Nguyễn Thông
Thành ngữ này, “đi tắt đón đầu”, thực ra chỉ được dùng phổ biến trong vài chục năm gần đây, cụ thể là thập niên 1990 và khoảng 2000-2005, sau đó có lẽ thấy cũng nhàm mà chả ép phê gì nên người ta ít xài, dần bỏ, không mấy khi nhắc đến nữa. Cái gì cũng có thời hoàng kim của nó, hết thịnh lại suy, còn với thành ngữ này có hết suy lại thịnh không thì tôi chả dám chắc. Nhưng đúng là, khoảng một thập niên rưỡi ấy, trên mồm mấy ông cán bộ, nhất là những ông lãnh đạo cấp cao và mấy ông tuyên huấn, cứ mở vòm ra là nghe í ới “đi tắt đón đầu”. Còn báo chí thì thôi rồi, vô thiên khênh, hầu như ngày nào cũng có bài chen vào cho bằng được cụm “đi tắt đón đầu”. Có thế mới thời thượng, mới theo kịp thời đại.
Nghĩa của nó là gì, tạm hiểu nôm na là không đi theo lối thông thường, lối cũ, lối mòn, lối mà nhiều người đang đi. Không đi nữa, phải tìm con đường khác, quen gọi là đường tắt, ngắn hơn, mất ít thời gian hơn, mà lại đạt được mục đích, kết quả nhanh hơn. Và tất nhiên, siêu của kiểu đi tắt, là đón đầu, đại loại ông chạy mẹ nó lên trước, chặn ngay hàng đầu, có bao nhiêu ông chớp tất, hứng tất, biến thành của ông, cứ cho chúng mày bở hơi tai xách dép chạy theo.
Đi tắt đón đầu ở xứ này "dưới sự lãnh đạo sáng suốt" của đảng suốt hơn chục năm đã thành chủ trương, đường lối phát triển của một xã hội, một nền kinh tế cứ mày mò, loay hoay chưa biết về đâu; của một xã hội thiếu rất nhiều hạ tầng cơ bản cả về vật chất lẫn ý thức nhưng cứ muốn ăn xổi ở thì, muốn đốt cháy giai đoạn. Nói chung là rất ảo tưởng, phi thực tế, không tự lượng, tự đánh giá đúng lực của mình. Cũng những năm ấy, các ông lãnh đạo đi đâu cũng kêu dân chúng, địa phương này nọ phải phát huy nội lực, tiềm năng thế mạnh nhưng thực ra cả một xã hội đang rã rời, sức tàn lực kiệt, chưa tính chuyện đổ cháo, đổ nước đường vực nó dậy, lại cứ muốn bóp nặn, vắt kiệt nó. Lãnh đạo với tầm nhìn như thế chỉ chết dân.
Thực ra không phải ai, không phải lúc nào người ta cũng thích đi tắt đón đầu. Thậm chí còn ngược lại. Vị thi sĩ đa tình Nguyễn Bính chả là ví dụ đáng nhớ ư: “Cái ngày cô chửa có chồng/Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa/Lối này lắm bưởi nhiều hoa/Đi vòng để được qua nhà đấy thôi”. Tuy nhiên, nhiều khi đi tắt còn chả ăn ai, thứ nhất cự ly, thứ nhì cường độ, nên đi vòng chỉ tổ mỏi chân. Thương ông Nguyễn Bính ngẩn ngơ trong cảnh “Bờ rào cây bưởi không hoa/Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo/Lợn không nuôi, đặc ao bèo/Giầu không, dây chẳng buồn leo vào giàn”. Nó đi lấy chồng thì lợn chết đói.
