Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

Tiếng Việt từ TK 17: các cách dùng cái đồng, kính, gương… chiếu kính, soi gương, soi đồng, ống dòm (phần 45)

Nguyễn Cung Thông[1]

 

Phần này bàn về các cách dùng cái đồng, kính, gương - chiếu kính, soi đồng, soi gương từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vi/1895), v.v. Kí, kì còn có thể viết là ký/kì (Kí ~ tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ hay Hán cổ).

1. Cái đồng là gương, kính

1.1 VBL trang 236 ghi cái đồng là speculum (La Tinh, lại có gốc là động từ specio nghĩa là xem xét, quan sát - so với cái soi[2] hay giám HV 鑑), chỉ cái gương soi - thành ra soi đồngsoi gương (VBL trang 693).

image

VBL trang 236

 

Nguyên nhân đồng tương đương với gương soi là từ thời cổ đại người xưa đã dùng kim loại đồng đánh bóng để có thể nhìn thấy hình phản chiếu hay soi sáng chỗ tối… Đồng (thường pha một ít kim loại khác như thiếc) không cứng và dễ đánh bóng nên thích hợp làm kính phản chiếu (gương soi). Chữ đồng HV viết bằng bộ kim 金 (kim loại) hợp với chữ đồng 同 (thành phần hài thanh), đồng 銅 chỉ kim loại màu đỏ - hay là ‘vàng đỏ’ (xích kim 赤金) của thời xưa. Nét nghĩa trên đã mở rộng để chỉ các đồ vật làm bằng đồng (đồ đồng - Béhaine/1772-1773) như gương soi, lư hương, tiền bạc (một đồng, hai đồng, đồng tiền), v.v.

image

- "Kính bồn sảng sảng chậu đồng" - Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa[3]

Kính dịch Nôm là đồng (gương soi) trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa: td. hình chụp trang 149 (hay 40a) bên trên ghi kính bồn ~ chậu đồng, phù hợp với nghĩa của đồng thời VBL. Để ý chữ Nôm đồng viết bằng chữ đỗng 洞 (hay động - theo các tài liệu HV hiện nay); thật ra chữ này còn có thể đọc là đồng[4] (bình thanh): 徒紅切 đồ hồng thiết (QV), 徒東切,音同 đồ đông thiết, âm đồng (TV, LT). Ngoài ra, trang 148 cũng có đoạn "Cổ kính gương cũ để lâu chẳng nhìn" - xem hình chụp bên dưới:

image

Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa trang 148 (hay 40b)

 

image

Tú long hiểu kính đồ 綉櫳曉鏡圖 - tranh vẽ[5] bởi Vương Sân 王詵 thời Tống (TK 11). Tranh cho thấy một vị phu nhân đang soi gương đồng trong phòng trang điểm với hai nữ gia nhân. Mặt sau của kính (gương đồng) thường có những hình thú vật trong huyền thoại hay cảnh thiên nhiên (td. cây cối, sông núi): hình sau là mặt sau của một gương đồng thời nhà Đường - trích từ trang https://www.comptonverney.org.uk/bronze-mirrors-reflections-of-china/.

image

Mặt sau gương đồng với rồng ba móng chân

 

Cũng cần ghi nhận thêm ở đây là kính (gương) bằng thuỷ tinh chỉ nhập vào Trung Hoa khoảng thời nhà Thanh, từ đó gương đồng càng ngày càng ít người dùng vì không tiện lợi bằng gương thuỷ tinh có mặt sau tráng bạc. Khái niệm về gương (soi) rất khác vào TK 17 và trước đó so với thời nay.

1.2 Gương, gượng trong VBL

Kính (speculum La Tinh) tương ứng với espelho (tiếng Bồ Đào Nha, có gốc La Tinh là speculum): vào thời VBL, kính cũng là gương và đồng - xem một trang tự điển chép tay từ nguyên bản VBL vào cuối TK 18 bên dưới - trích từ tự điển chép tay lưu trữ trong thư viện Toà Thánh La Mã Borg.tonch.23

image

 

image

VBL trang 301

Tiếng Mường (Bi) cương là gương cũng giống như VBL trang 301. Trong An Nam Dịch Ngữ[6] thì kính ghi âm đọc là canh HV 羹. Tiếng Việt chỉ dùng hai dạng gương và gượng, không thấy dùng các dạng gưỡng, gưởng, gường, gướng - hay chỉ sử dụng 1/3 tiềm năng của âm này trong ngôn ngữ hàng ngày.

image

Tự điển Béhaine, Taberd chép lại hoàn toàn

1.2.1 Xem lại cấu trúc chữ kính HV: chữ kính 鏡 (thanh mẫu kiến 見 vận mẫu canh thanh 庚青 khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

居慶切,音竟 cư khánh thiết, âm cánh (TVGT, ĐV, QV, TV, LT, VH, CV, TVi, CTT) TVGT ghi 景也 cảnh dã

居映切 cư ánh thiết (NT, TTTH)

居亮切,姜去聲 cư lương thiết, khương khứ thanh (VB, TVi) - so với chữ Nôm gương dùng khương làm thành phần hài thanh

TNAV ghi vận bộ canh thanh 庚青 (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 敬 竟 鏡 獍 (kính cánh kính)

