Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Phía dưới đường chân trời

Nguyễn Thỵ                                                                                                Truyện ngắn

NGUYEN THY.duong-den-chan-troi  

Đêm, không khí lạnh ùa về với những cơn gió giật mạnh đủ làm nghiêng ngả những bóng cây trong mảnh sân vắng lặng của ngôi chùa. Những thân cây trở nên đen sạm và liên tục thay đổi hình dạng trong đêm tối, chúng như có linh hồn khi buông lơi cành lá để đan quyện vào nhau, trong cơn xô dạt đảo điên vẫn thì thầm kể lể những câu chuyện của muôn đời.

Trong một góc ở bên ngoài chánh điện, nơi có thể nhìn thấu suốt các gian thờ, người đàn ông đang run lên không hẳn vì lạnh mà vì hắn đã trở nên quá yếu ớt sau tất cả những trận đòn thù của số phận. Bất kể thứ gì có thể làm ấm lên lúc nửa đêm thế này như cà-phê, rượu, thuốc lá, thậm chí là một dúm tro than... đều làm hắn tơ tưởng. Nhưng hắn không có gì cả. Ngay cả một cái bật lửa, một que diêm cũng không. Đã vậy, bộ quần áo hôi hám ẩm ướt cứ càng lúc như càng bám sát vào da thịt. Nghe tiếng xào xạc của lá khô rụng ngoài sân, hắn liên tưởng đến một đống lửa vừa đủ để sưởi ấm tấm thân gầy còm. Trên bàn thờ Phật, ngọn đèn dầu nhỏ đã bị gió lùa tắt ngấm chỉ còn nén nhang sắp tàn đang hiu hắt cháy. Sau một lúc chần chừ vì suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra của một đống lửa trong hoàn cảnh hiện tại, hắn lê bước vào gian chính đến chỗ lư hương đặt trước tượng Phật. Hắn nhón chân rút cây nhang cháy dở và một ít chân nhang, lấy mấy bao giấy kính có dán nhãn trong ống đựng nhang và lần bước ra sân.

Hắn ngồi bệt xuống đất, trầy trật nhóm lửa sau khi gom những chiếc lá ẩm sương thành một đống khuất sau bức tường rêu mục bỏ không cuối hành lang chùa. Đầu tiên là khói, xám xịt, đặc nghẹt. Rồi một ngọn lửa nhỏ lay lắt, từ từ hong khô những chiếc lá khác và sau đó cháy bùng lên, rực rỡ. Ánh lửa lộng lẫy màu vàng nghệ pha lẫn màu đỏ và da cam làm hồi sinh chút tinh anh trong đôi mắt hắn. Trong khói tỏa và lửa reo thầm lặng, mùi lá khô cháy mang theo mùi hương khói, mùi đất cát, mùi sương nắng..., hắn còn nghe cả mùi của tự do, cho dù là hắn đang lẩn trốn và đang ở giữa không gian hạn hẹp sau một bức tường. Hai bàn tay, đôi chân, rồi toàn thân hắn ấm dần lên. Đầu óc đã tỉnh táo hơn nhưng trong hắn vẫn còn đó nỗi hoang mang khi đối diện với thực tại, một vực thẳm sâu hút không biết sẽ phải thoát ra bằng cách nào!

Cơn lạnh đã tan nhưng một thứ khác lại trỗi đậy. Cơn đói. Hắn đói cồn cào cả ruột gan. Cơn đói át mất sự đau đớn của những vết thương trên da thịt. Đã hai ngày nay kể từ lúc vào ẩn nấp trong chùa, hắn chưa ăn uống gì ngoài nải chuối cau bị chuột gặm nham nhở và mấy chung nước đầy tàn nhang rụng. Lúc chú tiểu vào dọn dẹp, thắp nhang và thỉnh chuông, hắn hy vọng một thứ gì đó cũng được dâng lên cúng Phật nhưng hắn đã thất vọng.

Khi đống lá đã cháy hết, ánh lửa đã tắt hoàn toàn, hơi ấm của tàn tro cũng đã nguội lạnh, hắn quay trở vào. Lần mò trong bóng tối, hắn ngồi xuống tựa lưng vào tường, bó gối ôm chặt cái dạ dày rỗng không đang kêu réo. Trong cơn đói khát hắn càng nhớ đến cha và muốn khóc. Ước gì hắn còn có thể khóc lên như một đứa trẻ ngay lúc này. Cha hắn đang ốm nặng lại chỉ có một mình ở nhà. Trong đám người đang mật phục để chờ bắt hắn lần nữa liệu có ai đủ từ tâm để cho ông một chén cháo hay một ngụm nước?! Hay đối với chúng, ông già chỉ đơn thuần là mồi nhử để tóm được hắn, không cần phải quan tâm đến sống chết ra sao!

***

Buổi chiều hôm đó hắn kết thúc một ngày tỉa bắp thuê cho nhà Năm Hựu nhưng chưa được trả tiền công. Anh ta nhìn vẻ mặt quạu đeo của hắn, cười xuề xòa:

-Chú em thông cảm nghen, mai bà xã tôi hốt hụi sẽ trả tiền cho chú không thiếu một đồng.

