Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Thành công thương trường và bài toán thật

Vũ Kim Hạnh

Mình vừa chứng kiến cuộc phỏng vấn một anh bạn thân, là doanh nhân đang khá thành công trên thương trường. Khi ấy, anh đang trả lời một nhà báo trẻ, hỏi anh về “bí quyết thành công” khi thị trường đầy dẫy những sản phẩm cùng loại. Anh trả lời khá lưu loát. Nhưng khi nhà báo trẻ măng (và có phần hời hợt?) an tâm ra về, anh nói về những khó khăn và những cảm nhận ray rứt với cuộc sống. Anh chắc lưỡi, nhà báo hài lòng với câu trả lời kinh điển về quản trị của tôi, họ thấy đủ để nộp bài, nhưng niềm tin của người tiêu dùng, thực ra là một góc quá nhỏ so với vấn đề bao trùm xã hội mình hiện nay: niềm tin của người dân vào thể chế, vào xã hội mình đang sống.


Chúng tôi nhắc tới chuyên gia kinh tế Lâm Võ Hoàng. Anh ra đi đã hơn hai tháng. Tôi nhớ anh có một cách định nghĩa hay về tham nhũng: “siêu lợi vị trí”, để chỉ ra cái gốc của tệ mua chức mua quyền, tham nhũng dai dẳng diệt mãi không xong. Đại án chừng vô tận? Và cũng nhớ tới một định nghĩa đầy chất toán học mà TS Phan Dương Hiệu nói khi nhắc đến ý kiến bố anh, nhà trí thức đáng kính Phan Đình Diệu: “Những vấn nạn chạy chức chạy quyền, những đại án tham ô tham nhũng ngày hôm nay chứng tỏ: Quyền là một thứ hàng hóa siêu lợi nhuận và người ta phải đút lót (một cách đầu tư) để chạy quyền, rồi khi có nó thì tận thu (tham nhũng). Chúng ta vui mừng khi những đại án được đưa ra ánh sáng. Nhưng đó chỉ là bề nổi, để hướng tới triệt tận gốc vấn nạn này thì cần sự đổi mới mạnh mẽ để tăng sự minh bạch. Và để được như thế thì cần phải bỏ sự độc quyền, không thể có minh bạch nếu vừa làm vừa tự kiểm tra. Đối với tôi, độ minh bạch nhân với độ tham nhũng có “tích không đổi”. Không có xã hội nào tuyệt đối minh bạch, do vậy cũng không có xã hội nào không có tham nhũng. Nhưng tham nhũng sẽ trầm trọng hơn ở những nơi độ minh bạch thấp”.
Mấy chục năm trước, TS Phan Đình Diệu đã nói tới đại án. Bây giờ người ta cũng nói tới đại án, vẫn đại án. Thêm cái tên rất thời sự là củi gộc.
Bài toán nhân đó, vừa có một con số góp vào, là một góc cực kỳ nhỏ của sự thật được minh bạch: 1 tỉ, cho mỗi lần nâng điểm vào Đại học. Chưa phải để “ngồi nhầm ghế” của ai (giá của những chiếc ghế nhầm này ắt cao hơn nhiều), mới chỉ là vào đại học mà đã có giá chừng ấy ở Sơn La, một tỉnh nghèo miền núi, từng được biết đến với bức ảnh, tự chở xác người thân bó chiếu chay ngoài đường, từ bệnh viện về nhà bằng xe gắn máy vì không có tiền để làm khác. Vậy mà ở đó, có những "công dân" ung dung chi 1 tỉ chỉ để nâng điểm cho con?
Và tôi đọc một câu mà một đại biểu quốc hội tán thán trên hội trường: ..."Gian lận thi cử được thực hiện có tổ chức, có quy mô của những người có tiền, có quyền, có thế lực là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ, đã cướp mất cơ hội, tương lai của các em học sinh thi thật, học thật".
Ai làm giáo dục mà không đau đớn. Công dân nào không đau đớn? Và chúng ta sao cứ để cho “đầu ra” của sự thể, những cái kim trong bọc từ từ lộ diện mà không có cách giải quyết triệt để nào cho giáo dục?
Ảnh lấy từ báo Thanh Niên, chuyến xe về nhà cuối đời của chị Lò Thị Phanh ở xã Mường Sại, H.Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La (chưa có điều kiện xác minh).

Bức ảnh người đàn ông chở thi thể một phụ nữ bằng xe gắn máy ở Sơn La khiến cộng cộng xót xa - Ảnh chụp từ Facebook

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh