Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Luận án của Thích Chân Quang: trường, thầy và trò

Nguyễn Hoàng Văn

 

Luận án tiến sĩ “Nghĩa vụ con người trong pháp luật Quốc tế và Pháp luật Việt Nam” của ông Vương Tấn Việt, tức “nhà sư” Thích Chân Quang, đang được mổ xẻ thẳng thắn và thấu đáo từ những chiều hướng khác nhau. Để tránh lập lại tôi sẽ đề cập đến mấy điểm bên lề chưa ai nhắc đến nhưng phần nào nói lên thực chất của “môi trường học thuật” và “giới nghiên cứu” liên quan đến luận án này.

Về “môi trường học thuật” thì, trong tiếng Anh ghi ở luận án, là “Hanoi Law University”. Tôi tự hỏi mình rằng đây là trò mạo xưng hay chỉ đơn thuần là “Ngu si hưởng thái bình”, là “Điếc không sợ súng”? [1]

Để là “university” thì phải đáp ứng tiêu chí đào tạo đa hệ và đa ngành: từ cấp cử nhân đến tiến sĩ, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, đủ ngành kinh doanh, nghệ thuật, kỹ thuật, v.v. Vẫn có những “University of Technology” thí dụ như University of Technology Sydney (UTS) ở Úc thế nhưng những đại học này không chỉ chuyên về “technology” mà từ này chỉ nói lên ưu thế kỹ thuật bởi UTS còn bao gồm các ngành Luật, Y tế, Xã hội học, Nghệ thuật, v.v.

Nếu chỉ đào tạo đơn ngành thì, dù là đa hệ và lớn, danh giá đến đâu, cũng không mang tên “university”, như “London School of Economics and Political Science” (LSE) nổi tiếng của nước Anh mà nhiều người Việt thế hệ trước hay dịch là “Trường Kinh tế Chính trị Luân Đôn”.

Đây là một trong những đại học hàng đầu thế giới trên lĩnh vực khoa học xã hội bao gồm các ngành kinh tế, chính trị, xã hội, luật và nhân chủng học. Trường này đã đào tạo nên nhiều nhà lãnh đạo và nhân vật nổi tiếng trên thế giới khắp Á, Âu, Phi, Mỹ và, trong số đó, quen thuộc với chúng ta nhất, có lẽ là bà Thái Anh Văn, Tổng thống vừa mãn nhiệm của Đài Loan và cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore.

Nổi tiếng và lớn như thế nhưng LSE chỉ mang tên là “School”. “Đại học Luật Hà Nội” là một cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp và, rõ ràng, tầm cỡ, thế giá và lĩnh vực đào tạo không thể nào sánh ngang với LSE, thế như về danh xưng thì cao hơn hẳn: một bên là “university”, một bên là “school”.

Ở Hà Nội cũng có một “University of Law” khác, như là thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, trong tiếng Anh là “Vietnam National University, Hanoi” (VNU). Nếu Đại học Quốc gia Hà Nội là một “university” thì những đại học thành viên, trong tiếng Anh, phải là cái gì đó khác chứ không phải là “university”. Thế nhưng VNU có gần một tá thành viên là “university”, theo website chính thức:

-       “University of Science” (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên)

-       “University of Social Sciences and Humanities” (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)

-       “University of Languages and International Studies” (Trường Đại học Ngoại ngữ)

-       “University of Engineering and Technology” (Trường Đại học Công nghệ)

-       “University of Economics and Business” (Trường Đại học Kinh tế)

-       “University of Education” (Trường Đại học Giáo dục)

-       “University of Medicine and Pharmacy” (Trường Đại học Y Dược)

-       “Vietnam Japan University” (Trường Đại học Việt - Nhật)

-       “University of Law” (Trường Đại học Luật).

Cha mẹ cũng là “university”, con cái thành viên cũng là “university”, thế là thế nào? Nghe cũng như câu đồng dao của trẻ em “Kỳ nhông ông kỳ đà, kỳ đà cha cắc ké, cắc ké mẹ kỳ nhông”!

Tại Tây phương, các “university” có nhiều thành viên trong những danh xưng “school”, “college”, “faculty” cùng các viện (institute) hay trung tâm nghiên cứu (center).

Đại học Quốc gia Úc (The Australian National Univerity: ANU) là một đại học danh giá, từng đạt vị trí thứ 30 trong danh sách những đại học hàng đầu thế giới: các trường thành viên của ANU đều mang danh “college” và “school”, thí dụ “College of Arts & Social Sciences”, “College of Business & Economics” hay “Medical School”, v.v. Havard University là đại học hàng đầu thế giới và chẳng một thành viên nào mang danh xưng “university”, tất cả đều là “School” hay “Institute”, thí dụ như trường luật “Harvard Law School”, trường y “Havard Medical School”, v.v.