-Sao anh không nói trước? Tôi đang cần tiền mua thuốc cho cha tôi. Hay anh đưa trước một ít cũng được.

-Thiệt, nhà không có tiền chú à! Chú cảm phiền, mai tôi trả liền.

-Lỡ mai không hốt hụi được thì sao? Không có tiền sao lại kêu người ta làm?

-Vì phải tranh thủ cho kịp thời vụ nên đành nhờ chú...

Lời qua tiếng lại đến sụp tối cũng chẳng đi tới đâu, hắn đành hậm hực ra về.

Bước thấp bước cao trên con đường đất gồ ghề, hắn nghe lòng buồn bã, đắng cay. Thuốc cho cha chỉ còn hai cữ cho ngày mai, tiền làm đường bê-tông trước nhà chưa đóng, tiền mua lá lợp lại mái nhà chưa trả. Hơn bao giờ hết hắn vô cùng căm giận sự bất lực của chính mình. Rốt cuộc cái giới hạn của bản thân hắn phải thoát ra từ cánh cửa nào, từ lỗ thủng hay kẽ hở nào để sống một cuộc đời bình thường, thậm chí là tầm thường, miễn sao đừng làm gì trái với lương tâm, cha con nương tựa nhau mà sống...

Lâm vào cảnh khó khăn đâu phải vì hắn là hạng người lười biếng, không chịu nỗ lực trong cuộc sống. Mẹ hắn đã mất từ khi hắn chỉ mới chín tuổi, một mình cha gian nan vất vả nuôi hắn lớn khôn, hắn đâu thể bỏ mặc cha mình trong lúc ốm đau bệnh hoạn. Vậy là hắn đành đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với một công ty trên tỉnh.

Hơn một năm nay, hắn vừa chăm sóc cha vừa làm thuê làm mướn đủ thứ quanh vùng mà chỉ đủ tiền thuốc, tiền gạo và vài thứ linh tinh. Hắn cũng không có thời gian rỗi rảnh để hẹn hò với ai hay nhớ đến người vợ đã bỏ nhà theo một tên cò đất mấy năm trước lân la hỏi mua mảnh đất hương hỏa của cha hắn. Một mối tình nhạt, vợ tạm chồng hờ như trò chơi thời con nít rồi cũng tàn cuộc, rã đám. Hắn chỉ hơi buồn cho một lần đã qua, không thấy hối tiếc cũng không oán hận, lỗi phải thuộc về ai không quan trọng, duyên đã hết thì buông thôi!

Tiếng thở dài tạm khép lại tâm tư dằng dặc của hắn như bao lần. Cũng từng ấy lần hắn quyết tâm phải làm gì đó để vực dậy, để bứt phá, để thay đổi tất cả. Một cái gì đó mới mẻ, khác hẳn với quãng đời đã cũ. Nhưng rồi vẫn là hắn với cuộc đời đó, như một nấm mồ.

Trời đã lập đông nên hơi se lạnh, hắn lầm lũi bước trong tiếng gió vi vu. Đi được khoảng nửa đường, hắn bắt gặp hai người đàn ông đang đứng quay mặt vô đám sậy cao ngang đầu... Một người cặp bên nách cái túi ni-lông màu đen lớn, nói giọng bực bội:

-Có con gà mà trói cũng không chặt để cho nó xổng vô bụi tre gai, phí của!

-Mày tiếc sao hồi nãy không nhào vô bụi tre bắt nó?

-Khùng hả? Để gai cào cho xể mặt, còn phải dọt lẹ nữa chớ! Thôi, có nhiêu chơi nhiêu. Vô chòi, hai thằng mình xử con trống thiến này nhậu cho tới sáng!

Thì ra, một trong hai đứa là thằng con trời đánh của bà Hai Thi, chuyên trộm vặt, đánh nhau khắp đầu trên xóm dưới. Chắc lại rủ nhau trộm gà nhà ai nữa rồi! Hắn nhanh chân vượt qua sau lưng hai thằng như một cái bóng, mùi xú uế hắt ngang mũi không kịp lẩn tránh. Cũng may là đi ngược chiều, nếu không lại phải chuyện trò lôi thôi, rồi rủ rê nhậu nhẹt, có khi lại liên can phiền phức. Hắn sải bước về nhà, cả ngày nay cha hắn ở nhà một mình chắc đang mong hắn lắm.

