SỰ RA ĐỜI CỦA VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM
Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2014.03.08
Cuộc gặp gỡ của nhóm Văn đoàn Độc lập Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014. Courtesy FB Phạm Đình Trọng
Một tổ chức của xã hội dân sự gồm 62 người hoạt động trong lĩnh vực văn học trong và ngoài nước do nhà văn Nguyên Ngọc đứng ra vận động thành lập mang tên Văn đoàn độc lập Việt Nam. Như tên gọi, Văn đoàn này hoàn toàn độc lập với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong nước.
Khôi phục nền văn học tự do
Sự thành lập Văn đoàn độc lập này tuy muộn màng so với dòng chảy lịch sử văn học Việt Nam nhưng vẫn nói lên được nhu cầu thành lập hội tương trợ những người cùng chí hướng nhằm khôi phục nền văn học tự do qua quyền sáng tác và công bố tác phẩm của mình.
Chủ trương tập trung người viết trong và ngoài nước của Văn đoàn độc lập Việt Nam cho thấy sự cần thiết lắng nghe và được nghe giữa trong và ngoài qua cầu nối của Văn đoàn là một chủ trương mở, khá mới lạ giúp người sáng tác hiểu và chia sẻ với nhau rất nhiều trong khi cầm viết.
Văn đoàn độc lập Việt Nam tuy trong thời gian vận động thành lập theo như quy định của chính phủ nhưng tiếng vang của nó đã tới nhiều quốc gia xa xôi nhất. Không biết chính quyền có cấp giấy phép cho họ hoạt động hay không nhưng hình như giới chức thẩm quyền đang đứng trước hai lựa chọn thái độ chính trị. Nếu cho phép thì phải đối phó với một tổ chức hợp pháp nhưng tôn chỉ và mục đích khác xa với chính sách hiện hành. Nếu không thì phải đối phó với một tổ chức bất hợp pháp vì hoạt động không giấy phép nhưng lại hợp pháp với bản hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trong khi chờ đợi nhà nước có quyết định lựa chọn một trong hai thái độ ấy chúng tôi lấy ý kiến của người ký tên trên văn bản vận động thành lập để tìm hiểu sâu hơn vấn đề này. Trước nhất là nhà văn Nguyên Ngọc, người thay mặt ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam:
Cố gắng cùng nhau cổ vũ cho được tinh thần tự do trong sáng tác, và thứ hai đấu tranh cho quyền được bảo vệ quyền tự do sáng tác thể hiện qua quyền công bố tác phẩm.-Nhà văn Nguyên Ngọc
“Ở Việt Nam cho đến nay tôi thấy dần dần đến sự phát triển và đờì sống xã hội, cái nhu cầu đó chín muồi cho nên anh em thì họ thấy tôi là người đảm nhiệm được cái vai trò tập hợp anh em cho nên họ bảo tôi làm thì tôi sẳn sàng tôi nhận tôi làm, nhưng mà đấy không phải là sáng kiến đầu tiên của tôi.
Chúng tôi xác định những nội dung công việc, mục đích đầu tiên mà qua hội đã làm, tức là mình mong muốn nó có một nền văn học Việt Nam đích thực. Một nền văn học Việt Nam phong phú, đa dạng. Mà muốn như vậy theo tôi hai điều kiện đầu tiên trước hết đó là: Một, có tự do sáng tác, thứ hai nó phải có quyền tự do công bố tác phẩm, thực ra hai cái đó nó phải gắn liền với nhau, nhà văn họ viết hay nhất là họ viết cái gì họ thích nhất, thế thì đối với họ, họ muốn nói say sưa, họ trằn trọc muốn nói, thứ hai nữa họ viết rồi phải được công bố chứ, công bố được tác phẩm.
Một trong những điều của chúng tôi lập ra hội này là cố gắng cùng nhau cổ vũ cho được tinh thần tự do trong sáng tác, và thứ hai đấu tranh cho quyền được bảo vệ quyền tự do sáng tác thể hiện qua quyền công bố tác phẩm.”
Nhà thơ Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt cho biết nhận xét của ông về bản vận động thành lập Văn đoàn:
“Tình hình chung đã tiến đến chỗ những trí thức, văn nghệ sĩ có bản lĩnh cố tình thực hiện một cái đột phá về tổ chức, tức là tự đứng ra tổ chức cái tổ chức của mình. Những nhà văn tự do tự nguyện tập họp lại lập ra tổ chức của mình và nó độc lập với các hệ thống hiện hành. Người công dân, người trí thức tự thực hiện cái quyền tự do lập hội của mình. Cái quyền đó đã được ghi trong hiến pháp bao nhiêu năm nay nhưng chỉ tồn tại trên giấy. Thậm chí họ làm ngược lại khi lập những tổ chức với mục đích là những lồng những rọ nhốt trí thức, nhốt công dân vào đấy. Không phải là những tổ chức bảo vệ quyền lợi của các thành viên.
Tổ chức này được lập ra ít nhất thông qua sức mạnh của tổ chức này để đóng góp vào sự phát triển đích thực của nền văn học. Thứ hai là bảo vệ quyền lợi của các hội viên mà trước hết là quyền tự do sáng tác gắn liền với tự do công bố tác phẩm.”
Cuộc gặp của nhóm Văn đoàn Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014. Courtesy FB Phạm Đình Trọng.
Đối với nhà văn Trang Hạ, một ngòi viết trẻ nhưng có rất nhiều độc giả yêu thích tác phẩm của cô thì việc cô tham gia vào Văn đoàn là một quyết định đương nhiên vì ở đó Trang Hạ cảm thấy những gì thiếu sót hiện nay sẽ được bù đắp một cách tích cực. Từ Hà Nội Trang Hạ cho biết:
“Đối với nhà văn việc viết không quan trọng bằng việc được nhìn nhận. Nếu tác phẩm anh viết ra nhưng xếp vào một xó không được phép xuất bản không được đánh giá đúng, bị vùi dập bị các nhà phê bình văn học đánh đập, chụp mũ thế này thế kia, thậm chí nhiều khi các nhà phê bình văn học còn bỏ qua thì các điều đó làm cho nhà văn cảm thấy mình không có chỗ trong đời sống văn học.
Anh có thể lên trang của Trang Hạ và thấy rằng tại sao cho tới ngày hôm nay có khoảng 290 nghìn độc giả thích Trang Hạ thế nhưng không có một nhà phê bình văn học nào tại Việt Nam viết về Trang Hạ cả và diều đó làm Trang Hạ thấy rằng ở Việt Nam đang có một vấn đề gì đó xảy ra. Cái gì đó trong đời sống văn học rất mất bình thường. Nó không lành mạnh, nó không hỗ trợ những nhà văn có độc giả như Trang Hạ.
Dù ít dù nhiều thì Trang Hạ tin rằng 290 ngàn độc giả không phải là con số không và chắc chắn nó cũng tương đương với tấm thẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Vì thế Trang Hạ hy vọng rằng mình có một động thái nào đó để nhìn nhận rằng mình là nhà văn thật sự.
Thứ nhất tôi có tâm huyết, có độc giả và công chúng. Thứ hai tôi hy vọng là được nhìn nhận như một người có tư cách công dân và tư cách một người viết. Thứ ba nữa là một điểu rất quan trọng: các nhà văn Việt Nam từ xưa tới nay dường như không nhấn mạnh tới giá trị lập ngôn của một nhà văn.
Chúng ta nhìn nhận nhà văn là cỗ máy để sản xuất ra tác phẩm và chúng ta hoàn toàn không coi những lập ngôn của nhà văn như trả lời phỏng vần, như tương tác với đám đông, như nói lên tiếng nói của mình đối với thời cuộc đối với hiện tượng xã hội đối với thân phận phụ nữ trong xã hội, đối với hạnh phúc gia đình thậm chí đối với “cái tôi”. Việc lập ngôn của nhà văn đã bị lãng quên.”
Có độc lập, mới có thể viết trung thực
Còn nhà văn Trương Anh Thụy hiện sinh sống và sáng tác tại Hoa kỳ nhìn nhận việc tham gia của mình vào Văn đoàn là một việc làm cần thiết. Từ tiểu bang Virginia bà cho biết:
Tôi thấy đã đến lúc các nhà văn phải được có tiếng nói độc lập và tự do. Có độc lập có tự do thì mới có thể viết lách một cách trung thực. -Nhà văn Trương Anh Thụy
“Nhìn danh sách của ban vận động thì tôi thấy một số người rất có uy tín như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Tiểu Dao Bảo Cự nhà thơ Dương Thuấn hay nhà văn Vũ Thư Hiên. Họ là những người tôi đã gặp và đã trao đổi ít nhiều thành ra tôi biết họ là những người có uy tín. Thứ hai nữa tôi thấy đã đến lúc các nhà văn phải được có tiếng nói độc lập và tự do. Có độc lập có tự do thì mới có thể viết lách một cách trung thực. Việt Nam cũng có nhu cầu bắt kịp với văn học thế giới mà nếu cứ bị phải viết theo một khuôn phép hay chỉ thị nào thì tiếng nói đó giả tạo và lạc lõng không ai nghe được.