Lại có những ông bà thích đón đầu, cứ phải là số 1 mới chịu. Có một dạo người ta đùa nhau: “Thi đua ta quyết tiến lên/Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu/Hàng đầu không biết đi đâu/Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”. Nói dại miệng, nó cũng giống như xứ mình đang tiến lên chủ nghĩa xã hội bao năm nay và cho đến bây giờ. Cái gọi là đỉnh cao, là hàng đầu của thể chế xã hội loài người ấy thực ra nó mờ mịt lắm. Cả đám đông để cho anh mù dẫn dắt cứ tinh thần cách mạng vùn vụt xông lên nhưng rồi ngơ ngác chả biết mình đang đứng ở chỗ nào, hoang mang không biết đi đâu nữa. Thế thì chỉ có chết, không chết bởi kiệt sức thì cũng bởi... tâm thần.
Những năm chưa xa ấy, tôi biết anh Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc Công ty FPT, phụ trách địa bàn phía nam của công ty này. Phải nói ngay rằng FPT khi mới thành lập, rồi hồi thập niên 90 lắm người trẻ và tài. Dạo đó tôi làm báo, thỉnh thoảng lại gặp những Trương Gia Bình, Hoàng Minh Châu, Lê Trường Tùng, Trương Thị Thanh Thanh... đều rất thông minh, nhìn xa trông rộng mà lại suy nghĩ rất thực tế. Điều đáng nói, FPT phát triển, mạnh, giàu chủ yếu nhờ chất xám, trí tuệ, thứ tài nguyên vô hạn của con người, chứ không phải nhờ ăn vào đất đai, bất động sản hữu hạn như những doanh nghiệp khác.
Lại nói về Hoàng Minh Châu. Người thấp đậm, tướng ngũ đoản, trông ná ná như ông cựu thứ trưởng bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng Võ vậy. Châu là một người thông minh cực kỳ, nhạy bén, hoạt khẩu, dễ gần, đám nhà báo chúng tôi học được ở anh ấy nhiều điều. Một lần FPT họp mặt cuối năm, chuyện gần chuyện xa vui vẻ, có chị phóng viên cắc cớ hỏi anh Châu, anh ạ, liệu FPT có chuẩn bị gì để đi tắt đón đầu không. Anh Châu cười ha hả: Đi tắt đón đầu, nghe thì hay lắm, nhưng xin lỗi, rất vớ vẩn. Mình cứ làm như người ta ngu cả, ngồi yên cho mình muốn làm gì thì làm. Chả nhẽ thiên hạ họ để mặc cho chỉ một mình ông đi tắt, còn họ thì đủng đỉnh đi đường vòng. Chả nhẽ họ để ông vùng lên đón đầu, còn họ lụt đụt lẽo đẽo xách dép chạy phía sau. Cứ đường thẳng, vững vàng mà đi rồi đến đích, không cần phải tắt tiếc đón điếc gì cả. Châu nói xong, cả đám nghe phục lăn. Phục cái trí lự và sự thẳng thắn của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tôi bảo với lão bạn ngồi cạnh, tay này mà vào tứ trụ thì dân nước được nhờ, chứ không như bọn xôi thịt.
Viết đến đây, sực nhớ hồi xưa học triết học Mác - Lênin, các giáo sư môn này đều khẳng định với chúng tôi rằng chủ nghĩa xã hội là con đường tắt, không thông qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa để đến bến bờ hạnh phúc no ấm. Nhưng trước khi vào đường tắt, nhìn xa xa chưa thấy hạnh phúc no ấm đâu, họ bảo rằng còn phải trải qua thời kỳ quá độ, mà quá độ đếch biết nó dài ngắn thế nào. May mà hồi mấy năm trước ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai thay mặt đảng cầm quyền bảo rằng cả trăm năm nữa chưa chắc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Thế thì bỏ mẹ nó đi chứ theo làm gì, tắt mới chả tiếc, cứ đi đường vòng còn may ra biết thế nào là cơm no áo ấm. Bọn Nhật, Hàn, Sing, Đan Mạch, Hà Lan... đều đang đi đường vòng cả đấy thây.
Nguồn: FB Nguyễn Thông