Truyện Hoàng Nga
Anh từ miền Bắc vào thị xã tôi khoảng giữa năm bảy lăm, lúc Sài Gòn vừa mới mất chưa đầy bốn tuần lễ. Đúng ra phải gọi là anh về, bởi bác tôi tập kết, mang anh theo lúc anh chỉ độ một tuổi. Khi bác tôi trở về, anh trở về cùng. Và lẽ ra tôi phải dùng chữ hồi hương cho trường hợp của anh mới đúng. Nhưng trông anh chẳng có gì là về. Cũng không là trở lại. Cái vẻ ngơ ngác, lạ lẫm với tất cả mọi thứ, từ khung cảnh quê nội quê ngoại, đến bầu không khí anh chưa từng được nhìn thấy, chưa từng được trải qua trong đời, không xuất hiện nhiều lắm trên mặt anh, trong ánh mắt anh, nhưng trong những lời nói dè dặt, nhỏ nhẻ, trong những ngại ngần khoảng cách của anh khi tiếp xúc với chúng tôi lần đầu, khiến chúng tôi nhận ra, quê hương của anh chẳng phải là nơi này.
Trời thị xã tôi tháng năm nóng cháy da. Anh vào. Mang dáng dấp bên ngoài, hoàn toàn chẳng có gì khác, so với những cán binh Bắc Việt, những người lính phía bên kia vĩ tuyến mới vừa tràn vào thành phố. Trên vai anh, cũng chỉ một chiếc ba lô con cóc, bộ áo quần lính bạc màu, và tất nhiên, nón cối, dép râu. Anh không đeo quân hàm. Cũng không súng ống để tự vệ, hoặc lấy oai gì cả, mặc dầu anh là bác sĩ quân y, từng phải chăm sóc, coi ngó hàng ngàn sinh mạng trong thời gian chiến tranh. Và thời quân quản, hàng bao nhiêu con người...
Trông anh bình thường. Hết sức bình thường. Phục trang bình thường. Kiểu cách bình thường. Cử chỉ bình thường. Thật đã chẳng có một nét nào đó khác lạ, để có thể phân biệt được anh với một người bộ đội cấp thấp nhất. Khi gặp anh, kể cả khi được giới thiệu, tôi đã nghĩ, chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ để ý, hoặc sẽ chẳng bao giờ nhớ mình có một người thân như vậy, nếu không trừ một điều.
Nếu không trừ, không phải cái chạm mắt đầu tiên của tôi, trên khuôn mặt có làn da mịn màng như con gái, bắt đầu hơi ưng ửng nâu vì cái nắng ác nghiệt của miền trung, nếu không là cái nhìn của anh đọng lại, sừng sững giữa mắt tôi, bàng hoàng.
Lúc ấy tôi vừa về học. Nhánh phượng vĩ cầm trên tay. Nắng lóa trên thềm nhà khi tôi bước vào. Giữa trưa, đôi tà áo tôi trắng tinh, thứ lụa nội hóa dệt hoa cúc lóng lánh sáng như kim cương. Tôi thuở ấy, mười bảy tuổi, vai mảnh eo thon, môi nồng mắt sáng. Tóc dài xõa đen tuyền, mượt mà hương bồ kết.
Khi tôi bước vào, anh nhìn ra. Tôi tràn lên như con sóng lớn. Anh lặng yên như hàng cây không lay động gió. Nhưng trong khoảnh khắc, từ nơi yên lặng của anh, một thứ ánh sáng kỳ ảo, lạ lùng nào đó đã chiếu thẳng vào tôi, khiến bước chân tôi bất thần chững lại, khiến sóng tôi thôi không còn dội lên lao xao. Tôi đã đứng yên trên ngưỡng cửa, sửng sốt ngó người thanh niên có đôi mắt và cái nhìn lôi cuốn ấy. Tôi đã không tự hỏi, người này là ai. Nhưng tôi nhớ ngay đến thơ Quang Dũng. Mắt em vời vợi buồn tây phương. Tôi nhớ thôn Đoài xa cách lắm. Em có bao giờ thương nhớ tôi...
