Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2024

Hoạ sỹ Lê Minh Phong và những bức tranh “tự thắp lên ánh sáng”

Thủy Tiên - Lê Minh Phong

clip_image002

Triển lãm “Nằm mộng” hồi đầu tháng 7 năm 2024 khép lại, Art Republik Vietnam đã có một cuộc phỏng vấn với hoạ sỹ Lê Minh Phong để hiểu thêm về cõi tranh liêu trai và mộng mị của anh. Ở đó, các nhân vật đã khấp khởi lạc quan hơn, mải miết đi trên hành trình tìm kiếm bản mệnh của mình.

Lê Minh Phong sinh năm 1985 tại Hà Tĩnh, hiện đang sống và làm việc tại Huế. Nghệ thuật của anh có một sự co dãn, biến hoạt, cũng như cách anh đã luôn song hành giữa các loại hình văn chương, hội hoạ, điêu khắc và giờ đây vẫn không ngừng hoà phối các bút pháp khác nhau trong sáng tạo, trải dài từ siêu thực, biểu hiện cho đến tượng trưng.

 

clip_image004

Chân dung hoạ sỹ Lê Minh Phong

Dẫu vậy, Lê Minh Phong đã đi qua “thời kỳ đen” trong sáng tạo nghệ thuật. Khác với những bức hoạ trong triển lãm “Thiên di” năm 2022, những nhân vật trong triển lãm “Nằm mộng” giờ đây mang một niềm lạc quan hơn. Mặc cho những nỗi bất hạnh bủa vây, các nhân vật vẫn ôm giấc hoài niệm, vẫn nằm mộng, mải miết chờ tàu, lãng du tìm ánh sáng. Khép lại triển lãm “Nằm mộng”, chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn với Lê Minh Phong để hiểu hơn về sự dịch chuyển ấy, cũng là hiểu hơn về tư tưởng sáng tác và những chiêm nghiệm của anh.

 

clip_image006

Một góc sáng tác của hoạ sỹ Lê Minh Phong

clip_image008

 

VỀ TRIỂN LÃM “NẰM MỘNG”

Trong triển lãm “Nằm mộng”, anh Minh Phong hoạ lại những diễn cảnh phi lý, liêu trai của phận người nhỏ bé “hát rong” hay “chờ tàu”. Trong một bài viết trước đây, anh cũng từng chia sẻ về một người bố thủ thỉ với con: “Con ơi, cảnh sát giao thông thu xe của ba mất rồi, tiền phạt nặng quá, giờ lấy gì mà ăn…”. Những thực cảnh đau thương đó có phải là nguồn cơn cho những giấc mộng mà anh vẽ?

Nghệ thuật của tôi khởi đi từ những bi kịch. Đây không phải là điều gì đó tân thời trong nghệ thuật; lấy bi kịch làm căn nền cho nghệ thuật, xét trong lịch sử nghệ thuật nhân loại, là một điều gần như vĩnh cửu. Hầu hết, những kiệt tác nghệ thuật trên thế giới hay ở Việt Nam đều khai thác những tiếng nói thống thiết về thân phận người. Chỉ khi nhìn vào những mảng tối của phận người thì nghệ thuật mới chạm được vào sự thật. Cuộc sống mà tôi đang trải qua, không gian mà tôi đang lưu trú đập vào mắt tôi những cảnh đời bi đát, thống khổ. Gần như không thể cự tuyệt, và đó là nguồn cơn cho thế giới mơ mộng mà tôi tìm tới. Và tôi tin, bằng cách nhìn vào chiều tối của phận người, nghệ thuật của tôi sẽ tự nó biết cách mở rộng biên giới cho mình.

 

clip_image010

Rao bán bài thơ buồn, 2024, 150 x 120 cm, sơn dầu trên bố

Hình tượng con người tìm kiếm một lẽ vô hình đã từng xuất hiện trong triển lãm “Thiên di” và giờ đây vẫn hiện diện trong “Nằm mộng”. Trong triển lãm mới nhất này, quan niệm sáng tác của anh thay đổi như thế nào?

