Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

Văn học miền Nam 54-75 (567): Nguyễn Mộng Giác (kỳ 1)

Ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1940 tại thôn Xuân Hòa, xã Bình Phú, quận Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định, miền Trung Việt Nam.

Thời kháng chiến chống Pháp 1946 đến 1954, ông học tiểu học và trung học tại vùng kháng chiến. Sau Hiệp định Genève 1954, ông tiếp tục học tại trường Cường Để (Quy Nhơn), trường Võ Tánh (Nha Trang), rồi học năm chót của bậc trung học tại trường Chu Văn An (Sài Gòn).

Sau khi học một năm ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông ra Huế học Đại học Sư phạm ban Việt-Hán. Năm 1963, ông tốt nghiệp thủ khoa, khóa Nguyễn Du. Ngay năm ấy, ông được điều đến giảng dạy tại trường Đồng Khánh ở Huế. Năm 1965, đổi ông vào Quy Nhơn làm Hiệu trưởng trường Cường Để.

Năm 1973, thăng ông làm Chánh sở Học chánh tỉnh Bình Định. Năm 1974, chuyển ông vào Sài Gòn làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa cho đến 1975.

Về sự nghiệp văn chương, ông bắt đầu viết văn từ năm 1971 đã cộng tác với các tạp chí: Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức. Năm 1974, truyện dài Đường một chiều của ông được giải thưởng Văn Bút Việt Nam dưới thời Việt Nam Cộng hòa.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, việc sáng tác của ông tạm gián đoạn. Đến năm 1977, ông cầm bút trở lại, và bắt đầu viết bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ, và hoàn thành vào năm 1981.

Tháng 11 năm đó (tức sau khi vừa viết xong bộ truyện trên), ông cùng con trai vượt biển. Chuyến vượt biển thành công, ông đã đến được đảo Kuku của Indonesia. Trong mấy tháng ở đây, ông đã viết được một số truyện ngắn mà sau này xuất bản thành cuốn Ngựa nản chân bon, và tập I của bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa biển động.

Tháng 11 năm 1982, ông đến Hoa Kỳ, định cư tại Nam California, rồi cộng tác với các báo: Đồng Nai, Việt Nam Tự Do, Người Việt, Văn, Văn Học Nghệ thuật ở nước ngoài.

Từ năm 1986, ông làm Chủ bút tạp chí Văn Học ở California, Hoa Kỳ. Đến tháng 8 năm 2004, ông phải ngưng công việc làm báo vì phát hiện mình bị ung thư gan.

Sau nhiều năm dài chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, ông đã qua đời lúc 22 giờ 15 phút ngày 2 tháng 7 năm 2012 (ngày giờ địa phương ở California, tức sáng ngày 3 tháng 7 năm 2012 giờ Việt Nam) tại tư gia ở thành phố Westminster (Orange County, California, Hoa Kỳ), thọ 72 tuổi.

Tác phẩm

Xuất bản tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975

· Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận, Nhà xuất bản Văn Mới, Sài Gòn, 1972)

· Bão rớt (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Trí Đăng, Sài Gòn, 1973)

· Tiếng chim vườn cũ (truyện dài, Nhà xuất bản Trí Đăng, Sài Gòn, 1973)

· Qua cầu gió bay (truyện dài, đăng trên tạp chí Bách Khoa từ số 350 đến số 357, Nhà xuất bản Văn Mới, Sài Gòn, in thành tập năm 1974)

· Đường một chiều (truyện dài, Giải thưởng Trung tâm Văn bút Việt Nam, 1974, Nhà xuất bản Nam Giao, Sài Gòn, 1974).

Xuất bản ở hải ngoại

· Ngựa nản chân bon (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Người Việt, Hoa Kỳ, 1984)

· Xuôi dòng (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1987)

· Mùa biển động (trường thiên tiểu thuyết, Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ, xuất bản từ 1982-1989) gồm tất cả năm tập: Những đợt sóng ngầm (1984), Bão nổi (1985), Mùa biển động (1986), Bèo giạt (1988), Tha hương (1989). Bộ truyện này đã được tái bản nhiều lần.