Chỉ có nước CHXHCNVN mới “hơn người” với các “University of Education”, “University of Law”, “University of Medicine and Pharmacy”, v.v. Nếu đọc cái danh sách “oai phong” này thì chắc chắn giới hàn lâm ngoại quốc sẽ lắc đầu rồi… cười!

Và như có thể thấy trong danh sách nêu trên, trong tiếng Việt, họ phân biệt bằng cách gọi đại học mẹ là “ĐẠI HỌC” và cơ sở thành viên là “TRƯỜNG ĐẠI HỌC”.

Trông cũng giống như tiền tố “sub” trong tiếng Anh:

-         Committee: ủy ban // Sub-committee: tiểu ban, phân ban

-         Đại học: đại học mẹ // Trường đại học: đại học con, đại học thành viên

nên, ở đây, phải chăng từ “TRƯỜNG” đã nghiễm nhiên là một “tiền trí từ” với chức năng hạ giảm tầm vóc của danh từ “đại học” đi sau?

Gì thì gì, có thể nói rằng với cách phân loại “đại học / trường đại học” kỳ quái này, chính Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã góp tay vào việc làm… hỗn loạn tiếng Việt.

Bây giờ thì đến giới nghiên cứu, là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan và Tiến sĩ Trần Kim Liễu trong vai trò giáo sư hướng dẫn, Thích Chân Quang trong vai trò nghiên cứu sinh.

Mở đầu luận án là lời giới thiệu “Thông tin về những điểm mới của luận án”, đứng tên bộ ba Đoan, Liễu, Việt (Thích Chân Quang). Có nghĩa là bộ ba là đồng tác giả, hay ít ra người soạn, người duyệt. Sau đây là đoạn đầu tiên:

“Là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện và có hệ thống về nghĩa vụ con người trong Pháp luật quốc tế và Pháp luật Việt Nam. Luận án có những đóng góp về mặt khoa học như sau:”

Như có thể thấy, “câu” đầu tiên là một câu què và họ đã cẩu thả ngay từ lúc nhập đề. Để nó có nghĩa thì phải thay cái dấu chấm bằng một dấu phẩy:

“Là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện và có hệ thống về nghĩa vụ con người trong Pháp luật quốc tế và Pháp luật Việt Nam, luận án có những đóng góp về mặt khoa học như sau […]”

Tuy nhiên bản tiếng Anh thì khác:

“This is the first scientific work to study human responsibilites in international and Vietnamese law intensively, comprehensively, and systematically. This thesis contains new scientific contribution as follows:”

Như vậy thì phần tiếng Việt, viết sát theo bản tiếng Anh, phải là:

“Đây là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện và có hệ thống về nghĩa vụ con người trong Pháp luật quốc tế và Pháp luật Việt Nam. Luận án có những đóng góp về mặt khoa học như sau […]”

Ba thầy trò này làm tôi nghĩ đến một luận điểm của Phan Khôi trong cuộc tranh luận về tiếng Việt gần một thế kỷ trước. Trong bài báo “Viết chữ Quốc ngữ phải viết đúng” trên tờ Phụ Nữ Tân Văn số 31, ngày 5/12/1929, Phan Khôi viết:

“Chẳng những một mình ông, tôi thấy có nhiều người cũng nói như ông vậy. Họ nói: chữ quốc ngữ viết thế nào cũng được, không cần phân biệt t với c, có g với không g. Nói vậy thì sao họ học chữ Pháp họ lại viết theo từng nét? […] Tôi mong rằng về sau đừng có ai nói như ông nữa mà làm cho tôi thương tâm quá! Vì trong sự này tôi thấy ra cái tánh nô lệ của người ta: các anh bồi từ phòng khách đến phòng ăn, phòng ngủ của Tây thì các anh giữ quét dọn sạch sẽ luôn, còn chỗ xó của vợ chồng anh ấy nằm thì tha hồ là dơ dáy.” [2]

Nhưng đừng vội tưởng rằng khi thoái mái làm dơ tiếng Việt và nơm nớp làm sạch tiếng Tây vì bị sợ bị chê dốt, luận án sẽ cực kỳ chuẩn xác với tiếng Anh. Trên thực tế nó sai một cách ngô nghê, thậm chí sai ngay trong khái niệm căn bản của đề tài là “Quyền” và “Nghĩa vụ”. Phần mở đầu luận án có đoạn (tôi gạch dưới những từ cần góp ý):

“Trong lý luận cực kỳ cơ bản của pháp luật, Quyền và Nghĩa vụ là hai mặt của một vấn đề. Nếu con người cho rằng mình có Quyền thụ hưởng (enjoyment) thì cũng đồng nghĩa với việc phải có Nghĩa vụ cống hiến (dedication)…”

Không thể tưởng tượng nổi!

