Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Số đặc biệt 10 năm Văn Việt: Văn Việt, một khoảnh cho tự do sáng tạo

 Thái Hạo

 

Năm 2021, như luôn thế, tôi đăng tất cả những gì mình viết lên Facebook cá nhân, trong đó có thơ, để nó trôi đi theo dòng thời gian. Rồi một ngày, nữ sĩ Giáng Vân nhắn tin cho tôi, nói muốn xin thơ để đăng trên Văn Việt, hỏi tôi có đồng ý không. Tôi nói tất nhiên là được, bởi tôi đã “xuất bản” chúng rồi, giờ chúng muốn đi đâu thì đi.

Số thơ đầu tiên xuất hiện trên Văn Việt, tôi chia sẻ về với vài dòng, đại ý: Cảm ơn Văn Việt vì đã mang đến cho văn học một không gian tự do trong sáng tạo.

Giáng Vân đã thật chịu khó khi vào Facebook và gom thơ, rồi Văn Việt đăng thành nhiều kỳ. Cho đến một ngày đầu tháng 3 năm 2022, tôi nhận được thông báo rằng mình đoạt giải – điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến.

Chuyện xung quanh cái giải thơ ấy có lẽ vẫn có những người còn nhớ. Giải thì đã được công bố trên Internet, nhưng nhân một lời mời mà tôi đã quyết định vào Sài Gòn để thăm gặp những bạn bè của mình, bởi lâu rồi cũng chưa đi đâu. Chỉ đến lúc này tôi mới thấm thía hết được thế nào là cái giá của tự do: bị ngăn cản, thậm chí bị đánh trên đường đi, và buộc phải quay về.

Nhắc lại chuyện này vì mới mấy ngày trước, nhân sự kiện Tọa đàm của Hội Nhà văn Việt Nam trong ngày Thơ Nguyên Tiêu, một câu hỏi được đặt ra ở đó, là “Nhân dân có cần thơ không?”, tôi đã viết một bài bình luận và đặt một câu hỏi khác mà tôi cho là quan trọng hơn: “Nhân dân có cần tự do thơ không?”.

“Tự do thơ”, đó là điều hệ trọng. Bởi tự do sẽ quyết định phẩm chất và phẩm giá của một nền văn học. Thành ra, ở bất cứ đâu có tự do, dù chỉ trên một “khoảnh đất” hẹp, cũng đều đáng quý.

Nhiều người nói, tôi đặt lại câu hỏi là thừa, vì bây giờ thơ đã tự do thoải mái rồi, ai muốn viết gì cứ viết, muốn đăng đâu cứ đăng. Tôi nhắc lại câu chuyện của tôi ở trên một phần để giải thích cho những người đang có suy nghĩ này.

Nền văn học Việt Nam đã phải chật vật rất nhiều, và không phải đến bây giờ đã thôi đa đoan. Nhân văn - Giai phẩm giữa thập niên 50 của thế kỷ trước có lẽ chưa ai quên được, vì những tai họa của nó giáng lên đầu các tác giả đã kéo dài tới khoảng 30 năm sau. Bị “treo bút”, bị “tù ngồi”, bị tước hết sinh kế, trở nên thân tàn ma dại, rồi cho đến một ngày được “khôi phục”, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Trớ trêu ở chỗ, điều ấy đã không trở thành bài học trong ứng xử với văn nghệ, để một lần thật sự “đổi mới”, “sang trang”.

Đó là nói khúc giữa, chứ trước nữa, những Quang Dũng, Hữu Loan cũng từng “chịu án văn chương”. Các nhà thơ Mới và Tự lực Văn đoàn còn bị phê phán gay gắt với những tính từ làm rợn người đến tận những năm cuối thế kỷ 20, cho tới khi được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh ca ngợi.

Tiếc thay, tất cả đều đã không trở thành “bài học” trong cư xử với văn học nghệ thuật. “Vụ Nhã Thuyên” cách nay 10 năm đã làm rúng động xã hội, và không ít người đã gọi đó là “Nhân văn - Gia phẩm thứ 2”. Năm 2016, Một cô giáo dạy chuyên văn ở Hà Tĩnh trong lúc buồn bã, lo lắng mà trót dại viết một bài thơ, “Đất nước mình lạ quá phải không anh”, thế là bao phen khốn đốn vì thơ. Quả là “Văn chương vô mệnh lụy phần dư”.