· Sông Côn mùa lũ (trường thiên tiểu thuyết, 4 tập, viết từ năm 1977-1981), Nhà xuất bản An Tiêm (Hoa Kỳ) xuất bản những năm 1990, 1991. Bộ truyện này đã được tái bản nhiều lần, và đã được hãng phim TFS (Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh) mua bản quyền để thực hiện phim truyền hình nhiều tập

· Nghĩ về văn học hải ngoại (tiểu luận, Nhà xuất bản Văn Mới, Hoa Kỳ, 2003)

· Bạn văn, một thuở... (tạp luận, Nhà xuất bản Văn Mới, Hoa Kỳ, 2005)

· Đêm hoang (truyện dài, chưa in thành sách nhưng đã đăng trên tuần báo Đồng Nai, Hoa Kỳ).

Chưa xuất bản

· Tình và Đạo trong thơ Hàn Mặc Tử (tiểu luận)

· Vào đời (truyện dài), đã đăng một phần trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn, 1973-1974)

· Mây bay về đâu (truyện dài).

Ngoài ra, ông còn có nhiều bài viết đăng trên tạp chí Văn Học (California, Hoa Kỳ).

Theo https://vi.wikipedia.org/

Image result for nguyễn mộng giác

Bão rớt

Bóng tối buổi trưa
Từ phòng hồi sức, tôi được đưa qua trại 10. Giường của tôi nằm ngay trong góc phía trái, nơi trú ẩn của bóng tối, của ẩm mốc và của đàn muỗi đói khát. Cho nên mỗi lần thấy có người lạ mặt bước vào phòng dớn dác nhìn quanh, chính tôi phải lên tiếng trước họ mới tìm ra. Vả lại, cả hai chân tôi băng bột, cánh tay trái treo trên đỉnh mùng, mặt mũi băng bông trùm kín, thì có thánh mới nhận ra thằng Liêu ba hôm về trước.
Sáng nay, anh y tá vừa đến lấy nước tiểu đem lên phòng thí nghiệm, thì một người đàn ông lạ mặt, đeo kính lão tóc hớt ngắn có cái mũi đỏ sần sùi đến tìm tôi. Chắc có người chỉ dẫn trước nên ông ta xăm xăm tiến tới chỗ tôi nằm, cúi chào rồi tự giới thiệu:
"Tôi là phó chủ tịch nghiệp đoàn công nhân xây cất".
Tôi bỡ ngỡ không biết phải trả lời thế nào, thì ông ta đã tự kéo cái ghế sắt gần đấy ngồi xuống cạnh giường. Ông ta nói:
"Cụ chủ tịch cử tôi lo vụ này. Sáng nay tôi có ra đảo. Tôi có bắc thang leo lên xem xét cánh tay của pho tượng. Thật không ngờ..." Ông phó chủ tịch dừng lại, ý chừng để chờ tôi lên tiếng hỏi, hoặc biểu lộ sự tò mò hiếu kỳ lên nét mặt. Nhưng ông ta quên rằng cái mặt tôi đã bị băng kính và loang lổ thuốc đỏ, còn cách nào đâu mà biểu lộ. Chờ một lúc, ông ta đành nói:
"Anh biết không, cánh tay cầm gươm của pho tượng gãy ngay chỗ cùi chỏ. Cốt sắt bên trong nhỏ tí teo, gãy là phải. May nhờ có mấy vòng dây thép gai lão thầu quấn quanh thanh sắt cho ăn vữa, nên cả cánh tay lớn không rơi xuống. Nếu không, anh đã tan xương ngay tại đảo rồi. Lão thầu tham lam muốn lời cho nhiều, mới xảy ra cớ sự. Tuy cánh tay tượng chưa rơi trúng anh, nhưng vì phải tránh né mà anh lăn xuống sườn đồi. Đây là một tai nạn lao động. Nghiệp đoàn sẽ kiện lão thầu ra toà, đòi bồi thường xứng đáng cho anh..."
Tôi chán nản không trả lời. Ông phó chủ tịch cầu chúc qua quít một vài câu nhạt nhẽo rồi ra về.
