Dương Thắng
1. Làm thơ, nói cho cùng là một hành trình tìm kiếm một sự thực. Nhưng sự thực ấy lại không phải là một thứ sự thực mang tính “công cộng”, loại sự thực ai cũng được chứng kiến, thứ sự thực diễn ra trước mắt tất cả mọi người. Sự thực mà các nhà văn, nhà thơ tìm kiếm là một thứ sự thực rất riêng tư nằm sâu ở trong tâm trí, trong suy tưởng của nhà thơ. Những cảm giác, những cảm xúc, những ký ức đọng lại trong tâm khảm, đó mới là sự thực quan trọng nhất với nhà thơ. Và trong hành trình kiếm tìm một thứ sự thực đó, trí thông minh, óc duy lý là đứa bạn đồng hành tệ nhất, vướng víu nhất và kém tinh tế nhất.
2. Làm thơ, đó là một cuộc đối thoại với một trong số những “con người bên trong” của nhà thơ, con người bên trong đó có khi mang gương mặt và những cảm xúc của một đứa trẻ lên 10 tuổi, đang chịu một nỗi niềm cay đắng tổn thương khi bị đối xử bất công, con người bên trong đó cũng có khi là một chàng thanh niên đầy năng lượng hoặc đầy mộng mơ, và cũng có khi lại là khuôn mặt trung niên nhầu nhĩ vì những thất bại và sự bội phản mà anh ta đã trải qua. Mỗi khi nhà thơ bắt đầu rơi vào trạng thái “tiền sáng tác” thì những “con người bên trong” đó xuất hiện đột ngột không hề báo trước và tự cướp diễn đàn để phát ngôn rồi bài thơ xuất hiện... hoàn toàn khác xa với ý định ban đầu của người viết. Đôi khi người viết cũng tự cảm thấy kinh hãi về cái “con người bên trong” này của mình.
3. Việc chúng ta gọi những người đọc thơ là độc giả của bài thơ đó chỉ là một thói quen, một sự lạm dụng ngôn từ. Mỗi người, khi đọc một bài thơ thực ra là độc giả của chính họ. Trao cho họ một bài thơ để đọc, việc đó cũng giống như cho họ mượn một cái kính hiển vi hay kính lúp để họ soi vào cõi lòng mình. Một bài thơ dở là một cuốn cẩm nang hướng dẫn quá đầy đủ với những quy định quá chặt chẽ / cứng nhắc cho người đọc nó. Một bài thơ hay sẽ dành một độ tự do mênh mông cho người đọc và mở ra vô vàn ngả đi vào kho tài nguyên vô giá là cảm xúc.