Khi đi qua một lùm tre um tùm lấn ra gần phân nửa lối đi, hắn chợt nghe tiếng gà kêu. Tiếng kêu khan khản yếu ớt của con vật đang đau đớn, đang kiệt lực, đang sắp chết. Chắc đây là bụi tre và con gà đã xổng khỏi hai tên lúc nãy. Hắn quay lại tiến đến sát bụi tre, căng mắt tìm trong ánh sáng nhập nhoạng của buổi chiều tàn. Hắn lại nghe tiếng "quác... quác..." nhỏ và rời rạc. Đây rồi, một con gà mái nâu đang mắc kẹt trong gốc tre đầy gai đan chằng chịt. Hắn cố vươn tay, lách người, lôi được con gà ra. Vài vết cào xước đã làm da tay hắn rướm máu, một vết trên má rát bỏng. Trên tay hắn, con gà tội nghiệp chỉ cất nổi cái đầu, chân đã bị gãy xuội lơ, đôi cánh cố vươn lên nhưng đã nhanh chóng rũ xuống. Cú đáp sinh tử của nó vào đám gai kia chắc là cú đáp cuối cùng cho đến lúc này. Hắn nhẹ nhàng ủ con gà vào vạt áo, chưa biết sẽ làm gì với nó.

Chỉ vừa đi khỏi bụi tre mấy bước chân, từ phía sau một cú đập sượt qua đầu bổ xuống bả vai hắn như trời giáng. Hắn bị phang tiếp vào lưng và cánh tay đang ôm con gà cùng với tiếng đàn bà tru tréo, tiếng đàn ông hùng hổ quát tháo:

-Ăn trộm gà! Bà con ơi! Bắt thằng trộm gà!

-Tang vật rõ ràng, coi mày chối đàng nào!

Hắn loạng choạng quay lại, buông con gà rơi xuống đất, chưa kịp nói lời nào thì một cú đấm thôi sơn đã nện vào giữa mặt. Hắn thét lên:

-Không phải! Không phải! Tôi thấy nó trong bụi tre, vừa mới đem nó ra...

Máu từ mũi từ miệng hắn rỉ ra, chảy xuống cằm, rơi xuống ngực áo. Vị mặn và tanh của máu làm hắn tỉnh cả người. Nỗi oan ức, sự đau đớn làm bừng lên cơn giận dữ đã cố kìm nén từ chiều ở nhà Năm Hựu. Nhưng khi hắn còn đứng như trời trồng với cái đầu nóng phừng như có lửa cháy bên trong, gã đàn ông mình trần trùng trục, mập trắng, núng nính như mới cạo lông lại tiếp tục tấn công hắn với khúc cây vuông cạnh trên tay. Một tên khác từ đâu cũng cầm đòn gánh lao tới. Hắn bị ép dần vào bụi tre, hai tay che đầu, tấm thân gầy gò cố chống đỡ và yếu ớt trả đòn. Cả ba xà quần trong tiếng rủa sả the thé của người đàn bà:

-Thằng khốn nạn! Còn con gà trống bốn ký của tao đâu? Mày bán rồi phải không? Đánh chết mẹ nó đi, quân trộm cắp!

Nhiều người nhà ở ven đường chạy ra đứng nhìn nhưng không ai can ngăn hay khuyên giải lời nào, có lẽ họ không muốn bị phiền phức sau này.

Hắn vừa đỡ vừa né tránh những cú đập khủng khiếp vừa cố len ra khỏi khoảng hẹp giữa tên mập và bụi tre gai góc. Khi hắn vùng thoát ra được thì gần như cùng lúc khối thịt trắng nhỡn kia cũng mất đà té sấp. Cái cổ đầy nọng ập vào một gốc tre nhọn lểu, chắc do lũ trẻ chặt làm diều để lại, từ đó phát ra một thứ âm thanh nghẹn ứ hãi hùng. Sức nặng của tấm thân đồ sộ đã vô tình gây nguy hiểm hơn cho gã đàn ông. Sau mấy giây co giật với khúc cây còn cầm chặt trong tay, gã đã nằm bất động bên cạnh con gà vẫn còn sống sót đang nghểnh cổ kêu khan giữa hoàng hôn, khi ánh mặt trời vẫn còn chưa tắt hẳn.

Hắn khựng lại, rụng rời nhìn cảnh tượng đó rồi vụt chạy trong tiếng rú kinh hoàng của người đàn bà và tiếng chân của tên còn lại vừa đuổi theo vừa la hét. Hắn chạy thục mạng bất kể phương hướng, chạy cho đến khi không còn nghe tiếng la hét ở phía sau, cho đến khi không còn một chút sức lực nào. Hắn ngã xuống trong bóng tối nhá nhem với thân mình bầm dập, máu thấm đỏ ngực áo, hai cánh tay liên tục đỡ đòn giờ như gãy vụn. Hắn thiếp đi với hình ảnh thảm khốc của một dòng nước sền sệt đỏ bầm, len lỏi chảy qua cụm rễ tre và đọng lại trên nền đất.

Khi tỉnh dậy giữa màn đêm, hắn nghe tiếng xạc xào quen thuộc. Chung quanh hắn toàn mía là mía. Hắn cố đưa mắt nhìn quanh, từ bóng của ngọn cây còng cao ngất ngưỡng hắn nhận ra đây là cánh đồng mía bạt ngàn mà hắn cùng với vài người nữa đã từng lao khổ với nó cả một mùa qua, từ cày bừa dọn đất, đặt hom, bón phân tưới nước, làm cỏ... cho đến khi thu hoạch. Đó là ruộng mía của Chữ Đường, một thằng cha trọc phú đời mới keo kiết nhất mà hắn biết.