Ông ta vừa đi được mười phút, thì Thương đến. Không ai chỉ dẫn cho nàng cả nên tôi vừa hồi hộp vừa lo âu nhìn nàng lăng xăng hỏi hết người này sang người nọ trong trại 10. Tôi không muốn gặp nàng lúc này, khi thân tàn ma dại đến độ chỉ còn là cái xác ướp kỳ dị trong các ngôi mộ cổ Ai Cập. Tuy thế, Thương vẫn tìm đến chỗ tôi nằm. Nàng để rơi thân hình nhỏ nhắn lên chiếc ghế sắt, hai bàn tay mềm ấm nắm lấy cánh tay phải của tôi. Nàng nói, giọng lạc đi, run run vì xúc động:
"Anh, anh tha tội cho Thương. Đã nhiều lần em nói với anh là xin anh hiểu giùm hoàn cảnh của Thương. Em không thương anh, thì còn thương ai nữa. Anh là đời sống của em, là hơi thở, là thịt xương, là... là tất cả đời em. Có anh thì em vui, không có anh, đời em còn gì nữa đâu. Tối hôm đó em không ra biển được, vì nhà có kỵ. Em quên, không cho anh biết".
Tôi gắng xoay người lại nhìn Thương. Tội nghiệp cô bé. Đôi mắt cô bé, nhờ ánh sáng yếu ớt chiếu từ cửa sổ bên kia, đầy ắp sự hối hận, thương xót, đau đớn, lo sợ. Nàng tưởng chính nàng là người chịu hoàn toàn trách nhiệm của tai nạn. Tôi muốn cải chính. Nhưng vết thương bên má làm cho tôi đau đớn. Có lẽ miệng tôi hơi méo lại khi muốn nói, trông như tôi đang mếu. Thương khóc oà lên:
"Thà như vậy. Em chỉ sợ anh lạnh nhạt với em, nằm im không nói năng. Anh hiểu cho em không anh Liêu. Hiểu giùm cho em đi. Thú thực nhiều lúc thấy anh thương em quá, em phát sợ. Mắt anh chỉ toàn lửa và lửa. E mình có đáng gì đâu. Em đã nhắc lại câu ấy nhiều lần mà anh không chịu nhớ. Bây giờ em nhắc lại lần nữa: Em xấu xí, nghèo nàn, còn nhiều cái tầm thường nữa. Em có đáng gì đâu mà vừa sai hẹn tối hôm trước, sáng hôm sau anh đã liều thân thế này".
Tôi không biết nói gì, sợ xua mất chút nắng đẹp trong tâm hồn cô bé. Tôi bóp nhẹ lên bàn tay mềm của Thương, ra dấu hiểu nàng và cảm ơn. Thương xúc động lắm, đưa khăn tay lên lau nước mắt. Rồi nàng lột cam cho tôi ăn. Tuy nước chua làm rát vết thương trong lưỡi, tôi vẫn cảm thấy tất cả sự khoái lạc bệnh hoạn. Lúc ăn đến múi cam chót, tôi cố rướn người lên hôn nhẹ lên hai ngón tay Thương.
Nàng vui sướng, ngồi kể chuyện huyên thiên, hết chuyện nhà cửa đến chuyện mấy đứa em trai tinh nghịch. Nếu anh y tá không trở lại, chắc nàng còn sa đà nói mãi nói mãi. Chờ Thương ra khỏi phòng, anh y tá mới bảo:
"Anh đưa tay phải tôi lấy thêm vài xê xê máu. Thật phiền. Họ bắt chúng tôi thử đủ thứ: nào nước tiểu, nào máu, nào phân, nào nước miếng... Anh chỉ bị gãy xương và xây xát khắp mình mẩy, bệnh đã rõ, việc gì phải lôi thôi".
Tôi cố dằn đau đớn, phều phào hỏi:
"Thử làm gì mà thử hoài vậy?"
Y tá thấy tôi nói được, có lẽ vui mừng vì tìm ra người tri âm, liếng thoắng giải thích:
"Anh biết làm sao không? Đây là tôi nghe lỏm được trên phòng quản đốc. Anh đừng kể lại cho ai nghe nhé. Hãng bảo hiểm của nhà thầu muốn khỏi mất tiền, đến năn nỉ xin bác sĩ xác nhận xem có phải anh mắc một chứng nan y nào đó, hoặc anh có máu điên trong người hay không. Ông ta bảo: từ chỗ pho tượng đến mé vực khá xa, không thể bảo như bên nghiệp đoàn là vì né tránh mà anh rơi xuống sườn đá dốc. Chỉ còn có một cách giải thích: anh mắc chứng nan y mà tự vận, hay có máu điên trong người, chúng tôi phải thử đi thử lại hoài, chỉ vì vậy".
Anh y tá đã lấy máu xong, cầm ống nghiệm và xê ranh đứng dậy. Thấy tôi nhìn theo, anh bông đùa:
"Anh có điên không, nói quách cho họ biết, để họ khỏi hành hạ tụi tôi". Người y tá đi rồi, tôi nằm hoang mang cả buổi sáng. Ừ, vì sao mình làm thế? Mình có điên có khùng đây? Khi nào bình phục và lãnh tiền bồi thường xong tôi cũng phải kể lại sự thực, để tự tôi bồi thường cho tôi một chút danh dự. Tôi sẽ kể sự thực. Sự thực đại khái như thế này, vì tôi chưa dám chắc những điều tôi biết, những hình tôi thấu, những tiếng tôi nghe.
Buổi trưa hôm đó, trời nắng gắt lắm. Pho tượng coi như đã hoàn thành, vì toán thợ mười hai người chúng tôi đã gắng quét một lớp xi măng mỏng bên ngoài suốt cả buổi sáng. Ông chủ thầu cười nói hỉ hả, hẹn đem xôi và thịt quay ra cúng mừng rồi đãi chúng tôi một bữa nhậu no nê vào bốn giờ chiều. Ăn xong, dọn dụng cụ đồ đạc về phố luôn thể. Ông chủ vào đất liền rồi, các bạn tôi không biết làm gì, gọi một chiếc thuyền đánh cá đến xin quá giang vào bến. Tôi cảm thấy bực bội điều gì không rõ. Có thể vì Thương không đến chỗ chiếc ghế đá dưới bãi cát tối hôm trước, bắt tôi phải bồn chồn đợi nàng suốt ba giờ liền. Cũng có thể vì tôi nhức đầu vì hơi bị cúm, không được khỏe lắm. Anh em mừng rỡ khi nghe tôi nhận lời chịu ở lại đảo giữ đồ đạc.
Cả bọn đi rồi, tôi ngồi bó gối dưới chân tượng. Từ mỏm núi nhìn ra, biển xanh tiếp nối đến tận chân trời. Trên cao mây đã bay đi, còn lại bầu trời trong xanh và một mặt trời hực lửa. Chung quanh tôi, những tảng đá nhọn loang lổ rêu xám, những bụi ốc mèo cằn cỗi gai đâm tua tủa, những viên sỏi tròn nhẵn vì lăn lóc biết bao lần trong khoảng thời gian vô tận. Tôi chói mắt vì mặt trời. Tôi ngộp trong bao la. Cảm thấy nghẹn thở vì sự đìu hiu cũng mênh mông chẳng kém gì trời và nước. Tôi núp mát dưới bóng pho tượng, nhìn bâng quơ ra phía trước mặt nhưng chỉ thấy những hình ảnh mờ nhạt, hỗn độn sắc vàng chói và màu xanh dương. Chán nản. Tôi hối hận đã tình nguyện ở lại đảo. Ray rứt, tôi muốn làm một cái gì cho qua thì giờ. Không có lấy một tờ báo, một quyển sách. Tôi đến gần chỗ bờ vực, kề sát bên một vách đá dựng đứng xuôi tuột xuống bể sâu. Tưởng tượng mình rơi tõm xuống đây, chìm vào hư vô, tôi cảm thấy sợ hãi vội lùi lại. Phía tay phải sườn núi khá dốc. Tôi đá hất một viên sỏi dưới chân. Viên sỏi rơi vào thung lũng dưới kia, lặng lẽ vô nghĩa như một làn gió thổi qua đỉnh núi trọc, không tạo nổi một tiếng vi vu hay một tiếng lá xì xào.
Trời trở về chỗ pho tượng, vô tình nhìn xuống bóng mình di động trên mặt đất phẳng. Tôi tìm ra được một thú tiêu khiển.