Tôi đã nỗ lực để thay đổi tư duy sáng tác của mình qua mỗi thời kỳ. Mỗi series khác nhau là những nỗ lực khác nhau của tôi trong việc trình hiện và diễn giải thế giới khách quan cũng như nội giới của con người. Dĩ nhiên, ngầm ẩn dưới những mã ngôn ngữ khác nhau, những kiểu tạo hình cũng như cách thức thực hành khác nhau ấy là một nguồn mạch thống nhất trong thế giới mà tôi thêu dệt. Ở triển lãm mới nhất này, thay vì cứ để các nhân vật chìm đắm trong bóng tối, tôi dần đưa các nhân vật hướng về phía ánh sáng bằng những gam màu sáng. Đó là cách tôi nuôi dưỡng hi vọng, bởi nếu cứ mãi chìm đắm trong bóng tối, nghệ thuật sẽ trở nên yếu nhược. Vẫn trong dòng truy vấn về thân phận, nhưng có lẽ đến lúc tôi muốn ánh sáng tràn vào trong thế giới của tôi. Bằng cách để các nhân vật tự hát lên những tiếng hát của họ, tự họ thắp lên ánh sáng mà đi.

Vẫn trong dòng truy vấn về thân phận, nhưng có lẽ đến lúc tôi muốn ánh sáng tràn vào trong thế giới của tôi. Bằng cách để các nhân vật tự hát lên những tiếng hát của họ, tự họ thắp lên ánh sáng mà đi.

Em tự hỏi: nằm mộng là trạng thái bị động hay chủ động? Một khao khát chủ động bị dồn nén trong trạng thái bị động rồi sẽ đưa ta đi bao xa?

Trong thực hành nghệ thuật, chủ thể thực hành bị chi phối bởi nhiều tình thế. Đôi khi bị động trong sự xúi giục của vô thức, có khi lại là sự lựa chọn chủ động của lý tính. Trong trường hợp của tôi thì cả hai xu hướng ấy tác động vào tôi. Tôi vừa chủ động tìm kiếm bằng sự chỉ đường của lý tính vừa thả mình trong sự xâm lấn của vô thức.

Một mặt, sự chủ động của lý tính giúp tôi mở rộng sự đọc và những biên giới khác nhau của tri thức, đem đến những lựa chọn không sai lệch cho mỗi lớp ngôn ngữ. Mặt khác, nếu thiếu sự mách bảo của những giấc mơ, thiếu sự hé lộ những ẩn mật từ vô thức thì nghệ thuật khó đạt tới được những đỉnh cao của mình. Đôi khi sự bị động trong những giấc mơ ấy lại mở ra những khả thể hư cấu khác mà khi tỉnh tôi không nhìn thấy được. Một khát khao chủ động bị dồn nén trong trạng thái bị động sẽ mở ra cho nghệ thật nhiều chiều kích khác nhau. Khi những khát khao chủ động của mình giao thoa với những ẩn ức, những xung năng được giải phóng từ những giấc mơ thì đó là sức mạnh của sáng tạo nghệ thuật.

Khi những khát khao chủ động của mình giao thoa với những ẩn ức, những xung năng được giải phóng từ những giấc mơ thì đó là sức mạnh của sáng tạo nghệ thuật.

clip_image012

Mộng du, 2024, 120 x 80 cm, sơn dầu trên bố

Có một ý tứ nhất định trong đôi mắt của các nhân vật: hoặc nhìn chằm chằm người xem tranh, hoặc lảng đi, chăm chú vào những điểm nhìn cố định nào đó khác. Anh Minh Phong có chủ đích hoạ lại một cái nhìn phản tỉnh nào không?

Đúng là hầu hết khi vẽ các nhân vật của mình, tôi thường chú tâm vào khắc hoạ đôi mắt của họ. Một bức tranh biểu hiện nếu muốn có được sức mạnh của sự chuyển tải thông điệp thì có lẽ đôi mắt của nhân vật là nơi hàm chứa nhiều tín hiệu nhất. Vì thế đôi mắt là nơi tôi muốn gửi gắm thông điệp của mình. Đó có thể là những đôi mắt u buồn, giận dữ, bất khuất, liêu trai, mơ mộng hay kể cả những đôi mắt ráo hoảnh nhìn đời, v.v.. Nhưng có lẽ như bạn nói, đậm đặc nhất vẫn là những đôi mắt phản tỉnh. Các nhân vật đang nhìn cuộc đời với những đôi mắt hoài nghi phản tỉnh, hoài nghi tha nhân và hoài nghi chính mình. Một trong những điều ám ảnh tôi là trong tâm thức của con người thời hậu hiện đại, con người quay lại hoài nghi, phản tính chính mình, họ không sợ hãi sự phi lý nữa mà ngược lại, họ thụ cảm ngay sự phi lý.

 

Anh có ấp ủ gì đằng sau sự im lìm của đá – vốn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm của anh?

Như một sự xui khiến từ vô thức, không cắt nghĩa được một cách rõ ràng về hành vi thực hành vẽ đá của tôi. Có lẽ tôi thấy ở đá một sự im lìm chờ đợi, một sự vẫy gọi của vĩnh cửu trường tồn, một kiểu kêu gọi phản tỉnh, v.v.. Sâu xa hơn, có lẽ đá quyến rũ tôi bởi như một di chỉ từ khởi nguyên, đá mang trong đó sức mạnh của những cổ mẫu, vật thiêng, là tiếng nói của totem (vật tổ) đầy mê hoặc.

 

clip_image014

Chuyện của đá, 2024, 120 x 160 cm, sơn dầu trên bố

clip_image016

Nép dép, 2024, 100 x 150 cm, sơn dầu trên bố

clip_image018

Lãng du, 2024, 80 x 120 cm, sơn dầu trên bố

VỀ HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO CỦA HOẠ SỸ LÊ MINH PHONG

Anh từng chia sẻ rằng, một lối thực hành nghệ thuật biến hoạt vẫn luôn là điều mà anh theo đuổi, miễn là chúng xâu chuỗi, kết nối như dòng chảy. Hiện tại, and đang dịch chuyển đến một thời kỳ nào khác của tâm thức? Anh có thể mô tả “dòng chảy” của mình trong những tháng, những mùa trở lại đây?

Cho tới nay tôi đã thực hành khá nhiều thời kỳ trong sáng tác của mình. Hội hoạ “Thời kỳ đen” là thời kỳ đầu tiên của tôi. Nó phản ánh tâm trạng, cảm quan cũng như nhận thức về thế giới của tôi lúc đó. Hiện nay tôi không còn ở trong “Thời kỳ đen” nữa. Tôi đang thực hiện một dòng tranh mà tôi tạm gọi là Những cỗ máy khổng lồ. Khi sự va đập của tâm thức cộng thông với sự thay đổi trong cách nhìn của tôi đối với hiện thực khách quan lên đến đỉnh điểm, đó là lúc tôi biết mình cần phải bước sang một thời kỳ mới. Bằng không, tôi sẽ giẫm chân trong sự bế tắc và chán chường, lúc ấy sự say sưa trong sáng tác sẽ biến mất. Và thực tế đã chứng minh rằng đã có nhiều lần tôi rơi vào tâm thế bí bách và hoảng loạn. Để tạo ra được một dòng chảy trong nghệ thuật thực sự là một điều rất khó với tôi. Bởi một dòng chảy nó luôn thay đổi diện mạo của mình qua từng thời khắc, từng mùa, từng chu kỳ, v.v. Dòng chảy lại cần một sự kết nối thống nhất từ đầu nguồn tới đại dương, nếu không, nó sẽ rơi vào trạng thái đứt đoạn hoặc hỗn tạp. Sáng tác nghệ thuật cũng vậy, nếu không biến hoạt sẽ sinh ra nhàm chán và lặp lại, nhưng nếu thay đổi mà không duy trì được nguồn mạch lại dẫn tới loạn phong cách, mất phương hướng. Và thực tế, để có được một sự dài hơi trong biến hoạt thì chúng ta cần phải xem trọng vai trò của triết mỹ trong thực hành của mình.