Vậy là hắn đã chạy gần năm cây số, chính cánh đồng mía mênh mông này đã bảo bọc, chở che cho hắn. Bên phải là hướng trở ngược về nhà, giờ đây đường về đã quá xa xôi, nhưng hắn tự hứa với lòng sẽ về ngay bên cha khi hắn có thể, ngay bây giờ, trong đêm nay hay rạng sáng ngày mai.

Hắn khát nước kinh khủng, nhưng mấy cái răng cửa ê ẩm như sắp rơi ra, miệng sưng vều còn đọng đầy máu nên hắn chỉ còn biết chạm vào những cây mía, nghe hơi mát lạnh của nó cho đỡ khát. Hắn nằm ngửa người, xoãi tay rã rời giữa đám mía, những cạnh lá sắc như dao lam cứa vào tay chân nhưng hắn chẳng còn biết đau. Một lần nữa hắn lịm đi. Trong trạng thái chập chờn nửa mê nửa tỉnh, hắn nghe tiếng gọi thều thào của người cha đau ốm ở nhà. Hắn đã dịu dàng nói với cha, hắn không có lỗi gì cả, hắn chỉ không thể bỏ mặc con gà. Hắn cũng không đánh lại được cái nào cho ra hồn, cũng không xô ngã tên kia. Tên đó chỉ bị thương, chỉ ngất đi thôi, rồi sẽ tỉnh dậy với con gà của nó.

***

Trời đã rạng sáng. Một bên mắt sưng húp nhưng hắn vẫn thấy rất rõ ánh sao mai đang sáng rực trên nền trời. Từ phương đông, ánh sáng tinh khôi chói lọi ấy đã làm tan bớt những mảng tối đang bủa vây tâm hồn hắn. Mặt trời đang còn ở đâu đó phía dưới đường chân trời, sau những ruộng đồng làng mạc nhấp nhô xa tắp. Vầng thái dương sẽ bừng lên trong chốc lát nữa thôi, tất cả mọi thứ trên thế gian rồi sẽ được soi sáng miễn sao không bị vùi chôn trong lòng đất.

Với ý nghĩ đó, hắn cố xoay trở để ngồi dậy. Cảm giác thật tồi tệ, thân thể như không còn là của hắn nữa, từng đốt xương như rời ra, từng mảng da thịt tím bầm như đã thối rữa. Hắn vịn vào những cây mía để đứng lên, lao đao ngã dụi mấy lần. Những cây mía thẳng, chắc như những cánh tay nhân từ đỡ lấy hắn, cho hắn cảm giác được an ủi chở che từ sự cứng cáp, mạnh mẽ của một quần thể sum vầy, đông đúc.

Hắn lê lết trên những bờ đê gầy guộc, băng qua những thửa mạ non rập rờn trong gió sớm như những làn sóng mượt mà xanh biếc. Mấy lần thở sâu và hơi lạnh chốn đồng không giúp hắn có thêm chút sức lực trên con đường tắt về nhà. Xa xa, những người nông dân ra đồng đang vác cuốc rảo bước trên bờ mẫu, đường đê. Bóng của họ in trên nền trời xanh nhạt pha ánh hồng với những vầng mây trắng nhẹ trôi.

Nhà hắn nhỏ, đơn sơ như một thảo am. Ngõ bỏ không, dây đậu rồng leo kín rào, những trái xanh non xen lẫn khô nâu treo đầy nhánh khẽ đong đưa như một câu chào buồn bã. Hắn đã nhìn thấy cánh cửa nhà vẫn mở rộng như thường ngày, thấy góc mền cũ đắp trên chân cha hắn ở đầu chiếc giường tre kê sát vách.

Nhưng hắn đã không thể bước qua cánh cửa đó để đến bên chiếc giường kia. Một nhóm người trộn lẫn nhiều thứ sắc phục không biết từ đâu lao ra ập vào người hắn. Chiếc còng thép sáng lóa lạnh lẽo ngay lập tức cùm vào hai cổ tay bị bẻ quặt ra phía sau của hắn.

-Mấy người làm gì vậy? Thả tôi ra, mở ra...

Hắn hoảng hốt la lên nhưng sau đó thì im bặt. Nỗi sợ làm kinh động đến cha lớn hơn nỗi sợ bị bắt bớ giam cầm. Hắn vùng vẫy kịch liệt và nhận về mấy cái tát vào đầu. Hắn rên rỉ:

-Làm ơn cho tôi vô nhà với cha tôi một lát cho ông cụ yên tâm rồi tôi sẽ đi theo mấy anh.

Một tên nói lớn:

-Mày không chạy trốn được nữa đâu. Đi mau!

