Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Anh San đã về bên Chúa... (những kỷ niệm đời thường với linh mục Đặng Chí San, tức thiền sư Không Động)

Uyên Vũ

image

 

Tôi tin giờ đây anh San đã thật sự cất khỏi gánh nặng nhân gian để được hoà lẫn vào tình yêu của Chúa, để tình yêu tha nhân của anh trong cõi vĩnh hằng.

Tôi gặp và lập tức thân thiết với anh từ hơn 25 năm trước, khi tham dự lớp 'Tâm kịch'* mà anh là người khởi xướng và cầm trịch.

Từ đó hàng tuần anh San từ tu viện ở Tam Hà, Thủ Đức đến sinh hoạt cùng nhóm chúng tôi, chúng tôi gặp nhau, ngồi bên nhau và chia sẻ 'tất tần tật' mọi tâm tư tình cảm từ đáy sâu thẳm lòng mình không e ngại...

Anh San từ chối những xưng tụng, chúc tụng đãi bôi. Dù là linh mục, anh bảo cứ gọi anh là "anh" thôi, chúng ta là anh em trong Chúa mà.

Có lần anh dạy lớp học cho các tu sĩ quá muộn, sợ về Thủ Đức trễ, anh bảo "tớ đến nhà cậu ngủ nhé", khi đến cổng, anh lại ngại vì sợ bố mẹ tôi kính cẩn chào hỏi "cha-con" nên anh lại thôi. Anh bảo "tớ với cậu ra vỉa hè lai rai". Suốt đêm đó, ở vỉa hè chỗ quán 'cơm tấm ma' gần lăng Ông, chúng tôi trò chuyện, đọc thơ và lai rai đã đời. Gần về sáng, đường phố vắng tanh, chỉ còn giới anh em giang hồ và các cô vũ nữ rời vũ trường đi ăn khuya. Chúng tôi ngồi trò chuyện, chia sẻ với họ. Đôi khi hứng khởi dâng trào, anh San đứng dậy giang tay ngâm thơ...

Căn phòng nhỏ của anh ở tu viện Tam Hà với các kệ sách đầy ắp sách về Phật học, Đông phương học. Có cả một pho tượng đức Phật trắng tinh, ngồi an nhiên trên kệ. Anh không nằm giường, chỉ có chiếc chiếu trải trên tấm dát giường, bên cạnh là một bộ xương người bằng nhựa "để ý thức về sự chết". Đầu chiếu anh làm chiếc hộp hình quan tài với hàng chữ: "Đây là nơi yên nghỉ của linh mục Đặng Chí San, chàng ta chỉ có một tình yêu duy nhất là Chúa và mẹ Maria. Ngoài ra cũng có léng phéng chút đỉnh...". Cạnh cái quan tài giả ấy là bộ Bát Nhã Tâm Kinh, bên trên là bộ Kinh Thánh.

Có lần tôi đến nhờ anh ban phép hoà giải, anh hỏi uống café hay trà để anh pha, rồi cứ ngồi trên chiếu cạnh bên anh mà xưng tội, như tậm sự cùng một người bạn, thế thôi. Tất nhiên anh cũng ban phép lành và nói 'tớ thay mặt Đức Giêsu tha tội cho cậu'.

Khi ra về anh còn tặng gói café và bảo 'của bá tánh cho ấy mà, tớ uống không hết'.

Vào dịp lễ bổn mạng Giuse của anh, anh thường lánh mặt vì sợ nhiều người đến chúc tụng, biếu tặng quà cáp...

Có lần anh tặng tôi tập thơ Mưa nguồn (hình như bản in năm 1995) của Bùi Giáng mà anh là một người góp công sức, tiền bạc cho việc in ấn. Trang đầu anh viết tặng tôi bốn câu trong bài Phụng hiến

"Em sẽ khóc khi nhìn trong khoé mắt

Thấy một mình người đi lại lang thang.

Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt

Múa vi vu rồi hẹn với truông ngàn

Anh kể những kỷ niệm rong chơi phố thị của anh với thi sĩ Bùi Giáng trên chiếc xe cub cà tàng, ông Bùi Giáng mỗi khi gặp anh là cười reo gọi "Ê, thằng linh mục".

Dịp ở gần anh San lâu nhất là lần tâm trạng tôi te tua thê thảm, sắp tiêu tùng xí quách (như kiểu anh thường nói), anh bảo xuống tu viện Thủ Đức mà tĩnh tâm. Lần đó tôi là khách của nhà dòng hơn một tháng, một mình trong dãy phòng vắng lặng, ngày ba bữa có người mang mâm cơm đến tận nơi, gần đó có một nhà nguyện để khi cần có thể vào cầu nguyện bất cứ lúc nào; thỉnh thoảng anh tạt vào thăm hỏi trò chuyện.