Giọng BK bây giờ là jìng (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông geng3 và các giọng Mân Nam 客家话 [海陆腔] giang5 [台湾四县腔] giang5 [沙头角腔] giang5 [陆丰腔] giang5 [东莞腔] giang5 [宝安腔] giang5 [梅县腔] giang5 [客英字典] giang5 [客语拼音字汇] giang4, tiếng Nhật là kyō và tiếng Hàn là geoul gyeong. Một dạng âm cổ phục nguyên của kính là *kiangh (đọc như ki-ánh tiếng Việt bây giờ), cũng như khuynh hướng đọc thành *kɨəŋ hay gần như cương tiếng Việt bây giờ (theo Vận Bổ). Một dạng chữ Nôm cổ của gương là - chữ khương 姜 hợp với chữ ti/tư 司 - khương là hài thanh và ti/tư là coi sóc, trông coi (hoạt động khi nhìn gương, soi gương, xem xét[7] mở rộng nghĩa thành quan chức - chữ khương 姜 còn là chữ Nôm gừng. Âm khương chữ Nôm cho ta thấy vết tích âm cổ của kính. VBL ghi gương còn đọc là cương, cùng với cách đọc hậu kì *kương (theo Vận Bổ) cho ta cơ sở liên kết âm kính HV với âm gương tiếng Việt, thanh điệu tuy khác biệt (bình thanh so với khứ thanh) có thể là do thời gian nhập vào tiếng Việt đã lâu nên tạo ra sự thay đổi về thanh điệu như các trường hợp 墓 mồ mộ mô mả, 研 nghiên nghiền nghiến nghiễn, v.v. Dạng cương[8] của gương vào TK 17 trong VBL là một minh chứng quan trọng cho thấy tương quan của hai phụ âm cuối lưỡi k - g trong quá trình hình thành tiếng Việt; so sánh các trường hợp tương tự như can - gan, cận - gần, cẩm - gấm, cấp - gấp… Trong 10 chữ Hán có thành phần là cánh 竟, thì có 4 trường hợp có khả năng đọc thành *kɨəŋ hay gần như âm cương tiếng Việt bây giờ (các chữ số 1, 3, 5, 8):

1 2 3 4 5 6 7 8 (kính) 9 10

Trừ chữ số 8 - kính HV thường gặp - các chữ khác là chữ hiếm, td. chữ số 3 摬 (nghĩa là đánh/gõ) có các cách đọc theo phiên thiết

一敬切 nhất kính thiết (TVGT)

於慶切 ư khánh thiết (TV)

巨兩切, 强上聲 cự lưỡng thiết, cường thượng thanh(TV, LT)

倚兩切,音怏 ỷ lưỡng thiết, âm ưởng (TV, LT)

v.v.

Chữ số 1 傹 còn dùng tương đương với cương 僵 và cánh ,để ý vần -inh/-anh có thể đọc thành -ương. Tương quan cương - gương còn thấy trong trường hợp cưỡng HV ~ gượng tiếng Việt (chi tiết trong mục 1.2.3).

1.2.2 Gương, kính mở rộng nghĩa

Gương soi (cụ thể) đã mở rộng nghĩa để chỉ một hành động tốt, mẫu mực (trừu tượng) để người ta noi theo hay bắt chước. Tuy VBL không[9] ghi nghĩa bóng này như các tự điển Béhaine/Taberd sau đó, nhưng lại xuất hiện PGTN như

"Vậy thì làm gương chịu luỵ, vâng phép vua chúa, sự gì chẳng có lỗi đạo." PGTN trang 160-181

"thì đức Chúa Giê Su dùng nhân đức mình làm gương cho ta" PGTN trang 171

"mà vậy làm gương tốt lành, đang bấy lâu năm, cho ta bắt chước và chịu luỵ và khiêm nhường làm vậy" PGTN trang 172

"lấy đức Chúa Giê Su làm gương" PGTN trang 175

"thì đức Chúa Giê Su cũng cầu khẩn, làm gương cho ta xem mà bắt chước vậy" PGTN trang 188

"Trong sách gương truyện rằng: một người ghét nhà kia chẳng có lẽ nào mà tha" Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông - bản Nôm của Maiorica trang 150 (hay 197)

v.v.

Ngôn ngữ Tây phương không mở rộng nghĩa như vậy, từ nghĩa nguyên thuỷ là chất thuỷ tinh (glass tiếng Anh, verre tiếng Pháp > ve chai), danh từ glass/A và verre/P đã thêm nét nghĩa ly, cốc (cụ thể). Tiếng Anh dùng example, (role) model để chỉ một tấm gương tốt hay mẫu mực đển người ta noi theo. Không những gương đã mở rộng nghĩa, kính (gương đồng, nguyên nghĩa HV) cũng thêm nét nghĩa chỉ chất thuỷ tinh[10] trong tiếng Việt như cửa kính, kính đeo mắt… Tư duy tổng hợp dẫn đến khuynh hướng mở rộng nghĩa từ gương soi (cụ thể) ra mẫu mực (trừu tượng): ảnh qua gương là ảnh ảo (của một sự vật), nhìn toàn cảnh (tổng thể) thì có thể xem như chỉ một sự vật mà thôi. Tư duy phân tích lại nhìn vấn đề khác hơn: đại diện của sự vật phải là một thành phần thật của sự việc/vật thể, cho nên không dùng 'ảnh ảo' hay gương mà lấy một mô hình cụ thể (model, role model), một phần của vật thể (example/A, exemple/P: từ gốc La Tinh ex- là lấy ra một phần, một mẫu…). Đây là một chủ đề thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài này.