Tôi đã đứng trân, ngó anh. Đã nhìn sững vùng mắt sâu, nhìn sững đôi đồng tử nâu trong. Sau một hồi, anh bỗng nở ra một nụ cười. Dịu dàng. Vô cùng dịu dàng, nhưng rạng rỡ và tươi tắn. Tươi tắn đến độ người nhìn buộc lòng phải cười theo. Tôi ngạc nhiên vô cùng, vì không biết anh là ai, nhưng ngạc nhiên hơn nữa, vì thái độ của mình. Không khó chịu, không xa lạ, không tỏ ra không có thiện cảm trước một người lính phương Bắc, rõ ràng là điều lạ đối với những đứa như tôi, vào thời điểm đó.
Khi tôi đã vào hẳn trong nhà, tay buông xuôi xuống theo vạt áo, định bụng sẽ đi tìm ngay Khương, hỏi anh là ai, thì anh, vẫn giữ nụ cười nhỏ nhẹ trên môi, và bằng một giọng hết sức Hà Nội, hết sức ấm, anh nói. Cẩn thận, kẻo gãy mất nhánh phượng em ạ.
Tôi lại đứng im. Cái giọng nói tỏa ra như gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ, lan xa vào bờ cát làm tôi ngẩn ngơ. Tôi không thể nào hiểu nổi tại sao lại có sự tương phản cực kỳ lạ lùng, giữa một đôi mắt u buồn, buồn vời vợi, buồn đến não lòng, với một nụ cười tươi tắn, ấm áp đến dường ấy.
Thuở ấy, tôi mới vừa biết đọc thơ, thuộc thơ. Tôi không hiểu cạn nỗi u uẩn chiều luân lạc của Quang Dũng, không biết buồn viễn xứ, nhưng lòng tôi chao động, rơi lọt vào giữa những dòng thơ. Thuở ấy tôi chưa tròn mười tám tuổi. Chưa học hết trung học. Anh bác sĩ quân y. Ở chiến tuyến bên kia mới trở về. Anh con bác, tôi con chú. Họ hàng thôi, nhưng gần. Bà con thôi, nhưng ba tôi và bác là bạn thân, học chung một lớp với nhau suốt thời thơ ấu.
Hôm ấy ba tôi ngồi từ phía bàn ăn đàng kia, nói với qua. Con chào anh. Rồi ba tôi nói tên. Cái tên. Cái tên làm tôi nhận ra ngay người mà ba tôi mới vừa nhắc đến cách đấy vài hôm. Ba tôi kể lần cuối cùng gặp bác trước ngày bác đưa anh sang bên kia vĩ tuyến, anh chỉ mới vừa lẫm chẫm biết đi, mới biết lọng ngọng gọi chú.
Cũng tối hôm ấy, Khương nói với tôi, không hiểu tại sao trên đời này lại có một người đẹp đến vậy. Khương thuở đó nhỏ thua tôi một tuổi, cũng mới vừa bắt chước tôi đọc thơ, nghe nhạc người lớn, nhưng đã sớn sác bảo, nói thật với Kha, nếu không phải là bà con, em sẽ tán tỉnh anh ấy cho Kha xem. Tôi la lên với Khương. Coi chừng ba nghe. Khương tỉnh bơ, em nói với Kha chứ đâu có nói với ba.
Và Khương thân anh thật nhanh. Khương rủ tôi dẫn anh đi uống cà phê, đi dạo phố xá. Biết tính anh hiền, con nhỏ trêu anh cộng quân xâm chiếm, và gọi anh là Thái Thú. Sau đó con nhỏ còn hỏi anh biết thái thú Tô Định hay không. Anh phì cười. Bảo nhà anh ở phố Hai Bà.
