lý đất, cũng như sự đàn áp của nhà nước lên những người bất đồng chính kiến.7 Những tường thuật trong các báo cáo này có xu hướng tạo cho người đọc cảm giác rằng chế độ này không đáp ứng nguyện vọng và khát cầu công bằng của người dân. Tóm lại, huyền thoại về chế độ ở Việt Nam là tự do hóa kinh tế nhưng đàn áp và không đáp ứng về chính trị. Quan điểm đã được đơn giản hóa này còn xa với những phát triển trên thực tế trong chế độ chính trị ở Việt Nam gắn liền với sự bền vững của ĐCSVN.

Đã có nhiều những nỗ lực muốn đặc trưng hóa hệ thống chính trị đương đại của Việt Nam.8 Ví dụ, Kerkvliet, một học giả nổi tiếng về chính trị Việt Nam, đã gắn cho chế độ cái nhãn là “đáp ứng – đàn áp” dựa trên phân loại của ông theo phạm trù các nhóm mẫu để chỉ ra việc đáp ứng và đàn áp của nhà nước.9 Trong một bài viết khác đã được xuất bản, tôi lập luận rằng chế độ này mang ba đặc trưng: “chuyên chế thông minh”, trong đó ĐCSVN đáp ứng những nhu cầu của người dân và có những cơ chế nhằm hấp thụ và quản lý sự giận dữ của người dân; “chuyên chế cạnh tranh”, trong đó cho phép không gian cạnh tranh nhất định và dân chủ được thực hành trong đảng; “chuyên chế toàn trị”, trong đó đối lập chính trị hoàn toàn không được khoan dung.10 Chương này là một sự đóng góp khiêm tốn thêm của tôi vào việc nghiên cứu về sự bền vững của ĐCSVN.

Theo quan điểm của tôi, chìa khóa để hiểu sự tồn tại và tiếp tục nắm quyền của ĐCSVN là phải tìm hiểu xem những chiến thuật và cách dùng những chiến thuật này của ĐCSVN là gì để tiếp tục nắm giữ quyền lực và duy trì chế độ chính trị của Đảng.Điều này sẽ giúp vén bức màn huyền thoại về một chế độ chính trị đàn áp và bất ứng ở Việt Nam. Tôi lập luận rằng ĐCSVN và chế độ của Đảng đã có thể tồn tại và nắm chắc quyền lực của mình là bởi Đảng biết kết hợp dựa vào cả hành động cưỡng bức và đồng thuận. Điều này sẽ cho phép chế độ này thích ứng linh hoạt với tình hình chính trị trên thực tế, tránh và giảm thiểu xung đột giữa nhà nước và xã hội, và trấn áp mọi thách thức xuất hiện từ không gian xã hội dân sự đe dọa thành trì quyền lực của Đảng.11 Khái niệm ‘cưỡng bức’ trong bối cảnh này nói rộng ra là chính quyền dùng quyền lực của mình để ngăn chặn sự bất đồng về những vấn đề nhạy cảm và trấn áp đối lập cũng như các hoạt động được cho là thách thức sự cai trị và quan điểm chính trị chính thống của ĐCSVN. Khái niệm ‘đồng thuận’ có nghĩa là sự nhất trí đạt được thông qua đối thoại giữa quan chức chính quyền và người dân địa phương khi giải quyết một sự việc nào đó để tránh bạo lực mà có thể dẫn đến bất ổn xã hội và khủng hoảng chính trị. Đồng thuận còn có nghĩa là sự thỏa hiệp, đặc biệt là nhìn từ góc độ chính quyền, miễn là nó không đe dọa đến quyền lực của Đảng. Hai câu chuyện khủng hoảng gần đây sẽ được sử dụng có thể minh họa cho sự cưỡng bức và đồng thuận trong bối cảnh này. Trong phần kết luận, tôi trở lại với điều đã chứng minh rằng sự tồn tại của ĐCSVN phụ thuộc vào cách thức Đảng giữ được và nuôi dưỡng niềm tin của quần chúng vào chế độ. Kết luận mang tính chất khẳng định này không chỉ đúng với Việt Nam mà còn có ý nghĩa chính trị đáng kể đối với những chế độ chuyên chế khác và các nhà nước có chế độ một đảng.

Có hai điều đáng lưu ý ở đây. Một là, một số phần bàn luận ở chương này được rút ra từ cuốn sách12 và một bài tạp chí 13trước đây của tôi. Hai là, lập luận trong chương này không có ý định ám chỉ rằng chế độ chính trị của nhà nước-đảng này không và sẽ không thay đổi. Trên thực tế, có thể lập luận rằng chế độ đó đã và đang chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản chuyên chính sang chủ nghĩa cộng sản tư bản, và có thể chuyển đổi sang dân chủ một cách hòa bình.14 Tuy nhiên, sự chuyển đổi này là một câu chuyện kể khác và nằm ngoài phạm vi của chương này.

Chế độ Đảng, Nhà nước và Quản trị ở Việt nam

Từ giữa năm 1976, sau hai thế hệ liên tiếp chống Pháp và Mỹ thành công, Việt Nam đã được đặt dưới sự cai trị của ĐCSVN mà vốn được thành lập năm 1930 tại Côn Luân, Hồng Kông, Trung Quốc.15 Chế độ cai trị của ĐCSVN được hiến định và được khẳng định lại trong Điều lệ Đảng. Điều này cho phép Đảng đứng trên tất cả mọi thứ và không thể bị thách thức.16 Trong những thập kỉ đầu tiên tồn tại, ĐCSVN tuyên bố sẽ tiến hành “cách mạng dân chủ tư sản nhằm lật đổ chế độ thực dân và phong kiến, tiến hành cải tô”17 và thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”18 để giành sự ủng hộ của giai cấp nông dân, thành phần đóng vai trò hạt nhân hình thành và trong suốt quá trình lịch sử của Đảng. Đảng cam kết xây dựng một xã hội mang đậm các nguyên tắc phổ quát, bao gồm cả nguyên tắc bình đẳng, công bằng và dân chủ. Gần đây hơn, Đảng đã đưa ra và theo đuổi một nghị trình chính trị đầy tham vọng, đó là xây dựng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.19 Tuy nhiên, một nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng và thẳng thắn cho rằng trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, Đảng đã quay lưng lại với những tư tưởng cách mạng khi ra đời và chỉ còn ưu tiên đến việc làm sao để Đảng tiếp tục cầm quyền.20

Trong quá trình cai trị đất nước, ĐCSVN đã lập lên một chế độ có thể tạo điều kiện cho Đảng kiểm soát cả ba nhánh trong một hệ thống nhà nước hiện đại – lập pháp (quốc hội ), hành pháp (chính phủ), và tư pháp (tòa án). Cấu trúc quản trị này gần như được lặp lại ở cả bốn cấp: trung ương, tỉnh, quận/huyện, và xã/phường. Trong khi nhà nước không phải là một ‘cái gì đó thuộc về tư tưởng’ đúng nghĩa như Philip Abrams21 định nghĩa trong nhiều trường hợp khác, nhưng nhà nước ở Việt Nam, giống với nhà nước ở Trung Quốc, có thể biện luận và được chấp nhận một cách phổ biến là nó như một thực thể tồn tại bằng lý tưởng.22 Thêm vào đó, vận hành song trùng với hệ thống chính quyền là một bộ máy các cơ quan của ĐCSVN mà trên lýthuyết là có chức năng kiểm tra và giám sát nhưng trên thực tế lại đóng vai trò phê chuẩn cuối cùng. Hệ thống chính trị song hành này được thể hiện hơn nữa qua sự kết hợp những biểu trưng của Đảng và nhà nước – cờ đảng, cờ tổ quốc, và quốc ca – trong những nghi lễ chung, trên truyền thông chính thống của nhà nước, trên và trong những tòa nhà công sở. Điều này biến Việt Nam giống một nhà nước-đảng hiện đại hơn. Trong nhà nước-đảng này, tương tự như những gì Vivienne Shue đã miêu tả, “chính quyền lý tưởng là phải duy trì trật tự xã hội tự ổn định, trong đó người dân được hưởng lợi từ sự phát triển và tiến bộ kinh tế, có chung tinh thần dân tộc chủ nghĩa, và sống hài hòa trong xã hội”.23

