Phạm Thành Hưng
Ngồi trước tập bản thảo, được trở thành một trong những độc giả đầu tiên của tiểu thuyết này, nhóm bạn bè đồng môn chúng tôi cùng đọc cùng có chung hai nỗi lo. Cái lo thứ nhất, là đến khi xuất bản tiểu thuyết có bị thay bằng một cái tên khác đi không. Bởi vì Chuyện phố mà tác giả kể lại cũng giống như chuyện nhà, chuyện cơ quan, chuyện đời, chuyện của một thời. Cái tên Chuyện phố nếu bị thay đi thì tiếc lắm. Cái lo thứ hai, là khi cuốn sách chào đời, những câu chữ, tính cách nhân vật cùng những vấn đề nhạy cảm được đặt ra trong tiểu thuyết có bị ban biên tập nhà xuất bản gọt giũa, vo tròn lại cho êm ái đi không.
Chúng tôi đã đọc trong nỗi lo âu và chờ đợi cuốn sách ra đời.
Năm 2014, khi Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội công bố tập kịch bản Nợ non sông, độc giả văn học và công chúng sân khấu thủ đô dự đoán: Có thể ông Phạm Quang Long – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội này sau khi kết thúc nhiệm kỳ, đã nhẹ nhàng “hạ cánh” xuống sân khấu kịch trường. Ông sẽ bắt đầu một sự nghiệp sáng tác mới, với tư cách một kịch tác gia chuyên về đề tài lịch sử? Nhưng Nợ non sông chỉ là cuốn sách trình làng, làng Văn, làng sáng tác. Hai năm sau, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho Lạc giữa cõi người xuất hiện, lại một lần nữa làm độc giả giật mình, ngơ ngác. Hóa ra văn xuôi kể chuyện, đặc biệt là tiểu thuyết mới là niềm vui và sở trường đích thực của Phạm Quang Long. Rồi cũng từ năm ấy, như đã thành định kỳ năm rưỡi một lứa, tiểu thuyết Phạm Quang Long đều đặn xuất hiện: năm 2017 là Bạn bè một thuở, năm 2018 là Cuộc cờ; năm 2020 là Chuyện làng và năm nay là Chuyện phố sắp ra.
Nhìn lướt các tên sách, có thể dễ dàng nhận ra xu hướng đồng thời cũng là quy luật tự sự hóa trong tiểu thuyết Phạm Quang Long. Tiểu thuyết của ông đều là những câu chuyện, từ chuyện bạn bè sang chuyện làng quê, từ chuyện triết lý nhân sinh sang chuyện phố phường, thời cuộc. Tất cả đều là những truyện kể, những câu truyện vượt qua khung khổ khô khan của hồ sơ chữ nghĩa mà biến thành tâm sự, nỗi niềm như những câu chuyện gan ruột của con tim, không thể không giãi bày, chia sẻ cùng bạn bè, độc giả.
Bằng kinh nghiệm và tri thức của một nhà giáo đại học chuyên ngành Lý luận văn học, tác giả khi trao đổi với chúng tôi đã khẳng định bản chất tự sự của văn xuôi nghệ thuật đương đại. Ông cho chúng tôi biết rằng lý thuyết truyện kể và tự sự học hiện đại đã phát hiện bản chất truyện kể của ngôn ngữ đời sống, của lời nói con người nói chung. Câu chuyện được hiểu như một hình thức truyền thông, giao tế, xuất hiện thường xuyên, đậm đặc trong ngôn ngữ hàng ngày của mỗi người. Nhu cầu được trao đổi, thổ lộ, giãi bày là nhu cầu tự nhiên nằm trong hệ thống tiêu chí nhân quyền, quyền được tự do ngôn luận, quyền được sống hạnh phúc như một con người. Khi mỗi cá nhân hằng ngày chứa chất trong lòng những nỗi niềm, tâm sự chưa được giãi bày là khi những “tiểu tự sự” đó chưa được kể ra. Vì vậy đời sống văn hóa của mỗi cộng đồng, xã hội là thế giới di động của những bầu tâm sự cá nhân đang tương tác, va chạm, đóng mở không ngừng. Thế giới con người đang sống là những hệ thống ký hiệu ở nhiều cấp độ, lớp lang, đồng thời cũng là thế giới của những câu chuyện đã hoặc chưa được kể ra. Trên tinh thần ấy, tiểu thuyết đang trở thành một thể loại văn học có tính dân chủ nhất.
