Từ hành xác đến hành văn Đọc Giấc Mơ Thổ của Trần Vũ
Đoàn Cầm Thi
“ Les délices de la cruauté
Délices non passagères…”
Những hương vị của bạo tàn
Hương vị không hề ngắn ngủi…
Giấc mơ thổ kể chuyện một lũ người hoá điên vì ám ảnh quá khứ. Quá khứ ở trong mọi ý nghĩ, đè nặng lên từng số phận. Quá khứ hằn dấu lên ngôn ngữ, trong những lời nói đã trở thành thói quen, được phát ra như những khẩu hiệu trơ cứng, như trong câu của Quý với Vĩnh lúc đi săn rồng “Khẩn trương lên giặc lái đến bây giờ”. Quá khứ ở trong từng thức ăn, đồ uống, trong giải trí, trong thịt rồng, tim phượng, trong “rượu Armagnac Marquis de Caussade, đóng chai năm 71”, và trong “trận World Cup của năm 66”. Ngay bạo lực cũng mang sắc màu của quá khứ, của chiến tranh: “Quý hùng hục lục trong rương đưa tôi một khẩu AK, hai bộc phá, còn anh vác thượng liên 12 ly 7 với B40”, “Chiến giơ cao súng. Tôi hãi hùng trông thấy những giây đạn chầm chậm chạy vào nòng thép (…) Những tiếng rú đinh tai. Những tiếng rú thảm khốc…”.
Lũ người ma ám sống trong một không gian và thời gian chỉ tồn tại với nhiệm vụ duy nhất: vật chất hoá dĩ vãng. Thời gian trong thế giới đó không ngừng chảy, không chấp nhận hiện tại lẫn ngày mai: “Bất cứ ngày nào cũng là Tết Giáp Tuất. Chiều nào cũng là chiều hai mươi tám Tết. Sáng nào cũng là sáng mùng Một”, “Ngày hôm nay là ngày 19 tháng 6 Quân lực VNCH cũng là ngày 2 tháng 9 Tuyên ngôn Ba Đình lịch sử”. Cụm từ “Tết Giáp Tuất” được nhắc đi nhắc lại như để nhấn mạnh tính bất động của thời gian. Tương lai cũng chỉ được coi là cái đã qua: câu chuyện được kể vào năm Giáp Tuất, vậy mà một trong những câu cuối của nó là: “Tôi trở về dinh cơ của Quý, nhiều năm sau Tết Giáp Tuất (…) Khu đất thiêu rụi hoang tàn”.
Quá khứ hiện lên trong từng chi tiết của không gian. Từ kiến trúc – “Một thứ lăng lâu đời, cũ kỹ”, “Kiến trúc của ngôi nhà trông như lăng vua. Mấy hàng trụ biểu trông đều tăm tắp, xen giữa linh quy đội bia trước sảnh đường” – đến phong cảnh – “hàng bạch đàn ngút ngát (gợi lai) mười năm vượt Trường Sơn”, “rặng hoa sữa trắng ngát (là) kỷ niệm thời trai trẻ của Quý ở Hà Nội” - và tên gọi của nơi chốn “ hồ Ba Bể”, “cổng Đại Môn”, “tháp Bảo Nghiêm”. Không khí đầy ắp dĩ vãng, thứ dĩ vãng cứng nhắc, thô thiển, chết chóc, càng trở nên nặng nề bởi thế giới đó ở rất xa – “phía nam phần lục địa” – hoàn toàn bị chia cách với hiện thực bên ngoài, với cái được gọi là “thổ dân”.
*
Song song với cuộc hành trình cùng cộng đồng tìm về quá khứ, Vĩnh, nhân vật chính và người kể chuyện của Giấc mơ thổ đã sống một cuộc phiêu lưu rất riêng, trong lãnh địa của cảm xúc. Mọi kỷ niệm đều đánh thức ở nhân vật này, cùng một lúc, những tình cảm mãnh liệt nhất và trái ngược nhất: đau đớn và khoái lạc, yêu đương và thù hận.
