Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

Đặng Thân và tập thơ “Về trung”(*)

(Phát biểu tại Tọa đàm giới thiệu tập thơ mới xuất bản của Đặng Thân) 
Lã Nguyên

image

 

Đặng Thân là một hiện tượng kì lạ. Kì lạ không chỉ ở trong sáng tác của ông, mà còn ở chỗ: ông nổi tiếng ở nước ngoài, đoạt nhiều giải thưởng thơ quốc tế, nhưng sân chơi văn nghệ chính thống “Vì Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội” thì có vẻ vẫn như cố tình lờ đi, tựa như không biết tới sự tồn tại của ông trên văn đàn.

Tối qua, mồng 4.4.2024, vào ngày Sinh nhật, lại đúng kì tròn Lục Thập Hoa Giáp, Đặng Thân tổ chức tọa đàm giới thiệu tập thơ vừa xuất bản “VỀ TRUNG (Thơ cách cổ hoài tân)” tại Biblio café 79 Ngụy Như Kon Tum. Cuộc Tọa đàm thu hút sự chú ý của đông đảo thính giả là những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ và những nhà nghiên cứu thiết tha với cái mới, yêu quí những cách tân nghệ thuật của Đặng Thân. Sau khi chăm chú lắng nghe cử tọa phát biểu, học hỏi được nhiều điều, Lão hủ tôi (tức là ông già cổ hủ) nói mấy lời, giờ ghi lại đây, có thêm vài chi tiết cho rõ nghĩa thế này:

Thứ nhất. Tôi chia văn nghệ sĩ làm hai loại. Có loại sáng tác là dùng văn nghệ để NÓI MỘT CÁI GÌ. Đến với sáng tác của họ, ta thấy họ là nhà hoạt động xã hội bằng nghệ thuật, nhiều hơn là nghệ sĩ. Lại có loại vẽ tranh, tạc tượng, viết văn, làm thơ cốt là để TẠO RA MỘT CÁI GÌ MỚI MẺ TÂN KÌ cho nghệ thuật. Theo cách phân loại của tôi, Đặng Thân thuộc loại thứ hai. Ông là nghệ sĩ đứng giữa thế giới nghệ thuật, hơn là nhà hoạt động xã hội đứng trong xã hội.

Thứ hai. Tập “VỀ TRUNG” của Đặng Thân là một sản phẩm nghệ thuật mới, hiểu theo nghĩa, sản phẩm ấy chưa thấy có ở đâu. Nó là một loại hình thức phì đại, thể hiện rõ phong cách quen thuộc của Đặng Thân, nhưng đồng thời cũng rất mới so với chính bản thân sáng tác của tác giả trước đó.

Thứ ba. Thực ra, sáng tác để TẠO RA CÁI MỚI, Đặng Thân đồng thời cũng NÓI MỘT CÁI GÌ. Ông nói bằng cách ĐỐI THOẠI. Theo dõi văn, thơ và cả họa của Đặng Thân, tôi thấy ông có hai cuộc đối thoại lớn: đối thoại với các phong cách nghệ thuật và đối thoại triết học - tôn giáo. Ông đối thoại bằng hình thức ĐA THOẠI. Tôi nhớ khi xưa tôi đã từng tham gia vào cuộc trình diễn “Đa thoại” trong buổi tọa đàm ra mắt tiểu thuyết “3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần]” của Đặng Thân tại Viện Goethe. “Đa thoại” là trao quyền tạo nghĩa cho nhiều tiếng nói, mang lại cho tác phẩm cấu trúc đa thanh, phức điệu. Ở đâu có cấu trúc phức điệu, ở đó có “parodie”, có giễu nhại. Văn thơ của Đặng Thân về cơ bản là văn thơ giễu nhại: nhại triết học – học tôn giáo và nhại các phong cách diễn ngôn trong văn thơ. Với ý nghĩa như thế, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy xếp sáng tác của Đặng Thân vào loại hậu hiện đại, còn GS Trần Đình Sử gọi Đặng Thân là nhà sáng tạo ngôn từ và nhà giải cấu trúc triệt để nhất ở Việt Nam.

Thứ tư. Khi xưa tôi có bài viết về “3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân với tiêu đề “Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: Quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống”. Trong bài, tôi nói, Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài là những nhà văn Việt đầu tiên thể hiện thấm thía tâm thức hậu hiện đại, hiểu theo nghĩa tâm thức hoài nghi các đại tự sự. Nhưng phải đến khi truyện ngắn và tiểu thuyết của Đặng Thân xuất hiện, thì văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam mới tạo ra được hệ thi pháp để biểu hiện tâm thức hậu hiện đại đầy đủ nhất, hoàn thiện nhất. Điều tôi lưu ý khi ấy là thế này: giải cấu trúc và chủ nghĩa hậu hiện đại trong sáng tác của Đặng Thân không dẫn tới chủ nghĩa hư vô. Bởi trên bề mặt văn bản, sáng tác của Đặng Thân giải cấu trúc rất quyết liệt, nhưng ở chiều sâu của tác phẩm, ta lại nhận ra xu hướng tái cấu trúc các cấu trúc rất cổ xưa, thậm chí có nguồn cội từ tư duy thần thoại. Mọi tác phẩm của Đặng Thân vì vậy vừa mở ra trước mặt ta một thế giới nghệ thuật mới mẻ, tân kì, vừa đánh thức, làm sống dậy trong kí ức ta một thế giới tưởng như đã bị bỏ quên. Đó cũng là cơ sở để Đặng Thân vừa không ngừng GÂY SỰ với thế giới, một thế giới có rất nhiều bất ổn, bất ổn từ trong tư tưởng, cho tới phương cách diễn ngôn của nó, vừa tìm cách LÀM LÀNH với thế giới ấy.

Ở các nước Âu - Mĩ, sau thời cao trào của chủ nghĩa hậu hiện đại, người ta thấy nghệ thuật, trước hết là hội họa, điêu khắc, điện ảnh, sau đó đến văn học, bắt đầu trình ra một hình tượng thế giới bằng cảm quan mới. Đặc điểm chung của nhãn quan mới, cảm quan mới về thế giới này là nó tìm cách làm lành với cả chủ nghĩa hậu hiện đại, lẫn chủ nghĩa hiện đại. Trong cuộc tìm kiếm thuật ngữ mới để chỉ hiện tượng văn hóa rất mới này, có một thuật ngữ được chấp nhận và đang được sử dụng rộng rãi: METAMODERNISM – CHỦ NGHĨA SIÊU HIỆN ĐẠI.

Tôi thấy “VỀ TRUNG” của Đặng Thân vừa cất lên giọng giễu nhại, vừa có mạch trữ tình thâm trầm, sâu lắng. Ở tuổi 60, viết “VỀ TRUNG” có kèm theo phụ đề “THƠ CÁCH CỔ HOÀI TÂN”, Đặng Thân vừa gây sự, vừa có ý làm lành với thế giới chăng? Liệu có phải sau chặng đường dài đồng hành với thi pháp hậu hiện đại, Đặng Thân lại đến với loại hình thi pháp mới: thi pháp “metamodernism” – “siêu hiện đại chủ nghĩa”?

Chúc Đặng Thân thêm tuổi thêm sự trẻ trung trong tư duy nghệ thuật.

LN

(*) Đặng Thân, Về trung – Thơ cách cổ hoài tân, Nxb Hội nhà văn, 2024.