1.2.3 Cưỡng/cường là gượng

So sánh các cách đọc chữ cường/cưỡng HV 強 theo phiên thiết

巨良切 cự lương thiết (TVGT, ĐV)

巨良反 cự lương phản (NKVT 五經文字)

巨章切 cư chương thiết (NT)

渠良切,音彊 cừ lương thiết, âm cường (TV, VH, LT, CV, TG 字鑑, LTCN 六書正譌, TVi/CTT) (A)

其兩切,彊上聲 kì lưỡng thiết, thượng thanh (NT, QV, TV, LT)

舉兩切 cử lưỡng thiết (TV, LT) TV ghi thượng thanh 上聲

其兩切 kì lưỡng phản (NKVT 五經文字)

分二音,不知何據 phân nhị âm, bất hà tri cứ (QV)

其亮切,彊去聲 kì lượng thiết, cường khứ thanh (TV, VH, CV, TTTH, TVi) (C)

其亮反 kì lượng phản (LKTG)

巨兩切 cư lưỡng thiết (CV, TVi) (B)

斤兩切,羌上聲 cân lưỡng thiết, khương thượng thanh (TVi)

TNAV ghi vận bộ 江陽 giang dương (dương bình) thanh mẫu khê 溪

TNAV ghi vận bộ 江陽 giang dương (thượng thanh) thanh mẫu khê 溪

TNAV ghi vận bộ 江陽 giang dương (khứ thanh) thanh mẫu kiến 見

CV ghi cùng vần/bình thanh 彊 强 (cường) (A)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 彊 强 疆 滰 勥 (cưỡng) (B)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 強 倞 弶 (*cưỡng) (C)

v.v.

Giọng BK bây giờ là qiáng qiǎng jiàng (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông goeng6 koeng4 koeng5 và các giọng Mân Nam 客家话 [梅县腔] giong3 kiong2 [客语拼音字汇] kiong2 kiong3 [海陆腔] kiong2 giong3 giong1 [陆丰腔] kiong3 kiong3 [台湾四县腔] kiong2 giong3 giong1 [宝安腔] kiong2 | giong3, tiếng Nhật kyō tsuyoi shiru, tiếng Hàn kang.

Từ các cách đọc theo phiên thiết trên, ta có cơ sở để liên hệ cường/cưỡng với gượng, cũng như kính hay *kɨəŋ với gương.

2. Soi đồng là soi gương, chiếu kính

image

VBL trang 384

image

VBL trang 693

Chiếu kính xuất hiện hai lần trong VBL, trang 384 mục kính và trang 107 mục chiếu, có nghĩa tương đương với soi gương và soi đồng. Phần sau tìm hiểu thêm về tương quan ngữ âm giữa chiếu và soi (rọi).

2.1 Chiếu là chiêu ~ soi

2.1.1 Chiếu HV có nghĩa là soi sáng, rọi sáng... Chữ chiếu 照 (thanh mẫu 章 chương, vận mẫu 蕭豪 tiêu hào, khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

之少切 chi thiếu/thiểu thiết (TVGT, ĐV, QV) TVGT/QV/TV/LT ghi 明也 minh dã

之笑切,音詔 chi tiếu thiết (TV, VH, LT, LTCN 六書正譌, CV, TVi, CTT)

TNAV ghi vận bộ 蕭豪 (khứ thanh)

CV ghi cùng vần 照 炤 昭 詔 (chiếu/chiêu)

v.v.

Giọng BK bây giờ là zhào (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông ziu3 và các giọng Mân Nam 客家话 [沙头角腔] zau5 [客语拼音字汇] zau4 zeu4 [台湾四县腔] zeu5 zau5 [梅县腔] zhau5 [陆丰腔] zhau5 [东莞腔] zau5 [海陆腔] zhau5 [客英字典] zhau5 [宝安腔] zau, tiếng Nhật shō và tiếng Hàn cyǒ. Một dạng âm cổ phục nguyên của chiếu là *tjaws (> chói), còn âm cổ của chiêu là *tjaw > *choi > soi (xát hoá).- xem thêm chi tiết về chữ chiêu 昭, thành phần hài thanh của chiếu). Nên ghi nhận ở đây là Tập Vận (năm 1037/1067) từng ghi chiếu tương đương với chiêu (thành phần hài thanh của chiếu) - xem hình chụp lại ở bên dưới.

Học giả Đoàn Ngọc Tài (trong Thuyết Văn Giải Tự Chú, năm 1808) cũng ghi nhận về chữ chiếu như sau 與昭音義同 dữ chiêu âm nghĩa đồng (chữ chiếu và chữ chiêu có cùng âm và cùng nghĩa). So với tiếng Việt dùng dạng soi (chữ Nôm = bộ hoả + chữ lôi) bình thanh là một dạng âm cổ hơn của chiêu, so với dạng chói tương ứng với chiếu.

 

image

Tập Vận ghi chiếu (> chói) bộ hoả tương đương với chiêu (> soi) bộ nhật.