Tiểu thuyết Chuyện phố mà chúng tôi đang có bản thảo trong tay đã chứng minh cho lý thuyết trên.
Chuyện phố về cơ bản là chuyện của nhân vật Tuấn – một nhà báo cựu chiến binh muộn vợ, con trai thứ trong một gia đình bốn anh chị em trai sớm bị mất mẹ. Từ góc nhìn của một phóng viên báo chí và xoay quanh nhân vật trung tâm này, đã diễn ra hàng trăm thứ chuyện. Cũng có lúc nhà báo Tuấn trực tiếp kể chuyện, nhưng về cơ bản là chỉ đảm nhiệm chức năng của nhân vật tự sự, tức là đứng ra làm bình phong cho tác giả đứng phía sau lên tiếng kể. Một giọng kể hậu trường. Mỗi câu chuyện là một vấn đề văn hóa, xã hội bức xúc. Nhiều câu chuyện gần như không diễn ra như một hệ thống sự kiện theo cấu trúc thời gian tuyến tính và logic nhân - quả, mà thường được rút gọn, tổng hợp thành một vấn đề đạo lý, xã hội nào đó mang ý nghĩa cấp thiết. Chuyện phố là một mạng lưới được đan kết bằng hàng trăm nút thắt của những câu chuyện nhỏ, những tiểu mô típ lý thú, giàu kịch tính.
Các nhân vật trong tiểu thuyết tuy không được tác giả chú ý đầu tư khắc họa về ngoại hình, nhưng được chú trọng rất nhiều về phương diện tính cách, đặc biệt là về phương diện lối sống. Mỗi nhân vật đều có số phận riêng, có những câu chuyện trăn trở của riêng mình. Và cũng giống như các tiểu thuyết trước đó của Phạm Quang Long, độc giả khó tìm ra trong tiểu thuyết này một nhân vật khả dĩ được coi là “tích cực”, lại càng khó tìm hơn những kiểu nhân vật xây dựng theo hướng lý tưởng hóa. Đáp ứng đúng nhu cầu của đời sống văn hóa văn nghệ hiện tại, tác giả của Chuyện phố cầm bút với ý thức khước từ lối viết tuyên giáo. Một chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt đã dẫn dắt, soi đường cho tác giả đi.
Chuyện phố bắt đầu bằng câu chuyện của người làm báo Việt Nam sau chiến tranh, thời kỳ trước Đổi mới. Trong chiến tranh nhà báo Tuấn là một lính trận từng trải nhiều chiến trường. Nhưng những năm tháng chiến tranh không tạo thành điểm tựa và động lực cho Tuấn tiến thân, thành đạt. Cái chất lính ngang tàng, bộc trực còn sót lại trong Tuấn chỉ trở thành sức ỳ, lực cản. Công việc báo chí với Tuấn lúc này cũng như một mặt trận mới, ở đó Tuấn phải chiến đấu để chiến thắng không phải trước đồng nghiệp, “cấp trên”, mà chiến thắng chính bản thân mình, để bảo toàn nhân cách và lương tâm nghề nghiệp. Nếu độc giả tinh ý, chưa bao giờ ta bắt gặp một lần Tuấn đi đến tòa soạn báo với niềm vui của người cầm bút. Tuấn có thể nhiều tiền hơn ông giáo Lăng nhưng hạnh phúc chỉ ngang bằng, thậm chí còn thua.
Nhưng chuyện làm báo ở đây không sinh động bằng câu chuyện làm thầy – thầy dạy đại học và nghiên cứu khoa học lịch sử. Nhân vật Lăng, bạn thân nhất của nhà báo Tuấn được hiểu như một nhân vật đại diện cho khối giáo viên đại học. Những chuyện học đường đại học và nghiên cứu lịch sử được tác giả đem ra kể không nhiều, nhưng mỗi tình tiết xuất hiện trong truyện đều được chọn lọc kỹ lưỡng, trên nguyên tắc điển hình hóa nghệ thuật. Xung quanh câu chuyện giáo sư Bạch, một nhà khảo cổ học gốc Hoa, phản đối quan niệm định kiến “gốc Tàu”, cho Lăng cán bộ giảng dạy trẻ chiếc quạt Liên Xô cũ và nhường công việc dịch tài liệu cho đồng nghiệp, đã đặt ra nhiều vấn đề thời sự cấp bách trong nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội và nhân văn hiện tại.