Tất cả bắt đầu với chén trà Thổ. Nhờ hương vị của mình, như chiếc bánh madeleine của Marcel Proust trong Đi tìm thời gian đã mất, nó có khả năng ru Vĩnh vào giấc mơ ngược dòng thời gian. Quá khứ mà Vĩnh tìm thấy có một bề dầy, một chất liệu hiếm có. Nó càng đặc quánh và sinh động hơn bởi rất thường xuyên được sống với hiện tại, khi nỗi đau trên thân thể Vĩnh không biết đến từ cú ấn của Chiến hay từ nhát búa tạ của đao phủ, khi cái “ấm, nóng” của cơn mưa tuổi thơ hoà với cái “thác lũ” của cơn mưa buổi săn rồng, khi nước biển ngày ra đi quyện với mồ hôi cơn mê loạn làm nên một vị “mằn mặn” khó tả. Giấc mơ thổ ghép những mảnh vụn của thời gian vào nhau, chồng chất những kỷ niệm lên nhau, không theo một trật tự nào hết, không có một chuyển tiếp nào hết, tạo thành một chiếc kính vạn hoa mê hoặc: “hoả tiễn 122 ly bay rót vào trường tiểu học Cai Lậy, đuôi lửa bay ngang ô cửa số lúc tôi tốc váy giật quần lót Nữ”. Quá khứ ở đây tầng tầng lớp lớp, vừa cá nhân vừa tập thể, liên quan cùng lúc đến một điểm chính xác và một mảng vô định trong thời gian. Tôi muốn nói đến cái chất vừa huyền thoại vừa thân thuộc trong hình ảnh của bầy rồng: “Không phải vẻ đẹp thông thường mà là nét đẹp huyền sử, truyền thống, nét đẹp cổ xưa đã có từ ngàn năm (…) Uy vũ mà thân thiện. Tôi quen chúng từ thửa sơ sinh, còn nằm ẵm ngửa mẹ bồng đến xin xăm (…) Suốt thời thơ ấu chúng tôi có bao giờ xa nhau…”.
Chén trà Thổ cũng là một loại linh dược đưa sự nhạy cảm của tâm hồn Vĩnh đạt đến cực độ của nó – “Tôi nghe được tiếng nước chảy ở đáy hồ Ba Bể, thường nhật sâu lắng, lúc này ầm ào kêu vang (…) Tôi không biết mình nằm trong buồng bao lâu, chỉ nghe rõ mọi tiếng động. Tiếng những ngọn cỏ mọc khắc khoải quanh nhà. Tiếng những cột gỗ trăn trở vặn vẹo ngoài hành lang. Tiếng mối mọt bò trong các ngạch gỗ. Thậm chí đến tiếng trứng gà vỡ trong góc chuồng tôi cũng nghe được. Những mảnh trứng vỡ rạo rạo, non nớt xen kẽ tiếng động thật khẽ, yếu đuối của từng cánh cải cúc…”. Ta hiểu vì sao trong tâm hồn đó, giới hạn giữa khoái cảm và thống khổ thật mỏng manh, đến độ một rung động nhỏ của nỗi đau có thể biến thành một tiếng ca lạc thú, và ngược lại một thoả mãn quá lớn có thể biến thành một vết thương giết người.
Chỉ kỷ niệm về ngày ra đi, gợi lên dưới những vuốt ve của Quỳ – “Đôi môi Quỳ chín rực, lên xuống, cuồng nhiệt (…) Quỳ vẫn tiếp tục, ngậm chắc, mải miết, nuốt trọn toàn thân tôi rơi trở lại vào đại dương của tuổi thơ tự sát…” – cũng đủ gợi lên cho Vĩnh tột đỉnh của hạnh phúc – “toàn thân xác tôi bỗng phủ kiến, những đàn kiến bò khắp châu thân, cắn, tiêm mật vào các thớ gân, cùng lúc người tôi tách rời ra bay qua những cánh đồng lướt gió, lửng lơ, mải mê” – và tận cùng của đau khổ – “Quỳ như kẻ thả diều bắt tôi lên cao nữa, lên cao mãi, lên cao cho đến lúc nổ tung, cho đến lúc bước chân xuống tàu bị giết. Luỡi mác chém vào đầu, chém vào vai, xẻ óc, đổ thịt, tan xương, nát sọ, máu me nhày nhụa”. Chỉ hình ảnh về chiến tranh sống lại qua tiếng hát của Quý và Chiến cũng đem lại cho Vĩnh một đam mê mới – “Quý như kẻ động kinh vừa pháo kích vừa phùng mang trợn mắt: Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù. Tôi chạy trở lên lầu, ngườI tôi bị kích động đột ngột (…) Tôi ôm ghì Nữ” – và một hận thù hững hực – “Chiến bắc loa thổi kèn đánh trống: Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt mẹ cha ông miệt mài. Tôi đâm Nữ bằng tất cả sức mạnh, trí tuệ và cơ bắp. Máu chảy ở vết thương…”.
*
Nhưng rất nhanh, người ta có cảm giác sự tồn tại song song của hai thứ tình cảm này báo hiệu không chỉ một tâm hồn vô cùng nhạy cảm, mà một nội tâm cực kỳ phức tạp, ở đó nỗi đau đớn, vật chất hay tinh thần, chỉ tồn tại để làm tăng thêm niềm khoái lạc. Đoạn nấu rồng chứng minh điều đó: “con rồng con đỏ hỏn vừa bắn về ban chiều tươi rói, khoe những thớ thịt trẻ thơ bụ bẫm. Ghê sợ. Nhưng tôi không cưỡng lại được niềm phấn kích hồ hởi của cảm giác được ăn thịt tươi lần đầu không đông lạnh. Tôi phụ với Quý luộc thịt, gói bánh tráng”. Để đạt được một giây phút thoả mãn, Vĩnh sẵn sàng hành hạ thân xác mình, thân xác kẻ khác, chấp nhận mọi cực hình, mọi xỉ nhục, ngay cả cái chết, không ngần ngại dùng đến tra tấn, bạo lực, thậm chí giết người. Hành hạ đã trở thành điều kiện không thể thiếu được của mưu cầu nhục dục. Và hành hạ càng tinh tế thì khoái cảm càng ngọt ngào. Không được quên rằng cảm giác vui thú trong cảnh làm tình với Quỳ đã được so sánh với những mũi kiến chích. Nếu không thì làm sao giải thích được những hành động khổ dâm – “cơn khát, giấc mơ, cả hai trộn lẫn thúc đẩy. Tôi nữa muốn sống nửa muốn chết (…) Bạn bè đứng trước tôi lần lượt tự sát” – hay bạo dâm – “tôi hãm Nữ tàn khốc. Tôi giết tuổi thơ của Nữ (…) Thoả mãn” – mà nhân vật này không ngừng bày tỏ?
Tất cả những tình cảm mâu thuẫn đó biến bốn cảnh quan trọng nhất của Giấc mơ thổ thành những cảnh hành xác, từ cảnh vượt biển đến cảnh làm tình, từ cảnh săn rồng đến cảnh hiếp Nữ. Ở đó, ngoài những cảm xúc cực mạnh, người ta còn gặp những chi tiết đặc biệt của trò chơi kỳ lạ này: không khí giam hãm, hung tàn, gần như siêu thực, ma quái, tạo thành cái phông lý tưởng cho các cuộc hoan lạc kiểu Sade, thêm vào đó là các dụng cụ tra tấn như lưỡi rựa chặt đầu, đinh chọc mắt, cưa xẻ xác, dây điện quất mặt. Có thể thấy cái nháy mắt của Trần Vũ gửi cho độc giả khi anh cho tên của Marquis de Sade – một trong những thuỷ tổ của nền văn học dâm lạc – hiện lên rành rành trong « rượu Armagnac Marquis de Caussade ».