2.1.2 Chiêu/chiếu/chiểu cũng là soi (rọi)

Chữ chiêu/chiếu/chiểu 昭 (thanh mẫu 照 chiếu, vận mẫu 蕭豪 tiêu hào, bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

止遙切 chỉ diêu thiết (TVGT, ĐV, QV) - để ý 【博雅】明也 Bác Nhã ghi là minh dã (cũng như TV, LKTG so với chiếu theo TVGT)

之遙切 chi diêu thiết (NT, TV, TTTH, CV)

之遙翻 chi diêu phiên (BH 佩觿)

時昭切,音韶 thì nhiêu thiết, âm thiều (TV, LT, NT)

市遙切 thị nhiêu thiết (TTTH)

時昭切,音韶 thì chiêu thiết, âm thiều (CV)

止少切,音沼 chỉ thiểu thiết, âm chiểu (TV, CV) - CV ghi thượng thanh

之笑切 chi tiếu thiết (TV, LT, CV, TVi) - CV/TVi ghi khứ thanh

之笑切。照,或省作昭 chi tiếu thiết - chiếu, hoặc tịnh tác chiêu (TV)

蚩於切 xi ư thiết (VB)

TNAV ghi vận bộ 蕭豪 tiêu hào (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 昭 鉊 招 釗 炤 朝 鼂 (chiêu chiếu/chiêu triêu/triều trào)

CV cũng ghi cùng vần/bình thanh 韶 㲈 招 佋 昭 詔 苕 (thiều thiêu/chiêu chiêu/thiệu *chiếu thiều/điều)

CV cũng ghi cùng vần/thượng thanh 沼 昭 (chiểu chiêu/chiểu)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 照 炤 昭 詔 (chiếu *chiêu/chiếu)

v.v.

Giọng BK bây giờ là zhāo (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông ciu1 ziu1 và các giọng Mân Nam 客家话 [宝安腔] zau1 [客语拼音字汇] zau1 zeu1 [东莞腔] zau1 [客英字典] zhau1 [台湾四县腔] zau1 zeu1 [梅县腔] zhau1 shau1 [海陆腔] zhau1 [陆丰腔] zhau1, tiếng Nhật shō và tiếng Hàn so, jo. Âm chiêu có thể là bình thanh, nhưng ít người biết khả năng là thượng thanh hay khứ thanh (TV, LT, CV) so với âm chiếu. Một dạng âm cổ phục nguyên của chiêu là *tjaw > *choi > soi nếu là bình thanh - nói sòi là nói giỏi (ĐNQATV), và có thể một biến âm là sõi (VBL nói saõ sõi là nói hay, nói lưu loát rõ ràng).

2.2 Như vậy ta có cơ sở đề nghị cụm từ HV chiếu kính chính là soi gương tiếng Việt, tuy nhiên VBL cũng ghi nhận thêm là chiếu kính không chỉ đơn giản là soi đồng (soi gương) mà còn là một hoạt động tín ngưỡng dân gian: nhìn vào cái đồng (cái gương) để đoán biết sự lành hay dữ qua những hình ảnh trong đó[11]. Các mục soi gương (VBL trang 384), đồng (VBL trang 236) và kính (VBL trang 384) đều ghi khả năng tiên tri của gương trong xã hội VN vào TK 17. LM de Rhodes đã ghi nhận khá nhiều các tục lệ và tín ngưỡng dân gian, gọi là ‘dị đoan’, trong VBL như đeo bùa (VBL trang 56) - đeo bùa vào cổ (để cho may mắn); xin keo (VBL trang 356, 891); xin âm dương (VBL trang 891; gieo tiền cho biết vận may hay không - keo chỉ đồng tiền chứ không phải là hai mảnh gỗ hình bán nguyệt; xem giò (VBL trang 284-285): tục xem bói bằng chân gà; bắt thăm, bỏ thăm, bẻ thăm (VBL trang 737), bẻ gam, bắt gam (VBL trang 257): rút số bằng những que găm hay cọng rơm rạ để cho biết vận mạng của mình; xung (VBL trang 897): niềm tin dân gian cho rằng tuổi xung khắc nên hai vợ chồng gặp nhiều vấn đề như không có con, không làm nên hay không yêu thương nhau, v.v. Đây là một chủ đề quan trọng cần khai thác thêm nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.

2.3 Mộc kính - mục kính

VBL trang 384 ghi mộc[12] kính là perspicilia (tiếng La Tinh trung cổ, nghĩa là kính đeo mắt), nhưng tới thời Béhaine (1772/1773) thì ghi là mục kính 目鏡 ~ conspicillum (tiếng La Tinh, nghĩa là một lỗ nhỏ để quan sát, kính đeo mắt, ống dòm). Theurel (1877) thêm vào cách dùng tương đương là nhãn kính hay nhỡn kính.