Thứ nữa là tôi rất tâm đắc với một câu trong bản tuyên bố thành lập Văn đoàn là: “một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội”. Tôi thấy mọi sự đều thuận lợi nên tôi gia nhập một cách rất tự nguyện. Tôi hy vọng một ngày rất gần các nhà văn trong nước và các nhà văn hải ngoại có thể nói chung một thứ ngôn ngữ, có thế thì mới xích lại gần nhau được mà không còn sợ bị kiểm duyệt hay xuyên tạc.”
Hy vọng của nhà văn Trương Anh Thụy tuy có khác với kỳ vọng của nhà văn Trang Hạ nhưng hai đường thẳng ấy không hề song song, chúng sẽ gặp nhau khi mà Văn đoàn độc lập Việt Nam thanh hình.
Cuộc gặp của nhóm Văn đoàn Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014. Courtesy FB Phạm Đình Trọng.
“Kỳ vọng lớn nhất của Trang Hạ đối với Văn đoàn Độc lập Việt Nam đó là nơi ủng hộ và hỗ trợ cho các nhà văn lập ngôn. Cái lập ngôn đấy không phải anh bắt loa giữa đám đông anh nói tôi nghĩ thế này tôi nói thế kia, mà nó là sự ủng hộ những người có cùng chí hướng. Cùng tin vào khát vọng sáng tạo, tin vào giá trị của cái tôi nhỏ bé nhưng mạnh mẽ trong một xã hội có nhiểu giá trị bị đảo lộn như ngày hôm nay.
Việc lập ngôn nó không chỉ cần thiết cho nhà văn Việt Nam mà nó có thể là một trong những chất xúc tác vận động xã hội này.
Sự ra đời của Văn đoàn chính là một cách lập ngôn, nói lên cái khao khát củ những người viết giống như Trang Hạ. Trang Hạ tin rằng những người nào có tâm huyết thực sự với đời sống văn hóa và đời sống tinh thần tại Việt Nam thì sẽ có chung một kỳ vọng với Văn đoàn Độc lập.”
Nhà văn Nguyên Ngọc trình bày những việc mà nhóm vận động sẽ làm trong thời gian ngắn trước mắt trong khi chờ đợi bước tiếp theo là giấy phép hoạt động của chính phủ, ông cho biết:
“Trong mấy câu cuối cùng của cái bản công bố hôm nay chúng tôi nói là: Chúng tôi phải có điều lệ của văn đoàn, chúng tôi đang ở trong giai đoạn thành lập vận động mà. Đến một lúc nào đó chúng tôi phải xin phép. Ở Việt Nam theo hiến pháp quy định quyền tự do lập hội, nhưng mà sau đó lại có những nghị định hướng dẫn thực hiện cái quyền tự do lập hội đó của chúng ta. Trong cái nghị định đó, muốn lập hội phải có bao nhiêu người tối thiểu trong ban sáng lập, rồi có những điều này khác gì đấy. Chúng tôi sẽ có những động tác sẽ làm sắp đến để biến nó thành một Văn Đòan chính thức, một cơ hội chính thức.
Thứ hai, chương trình hoạt động của hội chúng tôi vẫn có thể, trước hết trong một thời gian không dài nữa đâu, chúng tôi có trang web của hội, tiếng nói của hội. Có thể trang web đó sẽ đăng những hoạt động của hội. Anh em có thể hội luận, thảo luận, bàn bạc với nhau về văn học, và chúng tôi cũng ra một phụ trương của trang web. Chúng tôi sẽ có một trang để đăng tác phẩm của nhau. Chúng tôi có thể tổ chức những cuộc trao đổi, tọa đàm, những cuộc hội thảo về vấn đề văn học mà bây giờ nó có trăm nghìn vấn đề văn học đang đặt ra đối với người viết ở Việt Nam.”
Về việc công bố tác phẩm thì Văn đoàn độc lập Việt Nam cũng đã có chương trình cụ thể nhà văn Nguyên Ngọc tiết lộ vài hình thức để đưa tác phẩm tới công chúng:
“Chúng tôi có thể có những hình thức xuất bản họăc trên online, mạng Internet qua Amazone…những tác phẩm mà trong nước do điều kiện khó khăn trong xuất bản thì chúng tôi sẽ hỗ trợ với nhau. Ngoài ra chúng tôi cũng có những hình thức hỗ trợ với nhau bảo vệ quyền tự do sáng tác, quyền công bố tác phẩm, hỗ trợ nhau về mặt nghề nghiệp, giúp đỡ nhau về mặt tiếp cận với văn học mới của thế giới, …tôi nghĩ hoạt động có thể rất phong phú sau đó chúng tôi dần dần triển khai trước hết có lẽ là trang web. Trước mắt trong khoảng 1 tuần, mười ngày gì đó chúng tôi sẽ có trang web chính thức, trên trang web đó sẽ triển khai dần những họat động như tôi vừa nói.”
Trong khi chờ đợi sự xuất hiện chính thức hay không chính thức của Văn đoàn độc lập Việt Nam, người viết trong và ngoài nước có quyền hy vọng sẽ chứng kiến những biến chuyển tích cực trên mặt trận chữ nghĩa nhằm tìm kiếm một mảnh đất đích thực cho người sáng tác, đặc biệt cho những ngòi bút luôn thao thức trước thân phận con người, số mệnh dân tộc và ý nghĩa thật của cuộc sống qua hai chữ Tự Do.
HỘI NHÀ VĂN VN 'LOẠI VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP'
5 tháng 5 2015
Nhà thơ Đỗ Trung Quân (trái) và nhà văn Nguyễn Quang Lập
Hội Nhà văn Việt Nam vừa có hành động được cho là “loại bỏ” những hội viên tham gia Văn đoàn độc lập Việt Nam.
Trong phiên bỏ phiếu bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc diễn ra ở TP. HCM ngày 5/5, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị những người tham dự gạch tên chín người sinh sống ở TP. HCM và tham gia Văn đoàn độc lập.
Chín người này là Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ý Nhi, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thân, và Phạm Đình Trọng.
Tổ chức này xuất hiện tháng Ba năm ngoái với lời kêu gọi về “quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm”.
Lý do Hội nhà văn Việt Nam đưa ra để loại chín người này là họ tham gia một tổ chức “không được thừa nhận và có dấu hiệu phạm pháp”, theo tin từ đại hội nhà văn khu vực TP. HCM.
Theo một người tham dự đại hội, ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hôm 5/5 nói sau một thời gian vận động, đã có ba người rời khỏi Văn đoàn, nhưng vẫn còn 26 người “khước từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”.
Nói với BBC sau khi nghe tin, nhà thơ Đỗ Trung Quân nói ông chỉ cảm thấy “mừng” trước quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trên trang web của Văn đoàn độc lập hiện để tên 56 người trong “ban vận động thành lập”.
Tuyên bố chính thức của tổ chức này, được nhà văn Nguyên Ngọc đứng tên, nói họ là “một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước”.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX dự kiến diễn ra vào tháng Bảy năm nay tại Hà Nội.
Việc bỏ phiếu tại đại hội nhà văn khu vực TP. HCM hôm 5/5 dẫn đến kết quả sẽ có 78 người được đi dự Đại hội tại Hà Nội.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/05/150505_hoi_nhavan_van_doan_doc_lap
TUYÊN BỐ TỪ BỎ HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy;
đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản;
nhận thấy khả năng thay đổi trên càng không thể xảy ra khi lãnh đạo HNVVN đã tự tiện tước quyền tham gia Đại hội lần IX sắp tới của nhiều hội viên với lý do họ là thành viên của một ban vận động thành lập một văn đoàn tương lai – đó là việc làm vi phạm trắng trợn điều lệ hiện hành của HNVVN, tước bỏ một trong những quyền cơ bản của hội viên và công dân, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người cầm bút;
chúng tôi tuyên bố từ bỏ HNVVN kể từ ngày hôm nay, 11 tháng 5 năm 2015.
Bùi Minh Quốc (hội viên HNVVN từ năm 1977) Đặng Văn Sinh Đỗ Trung Quân (hội viên HNVVN từ năm 1987) Hoàng Minh Tường (hội viên HNVVN từ năm 1981) Lê Hiền Phương Ngô Thị Kim Cúc Nguyên Ngọc (hội viên HNVVN từ năm 1957) Nguyễn Huệ Chi (hội viên HNVVN từ năm 1984) Nguyễn Quang Thân (hội viên HNVVN từ 1977) Phạm Đình Trọng Thùy Linh Vũ Thế Khôi Ý Nhi
Ghi chú: - Cùng tham gia tuyên bố, nhưng đã công bố cá nhân quyết định từ bỏ HNVVN trước ngày 11/5/2015: Võ Thị Hảo Dư Thị Hoàn Trịnh Hoài Giang
- Đã tuyên bố rút khỏi HNVVN cùng các hội đoàn khác (kể cả Ban Vận động VĐ ĐL VN): Nguyễn Quang Lập Dạ Ngân Nguyễn Duy Trần Kỳ Trung
Nguồn:
https://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/tuyen-bo-tu-bo-hoi-nha-van-viet-nam_11.html?m=1
hoặc
https://vanviet.info/van-de-hom-nay/tuyen-bo-tu-bo-hoi-nha-van-viet-nam/
VIỆT NAM : VÌ SAO NHIỀU VĂN SĨ ĐỒNG LOẠT BỎ HỘI NHÀ VĂN ?