Dưới chế độ cai trị của ĐCSVN, các mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội được quản trị theo một cơ chế là “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”. Cơ chế của thời đại Liên Xô này được khởi xướng trong thập kỉ 1980 và vẫn còn hiệu lực cho tới ngày nay.24 ĐCSVN phong cho chế độ của mình là “của dân, do dân và vì dân”. Cán bộ chính quyền được xác định là đầy tớ của dân.25 Mối quan hệ giữa những đầy tớ này với người chủ của họ, nghĩa là nhân dân, đã từng được mô tả một cách châm biếm và hài hước như sau:

Đầy tớ đi xe Volga Gia đình nhà chủ ra ga đợi tàu Đầy tớ sống trong nhà lầu Gia đình nhà chủ lợp dầu che mưa Đầy tớ ăn nhậu ngày đêm Gia đình nhà chủ rau dưa cuối ngày.26

Một học giả nổi tiếng của Việt Nam đã nhận định rằng chính cơ chế không rõ ràng nói trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bí thư đảng ủy địa phương, những người cũng thường đồng thời kiêm chủ tịch chính quyền địa phương, có quyền lực tuyệt đối và gạt ra rìa giai cấp nông dân.27 Trong hầu hết các trường hợp, những quan chức địa phương này đã lạm dụng quyền lực của họ để trục lợi cá nhân và xa lánh những người nông dân nghèo.28 Sự mục ruỗng của hệ thống chính trị cấp địa phương và sự thất bại của những chính sách kinh tế vĩ mô cấp quốc gia từ giữa những năm 1970 đến giữa những năm 1980 đã đặt nhà nước-đảng trước nguy cơ phải đối mặt với “một cuộc khủng hoảng xã hội toàn diện” mà tôi đặt tên cho nó là “khủng hoảng 1.0”. Cuộc khủng hoảng này đã làm giảm sút niềm tin của người dân vào chế độ và đe dọa sự sống còn của ĐCSVN.29

ĐCSVN và chế độ của Đảng sau rồi cũng đã có thể vượt qua khủng hoảng nhờ chính sách cải cách được thể chế hóa có tên là Đổi mới được chính thức thông qua năm 1986. Sự phát triển và tiến bộ về kinh tế trong vòng một thập kỷ đã giúp ĐCSVN lấy lại được niềm tin của nhân dân và củng cố sự độc quyền của Đảng. Tuy nhiên, nhà nước-đảng đã sớm phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội khác mà tôi gọi đó là “cuộc khủng hoảng 2.0”. Cuộc khủng hoảng 2.0 này cho đến nay vẫn diễn ra dai dẳng và nguy cấp hơn. Nó mang đặc trưng bởi những phản kháng của nông dân, thành phần trên thực tế tạo nên đa số ủng hộ cho tính chính đáng của ĐCSVN. Những phản kháng này thường liên quan đến việc tước đoạt đất đai cho mục đích phi nông nghiệp, cưỡng chế và tham nhũng của cán bộ địa phương. Chúng tiềm ẩn gây bất ổn xã hội ở địa phương và trên thực tế đặt ra mối đe dọa trực tiếp đến quyền lực của ĐCSVN.

Những phản kháng của nông dân và dân chủ ở cơ sở

Các cuộc phản kháng của nông dân nổi lên như một hiện tượng xã hội phổ biến ở nhà nước- đảng trong suốt những năm 1990. Dữ liệu thu thập được bởi một số học giả nghiên cứu về Việt Nam đã cho biết rằng trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến giữa những năm 1990 có khoảng 200.000 đơn kiện và 120 “điểm nóng” nghiêm trọng, trong đó 40% được phân loại là “âm ỉ”, 49% là “căng thẳng” và 11% là “gay gắt”.30 Những cuộc phản kháng này đều liên quan tới tham nhũng của quan chức chính quyền trong việc quản lý đất nông nghiệp. Người nông dân cảm thấy lòng trung thành của họ với Đảng đã bị lạm dụng, và khẩu hiệu cách mạng “người cày có ruộng” mà ĐCSVN đưa ra để giành sự ủng hộ của họ chỉ là mỹ từ. Trong một số trường hợp, sự phẫn nộ của nông dân đã chuyển thành bạo lực khi chính quyền địa phương huy động lực lượng cảnh sát và quân đội cưỡng chế họ ra khỏi mảnh đất của họ. ĐCSVN đã từng thừa nhận:

“Bộ máy đảng, nhà nước và đoàn thể chậm được sắp xếp lại, tinh giản và nâng cao chất lượng; còn nhiều biểu hiện quan liêu, vi phạm nghiêm trọng quyền dân chủ của nhân dân.”31

Đảng cũng chỉ ra nguyên nhân gốc rễ của những cuộc phản kháng này, là:

“Chính quyền địa phương ở một số nơi đã có nhiều biểu hiện tiêu cực và sai trái; lợi dụng kẽ hở trong quá trình chuyển đổi cơ chế, nhiều tổ chức chính quyền ở nhiều nơi đã lợi dụng việc bán đất, đấu thầu và thực hiện dự án để huy động dân đóng góp quá sức vào xây dựng cơ sở hạ tầng, lập quỹ trái phép, lạm dụng công quỹ; tham ô, hối lộ, mưu lợi cá nhân, quản lý lỏng lẻo gây thất thoát công quỹ. Trong khi đó, nhiều đòi hỏi của người dân về công bằng, dân chủ, công khai không được thực hiện. Nhân dân hầu như không được tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định những công việc cụ thể liên quan trực tiếp đến cuộc sống của dân, vì vậy đã làm dân bất bình, phản ứng rất gay gắt.”32

Năm 1997, Đảng đã bị sốc trước các cuộc bạo loạn của nông dân ở Thái Bình, một tỉnh thuần nông ven biển, cách thủ đô Hà Nội khoảng 110km. Mô tả một cách ngắn gọn thì năm trên bảy xã và thị trấn trong tỉnh đã có các cuộc phản kháng thu hút hàng chục nghìn nông dân tham gia. Cuộc khủng hoảng đã dẫn đến bạo lực khi những đòi hỏi của nông dân không được đáp ứng. Các người làng đã tràn vào trụ sở ủy ban nhân dân, đập và phá hủy một vài trong số những biểu tượng bất diệt của chế độ như tượng Hồ Chí Minh, cờ Đảng và cờ tổ quốc. Họ cũng xông vào nhà riêng của lãnh đạo và kế toán trưởng của xã, đốt và phá hủy toàn bộ đồ dùng gia đình và xô xát với thành viên trong gia đình của những lãnh đạo này. Một kế toán địa phương đã treo cổ tự tử do áp lực từ dân làng. Cuộc khủng hoảng diễn ra trên phạm vi toàn tỉnh, kéo dài liên tục trong bốn tháng và chỉ kết thúc khi có sự can thiệp của chính quyền trung ương. Cuộc khủng hoảng này đã khiến ĐCSVN nhận ra rằng quyền lực và tính chính danh của Đảng đang bị đe dọa; sự suy thoái của bộ máy nhà nước ở địa phương ngày càng trầm trọng, và quan hệ giữa giai cấp nông dân và nhà nước đã không còn được mật thiết.