 

image

Một cặp mắt kính[13] (mục kính) vào TK 17

2.4 Ống ngọc dòm là ống dòm

Ống dòm vào thời VBL gọi là ống ngọc dòm (VBL trang 587) với ngọc chỉ thuỷ tinh (VBL ghi là thuỷ thinh) hay vitrum (La Tinh). Thật ra ngọc là loại đá quý có thể trong suốt như thuỷ tinh, cho nên đến thời Béhaine và Taberd đã giải thích chính xác hơn là gemma, lapis pretiosis (ngọc, đá quý). Có lẽ VBL thêm vào chữ ngọc cho rõ ý hơn, hàm ý dùng các loại kính hội tụ (thuỷ tinh - ngọc) trong một cái ống để nhìn thấy xa được (dòm). Cấu trúc 'phức hợp' này còn thấy trong mục thiên đàng mà VBL ghi là nên gọi là thiên chúa đàng (thêm vào chữ chúa/chủ) hay nhân danh thì thêm vào nhân nhất danh trong mô thức rửa tội.

image

VBL trang 587

3. Giám cũng là gương

Giám HV 鑑 hay tiền thân là 監 (xem quá trình hình thành chữ giám bên dưới) có nghĩa là gương soi. Giám, một từ Hán cổ, từng có nghĩa là cái chậu lớn, khi đựng nước thì có thể dùng làm gương soi mặt hay khi đánh bóng chậu (đồng) cũng cùng một công dụng - đây là nghĩa hậu kì (td. 鑑謂之鏡 giám vị chi kính - Quảng Nhã). Chữ giám thuộc loại chữ hiếm, tần suất[14] khoảng 0.001 % so với chữ kính thường gặp hơn với tần suất 0.021%.

Giám HV xuất hiện một lần trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa:

Bảo giám gương sáng làu làu (trang 148, sđd)

Giám cũng xuất hiện một lần trong Đại Nam Quốc Ngữ[15]:

Bảo giám gương (trang 185, sđd)

 

image

Quá trình hình thành[16] chữ giám 監 từ trái sang phải

- cột 1 là giáp cốt văn, chữ tượng hình cho thấy hình một người ngồi soi chậu (có thể chậu nước hay chậu đồng) thời nhà Thương

- cột 2 là kim văn (td. thời Tây Chu)

- cột 3 là tiểu triện (td. thời Thuyết Văn Giải Tự)

- cột 4 là lục thư thống 六書統 thời Minh

Tuy nhiên, có lẽ là từ HV rất cổ này không được đại chúng dùng hay không phổ thông nên không thấy ghi trong VBL/PGTN hay tự điển Béhaine/Taberd, nhưng tự điển của Theurel và ĐNQATV có ghi nghĩa gương của giám. Vào cuối TK 19, học giả Trương Vĩnh Ký đã dịch ra chữ quốc ngữ cuốn Minh Tâm Bửu (Bảo) Giám[17] 明心寶鑑 (tạm dịch/NCT: gương báu soi sáng lòng người), một tài liệu Hán cổ không biết rõ tác giả là ai.

Tóm lại, đồng vào TK 17 có nghĩa là gương soi (gương đồng), kính và soi đồng có nghĩa là soi gương hay chiếu kính: các dữ kiện ngôn ngữ này đã được VBL và PGTN ghi nhận đầy đủ; cái đồng là cái gương, cái kính vào thời này. VBL còn ghi một âm đọc khác của gương là cương, phản ánh một phụ âm đầu cổ hơn thuộc loại vô thanh/tắc/cuối lưỡi, phù hợp với cấu trúc chữ Nôm gương với thành phần hài thanh là khương 姜 - so với cưỡng HV và gượng. Các cách đọc phiên thiết trung cổ của chữ kính cũng cho thấy nguyên âm sau không tròn môi với độ mở miệng vừa -ươ (hay /ɨə/) - giải thích liên hệ giữa âm kính/cánh HV và gương; kính còn có các biến âm gần đây hơn là kiến (không thấy dùng nữa[18]) và kiếng. Ngoài ra chữ kính viết bằng bộ kim cũng cho thấy hàm ý gương bằng đồng thời trước, khác với nét nghĩa mở rộng cận đại của kính tiếng Việt là chất thuỷ tinh. Không những kính đã thay đổi nghĩa phần nào, gương cũng mở rộng nghĩa từ cụ thể (cái gương để soi) đến trừu tượng, dùng để chỉ mẫu mực/hành động để người ta noi theo (~ noi gương) mà làm hay bắt chước. Chiếu HV (> chói, rọi) còn có dạng tương đương là chiêu mà một dạng âm trung cổ phục nguyên là *tjaw, dẫn đến dạng soi tiếng Việt, cả hai cách dùng chiếu kính và soi gương đều hiện diện vào TK 17. Tuy nhiên, VBL ghi nhận thêm là chiếu kính và soi đồng còn là hoạt động của phù thuỷ khi nhìn gương để làm phù chú, so với phong tục soi gương của xã hội Trung Hoa thời xưa cũng mang đậm tính cách dị đoan. Ít người biết giám HV cũng từng chỉ gương soi, một chữ cổ hơn kính và từng hiện diện trong tiếng Việt với nét nghĩa này, mà vết tích[19] còn thấy qua nét nghĩa soi xét như thái giám, giám sát, giám thị, giám học… Hi vọng bài viết này là động lực gợi ý cho người đọc tìm hiểu sâu xa hơn về tiếng Việt và khám phá nhiều kết quả thú vị hơn nữa.

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

2) Philiphê Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

(1822) “Phép Giảng Tám Ngày”, “Truyện nước Anam Đàng trong quyển nhị”. Các tài liệu viết tay khác của chính tác giả còn lưu trữ trong thư viện tòa thánh La Mã.