Đầu tháng 5/2015 vừa qua, giới văn chương chứng kiến một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước Việt Nam cộng sản : gần 20 văn sĩ – trong đó có nhiều cây bút tên tuổi – tuyên bố rút khỏi Hội Nhà văn, tổ chức chính thức duy nhất cấp quốc gia của những người sáng tác văn chương. Vì sao Hội Nhà văn Việt Nam, vốn được coi là « ngôi đền của văn chương » trong nước, lại bị nhiều nhà văn đồng loạt lánh xa như vậy ? Xuyên qua vấn đề đi hay ở là những ám ảnh lớn đối với văn giới Việt Nam hiện nay : quyền tự do sáng tác, ý nghĩa của hội đoàn và mối quan hệ giữa văn chương và chính trị, một liên đới tiềm ẩn và hệ trọng, nhưng ít có dịp được thảo luận công khai và cặn kẽ trong nước. Tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự tuần này giới thiệu với quý vị các quan điểm đa chiều về những vấn đề nói trên.
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực cơ quan trung ương, Hà Nội, 16/05/2015. Ảnh Trần Nhương : tranlao.blogspot.fr.
Ngày 11/05, 16 nhà văn ra Tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam tiếp theo sự kiện nhiều hội viên – thành viên Ban vận động Liên đoàn độc lập – bị tước quyền « tham gia Đại hội lần IX » tại một Đại hội cấp địa phương khu vực miền Nam (Tuyên bố từ bỏ này còn nêu thêm tên bốn nhà văn khác - vốn trước đây cũng là thành viên Ban vận động - nhưng hai vị đã quyết định ra khỏi nhóm từ nhiều tháng trước, và hai vị ra trong đợt này). Biến cố đặc biệt nói trên gần như rơi vào im lặng, báo chí chính thống trong nước bặt tăm, ngoại trừ một bài viết ngắn trên trang Vnexpress.net, một trang tin chính thống, ngày 13/05, tuy nhiên ngay sau đó, đã bị tờ báo mạng này rút xuống.
Văn đoàn Độc lập Việt Nam, những tố cáo của một số nhà văn bị áp lực, hay đe dọa, do tham gia Ban vận động hay hiện tượng bỏ hội mới đây... là các chủ đề khó nói đối với nhiều người. Khi chúng tôi liên lạc với nhà văn Phong Điệp (Hà Nội), chị đã từ chối, không muốn bày tỏ thái độ. Trường hợp của nhà văn Phong Điệp có lẽ không phải là duy nhất.
Sự kiện phức tạp, trong lúc thông tin rất ít ỏi trên báo chí chính thức, và cũng không nhiều trên các trang mạng cá nhân, dường như đã khiến cho biến cố nói trên trở nên không dễ hiểu với công chúng, ngay cả với nhiều người trong văn giới. Ban lãnh đạo Hội Nhà văn, cho đến nay, chưa đưa ra thông báo chính thức gì về vấn đề này.
Theo một số nhân chứng, Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam, ra đời cách nay hơn một năm với tôn chỉ « góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới », ngay từ đầu đã chịu nhiều nghi ngờ, quy kết và kể cả áp lực, khi công khai, lúc kín đáo (có thể xem bài « Tâm sự của một nữ sĩ [nhà văn Dạ Ngân] phải rút khỏi Văn đoàn Độc Lập » ). Một số nhà văn cho biết Ban lãnh đạo Hội Nhà văn cho lưu hành một dự thảo điều lệ của hội, cấm hội viên tham gia vào các « tổ chức bất hợp pháp », một phần để ngầm chỉ Ban vận động Văn đoàn Độc lập. Tuy nhiên, nhiều thành viên của nhóm vẫn kiên định con đường này, mặt khác họ cũng không từ bỏ cương vị hội viên Hội Nhà văn. Vì sao các nhà văn trong Ban vận động lại chọn thời điểm hậu « bầu chọn » để thông báo quyết định ra khỏi Hội ?
Hai cách nhìn về một biến cố
Sau đây mời quý vị theo dõi phần giải thích của nhà thơ Hoàng Hưng (TP Hồ Chí Minh), thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập, nhưng không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam : « Trong những năm gần đây, càng ngày người ta càng thấy rõ tính chất nghề nghiệp của Hội Nhà văn bị chìm xuống dưới, mà nổi lên là tính chất của một tổ chức chính trị nhiều hơn. Cũng không phải mới đây, rất nhiều nhà văn trong Hội đã phản đối tình trạng đó. Những nhà văn của Hội Nhà văn tham gia Ban vận động này họ cũng không đả kích gì Hội Nhà văn cả, chỉ có điều họ không thích thì chắc họ cũng bỏ bê không sinh hoạt tham dự công việc của Hội Nhà văn thôi. Nhưng mà đến khi để chuẩn bị cho Đại hội mới của Hội Nhà văn đã công khai đưa ra một chỉ thị là không được bầu cho những người trong Ban vận động Văn đoàn này, làm đại biểu đi dự Đại hội. Cái đó phải nói là họ quá tùy tiện. Bản thân cái việc đó đã vi phạm điều lệ của Hội Nhà văn rồi. Và đối với danh dự của những nhà văn trong Ban vận động Văn đoàn, đa số là những nhà văn lão thành, đáng kính, và rất có uy tín trong xã hội, thì phải nói đó là hành động quá phũ phàng, và phải nói là quá xấc xược. Cho nên, với danh dự của người cầm bút, anh chị em họ không chịu nổi nữa, họ buộc phải tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn. Cái đó tôi thấy hoàn toàn hợp tình, hợp lý, không thể chê trách được họ việc nào cả ». Từ một góc nhìn khác, nhà thơ Đặng Huy Giang – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ Hà Nội) - nhận xét : « Mình cho rằng, việc lựa chọn vào Văn đoàn Độc lập hay Hội Nhà văn Việt Nam, đấy là quyền tự do của mọi người thôi. Cái chuyện người này vào hội này sang hội kia, cũng là bình thường. Thật ra tham gia hội đoàn đúng là nó không loại trừ lẫn nhau, nhưng mà có việc : khi Văn đoàn độc lập ra đời, tức là đang vận động thôi chứ chưa ra đời, thì khi tuyên bố lại to tiếng quá. Họ đứng ra họ nói là : chúng tôi sẽ làm thay đổi văn hóa, thay đổi văn học Việt Nam, rồi là chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi vật chất, tinh thần cho hội viên. Khi anh ra đời mà anh tuyên bố như thế là đã bắt đầu chạm đến phía bên kia rồi. Nhưng mà ở Việt Nam từ lâu người ta không quen cái kiểu vào hai hội, vẫn quen vào Hội Nhà văn, vào trong một tổ chức Nhà nước, nên người ta nghe một tổ chức này, tổ chức khác, như Văn đoàn Độc lập, người ta có vẻ ngại ». Sự im lặng của các hội viên : sợ hãi hay băn khoăn ? Nhìn cụ thể hơn về sự kiện đã dẫn đến việc gần 20 văn sĩ quyết định từ bỏ Hội Nhà văn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết ông cảm thấy « buồn » trước thái độ của những đồng nghiệp văn chương khu vực phía nam, có mặt tại buổi bỏ phiếu truất quyền tham gia Đại hội của nhiều thành viên Ban vận động. « Ngoài đời, người ta vẫn chơi với nhạu, bạn bè thân thiết, nhưng khi vào đây, đặt trong khuôn khổ đó, nỗi sợ hãi chính trị đã khiến cho tất cả im lặng, không dám lên tiếng, mặc dầu nó là quyền lợi, trách nhiệm của mình, với tư cách là hội viên ». Về vấn đề này, nhà thơ Đặng Huy Giang nói nếu có mặt ông sẵn sàng chất vấn, nhưng ông cũng có một câu hỏi khác. « Mình tiếc là mình không có mặt trong Đại hội trong đấy. Chứ nếu có, mình sẽ đứng lên mình hỏi là : Ai chủ trương, ai có lệnh này ? Nhưng mình cũng nêu một trường hợp, như anh Bùi Minh Quốc. Anh ấy cũng đi dự để được đi họp tại Đại hội đại biểu, nhưng anh ấy không trúng, thì anh ấy về anh ấy xin ra. Nếu anh đã không thích nó, thì sao anh đến ngồi đấy ?! ». Anh không thích nó, thì anh đừng tham dự, khi tham dự không được bầu, thì anh lại xin ra ». Nhà thơ Bùi Minh Quốc dường như là thành viên đầu tiên của Ban vận động có tuyên bố riêng chi tiết về vấn đề này, phê phán trực diện các hành xử mang tính « áp đặt » của lãnh đạo Hội Nhà văn, ngay tại đại hội của Hội nhà văn Việt Nam khu vực miền Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long họp tại Mỹ Tho, ngày 04/05/2015. Quan điểm của ông được thuật lại qua bài « Nhà thơ Bùi Minh Quốc tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam » ngày 10/05, đăng tải trên trang Văn việt, trang blog của Ban vận động). Không muốn xì-căng-đan, nhưng… Vì sao lại có sự lưỡng lự đi ở, nhà văn Nguyên Ngọc, nguyên là một lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Trường ban Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, giải thích : « Trong thực tế, đã hơn mười năm rồi tôi không dính dáng gì đến Hội Nhà văn Việt Nam, mặc dầu tôi chưa ra. Là vì tôi muốn không gây ra những gì gọi là xì-căng-đan. Ở Việt Nam người ta hay nghĩ như thế. Nhưng càng ngày tôi càng thấy thế này : cái điều quan trọng