Đáp lại những đòi hỏi của người dân và phản ứng trước tình hình như vậy, ĐCSVN đã truy tố nhiều quan chức địa phương, và triển khai nhiều thiết chế để tiếp nhận và giải quyết những bức xúc của người dân. Một trong những thiết chế đó là tăng cường thực hành dân chủ cơ sở (DCCS) mà vốn được biết đến với tên gọi dân dã là Quy chế Dân chủ Cơ sở (QCDCCS). Mục đích của QCDCCS là trao quyền cho nông dân và giữ tình hình ổn định ở nông thôn, và buộc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm giải trình và đáp ứng những yêu cầu của xã hội sở tại. ĐCSVN đã nhấn mạnh rằng mục đích của DCCS là “để phát huy đầy đủ quyền dân chủ của nguời dân; thu hút sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước, kiểm tra và giám sát bộ máy nhà nước; xóa bỏ tình trạng suy thoái, tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, thiếu dân chủ và tham nhũng”.33 Một số học giả đã đặt câu hỏi về ý nghĩa đích thực của DCCS. Ví dụ, Mattner coi DCCS “là một cơ chế để qua đó trung ương nỗ lực xác lập sự kiểm soát chặt chẽ hơn với địa phương bằng cách chỉ ch0 phép không gian có giới hạn các thỏa thuận ở cơ sở”.34 Vì vậy, đối với ông, DCCS là một chiến thuật chính trị của ĐCSVN, dùng nó để hấp thụ “sự bất mãn của người dân vào trong các cơ chế chính thống của nhà nước-đảng này”, và dẫn dắt sự bất mãn như vậy của người dân qua những kênh chính trị đã được nhà nước thiết lập thay vì để chúng dẫn đến tình trạng bất ổn hoặc thậm chí phủ nhận sạch trơn hệ thống chính trị”.35

Mặc dù đồng tình phần nào với quan điểm của Mattner, song tôi lập luận rằng DCCS là một quy trình tăng quyền cho cả ĐCSVN lẫn người dân, và ở mức độ nào đó, nên được xem là một hoạt động cải cách chính trị “chân thành” của ĐCSVN.36 Cụ thể hơn, DCCS là một không gian, trong đó đảng cầm quyền có thể gắn những đòi hỏi của nguời dân với quyền lực của nhà nước, đồng thời giảm thiểu sự bất mãn của người dân đối với hoạt động của chế độ. Mặc khác, nó cho người dân một không gian nhất định để tự do biểu đạt, cho phép họ trực tiếp bầu lãnh đạo khu dân cư của mình và buộc các đảng viên tại cơ sở chịu trách nhiệm giải trình.

Kể từ khi QCDCCS được thực hiện như một dự án chính trị thử nghiệm vào năm 1998, và đã được thực hiện một cách bắt buộc trên toàn quốc trong 10 năm trở lại đây, các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra cả thành công và thất bại của quy chế này37. Ở những nơi DCCS không thành công, việc trao đổi và tiếp xúc giữa nguời dân địa phương và chính quyền ở đây gần như không có. Sự cưỡng bức được thực hiện dưới hình thức bạo lực của cảnh sát và các vụ hành hung của những tên côn đồ để buộc người dân phải thực hiện một chính sách nào đó. Tuy nhiên, phương thức đàn áp cưỡng bức này vấp phải sự chống đối kịch liệt của người dân địa phương. Chính quyền trung ương có xu hướng thực hiện cách tiếp cận khác. Họ phê phán chính quyền điạ phương là không thực hiện đúng và tốt chính sách nên đã khiến người dân bất bình và gây mất ổn định xã hội. Thêm vào đó, chính phủ nhấn mạnh tới việc đối thoại và tham vấn, hai trong số những quy định gắn với tinh thần của DCCS, nhằm đạt sự đồng thuận giữa nhà nước và xã hội. Hai trường hợp nghiên cứu điển hình dưới đây sẽ minh chứng cho những biến thiên trong cách tiếp cận này.

“Quả bom” Đoàn Văn Vươn

Đây là cái tên được gắn cho câu chuyện về hành vi chống đối có thật của một nông dân nuôi tôm cùng các thành viên trong gia đình, trong đó có cả các anh em trai và vợ ông, trước việc chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, một thành phố cảng ở phía đông bắc Việt Nam, cách Hà Nội 120 cây số, cưỡng đoạt mảnh đất nông nghiệp và trang tại nuôi tôm của ông. Người nông dân này tên là Đoàn Văn Vươn, đã từng tham gia quân đội và tốt nghiệp ngành kỹ sư nông nghiệp ở trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Năm 1993, Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng ra quyết định giao 21 héc-ta đất ven biển cho ông Đoàn Văn Vươn để nuôi trồng thủy sản với thời hạn thuê là 14 năm. Ông Vươn khởi nghiệp bằng số vốn từ việc bán tài sản cá nhân, vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng. Ông đã lao động cực nhọc để mở rộng khu đất ra hướng biển, và thậm chí còn mất con gái đầu lòng 8 tuổi của mình do đuối nước khi theo cha mẹ ra đầm tôm. Đến năm 1995, ông đã đắp được một con đê bao và trồng hàng ngàn cây sú dọc bờ đê, tạo thành một vùng đầm rộng lớn cho việc nuôi tôm, cá để kiếm sống.

Tháng 3 năm 1997, ông Vươn làm đơn xin chính quyền huyện giao bổ sung thêm 19,3 héc-ta đất. Chính quyền chấp thuận, nâng tổng diện tích đất ông Vươn sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản lên 40,3 héc-ta với thời hạn thuê là 14 năm. Con đê do ông Vươn xây dựng để bảo vệ đầm tôm của mình được nối và gia cố cho đê công vụ nhằm ngăn lũ lụt trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã phủ nhận và khẳng định rằng chính họ đã xây dựng con đê. Việc này đã bị người dân địa phương phản đối.

Một chi tiết quan trọng cần lưu ý ở đây là lần giao đất đầu tiên của chính quyền địa phương cho ông Vươn diễn ra 10 ngày trước khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực. Luật này quy định rằng những khu vực đất đai được sử dụng cho mục đích như của ông Vươn thì thời hạn thuê sẽ là 20 năm. Vì vậy, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan ở cấp trung ương phụ trách quản lý đất đai, thời hạn cho thuê 21 héc-ta trong lần giao đất đầu tiên cho ông Vươn nhẽ ra phải là 20 năm. Điều này có nghĩa là thời hạn thuê khu đất này sẽ hết hiệu lực vào năm 2013 (chứ không phải năm 2007).38 Tương tự, khu đất bổ sung được giao lần thứ hai cho ông Vươn vào năm 1997 sẽ hết hạn vào năm 2017 (chứ không phải năm 2011). Tuy nhiên, năm 2009, chính quyền huyện Tiên lãng đã tiến hành thủ tục để thu hồi toàn bộ tổng số 40,3 héc-ta đất của ông Vươn. Không đồng ý với quyết định của chính quyền huyện, ông Vươn đã gửi đơn khiếu nại lên tòa án huyện. Tòa án sau đó đã ra phán quyết ủng hộ quyết định của chính quyền. Ông Vươn tiếp tục kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn là Tòa án Nhân dân thành phố Hải phòng. Với sự hòa giải của tòa án, ông Vươn đã chấp thuận những điều khoản trong “Biên bản Thỏa thuận” rằng nếu ông rút đơn kháng cáo thì chính quyền huyện Tiên Lãng sẽ cho phép ông tiếp tục sử dụng đất.

Ba ngày sau khi ông Vươn rút đơn kháng cáo, ngày 19 tháng 4 năm 2010, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã ra quyết định đình chỉ phúc thẩm quyết định của tòa án huyện. Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 2010 đến tháng 11 năm 2011, Ủy ban Nhân dân huyện đã phớt lờ Biên bản Thỏa thuận và liên tục yêu cầu ông Vươn trả lại đất. Ông Vươn đã không giao lại mà còn đề nghị chính quyền tiếp tục cho ông thuê để nuôi trồng thủy sản. Ngày 24 tháng 11 năm 2011, Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 307/QĐ-UBND về việc thi hành cưỡng chế thu hồi 19,3 héc-ta đất nuôi trồng thủy sản của ông Vươn. Kèm theo Quyết định này là Kế hoạch số 104/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện về việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất. Bản kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất nêu rõ rằng toàn bộ diện tích đất và những công trình trên khu đất đó phải được bảo vệ và giao lại nguyên vẹn cho chính quyền địa phương. Đối phó với kế hoạch cưỡng chế của chính quyền, ông Vươn, với sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình đã dựng hàng rào, chôn mìn tự chế được phủ lên bằng rơm, và trang bị súng ngắn cải biên loại nhẹ nhằm răn đe và ngăn cản lực lượng cưỡng chế xông vào đất của ông.