Tôi cũng nhiều lần thắc mắc, rằng một trang như Văn Việt, trong thời buổi bùng nổ của mạng xã hội này, thì nó “hiền lành” hết sức, thậm chí những bài vở trên đó còn “nhẹ” hơn rất nhiều so với những gì nhiều nhà văn đã và đang viết trên Facebook cá nhân của họ. Bởi như Văn Việt tuyên bố, rằng họ không làm chính trị, chí làm văn nghệ thôi. Nhưng lạ thay, vẫn cứ chịu những sóng gió, cho đến tận bây giờ. Là vì sao?

Tôi vốn là người đơn giản, thấy tự do, đặc biệt là tự do trong nghệ thuật, là điều tốt lành, và chỉ có tốt lành, nên vô tư ủng hộ. Đầu tiên là tốt cho tâm hồn chính tác giả vì được “nói ra”, rồi tốt cho tâm hồn bạn đọc vì được sẻ chia, tốt cho xã hội vì những kỳ hoa dị thảo... Văn chương, hay nghệ thuật nói chung, như chính sách vở nhà trường đã và đang dạy, là mang những chức năng cần thiết cho bất kỳ cộng đồng nào: thẩm mỹ, giáo dục, nhận thức, đạo đức, dự báo, giải trí... Nhưng, thiếu đi hai chữ “tự do”, nghệ thuật đồng thời bị triệt tiêu những giá trị tự thân của nó, để trở thành một thứ sắt thép han rỉ, vô dụng.

Vắt mình qua hai thế kỷ, nền văn học Việt Nam hiện đại đã trải qua nhiều bài học, toàn là những bài học xương máu cả, nhưng lịch sử lại dường như không mấy khi thuộc bài. Và cứ thế, những sai lầm lặp lại, những giá trả lặp lại.

Trong bài phát biểu nhận Giải thơ của Văn Việt, tôi đã viết “Làm thơ là một tai nạn của tâm hồn”. Nó có nghĩa là, thơ – hay nghệ thuật nói chung – là vô hại, vì không ai có thể toan tính được, toan tính nghĩa là giết chết nghệ thuật rồi. Nó như nước mắt hay tiếng cười, tự trào ra từ bên trong với những gì thật nhất, lành nhất, và người nhất. Một sự giận dữ được biểu lộ ra bằng những câu thơ bao giờ cũng tốt hơn là bằng gậy gộc khua khoắng trong tay, thơ và sự biểu đạt nói chung của con người chính là liều thuốc làm dịu tâm hồn để nó không bị trầm uất hoặc trở nên bạo lực. Những xã hội thông minh đều hiểu điều đó, và họ để cho con người được nói ra, bằng thơ, bằng văn, bằng những nét vẽ và âm thanh...

Tự do trong nghệ thuật, vì thế, tốt cho bất kỳ xã hội nào. Bởi nó nuôi dưỡng sự thành thật, tính lương thiện, nó làm cho con người được an ủi vì tìm thấy những hồn đồng điệu, nó giải phóng họ ra khỏi sự bế tắc và lòng thù hận. Vì thế, một tiếng thét trong nghệ thuật có thể sẽ ngăn được nhiều tiếng kêu trên chiến trường; một tiếng khóc trong nghệ thuật có thể ngăn được nhiều tiếng chửi trên đường phố. Và cũng vì thế, tôi nghĩ, tự do, đó là bí quyết của hòa bình và thịnh vượng.

Là một người suy nghĩ giản đơn như thế, nên tôi đã không ngần ngại công khai cảm ơn, vì một khoảnh đất nhỏ mang tên “tự do sáng tạo” mà Văn Việt đã mang tới.

Như khu rừng tự nhiên, cây cối và chim muông sẽ lớn lên, sinh diệt, hài hòa và trù phú. Tất cả đều đẹp đẽ, sâu thẳm. Tâm hồn con người và xã hội cũng thế, khi tất cả đều được tôn trọng, thì màu xanh bình yên và thanh âm sự sống sẽ luôn được nuôi dưỡng. Khao khát tự do, trong đó có tự do sáng tác, vì thế, là một khao khát thánh thiện của con người. Nó vô hại và hữu ích, cho tất cả.

Nhân 10 năm Văn Việt, nhắc lại một kỷ niệm, dù là kỷ niệm buồn, nhưng không phải để hậm hực với quá khứ, mà chỉ để tự nhủ rằng, có những điều tuy giản dị, nhưng đi hoài chưa tới. Và khát vọng còn đó, rối rít trên những ngón tay...