Bốn cảnh hành xác trong đó cảnh vượt biển-tự sát giữ vai trò mở đầu – “tôi sắp sống những giây phút cô đơn đầu tiên”. Phần lớn các cảnh sau chỉ là những ánh phản chiếu, những âm hưởng của nó: hình ảnh đứa trẻ bị giết trong cảnh săn rồng, động tác xẻ thịt tươi trong cảnh nấu rồng, hành động tra tấn trong cảnh hiếp Nữ là những mô-típ đã có sẵn trong cảnh đầu. Có trong cảnh này một cái gì đó rất Marquez. “…Chúng tôi đi tìm cái chết (…) Tôi run rẩy vì ý nghĩ mình sắp chết (…) Nền trời mỗi lúc một một xanh…” – không thể không nhận ra ở đây những nét chung của Giấc mơ thổ với Ký sự về một cái chết đã được báo trước: bạo lực, định mệnh, nỗi chết.
Bốn cảnh hành xác trong đó phụ nữ là người giữ vai trò hướng đạo. Người mẹ đưa các con xuống tàu tự sát, tiễn các con sang thế giới bên kia. Vĩnh chẳng nói đó sao – “Mẹ tôi đau nỗi đau của người đàn bà lúc lâm bồn (…) biết đau đớn nhưng vẫn ham sanh. Tánh khổ dâm tôi thừa hưởng từ mẹ”! Sau đó, Quỳ là người đã lôi cuốn Vĩnh vào các trận hành lạc, bằng thái độ vừa khổ dâm – “Quỳ cúi gập người liếm vũng nôn. Dáng điệu mải miết say mê (…) trông thấy hình ảnh nguời đàn bà đẹp, quỳ nuốt những thứ mà mình vừa nôn ra khiến tôi càng cực ham muốn”, vừa bạo dâm – “Tôi thét gọi mẹ, bấu lấy đầu Quỳ muốn ngừng, nhưng Quỳ vẫn tiếp tục, mải miết, nuốt trọn toàn thân tôi”. Phải nói rằng, ngay từ đầu trong con mắt của Vĩnh, ở người đàn bà này mọi thứ đều đồng nghĩa với hành xác, thậm chí cả những động tác rất thông thường không thuộc lĩnh vực tình dục, như nấu ăn – “Vợ Quý đang khom lưng bổ đôi quả cật. Mấy ngón tay Quỳ mần mần lăn lăn miếng bầu dục bóng lưỡng nằm trây trên thớt. Quỳ vuốt ve, âu yếm, hết trở qua rồi lật lại, lạng bỏ nhịp nhàng những gân hôi, rồi khía. Quỳ lấy nước ở hồ Ba Bể, ngâm bầu dục cho xả nhớt, rắc một chút húng lìu, và ghép một lạng mỡ trước khi xiên”. Vẻ trẻ thơ, yếu ớt của Nữ chỉ vô tình làm khơi dậy dục vọng ở Vĩnh và tăng thêm tính bạo dâm ở nhân vật này – “Nữ lấy hai tay che ngực che bụng van lạy, tôi nắm tóc Nữ ấn đầu xuống gối bẻ quặt tay mở cúc quần mình”.
Bốn cảnh hành xác trong đó cơ thể, nhất là cơ thể người nữ giữ một vị trí trung tâm. Người mẹ đau đẻ “xẻ thịt, banh da, rạch tử cung, xé buồng nhau, mất huyết”. Người tình “chắc”, “hăm hở” với “sức vóc của người đàn bà chăm việc đồng áng”. Nữ với “thân thể tròn mịn, như cánh đồng lúa chín căng những hột thóc”. Những cơ thể tự khám phá hay được khám phá qua những cơn hành lạc. Những người đàn bà của Giấc mơ thổ thường câm lặng, như thể chỉ tấm thân họ thôi, với những nhịp điệu, cử chỉ, động tác rất đặc trưng của nó, cũng đã là một ngôn ngữ, đủ để nói lên những thèm khát và ước vọng. Có lẽ trong thẩm mỹ của mỗi nhà văn, người phụ nữ thường có một dáng điệu riêng. Các cô gái của Bảo Ninh, từ Phương và Hạnh của Nôĩ buồn chiến tranh (1990) đến Diệu Nương của Gíó dại (1992) đều có một “dáng đi mềm mại đung đưa toàn thân”. Ở