Với tiêu đề Chuyện phố, độc giả có thể dự đoán đây là chuyện của 36 phố phường, chuyện của Thăng Long, Hà Nội. Dự đoán đó không sai. Chỉ có điều đây không phải là Hà Nội từ góc nhìn văn hóa phong tục, hay Hà Nội vang bóng một thời trong tùy bút của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng mà là trong tiểu thuyết thế hệ Phạm Quang Long, khi văn xuôi tự sự đã bước vào thời hậu hiện đại. Độc giả vẫn thấy “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” phảng phất trong những ngôi nhà được tả, những nét tính cách nhân vật gốc Tràng An được tác giả điểm xuyết. Hà Nội trong Chuyện phố là Hà Nội của những con người, những số phận ba chìm bảy nổi từ nhiều vùng miền xa Hà Nội trôi dạt đến, sau bao năm chiến tranh. Một không khí bao trùm trong tiểu thuyết vẫn là không khí náo nức của công cuộc xây dựng và kiến tạo xã hội “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, mà nói đến thật tình là công cuộc mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân mình. Nhân vật tiêu biểu cho định hướng chính đáng này không phải ai xa lạ mà là nhân vật Luân, con út trong gia đình ông Mưu, và nhân vật ông Lâm – bạn của ông Mưu, bố Tuấn. Là một người đàn ông tài hoa, đa tình, ông Lâm bỏ kháng chiến trở về nội thành, không bao giờ từ chối những niềm vui cuộc sống, sống theo nguyên tắc cầu an, thanh sạch: “Người ta không thích thì mình tránh đi cho nó lành, đặc biệt là sống sạch sẽ, những gì có đều từ hai bàn tay mình cả”. Luân, thế hệ sau ông Lâm tuy không tài hoa, lịch duyệt nhưng vợ chồng sau chuyến xuất khẩu lao động từ Nga về, làm ăn thất bại, đã không ngại những va chạm mất mát tình anh em, tận dụng mọi điều kiện để kinh doanh buôn bán, “gây dựng lại cơ đồ”. Xét cho cùng, vợ chồng Luân vẫn là cặp nhân vật đáng thương nhiều hơn đáng trách. Những mưu toan, tính toán thực dụng trong tính cách Luân cũng không nằm ngoài quỹ đạo tính cách người phố cổ Hà Nội hôm nay.
Chuyện phố, cái tên ấy quả là có gợi cho người ta liên tưởng tới khái niệm “tranh phố” của Bùi Xuân Phái. Tất nhiên, Chuyện phố, như đã nói, không phải là tiểu thuyết lịch sử, tác giả không tiến hành một công cuộc khảo cổ bằng chữ nghĩa. Tuy vậy bằng lối hành văn đối thoại, để cho nhân vật luôn trong tâm trạng bức bối, nói nhiều, cấu trúc mỗi chương viết như một phóng sự, Chuyện phố vẫn làm hiện ra một bức tranh phố xá, nhưng là tranh ghép của những mảnh vụn phố xá. Ở đó, “Phố Phái” không còn nguyên sơ, toàn vẹn, mà đã vỡ vụn bởi những quy luật nghiệt ngã của kinh tế thị trường, cộng với thi pháp phân mảnh, lắp ghép điện ảnh của văn xuôi tự sự hiện đại. Phố Phái là một cách nhìn nghệ thuật chỉ xuất hiện một lần, một đi không trở lại. Khi những mặt tiền con phố dày đặc cửa hàng, cửa hiệu cùng biến quảng cáo muôn màu, cũng chẳng còn ai viết truyện về Hà Nội như Bùi Xuân Phái vẽ tranh. Điều đó đã được tác giả nhận biết rất rõ và thể hiện qua ý nghĩ của nhân vật anh giáo Lăng: “[…] cái chất kẻ chợ, cái sang trọng và lịch lãm ấy thấm sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống xưa tạo nên những trầm tích. Nó hình thành dần, mỗi thời lại chất thêm vào một ít làm cho cái vẻ ấy dày thêm như sờ mó được, ngửi thấy được trong những nét ăn ở hàng ngày. Chả mấy ai nói về cái thứ đó nhưng cư dân tinh lắm. Họ thấy cái gì hay là làm theo, học theo, sống theo rồi dần thành nếp. Qua bao nhiêu biến đổi, binh lửa, đổi thay những thứ đó bị rơi rụng cũng nhiều nhưng không phải đã mất hẳn. Chính quyền không thích thì người dân giấu đi, âm thầm giữ lại. Những thứ ấy có đời sống khác trước, bị ruồng bỏ, thậm chí ngăn cấm nưng nó vẫn cứ âm thầm sống, bền bỉ, như than vùi. Lớp bụi bên ngoài che phủ tưởng như không còn dấu vết gì nhưng lửa vẫn cứ âm thầm cháy… Hà Nội là một thành phố nhưng cũng vẫn còn phảng phất một cái làng xưa rõ to…”.