Sáng mồng 5 tháng 01 năm 2012, chính quyền huyện Tiên Lãng đã huy động hơn 100 người gồm cả lực lượng công an và quân đội được trang bị súng và chó nghiệp vụ để tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Lúc đó ông Vươn không có mặt tại hiện trường, nhưng các anh em trai của ông đã sử dụng mìn tự chế và súng ngắn cải biên để chống lại. Mặc dù không có ai thiệt mạng, nhưng 4 công an và 2 chiến sỹ quân đội bị thương. Ông Vươn và 5 thành viên khác trong gia đình bao gồm cả vợ ông đã bị bắt ngay sau đó. Trong vòng hai ngày, ngôi nhà hai tầng và các công trình xây dựng khác của gia đình ông Vươn trên mảnh đất này đã bị san ủi. Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, người có mặt tại hiện trường để chỉ đạo lực lượng an ninh, đã mô tả vụ việc cưỡng chế thu hồi đất là “một sự hiệp đồng tác chiến đẹp” giữa công an và quân đội và có thể được viết thành sách.39 Tuy nhiên, phát biểu này giống như thêm dầu vào lửa trong xã hội lúc bấy giờ.

Khi vụ việc ở Tiên Lãng diễn ra, nhiều người đã ngay lập tức nhớ lại cuộc bạo động không thể quên của nông dân Thái Bình cách đây 14 năm. Tuy nhiên, khác với cuộc khủng hoảng ở Thái Bình mà hầu như không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng do sự kiểm duyệt chặt chẽ của nhà nước, vụ việc ở Tiên Lãng gần như liên tục được cập nhật từng giờ từng phút trên truyền thông nhà nước và mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, Lê Đức Anh, đã phê phán gay gắt vụ việc và thẳng thừng chỉ ra rằng “chính quyền xã, huyện đều sai và đây là bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm”.40 Trong khi đó, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, cho rằng cách làm của chính quyền huyện Tiên Lãng “vừa thiếu lí, vừa vô tình“.41 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một cựu đại biểu Quốc hội chính trực và uy tín, cho rằng vụ việc này là “một tổn thất chính trị lớn” đối với chế độ.42 Đã xuất hiện nhiều kiến nghị chính phủ phải nhanh chóng giải quyết vụ việc để “ổn định lòng dân”.43

Trước những phản ứng ngày càng gay gắt của dư luận và những chỉ trích quyết liệt từ các cựu quan chức cấp cao của đảng và chính phủ, ngày 15 tháng 01 năm 2012, Thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng, người cũng đồng thời tham gia sinh hoạt tại các đơn vị cử tri ở Hải Phòng, trong đó có cả Tiên Lãng, đã yêu cầu lãnh đạo chính quyền thành phố Hải Phòng báo cáo vụ việc.44 Ngày 02 tháng 02, Văn phòng Chính phủ ra thông báo rằng Thủ tướng sẽ chủ trì một cuộc họp tham vấn với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng trước khi ra quyết định cuối cùng về vụ việc.45 Ngày 7 tháng 02, Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức họp báo để thông báo quyết định phê bình tập thể thường vụ Đảng ủy huyện Tiên Lãng; đình chỉ công tác đối với Phó Bí thư kiêm Chủ tịch, và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng.46 Ngày hôm sau, do áp lực của dự luận, Công an thành phố Hải Phòng đã quyết định khởi tố vụ án đối với những cá nhân liên quan tới cáo buộc cố ý hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn.47 Dư luận cũng yêu cầu xem xét trách nhiệm của Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng.48 Ngày 10 tháng 02, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận tại cuộc họp với sự tham gia của nhiều cơ quan rằng chính quyền địa phương ở Tiên Lãng đã hoàn toàn sai.49

Sau quyết định của Thủ tướng, 5 cựu quan chức của chính quyền huyện Tiên Lãng đã bị bắt và chịu xử lý hình sự vì tội ‘ cố ý hủy hoại tài sản của công dân’ và ‘ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’.50 Tuy nhiên, bản án dành cho những quan chức này được xem là ‘nhẹ’ so với hành vi phạm tội của họ theo quy định của luật.51 Ngoài ra, 50 cán bộ của huyện Tiên lãng đã bị phê bình và phải chịu các hình thức kỉ luật khác nhau; Đảng ủy Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng bị khiển trách.52 Ông Vươn và 5 thành viên khác trong gia đình bị buộc tội ‘cố ý giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ’.53 Sau 2 năm đi tù, ông Vươn và em trai được ân xá năm 2015 và quyết tâm gây dựng lại cuộc sống và công việc làm ăn của họ.54

Bạo động ở Đồng Tâm

Vào trung tuần tháng 4 năm 2017, ‘ĐồngTâm’, cái tên của một xã thuần nông truyền thống thuộc huyện Mỹ Đức và chỉ cách trung tâm Hà Nội 2 giờ đồng hồ đi xe ô tô, đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội, thu hút sự quan tâm của người dân cả nước. Tại đây đã xảy ra cuộc đối đầu giữa “những người nông dân nghèo nhưng lương thiện và chất phác” với công an và chính quyền địa phương. Cách thức mà nguời dân phản ứng lại trước sự đàn áp của chính quyền địa phương đã làm cho cuộc bạo động này được ví với vụ bạo loạn chính trị ở Ngô Khảm (Wukan) của Trung Quốc năm 2011,55 và cuộc nổi dậy của nông dân được gán cho cái mác là ‘Công xã Paris’ năm 1871.56

Vụ bạo động liên quan tới vấn đề quản lý và thu hồi đất ở Đồng Tâm. Câu chuyện bắt đầu từ tháng 4 năm 1980 khi Phó Thủ tướng khi đó là ông Đỗ Mười thay mặt chính phủ ký quyết định phê duyệt việc cấp và giao 208 héc-ta đất nông nghiệp bao trùm một số xã, trong đó có xã Đồng Tâm thuộc huyện Mỹ Đức, cho Bộ Quốc phòng để xây dựng sân bay quân sự Miếu Môn, một phần trong một dự án an ninh quốc gia. Trong số 208 héc-ta này, có 47.36 héc-ta thuộc xã Đồng Tâm. Năm 1989, Lữ đoàn 28 kế thừa Bộ Tư lệnh Công binh quản lý đất. Năm 2007, dự án xây dựng sân bay quân sự Miếu Môn được xác định là không khả thi. Do đó, Lữ đoàn 28 đã trả lại 47.36 héc-ta đất cho Đồng Tâm. Ngày 30 tháng 7 năm 2007, ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm đã công bố văn bản xác định rõ ranh giới giữa đất nông nghiệp và đất quân sự.

Năm 2014, trong khi nông dân xã Đồng Tâm đang đợi nhận lại thửa đất của họ để sản xuất nông nghiệp, Lữ đoàn 28 đã lập hồ sơ địa chính và gửi hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 236,7 héc-ta đất, nghĩa là nhiều hơn 28,7 héc-ta so với diện tích đất ban đầu được cấp năm 1980 và hiển nhiên là bao gồm cả 47.36 héc-ta đất mà theo kế hoạch trước đó đã phải trả lại cho nông dân xã Đồng Tâm. Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Bộ Tổng Tham mưu thay mặt Bộ Quốc phòng ra quyết định thu hồi đất và cấp 50.03 héc-ta, mà hầu hết số đất này thuộc xã Đồng Tâm, cho tập đoàn viễn thông Viettel thuộc Bộ Quốc phòng vì ‘mục đích quân sự’.

Điều làm cho phần lớn nông dân xã Đồng Tâm phẫn nộ là mặc dù chưa nhận lại phần đất của họ để sản xuất, một số cá nhân khác trong xã lại ‘đang sở hữu’ hàng ngàn mét vuông đất và thậm chí còn xây những ngôi nhà kiên cố trên khu đất đó để bán và chuyển nhượng. Đáng lưu ý trong số những cá nhân này là ông Trần Ngọc Viễn và ông Nguyễn Văn Toản, mỗi người sở hữu tương ứng 12.000 m2 và 11.000 m2 đất. Ngày 23 tháng 5 năm 2014, trả lời kiến nghị của nông dân xã Đồng Tâm, Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức giải thích rằng cả ông Viễn và ông Toản đều xây nhà của họ trên đất thuộc quản lý của Lữ đoàn 28. Ngày 23 tháng 10 năm 2014, Lữ đoàn 28 khẳng định lại quyền quản lý toàn bộ khu đất. Tuy nhiên, nông dân xã Đồng Tâm khẳng định rằng cả hai ông Viễn và ông Toản đã đang sử dụng khu đất ngoài địa giới đã được phân cho mục đích quốc phòng, nghĩa là họ đang sử dụng phần đất nông nghiệp được Lữ đoàn trả lại cho xã Đồng Tâm như đã thỏa thuận năm 2007. Việc đối xử không công bằng này và lời giải thích không rõ ràng của cả Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức và Lữ đoàn 28 thuộc Bộ Quốc phòng càng khiến nông dân xã Đồng Tâm phẫn nộ, liên tục tổ chức khiếu nại và phản đối tập thể đòi trả lại đất nông nghiệp cho họ. Có ba điểm cần nhắc lại trước thời điểm xảy ra vụ bạo động. Thứ nhất, việc xây dựng sân bay quân sự Miếu Môn chưa bao giờ được triển khai trên khu đất theo quyết định của Thủ tướng năm 1980. Thứ hai, Lữ đoàn 28 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thứ ba, không có bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa nông dân Đồng Tâm với chính quyền địa phương và Bộ Quốc phòng được tổ chức.