Khương trêu anh đủ điều, mặc cả với anh nhiều thứ mà chẳng sợ anh tự ái, giận hờn. Đi uống cà phê với chúng tôi, con nhỏ bắt anh không được mặc quần áo bộ đội, không được mang dép Bình Trị Thiên, không được xài nón cối. Anh phục trang quần tây xanh, áo sơ mi trắng như học trò đến trình diện. Con nhỏ la ống quần anh hẹp quá, nằng nặc đòi ba tôi phải dẫn anh đi may sắm, đổi thời trang. Lúc vào quán cà phê, anh khen nhạc tình miền Nam dễ thương, Khương hỏi anh:
- Người miền Bắc chắc có trình độ âm nhạc cao lắm, phải không?
Anh hỏi lại tại sao Khương thắc mắc như vậy, Khương bảo, tại hay nghe người trí thức miền Bắc nhắc đến những bản giao hưởng lớn, những Hội Chợ Phù Hoa, Phiên Chợ Ba Tư..., mà lại biết cả khúc nào người nhạc sĩ diễn tả cảnh người, cảnh vật. Anh cười không đáp. Tôi biết chắc anh đoán được Khương nói kháy anh vì có nghe đài phát thanh thủ đô thỉnh thoảng để nhạc giao hưởng với lời chú dẫn kèm theo. Lúc về nhà, tôi bảo Khương ác, con nhỏ phì cười bảo, nhạc mà nghe kiểu đó, nhiều lần, nhập tâm, đến một lúc nào đó thì có thể mang ra làm thành kiến thức riêng, nhưng bẵng đi năm năm, mười năm sau, không nghe lại, tình cờ thấy tên tác giả, tên tấu khúc, chắc chắn sẽ nhớ mang máng có... quen, mà không biết gặp ở đâu, nếu có người chơi khăm, nhờ đọc giùm một đoạn ký âm, thì thế nào cũng tử nạn!
Khương như vậy đó, đanh đá, ác nữa, mà chừng như không thấy anh tỏ ý buồn phiền. Nhiều lần thấy con nhỏ sẵn đà chạy quá trớn, tôi mắng con nhỏ sau lưng anh. Nhưng Khương tỉnh bơ, không chỉ với tôi, mà còn nói thẳng với anh. Em sửa sang, chỉnh đốn hàng ngũ cho anh. Nghe, anh cười. Cười hiền. Vẫn nụ cười đẹp và dịu dàng như lần đầu tiên tôi gặp. Khương gọi đó là nụ cười Thái Thú.
Khương đùa trêu anh như đùa trêu con nít, mà anh gần gũi, thân thiện. Mà anh chiều chuộng con nhỏ đủ điều. Không như tôi, bao giờ anh cũng giữ khoảng cách. Bao giờ cũng chừng mực. Đôi khi, lạ. Như không quen biết nữa là khác.
Một lần, không hiểu từ nguồn tin nào, mà Khương biết anh có bạn gái, cứ nằng nặc đòi anh đưa hình người yêu anh ra xem mặt. Anh từ chối. Nhưng đến khi con nhỏ làm bộ giận lên thì anh hoảng. Anh lúng túng biện hộ một hồi, rồi sau cùng lấy từ trong ví một tấm hình ngà ngà cũ, nước ảnh trắng đen, chắc chắn được chụp trong “cửa hiệu”, đưa ra cho Khương và tôi xem. Mặt anh đỏ ửng. Bàn tay ngập ngừng mãi, mới đẩy được tấm hình có cô gái đứng trước một phông màn cứng, vẽ dăm ba đám mây bay, xanh một màu xanh vô cùng nhạt nhẽo kém tự nhiên, bên cạnh một chậu hoa cúc không biết giả hay thật, mà vàng như nghệ. Cô gái, khoảng độ trên dưới hai mươi, mặc áo dài trắng thắt eo, cổ cao, kiểu áo dài vào cái thời loai choai hippy của tôi và Khương dạo ấy, chỉ còn được nhìn thấy trên những tấm chân dung của mẹ, hoặc của các ca sĩ lỗi thời như Thanh Thúy, Phương Dung vào khoảng cuối thập niên năm mươi. Tóc cô gái được chải phồng, kẹp lại ở sau lưng. Nói chung, là một kiểu rất quê, rất xa xưa, rất buồn cười, trong con mắt của tôi và Khương.