Nghệ thuật khởi đi từ bi kịch. Giữa bi kịch do cuộc đời đưa đẩy và bi kịch tinh thần mà mình tự nguyện dấn thân, bi kịch nào để lại trong anh nhiều trăn trở lẫn cảm hứng nghệ thuật hơn?

Thực ra với tôi, chủ yếu đều là bi kịch ở cuộc đời. Tôi tự xem mình là một người nhạy cảm. Nhiều lúc tôi đã tự hoài nghi rằng liệu sự vận hành của nền văn minh ngày nay có thực sự đem lại cho con người hạnh phúc. Liệu chúng ta có đang sai lầm, có đang ngày đêm nỗ lực phát triển để rồi được/ bị nhốt trong những mảng tường vô hình.

Nhiều khi tôi ngồi im hàng giờ liền trong đêm tối để thấy rõ hơn những đôi vai gầy, những giấc mơ rách nát, những bàn chân trần lấm bùn đất, những đôi mắt thất thần, v.v. của con người trên quê hương tôi. Tất cả đều từ tha nhân đi vào trong tôi, biến thành bi kịch chung của chúng tôi và biến thành những ma lực xui khiến tôi thực hành nghệ thuật.

clip_image020

Hoài niệm, 2023, 60 x 80 cm, sơn dầu trên bố

clip_image022

Vòng tái sinh, 2024, 100 x 140 cm, sơn dầu trên bố

Quang cảnh trong tranh của anh mang nhiều dấu ấn của quê hương, tuổi thơ. Trái lại, một lớp người mới trong thời đại ngày nay nhận chịu sự lạc lõng, mất kết nối hay những dạng thức bi kịch khác gắn liền với sự phát triển công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Anh có dự định đối thoại với những bi kịch này một cách trực diện hơn?

Tôi sinh ra từ làng quê, từ rừng núi nên tôi mang căn cước của làng quê, của rừng núi. Tôi tự nhận thấy sâu xa trong thế giới của tôi là âm vang của cổ sơ, của khởi nguyên tắm những huyền thoại mịt mùng. Nên ký ức về tuổi thơ, về núi rừng vẫn luôn là nguồn năng lượng lớn trong tôi. Trong dòng tranh Những cỗ máy khổng lồ mà tôi đang thực hiện, những ký ức ấy đã bắt đầu nhường chỗ cho nền văn minh hiện đại. Bằng cách tạo nên những cổ máy han rỉ từ màu sắc, tôi đã dần khai thác sự phụ thuộc của con người vào máy móc, những tác phẩm ấy mang khí sắc của nghệ thuật đương đại nhiều hơn. Tôi không ngợi ca những cỗ máy mà có lẽ, trong một góc độ nào đó, tôi khai thác việc con người dần mất căn tính của mình bởi sự lệ thuộc vào máy móc, thậm chí con người đã bị nuốt chửng vào một thế giới nhân tạo không lối thoát.

 

Anh có luôn tìm kiếm một điều gì như cách các nhân vật của mình vẫn đang tìm? Và hành động tìm có nhất thiết phải dẫn dắt đến cái “thấy”?

Các nhân vật của tôi vẫn không ngừng tìm kiếm, và tôi cũng vậy. Đó là những cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ. Tìm kiếm chân lý, tìm kiếm sự thật, tìm kiếm bản mệnh của tồn tại và tìm kiếm những kiểu dạng tư duy nghệ thuật khác nhau, v.v. Trong quá trình tìm kiếm ấy, tôi thụ hưởng niềm hạnh phúc ngay trên lộ trình và hi vọng đến một ngày sẽ “thấy”.

 

clip_image024

Tìm ánh sáng, 2023, 60 x 80 cm, sơn dầu trên bố

Cảm ơn anh Minh Phong. Chúc anh sẽ tiếp tục kiên gan trên hành trình sáng tạo và sớm “thấy” được những điều anh đã luôn kiếm tìm.

Nguồn: https://artrepublik.vn/hoa-sy-le-minh-phong-va-nhung-buc-tranh-tu-thap-len-anh-sang/