Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (96): DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH

Doãn Quốc Sĩ

Chương 6

Thuyền ơi thuyền,

Thuyền trôi nơi đâu…

Phải đợi hai ngày nữa Thiệu mới được gặp Yến để vẽ portrait cho nàng. Hai ngày không gặp nhau - khoảng thời gian dài đằng đẵng. Các cụ ngày xưa bảo: một ngày chẳng gặp coi tày ba thu - "nhất nhật bất kiến như tam thu hề" - kể cũng không ngoa. Câu nói thật gợi cảm, tuy bây giờ đã thành sáo ngữ.

Trời về chiều, Thiệu bật đèn rồi mở tấm bìa cứng vẫn dùng để cặp giấy croquis; bên trong, cài gọn vào phía góc là tấm hình chụp bức họa khỏa thân "Ngọn Nguồn" (La Source) của Ingres. Thiệu đăm chiêu nhìn bức họa với một vẻ thành kính giáo đường. Người trinh nữ có khuôn mặt hiền, đôi mắt xa vời vợi, bộ ngực tròn trinh bạch, dòng nước từ bình đổ xuống mát rợi như dòng thời gian một đêm xuân trong đó tơ trăng đan cùng tơ gió để lọc các âm thanh từ hoa lá bốc lên, từ các vì sao đổ xuống.

Bên dưới bức "La Source" là sáu hàng chữ nhỏ trích trong bài thơ "Tranh Lõa Thể" của Bích Khê - một thi sĩ tiền chiến:

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?

Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?

Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường

Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc

Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

Và chút trăng say đọng ở lằn môi

Mỗi lần ngắm "La Source " như vậy Thiệu thấy thời gian như ngưng đọng, đúng hơn thời gian nhẹ lướt đi mà chàng không biết.

Rồi hai ngày qua ... Thiệu đến với Yến lấy croquis để nghiên cứu. Kể ra thì lấy croquis xong Thiệu có thể căn cứ vào đấy mà vẽ lên vải, nhưng không muốn xa Yến, và cũng muốn cẩn thận lấy ánh sáng cho đúng, chàng mang cả khung vải cùng bút sơn lại vẽ Yến ngay tại chỗ.

Mỗi lần ngồi chờ Yến sửa soạn, Thiệu mở nhìn bức tranh "La Source ". Chàng muốn đắm hồn mình vào một niềm rung cảm cao khiết trước khi thể hiện vẻ đẹp lý tưởng của Yến. Có lần chàng mải ngắm bức tranh xuất thần đến nỗi Yến tiến lại đứng bên lúc nào không biết.

Về phần Yến thì sao? Ngay từ buổi đầu tái ngộ,Yến đã biết Thiệu còn yêu mình lắm. Nhìn vào gương mặt Thiệu, Yến thường bạo dạn để mặc hồn mình muốn trôi đi đâu thì đi. Nhiều khi nàng thấy hình như mình đắm vào một thế giới huyền ảo nhưng không hôn mê nên khó đánh dấu không gian - tuy rằng mỗi xuân một vẻ. Điều đó gây cho Yến một cảm giác khá phức tạp: nàng vừa sung sướng vừa sầu khổ. Sung sướng vì tự thấy lạc lõng một cách thân mật vào một tình yêu kỳ lạ khiến cho người yêu lẫn người được yêu như cùng chuyển hóa sang một kiếp khác trong đó màu sắc, âm thanh, tâm tình thẩy đều thanh tao sáng láng muôn phần. Nhưng đồng thời Yến băn khoăn ngỡ ngàng đến sầu khổ vì phải tự đặt câu hỏi: "Hay là Thiệu yêu một thần tượng nào qua mình? Sao tình yêu thiết tha đằm thắm hồi hộp là vậy mà vẫn giữ bề ngoài trầm lặng."

