Lê Học Lãnh Vân
1) Năm 2018, được tin anh Chu Hảo bị đề xuất kỷ luật với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: "Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”, tôi nhớ lại những lần tiếp xúc với anh trong công việc xây dựng Khu Công nghệ cao Tp HCM và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc khoảng những năm 2000, nhớ các phát biểu khai mạc hàng năm của anh tại lễ phát thưởng, vinh danh của Quỹ Phan Châu Trinh và nhà xuất bản Tri Thức.
Tại lễ năm 2017, anh tuyên bố: “Mỗi lần công bố Giải và Tôn vinh Danh nhân Văn hóa là mỗi lần chúng tôi muốn được cùng quý vị và các bạn có mặt tại khán phòng này, ôn lại Tinh thần Khai sáng, Ý chí Tự trị - Tự cường, Khát vọng Dân chủ của Phan Châu Trinh - nhà cách mạng đầu tiên của đất nước ta như Huỳnh Thúc Kháng từng khẳng định”.
Và, anh không giấu lòng khâm phục chủ trương của Phan Châu Trinh: “Bất bạo động, bạo động tắc tử! Bất vọng ngoại, vọng ngoại dã ngu” (Đừng bạo động, bạo động là chết! Đừng vọng ngoại, vọng ngoại là ngu). Chủ trương mà anh Chu Hảo cho rằng “Một lần nữa chúng ta thấy tư duy vượt trội và đi trước thời đại của Phan Châu Trinh quý giá và đáng trân trọng biết nhường nào!”.
Ngày 26/10/2018, tôi đăng trên Phây một bài dài 1.120 chữ biểu lộ sự đồng tình với các phát biểu ấy của anh Chu Hảo cùng nỗi lo những tiếng nói đầy chính khí không còn được lưu hành trong xã hội. Bài viết được anh Bùi Văn Nam Sơn cảm thán “Bài quá hay và buồn. Cám ơn anh Vân. Tình hình đáng lo quá!! Rất thân, BVNS”. Và sau đó anh Hoàng Hưng viết thư riêng đề nghị đăng trên Văn Việt và đề nghị tôi viết cho Văn Việt.
2) Là người yêu văn, sử, triết từ thiếu thời, từ sau năm mươi tuổi, khi có thể tạm buông một phần gánh nặng mưu sinh, tôi bắt đầi tập viết báo. Lời mời của anh Hoàng Hưng cho tôi cơ hội bước vào “cercle”, tức câu lạc bộ, của những người mình hâm mộ. Bài viết tiếp theo có tựa “Nhân vật Nhậm Ngã Hành của Kim Dung” và bài thứ ba là “Năng lượng khổng lồ của bão bóng đá”.
Buổi họp thân hữu đầu tiên của tôi với Văn Việt xảy ra cuối năm đó. Chỉ nhớ sơ có các chị Ý Nhi, Kim Cúc, các anh Thiếu Khanh, Nguyễn Phú Yên, Tiết Hùng Thái, Nguyễn Thanh Văn, Hoàng Dũng… Các buổi họp tiếp theo, buổi nào tôi cũng thấy rất vui vẻ. Một niềm vui tự nhiên, thoải mái, chân thành phát ra từ đáy lòng điểm tiếng cười giòn tan. Niềm vui mà đôi khi tôi thấy như sống lại thời trung học, cái thời đi học với niềm vui thầy bạn trong trẻo, hướng thiện, mang hoài bão phụng sự cộng đồng và nhìn tương lai tươi sáng…
Chúng tôi thực lòng yêu mến nhau. Chúng tôi thực lòng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm viết, chúng tôi thực lòng khuyến khích, thúc đẩy tình bạn bè, quê hương, đất nước, xiển dương nếp sống trung thực, nhân hậu, bao dung…
Vài lần họp mặt trong năm có anh Nguyên Ngọc. Kinh nghiệm đọc, viết, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm hoạt động, các hiểu biết về văn học sử lẫn về thực tế văn học đương đại được anh kể, phân tích, trao truyền cho anh em. Ý kiến của anh Nguyên Ngọc rất quý, nhưng không phải lúc nào, người nào cũng chấp nhận. Không khí buổi gặp mặt ấm áp lòng tôn trọng, quý mến nhau, tuyệt nhiên không một mảy may tôn sùng. Những cuộc thảo luận thẳng thắn và xây dựng là nét đẹp của buổi gặp mặt.
Với tôi, những buổi buổi thảo luận như vậy họp lại thành một trường viết văn khai phóng mà sự giàu có kiến thức được chuyển giao hữu hiệu!
3) Danh sĩ Trần Bích San thời vua Tự Đức, nức tiếng tài thơ khí phách, để lại bài:
TAM QUÁ HẢI VÂN
Tam niên tam thướng Hải Vân đài,
Nhất điểu thân khinh độc vãng hồi.
Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt,
Càn khôn chích nhãn tiểu trần ai!
Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài.
Hưu đạo Tần quan chinh lộ hiểm,
Mã đầu hoa tận đới yên khai!
Dịch nghĩa:
BA LẦN QUA HẢI VÂN
Ba năm ba lần leo đỉnh Hải Vân / thân chim nhẹ một mình qua lại
Cây cỏ [treo] giữa tầng không, mặt trời, mặt trăng ở phía dưới / Đất trời thu vào con mắt, cõi trần ai nhỏ xíu
Văn không [chứa] núi sông, không có gì lạ / Người chẳng [trải] gió sương, không tài ba già dặn
Đừng nói đường xa lên ải Tần hiểm trở / Đầu ngựa muôn hoa đội sương mà nở
Bài thơ cho thấy khí phách tuôn tràn như mây đỉnh Hải Vân. Trong bài, tôi thấy ba câu ứng với tinh thần nhóm văn hữu bỉnh bút Văn Việt.
Câu phá đề: Nhất điểu thân khinh độc vãng hồi (thân chim nhẹ một mình qua lại [đỉnh Hải Vân]). Đèo Hải Vân dài hai mươi cây số ngàn, đỉnh Hải Vân là nơi mây bay dưới chân, thời danh sĩ Trần Bích San rất khó vượt qua đỉnh. Ông nói thân chim nhẹ thì qua lại đỉnh dễ dàng, ngụ ý lòng không tơ vương khanh tướng, bạc tiền, danh vọng thì hoài bão tốt đẹp nào cũng vươn tới.
Hai câu luận: Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí, Nhân bất phong sương vị lão tài (Văn không [chứa] núi sông, không có gì lạ / Người chẳng [trải] gió sương không tài ba già dặn). Văn không chứa núi sông ý nói văn không chứa hùng tâm tráng khí, không chứa tầm nhìn cao xa. Văn như thế nhạt nhẽo! Văn chính là người, văn thiếu núi sông khác chi người không sương gió. Người an lòng ngó xuống chân chẳng dám ngước lên trời cao, người an lòng trong chiếc lồng son chẳng dám bay ra sương gió, người đó yếu đuối!
Ngày 10 tháng 3 năm 2024