Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Hồi âm từ phương Nam – trong người có ta

Nguyễn Thị Tịnh Thy

Tháng 12/2023, nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương cho ra mắt tập tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam (Nxb Đà Nẵng).

image  

Hồi âm từ phương Nam được cấu trúc thành hai phần. Phần 1 “Nơi cư trú của tình yêu” có những bài viết về thơ của Pablo Neruda, Xuân Tâm, Nguyễn Vỹ, Ngô Kha, Diễm Châu, Tường Linh, Đông Trình, Ý Nhi… Phần 2 “Trong người có ta” là chân dung được phác hoạ qua văn chương của Thích Nhất Hạnh, Nguyễn Văn Trung, Võ Hồng, Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Biên, Cao Huy Thuần, Thanh Thảo, Lê Văn Nghĩa…; và cuối cùng là những trăn trở, tâm nguyện và tâm huyết của nhà nghiên cứu phê bình - nhà giáo Huỳnh Như Phương về nghề văn, người văn, dạy văn, học văn.

Đọc 36 bài viết trong Hồi âm từ phương Nam, ngẫm lại tiêu đề của phần 2 trong cuốn sách - “Trong người có ta” (lấy ý từ câu Kiều Mà trong lẽ phải có người có ta), tôi nghĩ đến một quy luật trong mĩ học tiếp nhận: khi bạn đọc một tác phẩm văn chương, không phải bạn đang khám phá tâm hồn tác giả, mà bạn đang khám phá chính tâm hồn bạn. Quả thật như thế. “Trong người có ta”, nghĩa là trong hơn 40 gương mặt văn chương của Hồi âm từ phương Nam, ta thấy hiện hữu một gương mặt Huỳnh Như Phương thuỷ chung với văn chương suốt hơn nửa thế kỉ; trong hơn 40 tâm hồn đa đoan với văn chương được tác giả soi chiếu, ta nhận ra một tâm hồn mẫn cảm của Huỳnh Như Phương; trong hơn 40 phong cách sáng tác đa kiểu dạng, ta nhận ra tính cách - phong cách bút mực đầy tinh tế, sắc sảo, khoan hoà nhưng thẳng thắn và kiên định của Huỳnh Như Phương: đó là phong cách giàu cảm xúc, trí tuệ, bút lực và giàu tấm lòng của người làm công việc phê bình.

Xem thơ ca là “nơi cư trú của tình yêu” - một tình yêu không biên giới, vô hạn định, tác giả dành hẳn một nửa số bài trong tập sách để trình bày những cảm nhận của mình về thơ. Dẫu rằng, đây là những bài viết rời, tuy nhiên, khi đặt chúng cạnh nhau trong cùng một tập sách, ta thấy hiển lộ một chân dung Huỳnh Như Phương - người yêu thơ ca từ thuở hoa niên cho đến tuổi xế chiều và một Huỳnh Như Phương - nhà phê bình, lí luận về thơ đầy mẫn cảm và sắc sảo. Thời đi học (những năm 1970), cậu thư sinh Huỳnh Như Phương đã chép vào tập vở những đoạn trong bài Hành trình của nhà thơ Ngô Kha mà mình thích; thuộc lòng mãi đến bây giờ bài thơ đăng trên báo Tuổi hoa của Ngọc Thuỳ Giang, mà hơn 30 năm sau gặp lại nhà thơ, Huỳnh Như Phương đã đọc thuộc lòng cả 5 khổ thơ khi chính tác giả cũng không còn nhớ. Tình yêu (cảm xúc) kết hợp với lí trí (lí luận phê bình) khiến Huỳnh Như Phương có một cách bình thơ rất riêng, không giống kiểu phê bình thù tạc, phê bình xuề xoà thường thấy trong lời tựa/ lời bạt cho các tập thơ.