Phải, nàng có thể kiêu ngạo với tình yêu ấy lắm nhưng chỉ có thể kiêu ngạo như ý muốn khi xứng đáng với nó, thành thử tình yêu càng thần thánh bao nhiêu nàng càng phải lớn bằng thần thánh bấy nhiêu. Giả sử - Yến biết lắm - nàng tầm thường thì chỉ có nàng rơi xuống mà ngẩng lên nhìn chính hình ảnh lý tưởng của mình vẫn vòi vọi trên cao. Chao ôi, Yến tự biết mình chỉ là một người đàn bà, bởi vậy nhiều khi nàng đành phải tránh cái nhìn của Thiệu và muốn kêu lên ảo não: "Anh Thiệu, Yến không muốn lớn bằng thần thánh, Yến chỉ muốn lớn bằng người!"

Đã mười ngày qua Thiệu vẽ Yến.Trong khi vẽ, Thiệu nói chuyện vui. Thiệu có nhắc dĩ vãng nhưng chỉ nhắc những điểm hài hước. Thiệu kể lại ngày nhảy xuống nước cứu Yến ở bến phà, hỏng cả chiếc áo trúc bâu mới, về nhà nghiến răng chịu đòn bên cối xay dưới bếp, xa ... thật xa nhà Yến.

Nghe chuyện, Yến cười như trẻ thơ, tiếng cười đem thêm ánh sáng xuân tình vào hồn Thiệu.

Thiệu nhắc lại cả lá thư tình đầu tiên trao cho Yến, bên dưới những câu lâm li có kín đáo gạch bút chì đỏ.

Vẫn tiếng cười đậm đà của Yến tô điểm cho câu chuyện, nhưng lần này Yến nói thêm:

- Anh có biết không, bức thư đó tôi giữ mãi đến ngày sắp về nhà chồng mới đốt đi.

Trời, thì ra Yến có chú ý giữ bức thư! Thiệu toan hỏi vì sao vì sao dạo đó Yến lại bảo chàng: "Đừng anh Thiệu ạ!" Nhưng Thiệu nghĩ câu hỏi đó thực là thừa vì Yến đã giữ thư đó đến ngày cưới kia mà.

Khi không nói chuyện vui, Thiệu lẳng lặng nhìn Yến rồi nhìn bức tranh, rồi ngọn bút sơn đưa lên đưa xuống thốt tiếng kêu nhè nhẹ trên vải rồi Yến như đến ngồi vào bức tranh ... rồi Thiệu như đi vào tranh ... Nhiều khi Thiệu cất tiếng hát khe khẽ, tiếng hát thoát ra từ cõi vô thức vì chính Thiệu, Thiệu không ngờ mình hát. Giọng chàng âm thầm lắm thì phải, chàng hát bản "Tình Ca Không Lời" Simple Aveu (Lời thú đơn giản)

Ánh trăng muôn trùng xa mờ

Ngàn cây cùng lên tiếng chơi vơi

Khiến lòng xao xuyến bâng khuâng

Hồi tưởng nhớ bao năm...

Thời thơ ấu êm đềm ...

Biết bao nhiêu tình thương ... buồn ...

Có lần Yến hỏi kéo chàng ra khỏi giấc mơ dĩ vãng:

- Anh Thiệu hát bài gì đó?

Thiệu giật mình thoáng ngơ ngác rồi cười:

- À, một bản romance sans parole.

- Ô hay, đã romance sans parole sao còn có lời?

- Lời tôi làm!

Yến cười lắc đầu:

- Anh thật lẩm cẩm.

Đến gần một phút sau Thiệu mới mỉm cười theo:

- Có lẽ tôi lẩm cẩm thật!

Rồi hai người nhìn nhau, nụ cười vẫn giữ trên miệng, biết bao nhiêu là thơ, như một tia nắng quái bao dung còn dừng lại trên một khoảng đồi dào dạt gió chiều.