Từ cuối năm 2016, đơn thư khiếu nại và những vụ chống đối của nông dân xã Đồng Tâm nhiều hơn, thu hút hàng trăm người tham gia nhưng chủ yếu là nông dân thuộc thôn Hoành. Họ không chấp nhận những lời giải thích của chính quyền địa phương và Bộ Quốc phòng. Họ tổ chức biểu tình đến các cơ quan trung ương ở Hà Nội để phản đối và ngăn không cho chính quyền địa phương và Bộ Quốc phòng vào khu vực mà họ tuyên bố là đất nông nghiệp của họ. Các vụ chống đối của nông dân xã Đồng Tâm trở nên quyết liệt hơn kể từ giữa tháng 2 năm 2017 khi tập đoàn Viettel tổ chức phân giới cắm mốc. Các người làng ở đây đã xông vào khu vực cắm mốc, nhổ các tấm biển ‘khu quân sự’ và tiến hành sản xuất nông nghiệp. Trong tuần đầu tháng 3 năm 2017, hàng trăm người làng ở Đồng Tâm đã tập trung biểu tình trước Ủy ban Nhân dân xã và xô xát với lượng an ninh. Ngày 10 tháng 3 năm 2017, nông dân Đồng Tâm đã dựng một cái lều tạm trong khu vực đất tranh chấp để xác lập quyền sở hữu của họ và để bảo vệ hoa màu. Ngày 30 tháng 3 năm 2017, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố một số nông dân Đồng Tâm, trong đó có cụ Lê Đình Kình, 83 tuổi, và người được trong thôn kính trọng, vì tội “gây rối làm mất trật tự công cộng”; đồng thời, Cục Điều tra Hình sự thuộc Bộ Quốc phòng đã ra quyết định truy tố những cá nhân này với tội danh “ngăn cản và chống người thi hành công vụ”.57

Sự đối đầu giữa nông dân Đồng Tâm và chính quyền địa phương đạt tới đỉnh điểm hôm 15 tháng 4 năm 2017 khi một vài người làng, những người được mời chứng kiến việc phân giới cắm mốc giữa đất của quân đội và đất nông nghiệp, đã bị cảnh sát cơ động bắt và đưa đi. Trong số những người bị bắt này có cụ Kình, người được cho là phải nhập viện để chữa trị hai chân bị gãy do cảnh sát cơ động đánh đập và xô đẩy.58 Việc cưỡng chế bắt người này đã trở thành giọt nước tràn ly. Đáp lại, hàng trăm nông dân Đồng Tâm đã quay sang tấn công cảnh sát cơ động và cán bộ địa phương. Họ đã bắt 38 nguời, hầu hết là cảnh sát cơ động, và giam giữ những người này trong một ngôi đình làm con tin để trao đổi những người làng đã bị bắt trước đó.59 Những nông dân này sau đó còn dựng rào chặn tất cả các con đường dẫn vào xã với mục đích là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Một số thông tin không được kiểm chứng còn cho biết rằng người dân trong thôn thậm chí cũng đã chuẩn bị dầu và củi để phóng hỏa tự thiêu mình và những cảnh sát đang bị giam giữ kia nếu bị tấn công. Thông điệp từ các người làng đưa ra là những nông dân đã bị cảnh sát bắt phải được thả và phải tổ chức đối thoại với lãnh đạo của chính quyền thành phố Hà Nội.

Ngày 17 tháng 4, người dân xã đồng Tâm thả 18 sỹ quan và chiến sỹ cảnh sát để đổi lại việc những người làng đã bị bắt trước đó được thả về. Đề nghị chân thành của người dân muốn có một cuộc đối thoại được thể hiện bằng thực tế là tất cả những người bị họ bắt giữ đều được đối xử rất nhân đạo. Những người này được phục vụ ăn ngon, thậm chí còn ngon hơn cả những bữa ăn của chính người dân, và được tiếp tế nước uống và những nhu yếu phẩm khác hàng ngày.60 Cùng ngày, theo ghi nhận, đã có cuộc trao đổi bước đầu qua điện thoại giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung, với người dân xã Đồng Tâm.61 Sau cuộc nói chuyện trên điện thoại này, tình hình ở Đồng Tâm vẫn vô cùng căng thẳng. Người dân tiếp tục lập rào chắn mới bằng gạch, đá, thanh gỗ to, bàn ghế cũ và thậm chí cả tủ lạnh cũ. Họ chặn và khám xét tất cả những ai đi lại trên con đường chính chạy qua xã. Ngày 19 tháng 4, đáp lại yêu cầu từ xã hội là cần phải đối thoại với nông dân xã Đồng Tâm62, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thông báo rằng chủ tịch Hà Nội sẽ gặp và đối thoại thẳng thắn với nông dân xã Đồng Tâm.63 Ngày hôm sau, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội bác quyết định bắt và tạm giam cụ Kình cùng hai người dân khác thuộc xã Đồng Tâm. Đến buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch thành phố Hà Nội và đại diện một số cơ quan trung ương, trong đó có cả hai đại biểu Quốc hội, đã đến huyện Mỹ Đức để gặp nhân dân xã Đồng Tâm tại trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện, nhưng chỉ có một số đại diện nông dân có mặt và truyền đạt lại yêu cầu của người dân rằng họ muốn đối thoại với Chủ tịch Hà Nội ở trong thôn. Việc hầu hết người dân Đồng Tâm không tham dự cuộc họp đã phản ánh sự mất lòng tin sâu sắc và phản ứng thận trọng của họ đối với hành vi của chính quyền.

Ngày 21 tháng 4, người dân Đồng Tâm đã thả một cán bộ địa phương và gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội một ‘Tâm thư’ và đơn kiến nghị trong đó trình bày 8 vấn đề. Họ cũng thừa nhận rằng việc bắt và giam giữ những chiến sỹ và sỹ quan cảnh sát là trái pháp luật và xin được miễn tội hình sự.64 Ngày 22 tháng 4, với sự nhượng bộ của cả hai phía, cuộc đối thoại giữa Chủ tịch thành phố Hà Nội và 50 nông dân xã Đồng Tâm đã diễn ra tại thôn Hoành. Cuộc đối thoại diễn ra hai tiếng đồng hồ đã cho kết quả là một bản cam kết viết tay của Chủ tịch thành phố Hà Nội rằng sẽ không đưa bất kể người dân nào đã tham gia vào vụ bạo động ra tòa để xét xử tội hình sự, và chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan rà soát lại toàn bộ quá trình liên quan đến đất đai tại huyện Mỹ Đức, và thông báo kết quả điều tra trong vòng 45 ngày. Sau buổi đối thoại, tất cả những sỹ quan cảnh sát bị bắt giữ đã được thả, chấm dứt cuộc đối đầu giữa chính quyền và người dân địa phương.