Trần Vũ, người đàn bà quyến rũ nhất trong thế quỳ. Có lẽ vì vậy mà nhân vật nữ chính của Giấc mơ thổ tên là Quỳ? Tôi không rõ, chỉ biết rằng tên gọi và dáng vẻ của người đàn bà này hoà quyện với nhau một cách kỳ diệu trong tư thế “cúi gập người (…) quỳ nuốt (…) khom lưng”, trong các ngón tay khi thì “mát dịu” khi thì “nóng nảy”, “mần mần lăn lăn”. Bức tranh đẹp nhất của Giấc mơ thổ là trăm con rồng “uốn lượn nhịp nhàng tựa trăm cô gái múa lụa (…) quỳ xuống đứng lên uyển chuyển”. Nhưng sự khác nhau chỉ ở hình thức. Về nội dung, tác phẩm của Trần Vũ và Bảo Ninh cùng nói lên một điều, cơ thể của người nữ mang một ý nghĩa duy nhất với người nam: phương tiện khoái lạc và mục tiêu phá huỷ. Chẳng phải cái chết của Diệu Nương do chính những người đàn ông đã ngủ với cô gây ra? Cái nhìn của Vĩnh đặt lên cơ thể Quỳ và Nữ khác gì cái nhìn của kẻ hưởng thụ và của tên đồ tể? Tấm thân Diệu Nương quằn quại dưới làn súng của những người lính gợi lại một cách chính xác bầy rồng đang múa lượn bị ghim đạn “lỗ chỗ (…) lăn lộn ngã quỵ xuống trảng” của Giấc mơ thổ.
Chính ở điểm này, Đàn sẽ ri bay ngang rừng (1991)[1] là một tác phẩm độc đáo. Cũng đặt ra mối quan hệ giữa quá khứ, chiến tranh và hành xác, truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà chuyển đỉểm nhìn qua phía nữ giới: nhà văn nữ cho nhân vật chính và người kể chuyện của Đàn sẻ ri bay ngang rừng là Diễm, một thiếu phụ đẹp, yêu Nẫm - người anh chồng đã chết trong chiến tranh mà cô chỉ nhìn thấy qua ảnh. Chính trong những giây phút say đắm với chồng - Thản - hay những lúc quằn quại sinh con, Diễm thấy Nẫm trở về: “Bà đỡ huơ kéo cắt xoẹt cái rốn. Tôi xoạc cẳng thiếp đi trên bàn đẻ. Một người đàn ông (…) ngó tôi từ trên trần nhà. Hắn nhìn xuống gương mặt võ vàng của tôi, rồi nhìn xuống bụng, nơi cái cuống rau vừa bị cắt còn lòng thòng thò ra chỗ sinh nở (…) rờ rẫm cái cuống rau đỏ lòm máu, ánh mắt rầu rĩ nhìn tôi cười cười. Tôi nhận ra Nẫm”. Giống như Vĩnh của Giấc mơ thổ, những cuộc hoan lạc của Diễm nhuốm máu: “Tôi thèm khát được nhìn thấy, sờ thấy từng tế bào máu li ti chảy rần rật trong từng mao mạch, tưới khắp cơ thể người đàn ông nằm cùng tôi (…) Mặt trời ngả màu đỏ bầm, màu máu chúng tôi trộn lẫn máu sẻ”. Nếu trước kia nữ sĩ Hồ Xuân Hương buộc phải ví von cơ thể mình với “bánh trôi”, “quả mít” hay “hang Cắc Cớ”, giờ đây Võ Thị Xuân Hà miêu tả cận cảnh, không qua ẩn dụ, một tấm thân người nữ, viên mãn, mà chỉ tình dục mới đem lại bình đẳng với người nam. Hơn cả Thản, hơn cả Nẫm, Diễm yêu cơ thể của mình. Và nhất là không ngần ngại nói lên điều đó: “Đôi khi chúng tôi gặp những cơn mưa rừng đổ xuống tơi bời (…) Những giọt mưa quất vào da thịt lạnh buốt làm dịu cơn khát bừng bừng trong ruột. Tôi cởi áo quần cùng Thản hứng mưa cười hú hét. Thân mình tôi đẫm nước. Trắng ngần. Da thịt được mưa tưới tắm săn lại nõn nà, làm dịu vết thương vĩnh viễn của kiếp đàn bà”.