Thứ nhất, Thích Chân Quang hoàn toàn hiểu sai từ “enjoyment”. Đó chỉ là việc “hưởng thụ” những thứ như một ly cà phê ngon trong một buổi sáng đẹp trời sau vườn nhà, có nhạc hay, có những người bạn thân thiết, v.v. Còn ý niệm “thụ hưởng” mà tác giả muốn đề cập như là quyền lợi của một công dân, mặt đối lập của “nghĩa vụ cống hiến” thì phải là “entitlement”.

Tại nước Úc tôi đang sống thì “entitlement” là những quyền lợi mà công dân Úc được nhận như trợ cấp sinh viên, trợ cấp giữ trẻ, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp y tế, trợ cấp thiên tai, trợ cấp dưỡng lão v.v. Năm 2014, khi chính phủ của Đảng Tự Do mạnh tay cắt giảm các khoản trợ cấp xã hội, yêu cầu công dân phải chia sẻ gánh nặng với chính quyền, ông Joe Hockey, nguyên Bộ trưởng Kinh tế liên bang, tuyên bố: “The age of entitlement is over”. [3]

Thứ hai, cái gọi là “nghĩa vụ cống hiến” của ông Thích Chân Quang, thực ra, nên gọi là “nghĩa vụ / bổn phận” và, trong tiếng Anh, phải là “obligation”, hoàn toàn không phải là “dedication”.

“Dedication” ngụ ý “cống / dâng hiến” với một ý nghĩa cao thượng, xuất phát từ trái tim, từ lý tưởng sống, từ tâm nguyện của từng con người. Khi chúng ta nói nhà ái quốc Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã “cống hiến” cả cuộc đời cho đất nước; Bác sĩ Alexandre Yersin đã “dâng hiến” cả cuộc đời mình cho khoa học và cho đất nước Việt Nam; Bác sĩ kiêm nhà thần học và nhạc sĩ Albert Schweitzer, Nobel Hòa Bình 1952, đã cùng vợ “cống hiến” cả cuộc đời cho người dân Gabon ở Phi châu; nhà hoạt động nhân quyền Kailash Satyarthi trao huy hiệu giải Nobel Hòa Bình 2015 cho Tổng thống Ấn Độ để “dâng hiến” vinh dự cao quý này cho tổ quốc mình, v.v., đó mới là “dedication”. Còn nếu người dân có bổn phận phải đóng thuế, phải tham gia “nghĩa vụ lao động / quân sự”, v.v. thì lại là “obligation”.

Cả việc chuyển ngữ hai ý niệm cốt lõi của đề tài nghiên cứu mà Thích Chân Quang thể hiện một thứ tiếng Anh… ăn đong. Phải chăng ông sư này chỉ đơn giản tra từ điển, tìm thấy những từ liên quan thì vớ ngay, không mảy may nghĩ rằng trên đời này có nhiều kiểu “thụ hưởng” hay “cống hiến” khác nhau?

Mà đâu chỉ là tiếng Anh. Riêng trong đoạn dẫn trên thì cách vận dụng tiếng Việt cũng quá kém, từ những ý niệm như “nghĩa vụ cống hiến” thay vì “bổn phận” cho đến cụm từ “lý luận cực kỳ cơ bản”. Đã gọi là “lý luận” thì phải có tính hệ thống, mà đã mang tính hệ thống thì làm sao có thể cô đọng đến mức “cực kỳ cơ bản”? Chúng ta có thể gọi là “ý niệm”, “khái niệm”, “quy luật” hay “nguyên tắc cực kỳ cơ bản”, nhưng bảo “lý luận cực kỳ cơ bản” thì hoàn toàn không ổn nếu không nói là rất sai về mặt logic!

“Cha nó lú còn có chú nó khôn”, nếu Thích Chân Quang sai thì vẫn còn có hai ông thầy làm công việc “hướng dẫn” chứ? Tư cách học thuật của họ ở mức nào mà lại để lọt những cái sai “cực kỳ cơ bản” như thế?

Nhưng trên nền tảng của tiêu chí hàn lâm dễ dàng gây tranh cãi này, họ lại bốc ra một thứ “khẩu khí” cao ngất trời xanh. Trong lời giới thiệu “cái mới” của luận án, chúng ta nhận ra một tham vọng mang tầm cỡ thế giới:

“Thứ sáu, đặc biệt là luận án xin được đề xuất dự thảo bản ‘Tuyên ngôn về Nghĩa vụ con người’ với những nội dung gợi ý phong phú, toàn diện và thuyết phục để kiến nghị Liên hợp quốc ban hành với mong muốn cộng đồng quốc tế, cũng như mỗi quốc gia hãy nhìn nhận và hành động đúng hơn đối với vấn đề Nghĩa vụ con người trong Pháp luận quốc tế và Pháp luật quốc gia vì một thế giới hạnh phúc, an bình.”