Những hệ lụy của v65ụ bạo động ở Đồng Tâm đã được nhắc lại trong các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Việt Nam với cử tri. Tại một trong số các buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu rằng “chính quyền địa phương biết lắng nghe người dân đã không có vụ Đồng Tâm”.66 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu một cách thẳng thắn hơn, chỉ ra rằng “trong vụ bạo động ở Đồng Tâm, chính quyền địa phương đã sai và không thực hiện đúng luật”.67 Đám cháy Đồng Tâm tạm thời được dập tắt, nhưng khói vẫn còn và có thể bùng cháy trở lại bất kể lúc nào nếu những cam kết của chính quyền không được tôn trọng. Thật vậy, đây là một nhiệm vụ đầy thách thức cho bất kể chính quyền nào ở Hà Nội muốn giải quyết vấn đề đất đai ở Đồng Tâm, hoặc các vụ việc tương tự ở những địa phương khác trên cả nước để làm sao vừa không làm suy yếu quyền lực của nhà nước lại vừa thỏa mãn nhu cầu của người dân địa phương, trừ khi những người nông dân này được tôn trọng là người chủ thực sự đất đai của họ, nhà nước ứng xử chân thành, và minh bạch. Điều này đòi hỏi phải có cải cách chính trị một cách có hệ thống.

Cưỡng bức, đồng thuận và lỗi hệ thống

Hai câu chuyện khủng hoảng trên đây cho thấy cách hành xử khác nhau trong việc cưỡng bức và thu phục nhân tâm của chính quyền ở Việt Nam. Hai trường hợp này minh họa cho nhận định sơ bộ của tôi là: chính quyền địa phương có xu hướng dùng biện pháp cưỡng bức để giải quyết các cuộc khủng hoảng, trong khi chính quyền trung ương dựa vào sự đồng thuận để khôi phục trật tự công cộng và thu phục nhân tâm. Cả hai trường hợp này cũng chứng minh cho lý lẽ mà ĐCSVN thường ám chỉ khi xử lý các cuộc khủng hoảng rằng chính sách và pháp luật của nhà nước luôn đúng, và vì chính quyển địa phương không thực hiện đúng chính sách và pháp luật nên mới để xảy ra các vụ bạo động như vậy. Kể từ khi ĐCSVN cầm quyền trên phạm vi cả nước từ giữa năm 1976, đặc biệt là trong ba thập kỉ qua, cưỡng bức và đồng thuận giống như yếu tố lực đẩy và kéo để giữ cho chế độ thăng bằng và tránh sụp đổ. Tất nhiên, không phải trong tất cả các trường hợp chính quyền trung ương đều đồng ý với việc đồng thuận. Họ không bao giờ dung thứ và chấp nhận, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, bất kỳ một lực lượng chính trị đối lập nào thách thức sự độc quyền của mình. Vì vậy, mặc dù ĐCSVN nhận thức được rằng sự bền bỉ của chế độ phụ thuộc vào việc tuân thủ chính sách, nhưng theo như Potter miêu tả trong một nghiên cứu rằng “chính sách của đảng cho phép sự tự chủ nhất định đối với nhiều hành vi có thể chấp nhận được, song cũng nỗ lực trấn áp những hoạt động mà thách thức ý thức hệ chính trị của chế độ”.68

Hai câu chuyện khủng hoảng kể trên cũng đã đặt ra câu hỏi về vai trò của DCCS mà tôi đã lập luận trong một công trình khác rằng DCCS là cơ chế tăng quyền cho cả nông dân và nhà nước.69 Có thể có người cho rằng DCCS ở Tiên Lãng và Đồng Tâm đã không thành công và mọi thứ không gì khác ngoài những lời hoa mỹ. Trên thực tế, DCCS chỉ là một công cụ chính trị quy mô nhỏ có phạm vi điều chỉnh nhất định. Ví dụ, nó chỉ tăng quyền cho người dân địa phương trong trường hợp họ bị yêu cầu phải đóng góp cho một dự án có thể tác động đến cuộc sống của họ. Do đó, cho dù ngay cả khi một con đường của thôn chạy qua cổng nhà họ, nhưng nếu họ không bị yêu cầu đóng góp bất kể thứ gì, sức lao động hay tài chính, thì DCCS có xu hướng sẽ không được áp dụng và bản thân người dân cũng không quan tâm.70 Song điều này không có nghĩa là DCCS không quan trọng đối với những vấn đề mang tầm quốc gia, hoặc các dự án quy mô lớn được chính quyền cấp cao hơn phê duyệt. Trong những trường hợp này, tuy DCCS không mang tính bắt buộc, nhưng lại là một cách tiếp cận để thông qua đó đạt được sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân, từ đó giảm nguy cơ xung đột giữa nhà nước và xã hội. Theo nghĩa này, DCCS là một khung đối thoại để hiểu biết lẫn nhau. Như vậy, tôi có thể lập luận rằng DCCS đã thất bại trong hai cuộc khủng hoảng ở cả Tiên Lãng và Đồng Tâm không phải bởi chính bản thân nó mà là bởi trên thực tế chính quyền địa phương đã cố tình lờ đi. Vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền địa phương lại bỏ qua DCCS? Quan trọng hơn, tại sao trường hợp ‘quả bom’ Đoàn Văn Vươn và bạo động ở Đồng Tâm tuy mang tính địa phương nhưng lại là một vấn nạn rất phổ biến trên phạm vi cả nước như bình luận của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan?71 Một số cựu quan chức cấp cao đã cho đây là do ‘lỗi hệ thống’.

‘Lỗi hệ thống’ là một thuật ngữ được nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Nguyễn Văn An, người cũng từng là ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN, sử dụng để chỉ ra những vấn đề gắn liền với chế độ chính trị của Việt Nam.72 Theo ông An, nói rộng hơn, lỗi hệ thống bao gồm thiếu dân chủ, chế độ sở hữu đất công không phù hợp như được miêu tả bằng một cụm từ mơ hồ và xảo biện là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, và sự tập trung quyền lực. Để khắc phục lỗi này, ông An đưa ra một vài kiến nghị, bao gồm “hợp pháp hóa chế độ sở hữu đất đai của tư nhân; bãi bỏ chế độ sở hữu công về tư liệu sản xuất; thay thế chế độ một đảng cầm quyền; thiết lập chế độ chính trị với ba nhánh quyền lực độc lập; thực hiện chế độ dân chủ theo nguyên tắc bầu cử cạnh tranh, công khai và minh bạch”.73 Tuy nhiên, những kiến nghị của ông An không những không được giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSVN chấp nhận mà còn bị chết yểu.74

Có thể thấy rõ sự liên hệ giữa lỗi hệ thống và các cuộc khủng hoảng ở Tiên Lãng, Đồng Tâm, và nhiều trường hợp khác nữa.75 Đáng chú ý, lỗi hệ thống là nguồn cơn của hàng trăm ‘quả bom’ Đoàn Văn Vươn.76 Các nhà lãnh đạo của ĐCSVN nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự đồng thuận, điều mà có thể đạt được thông qua đối thoại giữa nhà nước và xã hội, và giữa cán bộ địa phương và nông dân. Họ cũng yêu cầu chính quyền và cán bộ địa phương trên cả nước phải rút ra bài học sau mỗi cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy rằng đối thoại có hiệu quả nhưng thường nó được sử dụng như một biện pháp để chữa trị vết thương. Trong khi đó, chế độ chính trị ở Việt Nam với những vấn đề vốn gắn với lỗi hệ thống giống như một khinh khí cầu có thể nổ tung bất kể lúc nào.

Kết luận

Chương này đã cố gắng tìm ra câu trả lời cho một trong nhưng câu hỏi quan trọng nhất về huyền thoại của một chế độ chính trị chuyên đàn áp và bất ứng ở Việt Nam. Đó chính là sự dẻo dai của ĐCSVN. Tôi đã lập luận rằng Đảng cầm quyền và chế độ của nó ở Việt Nam đã có thể duy trì được quyền lực vì đã biết dựa vào phương thức cưỡng bức và đồng thuận. Hai câu chuyện khủng hoảng gần đây, “quả bom’ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng- Hải Phòng và vụ bạo động ở Đồng Tâm, Mỹ Đức- Hà Nội, đã được viện dẫn để củng cố cho lập luận này. Chương này cũng bàn về nguyên nhân dẫn đến hành vi cưỡng bức và đồng thuận. Nó gắn với điều đã được mô tả là “lỗi hệ thống” vốn dĩ gắn liền với chế độ chính trị được tạo ra bởi ĐCSVN cầm quyền.