Không ai thèm nói với hắn câu nào nữa mặc cho hắn nài nỉ, van xin, chống cự. Hắn vừa bị đánh vừa bị lôi đi xềnhh xệch như một con chó, bị giày bừa như một nhúm giẻ rách nhưng vẫn cố trì kéo, ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà. Cha hắn kia, ông đang đứng run rẩy bên cánh cửa nhìn theo. Khi thấy đứa con trai bị một đám người áp giải thô bạo, ông đã ngã xuống thềm cửa với nỗi thắc mắc và đau khổ không nói nên lời. Lòng hắn đau như cắt, nước mắt ứa ra, hắn cố nuốt cơn uất hận khiến lồng ngực muốn vỡ tung.

Lúc bị giải ngang qua nhà người láng giềng cách một vuông sân, hắn kêu to:

-Chú Bảy ơi! Làm ơn qua đỡ cha con dậy dùm. Chú Bảy ơi!

Không biết có ai nghe tiếng kêu thống thiết của hắn không. Buổi sáng đồng quê im lìm trong gió bấc, mọi người có lẽ đã ra đồng từ sáng sớm tinh mơ. Cơn se mình của vũ trụ lướt qua, phận người nhỏ bé tình cờ vàng rơi như lá dưới những mương nước ngập ngụa đen ngòm không lối thoát.

***

Hắn bị nhốt trong một căn phòng nhỏ nhưng khá kiên cố, chung quanh là bốn bức tường trát xi-măng, không kể một cửa ra vào khá thấp và khung cửa sổ nhỏ vuông vức với chấn song rỉ sét. Ở đó người ta cho biết hắn bị tạm giữ trong trường hợp "truy bắt khẩn cấp tội phạm" với hai tội danh quả tang: trộm cắp và giết người!

Chiếc còng trên tay hắn đã được tháo ra như một ân huệ để hắn viết bản tự khai theo "hướng dẫn" về các tội danh trên. Tờ giấy và cây viết đặt ngay ngắn trước mặt hắn đã một ngày. Trong lúc lấy lời khai ban đầu trước đó, hắn đã cố giải thích, đã nêu đích danh kẻ trộm gà, đã chứng minh bằng thương tích trên thân thể rằng chính hắn mới là kẻ bị tấn công và người kia tự té vào cọc tre mà chết, có nhiều người có thể làm chứng.

Nhưng ở nơi xa mặt trời, khi một cơ quan điều tra lâm vào cảnh thiếu hiểu biết về luật pháp hoặc cố tình phớt lờ luật pháp thì khả năng dụng nhục hình nơi đó lại trở nên đầy sáng tạo và chuyên nghiệp.

Hắn bị bức ép, tra khảo đủ kiểu đến chết đi sống lại mấy lần, tờ giấy thấm máu từ những ngón tay hắn cũng đã được thay mấy bận. Nhiều lần theo yêu cầu, hắn phải tự cởi chiếc áo duy nhất mặc trên người đi giặt cho phai vết máu rồi cứ thế mặc lại, ướt như chuột lụt. Nhưng xem ra những gã đó đã quá lo xa, ngoài cha hắn đang nằm bệnh hắn còn có thân nhân nào nữa đâu để thăm nuôi, để nhìn thấy dấu vết nhục hình, để có thể tố cáo, thưa kiện! Mà cho dù có tố giác đi chăng nữa thì ai có thể làm chứng đó là thương tích do bị tra tấn, đánh đập khi hỏi cung? Kiện ai, ai xử?!

Cả ngày hôm đó hắn chỉ được cho ăn một gói mì sống, sau đó cố hớp những giọt nước từ mấy ca nước tạt vào mặt cho đỡ nghẹn.

Sang ngày thứ hai, hắn đã không thể nói được nữa và nằm bất động dưới nền gạch.

Tờ giấy trên bàn vẫn trắng như bức màn vô hình trong đôi ngươi khép chặt của hắn. Mọi thủ đoạn ép cung, bức cung, dỗ dành ngon ngọt... đều không khuất phục được hắn. Điều đó giống như một sự tuyên chiến, một cách phản công quyết liệt nhất mà hắn còn có thể biểu hiện với lòng uất hận và căm thù cùng cực trong nỗi oan khuất thấu trời.

Năm giờ chiều. Tên chủ xị và hai đồng sự có vẻ mệt vì làm việc quá sức, chúng hoàn toàn mất kiên nhẫn với những cuộc thẩm vấn liên tục nhưng không có kết quả mong muốn. Chúng đạp thêm mấy cái vào tấm thân mềm nhũn, bê bết máu của hắn, một đốm phân đã loang ra cùng với nước tiểu. Một tên khum tay che mũi, quát:

-Vô nhà vệ sinh mau, tắm giặt đi. Tối nay tiếp tục!

Cả bọn kéo đi, chúng đã quên hay thấy không cần phải lãng phí cái còng cho xác chết chưa chôn kia. Tiếng khóa cửa lạnh lùng vang lên, hắn nghe xa xăm như ở tận cõi âm u nào.

