Dương Thắng
Một người chưa yêu, không có nghĩa là người đó không có khả năng yêu, chẳng qua họ chưa tìm thấy người yêu đích thực của mình. Một người không thích thơ, không có nghĩa là họ không yêu thơ, đấy là vì họ chưa tìm được bài thơ của mình, bài thơ viết cho mình.
Khi nhìn ngắm một bông hoa, không ai đặt vấn đề phải “hiểu” bông hoa, họ chỉ muốn thưởng thức mùi hương của nó, chiêm ngưỡng cái vẻ mong manh bí ẩn hay rực rỡ của nó. Đọc một bài thơ cũng vậy, đừng tìm cách “hiểu” nó, hãy lắng nghe những âm thanh ngân nga trong bạn mà bài thơ đã trực tiếp hay gián tiếp tạo ra. Một bài thơ hay là một bài thơ giàu hình ảnh, giàu nhạc tính, những hình ảnh đã được chắt lọc và tinh chất, hãy chiêm ngưỡng chúng như chiêm ngưỡng một bông hoa hay nhìm ngắm một buổi hoàng hôn, có thể ngay lúc đó bạn chưa có cảm nhận gì, nhưng có thể 5, 10 năm sau bạn bỗng nhớ đến câu thơ ấy, hình ảnh ấy và bạn bỗng nhận ra chiều sâu thăm thẳm của cuộc đời trong dòng chữ vu vơ ấy.
Thơ hiện đại chắc chắn mang đặc trưng của một liên văn bản hay đa văn bản. Bạn đọc một bài thơ, bạn sẽ liên tưởng đến những câu thơ tâm đắc, những bài thơ hay mà bạn đã đọc, gợi lại những cảm xúc mà bạn đã có, rồi bạn nghĩ đến những câu thơ sẽ nảy sinh, sẽ nối tiếp/ phát triển thêm vào cái mạch thơ của bài thơ bạn vừa đọc, nếu bạn có tâm hồn thi sĩ, bạn sẽ muốn hí hoáy viết ngay một bài thơ khác.
Luôn có ba “không gian” lồng nhau trong một bài thơ. Không gian thứ nhất là một loại không gian của những “biểu cảm/ xúc cảm”, nó gắn với các từ ngữ, các hình ảnh mà bài thơ trưng bày ra. Không gian thứ hai là không gian “sống trải” của tác giả, không gian này chìm khuất hơn ở phía dưới bề mặt của bài thơ, đó là những cảm xúc đã nén chặt lại, không lộ diện trong bài thơ nhưng vẫn hắt cái bóng của nó lên bài thơ, nếu người đọc liên thông được không gian “sống trải” của tác giả và của mình, bài thơ sẽ rất dễ dàng được tiếp nhận. Không gian thứ ba là không gian “trương lực/ sức căng/ sức bật”. Đó là cái hiệu quả “tối hậu” mà một bài thơ có thể đem tới cho người đọc: một cảm xúc dạt dào, một ham muốn sống, một khao khát yêu và được yêu, một cái “rùng mình thiên khải”, một cảm giác cô đơn tột độ, một suy tư trĩu nặng về cuộc đời, v.v. có thể không có gì và cũng có thể có rất nhiều điều quý giá mà một bài thơ sẽ đem đến cho bạn.