Tác giả Huỳnh Như Phương thường chọn được những câu thơ, ý thơ, tình thơ, bài thơ rất hay. Từ đó, ông đi vào phân tích, thẩm bình một cách thuyết phục khiến người đọc không những tán thành mà còn thấy như được bồi thấm thêm tình yêu thơ từ người viết. Ông khiến ta phải rộn rã theo cậu học trò Xuân Tâm tất bật, vui mừng xếp dọn đồ đạc vào rương để về quê nghỉ hè trong hai câu thơ mà ngoài Xuân Tâm ra, không ai diễn tả được sự “giản dị, tinh nghịch và thân mật của tâm trạng trước một chuyến đi”: Kiểm soát kĩ, có khi còn thiếu sót/ Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui (Nghỉ hè); để rồi phải thừa nhận điều này: “Trong thơ Việt Nam, có lẽ Xuân Tâm là người đầu tiên đưa từ kiểm soát vào thơ” – một “kiểm soát” không nặng nề, lạnh lùng mà nhẹ bỗng niềm vui. Ông khiến ta phải suy nghĩ nhiều hơn khi quả quyết Hành trình là “bài thơ đặc sắc và vĩnh cửu nhất của ngô Kha”; hoặc “Đọc thơ Ngô Kha, ta thấy giọng thơ trầm mặc hoà quyện với giọng thơ hào sảng; lúc như lời cầu kinh âm thầm trong đêm vắng, lúc như tiếng kèn đồng gào thét giữa phố phường; lúc như bếp than hồng hừng hực ém dưới tàn tro, lúc như trái tim bùng cháy cho ánh sáng lan toả trên những ngọn gió thổi về vĩnh cửu”. Ở một đoạn thơ của Ngọc Thuỳ Giang, giữa những từ ngữ khiến “ta thấy như mình sống ở một thời nào khác, thật cổ kính, cách xa”: Mưa đã đầy trong nỗi nhớ này/ Thưa em, chiều cũng rụng gầy vai/ Ta nghe hồn đá xanh bia mộ/ Từng giọt trần gian nhỏ ướt tay, Huỳnh Như Phương phát hiện hai chữ “thưa em” như cứu được chỗ sẩy tay của nhà thơ, bởi “nó phả vào những từ ngữ có phần khuôn sáo kia ý vị nồng đượm của cõi tình”.

Sự đĩnh đạc của ngòi bút Huỳnh Như Phương được xác lập từ những nhận định mang tính phát hiện và mang tầm lí luận về thơ: “Sáng tạo cũng là một con đường bất tận; người làm thơ là người đi đường không mỏi. Đặt cột mốc ở vị trí thời gian nào, có vượt qua được không, vượt qua rồi lại hiện thêm dốc cao hay thác sâu. Không biết. Chỉ biết thơ như chim trời, như mũi tên, yếu tính của nó là bay, bay hoài không chỉ định”; “Cũng như ranh giới giữa hôm kia - hôm qua - hôm nay và hôm sau, ranh giới giữa tôi và không tôi, giữa bản văn bên trong và bản văn bên ngoài… có khi phân định, có khi mờ nhoè, có khi tan biến. Thơ mãi mãi là sự ngập ngừng, lưỡng lự khi phải chọn một thời gian, một từ ngữ, một ảnh tượng, một tâm thế”; “Có tập thơ đến với ta như một người tình xa lạ, ta đọc nó như khám phá, chinh phục một đỉnh núi cao đầy hào hứng, ngoạn mục nhưng cũng lắm khi cảm thấy mệt nhoài. Lại có tập thơ đến với ta như một người tình cũ, tuy lâu ngày gặp lại, nhưng vẫn ẩn hiện những nét gần gũi, thân quen, ta đọc nó như cùng dạo bước dọc theo những con đường, bờ sông kỉ niệm, và trên từng chặng nhàn du, ta cũng như gặp lại chính tuổi trẻ mình”…

Phần 2 của Hồi âm từ phương Nam là sự nhận diện các khuôn mặt văn xuôi, bao gồm cả người sáng tác lẫn làm công việc phê bình. Tác giả Huỳnh Như Phương xác định thiền sư Thích Nhất Hạnh là “một trong những nhà văn hoá sớm nhất kêu gọi đức khoan dung, xiển dương tinh thần đối thoại và hoà giải”; Nguyễn Văn Trung “ưu tư với văn hoá dân tộc”; Võ Hồng “trân quý truyền thống mà không bàng quan với hiện đại, không tách rời chính trị nhưng lấy văn hoá làm chọn lựa căn bản, coi trọng đạo đức nhưng vẫn giữ tư chất nghệ thuật”; Hoàng Ngọc Biên là “một trong số ít nhà văn viết văn xuôi một cách kĩ thuật và nghệ thuật nhất ở miền Nam”; “Cao Huy Thuần viết văn xuôi bằng ngôn ngữ thi ca. Văn ông có nhiều khoảng trống mời gọi người đọc liên tưởng. Văn chương ấy không làm nở những bông hoa, làm tươi những giọt nắng, nhưng có thể vĩnh cửu hoá màu nắng hạ và mùi thơm của bông sen quê nhà”…