Chút tri giác còn trụ lại bắt đầu nhen nhóm ý nghĩ phải thoát khỏi nơi này bằng mọi giá- hoặc là chết. Chúng sẽ loan tin hắn chết vì tự treo cổ, tự đập đầu vào tường, bị tiêu chảy đến kiệt sức rồi chết, bị bệnh mãn tính, bị tai biến mạch máu não...

Hình ảnh người cha già yếu té quỵ xuống ngạch cửa như trái chín rụng xuống đất đã trở thành động lực đau đớn và mạnh mẽ nhất trong hắn lúc này. Hắn co người, chống hai khuỷu tay xuống nền gạch, nỗ lực toàn thân để ngồi dậy và bò dần vào nhà vệ sinh. Hắn xả vòi nước khắp người, ngửa mặt khá lâu dưới làn nước mát lạnh. Trong bộ quần áo ướt sũng, những vết thương trên người dịu đi, hắn đã cảm thấy đỡ hơn rất nhiều.

Khi hắn từ nhà vệ sinh loạng choạng trở ra, một gương mặt xấu xí không biết nam hay nữ mặc thường phục hiện ra ở khung cửa sổ bằng sắt vuông và ném xuống một hộp cơm.

-Không có nước đâu, mở vòi mà uống!

Câu nói của người đưa cơm đã làm lóe lên một ý tưởng trong đầu hắn. Hắn bắt đầu ăn. Trong hộp chỉ có cơm chan nước tương và một ít rau. Không nhai nổi vì đau, hắn nuốt trộng và bị nghẹn mấy lần.

Ăn xong hắn lần vào nhà vệ sinh, uống vài vốc nước và bắt đầu xả hết các vòi nước có trong đó. Hắn dùng hộp xốp và bao nhựa đựng cơm lúc nãy cố gắng ém chặt miệng hố ga để nước lan nhanh ra ngoài, mở rộng cửa nhà vệ sinh để bên ngoài có thể nghe tiếng nước chảy.

Tiếp theo hắn nằm mẹp xuống chỗ cũ, nhắm mắt và chờ đợi.

Khoảng một tiếng sau, giọng của người đem cơm la chí chóe:

-Nước tràn! Nước tràn! Anh Tám, nước tràn! Ngập phòng đựng hồ sơ rồi!

Thì ra ăn thông với phòng tạm giam là phòng chứa hồ sơ. Hy vọng cái phòng đó không còn thông với phòng nào khác bên ngoài.

Người trực ban vội chạy đến, chùm chìa khóa to tướng khua loảng xoảng. Cánh cửa phòng hồ sơ đã mở toang.

-Chắc lại bể ống nước nữa rồi! Cúp nguồn rồi báo cho mấy sếp đi.

-Đi nhậu hết rồi!

-Thì cứ gọi điện hay tới quán con Kèo Thơm là gặp. Báo ngay để người ta còn chỉ đạo xử lý kịp thời.

-Đang ngoài giờ làm việc đó chời! Chút chuyện nhỏ cũng kêu réo chắc bị đuổi quá! Để mai đi. Tui đi cúp nước đây.

"Người anh Tám" xác định ngay nước chảy từ nhà vệ sinh của buồng giam. Chờ một hồi lâu vẫn nghe tiếng nước chảy xối xả, ông ta thận trọng nhìn qua lỗ khóa. Tên "trộm cắp sát nhân" đang nằm thẳng cẳng, mắt nhắm ghiền trên nền gạch lênh láng nước, chắc "bị" nặng lắm! Ông ta yên tâm nhẹ nhàng mở cửa, cẩn thận tháo đôi giày rọ cầm trên tay, đi chân không vào phòng giam đầy nước, vừa đi vừa ngó ngoái "tên tội phạm" nên trượt chân ngã sấp mặt xuống nền nhà vệ sinh. Ông ta chưa kịp ngẩng đầu lên thì hắn- với một sự gắng sức phi thường cộng với bản năng sinh tồn của một con thú bị dồn tới đường cùng- đã nhổm dậy lao ra bên ngoài với một tốc độ khó tin trong thể trạng hiện tại của hắn. Trước khi người trực ban phát hiện các vòi nước đang mở chứ không phải bể ống và "tên tội phạm" đã bốc hơi thì hắn đã lẩn vào bóng chiều mờ xám như hôm từ nhà Năm Hựu ra về.

***

Ngôi chùa nhỏ này là nơi trước đây mẹ hắn thường đưa hắn tới lễ Phật vào những ngày rằm lớn khi bà còn sống. Vị sư trụ trì là một người họ hàng cũng đã viên tịch từ lâu. Lúc trước năm nào cũng vậy, đến ngày giỗ mẹ hắn là hai cha con lại đến chùa làm lễ cầu siêu. Hắn vẫn còn nhớ gần cổng tam quan, bên trong hàng rào trúc đã già đến trổ bông có hai cây thiên tuế dễ đã trăm năm tuổi, một cây lan móng bò gần đâu đó vươn nhánh la đà, vài cây sứ hoa trắng, hoa đỏ luôn tỏa hương thơm ngào ngạt...