Thật lòng, nếu như tôi được xem tấm ảnh ấy trong một khung cảnh khác, hay của người nào đó khác, chắc có lẽ tôi đã bật ra một tràng cười. Nhưng vì là ảnh người yêu của anh, và ngay trước mặt anh, nên tôi đã cố gắng lắm để giữ sự tự nhiên. Phần tôi vừa sợ Khương sẽ bất thần thốt lên đôi lời phát biểu cảm tưởng kiểu cà chớn như thường lệ của con nhỏ. Phần khác, chẳng hiểu sao, có cái gì đó, rất khó chịu, xốn xang, cứ muốn tràn lên trong tôi.
Tôi co hai tay lại với nhau. Chờ đợi. Nhưng không ngờ, hoàn toàn khác với sự lo sợ của tôi, Khương chỉ nói. Chị ấy đẹp quá! Đẹp quá. Khương khen như vậy, rồi trả tấm hình lại cho anh. Tôi hơi khựng lại, đôi giây. Lời khen của Khương làm anh đỏ mặt, đồng thời cũng làm tôi nóng ran cả người. Tôi bất động. Anh chừng cũng bất động. Và có lẽ nhìn đi chỗ khác thì không được, nên anh đành phải nhìn cả hai chúng tôi. Trong một lúc rất lâu, chẳng ai nói với ai câu nào.
Thình lình, cũng như lời khen bất thường của mình, Khương chợt hỏi anh, y hệt như nhân viên phòng nhì tra gạn tội nhân:
- Anh còn quen với chị ấy không?
Anh lúng túng gật đầu. Khương tiếp:
- Bao giờ thì đám cưới?
Anh đáp chưa biết. Khương trợn mắt:
- Sao lại chưa biết?
Anh ấp úng. Có nhiều lý do. Khương hỏi lý do gì. Anh băn khoăn nhìn ra ngưỡng cửa, rồi quay lại nhìn chúng tôi như ban nãy. Ừ thì... phải chờ tổ chức. Gia đình. Và điều kiện công tác của anh nữa. Khương ngó thẳng vào anh:
- Đám cưới của mình, sao tổ chức, tổ quốc nào lại đòi dính dáng vô chứ hả trời?
Lần nữa, mặt mày anh lại đỏ phừng. Tôi lúc ấy chừng như đã trở lại bình thường, tôi la Khương, thì chế độ này như vậy chứ sao. Khương càu nhàu, cắng rắng thêm đôi câu. Anh mỉm cười, nhìn sang tôi tỏ ý cám ơn. Nhưng thật lòng, la thì la như vậy cho anh khỏi khó chịu, chứ bản thân tôi lúc ấy, cũng không hiểu nổi tại sao chuyện riêng tư, cá nhân của con người ta mà đảng và nhà nước lại đòi chen chân vào cho rắc rối cuộc đời.
Một hôm anh ghé lại, không có Khương ở nhà, tôi mang chuyện này ra hỏi lại với anh. Anh cười:
- Chuyện đời mà. Nhưng anh nghĩ có nhiều chuyện hay hơn chuyện chính trị.
Tôi hỏi chuyện gì. Anh nói chuyện nắng mưa, thời tiết, cỏ hoa. Tự dưng nghe anh nhắc đến cỏ hoa, tôi rủ anh xuống phố đi ngắm hoa phượng nở. Buổi chiều, trời còn chút nắng vàng vương trên sân nhà, tôi đưa anh đi dưới những con đường rợp bóng cây. Thị xã tôi trồng nhiều cây kiền kiền, những năm chiến tranh, người ta mở lộ lớn, cây cối hai bên đường bị đốn sát gốc, chỉ còn lại vài nơi xanh lá. Tôi nói với anh, ngày hai buổi đi học, tôi vẫn thường lựa những con đường này, mặc dầu như vậy, tôi phải đi gần gấp đôi chiều dài. Anh đùa, để gặp được em, anh còn phải đi hết cả chiều dọc đất nước...