Tôi đứng thu mình lại cho bóng tôi chập vào chân phải của pho tượng. Rồi tôi lại sang đứng bên phía chân kia. Tay trái pho tượng thả xuôi bên hông. Tôi ngồi xuống, cho bóng tôi giống như một món đồ Đức Trần Hưng Đạo mang theo khi ra trận. Bóng của tôi tròn vo, giống y một cái đầu lâu. Một cái đầu của giặc Nguyên mà vị anh hùng dân tộc vừa dùng gươm chém lìa khỏi cổ. Ý tưởng đó khiến tôi lạnh xương sống, vội choàng đứng dậy. Tôi đi dần ra mé núi, đứng ngay nơi bóng mũi gươm. Tôi trở thành một tên phù thủy, có phép khinh công lão luyện nên đứng được chênh vênh trên mũi gươm một vị anh hùng. Bóng tôi vươn cao hơn cả bóng tượng.
Tôi cười lên thích thú. Tiếng cười vang ra, vọng lại từ vách núi đá, nghe lạ hoắc. Tôi thử cười a ha lần nữa, lần này to hơn lần trước. Tiếng vọng dõng dạc. Vách núi dựng phía sau lưng, thung lũng màu xanh pha nâu phía tay phải, bờ đá cheo leo sụp đột ngột xuống mặt biển xanh trước mặt và phía trái. Chung quanh đây chỉ có cao, sâu, rộng, lớn. Chỉ có vĩnh cửu, bao la mênh mông, thăm thẳm. Tôi đứng ở giữa. Bóng tượng đổ thấp bên dưới. Chợt nhớ đến phim Tarzan coi thời thơ ấu, tôi bắt hai bàn tay làm loa, ráng hú thật lớn thật dài như vị chúa tể rừng xanh Phi châu. Tiếng hú vang vọng qua bao nhiêu vách đá, làm lung lay mấy bụi ốc mèo cằn cỗi trên đồi, và xao động cả mặt sóng xanh. Quá thích thú, tôi hú tiếng thứ hai, rồi tiếng thứ ba. Cổ tôi bắt đầu rát. Đến khi hú xong tiếng thứ năm, nhìn xuống mặt đất trước mặt, tôi giật mình sững sờ. Hình như bóng pho tượng đang cử động, Không tin ở mắt mình, tôi cố lấy hết sức bình tĩnh nhìn kỹ một lần nữa. Phải rồi, hình như cánh tay cầm gươm của Ngài cử động, bóng lưỡi gươm càng ngày đưa sát vào cái bóng bé nhỏ của tôi. Kinh hãi đến cùng cực tôi ngước lên nhìn pho tượng. Quả nhiên, tôi đã không lầm. Ngài đang từ từ hạ gươm xuống, gân cốt Ngài kêu răng rắc và từng mảng xi măng trên áo giáp của Ngài rơi tơi tả trên mặt đất. Mắt tôi nhìn chăm chăm vào lưỡi gươm. Hai tay tôi đưa lên cao che lấy đầu, trong khi chân tôi tự động lùi lại, lùi lại dần, cho xa cho thoát khỏi lưỡi gươm thiêng của Ngài. Đến lúc chân bước hụt vào khoảng không, và bị lăn xuống thung lũng, tôi không còn biết rõ điều gì nữa.
Có lẽ giờ đây chỉ còn lại một điều, một điều hồ nghi: Phải chăng tiếng hú chất chứa bao nhiêu phẫn uất dồn nén trong cuộc sống đìu hiu của tôi, tiếng hú giữa nơi chỉ có mây và đất đá cỏ cây vô tri, đã vô tình phạm đến danh dự Ngài. Và Ngài đã giận dữ hạ dần lưỡi gươm bén.

Nguồn: Bão rớt, Nguyễn Mộng Giác, in tại Trí Đăng, 21/1/1 Nguyễn Thiện Thuật, Sài Gòn 3, số lượng ấn bản 1500 cuốn. Giấy phép xuất bản số 2267/PTUDV/KBCNT/KSALP cấp ngày 25-6-1973. Phát hành ngày 15-9-1973. Bản điện tử do talawas thực hiện.

www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14630&rb=08