nhất, đó là cái quyền tự do sáng tác, tự do đưa tác phẩm đến công chúng, và công chúng có quyền tiếp cận tự do với tác phẩm. Cái Hội Nhà văn qua bao nhiêu năm nay đã không làm được việc đó. Chúng tôi mong có một tổ chức (để) anh em gần gũi nhau, thân thiết với nhau, hỗ trợ nhau trong sáng tác, và đặc biệt là cùng nhau đấu tranh cho quyền tự do sáng tác. Cái đó là sinh tử đối với người viết văn. Những hành động của Hội Nhà văn, cách xử trí của Hội Nhà văn, ví dụ như đối với những tác phẩm bị đối xử không đúng đắn, thì họ không hề lên tiếng bảo vệ, và thậm chí còn hùa thêm vào cái việc vùi dập các tác giả đó nữa. Cái việc đó làm cho một số anh em chúng tôi thấy càng ngày không thể ở trong cái hội như thế được nữa. Thực ra cái khi chúng tôi làm một ban vận động Văn đoàn Độc lập là chúng tôi cũng đã muốn tách ra khỏi Hội Nhà văn đó rồi, nhưng chúng tôi cũng còn suy nghĩ, cân nhắc thế này, thế khác ». Đi ở : Quen rồi chẳng có vấn đề gì Từ Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo, một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thì lại có một cái nhìn nhẹ nhõm, khác hẳn : « Cái này mình coi nó là một chuyện bình thường đi ! Đừng có nghĩ nó là cái gì ghê gớm, gây sốc !... Có ở Hội, ra Hội thì cũng thế thôi, vấn đề cuối cùng là tác phẩm của anh, nhân cách của anh. Không có hội đoàn nào quyết định anh cái gì cả. Cái này là toàn thế giới, chứ không phải riêng Việt Nam. Bởi vì Việt Nam chưa quen chuyện có nhiều hội đoàn. Cái gì mà pháp luật không cấm thì có thể làm được. Mình cũng nên bình thường hóa, đừng có chính trị hóa… Theo tôi như thế thì dễ hiểu hơn. Trong hội nghị miền Trung cũng có một vài ý kiến, vài nhà văn lên án (những người theo Ban vận động Văn đoàn Độc lập). Tôi nghĩ, tại sao lại lên án những chuyện như thế. Chẳng hạn như ở Pháp bây giờ, có biết bao nhiêu hội nhà văn ?! Bởi vì ở mình chưa quen. Tôi nghĩ chưa quen thì không nên trách, khi quen rồi, thì lúc đó chẳng có vấn đề gì cả ». Hội Nhà văn : nơi khẳng định vai vế trong xã hội Thực tế của việc tham gia hay không vào Hội nhà văn đối với nhiều người hoạt động văn chương ở Việt Nam dường như có một ý nghĩa hết sức hệ trọng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (vốn không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng lại là Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội) nhận xét : « Người ta vẫn quan niệm rằng, có vào những hội này mới được gọi là nhà văn, nhà thơ. Hội Nhà văn Việt Nam đang có rẩt nhiều người xin vào, đơn xếp dài, Hội Nhà văn Hà Nội cũng vậy. Họ coi như đấy là Hội chính thống, chính thức, và khi được kết nạp vào là coi như là được công nhận. Người ta kể câu chuyện một anh đến khi được kết nạp, đã rước thẻ hội viên về, cúng gia tiên, cúng họ hàng, khao cả làng, mời mọi người. Nếu như anh ở các địa phương, thì danh giá nhà văn có vẻ cũng được trọng vọng hơn ». Về vấn đề này, nhà thơ Hoàng Hưng cho biết thêm : « Có hiện tượng có nhiều người, người ta chả tha thiết gì với Hội Nhà văn, chả tham gia hoạt động gì đâu, nhưng người ta phải vào Hội Nhà văn, phải phấn đấu vào Hội Nhà văn. Nếu những người viết lách ở địa phương mà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ở địa phương họ sẽ nể trọng hơn, họ không làm khó khăn, và có thể có nhiều quyền lợi đi kèm theo ». Trường hợp nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư sau khi bị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đảng CS tỉnh Cà Mau yêu cầu kỷ luật (hồi đầu năm 2006), do cuốn tiểu thuyết « Cánh đồng bất tận » được lãnh đạo Hội ủng hộ từ sớm, và cuốn tiểu thuyết được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 10/2006, cho thấy định chế Hội Nhà văn từng có vai trò tích cực trong việc bảo vệ người viết, ít nhất cũng là trước áp lực của chính quyền địa phương. Hội Nhà văn có bảo vệ quyền tự do sáng tác hay không ? Về tự do sáng tác – một vấn đề cốt lõi gây bất đồng -, nhà thơ Hoàng Hưng cho biết ý kiến : « Cái hội đoàn khi tập hợp lại, nếu như làm được nhiệm vụ bảo vệ, khuyến khích đấu tranh cho quyền đó, thì nó sẽ có tác dụng rất tốt, đối với sáng tác. Không phải ‘‘automatique’’, nghĩa là khi làm điều đó, thì sẽ có ngay tác phẩm xuất sắc đâu ! Nhưng chắc chắn, nếu nó có một tác động tốt, để tạo ra một bầu không khí tự do, dân chủ trong xã hội, đối với các nhà văn, thì chắc chắn là các nhà văn sẽ có sự tự tin, và có sức mạnh phấn khích để sáng tác. Và chắc chắn như thế, không trước thì sau, cũng có những tác phẩm xuất sắc ! (Nhưng) Hội Nhà văn không quan tâm đến những việc đó. Mà cái quan tâm của Hội Nhà văn người ta thấy rất rõ là chỉ quan tâm đưa các nhà văn vào đúng định hướng gọi là ‘‘xã hội chủ nghĩa’’ của Đảng lãnh đạo ». Có tài, không rào nào cản được Không đồng tình với quan điểm cho rằng các hội viên bị ban lãnh đạo hội định hướng, nhà thơ Đặng Huy Giang giải thích : « Mình vẫn cho là Hội Nhà văn là tương đối thoải mái. Không khí sáng tác cởi mở hơn ngày xưa rất nhiều. Ví dụ như bây giờ in thơ, in rất thoải mái. Ngay cả quyển “Trại súc vật” (xin xem thêm ở phần dưới) thì cuối cùng cũng có cấm đâu. Hay một số quyển nặng nề, ví dụ như quyển của anh Hoàng Minh Tường, ‘‘Thời của Thánh Thần’’ người ta cũng có cấm đâu. Mà anh Hoàng Minh Tường anh ấy nói sát sàn sạt. Thậm chí anh ấy còn nêu cả tên người ra. Đương nhiên để bắt kịp được những nước văn minh hơn, tiên tiến hơn, cũng phải có thời gian. Nếu anh hay thật, thì anh không in trong nước, anh in ở nước ngoài cũng được chứ sao. Còn Hội Nhà văn họ không chỉ đạo cái gì không. Anh Hữu Thỉnh anh ấy vẫn nói là làm sao viết cho hay. Mà làm sao chỉ đạo được các nhà văn, các nhà văn có nghe ai đâu mà chỉ đạo họ được. Nhà văn là khó chỉ đạo nhất đấy, có lẽ không phải chỉ riêng Việt Nam đâu ». Tiểu thuyết "Thời của Thánh Thần" của Hoàng Minh Tường do NXB Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2008, bị Bộ Thông tin Truyền thông ra lệnh thu hồi ngay sau đó. Sách dịch qua tiếng Pháp, được NXB Les Editions de La Fremillerie phát hành năm 2014, với tên gọi "Le temps des génies invincibles". Về ‘‘Trại súc vật’’ : Cuốn “Animal Farm : A Fairy Story (của nhà văn George Orwell), dịch sang tiếng Việt với tên gọi “Chuyện ở nông trại”, được NXB Hội nhà văn kết hợp với công ty Nhã Nam xuất bản năm 2013. Tuy nhiên sau đó có tin cuốn sách bị thu hồi (xem bài “Sách bị cấm phát hành vẫn “nhơn nhơn” giữa chợ sách”, trang Dân Việt ngày 10/02/2015, trích báo Phụ nữ Thủ đô). Trước đó (năm 2010), NXB Giấy vụn – một nhóm xuất bản tư không cần cấp phép của Nhà nước - đã in cuốn sách này với tên "Trại súc vật". Gì sợ bằng văn dở lên ngôi Tự do sáng tác, nhưng tự do trong không khí xã hội nào, công chúng nào. Tự do công bố tác phẩm nhưng công chúng tiếp nhận ra sao. Nhà văn Nguyên Ngọc lo ngại, môi trường văn hóa nói chung hiện nay, không chỉ văn học, sự vinh danh những gì tầm thường đang là một mối tai họa ghê gớm. « Nghệ thuật mà dở thì rất có hại. Chứ không phải là nghệ thuật xấu – như người ta hay nói – về mặt tư tưởng, hay sai về mặt tư tưởng. Nghệ thuật dở có khi còn hại hơn. Cái đó Hội Nhà văn này cũng không quan tâm. (Không biết) vô tình hay cố ý mà khuyến khích cái loại đó, thì càng ngày càng làm cho cái thị hiếu, cái thưởng thức của người xem càng ngày càng thấp, và như vậy những tác phẩm hay, những tác phẩm cao cả không đến được. Lâu nay người ta hay nói đến những cản trở có tính chính trị, thường người ta hay quan tâm đến cái đó, nhưng theo tôi, tôi cho cái quan trọng hơn là sự cản trở bằng cái dở, làm cho cái hay, cái tốt, đẹp, cái cao cả, không đến được. Người ta chai lì, thì cái đó cực kỳ nguy hiểm. Hội Nhà văn biểu dương ông Hoàng Quang Thuận, xúm nhau lại mà ca ngợi ông Hoàng Quang Thuận, từ ông Tổng thư ký và một số người ở các cơ quan lãnh đạo, liên quan đến văn hóa, văn nghệ. Chỉ riêng việc đó thôi, Hội Nhà văn không còn ra Hội Nhà văn nữa ». Về sự tầm thường hóa lên ngôi, đáng nhớ có khổ thơ hóm hỉnh của Nguyễn Vũ Tiềm, « Được chăn dắt quá kĩ càng/Văn bò sát, thơ bầy đàn phổng phao/“Ra ngõ là gặp đỉnh cao”/Bằng khen giải thưởng ồn ào hàng năm… » (« Văn đàn bi tráng », 2009). Trả lời RFI qua điện thoại, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (Sài Gòn) cho biết, ông không tin là người ta lại có thể ngăn chặn được các tác phẩm có giá trị đích thực, bởi những tác phẩm này bao giờ cũng sẽ được đánh giá đúng mức. Hiện tượng « thơ Hoàng Quang Thuận » chỉ là « một phút vô tình, không tỉnh táo », không thể qua mắt được tất cả mọi người. Về nguyên tắc, theo ông, tự do là khao khát lớn, nhưng trong một xã hội không thể có tự do tuyệt đối… Thỏa hiệp là tự cắt bớt tự do Trở lại vấn đề tự do sáng tạo văn học trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu ra một khía cạnh tinh vi của việc tự do sáng tạo bị cắt giảm. « Một khi đã thỏa hiệp, tức là anh cũng tự cắt bớt tự do của mình rồi. Anh phải viết những cái gì an toàn, ở mức an toàn. Cho nên lâu nay, ngay cả cấp quản lý cũng thấy, họ cũng biết là văn học, văn học không có tác phẩm lớn, văn học cũng còn lờn vờn ở bên ngoài hiện thực, là bởi vì các nhà văn, các nhà thơ, cũng ngại ngùng, cũng né tránh. Tôi nói ví dụ như : trước đây viết về cuộc chống Pháp được, viết về cuộc chống Mỹ được, nhưng viết về cuộc phía Bắc là không được, vì Trên không cho viết. Không (được) đụng gì đến, cả văn chương, cả báo chí, cả dư luận, không nói gì đến cuộc chiến tranh phía Bắc với Trung Quốc. Nhà văn chúng ta không viết, vì vẫn mang tâm lý, viết là để in, mà không in được thì không viết. Cho nên, chúng tôi vẫn hay nói với nhau là : có rất ít tác phẩm để ‘‘ngăn kéo’’». Về nguồn gốc của sự thỏa hiệp, nhà thơ Đặng Huy Giang có đưa ra một giải thích rõ ràng : « Bất cứ một hội nào ở đất nước Việt Nam này đều nghe quen một câu “Đảng lãnh đạo toàn diện”, cho nên Hội Nhà văn cũng là người của Đảng thôi, thì làm thế nào được nữa, cũng phải làm theo định hướng thôi… Trong một đất nước như thế này, cũng phải chấp nhận thế thôi ! Hội Nhà văn cũng là một bộ phận thôi, thì làm sao, làm gì thay đổi được ?! Bởi vì nếu anh làm thay đổi, thì anh bị văng ra thôi ! ». Đã gần 10 năm kể từ khi Nguyễn Khải công bố tiểu luận « Đi tìm cái tôi đã mất », phanh phui những uẩn ức của mình về một chế độ - mà một đời ông phục vụ -, được rất nhiều người khen, nhưng bị không ít chê trách nghi ngờ, đặc biệt từ nhiều đồng nghiệp cùng thời biết rõ ông. Sự phản tỉnh muộn màng của Nguyễn Khải, cho dù chưa hoàn toàn thành thực theo một số đánh giá, hay sự chia tay dứt khoát từ sớm của Nguyễn Minh Châu có thể vẫn còn có ích đối với nhiều người cầm bút hiện nay, ở Hội Nhà văn hay kể cả đã là thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập, đang có nhu cầu đối diện với chính mình, với một lối sáng tác mang tính minh họa hay tính công cụ, dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Ước mơ một đời sống văn học có nhiều trường phái Trong phần cuối của tạp chí, chúng tôi giới thiệu một suy nghĩ khác của nhà văn Nguyên Ngọc. Sự ra đời trong tương lai của một văn đoàn độc lập, hay nhiều tổ chức văn nghệ khác, có quy mô nhỏ, cho phép ông nuôi tiếp ước mơ về một chuyển biến căn bản của sáng tác, đoạn tuyệt với thực tại đáng buồn hiện nay. « Tôi mong có một tổ chức, mà nay mai có thể có thêm các tổ chức văn học, nghệ thuật khác nữa, nhỏ thôi, và độc lập, để nó (đời sống văn học) đa dạng đi. Một người lãnh đạo văn nghệ rất giỏi là ông Trần Độ. Có hôm ngồi, nói chuyện xong, tôi bảo, cố gắng làm thế nào để nâng cao cái nền chung của cái văn học của mình, để hy vọng rằng, trong mấy chục năm nữa có những đỉnh cao. Thì ông ấy nói một câu rất hay. Tôi không ngờ ông ấy nói. Ông bảo : muốn có được đỉnh cao mới, phải có trường phái mới, mà cái kiểu Hội Nhà văn như thế này, thì làm sao mà có trường phái mới. Tổ chức đời sống văn học như thế này làm sao có được trường phái mới ?! Sẽ cào bằng hết. Mà trong văn hóa, cào bằng là tai họa ». Không khí cào bằng trong văn hóa, văn học, để cái dở lên ngôi, tình trạng tự kiểm duyệt, giả dối phổ biến, khiến không ít nhà văn thở dài châm biếm : « viết hay làm sao được giải !», « muốn được giải phải viết làng nhàng vô hại, tuyệt đối không được sâu sắc ! » hay « chưa bao giờ nhà văn bị coi thường như bây giờ ! »… Có lẽ không thể không đặt câu hỏi : Hội Nhà văn – tổ chức tự coi là đại diện cho văn đàn Việt Nam – có trách nhiệm gì trước thực trạng bi hài hiện nay ? Mỗi thành viên hội viên Hội Nhà văn có phần trách nhiệm nào ? *** Ba mươi năm sau bài « Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa » (tiểu luận Nguyễn Minh Châu năm 1987), đời sống văn chương Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi. Văn chương Việt Nam dù tiến một bước dài, nhưng hiện vẫn đang trong tình trạng tranh tối, tranh sáng. Dường như không còn thế lực nào can thiệp trực tiếp khống chế thô bạo quyền tự do sáng tác của mỗi cá nhân nhà văn như trước. Dường như thị trường, thông qua các nhà xuất bản, đang ngày càng đóng vai trò chủ chốt trong việc lựa chọn những tác phẩm hấp dẫn để đưa đến với công chúng. Tuy nhiên, theo một số nhà văn ủng hộ Văn đoàn Độc lập, cũng như không ít nhà văn khác, quyền tự do sáng tác ở Việt Nam tiếp tục bị hạn chế nặng nề, đôi khi công khai (trang mạng của Ban vận động Văn đoàn Độc lập – cũng như một số trang văn học có quan điểm khác với chính quyền - bị tường lửa ngăn chặn, những người cộng tác với Ban vận động thường bị răn đe bằng nhiều hình thức khác nhau), nhưng thường là rất tinh vi. Sự ra đời của ban vận động thành lập một tổ chức mới của những người sáng tác – phê bình – nghiên cứu văn chương là một liều thuốc thử cho thấy xu thế vận động hiện nay và sắp tới của nền văn học Việt Nam. Theo một số người trong cuộc, chủ trương chống phá các thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập từ cấp lãnh đạo Hội Nhà văn, hoặc cấp cao hơn, được thi hành lúc mềm, lúc rắn, lúc đánh, lúc xoa, tùy theo thời tiết chính trị, và thái độ của Ban vận động (sau khi bị phản đối dữ dội sau Đại hội nhà văn khu vực phía nam, lãnh đạo Hội Nhà văn đã thay đổi thái độ. Theo « Những tiếng vỗ tay cảm động », ghi chép của Trần Kỳ Trung về Đại hội nhà văn khu vực miền trung và Tây Nguyên khai mạc vào sáng ngày 07/05/2015, và « Đại hội Hội nhà văn khu vực trung ương hội », Trần Nhương, ngày 16/05/2015). Không khí nghi ngại, nghi kỵ vẫn còn khá nặng nề trong văn giới. Tình cảm này sở dĩ có được đất sống một phần quan trọng là do tình trạng thiếu thông tin, thông tin không minh bạch và nhiều bất đồng không được làm sáng tỏ, dễ gây ngộ nhận - cơ sở thuận lợi cho các tuyên truyền bóp méo sự thực, reo rắc không khí phó mặc, hoài nghi, bất bình, thậm chí thù ghét. Quan niệm thế nào là tự do sáng tác là một trong những điểm chủ yếu có thể gây bất đồng hay thậm chí gây đối kháng giữa những người ủng hộ cách hoạt động của Hội Nhà văn hiện nay và những người chủ trương Văn đoàn Độc lập muốn đoạn tuyệt với cách làm cũ, đáng tiếc điều này dường như lại chưa được trao đổi rốt ráo. Qua các chia sẻ của một số văn sĩ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam hay Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đa số đều công nhận rằng : một bầu không khí cởi mở, thân ái, tôn trọng và đối thoại giữa các quan niệm khác biệt rất có lợi cho không khí sáng tạo. Điều đáng mừng là : có vẻ như ngày càng có nhiều người hơn thừa nhận quyền thành lập, quyền tham gia các tổ chức ái hữu văn học chuyên nghiệp tự nguyện, độc lập với các tổ chức do Nhà nước chỉ đạo, bất chấp việc họ có ủng hộ đích danh Ban vận động Văn đoàn hay không. Việc công nhận các tập thể tự nguyện, đồng nghĩa với việc tôn trọng những quan niệm khác biệt, rất có lợi cho những đối thoại thực sự. Mà đối thoại, giao lưu là cơ sở của sáng tạo.