Thiệu dự định vẽ xong, khi trao bức họa cho Yến, Thiệu sẽ nói: "Đây là đồ sính lễ đầu tiên của anh, Yến ạ." Nhưng tới lúc bức họa gần xong Thiệu suy nghĩ lung lắm. Thiệu tự hỏi: đã nên hỏi Yến làm vợ chưa? Không phải Thiệu ngại Yến là gái góa hai con, không phải Thiệu ngại Yến giàu hơn mình nhưng chàng ngại về chính chàng.Thực vậy, tương lai của Thiệu chưa có gì bảo đảm. Nghề làm báo ở xứ này đâu phải là một nghề có thể nuôi sống mãi mãi được người theo đuổi nó. Về kiến thức chuyên môn thì tuy chàng đã tự học hỏi nhiều về hội họa nhưng sao bằng có trường, có thày, có bạn để thực sự được học hỏi trong một không khí học hỏi thuận tiện. Thiệu chân thành nghĩ rằng mình đã chẳng phải là thần đồng, chẳng phải là hạng người "sinh nhi tri," một khi việc học thiếu căn bản, làm sao tài năng có đà phát triển để tác phẩm đạt tới mức giá trị vĩnh cửu? Vẫn trong suy tư chân thành đó, Thiệu rùng mình nghĩ đến cuộc đời nghệ sĩ của chàng rồi đây sẽ vĩnh viễn chỉ là thứ chim non ra ràng quanh quẩn bên tổ mẹ, lấy vòm cây làm trời xanh.

Lần đầu tiên kể từ ngày gặp lại Yến, Thiệu thấy nỗi buồn xâm chiếm cõi lòng ngay cả khi có Yến trước mặt.Thiệu thấy mình quả là kẻ công chưa thành, danh chưa toại. Điều thắc mắc đó Thiệu cho rằng nếu quả chàng biết tự trọng thì chàng nên liệu mà tự xử.

Tự xử? - Làm thế nào cho công thành danh toại bây giờ? Thiệu nghĩ đến hy vọng sẽ được tòa Đại sứ Pháp cấp học bổng. Chàng sẽ là họa sĩ tốt nghiệp ở trường Mỹ Thuật Ba Lê.

Nhưng liệu Thiệu có được cấp học bổng? Nếu có, lại một vấn đề mới đặt ra: ít nhất chàng sẽ phải xa Yến hai hoặc ba năm. Với tuổi của chàng, với tuổi của Yến đâu phải chuyện có thể nhẩn nha gối đầu lên thời gian mà chờ đợi xây dựng cuộc đời?

Yến có thể theo Thiệu sang Pháp? Chẳng nên thế! Còn cửa hàng, còn việc học của hai đứa trẻ. Yêu Yến, nỡ nào bắt Yến phải quyết định nhất đán xô đổ một hiện tại đã thành nề nếp để dấn thân vào một tương lai bấp bênh?

Hay là ... nếu được cấp học bổng Thiệu sẽ cấp tốc làm lễ thành hôn với Yến rồi đôi bên hưởng tuần trăng mật trong chừng một hai tháng. Sau đó Thiệu đi, Yến chờ đợi. Xét ra chỉ còn có cách đó. Kể ra chẳng lấy gì làm êm đẹp lắm nhưng còn biết làm sao hơn? Danh dự không cho phép Thiệu cam chịu ở lại nhà, bên một người vợ đã thành đạt.

Ngày cuối cùng, Yến lo lắng thấy Thiệu đãng trí hẳn. Khi nàng hỏi, Thiệu làm vẻ tươi cười để cải chính, nhưng chỉ mấy phút sau tia nhìn của Thiệu đã lại chìm đi đâu.

Rất có thể Yến thoáng ngờ vực Thiệu đương nghĩ đến một bóng đen nào mà Thiệu rắp tâm xây dựng tương lai, vì suốt trong mười ngày qua tuy câu chuyện có thân mật nhưng không hề thấy Thiệu đá động đến chuyện trăm năm nữa.

Phút cuối cùng hoàn thành bức họa, Yến mới thấy Thiệu hết vẻ thắc mắc. Chỉ vào bức vẽ, Thiệu nói:

- Với Yến phải sửa lại câu tục ngữ là "gái hai con trông mòn con mắt" mới đúng.

Yến cười:

- Thôi đi ông, đừng nịnh!

Thiệu nghiêng đầu nhìn bức tranh rồi tiếp:

- Kể bức họa thế này là xong nhưng tôi vẫn chưa bằng lòng màu xanh nhạt ở khoảng trống bên trái phía mái tóc Yến, có lẽ tôi đem về ngày hôm nay để nghiên cứu lại xem nên dùng màu gì khác cho thật nổi.