3) Jean Bonet (1899) "Dictionnaire annamite-français : langue officielle et langue vulgaire" có thể tham khảo trên trang này https://www.lexilogos.com/vietnamien_dictionnaire.htm

4) Huỳnh Tịnh Của (1895-1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

5) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

6) Trần Văn Giáp (2006) "Vân Đài Loại Ngữ" tác giả Lê Quý Đôn, Trần Văn Giáp phiên dịc và khảo thích, Trần Văn Khang làm sách dẫn, Cao Xuân Huy hiệu đính và giới thiệu - NXB Văn Hoá Thông Tin (Hà Nội - 2006).

7) John E. Grievenkamp/David L. Steed (2011) "The History of Telescopes and Binoculars: An Engineering Perspective " Plenary paper - có thể đọc trên trang http://fp.optics.arizona.edu/antiques/Publications.htm hay chrome-extension://efaidnbmnnnibpcajpcglclefindmkaj/https://wp.optics.arizona.edu/jgreivenkamp/wp-content/uploads/sites/11/2017/05/Binoculars-and-Telescopes-OPTI-202.pdf

8) Hội Khai Trí Tiến Đức – ban văn học (1931/1954) “Việt Nam Tự Điển” NXB Trung Bắc Tân Văn (Hà Nội).

9) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

10) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

“Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

11) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale) và cuốn tự điển La Tinh – Việt (Dictionarium Latino-Annamiticum - completum et novo ordine dispositum - 1838).

12) J. S. Theurel (1877) “Dictionarum Anamitico-Latinum” LM Theurel ghi nhận LM Taberd khởi thảo và ông cố tình ‘bổ sung’ ngay trong cách giới thiệu trang đầu, (td. hàm ý các cách dùng Đàng Ngoài khác với Đàng Trong/NCT) – Ninh Phú (Đàng Ngoài).

13) Nguyễn Cung Thông (2013) "Tản mạn về từ Hán Việt - phần 6.2" có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn http://e-cadao.com/ngonngu/tanmantuhanvietthoithi.htm

 

 

Phụ Trương

1. Kềnh/kình cũng là gương (guơng sen)

Chữ kềnh/kình 檠 (thanh mẫu ) có các cách đọc theo phiên thiết

巨京切 cự kinh thiết (TVGT)

巨京反 cự kinh phản (NKVT 五經文字)

渠京切,音擎 cừ kinh thiết, âm kình (ĐV, QV, TV, LT, VH, CV, TTTH, TVi)

居影切 cư ảnh thiết (ĐV, CV, TVi)

舉影切,音景。義同 cử ảnh thiết, âm cảnh/ảnh, nghĩa đồng (TV, VH, LT)

渠映切 cừ ánh thiết (TV, LT)

其映切 kì ánh thiết (CV, TVi)

渠敬切,音競 cừ kính thiết, âm cảnh (ĐV, QV, TV, VH, CV, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 庚青 canh thanh (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 勍 黥 剠 擎 鯨 䲔 檠 㯳 擏 (kình kềnh/kình)

CV cũng ghi cùng vần/thượng thanh 景 境 剄 頸 儆 警 㯳 檠 擏 (cảnh hĩnh kềnh/cảnh)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 競 檠 擎 誩 倞 (cạnh kềnh)

Giọng BK bây giờ là qíng (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông king4 và các giọng Mân Nam 客家话 [海陆腔] kiang2 kiong1 [梅县腔] gin3 [台湾四县腔] kiang2 kiong1 [客英字典] kiang/kei, tiếng Nhật kyeng và tiếng Hàn gyeong, v.v.

Kềnh/kình có nhiều cách đọc, tuy nhiên với thành phần hài thanh là âm kính 敬 và cách đọc 渠映切 cừ ánh thiết (TV, LT) hay 其映切 kì ánh thiết (CV, TVi) so với cách đọc 居映切 cư ánh thiết (NT, TTTH) của kính 鏡: ta có cơ sở liên hệ kềnh/kình với âm gương trung cổ. Kềnh/kình động từ có nghĩa là cần, nắm; còn danh từ có nghĩa là chân nến (để giữ cây nến), cái khung để giữ dây cung (và chỉnh độ căng của dây). Điều này giải thích được phần nào cách dùng gương sen (đài sen, búp sen) là chỗ chứa các hạt sen, từng được Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa/Đại Nam Quốc Ngữ ghi lại:

Liên phòng có hiệu gương sen để dành (trang 203, sđd).

Liên phòng gương sen (Đại Nam Quốc Ngữ trang 203, sđd).