Trở lại với Giấc mơ thổ. Bốn cảnh hành xác là những cột mốc của một chặng đường trên đó nhân vật chính đi từ tội lỗi này sang tội lỗi khác: tội thông dâm, tội tổ tông, tội hiếp dâm, đi từ tự sát đến huỷ hoại, đổi từ vị trí nạn nhân sang vị trí đao phủ.
Quá khứ - Hành xác - Tội ác, là ba chi tiết gắn liền nhau trong số phận và bi kịch của Vĩnh. Cứ như thể, để đạt được tuyệt đỉnh của khoái lạc, Vĩnh phải ngược về điểm cuối của dĩ vãng đớn đau và đi đến tận cùng của lương tâm tàn bạo.
*
Nhưng một trong những điểm độc đáo trong cuộc hành trình tìm về quá khứ của Vĩnh có lẽ là sự có mặt, dù là ngắn ngủi, của những giây phút tỉnh táo, so với nỗi ám ảnh dài vô tận của Quý, của Quỳ, của Chiến. Tỉnh táo để biết mình vừa nằm mơ – “giấc mơ khủng khiếp (…) căn phòng ngợp hơi”. Tỉnh táo để nhận ra thời gian đang chảy – “tiếng động của các tế bào sinh sôi nảy nỏ rồi chết đi liên tục, sôi động hàng hàng lớp lớp, cứ mớ này đến mớ khác”. Tỉnh táo để nhận thấy sự bất lực của con người trước dòng tuôn của thời gian - nếu ở kỷ niệm tuổi thơ “chúng tôi hãy còn rất trẻ. Tuổi trẻ trông thấy…”, thì trong hiện tại, Tết Giáp Tuất, “chúng tôi hãy còn rất trẻ. Tuổi trẻ không trông thấy…”. Tỉnh táo để nhìn thấy những dấu vết không chối cãi được, ngày càng nhiều, của thời gian trên cơ thể, lúc đầu trong “đôi mắt”, “gương mặt”, sau đó trên “làn da”. Tỉnh táo để lạc quan nhờ “những giấc mơ không bao giờ tắt”.
“Chúng tôi hãy còn rất trẻ. Tuổi trẻ không trông thấy trên gương mặt, trong đôi mắt, nhưng ở những giấc mơ không bao giờ tắt”. Không phải là sự vô tình nếu những hàng chữ mở đầu Giấc mơ thổ này được in nghiêng. Để tô đậm thêm sự lạc lõng của chúng, lạc lõng của một lời nói hiếm hoi, không đến từ những cơn mộng mị mà đến từ tri thức, lạc lõng của niềm thức tỉnh và nỗi lạc quan. Chính vì vậy cái tỉnh táo vĩnh viễn chợt đến với Vĩnh trong cảnh cuối cùng, sau biết bao những giằng co, giữa mơ và thực, giữa hiện tại và kỷ niệm, giữa ý thức và vô thức, giống như một sự vỡ mộng – “Tôi trở về dinh cơ của Quý, nhiều năm sau Tết Giáp Tuất. Bốn trụ trời chỉ ngang cao tầm mắt…”. Niềm tin vào tuổi trẻ chợt tìm thấy – “tôi đọc lờ mờ câu thơ cổ văn (…) – Thanh niên phương dự ái nho lâm. Lần đầu tiên tôi hiểu nghĩa của câu thơ sáu kỷ trước. Hương rừng nho ở đâu toả thơm thoang thoảng”, cũng không khỏi mang một chút gì cay đắng, muộn màng – “gió thổi qua chín chung đỉnh đồng còn vững, đứng trơ vơ, như tiếng than của một thời đại đã khuất”. Giấc mơ thổ của Vĩnh tắt đi để nhường chỗ cho giấc mơ thổ vừa bừng nở của Nữ, người con gái yêu một chàng trai Thổ, tham gia biểu tình chống kỳ thị. Nữ là nhân vật duy nhất trong truyện biết chối từ dĩ vãng để mơ dến ngày mai. Vâng, phải có cái độ chín đó của Nữ thì mới viết được cho Vĩnh những dòng này sau tất cả những gì đã xảy ra: “Được tin chú về X. Cháu ghé về nhưng không gặp. Chuyện xẩy ra đã lâu. Cháu không còn giận chú nữa. Cháu sống hạnh phúc với Mohamed”. Những đoạn viết về Nữ cũng là những câu đẹp nhất, sáng tạo nhất, trong Giấc mơ thổ. Trong nét vẽ của Trần Vũ, người n(N)ữ là hiện thân của cái đẹp vừa cụ thể vừa huyền ảo mà người nam hoang mang chiếm đoạt, để yêu thương, hành hạ và hối tiếc: “Chiếc vòng ngọc Nữ đeo ở cổ tay rớt trên mặt đất, tôi cúi lượm thấy vỡ giữa lòng bàn tay mình một nỗi ham muốn mới kỳ lạ”.