Yến gật đầu:

- Phải, anh nên nghiên cứu cho kỹ đi. Bức tranh phải toàn bích mới được!

Yến cười tiếp liền:

- Toàn bích theo ý anh chứ còn với tôi thế này cũng là toàn bích lắm rồi.

Thiệu nói:

- Ngày mai sửa xong tôi sẽ đến đón Yến. Nếu Yến cũng đồng ý, chúng ta sẽ mang tranh về đây tính chuyện treo ở khoảng nào.

- Thế mai độ mấy giờ anh đến đón tôi?

- Ba giờ chiều, nhất định đúng ba giờ chiều Yến nhá.

- Thôi được, cứ giờ đó tôi đến gặp anh!

- Không được, Yến phải ngồi xe 2 chevaux của tôi.

- Thì tôi đi xích lô lại, hay đi chân lại là cùng chứ gì.

- Càng không được! Để Yến ngồi xe 2 chevaux cũng đã là quá lắm rồi. Có những thứ hoa buông rủ ở ngoài hiên làm bạn với sương gió thì đẹp, như phong lan chẳng hạn: có những thứ hoa cắm trong lọ bầy trên bàn thì đẹp, như cẩm chướng, glaieul chẳng hạn. Sắc đẹp của Yến thuộc loại hoa nào tôi chưa tìm ra, nhưng phải là thứ hoa mà người ta bọc giấy bóng kính rồi còn để trong tủ kính nữa.

Yến cười khanh khách rồi lắc đầu:

- Câu nói đó có thể là khen, mà cũng có thể là chê.

Thiệu cũng cười:

- Câu đó không khen, mà cũng không chê đâu Yến ạ, câu đó chỉ nói lên một sự thực khách quan.

Rối hai người chia tay. Thiệu mang bức tranh và các đồ vẽ ra xe.

Yến hẹn với:

- Mai ba giờ anh nhé.

Thiệu đáp:

- Đúng ba giờ!

Đôi bên còn nhìn nhau một lần nữa. Có lẽ kể từ nay, ngày nào ít nhất hai người cũng nên được nhìn nhau một lần như vậy thì cuộc sống của ngày đó mới khỏi vô nghĩa.

Thiệu mang máng nhớ có lần được nghe người thuyền chài kể: đem con cá bể thả vào chậu nước ngọt, cá không chịu được, nhưng chỉ cần múc một thìa nước biển đổ vào là con cá bơi lội thảnh thơi ngay, hình như thìa nước biển đem lại ý nghĩa cuộc sống cho cá. Thiệu nghĩ rằng giây phút nhỏ bé trao đổi tia nhìn với Yến cũng là một cách rót thìa nước biển để đem lại ý nghĩa so sánh đó làm ấm lòng Thiệu nhưng tối đến, khi Thiệu đứng trước giá vẽ nhìn bức tranh sẽ làm đồ "sính lễ " bao điều băn khoăn thắc mắc cũ tuần tự xuất hiện trong trí, y như một cuốn phim đem chiếu lại.

Kết cục Thiệu nghĩ:

"Hay là ... nếu được cấp học bổng mình sẽ cấp tốc làm lễ thành hôn với Yến rồi đôi bên hưởng tuần trăng mật trong chừng một, hai tháng. Sau đó mình đi, Yến chờ đợi. Xét ra chỉ còn có cách đó; kể ra chẳng lấy gì làm êm đẹp lắm nhưng còn biết làm sao hơn?"

Còn biết làm sao hơn?

Câu nói "vô hình" đó cứ lẩn quẩn hoài trong trí Thiệu trong khi chàng sửa lại một vài đường, vờn thêm một vài nét và đổi màu xanh nhạt khoảng bên trên mái tóc Yến ra màu tím ngát.

Tới một giờ khuya Thiệu mới lên giường. Cấp tốc thành hôn ... Hưởng trăng mật ...Thiệu đi.. Yến chờ ... Còn biết làm sao hơn? ...

Thiệu chập chờn thiếp ngủ mà thấy hồn bồng bềnh như con thuyền, con thuyền xuôi dòng đấy mà vẫn chẳng biết sẽ trôi về đâu.