Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Văn Đoàn Độc Lập trong bước thử thách mới

Tiêu Dao Bảo Cự

Ban Vận Động Thành Lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam (sau đây gọi tắt là Văn Đoàn Độc Lập hay Văn Đoàn) hiện nay có thể nói đang đứng trước một vận hội mới khi Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam chỉ đạo gạch tên các hội viên là thành viên Văn Đoàn, không cho đi tham dự đại hội Hội Nhà Văn sắp tới.

Từ ngày hình thành, Văn Đoàn đã gặp nhiều thử thách: bị vu cáo là tổ chức phản động, do các thế lực thù địch giật dây; các thành viên không được đăng bài trên các báo chính thống; một số bị o ép hù dọa cả bản thân và gia đình; một số tự ra khỏi Văn Đoàn (có người vì lý do hoàn toàn riêng tư, có người do bị o ép…). Thử thách này là một yếu tố khách quan tác động chứ không phải do nội bộ Văn Đoàn nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề đối với người trong cuộc.

Nhà văn Phạm Thị Hoài trong bài viết “Bạn muốn gì ở Hội Nhà Văn Việt Nam” (Bài đăng trên báo Trẻ, 11/5/2015, đăng lại trên FB https://www.facebook.com/notes/10206278409175926/ ) đã phân tích một cách triệt để, nghiêm khắc cách ứng xử của một số nhà văn thành viên Văn Đoàn Độc Lập và đặt thẳng câu hỏi về vai trò đích thực của cả Văn Đoàn.

Phạm Thị Hoài phân tích rất đúng nhưng có tính cách thuần lý vì chưa đặt vấn đề trong bối cảnh của tình hình Việt Nam hiện nay. Bối cảnh đó có thể tóm tắt trong mấy đặc điểm:

- Ở trong nước, nỗi sợ vẫn còn đè nặng lên mọi người, dĩ nhiên không loại trừ các nhà văn, chế độ độc tài toàn trị chi phối mạnh mẽ và khắc nghiệt toàn xã hội.

- Đối với những người còn trong bộ máy nhà nước và cả dân thường, quyền lợi và nhu cầu mưu sinh là mối quan tâm hàng đầu, nếu không nói là sinh tử.

- Tình hình chính trị - xã hội về một cách nhìn, là một mớ bùng nhùng, đôi khi thiện – ác đan xen, tốt – xấu lẫn lộn, đối lập – thỏa hiệp mập mờ…

- Đối với những người đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền nói chung, đây là một hình thái du kích chiến, không phân biệt rõ ràng chiến tuyến, theo kiểu lấn từng bước, chiếm từng phần, trên một bản đồ da beo mà phần tự do còn rất hạn hẹp.

Vì vậy nên trong Văn Đoàn Độc Lập có chuyện vào ra, thành viên bị gạch tên, phát biểu kiểu Trần Kỳ Trung, chuyện Hữu Thỉnh cụng ly, thành viên là hội viên Hội Nhà Văn tuyên bố ra khỏi hội với nhiều kiểu phát ngôn khác nhau…

Văn Đoàn Độc Lập, với tên gọi Độc Lập của mình, với những mục tiêu xác định trong bản Tuyên bố ra mắt, cũng như sloggan “Vì một nền Văn học Việt Nam tự do, nhân bản” của trang web Văn Việt, diễn đàn của Văn Đoàn, đã khẳng định một vị thế và hướng đi khác hẳn với Hội Nhà Văn Việt Nam, một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do đảng Cộng sản lãnh đạo.

Do đó, các câu hỏi nghiêm túc và gay gắt của Phạm Thị Hoài, một đồng nghiệp đang ở nước ngoài, trong bài viết nói trên, làm cho người ta không thể không suy nghĩ:

Câu hỏi đặt ra là: Văn đoàn Độc lập đang được vận động thành lập sẽ nằm ở tọa độ nào?”

“Chẳng lẽ Văn đoàn Độc lập phải sinh ra, với bao rắc rối và hoài bão lớn lao, chỉ để cung cấp thêm một người bạn nữa, bé nhỏ nhưng mà thiện tâm, cho Hội Nhà văn? Nó mong được Hội coi trọng hay coi thường?”

“Chỉ lặng lẽ thôi sinh hoạt Hội hoặc tuyên bố mừng muộn khi bị Hội gạch tên, theo tôi, là không đủ trong bối cảnh cụ thể của sự kiện này. Phần lớn trong số họ là những tác giả đã ngoài sáu mươi, đã thành đạt về cả phương diện nghề nghiệp lẫn vị thế xã hội và hoàn toàn có thể độc lập tồn tại ngoài guồng máy văn nghệ chính thống. Nếu những người như thế còn nấn ná trong vòng trói buộc thì họ sẽ vận động được ai tham gia?”

Văn Đoàn Độc Lập từ khi hình thành hoạt động chủ yếu thông qua trang web Văn Việt và những gì làm được đã cho người đọc một niềm hi vọng nhưng trước mắt còn là một quãng đường rất dài.

Việc Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn thành công dễ dàng trong việc “gạch tên” các hội viên là thành viên Văn Đoàn qua các cuộc họp từng khu vực cho thấy sự thao túng của Hội và ngoan ngoãn của hội viên, một tình hình đáng buồn cho văn giới, những người được coi là trí thức có tiếng nói của lương tri và trí tuệ.

Sự kiện mới nhất 20 thành viên Văn Đoàn tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn, phần lớn do “tác động gạch tên” của Hội này, dù là một cách phản ứng thụ động chứ không phải hành vi chủ động, cũng là một quyết định chọn lựa mạnh mẽ và minh bạch, một bước tiến mới trên quãng đường còn lắm chông gai.

Đó không chỉ là lựa chọn của các thành viên Văn Đoàn mà còn là của bất cứ nhà văn nào nếu thực sự muốn làm một nhà văn chân chính và cũng để tránh tình trạng đáng buồn theo cách nói mang tính hình tượng và ẩn dụ của Phạm Thị Hoài “những văn hào quốc doanh thành đạt đang chùng chình trước buổi hoàng hôn của Đi tìm cái Tôi đã mất”

TDBC

13/5/2015