Hắn lan man trôi nổi giữa quá khứ và hiện tại, giữa kiệt quệ của đói lả và bạo liệt của thù hằn, u u minh minh chập chờn trong cảm thức của một người sắp rơi vào cõi hôn mê.

Bỗng cánh cửa nhỏ tận gian cuối hé mở, chú tiểu một tay xách đèn bão, một tay bưng cái tô lớn đi ra gian thờ Phật. Chú đặt tô lên chiếc ghế đôn duy nhất dùng để đứng lau chùi các thứ trên bàn thờ, châm lại cái đèn nhỏ rồi lặng lẽ trở vào.

Hắn sững sờ. Đó là một tô cháo trắng còn ấm với một muỗng muối đậu để bên trên. Vậy là chú tiểu đã nhìn thấy hắn, nhà chùa đã biết sự có mặt của hắn nơi đây. Hắn không kịp nghĩ gì thêm, run run bưng tô cháo khuấy qua một cái rồi húp mấy hơi cạn sạch!

Có thể hắn bị phát hiện vì nải chuối bỗng biến mất, vì ánh lửa giữa đêm khuya.

Làm gì bây giờ?! Hắn đang là một kẻ đột nhập hơn là một người đi chùa lễ Phật. Có lẽ nên đợi đến sáng, khi chú tiểu công phu xong hắn sẽ đến thưa chuyện, xin tá túc, làm công quả trong chùa một thời gian.

Rạng sáng, gió lạnh, trời đầy mây. Tiếng chuông thời mai ngân nga trong không gian tĩnh mịch. Chú tiểu vẫn đứng chắp tay bên cái chuông đồng treo ở góc chánh điện. Chú nói:

-Sư phụ tôi có biết ông và gia đình ông nhưng hiện người không có ở nhà. Sư phụ tôi căn dặn qua điện thoại, nếu ông cần thì cứ lưu lại đây, cửa chùa là nơi rộng mở cho tất cả chúng sanh. Nhưng...

Chú tiểu bỗng cúi mặt ngập ngừng:

- ... Có một chuyện phải nói với ông... Cụ thân sinh ông... mất rồi! Nhà chùa có đến tụng kinh hộ niệm hôm qua.

Hắn đứng chết lặng, không tin ở tai mình.

-Hội Chữ thập đỏ đang lo hậu sự cho ông cụ, động quan vào cuối giờ thìn hôm nay.

Hắn đột nhiên thấy choáng váng, lảo đảo chụp tay xuống chiếc ghế đôn làm cái tô rơi xuống nền gạch vỡ tung tóe. Hắn gượng đứng lên, không kịp nói gì với chú tiểu, lao ra ngoài giữa trời mờ sương.

Hắn vừa đi vừa chạy qua những con đường tắt, những lối hẹp quanh co để về nhà. Bước chân hụt hẫng chơi vơi như đang mộng du trong cõi thiên la địa võng nào đó. Trời đất có thể đổ sụp bất cứ lúc nào, những bàn tay đầy móng vuốt có thể vồ chụp lấy hắn bất cứ lúc nào. Nhưng hắn đang đi giữa cơn mê sảng của đời mình, có nghĩa là những điều đó đối với hắn đã trở thành vô nghĩa.

Có phải chính hắn đã gián tiếp gây ra cái chết cho cha mình? Giờ đây hắn cũng đã chết. Người ta không thể sống còn khi trái tim tan vỡ.

Hắn men theo mé ruộng đến sau nhà chị Tư Hường, người vẫn thỉnh thoảng băng qua con đường bê-tông nhỏ hẹp để mang cho cha con hắn tô canh, dĩa cá. Nấp sau mấy đống củi chất kiểu chân chó phía sau nhà chị Tư, hắn dụi mắt nhìn qua mái nhà thân thuộc phía bên kia. Lá cờ trắng của Hội Chữ thập đỏ bay phất phơ trước ngõ. Mặt vách phía trước nhà đã được dỡ ra, chiếc quan tài hiu quạnh đặt giữa gian nhà trống trải.

Một cơn địa chấn tràn qua ngực hắn, nước mắt ràn rụa tuôn rơi. Những cơn khóc nghẹn càng kìm nén càng dâng lên làm hắn ù tai, nghẹt thở.

Đến phút cuối cùng hắn cũng không làm được gì cho đấng sinh thành! Điều làm hắn đau khổ nhất là cha hắn ra đi mà không được nghe một lời giải thích nào từ chính hắn.

Vài người láng giềng thưa thớt ngồi quanh cái bàn tròn chắc của nhà ai cho mượn. Ông Bảy Răm, chị Tư Hường, vợ chồng thằng Vuông bạn chí cốt, hai người của Hội Chữ thập đỏ... Những người đạo tì ngồi trên mớ rơm khô ngoài hàng rào. Không có ai khác, nhưng hắn biết chắc đâu đó ở mấy bụi chuối sau nhà, trong nhà tắm, chuồng gà, chuồng heo bỏ không... có người đang phục kích. Chỉ cần nhìn thấy hắn là chúng sẽ lại xuất hiện cả bầy và được dịp tự sướng bằng những hành vi bạo lực trút lên thân thể hắn bất chấp luật lệ!