Mặc dù ĐCSVN đã nhấn mạnh việc cải cách toàn diện là cần thiết để tự thân thích ứng với đời sống chính trị thực tế, song thách thức lớn nhất đối với sự tồn tại và cầm quyền của đảng không phải từ một lực lượng đối lập chính trị mà là làm thế nào để thu hút được niềm tin của người dân vào chế độ. Cưỡng bức không phải là một biện pháp hiệu quả để ĐCSVN tiếp tục cầm quyền. Hơn nữa, nó có thể là con dao hai lưỡi đối với chế độ. Việc đàn áp sẽ khiến chế độ đánh mất sự ủng hộ từ người dân và cuối cùng là đánh mất tính chính danh của Đảng. Đồng thuận thông qua đối thoại sẽ làm tăng niềm tin của người dân. Tuy nhiên, niềm tin của người dân là một biến số không bền vững khi lỗi hệ thống vẫn còn. Nói cách khác, chế độ chính trị ở Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan: khắc phục lỗi hệ thống và mất đi sự độc quyền, hoặc là không khắc phục lỗi hệ thống và đối mặt với khủng hoảng về niềm tin của người dân. Ông Võ Văn Thưởng, ủy viên Bộ chính trị ĐCSVN đồng thời là Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương, đã thừa nhận rằng “ nguy hiểm nhất là dân không tin vào chính quyền”.77 Vì vậy, sự tồn tại trong tương lai của chế độ chính trị dưới sự cầm quyền của ĐCSVN chính là ở cách Đảng nuôi dưỡng và duy trì niềm tin của người dân, và căn cơ hơn là cách Đảng khắc phục ‘lỗi hệ thống’ vốn gắn liền với chế độ của Đảng.

Chú thích
1

Quan điểm này được thể hiện nổi bật trong cuốn sách kinh điển có tên là “Sự thất bại thảm hại: Sự khai sinh và khai tử của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ 20” (The Grand Failure: The Birth and Death of Communism in the Twentieth Century) của tác giả Zbigniew Brzezinski, New York (1989); và cuốn “Chế độ xã hội chủ nghĩa: nền kinh tế chính trị của chủ nghĩa cộng sản” (TheSocialist System: The Political Economy of Communism) của tác giả János Kornai, New York (1992).

2

Xem: Samuel P. Huntington, The Third Wave Democratization in the Late Twentieth Century, Norman-London 1991.

3

Xem: Francis Fukuyama, The End of History, in: The National Interest July/16, 1989, tr. 3-18.

4

Anne Welle-Strand/Monica Vlaicu/Arild Tjeldvoll, Vietnam – A New Economic Dragon in Southeast Asia? Journal of Developing Societies, 29(2)/2013, tr. 155-187.

5

Milan W. Svolik, The Politics of Authoritarian Rule, New York 2012.

6

Xem, ví dụ: Bruce Bueno de Mesquita/George W. Downs, Development and Democracy, in: Foreign Affairs, 84(5)/2005, tr.77-86.

7

Human Rights Watch, World Report 2017: Vietnam, xem: https://www.hrw.org/world-report/2017/country-chapters/vietnam# ; Human Right Watch, No Country for Human Rights Activists: Assault on Bloggers and Democracy Campaigners in Vietnam, Washington D.C 2017.

8

Benedict J. Tria Kerkvliet, Governance, Development, and the Responsive-Repressive State in Vietnam, in: Forum for Development Studies, 37 (1)/2010, tr.33-59.

9

Kerkvliet, như trên, tr.35.

10

Nguyễn Hồng Hải, Resilience of the Communist Party of Vietnam's Authoritarian Regime since Doi Moi, in: Journal of Current Southeast Asian Affairs, 35 (2)/2016, tr.31-56.

11

Về những thảo luận xung quanh mô hình này, xem ví dụ: John A. Hall, Coercion & Consent: Studies on the modern state, Cambridge, MA 1994; Fernanda Pirie, The Limits of the State: Coercion and Consent in Chinese Tibet, in:The Journal of Asian Studies, 72 (1)/2013, tr.69-89.

12

Nguyễn Hồng Hải. Political Dynamics of Grassroots Democracy in Vietnam. New York 2016.

13

Nguyễn Hồng Hải (chú thích số 10 ở trên).

14

Nguyễn Hồng Hải và Phạm Quang Minh, Democratization in Vietnam’s post-Đổi Mới one-party rule: Change from within, change from the bottom to the top, and possibilities, in: Chantana Banpasirichote and Boike Rehbein, Globalization and democracy in Southeast Asia: Challenges, Responses and Alternative Futures, New York 2016, S.131-156.

15

CPV, 50 Years of Activities of the Communist Party of Vietnam, Hà Nội 1980; Douglas Pike, History of Vietnamese Communism 1925-1976, Stanford 1978; Huynh Kim Khanh, Vietnamese Communism 1925-1940, Ithaca, NY 1982.

16

Xem: Hiến pháp Việt Nam (sửa đổi năm 2013), và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (2015).

17

Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2 (Communist Party of Vietnam, Selected Party Documents, Volume 2), HàNội (2000), tr.2-3.

18

Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập (Tập 12, 1951), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.429-443

19

ĐCSVN, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Hà Nội (2011).

20

https://baotiengdan.com/2017/10/23/nguyen-quang-a-nhung-nguoi-cong-san-vn-da-bien-thanh-cac-nha-tu-ban-man-ro/

21

Philip Abrams. Some notes on the Difficulty of Studying the State, in: Journal of Historical Sociology 1 (1)/1988, tr. 58-89.

22

Mô tả về nhà nước của Trung Quốc, xem bài của Fernanda Pirie (chú thích số 11 ở trên).

23

Vienne Shue, Legitimacy Crisis in China, in: Peter Hays Gries and Stanley Rosen, State and Society in 21st Century China, New York 2004, tr. 24-49.

24

Cơ chế này lần đầu tiên được khởi xướng tại Đại hội toàn quốc lần thứ 6 của ĐCSVN năm 1986, và từ đó đến nay luôn được khẳng định trong tất cả các văn kiện chính trị của đảng. Xem một bài thảo luận về chủ đề này: Nguyễn Bá Dương, Thể chế hóa mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, trên báo Quân đội Nhân dân, http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/the-che-hoa-moi-quan-he-dang-lanh-dao-nhanuoc-quan-ly-nhan-dan-lam-chu-472393.

25

Nguyễn Hồng Hải (chú thích số 12 ở trên).

26

Được trích dẫn trong: Zachary Abuza, Renovating Politics in Contemporary Vietnam, London 2001, tr.75.

27

Đặng Phong, Aspects of Agricultural Economy and Rural Life in 1993, in: Benedict J. Tria Kerkvliet and Dough J. Porter, Vietnam’s Rural Transformation, Boulder, Colo. 1995, tr. 165-184.

28

Nguyễn Hồng Hải (chú thích số 12 ở trên), tr. 1.

29

ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII.HàNội (1991); ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Toàn quốc lần thứ VIII, Hà Nội (1996); ĐCSVN, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006), Hà Nội (2005).

30

Gabriel Kolko, Vietnam-Anatomy of a Peace, London 1997, tr.93; Benedict J. Tria Kerkvliet, Rural society and state relations, in: Benedict J. Tria Kerkvliet and Doug J. Porter, Vietnam's rural transformation, Boulder, Colo. 1995, tr. 67-130.

31

ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Toàn quốc lần thứ VIII, Hà Nội (1996), tr.22-23

32

Vũ Văn Hiền, Phát huy dân chủ ở xã, phường, Hà Nội (2004), tr. 27

33

Vũ Văn Hiền/ Trần Quang Nhiếp/PhạmTấtThắng/NguyễnThúy Anh/NguyễnTiếnNghĩa/TrầnThị Hồng, Các văn bản của Đảng, Nhà nước về dân chủ ở cơ sở: Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, Hà Nội (2004).

34

Mark Mattner, Power to the People? Local Governance and Politics in Vietnam, in: Environment and Urbanization 16 (1)/2004, tr. 126.

35

Mark Mattner, như trên, tr.126.

36

Nguyễn Hồng Hải (chú thích số 12 ở trên), tr.2.

37

Xem các trường hợp nghiên cứu điển hình trong: Nguyễn Hồng Hải (chú thích số 12 ở trên), tr. 85-175.