Chúng tôi lang thang hết con đường rợp bóng cây, tôi đưa anh đến đường hoa phượng. Tôi hát, đường phượng bay mù không lối về, hàng cây lá xanh gần với nhau. Đang giữa mùa hè, phượng đỏ rực. Không có lá bay để mù lối về, mà đây đó, chỉ có xác những bông hoa lìa cành, rơi xuống lề đường, đỏ như trải thảm, đỏ đến ngợp mắt.
Chúng tôi đi hết con đường, rồi vòng trở lại. Tôi hỏi anh Hà Nội có trồng nhiều hoa phượng như thế không. Anh không trả lời có không, mà hỏi lại có bao giờ tôi nghe nói đến hoa sữa chưa. Tôi lắc đầu. Lúc ấy, vẫn còn quá sớm để những bài hát, hoa sữa thôi bay, ta bên em một chiều tan lớp... cho tôi tưởng tượng ra những khung cảnh hữu tình.
Tôi hỏi lại anh hoa sữa là hoa gì. Anh im lặng bước. Lát sau, anh ấm giọng kể chuyện. Nhưng thay vì diễn tả, hay kể cho tôi nghe về hoa sữa, về những con đường trồng hoa sữa ở Hà Nội, mà anh lại nói đến những đêm Hà Nội tưởng như thanh bình, những đêm Hà Nội như không có chiến tranh, trời đẫm sương trên những lối đi ở hai bên đường, ngọt ngào những ngọn gió thoảng trên vai, anh đã mải mê đi dưới những hàng cây, lòng bâng khuâng như đang ngóng tìm nửa phần hồn nào đó của mình.
Lúc chúng tôi đi hết con đường, vòng trở lại đến lần thứ ba, anh chớp mắt nhìn lên những đóa hoa phượng đỏ thẫm, kể:
- Hà Nội trồng nhiều cây, sấu, sao..., những thứ mà anh chưa hề nhìn thấy ở trong này. Chẳng hiểu vì không thích hợp đất, hay không thích hợp với người. Kha biết không, ngoài ấy có những con đường hai bên cây cao vút, cao đến nỗi khi ngước mặt lên, những ngọn lá non sẽ vời vợi, tít tắp, như gắn liền vào với bầu trời. Cây hoa sữa không cao như sao, có khi còn thấp thua cả phượng vĩ, lá nhỏ, hoa trông từa tựa như hoa chuông trắng trồng đàng sau nhà em, anh không biết cảm giác của người khác khi nhìn hoa sữa như thế nào, còn anh, anh không thấy chúng hấp dẫn. Nhưng hương hoa sữa thì đặc biệt lắm Kha ạ. Nhà bạn anh ở đường Nguyễn Du, tháng chín, khi heo may bắt đầu về, hoa sữa trên con đường này sẽ nở ra, sực nức, chung quanh đấy sẽ đặc mùi hương. Anh thường phải đón bạn về học mỗi ngày, nhưng thật anh chỉ thích loanh quanh ở xa xa, để nghe mùi hoa thoang thoảng bay trong gió. Cái thứ hương, đi đâu rồi cũng phải ngoái đầu nhìn trở lại... Hà Nội, còn có những mùa, chim thiên di về làm tổ, đi dưới những vòm lá, nghe tiếng ríu rít đến vui tai.
Hà Nội của anh, nồng nàn như một hơi thở ấm. Chiến tranh quả là đã không có mặt trong những ngọn gió heo may, những chớm đông se lạnh, những hàng cây cao chót vót, những tiếng chim rộn ràng của anh. Tôi đã lắng nghe anh, như nghe anh kể chuyện tình, kể về người tình. Khi anh kể chuyện, giọng anh ấm, trầm xuống đến cung bậc thấp nhất, nên nghe như nghe một tấu khúc, một bản giao hưởng không cần chú dẫn.