RFI xin cảm ơn các nhà văn Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Đặng Huy Giang, Nguyễn Vũ Tiềm và Phạm Xuân Nguyên.
Nguồn: https://www.rfi.fr/vi/viet-nam/20150518-hoi-nha-van-viet-nam
NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC: ‘VĂN HỌC VÀ NHÀ VĂN KHÔNG LÀ CÔNG CỤ CỦA AI HẾT’
Liêu Thái/Thực hiện
Lời Tòa Soạn: Hôm 11 tháng 5 vừa qua, 20 nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam cùng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, một cơ quan ngoại vi của Đảng CSVN. Sự kiện này gây chấn động trong giới văn nghệ tại Việt Nam. Một trong những lý do đưa ra là “nhận thấy tình trạng suy thoái của hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi để thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản.” Để tìm hiểu thêm, báo Người Việt lần lượt phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ về hành động này. Loạt bài phỏng vấn do Liêu Thái thực hiện.
Nhà văn Nguyên Ngọc. (Hình: Nhà văn cung cấp)
Người Việt (NV): Thưa nhà văn, là một người thuộc vào hàng “công thần khai quốc” của Hội Nhà Văn Việt Nam, đồng thời cũng là chủ khảo của nhiều giải văn học của Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), có thể nói là bề dày cống hiến của ông với HNVVN rất dày. Nhưng ông vừa có quyết định từ bỏ hội, ông vui lòng cho biết nguyên nhân và lý do dẫn đến quyết định này? Và HNVVN đã có phản ứng gì với quyết định của ông?
Nhà văn Nguyên Ngọc (NV): Tôi có dự đại hội thành lập HNVVN năm 1957. Tất cả những người dự đại hội đó đều được coi đương nhiên là “hội viên sáng lập.” Tôi là một kiểu “công thần khai quốc” như thế đấy thôi! Hồi đó tôi còn rất trẻ, từ tỉnh lẻ xa xôi mới ngơ ngác về Hà Nội và vừa có tác phẩm đầu tay. Được vào Hội là thích lắm rồi. Về sau mới dần dần hiểu ra và nghĩ khác. Năm 1979, tôi có lần nói với ông Lê Đức Thọ, bấy giờ là người có vị trí rất cao trong Đảng Cộng Sản Việt Nam, “Theo tôi quy luật tự nhiên của đời sống văn học là những người cầm bút chơi với nhau, tập họp nhau thành từng nhóm, hoặc vì cùng khuynh hướng nghệ thuật, hoặc vì nhu cầu giúp đỡ nhau thế nào đó, hoặc cũng có thể đơn giản vì thích tính nhau, gần gũi nhau sao đó … Trong từng nhóm như vậy, họ trao đổi với nhau về nghề nghiệp, về xã hội, về mọi thứ, nhắc nhở, động viên, an ủi nhau trong công việc khó khăn nhất, tuyệt đối độc đảm, chẳng ai thay thế hay làm giùm ai được, là viết, đối mặt với trang giấy trắng; rồi ra sách, đưa sáng tác của mình đến công chúng; giúp nhau trong đời sống, bảo vệ nhau về nghề nghiệp và về xã hội. Một nền văn học phát triển một cách tự nhiên và lành mạnh là từ những nhóm như vậy. Ở ta trước đây và ở hầu khắp thế giới xưa nay đều như thế, tạo nên một đời sống văn học nhẹ nhõm mà đa dạng, giàu có. Từ sau 1945 ta lùa tất cả vào một hội, lại là hội của nhà nước, là phi tự nhiên, chỉ chật chội và làm nghèo văn học. Trong chiến tranh, còn chừng nào chấp nhận được; trong hòa bình rất không nên. Tôi nói với ông Lê Đức Thọ rằng trước sau đời sống văn học cũng sẽ đi theo con đường đó, nếu đảng muốn lãnh đạo thì đảng nên chuẩn bị để thích ứng với tình hình đó. Vả chăng, theo tôi, cũng chẳng nên lãnh đạo. Nếu xã hội cần văn học, ấy là cần tiếng nói riêng, khác biệt, độc đáo của từng nhà văn, góc nhìn, cách nhìn riêng của họ, từng người, từng nhân cách và từng tài năng, bằng cách chỉ có văn học làm được, không ai giống ai. Dồn hết họ vào một hội, để chỉ đạo thống nhất, buộc họ nghĩ giống nhau, tức triệt tiêu mất cái riêng họ có, riêng nhà văn mới có để đóng góp, khiến họ chỉ có thể là công cụ tầm thường, vô dụng, còn tai hại nữa, vì khi đó họ chỉ có thể nói theo, nói dối. Rất lạ là ông Lê Đức Thọ bảo: Nghe cũng phải, để xem. Nhưng rồi về sau không thấy ông nói gì, làm gì nữa. Chắc ông còn những lo toan khác, nghiêm trọng hơn, ở chốn cung đình. Mà về phần tôi, tôi cũng không chờ đợi gì ở ông. Nếu đến một lúc nào đó chúng ta có một đời sống văn học thực sự, bình thường, tự nhiên, thì đó cũng do chính những người cầm bút làm ra. Chứ không phải chờ ai cho. Như vậy cái lúc đó nay đã đến. Việc từ bỏ HNVVN hôm nay của chúng tôi là một bước tất yếu theo con đường đó. Nhắc lại như vậy để nói rằng, ít ra từ 30 năm trước, tôi đã thấy không nên có một hội nhà văn như HNVVN bây giờ, và tôi nên ra khỏi hội đó. Chưa ra ngay vì còn đôi cân nhắc. Năm 1989 tôi được đại hội HNVVN lần thứ tư bầu vào Ban chấp Hành gồm 9 người. Tôi đã nói với các anh chị đã bầu tôi rằng tôi đang đứng trước một lựa chọn: hoặc ở lại làm, hoặc từ chức ngay. Vì tôi biết, với cơ cấu đó, thể chế đó, sẽ có những việc tôi muốn làm, thấy cần làm, cần bảo vệ nhưng tôi sẽ không thể làm được, không bảo vệ được; có những việc tôi biết là xấu, có hại, nhưng tôi sẽ không ngăn được. Cuối cùng tôi đã quyết định ở lại, vì nghĩ bằng cố gắng hết sức may ra có thể làm được đôi việc có ích, và ngăn được đôi điều có hại. Kết quả cũng có lần thành công: Như năm 1991 tổ chức được giải thưởng HNVVN hay nhất trước nay, trao cho ba tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh, Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma và Bến Không Chồng. Nhưng đến năm tiếp sau thì người ta đã rút kinh nghiệm để không cho một giải thưởng “sai lầm nghiêm trọng” kiểu đó lặp lại. Còn thì nhiều thất bại: Chẳng hạn đã không ngăn chặn được HNVVN vùi dập tập thơ Chân Dung Nhà Văn của Xuân Sách. Trong các đại hội tiếp sau đó, cho đến đại hội lần thứ 9 đang được chuẩn bị hiện nay, HNVVN ngày càng tự khẳng định trước hết là “đoàn thể chính trị” (đương nhiên là của ĐCSVN), (rồi sau đó mới đến “xã hội,” cuối cùng mới là “nghề nghiệp”). Tôi nghĩ, đơn giản: vậy thì hãy cứ lập một HNV của Đảng CSVN đi. Còn thì để cho những người cầm bút nghĩ khác lập những hội, nhóm khác. Sẽ phong phú, đa dạng hơn, vui hơn. Thực ra từ hơn 10 năm nay tôi đã không còn dính dáng gì đến HNVVN, không dự sinh hoạt nào, không nhận gì của hội đó. Tôi kính trọng nhiều anh chị đang ở trong hội và tôn trọng sự lựa chọn của từng người. Riêng tôi, ngày tôi càng thấy HNVVN với cơ chế và một ban lãnh đạo như hiện nay không còn có ích gì cho nền văn học Việt Nam, cho người cầm bút, trái lại đang là công cụ đắc lực và không thể khác của một guồng máy phản dân chủ gây hại ngày càng nghiêm trọng cho mọi sáng tạo chân chính, cho cả nền văn học. Một HNVVN như hiện nay thực chất chỉ là cách để ĐCSVN và nhà nước kiểm soát văn học. Trước đây tôi chưa ra vì không muốn gây ồn ào. Việc lãnh đạo HNVVN chủ trương gạch tên những người có ý kiến khác mình trong bầu cử đại biểu cho đại hội của HNVVN vừa rồi chỉ là giọt nước cuối cùng tràn ly của một việc, theo tôi, trước sau cũng sẽ đến. Cũng là dịp để chúng tôi cùng quyết định một lần. Cho đến nay tôi chưa thấy HNVVN có phản ứng gì đối với quyết định của tôi. Chỉ có việc buồn cười: nghe nói trong đại hội của chi hội HNVVN quanh cơ quan hội ở Hà Nội vừa rồi lại có quyết định cử tôi làm đại biểu chính thức đi dự đại hội HNVVN sắp tới. Cứ như trò hề! Cũng nghe tin ông Đỗ Hàn nào đó ở cơ quan hội nói rằng lãnh đạo hội chưa nhận được đơn xin ra hội của chúng tôi, đến khi nhận được sẽ xử lý theo điều lệ. Xin nói rõ: Chúng tôi tuyên bố từ bỏ một hội đã suy thoái không phương cứu chữa, không xin phép ai đâu!