38

Đặng Hùng Võ, Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng-Hải Phòng: Việc cưỡng chế đã sai!, báo Người Lao động, Hà Nội (2012), http://nld.com.vn/phap-luat/vu-thu-hoi-dat-o-tien-lang-hai-phong-viec-cuong-che-da-sai-20120113113150430.htm.

39

BBC, Thăng tướng cho chỉ huy vụTiên Lãng, 14.7.2013, http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2013/07/130714_vn_generals_promotion.

40

Vietnamnet, Đại tướng Lê Đức Anh lên tiếng vụ cưỡng chế ở Hải Phòng, 16.1.2012, http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dai-tuong-le-duc-anh-len-tieng-vu-cuong-che-o-hai-phong-57340.html.

41

Vietnamnet, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan lên tiếng về Tiên Lãng, 10.2.2012, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/nguyen-pho-thu-tuong-vu-khoan-len-tieng-ve-tien-lang-59764.html.

42

https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tuong-thuoc-vu-tien-lang-la-mot-ton-that-chinh-tri-lon-57374.html

43

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vu-tien-lang-som-giai-quyet-de-on-dinh-long-dan-59166.html

44

Vietnamnet, Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng làm rõ vụ cưỡng chế đất, 17.1.2012, http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thu-tuong-yeu-cau-hai-phong-lam-ro-vu-cuong-che-dat-57470.html.

45

VnExpress, Thủ tướng sẽ chủ trì họp về cưỡng chế ở Tiên Lãng, 3.2.2012,http://infonet.vn/thu-tuong-se-chutri-hop-ve-cuong-che-o-tien-lang-post12346.info.

46

PV, Thành ủy họp báo về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, 7.2.2012, http://haiphong.gov.vn/p-UBNDTP/d-9372/25159.

47

VnExpress, Khởi tố vụ án 'cố ý hủy hoại' nhà ông Vươn, 9.2.2012, https://vnexpress.net/tin-tuc/phapluat/khoi-to-vu-an-co-y-huy-hoai-nha-ong-vuon-2217935.html.

48

VnExpress, Cử tri muốn làm rõ trách nhiệm Giám đốc Công an Hải Phòng, 16.11.2013, https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cu-tri-muon-lam-ro-trach-nhiem-giam-doc-cong-an-hai-phong-2911046.html.

49

VnExpress, Toàn văn kết luận của Thủ tướng, 10.2.2012, https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chinh-quyensai-toan-dien-trong-vu-tien-lang-2222318-p2.html.

50

VnExpress, Xét xử 5 cựu quan chức phá nhà ông Vươn, 8.4.2013, https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/xet-xu--5-cuu-quan-chuc-pha--nha--ong-vuon-2653013.html.

51

BBC, Vụ Tiên Lãng: Án nhẹ cho quan chức, 9.4.2013, http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2013/04/130409_tienlang_officials_trial_update.

52

Quốc Đô/Anh Thế, Hải Phòng kiểm điểm, kỷ luật 50 cán bộ sau vụ cưỡng chế đầm tôm, báo Dân Trí (2012).

53

QuốcĐô/Anh Thế, Hôm nay xét xử anh em ông Đoàn Văn Vươn, 2.4.2013, http://dantri.com.vn/phapluat/hom-nay-24-xet-xu-anh-em-ong-doan-van-vuon-1365298270.htm.

54

VnExpress, Ông Đoàn Văn Vươn: 'Quyết tâm gây lại cơ nghiệp sau đặc xá', 2.9.2015, https://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/ong-doan-van-vuon-quyet-tam-gay-lai-co-nghiep-sau-dac-xa-3273049.html.

55

BBC, Vụ Đồng Tâm: 'Người dân đã vượt qua làn ranh sợ hãi', 17.4.2017, http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39621124.

56

Phạm Chí Dũng, Công xã Paris Đồng Tâm?, 17.4.2017, http://anhbasam.wordpress.com/2017/04/18/12-430-cong-xa-paris-dong-tam/#more-185149.

57

Huyền Như, Thông tin chính thức toàn cảnh diễn biến vụ việc tại Đồng Tâm, 18.4.2017, http://infonet.vn/thong-tin-chinh-thuc-toan-canh-dien-bien-vu-viec-tai-dong-tam-my-duc-post225659.info.

58

BBC, Cụ Lê Đình Kình kể lại vụ bị hành hung 'vì đất nông nghiệp', 19.6.2017, http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40320819.

59

VnExpress, Hà Nội kêu gọi người dân Mỹ Đức thả công an bị bắt giữ, 16.4.2017, https://vnexpress.net/tintuc/phap-luat/ha-noi-keu-goi-nguoi-dan-my-duc-tha-cong-an-bi-bat-giu-3571150.html.

60

VnExpress, 15 cảnh sát bị bắt giữ tại Mỹ Đức được thả, 18.4.2017, https://vnexpress.net/tin-tuc/phapluat/15-canh-sat-bi-bat-giu-tai-my-duc-duoc-tha-3571959.html.

61

Nguyễn Hưng/Hoàng Như, Vụ việc ở ĐồngTâm diễn ra như thế nào?,23.4.2017, http://news.zing.vn/vu-vieco-dong-tam-dien-ra-nhu-the-nao-post740118.html.

62

VnExpress, Đại biểu Lê Thanh Vân: Chủ tịch Hà Nội nên sớm đối thoại với dân Mỹ Đức, 19.4.2017, https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dai-bieu-le-thanh-van-chu-tich-ha-noi-nen-som-doi-thoai-voi-dan-myduc-3572610.html.

63

Vietnamnet, Hà Nội sẵn sàng đối thoại với người dân Mỹ Đức, 19.4.2017, http://vietnamnet.vn/vn/thoisu/clip-nong/ha-noi-san-sang-doi-thoai-voi-nguoi-dan-my-duc-367480.html.

64

Huyền Như (chú thích số 57 ở trên).

65

VnExrpess, Người dân Đồng Tâm thả 19 cán bộ, cảnh sát cơ động, 22.4.2017, https://vnexpress.net/tongthuat/phap-luat/nguoi-dan-dong-tam-tha-19-can-bo-canh-sat-co-dong-3574275.html.

66

VnExpress, Chủ tịch nước: 'Chính quyền biết lắng nghe đã không có vụ Đồng Tâm', 26.4.2017, https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chu-tich-nuoc-chinh-quyen-biet-lang-nghe-da-khong-co-vu-dong-tam-3576419.html.

67

https://nld.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-vu-dong-tam-la-do-chinh-quyen-giai-quyet-sai-phap-luat-20170513191633836.htm

68

Pitman Potter, Belief in Control: Regulation of Religion in China, in: China Quarterly (174)/2003, tr.317-37.

69

Nguyễn Hồng Hải (chú thích số 12 ở trên).

70

Nguyễn Hồng Hải (chú thích số 12 ở trên), tr.102.

71

Vietnamnet (chú thích số 41 ở trên).

72

Vietnamnet, Nguyên Chủ tịch Quốc hội bàn về phương thức cầm quyền của đảng, 12.7.2010, http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-07-nguyen-chu-tich-quoc-hoi-khuyen-nghi-doi-moi-he-thongchinh-tri.

73

Vietnamnet (như trên).

74

Huy Đức, Bên Thắng cuộc. Phần 2: Quyền bính, California, USA 2012

75

Những vụ xung đột gần đây giữa nông dân và công an địa phương gồm: BBC, Hải Dương: Dân cáo buộc 'bị đánh tàn nhẫn',27.9.2017, http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41405530.

76

Trung Văn, Hơn 500 quả bom Đoàn Văn Vươn đã được châm ngòi tại thành phố Hồ Chí Minh,20.4.2017, https://anhbasam.wordpress.com/2017/04/20/12-501-hon-500-qua-bom-doan-van-vuon-da-duoc-cham-ngoi-tai-tp-hcm/.

77

VnExpress,Ông Võ Văn Thưởng: 'Nguy hiểm nhất là dân không tin xử lý của chính quyền', 25.4.2017, https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-vo-van-thuong-nguy-hiem-nhat-la-dan-khong-tin-xu-ly-cua-chinhquyen-3575817.html