Chúng tôi cứ đi, như đi trong mỏi mê, huyền hoặc. Anh kể thêm những ngày sơ tán về ngoại thành, đêm đêm, nằm nhìn sao trên trời, lòng réo rắt không nhớ người yêu, mà chỉ nhớ một khoảng trăng lấp ló giữa những hàng cây xanh lá. Rồi anh đọc cho tôi nghe bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Mắt trừng gửi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Và anh hỏi tôi biết Xuân Quỳnh không. Tôi đáp không. Anh đọc cho tôi nghe những bài thơ tôi chưa hề nghe, chưa hề được dạy trong trường vào lúc giao thời buổi ấy. Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông nhường nào. Chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu, về đâu. Những ngày không gặp nhau, biển bạc đầu thương nhớ, Những ngày không gặp nhau, lòng thuyền đau rạn vỡ...
Hôm ấy, mãi đến chạng vạng tối, chúng tôi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện về nhà. Nhưng dọc đường đi, tôi còn kéo anh sang một ngõ có trồng hoa ti gôn trắng, lá hoa leo đến tận nóc nhà. Tôi bảo tôi biết hoa ti gôn nhờ đọc thơ bà T.T.Kh. Và bảo sẽ đi tự tìm một bài thơ có hoa sữa của anh.
Khi chúng tôi về đến nhà, hiên nhà tôi đã lên đèn. Tự dưng vừa dừng chân trước sân, anh bỗng ngập ngừng nói khẽ, anh không dám vào, nhưng rồi vẫn bước theo tôi lên thềm. Bảo trễ quá, thế nào chú cũng mắng. Và rồi anh lại tiếp, mà em vào một mình chắc chú sẽ giận hơn. Lúc ấy tôi chưa tròn mười tám tuổi, tôi chưa hề nghĩ, chưa hề biết đến những điều ẩn đằng sau các câu nói của anh, cũng không hiểu tại sao bỗng dưng anh lại sợ như thế. Chỉ nhớ quả đúng như anh nghĩ, ba tôi giận thật. Ba tôi gặng hỏi chúng tôi đã đi những đâu bằng một giọng hết sức kỳ lạ, một thanh âm hết sức khó chịu chưa bao giờ sử dụng với tôi, huống gì là với anh.
Hôm ấy tôi không nhớ nổi anh trả lời như thế nào với ba tôi, nhưng mãi đến hơn hai mươi năm sau, tôi vẫn không thể nào quên được ánh mắt vời vợi buồn khi anh quay lại nhìn tôi trước lúc bước chân xuống thềm, cùng nụ cười con nhỏ Khương vẫn hay trêu đã không hề nở ra lần nữa. Tôi mất hút anh. Anh về Hà Nội, hay anh đi đâu tôi không rõ. Cũng không biết được anh làm gì. Cái tên anh, sau đó, chừng như bị xóa mất trong gia đình tôi.
Có rất nhiều lần, tôi dự định hỏi thăm tin tức anh. Nhưng không ai cho tôi cơ hội. Không ai nhắc đến anh. Chưa tròn mười tám tuổi, nhưng sự nhạy cảm dạy cho tôi biết, khi cả con nhỏ Khương mà cũng không hề nhắc đến anh, có nghĩa chẳng ai muốn nhắc đến anh. Có nghĩa, hẳn nhiên, tôi không được phép nhắc đến anh.
Năm năm, mười năm. Rồi tận đến hai mươi mấy năm sau, bài thơ tôi nói với với anh, tôi chẳng tìm thấy được ở đâu. Lại càng không có dịp được nhìn thấy hoa sữa nở và ngát hương như thế nào.