NV: Có thể nói, với tư cách một nhà văn, ông là một nghệ sĩ rất nặng lòng với dân tộc, với công cuộc giáo dục Việt Nam, và đứng trên phương diện một trí thức, ông có phản ứng rất mạnh mẽ với những vấn đề liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Liệu tâm thế này có mối liên hệ nào với quyết định rời bỏ HNVVN của ông?
NN: Để trả lời câu hỏi này của anh, tôi muốn dẫn lại ở đây một câu của Bernard Frank viết về cuốn sách De Gaulle của François Mauriac mà Frank rất chê, đăng trên báo Le Nouvel Observateur cách đây vừa đúng 50 năm. “Không có bất cứ một nhà chính trị nào trên thế giới đáng cho một nhà văn bẻ gãy ngòi bút của mình vì ông ta. Vai trò của chúng ta (nhà văn) – có cần nhắc lại không nhỉ? – đối với chính quyền nào cũng vậy, là không mệt mỏi đặt lại vấn đề, là thể hiện cái tinh thần phủ nhận, mà ông tướng ấy (tức De Gaulle) đã có lần phàn nàn.” Vậy đó, tôi cũng hiểu về văn học và nhà văn đúng như vậy. Cũng có thể diễn đạt: Sở dĩ xã hội cần nhà văn, là vì anh ta nói tiếng nói khác, nhiệm vụ của anh ta là gây sự hoài nghi, anh ta khiến những điều đã tưởng là như thế chưa chắc đã là như thế. Văn học đề nghị với con người một cách nhìn khác về mọi sự vật. Tôi hiểu như vậy, sống như vậy, nên không có khác biệt cơ bản nào giữa những việc tôi can dự theo trách nhiệm công dân của mình, về xã hội, về chính trị, về văn hóa, về giáo dục… mấy mươi năm nay, với việc tôi cầm bút và thái độ của tôi đối với HNVVN hôm nay.
NV: Là người chủ xướng xây dựng Văn Đoàn Độc Lập, ông vui lòng cho độc giả biết đôi nét về văn đoàn này?
NN: Trước hết chúng tôi muốn chấm dứt tình trạng dồn nhau hết vào trong một HNV của nhà nước, nằm chung trong cái gọi là “hệ thống chính trị” của đảng và nhà nước, đương nhiên là công cụ của họ. Chúng tôi không coi văn học và nhà văn là công cụ của ai hết. Chúng tôi muốn gặp nhau trong một hội đoàn gồm những người cầm bút độc lập, sống, viết một cách độc lập và chịu trách nhiệm về cái viết của mình trước cuộc sống, trước đất nước và công chúng của mình. Chúng tôi là nhóm họp của những người cầm bút độc lập đầu tiên. Mong sẽ là mở đầu cho những nhóm họp đa dạng, phong phú nữa về sau. Sau năm 1975, tôi nghĩ nhiều đến một cuộc phục hưng dân tộc sau một giai đoạn lịch sử kéo dài, một thế kỷ nô lệ, tiếp liền một thế kỷ chiến tranh không chỉ vô cùng ác liệt mà còn vô cùng phức tạp (đến mức tới hôm nay còn tranh cãi chưa xong chiến tranh ấy thực sự là chiến tranh gì!) Trong công cuộc to lớn đó, nền tảng là phục hưng văn hóa. Theo tôi, một công cuộc cần thiết và căn bản như vậy đã không được nhận thức đúng mức, thậm chí hầu như không hề được nhận thức. Ngược lại phổ biến tâm lý, từ trên tầng cao nhất, coi mọi sự là đã xong rồi. Trong khi công cuộc xây dựng, xây dựng lại dân tộc đáng ra cần bắt đầu, chỉ có thể bắt đầu, chứ không phải đã kết thúc. Chính vì thế mà cuộc đi tới của dất nước và xã hội 40 năm nay rất loạng choạng. Văn hóa xuống cấp như chưa từng thấy, xã hội mất ổn định nặng nề. Văn học không thể làm ngơ trước tình hình và nhiệm vụ này. Chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng một nền văn học có thể giữ được vai trò xứng đáng của mình trong cuộc phục hưng căn bản và sống còn đó.
NV: Theo ông, khi mà các dòng chảy văn hóa/văn chương cũng như các trào lưu tiến bộ trên thế giới đang từng ngày thâm nhập vào Việt Nam. Liệu với cơ chế hoạt động hiện tại, HNVVN sẽ đi đến đâu?
NN: Theo tôi, ở phía Bắc, do những điều kiện khách quan và chủ quan – mà chủ quan là chính – đã bị cắt đứt với dòng chảy văn hóa/văn chương thế giới trong hơn nửa thế kỷ. (Đúng ra chỉ có thông thương với thế giới Xô Viết và các nước gọi là xã hội chủ nghĩa, một thế giới cũng khá khép kín). Trong khi đó, ở miền Nam dòng chảy này thông thoáng, mạnh mẽ, tương đối cập nhật và liên tục hơn nhiều. Cho nên nối kết trở lại được với di sản của văn học miền Nam trong suốt thời 1954-75, cũng là một trong những cửa mở thông thương với các trào lưu thế giới phong phú và đa dạng. Và là góp phần khôi phục lại dòng chảy bình thường, lành mạnh cho đời sống văn học nước nhà. Chính trên nhận thức như vậy mà chúng tôi đã cố gắng mở mục “ Văn học miền Nam 1954-1975” trên trang mạng Văn Việt của Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập (BVĐVDĐL.) Thừa kế tốt di sản gần của văn học miền Nam 1954-1975 cũng là một trong những điều kiện quan trọng để văn học làm được vai trò cần có của nó hôm nay. Một cơ chế đầy kiêng kỵ ý thức hệ như của HNVVN hiện nay đương nhiên ngăn cản việc mở cửa ở hướng này. Chỉ mới nói riêng về mặt này thôi, ở một việc này thôi, đã cho thấy cơ chế của HNVVN, dù muốn dù không, về cơ bản là một cơ chế đóng kín. Cơ chế đó tất cũng sẽ đóng kín với mọi trào lưu tiến bộ trên thế giới, sẽ khiến sự phát triển văn học chật hẹp lại rất nhiều, bất chấp những cái gọi là hoạt động quốc tế ồn ào, hình thức, tốn kém của hội. Cũng là một cái cớ nữa để mà khó chấp nhận một hội như thế.