2. Ống ngọc dòm - ống dòm - kính viễn vọng

Vào đầu TK 17, khi các giáo sĩ Tây phương qua Á Đông truyền đạo, thì kính viễn vọng (kính thiên văn) vừa mới xuất hiện ở Âu Châu. Các giáo sĩ Dòng Tên đã đem những kính viễn vọng đầu tiên vào Trung Hoa khoảng đầu TK 17 cũng như 'nâng cấp' thiên văn học bản địa[20] (td. vẽ địa đồ, tính thời gian chính xác hơn…). Kính viễn vọng tiếng Anh là telescope (téléscope tiếng Pháp) có gốc La Tinh tēlescopium, lại đến từ tiếng Hi Lạp cổ đại τῆλε (têle) nghĩa là xa hợp với σκοπέω (skopéō) người nhìn thấy: so sánh với cách dịch HV là viễn vọng kính (~ vọng viễn kính 望遠鏡 ~ kính nhìn thấy xa). Danh từ telescope xuất hiện vào năm 1611 do nhà toán học Hi Lạp Giovanni Demisiani để chỉ một trong các ống dòm phát minh bởi nhà thiên văn/vật lý người Ý Galileo Galilei (1564-1642). Điều này giải thích tại sao LM de Rhodes không thấy dùng danh từ telescopium, chỉ đến thời LM Taberd (1838) thì telescopium mới được ghi lại và dịch là ống dòm. Trước đó LM Behaine (1772/1773) giải thích ống dòm là conspicillum tubulatum (NCT: conspicillum là mục kính, tubulatum là hình ống) giống như giải thích ống ngọc dòm (VBL trang 587).

 

image

VBL trang 587

 

image

Tranh vẽ một trong những kính viễn vọng đầu tiên của Hà Lan trong cuốn “Emblemata of zinne-werck” (Middelburg, 1624) - có thể xem như một loại ống dòm (thời kỳ sơ khai dùng một mắt/ống). Có lẽ nên nhắc ở đây cách dịch rất lạ của học giả Hoàng Xuân Hãn (HXH) trong cuốn Danh Từ Khoa Học[21] (1942/1951): téléscope là kính võng viện - xem hình chụp bên dưới (trang 174)

 

image

Danh Từ Khoa Học (1942/1951) trang 174

Điểm rất thú vị là học giả HXH đã dùng trực tiếp từ cụm danh từ HV vọng viễn kính rồi đổi chữ kính ra trước theo trật tự chữ Việt, tuy nhiên thanh điệu lại trở thành võng viện (?) thay vì vọng viễn (nhìn ra xa); đây có thể do phương ngữ Hà Tĩnh[22] của cụ Hãn? Cụ Hãn đã dịch 'chuẩn' theo âm HV trong các mục Hypermétrope là viễn thị 遠視 (viễn ~ xa, thị ~ thấy), Hypermétropie là tật, tính viễn thị; Télémétre là kính trắc viễn… Cụ viết viễn ở các mục này nhưng lại là viện ở mục kính võng viện! Để ý tự điển Việt Hoa Pháp của Gustave Hue (1937) dịch téléscope là viễn kính, vọng viễn kính. Trước đó một năm cụ Đào Duy Anh (1936), với kiến thức Hán học thâm trầm, đã dịch là kính viễn vọng; trước đó nữa thì Béhaine/Taberd, Theurel đã ghi nhận các cách dùng viễn vọng 遠望 (theo thứ tự chữ Hán Việt), huyền viễn, dao viễn (~ nhìn xa) nhưng không thấy dùng kính viễn vọng… Tiếng Nhật là Bōenkyō (bo ~ vọng, en ~ viễn, kyo ~ kính) so với tiếng Hàn mang-wongyeong cùng một gốc (mang ~ vọng, won ~ viễn, gyeong ~ kính)…. Trước đó thì cụ Trương Vĩnh Ký (1884) dịch là ống dòm, ống thiên lý; Vallot (1898) dịch là thiên lý kính 千里鏡, ống dòm (để ý tiếng Hán còn dùng 召鏡 triệu kính ~ telescope, triệu HV hàm ý đem hình ảnh lại gần cho thấy rõ hơn). Gần đây hơn - trong các tự điển HV - học giả Hoàng Thúc Trâm (1950) dịch là viễn kính, viễn vọng kính, thiên lý kính; Nguyễn Văn Khôn (1952) kiến viễn vọng; Thanh Nghị (1961) kính viễn vọng cho đến ngày nay (2024) ta thường dùng kính viễn vọng/viễn vọng kính hay kính thiên văn.

Nguồn gốc của kính viễn vọng từ Âu Châu, vào đầu TK 17, còn được Vân Đài Loại Ngữ (sđd) trang 387-388 nhắc đến "Du Tử Lục nói: những nhà học độ số, ở các nước Tây phương, chế ra cái kính trông xa (võng viện kính), ống làm bằng da, dài ước hơn một thước, cả lớn lẫn nhỏ, độ bốn, năm cái, lồng vào nhau: để đầu cái ống kính nhỏ vào phía vật mà nhòm, thì vật to hoá nhỏ, để đầu cái ống kính lớn mà nhòm, thì vật nhỏ hoá to. Trông xa một trăm dặm, mà không có mây khói che lấp, có thể trông rõ người, thấy rõ cả râu, mày, vui cười. Cái ống nhòm này được đem vào Trung Quốc vào khoảng niên hiệu Vạn Lịch (1573 - 1619)" hết trích.


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com

[2] cái soi là cái kính coi mặt, cái kiến con mắt (ĐNQATV) - để ý kiến không có -g. Lần đầu người viết (NCT) rất ngạc nhiên khi nghe người Rạch Giá (miền Nam VN) dùng cái soi để chỉ kính, nhưng nghe nhiều thì cũng quen.

[3] "Từ điển song ngữ Hán Việt - Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa" Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải - NXB Văn Học (Hà Nội - 2016).