Hắn vừa nhìn thấy chú tiểu dừng xe đạp cùng với nhóm người hộ niệm. Chắc họ tới đọc kinh lần cuối cùng trước khi làm lễ động quan.

Tiếng tụng kinh đều đều buồn bã vọng sang làm hắn càng đau đớn, suy sụp. Đám ma không kèn trống, không một khăn tang, không một người thân. Chỉ hắn là đứa con duy nhất cũng không thắp cho cha mình được một nén nhang, không một cái lạy tạ ơn sinh thành dưỡng dục.

Hầu như quên hết mọi thứ, hắn vụt đứng lên dợm bước ra khỏi chỗ nấp để chạy qua nhà với cha trong giờ phút cuối mặc cho bất cứ điều gì sẽ xảy ra, nhưng ai đó đã kéo hắn lại bằng cả hai tay.

Năm Hựu bất ngờ xuất hiện, ra dấu cho hắn im lặng và đẩy hắn vào trong nhà chị Tư Hường bằng lối cửa sau.

Năm Hựu nhỏ giọng:

-Chú không nên qua đó, tôi thấy đám thằng Hùng "man" ngoài đồn lảng vảng từ hôm qua. Dù sao thì ông bác cũng đã mất rồi, nếu còn sống chắc ổng cũng không muốn chú bị giam cầm tù tội. Xóm giềng ai cũng biết chú xưa nay không làm gì sái quấy, chẳng qua do vận hạn mà thôi.

Hắn ngồi bệt xuống nền nhà, im lặng cúi mặt vào hai bàn tay, vai run lên từng chặp. Năm Hựu cũng ngồi xuống, vỗ nhẹ vào vai hắn nói tiếp:

-Tôi tới viếng ông bác hôm qua, đem tiền trả cho chú nhưng không gặp. Bữa nay tôi đến nhà chị tôi để gởi tiền nhờ bả khi nào gặp chú thì đưa dùm.

Hắn sực nhớ ra Năm Hựu là em ruột của chị Tư Hường. Anh ta nhét tiền vào túi áo hắn.

-Chú nên đi đâu đó một thời gian, để tôi nói chị Tư trông coi nhà cửa cho chú. Ráng giữ gìn sức khỏe.

Hắn cất giọng khàn đục:

- Cám ơn anh Năm.

Sau khi Năm Hựu đi, hình như bên nhà hắn đang rục rịch chuẩn bị di quan. Tiếng tụng kinh dồn dập vang lên lần cuối, lắng dần rồi im hẳn. Hắn đi vội lên nhà trên đứng sau cánh cửa, qua kẽ hở của những nẹp lá hắn nhìn thấy nhóm đạo tì đang bắt đầu thủ tục phá quàn. Rồi cha hắn được khiêng lên, từ từ đưa ra ngõ. Đàng sau quan tài của ông là một khoảng trống mênh mông mà những người láng giềng tốt bụng đã không thể lấp đầy. Hắn những muốn lao ra, đi theo đưa tiễn cha đoạn đường sau cuối nhưng những lời của Năm Hựu đã ghìm hắn lại.

Hắn dập đầu xuống đất bái vọng theo hướng cha đi, toàn thân như chìm xuống huyệt lạnh.

Những cơn gió đầu đông thổi buốt con đường ra đồng vắng. Mái nhà đơn sơ, nơi đi về mưa nắng của hai cha con giờ trống trải chênh vênh như một ngôi mộ gió. Đứa con khốn khổ vẫn đang quỳ sụp, khóc tàn hơi trong góc nhà không phải của mình, như góc khuất mà cuộc đời đã dành cho hắn.

Con đường mà hắn sẽ phải đi ngay hôm nay, ngay bây giờ, phải là con đường không ai nhìn thấy hắn, giống như đi ở phía dưới đường chân trời. Đó là nơi kết thúc nhưng cũng là nơi bắt đầu của ánh thái dương.

.............................

(Nhân vật chính trong câu chuyện hiện giờ là một doanh nhân người Thái gốc Việt. Từ lúc đó đến nay anh ta chưa một lần trở về xứ sở. Trong đại lễ Phật đản Vesak 2018, anh ta có dịp gặp lại chú tiểu nay đã là một Hòa thượng trong tăng đoàn Việt Nam.

Lời thỉnh cầu và ký thác của anh ta đã được nhà sư đồng ý thực hiện. Nắm xương tàn của người cha sau bao năm cô quạnh ngoài đồng đã được đưa vào chùa. Trên nền nhà cũ nay đã là một nhà dưỡng lão khang trang hoạt động dưới sự quản lý của tổ chức từ thiện Phật giáo địa phương)

                                                                                                                    N. T