Khi tĩnh tâm ở đây, mấy lần tôi chứng kiến những vị tăng ni theo phái Phật giáo Mật Tông, có vị từ Tây Tạng trở về cũng đến thăm và trò chuyện cùng anh. Mỗi ngày anh thường đi xuống Sài Gòn dạy học, khi chạy chiếc cub ngang nhà nguyện, anh giơ một tay lên ngang trán để chào Chúa Giêsu trong nhà tạm, động tác không khác một anh lính chào thượng cấp.

Mỗi lần tan nát te tua thì người tôi tìm đến chỉ là anh. Anh chăm chú lắng nghe, rồi chia sẻ thấu đáo chứ không an ủi hay dạy dỗ...

Sau này, khi tham gia xuống đường, biểu tình rồi thường xuyên bị theo dõi và sách nhiễu tôi chỉ còn trò chuyện với anh trên Facebook.

Lần cuối gặp anh là ở am Không Trú của anh trong khuôn viên một tu viện nhỏ gần Long Thành. Hôm đó anh đùa "Am của tớ nồng nàn vì cạnh quán cafe Hương Ỉn", cái quán café mà anh bảo đó thật ra là một chuồng heo của nhà hàng xóm, ngày ngày xộc vào mũi anh là mùi 'hương' của lũ lợn ỉn.

Một mùa Vọng mấy năm trước, anh San gửi qua messenger lời chia sẻ cho tôi, anh viết: "Sáng sớm nay, vào Mùa Vọng, lòng rất lạ. Tràn ngập vui mừng hy vọng. Và thấy tiếc cho những người không có niềm hy vọng. Lại càng thấy đời sống tôn giáo hay tâm linh cần cho cái trần gian khốn khổ này xiết bao! Niềm hy vọng trong đức tin thì CHẮC CHẮN KHÔNG HỀ ẢO TƯỞNG! Rất thật! Rất thật! Giữa cuộc đời phù ảo đến phù mỏ này, đời tôn giáo hay tâm linh là cứu cánh. Lại càng thấy những người đau khổ là những kẻ có cơ may lạ lùng nhất".

Qua Facebook Không Động, anh kết giao với nhiều người mà tôi cũng thân thiết... Anh viết thường xuyên và nhiệt tình bấm 'like' cho bạn bè. Anh bảo "mỗi cái like như một niệm cầu bình an cho người viết".

Rồi anh gặp tai biến, sức khoẻ yếu dần... lời nhắn có khi ngày mấy lần chỉ còn như tiếng kêu "xin cầu nguyện cho với". Anh không còn có thể viết như xưa nữa, nick Đặng San - Không Động lặng lẽ... Ít lâu sau anh dùng nick Facebook mới là Đông Sơn nhưng cũng không còn chia sẻ như xưa nữa...

Mấy hôm trước thấy tin anh đang hấp hối trên giường bệnh, tôi nghĩ phen này anh khó qua khỏi nên chỉ còn biết lặng thầm cầu nguyện và tín xác Chúa sẽ ở bên anh mật thiết.

Giờ đây anh đã tạm biệt thế nhân để về cùng Cha nhân từ. Anh ra đi trong tháng Ba kính thánh Giuse bổn mạng, khi Tuần Thánh kỷ niệm sự thương khó của Đức Giêsu bắt đầu, anh đã đi trọn cuộc thương khó của riêng mình từ lâu. Trên Facebook nhiều người loan tin chia buồn và đau xót khi biết tin anh không còn tại thế.

Anh San ơi, rồi chúng ta sẽ gặp nhau trong cõi vĩnh hằng nhé.

 

(*) Tâm kịch là một phương pháp trị liệu tâm lý trong đó thông qua việc diễn những vở kịch tự bộc lộ (không kịch bản) những mâu thuẫn, tâm tư bị dồn nén được bộc lộ và giải tỏa. Liệu pháp tâm kịch thường được sử dụng theo nhóm, mỗi thành viên trong nhóm cũng là chủ thể trị liệu cho các thành viên khác trong nhóm. Có thể nói anh San là người đầu tiên ở Việt Nam tổ chức Tâm kịch trị liệu này.

  image

Linh mục Đặng Chí San kính cẩn khi làm nghi thức rửa chân cho một nữ tu trong lễ Thứ Năm Tuần Thánh.

  Không có mô tả ảnh.

Am Không Trú gần Long Thành.

image   image