[4] Điều này cho thấy người trước biết rất rõ cách đọc chữ Hán so với thời nay?

[5] Trích từ bài viết Traditional Chinese Bronze Mirror History & Meaning (2023) trang này https://www.newhanfu.com/34132.html

[6] An Nam Dịch Ngữ (Vương Lộc giới thiệu và chú giải) - NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng (1995).

[7] So với nghĩa của chữ tí/tứ 伺 ~ dò xét. Nét nghĩa này cũng hiện diện trong cách dùng tư thiên 司天 trong VBL (quan tư thiên xem xét các vấn đề tính toán như thời giờ, nhật và nguyệt thực/thiên văn, v.v.).

[8] Theo GS Vương Lộc thì dạng cương cũng hiện diện trong phương ngữ Bắc Trung Bộ (xem ghi chú An Nam Dịch Ngữ, sđd).

[9] Điều này cho thấy LM de Rhodes đã soạn PGTN với một người VN (bản địa) rành tiếng Việt, hay soạn VBL dựa vào các tài liệu tiếng Việt căn bản (thực tế và đơn giản) cần thiết trong buổi đầu truyền giáo.

[10] Thuỷ tinh tiếng Trung Hoa là pha lê (li) 玻璃 hay lưu ly 琉璃, td. cửa kính là pha lê/li song 玻璃窗

[11] Gương soi từng được dùng trong các phép thuật phù thuỷ hay bói toán, phong thuỷ trong một số văn hoá cổ đại, lý do là người trước thường tin vào khả năng siêu việt của gương soi khi phản chiếu ánh sáng và tạo ra hình ảnh trong gương: td. trừ tà ma, xua đuổi ám khí… Dĩ nhiên là thời bấy giờ chưa biết đến các định luật vật lý (Quang học) về hiện tượng phản chiếu ánh sáng từ một mặt bóng láng (mặt kính).

[12] VBL ghi mục cũng đọc là mộc.

[13] Trích từ bài viết "Spectacles in the 17th Century" tác giả David Vavreck trang này http://www.clanntartan.org/articles/spectacles.html - thường phải dùng tay cầm lấy khi đọc vì cấu trúc gọng kính khá đơn giản vào thời này!

[14] Tham khảo chi tiết trang này https://spokentaiwanmandarin.nccu.edu.tw/character-frequency.html

[15] "Khảo cứu từ điển song ngữ Đại Nam Quốc Ngữ - nguyên bản Nguyễn Văn San" khảo/phiên/dịch/chú Lã Minh Hằng - NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội (2013).

[16] Tham khảo chi tiết về quá trình hình thành chữ giám 監 trên trang này chẳng hạn https://hanziyuan.net/#%E7%9B%A3 -

[17] Minh Tâm Bửu Giám là tài liệu chữ Hán đầu tiên được dịch ra tiếng Âu Châu (td. năm 1590 được dịch ra tiếng Tây Ban Nha bởi LM Dòng Đa Minh Juan Cobo). Các bản dịch khác cũng hiện diện và lưu hành trước đó ở Á Đông như Đại Hàn, Việt Nam, v.v.

[18] Td. các học giả Huỳnh Tịnh Của (1895), Nguyễn Văn Khôn (1955) ghi dạng kiến (không có -g).

[19] Tiếng Hàn gương (soi) là 거울 geoul( đọc như là kôl/kôn so với *cương/gương – so với âm trung cổ của 鏡 kính) và tiếng Nhật gương (soi) là 鏡 kagami (so với giám) hay きょう kyō (*cương rút gọn/phụ âm cuối tha hóa, khuynh hướng tiếp cận âm Hán cổ: kinh > ki, đông/tông > to, đông kinh > tokyo, v.v.). Giám 鑑 là cái gương, gương mẫu trong tiếng Nhật cổ đại.

[20] Tham khảo bài viết (2013) "Head-On Intersection of East and West: The Overlooked History of Galileo in China" của tác giả Jeremy Schreier chẳng hạn - đăng trong tạp chí Intersect: The Stanford Journal of Science, Technology, and Society. 6 (2).

[21] "Danh Từ Khoa Học" Hoàng Xuân Hãn soạn - in lần thứ nhất, NXB Imprimerie TRUNG BAC (Hà Nội, 1942). Các bản in và cập nhật lần sau như do NXB Vĩnh Bảo (Sài Gòn) in năm 1948, hay NXB Minh Tân in năm 1951 (có thêm Phụ Trương) đều ghi là kính võng viện - tham khảo bản in lần thứ ba trên trang này chẳng hạn https://archive.org/details/danh-tu-khoa-ho-c-hoang-xuan-...-hoang-xuan-bpt-6k-4238743r/page/n5/mode/2up?view=theater, v.v.

[22] Giọng Nghệ Tĩnh phổ biến chỉ có 5 thanh (không phát âm được thanh ngã (~), thanh ngã (~) thường nhập với thanh nặng (.) - giải thích được phần nào vọng > võng, viễn > viện, v.v. Theo anh bạn TS Phạm Quang Tuấn (Sydney, Australia) thì có thể cụ Hãn đã vô tình nói lái - người viết (NCT) còn đề nghị một khả năng khác là freudian slip (trượt lưỡi Freud/nói nhầm một cách vô ý/lỡ lời khi dùng tiếng nói địa phương của mình).