Lần tình cờ trong một chuyến về thăm nhà, tôi và Khương ra Hạ Long, trời bão, bất đắc dĩ phải nằm vùi trong khách sạn, bật ti-vi lên giải sầu, tôi đã giật cả mình khi nghe bài thơ của Xuân Quỳnh đã được phổ nhạc một thời, rồi bị lãng quên nhiều thời được hát trong một chương trình văn nghệ. Tôi đã ngẩn ngơ nhìn người ca sĩ mặc áo dài tha thướt thắt eo, cổ cao thời cuối thập niên năm mươi nay đã trở nên thành thời trang, đang thong thả nhả ra từng câu hát, những ngày không gặp nhau, biển bạc đầu thương nhớ... Cuối cùng, kiềm lòng không được, tôi chồm dậy hỏi Khương có còn nhớ anh không. Khương nằm im nhìn lên trần một hồi, mãi sau mới hỏi lại:
- Kha có biết ngày xưa ba nghi ngờ anh ấy không?
Tôi nằm im. Hai mươi mấy năm, sau khi đã không còn gặp anh lần nữa, sau khi tôi đã lập gia đình, có con, sau khi đã trải qua nhiều nỗi lắng lo, ưu tư không thể gọi là vu vơ, hẳn nhiên tôi đã hiểu được ba tôi, thông cảm được tâm trạng bất an của bậc làm cha mẹ như vậy, và hẳn nhiên cũng đã có lần nghĩ đến điều Khương vừa hỏi, nhưng thật tình, tôi vẫn để lòng buồn. Tôi đoán sau lưng tôi, ba tôi đã nói nhiều điều, hay ít nhất là một điều gì đó, xúc phạm, đến nỗi, anh đi mà không hề gửi lại một lời chào.
Anh đi. Biến mất thì đúng hơn, như vào cổ tích. Khương nói với tôi, hồi ấy Khương biết tôi buồn, Khương cũng buồn, nhưng nỗi buồn của Khương vô tư, trong sáng như ánh nắng ban ngày. Em không dám hỏi han Kha, bởi vì em cũng sợ. Khương kể như vậy, khi tôi gát tay lên trán, nhắm mắt không nhìn lên màn ảnh đài truyền hình, tai lắng nghe giọng hát trong vắt, tỏa tràn ra trong không. Những ngày không gặp nhau, lòng thuyền đau rạn vỡ... Nếu phải cách xa nhau, em chỉ còn bão tố.
Nếu phải cách xa nhau, em chỉ còn bão tố. Lòng tôi thời cách xa anh, không thể thành bão tố, không được phép rạn vỡ, không được râm ran đau. Nhưng mỗi trưa về học, dẫu đã cố gắng hết sức, tôi vẫn ước ao, và vẫn mường tượng ra một đôi mắt như thơ Quang Dũng, một nụ cười con nhỏ Khương vẫn hay trêu, Thái Thú, sẽ xuất hiện đâu đó trên hiên nhà, sau ngưỡng cửa.
Những chùm hoa phượng vĩ bao nhiêu năm trời sau, khi không còn gặp anh nữa, bạn bè hái tặng, tôi chỉ cầm về được gần đến nhà là vất vào một gốc cây, một hiên nhà vắng nào đó. Chưa tròn mười tám tuổi, tôi không hiểu hết được nỗi lòng bão tố, không thấu tận niềm đau rạn vỡ của thuyền. Tôi chỉ thấy lòng tôi trống trải, nghẹn ngào.
Ngày ở Hạ Long về Hà Nội, tôi rủ Khương đi tìm đường Nguyễn Du, xem hoa sữa nở như thế nào. Trời Hà Nội bắt đầu heo may, tháng chín đã về chẫm rãi bằng những hạt sương se lạnh trên vai buổi sáng, mùa những hàng cây lá trở màu, mùa của những câu chuyện kể của anh. Nhưng vì Khương vội, chúng tôi chỉ lẩn quẩn ở phố hàng Chiếu, hàng Đường, rồi giã từ Hà Nội.
Hương hoa sữa, ước ao mãi, mà tôi vẫn chưa được nghe thoảng qua, từ một góc phố ngày nào đó anh đi...