*
Hành xác hay hành văn?
Tôi nghĩ đến số phận của chính Giấc mơ thổ. Truyện ngắn đã được in trọn vẹn trong Hợp Lưu số 19, sau đó được cắt xẻo trong Diễn Đàn số 37. Lần này, phần đầu và phần cuối của tác phẩm biến mất. “Tôi” – người kể chuyện và nhân vật chính – không có tên, cái tên Vĩnh chỉ xuất hiện trong Hợp Lưu, giống như kẻ cụt đầu. Hoàn toàn bị xoá sổ nhân vật Đình, một biến thể, một cái “tôi” khác của Vĩnh – bức tranh anh vẽ là tấm gương phản chiếu giấc mơ của Vĩnh, với “thứ ánh sáng nhạt lưa thưa lơ lửng hoe vàng rải dọc những chiều thời gian đa chiều…” và “những khối loạn sắc không tài nào (…) chụp bắt, cảm giác cùng một lúc mọi vật, thế giới đều tản mát và tập trung…”.
Tôi nghĩ đến những mảnh vỡ đã cấu thành Giấc mơ thổ, thể hiện trong những tháng ngày và địa điểm rời rạc, được ghi lại ở cuối tác phẩm, đánh dấu những bước ra đời khó khăn, khắc khoải của nó: “Date-written.27/1/94 Sàigòn Quận Nhất. Date-Compiled.23/8/94 Paris Marne La Vallée. Mise en Prod: Sinh nhật Hợp Lưu 10/91-10/94”. Chẳng phải chính Giấc mơ thổ đã so sánh lao động nghệ thuật và hành xác, bằng cách đưa ra hình ảnh một nghệ sĩ đang sáng tạo – “Bàn tay Đình lún vào mặt vải, vùng vẫy. Cả thân mình dằng co với tấm tranh. Hai cánh tay anh nắm cứng lấy chuôi dao đâm ngập đến cán (…) Vẽ mà như tra tấn, nát người”? Nó giải thích vì sao Giấc mơ thổ được bắt đầu với lời đề tựa “Về Ph.Nguyên và Võ Đh.” [2].
Tôi nghĩ đến tâm trạng tác giả lúc viết những dòng chữ như roi quất, như dao đâm, đưa người đọc nhiều khi đến giới hạn của sự chịu đựng. Những câu ứa máu, xẻ thịt, trồi da đó lại mang nhiều nét tự truyện. Như để đánh thức quá khứ? Như để sống lại cái chết?
Tôi nghĩ đến nỗi phẫn nộ của rất nhiều độc giả không chịu nổi khoái lạc của Vĩnh – khoái lạc đồi bại[3] vì chỉ tìm thấy trong đớn đau, hơn thế nữa trong bạo lực, trong nỗi chết.
Và tôi mường tượng ra nụ cười của Trần Vũ…
Đoàn Cầm Thi
Paris, tháng 6 năm 1995
[1] Đăng lần đầu trên Văn nghệ quân đội, Hà Nội, 1991.
[2] Hoạ sĩ Phan Nguyên và hoạ sĩ Võ Đình.
[3] Xem thư bạn đọc Diễn Đàn Forum (Paris) số 38.
* đăng trên Hợp Lưu số 23 (1995)
Văn bản do Trần Vũ cung cấp – V.V.