Có lúc, Huỳnh Như Phương khiến ta giật mình với những phát hiện từ điều gần gũi quen thuộc nhất cũng như điều xa lạ nhất: Lê Văn Nghĩa là “cây bỉnh bút của báo cười lại là người ít cười nhất trong những lần tụ họp bạn bè”; Căn nhà giữa những đám mây của Vũ Thành Sơn là “một cuốn tiểu thuyết viết về tình cảnh bi đát của hiện sinh đúng nghĩa” mà từ nhiều năm nay, chúng ta khó có thể tìm thấy trong văn học nước nhà.

Giống như phê bình thơ, trong phê bình văn xuôi và phê bình của phê bình, hoặc bàn về chuyện dạy học văn, Huỳnh Như Phương cũng đưa ra nhiều nhận định sâu sắc và chí lí: “Nói đến phẩm hạnh của văn chương là nói đến sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần soi chiếu vào văn bản như ánh sáng chiếu vào pha lê, là nói đến nghệ thuật của kí ức được truyền đạt qua ngôn từ và hình tượng. Nghệ thuật nói lên phẩm hạnh của nhà văn. Thậm chí, nghệ thuật cũng chính là phẩm hạnh, bởi đạo đức của nghề văn chủ yếu được tìm thấy trong chất lượng nghệ thuật và tài nghệ thuyết phục người đọc”; “Văn học là lĩnh vực kiên quyết không để thân phận con người biến thành một con số. Văn học là nụ cười, là nước mắt, là niềm hân hoan, là nỗi thống khổ, không có con số nào mã hoá được điều đó”.

Đặc biệt, đặt trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều tranh luận về môn ngữ văn, đúc kết sau của nhà giáo - nhà phê bình Huỳnh Như Phương càng khiến chúng ta lưu tâm: Mục đích cuối cùng của môn văn ở trường phổ thông “...không phải là dạy người học hiểu biết kiến thức văn học, để thuộc làu lịch sử văn học hay các mệnh đề lí luận như thuộc các định luật vật lí hay định lí toán học. Môn văn ở trường phổ thông gánh sứ mạng bồi dưỡng cho học sinh tình thương yêu, lòng trắc ẩn, sự ăn năn, niềm rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, sự nhạy cảm với nỗi cô đơn cùng với lòng khát khao được giao cảm và hoà hợp”.

Trong Hồi âm từ phương Nam, tác giả Huỳnh Như Phương còn thể hiện một phẩm hạnh phê bình đáng trân trọng. Đó là khi ông thẳng thắn chỉ ra nét bại bút của người sáng tác: “Tiểu thuyết Võ Hồng… thiên về miêu tả sự kiện hơn là khắc hoạ tính cách… Khi thể hiện những tình huống gay cấn, văn Võ Hồng không giữ được vẻ mềm mại, uyển chuyển vốn có”. Là khi ông bày tỏ ý kiến không đồng tình với những cây bút mà mình mến mộ khi họ cả tin và dễ dãi đến mức “hào phóng” khen tặng những người, những tác phẩm không đúng với giá trị thực; hoặc họ cực đoan phê phán đến mức “không thấu tình đạt lí, nhất là khi chưa bao quát toàn diện và thấu đáo những tình thế của người cầm bút”.

Huỳnh Như Phương cho rằng: “Kinh nghiệm cảm thụ nghệ thuật có tính riêng tư và đôi khi bảo thủ một cách kì lạ”. Vậy mà, bằng cảm thụ tinh tế, phát hiện mới mẻ, nhận định xác đáng, chứng lí thuyết phục, ông đã khiến người đọc đồng tình với sự cảm thụ “riêng tư” và đôi khi “bảo thủ” của mình. Bởi vì, “khi cái tôi đi đến cùng con đường của nó, nó sẽ được những cái tôi khác đón chào nơi bến bờ của sáng tạo”. Ông đã viết như thế, đã tin như thế; đến lượt mình, tôi cũng tán thành với ông, bởi tôi nhận thấy qua cuốn sách này, “trong người có ta”. Tôi tin rằng, bạn đọc khác cũng vậy.