Cốt truyện của Chuyện phố không phải là cốt truyện hành động, mà là kiểu cốt truyện luận đề. Các nhân vật ở đó rất ít hành động, phần lớn là “làm ít nói nhiều”. Các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội, đạo lý… được tác giả đặt ra bàn thảo đều chuyển hóa qua ngôn ngữ đối thoại và dòng ý thức của nội tâm nhân vật. Có thể bắt gặp trong tiểu thuyết này hàng chục vấn đề trọng đại, đôi khi còn là “nhạy cảm” có nguy cơ cấm kỵ. Nhưng rất vui là mọi “vấn đề” đều đã biến thành “câu chuyện”, mọi vấn đề đã được tiểu thuyết hóa, từ chuyện chiến tranh biên giới sang chuyện cô gái gốc Hoa tự tử, từ câu chuyện di tản theo chế độ HO sang chuyện hiến đất, hiến nhà cho chính phủ thời đầu hòa bình đến chuyện Nho giáo và văn hóa Trung Hoa, từ vấn đề tổ chức cơ cấu cán bộ sang chuyện tự do và tính trung thực khách quan của báo chí chính thống, v.v.
Một trong những tình tiết lý thú, tạo nên không khí kết thúc có hậu vui vẻ của Chuyện phố là chuyện chia vàng. Đây là kiểu kết thúc bất ngờ, có thể sánh với lối viết cổ tích. Từ đầu đến gần cuối tiểu thuyết, bốn người con trong gia đình ông Mưu góa vợ luôn sống trong không khí bất an, chẳng thể bình tâm vì vấn đề thừa kế ngôi biệt thự và mảnh vườn rộng mặt tiền. Để làm dịu căng thẳng và để nhân vật ông bố yên tâm nhắm mắt, tác giả đã cho ông Mưu tiền thật nhiều để chia đều cho con cái. Số vàng tích cóp của ông Mưu, chủ yếu do vợ làm ra, lên tới 500 cây vàng. Mỗi người được chia 100 cây. Mọi mâu thuẫn đã được san phẳng, anh em giữ được tình thương. Độc giả đọc thấy vui và chấp nhận phương án kết thúc lạc quan và rất khẩn trương đó. Tiền của tác giả tiểu thuyết nào cũng rất nhiều, dành cho nhân vật thì tác giả nào cũng sẵn sàng hào phóng.
Chính vì vậy, lại thêm một lẽ: Chuyện phố là thực chất vẫn là chuyện đời, hay đúng hơn là những câu chuyện Hà Nội đương thời, có thể bắt đầu đọc bất cứ trang nào, không cần trình tự, mà vẫn hiểu. Vì ở bất cứ trang nào ta cũng có thể nhập thân vào những câu chuyện độc lập, những vấn đề rất đáng quan tâm và lý thú, giống như đọc từ điển. Tuy vậy, Chuyện phố không nên đọc ngược theo kiểu đọc các cuốn Hán văn, “Cảo thơm lần giở trước đèn”. Phải đọc trình tự từ đầu đến cuối ta mới hưởng hết niềm vui cùng các nhân vật chia vàng.
(Lời bạt cho tác phẩm Chuyện phố của Phạm Quang Long, nxb Phụ nữ Việt Nam, 2024)