NV: Liệu việc từ bỏ HNVVN cũng như dám đứng ra bày tỏ thái độ yêu nước, kêu gọi chống họa ngoại xâm có làm khó cho ông trong công việc hằng ngày cũng như trong hoạt động sáng tác?
NN: Vừa có vừa không. Tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, đã bị đài truyền hình Hà Nội đưa hình lên khi nói về “bọn phản động bị các thế lực thù địch ngoài nước xúi giục” rồi. Sau khi lập BVĐVDĐL thì có chỉ thị cho các báo và các phương tiện truyền thông khác trong nước không được đăng bài vở của tôi, cũng như của tất cả những người tham gia BVĐVDĐL, cũng không được nhắc đến tên tuổi chúng tôi nữa. Hội thảo về Nguyễn Đổng Chi vừa rồi cũng bị cấm không được mời tôi, tham luận của tôi gửi đến từ trước bị loại ra khỏi kỷ yếu hội thảo. Về những chuyện này có hai điều cần nói: Một số báo vẫn xé rào đăng bài của tôi, đưa tin về tôi. Nghĩa là họ thấy cái chỉ thị kia thật lố bịch. Và theo tôi biết tất cả cấm đoán đó đều chỉ được truyền từ trên xuống bằng miệng, qua điện thoại hay tin nhắn. Một đảng, một nhà nước kỳ lạ. Đánh người toàn bằng đánh trộm, thụi ngầm và phi tang. Nghĩa là người ra lệnh cũng tự biết việc làm của mình làm ám muội thế nào. Tuy nhiên tất cả những chuyện đó về cơ bản không được gây sứt mẻ gì đối với tôi. Bị quấy nhiễu, tôi đã quen. Còn khi cầm bút, tôi vẫn thanh thản. Sợ nhất là tâm không yên để mà viết, và viết cho hay. Mà cái đó thì là tự trong lòng mình, tự mối liên hệ riêng của bên trong mình với cuộc sống; quấy nhiễu chỉ là ở ngoài, chẳng làm rối được tâm mình.
NV: Là một người có tác phẩm trong chương trình giảng văn, theo ông, vấn đề dạy và học văn hiện tại có phù hợp với nhu cầu cũng như môi trường văn chương đương đại?
NN: Phải nói dạy và học văn trong nhà trường hiện nay đang ở tình trạng tai họa. Nói chi đến chuyện “phù hợp với nhu cầu cũng như môi trường văn chương đương đại,” sẽ là quá sang. Theo tôi, ở môn này hiện nay, người dạy chân chính đang rất gặp khó, người học thì chán ghét. Cũng phải thôi, vì văn – có lẽ cùng với môn sử – là môn bị chính trị hóa nặng nề và thô thiển nhất. Tôi nghĩ không thể nói sự suy thoái của môn văn trong nhà trường không liên quan gì đến sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội. Nhân đây cũng xin nói một điều: Trong chuyện văn chương, cũng như chuyện dạy và học văn, ở ta vẫn quen coi trọng đúng sai, hơn là hay dở. Trong khi, trong văn chương, “đúng” sẽ chẳng là gì cả, chẳng để làm gì cả, nếu dở. Và văn chương dở thì cực kỳ tai hại. Nó phổ cập, truyền nhiễm cái tầm thường, khiến người ta quen với sự tầm thường, đẩy người ta vào môi trường thường trực của sự tầm thường, cũng như quen ở dơ vậy, lại là cái dơ về tinh thần. Mà tầm thường, dơ bẩn về tinh thần là môi trường của cái xấu, cái ác. Sự suy thoái của môn văn trong nhà trường hiện nay là đáng báo động, không chỉ về văn học, cho văn học, mà là báo động xã hội.
NV: Cơ chế hoạt động hằng năm của HNVVN dựa vào nguồn kinh phí nào và theo ông cơ chế này có phù hợp với “sinh quyển” sáng tác, phù hợp với nhu cầu sáng tạo của người nghệ sĩ trong hiện tại?
NN: Dĩ nhiên, kinh phí của nhà nước. Cho nên, tất yếu, “sinh quyển,” như anh gọi, cũng là sinh quyển văn chương nhà nước! Cũng là công bằng thôi: anh nhận tiền của người ta thì anh phải viết cho người ta chứ, gian lận sao được! Hình như chị Ngô Thị Kim Cúc có nói với anh rồi: Ở BVĐVDĐL chúng tôi đều nghèo, nhưng chúng tôi chắt chiu góp tiền túi với nhau để làm mọi việc, cũng còn ít ỏi. Ngó vậy thôi, mà đây cũng là chuyện nhân phẩm và nguyên tắc của người cầm bút.
NV: Ông có dự tính gì mới trong các hoạt động sắp tới của Văn Đoàn Độc Lập? Tiêu chuẩn để trở thành thành viên Văn Đoàn Độc Lập?
NN: Hiện nay chúng tôi đang tập trung vào trang Văn Việt. Tôi xin tâm sự với anh điều này, khi làm mục “văn học miền Nam 1954-1975,” đọc lại một phần văn chương miền Nam thời ấy, tôi nhận ra một chỗ khác biệt với văn chương miền bắc cùng thời: văn chương miền Nam thời ấy có triết học, văn chương miền bắc thì không. Tất nhiên văn chương không phải là triết học, nhưng một nền văn chương không có triết học thì nguy. Có lẽ một trong những điều chúng tôi sẽ cố gắng sắp tới là giúp nhau đọc nhiều hơn, đông tây kim cổ, nhất là những tìm tòi mới về tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, để cho văn chương nghĩ về nhân tình thế thái đỡ cạn cợt, nói về con người và xã hội thấu đáo hơn. Chắc phải bằng nhiều cách, trên trang Văn Việt cũng cần tìm cách đi thêm về hướng này. Có lần tôi nói với anh Trần Độ về mong muốn đến lúc nào đó trong văn chương ta xuất hiện được một hay vài đỉnh cao mới. Anh ấy bảo, “Mình cũng mong thế, nhưng mình nghĩ trong nghệ thuật muốn có đỉnh cao mới thì phải có trường phái mới.” Đời sống văn hóa của chúng ta, giáo dục chúng ta, sinh hoạt văn chương của chúng ta không khuyến khích trường phái, nhất là không tạo nền tảng cho những trường phái mới xuất hiện. Có lẽ đã đến lúc nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Tổ chức của chúng tôi còn nhỏ, nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi có tham vọng. Đây cũng là một hướng chúng tôi đang nghĩ tới. Về cụ thể, chúng tôi cũng đang tính đến một số hình thức hoạt động, như các cuộc thảo luận, đa dạng và cởi mở, một kiểu giải thưởng sao đó. Trong nghệ thuật hình như có hiện tượng: Cái hay, và chỉ có cái hay mới gọi được cái hay, cái mới lại kích thích cái mới. Những giải thưởng của Tự lực văn đoàn ngày trước là vậy, chính qua đó mà văn đoàn này có thể nói đã có công gầy dựng được cả một lớp nhà văn kế tiếp đặc sắc. Về thành viên Văn Đoàn, chắc chỉ có hai “tiêu chuẩn”: Chúng tôi mong muốn được đón tiếp nhưng cây bút tài năng. Và là người tự nguyện phấn đấu cho tôn chỉ Vì một nền văn học đích thực, tự do, nhân bản.
NV: Dự đoán của ông về tương lai văn học trong những thập niên tới?
NN: Tôi không dám làm thầy bói. Chỉ xin nói hai hiện tượng theo tôi là đáng chú ý. Tôi thấy đang xuất hiện một lớp người viết trẻ, chưa nhiều nhưng cũng không quá ít, có tài, và đặc biệt rất khác chúng tôi, về cảm nhận thế giới, và cả về tư duy và ngôn ngữ nghệ thuật. Tôi thường nghĩ thế này: Trong đám người chen chúc, hỗn loạn, trùng điệp đến vô diện mạo trên các đường phố Sài Gòn ta có thể thấy bất cứ giờ nào hôm nay, giá như ta có thể tách ra được từng người, có thể lắng nghe được tận sâu kín bên trong của họ, từng người, làm sao trong họ, ít ra ở một số người và từng lúc, không có, không nuôi những khát khao và hy vọng về một thế giới tinh khiết, trong trẻo, an lành, thật tốt đẹp. Có thể mong manh lắm, nhưng có… Hình như những người cầm bút trẻ tôi vừa nói trên, đến lượt họ, sẽ nói về cái phần lắng đọng đó, về thế giới mong ước xa xôi đó. Có thể tin. Cạnh đó, cũng đã thấy một số bạn trẻ rất tài năng, đang đi vào con đường nghiên cứu văn hóa uyên thâm, cập nhật với những vấn đề và suy tưởng mới nhất, và từ đó đang trở lại suy gẫm về văn hóa, văn chương của chúng ta. Có thể chăng họ đang tạo một cái nền cần thiết cho chuyển động văn học mới. Họ làm việc thường lặng lẽ mà ráo riết. Tiếng nói của họ không ồn ào. Chúng tôi đang chăm chú lắng nghe. Và thiết tha chờ đợi.
NV: Xin cám ơn ông, kính chúc ông mạnh khỏe, an lạc!