Và, trong phần kết của luận án:

“Trong những giải pháp mà luận án đề ra để nâng cao vai trò của Nghĩa vụ con người cũng như thúc đẩy việc thực thi có hiệu quả Nghĩa vụ con người, để chung tay xây đắp một thế giới văn minh đạo đức và phát triển bền vững, đặc biệt chúng tôi đề xuất bản Tuyên ngôn Toàn cầu về Nghĩa vụ con người. Chúng tôi tin rằng bản Tuyên ngôn này sẽ đáp ứng tính khoa học, lương tâm đạo đức của con người, cùng sánh vai kết hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người tạo thành đôi cánh vững chắc cho thế giới bay lên.”

Thật không có gì nực cười hơn!

 “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” (Universal Declaration of Human Rights: UDHR) được Ủy ban dự thảo của Liên Hiệp Quốc soạn thảo cả năm trời (1948). Ủy ban này đặt dưới sự lãnh đạo của Eleanor Roosevelt, phu nhân cố Tổng thống Franklin D. Roosevel, có sự góp mặt của nhiều nhà luật học hay triết gia uyên thâm, những người rất từng trãi và tiếng tăm trong lĩnh vực ngoại giao và nhân quyền. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, với uy tín học thuật mang tầm thế giới, ấy vậy mà Ủy ban còn phải tham vấn rất nhiều học giả khác, cẩn thận từng từ, từng câu; thí dụ từ “nhân phẩm” (dignity) mà còn tranh luận dằng dai. [4]

Còn Thích Chân Quang? Đúng nghề thì ông đi giảng đạo mà cũng giảng sai Phật pháp, bị hầu như cả nước phản đối; nghiên cứu học thuật thì tùy tiện, tùy hứng, tiếng Anh chỉ ở mức ăn đong, tiếng Việt thì như đã thấy, “môi trường học thuật” thì chẳng chút tiếng tăm nào trong khu vực chứ đừng nói quốc tế. Vậy thì họ lấy tư cách nào mà đòi công bố một tuyên ngôn có thể “sánh vai kết hợp” với UDHR làm “đôi cánh vững chắc cho thế giới bay lên”?

Đây, nói theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, là “thủ dâm chính trị”. Còn nói theo nhà thơ ngụ ngôn Pháp Jean de La Fontaine trong bài “Con nhái muốn to bằng con bò” mà Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch sang tiếng Việt là “Ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương”:

Tức mình chị nhái oắt ta

Lại phồng bụng quá vỡ ra chết liền

Ở đời lắm kẻ thật điên

Sức hèn lại muốn tranh tiên với người

Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, Thích Chân Quang tỏ ra không điên mà rất khôn lanh, rất thực tế khi những ý kiến trong luận án gãi đúng vào chỗ rất ngứa của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền lúc nào cũng đánh tráo mình với tổ quốc để đòi hỏi người dân phải cống hiến, phải tiết chế việc đòi hỏi dân quyền, là điều mà chúng ta thường nghe từ mồm đám dư luận viên: “Đã đóng góp được gì cho đất nước chưa mà đòi hỏi này, đòi hỏi kia, phê phán này, phê phán nọ!”

Nói cách khác thì đó là một luận án phò chính thống. Tuy không thể sánh ngang về tầm vóc, Thích Chân Quang cũng giống Trương Nghệ Mưu lúc làm phim Anh hùng để biện minh và ca ngợi Tần Thủy Hoàng, xem tên bạo chúa “phần thư khanh Nho” này là người thống nhất thiên hạ, chấm dứt tình trạng máu chảy đầu rơi, đem lại ổn định. Đây luôn là lý lẽ của bọn độc tài, nhân danh sự ổn định để dập tắc những khát vọng cải cách, để cấm công dân phản kháng, đòi hỏi quyền lợi và nhân phẩm.

Với những gì mà chúng ta chứng kiến thì, có thể nói, Thích Chân Quang đang “tranh tiên”, đang gây sự với những con người đường hoàng, tử tế: những người Việt và những Phật tử tử tế, những nhà nghiên cứu học thuật tử tế. Và khi công bố một “nghiên cứu” phò chính thống như vậy, nhà sư này làm tôi nghĩ ngay đến ngạn ngữ: “Làm đĩ chín phương cũng chừa một phương để lấy chồng”.

 

Tham khảo:

 

  1. https://luanvan.moet.gov.vn/?page=1.33&view=38582
  2. Dẫn theo Nguyễn Ngọc Thiện & Cao Kim Lan (2002.) Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX – tập 1, NXB Lao Động, trang 106.
  3. https://www.smh.com.au/politics/federal/hockey-calls-end-to-age-of-entitlement-20140203-31xgl.html
  4. https://www.un.org/en/about-us/udhr/drafters-of-the-declaration